Hôm nay,  

30-4, Tro Tàn Bay Trắng Đầu

16/04/201400:00:00(Xem: 14899)

Tác giả: Ngô Văn Thu
Bài số 4185-14-29595vb4041614

Tác giả đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas.

* * *

Thời gian đủ để đứa bé trưởng thành, đủ cho quê hương khập khiễng đổi thay, không còn nhìn ra làng xưa xóm cũ nữa. Ký ức oan khuất 39 năm, như vết hằn đậm nét, như thỏi sắt nung chẩy, tro tàn bay trắng đầu.

Ngày ấy, 16 tháng 4 năm 1975, lúc 10 giờ sáng. Các loại súng lớn nhỏ nổ vang xa gần quanh phi trường Phan Rang. Đạn pháo kích của cộng quân đã rót vào cứ điểm nầy nhiều hơn, gây áp lực lên các đơn vị phòng thủ căn cứ, cũng như các Bộ tư lệnh tiền phương đang trấn đóng nơi đây. Trên bầu trời của phi trường, máy bay các loại cất cánh bay lên như đàm chim vỡ tổ. Dấu hiệu của sự bay xa, không ngày trở lại...

Đơn vị tôi, vừa đánh cầm chân địch, vừa có lệnh rút dần về phía Nam ở Mũi Cà Ná (Bình Thuận), vì nơi đó đang có tàu hải quân đón để theo đường biển xuôi Nam.

Thế nhưng khi chúng tôi đến nơi, mũi Cà Ná đã bị cộng quân chiếm. Một trận đánh lại diễn ra tại đây, sau đó buộc phải tản hàng vì cạn nguồn tiếp tế đạn dược. Lợi dụng bóng đêm, tôi tìm một hốc đá sát bờ biển ẩn mình, chờ đến mờ sáng bơi ra tàu hải quân đang có mặt quanh đó. Nhưng tiếc thay, chỉ bơi được một quãng thì tàu càng lùi dần ra xa… vì chính họ cũng bị pháo binh cộng quân bắn đuổi theo, buộc phải di chuyển.

Mất nguồn hy vọng, lại bị kiệt sức, do mấy ngày qua phần di chuyển, phần chạm địch nên không có gì ăn uống khiến thân xác rã rời, đành quay vào bờ. Suýt buông tay chìm xuống biển thì một cơn sóng mạnh đánh tạt vào ghềnh đá. Bị va chạm mạnh, bất tỉnh, nằm mê cho đến trời sáng hẳn. Bỗng có cảm giác một vật gì lành lạnh đè lên bụng. Hoá ra mũi súng AK.47 của cán binh cộng sản gí vào. Phản xạ tự nhiên tôi vùng chạy, nhưng quá yếu, không chuyển mình được, đành bị bắt!

Tối đó, tôi bị gom lại một trường tiểu học ở mõm Cà Ná, trong khi hải quân cuả ta ngoài biển vẫn còn bắn pháo vào quấy rối địch.Tất cả chúng tôi được lệnh ngồi im tại chỗ, có du kích canh gác cẩn mật vì Việt cộng sợ chúng tôi tìm đường trốn thoát khi có biến.

Dưới ánh đèn manchon, tôi thấy có mấy sĩ quan quen trong đơn vị đã có mặt, như vậy họ cũng bị bắt như tôi. Mừng cho họ và tôi còn sống, còn thấy nhau trong giờ phút ngậm ngùi nhất của đất nước. Thế là hết! Thế là giã từ vũ khí, giã từ chiến trường từ đây, cuộc chiến xem như đã tàn. Tàn theo nghĩa của tình thế lúc đó.

Tôi khai là lính (hạ sĩ) thay vì sĩ quan để giấu tung tích cá nhân khi lọt vào tay địch. Đêm đó Việt cộng dọa sẽ đem “bắn bỏ 100 tên” vì tội man khai lý lịch. Tôi cười thầm: họ chỉ nói khoác. Họ từ miền Bắc xâm nhập vào, tôi từ Chu Lai đến, tất cả đều xa lạ chỉ gặp nhau tại chốn “không hẹn ngoài kế hoạch”nầy, làm sao biết được ai là sĩ quan mà bắn. Mấy hôm sau tôi được đưa lên xe 18 bánh chở muối (Cà Ná có ruộng muối biển bao la) đưa vào lao xá Phan Rang giam giữ cùng với bao người khác.

Đêm đầu được ngả lưng trên thềm xi măng trong tù, cảm giác thấy “sảng khoái” phần nào, dù trước mắt chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Một ước mơ nhỏ nhoi của người lính là được nằm thẳng lưng trên mặt bằng. Vì trong cuộc chiến, đêm về, người lính thường cong lưng đong đưa trên võng như vượn bám cành, có đêm vừa di chuyển vừa ngủ (ngủ trong tiềm thức, vì thiếu ngủ triền miên).Thế mà ước mơ đó chỉ đạt được khi tàn cuộc. Nơi ngả thẳng lưng bây giờ là nhà tù. “Hạnh phúc” sao oan nghiệt quá!.

