Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
*
Hơn bảy giờ sáng ngày thứ Bảy, nhạc chuông điện thoại reo, tôi ít khi trả lời những cuộc gọi số phone lạ. Sáng hôm nay tự nhiên chuông vừa reo tôi bắt máy liền, vì tôi đang chờ người con trai thứ hai của tôi sáng nay đi làm về trễ, trước đây gia đình tôi ở thành phố gần nơi Cậu ấy làm việc, hai năm nay chúng tôi dọn nhà về vùng N, cách thành phố nơi Cậu ấy làm việc hơn một giờ chạy Freeway 5.
Đường đi và về luôn bị kẹt xe nhiều đoạn, lên ca chiều 6 giờ chiều mà phải đi 4 giờ chiều mới kịp giờ làm, xuống ca lúc 4 giờ sáng, về tới nhà lúc nào cũng 6 giờ sáng. Có nhiều ngày trễ hơn, vì đường quá xa, lòng tôi lúc nào cũng thấp thỏm không yên khi cháu chưa về tới nhà. Đó là nỗi lòng của tất cả các người Mẹ. Cậu con trai nhà tôi đã 45 tuổi cứ vui vẻ không chịu cưới vợ. Chiều nào ra xe đi làm tôi đều nhắc:
- Lái xe cẩn thận nghe con.
Thời gian sau này mỗi khi tôi nhắc thì Cậu hát “Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ rứa thôi có chi mà lo Mạ hè…
Tôi bắt máy - “A lô”. Bên kia giọng lơ lớ tiếng Việt của một cô gái, những người thế hệ thứ hai hay thứ ba sinh ra lớn lên trên đất nước này. Tôi rất hồi hộp khi nghe cô ấy nói.
- Xin lỗi! Số máy này có phải là máy của mẹ anh T.L. không?
Tôi trả lời:
- Phải! Có gì không con?
Cô gái trả lời:
- Dạ! Anh T.L vào bệnh viện rồi Mom ơi.
Tôi hỏi:
- Bị gì mà vào bệnh viện hả con?
Cô gái trả lời:
- Dạ! Con không rõ lắm.
Tôi hỏi:
- Bệnh viện nào hả con?
Cô gái trả lời:
- Dạ! Con không biết, bạn anh ấy nhờ con báo tin cho Mom như vậy, Mom đợi một lát để con hỏi lại đã.
Tôi run quá, tay cầm không vững cái phone, vào phòng báo cho ông xã.
- T.L đã vào bệnh viện.
Tôi nói tiếp:
- Cô gái báo tin không đầu, không đuôi, chỉ báo vào bệnh viện ngoài ra không biết chi hết, bệnh viện nào cũng không biết, cô ấy nói đợi cô hỏi lại đã. Mình chuẩn bị, cô ấy báo bệnh viện nào thì đi ngay.
Tôi báo cho S.L. con trai kế biết, S.L. phone vào nơi làm việc xin nghỉ để cùng đi bệnh viện. Sau hơn 30 phút chờ đợi, cô ấy gọi lại báo:
- Phòng cấp cứu Bệnh viện Harborview Seattle. Mom đến đó có gì tin cho con biết với.
Tôi trả lời:
- Cám ơn con, mom sẽ tin cho con biết sau.
S.L. gọi phòng cấp cứu bệnh viện Harborview hỏi thăm tình hình sức khỏe của T.L. Sau khi báo tên bệnh nhân, được y tá phòng cấp cứu trả lời:
- Tình hình bệnh nhân rất xấu, gia đình đến gấp.
Gần bốn mươi phút xe chạy, ba người chúng tôi đến bệnh viện Harborview. Rất ngạc nhiên không hiểu tại sao cửa vào bệnh viện nhân viên an ninh xét rất kỹ, không khác chi qua cửa an ninh vào sân bay.
Sau khi được phòng cấp cứu xác nhận tên bệnh nhân, bộ phận an ninh đưa cho mỗi người một ticket dán lên ngực áo rồi đi vào theo hướng dẫn, đến hành lang chúng tôi được một cô nhân viên đón, đưa vào phòng đợi, cô này cho biết:
- Phòng cấp cứu thân nhân không thể vào được, phải ở đây đợi bệnh nhân chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt mới được vào thăm.
Cô nói tiếp:
- Ở đây có trà, cà phê và nước, mời mọi người tự nhiên dùng, chúng tôi cám ơn, trước khi rời phòng cô ấy nói đợi cô trở lại.
Tiếp theo một cô khác vào gặp chúng tôi, cô ta giới thiệu cô là Mục sư, sau khi nói chuyện một lúc, cô muốn cầu nguyện cho bệnh nhân, chúng tôi đứng lên hiệp ý cầu nguyện, sau cùng cô Mục sư hỏi gia đình cần gì cô sẽ giúp. Chúng tôi đề nghị:
- Nếu được hôm nay xin Mục sư mời giúp cho một vị Linh mục.
