Hôm nay,  

Đặt Tên Cho Con

13/08/202400:09:00(Xem: 2262)

 bo-sach-vvnm


Tác giả tên thật Lại Ngọc Thành, định cư tại Hoa Kỳ từ 1984, cư dân Houston, nghề nghiệp Computer Engineering nay đã về hưu.  Ông đã tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2005 và nhận giải thưởng năm 2006 với bài viết "Nước Mắt Chảy Xuôi". Sau đây là bài viết mới nhất của ông kể vui về chuyện đặt tên và niềm hạnh phúc khi có con trai đầu lòng.

 *

Tôi có cả thảy vừa tròn một chục anh chị em. Một chục đây là mười mạng chẵn chòi, không dư không thiếu. Chứ tính theo kiểu chục xoài hay chục cam chục quít ngoài chợ Cầu Ông Lãnh chắc phải tới mười hai. Nếu chịu khó đi xa một chút, về miệt Sa Đéc Long Xuyên hay Chắc Cà Đao, có nơi một chục lên tới mười tám! Tôi lại mắc cái tật dông dài nữa rồi, đang nói chuyện anh chị em trong nhà, tôi lại loay hoay bắt sang chuyện trái cây ở dưới mấy tỉnh miền Tây xa lơ xa lắc. Má tôi nói ai đi sanh mà lỡ dại dắt tôi theo chắc có nước đau đẻ cả tháng mới sanh cũng vì cái tật dài dòng văn tự này!

Vì có đông con như vậy nên ba má tôi đặt tên cho anh chị em tôi cũng có phần hơi ... dễ dãi: hể đứa nào tuổi con gì thì cứ lấy tên con đó mà đặt cho gọn. Cũng may, ba má tôi còn biết lấy tên trong mười hai con giáp như Thân Dậu Tuất Hợi, chứ không đến nỗi thẳng ruột ngựa như như Khỉ, Gà, Chó, Heo, mà nếu có như vậy chắc tụi tôi trốn trong nhà khóc thét lên chứ làm gì dám ló đầu ra ngoài xóm chơi nữa.

Thiệt tình mà nói thì tôi cũng không lấy làm khó chịu lắm với cái tên cúng cơm của mình: Nguyễn Văn Thân, nghe qua cũng có vẻ ... thân ái lắm chứ bộ! Nhưng mấy bà chị của tôi thì lại khác, nhứt là bà chị Hai của tôi, hể có dịp là bả đem cái vụ tên tuổi ra cằn nhằn má tôi. Chắc tại bả lớn nhứt, nên sớm thấy mắc cỡ với cái tên Nguyễn Thị Mùi đơn sơ mộc mạc của mình! Bả ưa lầu bầu, thí dụ như:

- Bộ tiếng Việt hết chữ rồi sao mà má đặt tên cho tụi con gì kỳ cục vậy? Nguyễn Thị Mùi, nghe quê một cục! Con đâu có kêu má đặt tên nổ như bắp rang như là Diễm Kiều, hay như là Mỹ Lệ gì cho cam, mà má chỉ cần đặt đơn giản là Nguyễn Thị Mai, thì nghe hay biết bao nhiêu!

Má tôi bán cái qua ba tôi:

- Tên tụi bây là do ba tụi bây đặt! Ổng đi làm giấy khai sanh chớ tao chửa đẻ nằm giường than kiêng cử cả tháng ở nhà, có đi làm đâu mà bây giờ tụi bây cằn nhằn tao.

Bà chị Hai tôi cũng còn ấm ức:

- Nhưng ít ra má cũng phải có ý kiến ý cò chứ! Con Hợi mai mốt lớn lên có thằng con trai nào hỏi nó "Em tên gì?" thì còn lâu nó mới dám nói!

Má tôi đánh trống lảng:

- Nhằm nhò gì ba cái tên không biết nữa! Con gái con lứa người ta khen là khen cái công dung ngôn hạnh, chớ có ai khen cái tên cái tuổi bao giờ! Mình đâu phải đào hát chớp bóng đâu mà cần gì tên đẹp!