Nằm đó, nhớ lại hai năm trước. Đơn vị chúng tôi cũng đã từng bắt giữ hằng trăm tù binh cộng quân tại hải cảng Sa Huỳnh, khi họ vi phạm hiệp dịnh Paris 1/1973 tràn xuống lấn chiềm cảng nầy, nhưng đã bị đơn vị chúng tôi phối hợp với các đơn vị bạn đánh bại, bẻ gãy âm mưu trên.

Hai năm sau,tháng 1/1975 mức viện trợ tiếp liệu ngày càng teo tóp thiếu hụt nặng nề, trong khi phía địch quân với sự viện trợ dồi dào của toàn khối Cộng sản quyết đánh chiếm Miền Nam bất cứ giá nào. Vì theo lời tổng bí thư Lê Duẩn nói lúc đó:”Chúng ta đánh Miền Nam là đánh cho Trung quốc và Liên Xô”(lời nầy khắc trên lăng của Lê Duẩn ở Hà Tĩnh). Qua sự kiện đó cho thấy: tại sao toàn khối Cộng sản ra sức viện trợ cho CSVN.

Những đêm kế tiếp nhớ về gia đình vợ con. Tôi đã bị cách ly với thế giới bên ngoài bằng bốn bức tường của nhà tù, không biết diễn biến gì xảy ra cho gia đình tại Sài Gòn khi tình hình ngày đang phức tạp thêm. Vợ và đứa con đầu lòng bốn tháng tuổi của tôi, từ khi sinh ra cho đến nay chưa một lần gặp mặt, mẹ con họ sẽ nương tựa vào đâu khi không có họ hàng thân thích. Thế rồi thời gian đi tới.Cuộc chiến đã chấm dứt ngày 30/04/1975 trong nghẹn ngào buồn thảm của người dân Miền Nam. Chúng tôi không hay biết gì lệnh bi thảm sau cùng của Sài Gòn ban ra, vì đã yên phận của người tù ngoài mặt trận trước khi Sài Gòn”thất thủ”.

Sau ngày 01/05/1975. Để giải quyết nạn kẹt chỗ ở của nhà tù, ban quản trại cho anh em binh sĩ theo học chính sách gọi là “5 điều bảy điểm” của “mặt trận”rồi phóng thích. Hai ngày một đợt năm mươi người. Với tiến độ ấy, tôi dự trù sau ngày 10/05 sẽ đến đợt mình.

Cùng thời gian đó trong trại tù đã có người rỉ tai mua bán đồng hồ và các vật quý khác như vàng, tiền Miền Nam, v.v.. vì họ biết người về cần tiền chi phí xe cộ và, ngược lại cán bộ cũng cần đồng hồ, vàng, tiền Miền Nam v.v….

Thế nhưng… chữ nhưng đầy oan nghiệt như một định mệnh với tôi! Một buổi sáng, tôi đang ngồi ngoài sân điểm danh sinh hoạt thường lệ,sau đó ban quản trại đọc danh sách người được thả. Một người lính cùng đơn vị có tên được ra tù, mừng quá, cậu ta thấy tôi đang ngồi hàng đầu chạy qua buộc miệng nói: “thẩm quyền, thẩm quyền” (tiếng gọi được mã hoá chức vụ của người sĩ quan). Thẩm quyền ở lại, mai em về.

Tôi ngây người chết trân tại chỗ, vì bao cặp mắt đều hướng về tôi, họ tỏ dấu ngạc nhiên khi được một người lính (vì mất cảnh giác) xưng hô như vậy. Có khác nào cậu ta tố cáo tôi trước mọi người. Chuyện xảy ra rất nhanh, khiến đời tôi rẽ vào khúc quanh nghiêm trọng khác sau nầy.

“An-ten” trại làm việc. Sáng hôm sau, khi sắp hàng điểm danh, nhận phần xôi sáng, có người trên ban quản trại xuống gọi tôi lên văn phòng “làm việc” (thẩm vấn). Tôi biết chuyện chẳng lành sẽ xảy ra trong lần đi trình diện nầy. Để chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất, tôi quyết định mang theo chiếc đồng hồ quý giá mà tôi còn cất giấu được trong đáy quần lót khi bơi ra tàu. Hy vọng nó sẽ là món “vũ khí lợi hại”, có thể sử dụng nó tánh mạng lâm nguy.