Cô Mục sư hứa sẽ liên lạc giúp. Tôi thắc mắc:
- Tại sao vào bệnh viện mà xét kỹ như vậy.
Cô Mục sư trả lời:
-Vì vừa qua bệnh viện đã bị bọn người xấu tấn công, hành hung, cướp bóc, họ muốn chiếm bệnh viện, cho nên bệnh viện phải kiểm soát kỹ để tránh tình trạng xấu.
Rồi cô ta tạm biệt. Gần 11giờ, cô nhân viên khi nãy trở lại báo, bệnh nhân đã được chuyển về phòng chăm sóc đặc biệt, cô ta dặn một vài chi tiết, yêu cầu mọi người bình tĩnh khi gặp bệnh nhân.
Đến trước cửa phòng T.L nằm, không thể vào được, vì bên trong quá nhiều Y, Bác Sĩ đang làm việc, chúng tôi được một cô y tá đưa tới phòng đợi khác, cô nói:
- Bác Sĩ điều trị đang làm việc, gia đình ngồi đợi đây, lúc nào Bác Sĩ làm việc xong sẽ cho gia đình biết để vào thăm.
1giờ chiều. Cô y tá cho biết vào thăm được rồi. Chúng tôi vào phòng, từ đầu đến chân toàn là dây và máy, T.L nằm bất động, quá đau lòng khi thấy tình trạng con như vậy, ai cũng khóc, T.L hai hàng nước mắt chảy ròng, chúng tôi gục đầu khóc bên giường bệnh. Đến 5 giờ chiều, Bác Sĩ điều trị muốn gặp gia đình tại phòng đợi khi nãy. Bác Sĩ cho biết tình hình bệnh nhân. Bác sĩ nói:
- Bệnh nhân được xe cấp cứu của phòng Cứu Hỏa đưa vào lúc 5 giờ rưỡi sáng trong tình trạng hôn mê sâu. Chúng tôi đã kích 8 lần để đánh thức tim, mỗi lần bệnh nhân chỉ tỉnh lại một vài giây rồi lịm, qua lần kích thứ 9, bệnh nhân không tỉnh lại nữa. Trước tình trạng này chúng tôi rất lo não bộ của bệnh nhân, vì tim không hoạt động máu không lên não, rất nguy hiểm cho não. Chúng tôi đã cài máy kích thích não cho anh ấy và áp dụng phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân, cả nhà an tâm đợi kết quả.
Sau khi Bác sĩ đi ra ngoài, thì Cha Trần Hữu Lân giáo xứ các Thánh Tử Vì Đạo Seattle đến, Ngài xức dầu và ban Bí Tích cuối cùng cho T.L. Đến 7 giờ tối, y tá hỏi gia đình ai ở lại, hai vợ chồng tôi ở lại. Cô y tá chỉ cho 2 ghế vừa ngồi, vừa nằm, trang bị cho chúng tôi, gối, ra trải, tấm đắp, áo choàng ngoài chống lạnh, một khay giấy xách tay, có mấy bao bánh, một bình cà phê, một hộp đường, một hộp sữa, kem, và mấy chai nước uống. Cô nói khi nào dùng hết cho cô biết.
Đêm tới, bên giường bệnh, hai cô y tá thức suốt đêm, một cô chuyên chăm về thuốc chích và bình thuốc truyền, theo dõi thân nhiệt, cô kia lo các máy, vì hết máy này tới máy khác thay nhau kêu “tít, tít”.
Chúng tôi dán mắt vào T.L. để tìm một chuyển biến trên mặt. Gia đình anh trai đầu của T.L. từ CA lên chuyến bay đêm, đang chuẩn bị sáng mai đến thăm sớm.
Sáng Chúa Nhật, Bác sĩ vào làm việc chúng tôi về phòng chờ nằm nghỉ. Vừa chợp mắt thì tôi thấy T.L. mở cửa đi vào, đưa cho tôi cái giỏ giấy, rồi cười đi ra. Cả hai chúng tôi đều ngồi bật dậy, ông xã tôi nói:
- Ba mới thấy T.L. đưa cái giỏ xách rồi đi ra, mình tới coi thử.
Chúng tôi chạy nhanh tới phòng. Các bác sĩ vây quanh giường đang làm việc. Như vậy cả hai vợ chồng đều thấy một chiêm bao.
Suốt ngày đêm Chủ Nhật, cơ thể T.L. lúc lạnh như nước đá, lúc hâm hâm nóng, hệ thống trợ thở vẫn không ngừng hoạt động.