Anh Ba tôi lúc đó đang ngồi lau xe đạp cũng chỏ mõ vô góp tiếng:

- Thì chị đi trích lục khai sanh sửa tên lại mấy hồi! Mà chị định đổi tên gì vậy? Liểu Nguyệt Đào hay Bích Kim Huệ? Kiếm tên trong mấy tuồng cải lương võ hiệp kỳ tình của Hà Triều Hoa Phượng thiếu giống!

Bà chị Hai tôi quay lại trừng mắt nhìn ổng:

- Mày giỏi chọc quê tao, tao cho ăn guốc bây giờ! Mấy con nhỏ bạn của tao, đứa thì tên Tường Vi, đứa thì tên Mộng Điệp, còn tao, con chị Hai khốn khổ của mày, tên là Thị Mùi! Nghe có giống Thị Kính hay Thị Mầu không hở mậy? Mày là con trai, tên Chó tên Mèo gì cũng được, còn tao là con gái, phải khác chớ! Làm sao mai mốt tao còn lấy chồng?

Ông anh Tư tôi ở trên lầu bước xuống chuẩn bị đi học, cũng gật gù góp ý:

- Anh Ba không chịu hiểu cho chỉ gì hết ráo! Tưởng tượng mai mốt ông anh rể tương lai của mình cầm tay chỉ mà hỏi: "Mùi ơi, có thương anh không?", thì nghe thiệt là ... mùi tận mạng đó nghe!
 
Bà chị Hai của tôi đang ngồi trên divan, vội phóng xuống đất tìm đôi dép định phang cho anh Tư một cái cho bõ ghét, nhưng ảnh đã lanh chân chạy ra cửa, tiếng cười giòn tan còn vọng lại ở sau lưng. Má tôi lắc đầu:

- Tụi bây đứa nào cũng phá như giặc! Con Hai, coi cái tướng của mày kìa, con gái con đứa gì mà đứng dạng hai cẳng ra, tóc tai bù xù, tay lại cầm dép nhử nhử y như là dân đánh mướn vậy?

Bà chị Hai của tôi thở hổn hển ngắt lời:

- Chớ má hổng nghe thằng Tư nó nói móc con hả? Đầu đuôi gì cũng tại má hết trơn. Đặt tên cho con quê mùa cục mịch để bây giờ tụi nó đem ra làm trò đùa ...

Chưa nói dứt câu thì bà chị Hai đã bưng mặt khóc tấm tức rồi vùng vằng bỏ lên lầu. Má tôi ngồi ngó theo, ngán ngẩm lẩm bẩm:

- Cho tụi bây ăn học cho lắm vào rồi dìa nhà trách cha trách mẹ! Biết vậy tao nói ông già tụi bây cho tụi bây mù chữ hết, coi lúc đó còn dìa nhà chê tên này cục mịch tên kia quê mùa nữa không cho biết.

Đặt tên cho tụi tôi như vậy, có lúc cũng gặp "sự cố kỹ thuật", như đứa em áp út của tôi, cùng tuổi Dậu với ông anh Ba. Ba tôi bèn thêm chữ "Em" đằng sau để dễ phân biệt. Nguyễn Văn Dậu Em, nghe qua là biết có thằng Dậu Anh hay con Dậu Chị ở nhà, mà tuổi tác, phải lớn hơn một con giáp là cái chắc.

Vài ba năm sau bà chị Hai của tôi đi lấy chồng. Không biết trong lúc hai người đi chơi riêng với nhau, ông anh rể tôi có kêu bả bằng cái tên cúng cơm mùi mẫn như có lần ông anh Tư tôi dự kiến không, nhưng lúc dắt về nhà có đầy đủ mặt anh chị em, ổng chỉ gọi chỉ bằng một tiếng "Em" ngọt sớt! Rồi bà chị tôi sanh cháu bé đầu lòng, đặ tên là Quế Hương. Sanh đứa thứ hai, chỉ đặt tên là Thảo My. Những cái tên nghe cao sang thanh thoát và "văn hoa Đa Kao" chứ đâu có mộc mạc chơn chất như cái tên Mùi của chỉ. Lúc chỉ bồng con dắt chồng về nhà chơi, cả nhà xúm lại bàn tán chuyện đặt tên cho em bé, bà chị Hai của tôi vênh mặt lên nói bằng một giọng hãnh diện:

- Tao lựa tên cho tụi nó, lớn lên tụi nó không có mặc cảm như tao đâu! Tao toàn tuyển chọn tên của mấy nhân vật nữ trong mấy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bây giờ. Thêm nữa, con nít bây giờ không có lót chữ Thị hay chữ Văn đâu nghen. Mà phải đặt tên bốn chữ nghe mới sang! Như con Quế Hương là Trần Mộng Quế Hương, còn con Thảo My là Trần Đan Thảo My! Nghe nổ đôm đốp như pháo ở xóm Mới Gò Vấp! Có đâu mà Thị Mùi, Thị Hợi như ba má đặt cho tụi mình!
 
Bà chị Sáu tôi cười hinh hích:

- Mai mốt lấy chồng em kiếm thằng nào họ Áo, đặng đẻ con trai em sẽ đặt tên cho nó là Áo Vũ Cơ Hàn, giống như tuồng cải lương mới chiếu trên ti vi thứ bảy tuần rồi.

Ông anh Bảy tôi cười ngã ngửa:

- Bà này chưa lấy chồng mà đã gọi "nó" bằng "thằng" rồi! Với lại, ai mà lại đi đặt tên con mình là Cơ Hàn, bộ định trù nó nghèo mạt rệp hay sao!

Tôi đang đứng xớ rớ gần đó cũng lên tiếng:

- Trong lớp em có thằng bạn họ Cù, tên của nó là Văn Lần. Ông già của nó là Cù Văn Là! Nếu đem so sánh với nó, thì tên của ba má mình đặt cũng đâu đến nỗi!

Chị Sáu tôi nựng con bé Quế Hương, gật gù:

- Hồi đó ở dưới quê, có mấy đứa con nít khó nuôi, ba má tụi nó phải đặt tên xấu xí đặng ông bà khỏi dẫn đi, đôi khi còn tục tĩu nữa là khác!

Bà chị Hai tôi lắc đầu:

- Nói chi mấy chuyện mê tín dị đoan như vậy! Mà cho có thì cũng chỉ là tên gọi ở nhà thôi, chứ trong giấy khai sanh tên cũng đẹp đẽ vậy. Hồi xưa ở ngoài Bắc, mỗi lần đặt tên một đứa con là lấy nguyên cuốn Gia Phả ra để khỏi đặt trùng, lại còn đặt tên bằng chữ Hán, có ý nghĩa điển tích hẳn hoi. Tụi bây nhớ con Kim Mai móm xọm bạn tao không, bốn chị em của nó tên là Mai Lan Cúc Trúc! Thấy ba má của người ta đặt tên mà bắt ham. Có đâu như ba má mình vậy...

Ông anh Bảy tôi cắt ngang:

- Mai mốt lấy vợ em sẽ kêu con vợ em ráng đẻ bốn thằng con trai, em sẽ đặt tên tụi nó là ... Ngư Tiều Canh Mục, để cho người ta biết mình cũng thuộc loại ... Hán rộng!

Bà chị Hai tôi liếc xéo:
- Gặp cái thứ ham cờ bạc như mày đặt tên là Bồi Đầm Già Ách coi bộ có lý hơn.

Ông anh Bảy tôi cũng không vừa:

- Cũng có lý à nghen, nếu đẻ tám đứa thì bốn đứa còn lại em sẽ đặt tên là Cơ Rô Chuồn Bích!
 
Lúc bà chị Hai tôi có mang đứa thứ ba được đâu ba bốn tháng thì Sài Gòn "giải phóng". Nhờ gia đình chồng quen biết với mấy tay làm trong Tân Sơn Nhứt, chỉ xách gói đi di tản từ hồi đầu tháng Tư. Ông anh Tư của tôi đóng quân ngoài Trung cũng xuống tàu di tản luôn. Bẵng đi gần cả năm sau chị Hai tôi mới viết thư về. Trong thư có nhắc tới vụ đặt tên tuổi mà mỗi lần lấy thư ra đọc tới đoạn đó là má tôi rươm rướm nước mắt:

" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."