Tại phòng của quản giáo trại giam, một người đàn ông trạc tuổi 50 đang ngồi đợi sẵn, hai bên có hai vệ binh súng AK47 kẹp hông đứng trong tư thế tác chiến. Tôi được lệnh ngồi xuống bằng giọng Bắc của người đối diện. Một phút trôi qua đủ để đôi bên trao nhau ánh nhìn dò xét, không khí nặng nề. Bỗng người quản trại hất hàm bảo:

- “Cách mạng” kêu anh lên đây (nà) là có vấn đề, có tin báo anh (nà) là “sĩ quan ngụy” man khai cấp bậc để trốn tránh cải tạo. Anh phải thành thật khai báo, “ngoan cố” nà sẽ bị trừng trị. Bây giờ anh khai tên tuổi, đơn vị và, nhiệm vụ trong đơn vị của anh.

Tôi chưa làm theo lời yêu cầu đó, mà từ từ đưa tay mở chiếc đồng hồ Seiko tôi đang đeo ra để bên góc phải của bàn, xong trả lời:

- Xin cho tôi biết cách xưng hô, vì tôi chưa biết cách xưng hô phía bên “cách mạng”như thế nào.

- Hãy gọi chúng tôi là “cán bộ”, người đàn ông trả lời.

Xong người cán bộ nhìn vào chiếc đồng hồ của tôi và không cần ý tứ nữa, anh ta với tay nắm đồng hồ lên xem một cách chăm chú.

Qua cơn biến động của tâm tư trước một vật thể hấp lực, người cán bộ lấy lại bình tĩnh nói:

- Nào, anh khai báo đi, tên gì, đơn vị gì, cấp bậc và nhiệm vụ gì?

Tôi bình tĩnh trả lời:

- Thưa cán bộ. Tôi tên… đơn vị… cấp bậc: hạ sĩ, nhiệm vụ khinh binh (lính chiến).

- Không đúng, có người bảo anh là sĩ quan, anh che giấu. Người cán bộ quát.

- Thưa cán bộ: có lẽ người giống người, ai đó nhìn lộn tôi với người khác.

Trong khi hỏi chuyện như vậy, người cán bộ vẫn cầm chiếc đồng hồ của tôi trên tay và, bỗng dưng dừng câu chuyện, quay qua hỏi về đặc tính của đồng hồ:

- Đồng hồ nầy tiền miền Nam giá bao nhiêu?

- Thưa cán bộ: Tôi mới mua cách đây 4 tháng giá 45 ngàn đồng.

- Chà, giá trị nhỉ? Có điện đài gì trong nầy không? Tốt, xấu thế nào mà đắt thế?

- Dạ. Đồng hồ của Nhật, hiệu Seiko đời mới, màu mắt nai, không có điện đài gì cả, chỉ thuần là đồng hồ mà thôi. Có hai cửa sổ (ô xem ngày, ô xem giờ) có hai người lái (kim chỉ giờ, kim chỉ ngày).

- Hiện đại nhỉ? Rõ ràng anh là sĩ quan mới có tiêu chuẩn, mới có giấy giới thiệu của cơ quan, mới mua được đồng hồ đắt giá nầy.

- Thưa cán bộ: Không phải vậy, trong Nam ai có tiền đều mua được cả, hàng hoá bày bán tự do ngoài tiệm không cần giấy giới thiệu gì cả.

Người cán bộ nhìn vào mắt tôi để dò xét lời nói của tôi. Bỗng ông hỏi tiếp:

- Trong Nam ai đủ tiêu chuẩn đeo đồng hồ?

Tôi đáp:

- Thưa cán bộ, bất cứ ai cũng có thể đeo đồng hồ được cả nếu họ có tiền để mua.

- Náo (láo) thật nhỉ! “Mỹ Ngụy” bóc nột (lột) nhân dân thế mà vẫn có tiền mua đồng hồ. Rồi ông trả lại chiếc đồng hồ về vị trí cũ và nói:

- Buổi làm việc đến đây chấm dứt. Anh về dưới trại, ngày mai “nàm (làm) việc” tiếp.

Tôi cầm đồng hồ và theo người vệ binh về lại trại giam. Đêm đó tôi trằn trọc mãi để phân tích sự việc xảy ra, xem mình còn “hở”chỗ nào khi trả lời các câu hỏi không, và đồng ý rằng: nhờ có chiếc đồng hồ mà có thể giảm nhiệt được câu chuyện tưởng rằng sẽ căng thẳng hơn. Tôi chỉ thắc mắc tại sao ông ta chấm dứt cuộc thẩm vấn khá đột ngột, (một chiến thuật điều tra, hay nghiệp vụ chưa sành sỏi?) mà đúng ra còn diễn tiến thêm nữa.

Trong những ngày Miền Nam vừa bị mất, câu chuyện được loan truyền là mấy mặt hàng được toàn thể cán binh miền Bắc yêu thích nhất là:- Cái hồ (đồng hồ), cái đài(Radio) cái đạp (xe đạp). Cho nên không lấy làm lạ người cán bộ khi thấy đồng hồ của tôi, ông ta không khỏi choáng ngợp trước sức quyến rủ đầy mê hoặc đó.