Má tôi trăm lần như một, mỗi lần đọc thư xong là bà lại thở dài sườn sượt:

- Con Hai coi cái miệng lanh chanh lách chách như vậy chớ cũng tình cảm lắm! Mới có hăm mươi mấy tuổi, mà một nách ba con, lại không có bà ngoại hay cậu dì gì bên cạnh để chăm nom săn sóc, nghĩ thiệt là tội!

Ngoài bà chị Hai tôi và ông anh Tư nhanh chân cuốn gói chạy theo "Mỹ ngụy" từ hồi tháng Tư, cả nhà tôi cứ lận đận ba cái vụ vượt biên từ năm 78 tới năm 85 mới có thêm hai đứa đi lọt. Bao nhiêu vốn liếng tư trang dành dụm của má tôi cứ đội nón mà đi theo những bước chân "tìm đường cứu nước" của anh chị em tôi. Má tôi lớp lo nuôi đứa tù cải tạo, đứa tù vượt biên, lại nuôi thêm một bầy cháu nội cháu ngoại "ăn theo" nên chỉ mới ngoài năm mươi mà da dẻ đã nhăn nheo, má đã hóp lại như gần bảy chục. Bà chị Hai tôi thỉnh thoảng cũng gửi quà về giúp gia đình, nhưng thùng quà thì nhỏ mà nhân số trong nhà lại đông, chia đều ra mỗi người chỉ được vài thước vải "xoa" hay hai ba chai dầu gió xanh, đem ra chợ trời bán cũng cầm cự được tuần lễ tiền chợ.

Hai đứa may mắn đi lọt sau này là bà chị Sáu và tôi. Tôi bị tù hai lần, một lần ở Duyên Hải, một lần ở Vũng Tàu, bị gạt hết một lần, lần thứ tư mới tới được Bidong làm ... người di tản buồn. Dạo ấy chưa có chính sách thanh lọc thuyền nhân như những năm 90, miễn có đủ tiêu chuẩn như quân nhân công chức chế độ cũ, hay có thân nhân đứng ra bảo lãnh là Mỹ sẽ mở hồ sơ phỏng vấn. Tôi ở đảo Bidong hai tháng, chuyển sang Sungei Besi đợi thêm vài tháng, rồi khăn gói quả mướp sang Phi học Anh văn để mai mốt tới vùng đất hứa bớt dùng động từ "tu quơ".

Tới Mỹ tôi bắt tay ngay vào việc ghi danh học ở một trường đại học cộng đồng gần nhà. Nhờ bà chị Hai bao sân cho phần ăn ở, tôi chỉ lo "dùi mài kinh sử" và làm lặt vặt thêm trong trường kiếm tiền cà phê thuốc lá. Ra trường nhằm lúc kinh tế cũng chưa đến nỗi nào, tôi bắt được một job ngay vùng Thung Lũng điện tử. Đại đăng khoa rồi tôi cũng "vâng lời ba má" làm luôn tiểu đăng khoa, lên xe hoa ... về nhà vợ cho xong đời con trai mười hai bến nước.

Hôm đãi tiệc cưới ở nhà hàng, lúc đi chào quan khách và bà con hai họ ở từng bàn để lấy mấy phong bao lì xì, tôi nghe hàng trăm câu chúc na ná như nhau lùng bùng trong lỗ tai. Nào là "trăm năm hạnh phúc", nào là "sống tới đầu bạc răng long", và phổ biến nhứt là câu "mau có con để bồng"! Tôi chỉ biết bổn phận của mình là nhe răng ra cười, dù quá nửa số khách tôi chỉ mới gặp lần đầu, nâng ly champagne uống cho cạn, và quan trọng nhứt là đón lấy xấp phong bì trong tay người đại diện từng bàn để lát nữa đây khi tan tiệc, ngồi gom đống check tính toán trả tiền nhà hàng trước khi cùng vợ lên xe về khách sạn để hôm sau đi hưởng tuần trăng mật ở Hawaii.

Ông bà mình có câu "cái miệng ăn mắm ăn muối nói đâu trúng đó" thiệt chẳng có sai. Những lời chúc tụng mới hôm nào tưởng nói nghe chơi cho vui nào dè đã thành sự thật. Đám cưới xong, trăng mật chưa được bao lâu, một buổi sáng vợ tôi gọi toáng lên trong phòng tắm và hớn hở báo tin: nàng thử test và kết quả đúng như dự đoán, nàng đã có bầu.
 
Tôi không nhớ là lúc đó mình nghĩ cái gì nữa. Đưa mắt ngó vào trong gương, tôi chỉ thấy gương mặt còn say ke của mình với đầu tóc bù xù vừa ngủ dậy dựng lởm chởm như lông nhím, cộng với cặp mắt lờ đờ như thiếu thuốc vì không đeo mắt kiếng! Dù chưa nhìn thiệt kỹ dung nhan mùa hạ của mình trong gương, nhưng tôi dám quả quyết một điều là trong mớ tóc bù xù như tổ quạ của mình, ít nhứt cũng vừa lú lên một vài cọng bạc. Vợ tôi hớn hở nhìn tôi chờ đợi phản ứng, tôi nhớ là mình chỉ trợn đôi mắt ghèn lên ngó nàng, và buông thõng một câu cụt ngủn:

- Vậy hả?

Nếu tôi nhớ không lầm là trong mấy chục bộ phim bộ cùng với hàng trăm show tivi tôi coi hồi đó tới giờ, nam vai chánh trong trường hợp này sẽ phải rú lên mừng hớn hở reo vui, phải nhảy cà tưng như bị điện giựt, phải ôm lấy bà mẹ tương lai mà hun lấy hun để, phải thế này, phải thế nọ. Thế mà tôi vụng về, chỉ biết buột miệng nói một câu làm "tan nát lòng nhau" như vậy. Vợ tôi chẳng buồn để ý đến thái độ chậm chạp của tôi, nàng đứng dậy tung tăng trở lại phòng ngủ để gọi phone báo tin cho má vợ tôi hay.

Từ hôm đó đến nay đã hơn ba tháng. Mỗi ngày đi làm về, công việc đầu tiên của tôi là ngó vô cái bụng của vợ mình xem nó có gì khác lạ không. Vợ tôi đi đứng cẩn thận hơn, đứng lên ngồi xuống rất khẽ khàng chậm rãi, nhưng ăn uống thì gấp ba gấp bốn lần hồi chưa có bầu! Có lúc nửa đêm nàng dựng đầu tôi dậy, hét: "Em thèm ăn chè đậu", có đêm hai ba giờ sáng, nàng trằn trọc xoay qua xoay lại nuốt nước miếng rên rỉ: "Ước gì có một tô mì khô nấu theo kiểu phố Tàu ở New York"! Thèm chi mà thèm ác đức thất nhơn!

Những lúc đó tự dưng tôi lại nhớ tới những gánh hàng rong len lỏi vào tận hàng cùng ngỏ hẻm từ lúc tờ mờ sáng tinh sương cho đến lúc nửa đêm tối mịt ở quê nhà, nhớ những xe hủ tiếu gỏ nghèo nàn nhếch nhác, nhớ những gánh xôi, gánh chè, những sạp hột vịt lộn, những cọng rau răm, muối tiêu, những cái giò cháo quảy ... ôi chao là nhớ! Lại nhớ cả những lời rao "Ai ăn chè đậu xanh đường cát nước dừa bột báng ...hông?" lanh lảnh, nghe tới đâu là ngọt tới đó! Vợ tôi than thèm cho có vậy thôi, chứ làm gì tôi kiếm ra được những món ăn như vậy vào lúc nửa đêm về sáng ở đất Mỹ này!