Chiều hôm sau, khi cơm nước xong, người lính tìm đến tôi báo tin: Em bị ban quản giáo gọi lên bắt xác nhận cho kỹ một lần nữa xem “thẩm quyền” có đúng là sĩ quan không. Sau khi đã trót lỡ khai: “thẩm quyền” là sĩ quan rồi, nên em báo tin lại để “thẩm quyền” biết hầu tìm cách đối phó. Theo cậu ta, nếu không khai đúng sẽ bị giữ lại không cho về. Tùy “thẩm quyền quyết định”. Câu nói tùy “thẩm quyền quyết định” của người lính tuy đơn giản nhưng đã làm cho tinh thần của tôi rối bời, vì phải tìm cách đối phó trước lời khai của mình trong tay địch.

Hai hôm sau vệ binh lại xuất hiện trước phòng giam và dẫn tôi đi thẩm vấn lại. Vẫn khuôn mặt cũ của người thẩm vấn tôi ngày trước.Khi ngồi vào bàn ông liền hỏi bâng quơ:

- Này mấy giờ rồi nhỉ?

Một sự nhắc khéo về chiếc đồng hồ của tôi chăng?

Tôi lại tự động cởi đồng hồ từ tay ra để bên phải của bàn như lần trước và, câu chuyện thẩm vấn bắt đầu:

- Sao? Anh vẫn là sĩ quan đấy chứ? Có hầm ngầm, điện đài gì khai báo ra hết đi.

Anh ta đặt câu hỏi ở thể xác định khiến người bị thẩm vấn dễ bị bối rối. May thay tôi vẫn bình tĩnh trả lời:

Thưa cán bộ: tôi vẫn là lính, là hạ sĩ khinh binh.Tôi từ xa đến đây như cán bộ vậy, làm sao biết được nơi đâu có điện đài (đài truyền tin), và hầm ngầm (hầm bí mật) để khai báo.

- Anh nà nính à? nương (lương) của anh bao nhiêu một tháng?

- Thưa cán bộ: lương căn bản của tôi là…

Tôi trả lời “rất ngọt”. Vì trước đây, sau khi bị thương, từ bệnh viện về nghỉ dưỡng thương, tôi được làm việc nhẹ một thời gian trong công tác sĩ quan tuyển mộ lính, nên tôi thuộc nằm lòng các mục quyền lợi của người lính để giải thích cho thanh niên biết khi họ muốn nhập ngũ.

(Khen quân sư nào đó đã vẻ đường cho hưu chạy, nhưng đã chạy vào đúng đường tôi đón).

- Phụ cấp vợ con của anh nữa? cán bộ hỏi tiếp.

- Thưa cán bộ: phụ cấp vợ là … và con là …

Cặp lông mày của viên cán bộ có vẻ nhíu lại chút đăm chiêu,vì lời khai của tôi như đúng sự thật mà ông ta đã kiểm chứng được với ai đó trong hàng binh sĩ (hoặc “an ten” đang có mặt trong tù). Ông dã-lã, cầm lại chiếc đồng hồ ngắm nghía khen đẹp và hỏi:

- Lương nính (lính) ngoài việc phải nuôi vợ, con. Anh để dành bao nâu (lâu) mới mua được đồng hồ nầy?

Câu hỏi rất hóc búa, nhưng tôi trả lời không do dự:

- Thưa cán bộ: Tiền mua đồng hồ nầy tôi đã thắng qua canh bạc đỏ, đen với bạn bè. Bị hành quân liên miên, lâu ngày chưa có dịp gởi tiền về cho vợ, đành mua tạm đồng hồ mang cho gọn.

- Anh vẫn thắng canh bạc hằng tháng đấy chứ?

Cán bộ hỏi tiếp, (câu hỏi ngụ ý bảo: -lương sĩ quan các anh là đấy chứ thắng bạc thế nào được).

Tôi trình bày và lái câu chuyện qua hướng khác:

- Thưa cán bộ, canh bạc có lúc thắng lúc thua, cũng như tình hình hiện nay. Đất nước đã hoàn toàn “giải phóng”rồi. Cán bộ cho tôi về để tìm lại vợ con đã bị thất lạc không biết nơi nào, có gì quý nhất tôi biếu cán bộ để làm quà (ý tôi muốn hối lộ chiếc đồng hồ để mua tự do).Nhìn chiếc đồng hồ trong ham muốn lần chót rồi y trả lại vào vị trí cũ và nói: Anh về lại trại, ngày mai “nàm (làm) việc” tiếp.