Sở dĩ phần đầu tôi phải lòng vòng cái vụ tên tuổi của anh chị em tôi, là vì từ hôm biết mình mang thai, vợ tôi đã long trọng tuyên bố:

- Mai mốt em đặt tên cho con! Ăn nói tục tằn thô lỗ như dùi đục chấm mắm nêm như anh mà đặt tên cho con thì mai mốt sau này lớn lên chắc nó phải đi đổi lại tên để khỏi mắc cỡ với bạn bè!
Dưng không mà tôi chợt nhớ tới bà chị Hai của tôi dễ sợ! Y chang một giọng điệu! Mà vợ tôi nhận xét như vậy cũng có phần hơi ... oan cho tôi! Tuy không dám tự hào mình là người văn vẻ, nhưng với vốn liếng cả chục bộ truyện chưởng của Kim Dung, Cổ Long, Lã Phi Khanh, cộng với loại sách Z28, và hơn một chục bộ tiểu thuyết thuộc loại ác liệt được bạn bè rỉ tai cho nhau nếu không đọc là chết nửa đời người như Cậu Chó của Trần Đức Lai, tôi cũng có một bụng chữ nghĩa chứ ít ỏi gì. Vậy mà nàng nỡ mắng mỏ tôi là đồ phàm phu tục tử! Vợ tôi cứ nấn ná đợi đến ngày coi ultrasound để biết trai hay gái rồi mới đặt tên cho con. Hôm đi coi ultrasound, cô y tá hỏi hai vợ chồng tôi có muốn biết là con trai hay con gái hay không, cô ấy còn thòng một câu:

- Nghe nói người Á Đông thích con trai đầu lòng để nối dõi tông đường, đúng không?

Tôi cười:

- Trai gái gì thì cũng là con. Nếu lần này đẻ con trai thì hy vọng lần sau sẽ sinh con gái!

Cô y tá ngó vô cái máy, tay cầm đồ rà xoa nhè nhẹ trên bụng vợ tôi một chặp rồi long trọng tuyên bố:

- Bà sẽ sanh thằng cu! Thành thật chúc mừng!

Vợ tôi long lanh đôi mắt:

- Cám ơn cô nghen.

Về tới nhà nàng bắt đầu lên danh sách những cái tên đã được chọn sẵn trong đầu ba bốn tháng nay. Suốt tuần lễ sau đó phone ở nhà tôi cứ bận túi bụi vì nàng gọi đi khắp nơi để tham khảo ý kiến. Lúc ngồi tần ngần trước một danh sách dài bằng cái sớ táo quân, nàng mới nhìn tôi cầu cứu:

- Anh coi trong đây coi có tên nào anh thích nhứt nói cho em nghe để em xem có được không đặng đặt tên cho con.

Tôi bày đặt ... dỗi hờn tây phố:
 
- Mình em đặt là đủ hay rồi. Thêm anh vô chi cho hư bột hư đường.

Vợ tôi năn nỉ:

- Thì ngó vô một chút coi có chết thằng Tây nào đâu. Để mai mốt anh khỏi đổ thừa, hay đi nói xấu là em ... độc đoán!

Nói thì nói vậy chứ tôi cũng ngồi xuống bên cạnh nàng, ngó vô tờ danh sách chằng chịt như tờ điểm danh học sinh. Vợ tôi chỉ tay vô tờ giấy, nói một hơi:

- Tên này má đặt, tên này ba đặt, cái này của chị Tuyết, cái này của anh Dũng, con Mai đặt tên này, mấy cái tên ở dưới là của mấy người quen, còn trang đằng sau là của mấy đứa bạn em ...

Tôi ngắt lời nàng:

- Điệu này thì chắc em phải đẻ như bà Âu Cơ thì may ra mới có đủ con mà đặt.

Nàng gắt:

- Anh có chịu bàn chuyện đàng hoàng hay ngồi đó nói dóc? Sắp làm tía người ta rồi mà cứ trửng giỡn như con nít.