Lại chấm dứt câu chuyện trong đột ngột,chưa có hồi kết thúc khiến tôi càng phân vân thêm. Cứ thế, chuyện vẫn dằng co, vờn nhau quanh chiếc đồng hồ của tôi qua vụ thẩm vấn. Dù cố kiềm chế lòng ham muốn thế nào đi nữa, nhưng qua ánh mắt của y, tôi cũng đọc được lòng háo hức của con người, trước sự vật đầy cám dỗ đang bày ra phơi phới trước mắt mà cả đời người, nếu không vào Nam làm sao y có thể tiếp cận, thấy được.

Đêm đó chắc là đêm khó ngủ cua y, vì phải “đấu tranh” tư tưởng trước sự chọn lựa giữa tôi và chiếc đồng hồ đầy quyến rủ. Phần tôi cũng không sao chợp mắt được với bao nỗi ám ảnh, không biết câu chuyện sẽ kết thúc ra sao. Trong cơn vật vờ mê thiếp, tai tôi bỗng nghe nhiều loạt đạn nổ và cả trại nhốn nháo. Sau đó là tiếng chân chạy, tiếng quát tháo ồn ào từ các khu trại khác, tiếng xích rơi loảng-xoảng từ các xà lim, và sau cùng là tiếng ra lệnh cho các tù phải sắp vào hàng điểm danh xem ai còn ai mất.

Đó là hồi kết của một màn trốn trại. Nửa đêm, hai người vượt rào. Một bị bắn chết, một bị bắt lại.

Sau đêm hãi hùng đó, mấy ngày sau, tôi bị đưa qua hàng sĩ quan và “biên chế” qua bên trại ở chung với các sĩ quan đồng đội cũ của tôi. Khi chuyển khu, chiếc đồng hồ tôi vẫn còn mang theo vì chưa kịp thương thuyết. Khi sang khu mới, có lệnh phải nạp nó cho đồng chí quản kho. Sau này mới biết cả đồng chí lẫn đồng hồ cùng... bốc hơi. Khi hỏi, chỉ được trả lời là không biết. Đồng chí quản kho chuyển đơn vị khác, không thấy bàn giao lại.

Ba tháng sau chúng tôi bị chuyển trại từ lao xá Phan Rang ra Đồng Bà Thìn (Cam Ranh) Khánh Hoà. Trại nầy trước đây là trung tâm huấn luyện của Lực Lượng Đặc Biệt nằm sát quốc lộ một. Hằng ngày chứng kiến từng đoàn xe quân sự hàng chục chiếc Molotova, trần bịt bùng chở hàng từ hướng Sài Gòn chạy ra Bắc. Chúng tôi bị giữ tại đây để khai báo lý lịch và, giao công tác hằng ngày chia nhau đi gỡ mìn bẫy ngoài rào. Một công tác cực kỳ nguy hiểm có tính cách trả thù. Một tháng sau đã thấy kết qủa. Một đại úy Dù bị mìn nổ cắt mất một chân khiến chúng tôi phản ứng, tranh đấu không chịu thi hành lệnh sau đó nữa.

Cách trại nơi tôi ở 5km,có ngôi chợ tên Bảy Giếng cũng gần quốc lộ một, dân đang trở lại chợ mua bán lưa thưa, một hình thức thăm dò cách sinh hoạt của chế độ mới. Đám tù chúng tôi vì còn trong vòng quản chế của bộ đội nên hằng ngày chúng tôi được 2 vệ binh thay nhau dẫn bốn anh em đi chợ mua rau cá, gánh về tự nấu ăn theo quy chế tù binh.

Phần tôi thật qúa uổng phí một lần nữa, khi có cơ hội trốn thoát mà không làm được, vì không liên lạc được với gia đình nên không có phương tiện thực hiện ý định. Lý do dễ trốn, vì khi vệ binh đưa chúng tôi ra chợ xong, họ thay nhau tìm các cô bán hàng tán dốc, đã có phần mất cảnh giác quản lý tù. Muốn trốn thoát phải có người bên ngoài đưa đường chỉ lối, phải có tiền chi phí khi cần. Tôi dự định nếu trốn, sẽ thuê ghe chài đi đường biển vào Sài-Gòn an toàn hơn là đi đường bộ có nhiều nút chận, có nhiều rủi ro. Nhưng tôi hoàn toàn bất lực, vì mù tịt tình hình bên ngoài nên không dám liều. Cái liều của người trốn trại trong lao xá Phan Rang là một bài học cho tôi phải cân nhắc khi hành động. Không thể chấp nhận loạt đạn từ sau bắn tới, chết oan mạng khi không tính toán chu đáo thua, thắng trong hành động của mình. Hơn nữa, phần gia đình tôi, xem lại không ai có bản lĩnh đứng ra thực hiện công tác liều lĩnh nầy.Thế là cơ hội thứ hai lại đôi nón ra đi.