Tôi làm mặt nghiêm lại:

- Bộ làm tía người ta rồi không được quyền giỡn chắc? Em sao càng ngày càng khó chịu giống ... má anh!

Tôi ngó xuống tờ giấy vợ tôi đang cầm. Nào Hùng, nào Dũng, nào Tuấn, nào Cường, nào Phúc, ..., ôi thôi toàn là những cái tên nghe qua nếu không hào hùng lẫm liệt thì cũng tuấn tú khôi ngô. Tôi nhớ là ngày xưa lúc má tôi có mang anh chị em tôi chắc ba má tôi đâu có ngồi bàn tán ba cái chuyện tầm phào như vợ chồng tôi bây giờ. Ba tôi chắc đâu chở má tôi đi khám thai mỗi tháng, đâu có đến lớp ban đêm để học cách rặn cách thở, cách thay tã cho con, cách dỗ con ngủ, cách cho con bú ... Con nhà nghèo đứa lớn coi đứa bé, má tôi đi đẻ như đi chợ vậy, thì giờ đâu mà ngồi lựa tên với tuổi.

Vợ tôi nói:

- Em nghĩ là tụi mình nên đặt cho con hai tên, một tên tiếng Việt để dùng ở nhà, còn một tên tiếng Mỹ để sau này nó đi học vô lớp cô giáo với bạn bè gọi tên nó đỡ phải sửa miệng!

Tôi gật gù:

- Anh thấy mấy đứa con nít bên đây ở nhà ba má nó kêu tụi nó thẳng bằng tên Mỹ nghe ngồ ngộ! Tóc đen da vàng mũi tẹt mắt hí mà đứa thì Michael, đứa thì Barbara. Nhập gia tùy tục thì cũng đúng, nhưng mình cũng nên phiên phiến đi một chút, Mỹ Việt đề huề, em há?

Vợ tôi ngó tôi âu yếm:

- Lâu lắm rồi mới thấy anh đồng ý với em một chuyện mà không có phản đối hay móc họng. Vợ chồng mình cứ bà bảo ông gật gùnhư vầy ... tát biển đông cũng cạn, anh hả?

Tôi định mở miệng phân bua vài câu thì nàng đã chận lại:

- Mới khen đó giờ định nói móc gì nữa đây?

- Tôi cười ngỏn ngoẻn như ăn vụng bị bắt quả tang:

- Em sao cứ kê tủ đứng vô miệng anh hoài!

Cuối cùng rồi hai vợ chồng tôi cũng tìm được một cái tên ưng ý để đặt cho tác phẩm đầu tay của hai đứa. Tên gì thì tên, mai mốt lớn lên nó cũng bị lật tới lật lui, cái họ đi sau, cái tên đi trước, cho đúng với thói quen của xứ sở mà nó sẽ mở mắt chào đời.
 
Tôi không hiểu lắm về ý nghĩa của chữ "chôn nhau cắt rốn", nhưng rồi sau này khi thằng con trai tôi lớn lên, không biết nó có còn một chút khái niệm nào về mảnh đất ở bên kia biển, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên hay không. Không biết rồi nó có nhăn mặt nhíu mày khi ngửi thấy mùi mắm tôm, hay quay mặt đi chỗ khác khi thấy bà nội nhai trầu bỏm bẻm! Biết làm sao hơn được! Tôi chỉ mong dạy cho con tôi biết nói tiếng Việt, hy vọng cái ngôn ngữ phong phú của tiếng mẹ sẽ làm cho nó cảm thấy gần gũi với quê hương. Những hôm thằng con trai của tôi cựa mình trong bụng mẹ nó, vợ tay đưa tay xoa bụng âu yếm gọi tên nó làm tôi cũng thấy xao xuyến. Ôi cái hình ảnh người mẹ vỗ về đứa con trong bụng sao mà dễ thương đến vậy! Hèn gì mấy ông văn nhạc sĩ ngày tối cứ sáng tác những bài hát về người mẹ, hết Bông Hồng Cài Áo, rồi đến Lòng Me, Lời Mẹ Ru ... Tôi lục lọi trong trí nhớ để tìm những bài hát hay câu ru nói về tình phụ tử thì chỉ nhớ có mỗi một câu "Công Cha Như Núi Thái Sơn", hay trong một bài ca mà Duy Khánh thường hát: "Con thấy đêm nay sau khi học bài thương ba nhiều quá", nghe kỹ mà xem, đâu có xao xuyến rung động lòng người như những bài ca ngợi tình mẹ ...

Vợ tôi bắt đầu lăng xăng sắm sửa từng cái quần cái áo, săm soi cái nôi mới mua, hay bỏ ra cả buổi chiều để trang trí hình con Mickey trên tường, tôi cũng vui lây với niềm vui của nàng. Người ta nói, nuôi con mới biết lòng cha mẹ, tôi chỉ mới chuẩn bị cho thằng con trai đầu lòng chào đời mà cũng đã hiểu lòng ba má tôi lắm lắm rồi.

Rồi thì cái ngày trọng đại ấy cũng đến. Vợ tôi đau bụng từ lúc nửa đêm đến tám giờ tối hôm sau mới sinh (chắc tại do tôi dẫn đi đẻ). Lúc bà bác sĩ giơ thằng con trai của tôi lên cho má nó dòm mặt, tôi thấy mắt nàng long lanh ướt và trán thì đẫm mồ hôi. Bút mực nào diễn tả được tâm trạng tôi lúc đó? Bọn Mỹ trong trường hợp này sẽ rủ rỉ vào tai vợ nó những câu đại khái như: "Em ơi, mình đã mang vào thế giới này một niềm hy vọng mới" hay "một thiên thần bé nhỏ". Tôi chỉ biết xiết thật chặt bàn tay của vợ mình, và hai đứa chúng tôi cùng ngó đăm đăm vào vào đứa bé đang bế trên tay. Hơn bao giờ hết, tôi biết là cuộc đời tôi đã bắt đầu bước vào một khúc rẽ mới.

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì thằng con trai đầu lòng của tôi đã được năm tháng. Những chiều tan sở về ngồi chơi với con, ngó bàn tay bàn chân bụ bẫm của nó hay đôi mắt trong xanh tinh khiết, tôi mới thấy hạnh phúc đâu phải là cái gì quá cao xa. Rồi đây thằng con tôi sẽ biết đi, tập ăn tập nói, sẽ đến trường, sẽ và sẽ ...Đời sống của vợ chồng tôi rồi sẽ bận bịu, những bận bịu trong sinh hoạt hàng ngày và những lo toan trong đời sống tương lai của nó. Ba má tôi ngày xưa có cả chục đứa con mà còn nuôi dạy nên người, huống chi tôi chỉ mới có một đứa!

Bây giờ tôi có thêm thói quen là nửa đêm nghe vợ ru con, những bài ru tôi nghe từ hồi bé tí xíu, đến sau này lớn lên lại nghe má tôi ngồi ru cháu ngoại. Nào là "Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ..." hay "Ví dầu tình bậu muốn thôi, Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi ..." hay "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, Con theo hát bội mẹ liều con hư". Con tôi rồi sẽ lớn lên trong những lời ru mộc mạc và êm đềm ấy. Và cho dù nó có mang một cái tên Mỹ, sau này lớn lên có nói tiếng Anh như gió, thì chắc trong tận cùng ký ức, chắc chắn cũng có một chổ nào đó cho những "bậu", những "mình", ngọt ngào như dòng sữa mẹ đang nuôi nó lớn. Biết đâu sau này khi nó trưởng thành, thành gia thất và sẽ có con, và nếu vợ nó có ru con, thì nó sẽ nói với vợ nó rằng: "Em về hỏi má anh mấy bài hát ru con của Việt Nam mình. Ngày xưa nhờ mấy bài hát ru ấy, mà anh ngủ ngon hết sức". Nó mà nói được một câu tiếng Việt trôi chảy như vậy thì chắc tôi không có gì mừng hơn ...

Viết cho Duy ...
 
Ngc Duy
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,827
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Nhạc sĩ Cung Tiến