Bốn tháng sau. Một ngày âm u của mùa đông miền Trung, mưa dầm rét mướt, tôi lại bị đưa lên xe bịt bùng chở đi, đi không biết về đâu. Sau khi xe chạy suốt một ngày đêm, xe dừng lại trong cánh rừng già. Tất cả xuống xe ngồi xếp hàng đợi lệnh. Mưa và rét vẫn bao trùm lấy số phận của anh em chúng tôi. Trong tư thế cảnh giác, tôi nhìn xem quanh mình có gốc cây nào gần, nếu bị bắn bỏ phải lăn mình qua đó hoạ chăng tránh được lằn đạn oan nghiệt. Nhưng may thay, biến cố đó không xảy ra.

Trời sáng hẳn. Đoàn xe chở chúng tôi vào một doanh trại của quân đội cũ, hoá ra đây là Trung tâm huấn luyện ở tỉnh Khánh Hoà, nơi trước đây dùng để huấn luyện tân binh. Chúng tôi được sát nhập với một số lớn quân nhân khác của tỉnh ra trình diện với mỹ từ “học viên cải tạo”. “Học viên cải tạo” bị cấm tiếp xúc với chúng tôi vì lẽ chúng tôi là “tù binh ác ôn”, chống phá cách mạng đến cùng. Nhưng rồi sau đó, anh em hiểu ra đây là đòn tuyên truyền gây chia rẽ giữa chúng tôi với nhau mà thôi.

Những ngày tháng sau đó, công việc của bọn tù là “bốn món ăn chơi”, gồm: Tranh, Tre, Kè, Gỗ. Tù được chia thành toán, mỗi toán cả trăm người có vệ binh kèm theo xuất trại “lao động”. Toán cắt tranh tuy có phần nhẹ nhàng, nhưng khi vào rừng tranh thường hay bị ngộp thở, ngất xỉu vì tranh cao quá đầu khiến thiếu dưỡng khí. Toán chặt gỗ có hai loại, loại gỗ củi, gỗ đốt than chỉ quanh quẩn gần trại, toán gỗ danh mộc thì phải lên núi cao hơn và phải ở lại cả một, hai tháng mới về một lần, (có vệ binh theo canh giữ). Gỗ quý thường dùng đóng tủ, bàn ghế, cho cán bộ trại làm quà cho cấp trên và làm “chiến lợi phẩm” cho mình chở về Bắc.

Đáng nói là toán đi “kè” và tre. ”Kè” còn gọi là lá Kè, lá Buông có tàn lá rộng lớn dùng để làm nón, lợp nhà. Cây buông cao như cây dừa nhưng bẹ kè rậm rạp sắc nhọn hơn. Có người đã chết vì bẹ kè rơi từ cao xuống đâm thủng bụng.

Rừng kè, rừng buông nghe thấy lạ. Nghe tre, thấy quen hơn, thân thương làm sao. Nhưng khu rừng tre nơi bọn tù phải chui phải đốn thì chằng chịt gai góc. Muốn đốn được tre phải đổ máu. Bảy người trong toán thay nhau “khoét lỗ chó” để vào gốc. Khi chui khi chặt, gai tre cào xước cả mặt. Chặt xong phải tỉa cành cho gọn, vậy mà cả toán 7 người cùng kéo vẫn không lôi nổimột cây tre ra khỏi bụi. Trọn ngày lao động mỗi người chỉ có trong tay hai cây tre già đặt ruột tòn- ten mang về, nhìn tưởng là nhàn lắm. Sự thật là thiên nan vạn nan.

Cứ thế “năm tháng ngậm ngùi” trôi qua trong rừng. Ngày ngày chỉ thấy “ta với ta”, những khuôn mặt lần hồi bị biến dạng, những thân hình lần hồi bị teo tóp do thiếu dinh dưỡng, khiến con người dễ bị sa sút, suy sụp.

Bỗng có một lần, khi toán lao động điểm danh xong để xuất trại, một cán bộ chận lại nơi cổng hỏi lý lịch quê quán của tù. Ai sinh ra từ Đà Nẵng hoặc Huế đứng qua một bên đi công tác ngoài trại chưa biết đi đâu. Khi đủ số 10 người thì lên xe GMC chờ sẵn, số còn lại vẫn xuất trại lao động thường lệ. (Sau nầy mới biết xe đi Nha-Trang, sợ người quê cùng điạ phương dễ trốn)

Chúng tôi được xe chở vòng vèo trong rừng ra cặp đường nhựa rồi chạy về hướng Nha Trang. Chao ơi! Đã bao năm rồi không thấy đường nhựa, không thấy phố xá, nay được GMC chở đi, vẫn thấy thú vị như thuở ngồi xe Jeep.

Xe chạy đến kho gạo trong Nha Trang để lãnh gạo, bị trục trặc thủ tục gì đó, người cán bộ ở lại làm việc. Để “tranh thủ” xe chạy đến chợ Đầm Nha Trang cho mấy vệ binh mua sắm đồ của trại gởi. Chúng tôi trên xe bị dồn lại một góc có vệ binh canh giữ.

Nhìn xuống lề chợ, thấy có số người đứng nhìn lên, họ xì xầm gì đó một hồi. Chắc họ biết chúng tôi là sĩ quan đi “tù”, nên thoáng chốc họ liệng lên xe như mưa nào bánh mì, chuối, rồi khoai sắn, đường thẻ, đường cục, có cả xà phòng, khăn mặt, bàn chải răng, dầu gió, mọi thứ tù cần. Thấy vậy vệ binh ngăn cấm, không cho liệng lên nữa.

Chúng tôi đứng nghẹn ngào rưng rưng hàng lệ đón nhận tình cảm cuả đồng bào dành cho mình. Thật không ngờ đã bao năm qua mà họ vẫn còn dành cho chúng tôi tấm lòng yêu thương như vậy. Nay 30/4 về, qua mấy dòng nầy, xin gởi lời cảm tạ qúy vị ân nhân vô danh chợ Đầm Nha Trang thời đó, đã cứu đói chúng tôi một tuần hã hê trong tù.

Trở lại chuyện trong trại.

Để chống nổi loạn và chống trốn trại do tuyệt vọng đường về, những ngày đầu nhập trại họ tung tin: Không nên trồng cây lâu dài, chỉ trồng khoai, bắp, sáu tháng ăn liền mà thôi. Anh em lại bàn nhau, chắc chỉ ở đây chừng đó ngày rồi về. Nhưng sáu tháng trôi qua, ăn hết đợt nầy, qua đợt khác cũng không có dấu hiệu gì khả quan. Quả bóng hy vọng lại eo xèo xì hơi…

Ban quản trại lại bày trò tăng “dây cót” khác độc đáo hơn cho anh em hy vọng tiếp. Trại cho lệnh nhà bếp nấu cơm gói (đùm) ba ngày, rồi đem nồi niêu, soong chảo đi trả. Tù lại “hồ hởi” bàn tán: Trả dụng cụ nhà bếp là hết nấu, ba ngày cơm gói là ba ngày đi đường, là ngày về rồi còn gì nữa, chí lý quá mà! Cứ vậy mà bàn cãi, hy vọng. Nhưng rồi, ngày về vẫn chỉ là bánh vẽ. Hết ba ngày cơm gói, ăn và giậm chân tại chỗ. Trại cho lệnh, vào làng mượn nồi niêu soong chảo khác về nấu lại trong lặng thinh như không có việc gì xảy ra.

Cảnh tuyệt vọng có hồi làm bùng lên phong trào “tự đua” (trốn trại). Khởi đầu là chàng phi công L.T. Đúng là tuổi trẻ tài cao, trong trại anh tự khổ luyện lấy bản lãnh đội trời, đạp đất (đầu không đội nón, chân không mang giày) để chiụ đựng trong hoàn cảnh nghiệt ngã khi gặp phải bên ngoài. Anh đã thoát ra khỏi trại bằng mưu mô chước qủy cuả mình, trốn lên đến Buôn Mê Thuột, dự trù sẽ vượt Trường sơn qua Thái Lan. Nhưng rủi to đã bị bắt lại ở bến xe Buôn Mê Thuột khi đang trà trộn ngủ qua đêm với khách ngược xuôi tại đây.

Bị giải về lại trại và bị nhốt trong thùng sắt (Conex của Mỹ) dòng dã mấy tháng. Bị hành hạ đủ kiểu mà anh vẫn sống sót, khi ra khỏi thùng sắt chỉ còn là bộ xương. Nhưng ý chí anh bạn phi côcng này vẫn bền vững.

Kế tiếp, có đôi chàng chăn bò cũng “tự đua”. Sau giờ quy định của trại không thấy đưa bò về chuồng. Cả hai đều là trung tá. Một Lực Lượng Đặc Biệt, một Biệt Động Quân. …

Mấy tháng sau, chàng trung tá Biệt Động Quân, được vệ binh súng kềm hông, tay bị trói chặt, mặt mày sưng vù, chân bước khập khiễng vì bị tra tấn, được “đưa về dinh” trở lại, (sau đó mới biết sự sai lầm của gia đình, thường xuyên tiếp tế đến điểm ẩn trốn, bị điạ phương theo dõi bắt được). Bài học phải trả bằng máu.

Thêm một cuộc vượt trại khác xảy ra. Lần nầy là một Thiếu tá trưởng ty An Ninh Quân Đội của một tiểu khu vùng I. Ông ta bị bắn trọng thương ngoài rào, sau đó bị xử bắn cho chết luôn trước sự chứng kiến của các “nhà trưởng” mà trại tập trung lại cho thấy (để dằn mặt). Một người bị bắt lại nhưng “vô sự”vì nghe đâu hắn là”cò mồi”của trại gài để dụ tù trốn.

Qua những bất an của trại là những cuộc ”biên chế” xáo tung, trộn lộn, quậy đều tù trong trại, mục đích không để cho những người sống gần nhau lâu năm có cơ hội “rù rì” tìm đường trốn trại. Đêm ngủ một giờ phải điểm danh một lần, mỗi lán trại phải có người trực canh gác lẫn nhau, bên ngoài có vệ binh thay phiên tuần tiểu rất nghiêm ngặt.

Tưởng chừng những biện pháp cứng rắn đó có thể áp đảo, ngăn chặn được “âm mưu trốn trại”của tù.Nhưng họ đã lầm. Lần nầy hai người tù gốc người Bình Thuận lại trốn ngoài rừng khi đi lao động. Chuyến nầy tôi được rủ theo, vì tôi và hai người dự mưu cùng trong ban điều hành của lán trại, một nhà trưởng, một nhà phó, và tôi là thư ký. Họ thấy tôi ”mồ côi”(không thân nhân thăm nuôi) nên muốn cho tôi cơ hội. Vị thấy mình không chủ động được việc trốn nên dù tiếc rẻ không dám theo. Chỉ đến khi bị tù vượt biên năm 1986 sau nầy, tôi chủ mưu trốn, mới dám dẫn theo 5 người cùng trốn thoát với tôi). Mấy tháng sau có tin vui. Hai người đó đã xuống tàu “đi cứu nước” bình an. Thoát một cảnh đời tù đày tăm tối…

Một cuộc trốn tù khác ngoài rừng cũng lắm ly kỳ. Lần nầy là một trung úy nghe đâu cháu cuả thủ tướng T.T.K. Ngày đó là chủ nhật, bỗng dưng người tù nầy có lệnh xuất trại lao động cùng vài anh em khác. Người trung úy có dàn xếp thăm nuôi chui ngoài rừng. Hết giờ lao động khi trở về người tù ấy đã cao bay xa chạy, nghe đâu vụ nầy có mua chuộc từ cán bộ trại.

Trong cảnh đường cùng vô vọng, cơn sóng ngầm trốn trại vẫn chuyển động và, cơn sóng nổi (đàn áp) vẫn vờn lượn trong biển tù mênh mông.

Trước viển ảnh nguy biến đó, bỗng dưng có phép lạ. Một ngày, tù được lệnh nghỉ lao động ở lại trại để khai báo lại lý lịch cho chính xác. Tù tự hỏi màn gì xảy ra nữa đây?

Thế rồi một nhóm tù được phóng thích, trong đó có cả người đang bị giam trong xà lim (thùng conex Mỹ) vì tội chây lười lao động, vì tội chống đối “cách mạng” phao tin đồn thất thiệt v.v… Rồi cứ thế từng đợt phóng thích khác tiếp tục.Tôi cũng được phóng thích trong các đợt kế tiếp sau đó. Riêng các tù bị ghép vào thành phần “nợ máu của nhân dân” được chuyển qua trại khác sinh hoạt chờ đợi…

Sau này, khi ra bên ngoài mới biết, có sự can thiệp của Mỹ đối với tù nên được thả, sau hằng chục năm tu.

Những ngày tháng sau, tù lại ra đi, đi vì nước mất nhà tan, vì không có chốn dung thân trên chính quê hương của mình. Đi vì đại họa con số oan nghiệt 30/4 hiện về. Đi khi“tro tàn đã bay trắng đầu”, khi sức đã cạn, lực đã kiệt bởi tù đày của Cộng sản. Riêng tôi vượt biển nên phải “ngâm ngùi”thêm 4 năm nữa ở đảo mới thấy “cổng thiên đường” Mỹ.

Và rồi, bây giờ 39 năm sau. Khơi lại ký ức, chẳng biết từ bao giờ, tro tàn của tháng Tư năm xưa đã bay trắng cả đầu.

Ngô Văn Thu

Ý kiến bạn đọc
25/04/201417:00:14
Khách
Cảm ơn chú
17/04/201407:01:47
Khách
Doc bao cua chu that ngam tro ve ky uc cua que chau Phan Rang ngay do , sang 16 thang tu chau chi la cau hoc sinh lop 12 o cap sach den truong ma chi chay rong ngoai pho nhin xe tang T54 va giup do nhung nguoi linh bo ao quan chen lan trong ngo hem de xin 1 bo do che than de tim duong ve que .That la dau xot cho nguoi linh VNCH ???
17/04/201406:47:07
Khách
Cảm ơn chú đã cho lớp trẻ thấy được 1 trang sử hào hùng của dân tộc....bọn cán ngố có ngày sẽ bị trừng trị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.