Trưa ngày thứ Hai, mấy người bạn làm chung với T.L. vào thăm, một người bạn cho biết tình hình ban đầu của T.L. cậu ta nói:
- Thường mỗi khi chúng cháu xuống ca đều tới câu lạc bộ ăn sáng, uống cà phê xong mới về. Sáng hôm qua chúng cháu mới gọi xong thức ăn, anh T.L nói - Anh nhức đầu, chóng mặt quá, anh ra xe nghỉ một lát, em lấy cà phê mang ra xe cho anh với.
Chúng cháu ăn uống xong lấy ly cà phê cho anh T.L., ra tới xe thấy anh T.L. gục nghiêng trên tay lái, cháu lay gọi anh ấy nhưng anh ấy không cử động, mấy anh em sợ quá, quýnh quáng không biết làm sao, sau cùng phụ bế anh ấy qua xe cháu, rồi chạy ra phòng Cứu Hỏa trước cửa nơi làm việc của chúng cháu, chúng cháu biết trong đơn vị cứu hỏa lúc nào cũng có bộ phận y tế họ sẽ cấp cứu, đưa anh T.L. vào đó họ cấp cứu nhiều kiểu, cuối cùng họ đưa đi bệnh viện, lúc đó cũng khoảng hơn 5 giờ sáng.
Phone của anh T.L. chúng cháu không mở khóa được nên không biết làm sao báo cho Mom, cháu gọi cả chục người bạn không ai biết, cuối cùng có cô em này biết số phone Mom.
Tôi nói lời cảm ơn mấy cô cậu, nếu họ không báo thì gia đình biết đâu mà lần.
Đến chiều, bác sĩ phụ trách mời gia đình họp. Bác sĩ nói:
- Vì tim ngừng làm việc quá lâu, máu không bơm lên nuôi não nên não bị phù. Các bộ phận nội tạng cũng bị tổn thương nặng vì tình trạng trên, ngày mai có hai bộ phận chuyên về não sẽ đến kiểm tra, nếu cả hai bộ phận này sau khi kiểm tra cho cùng một kết quả, lúc đó bệnh viện sẽ tuyên bố tình trạng bệnh nhân.
Ông xã tôi hỏi:
- Cần thay một bộ phận nào có thể cứu sống con tôi không, tôi sẵn sàng.
Bác Sĩ lắc đầu, nói cám ơn. Sáng thứ Ba, sau khi đoàn Bác sĩ khám bệnh xong, thì T.L được đưa đến phòng kiểm tra não, sau mấy giờ làm việc, họ đưa T.L. về lại, bộ phận khác tới kiểm tra tại chỗ, cuối cùng họ lắc đầu. Chiều hôm đó Bác sĩ phụ trách mời họp gia đình lại. Bác sĩ nói:
- Bệnh viện xin chia buồn cùng gia đình, hai nhóm kiểm tra não, cho kết quả não bộ của bệnh nhân đã chết, giờ này bệnh viện xin tuyên bố bệnh nhân đã tử vong. Giờ rút ống trợ thở tùy gia đình.
Sau khi Bác sĩ điều trị nói xong, nhóm bác sĩ khác vào. Họ trình bày:
- Lúc bệnh nhân còn sống đã có nhã ý, sau khi qua đời sẽ hiến nội tạng.
Họ copy và phóng to ID của T.L có dấu hiến nội tạng, họ xin phép gia đình để T.L ở nhà xác thêm hai ngày, rồi họ chuyển về nhà quàn, họ xin số phone và địa chỉ nhà quàn để bệnh viện liên lạc.
Gia đình họp, quyết định ngày thứ Tư, buông xuôi T.L cho họ. Hai giờ chiều ngày thứ Tư, gia đình từ biệt người con thân yêu lần cuối. Bệnh viện chuẩn bị nhận T.L đưa về nhà xác, ngoài cửa phòng bệnh của T.L, hai hàng Y, Bác Sĩ, trang nghiêm đứng, để tiễn T.L. đến nhà xác, một vị BS. lớn tuổi nói với gia đình:
- Tôi là Bác Sĩ trưởng đại diện bệnh viện Harborview xin chia buồn với gia đình vì sự ra đi của người con thân yêu của quý vị, và cám ơn gia đình đã đồng hành với ý nguyện của anh T.L. Chúc gia đình sớm vượt qua sự mất mát đau thương này.
Ông xã tôi đáp lời:
- Tôi là cha của bệnh nhân, qua bốn ngày đêm ở lại đây, tôi rất biết ơn sự chăm sóc tận tình của Y, Bác Sĩ bệnh viện Harborview. Sự ra đi của con tôi ngoài ý muốn của quý vị, cũng như gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ rằng khi Thượng Đế đã an bài thì con người không thể cãi lại được.
Tôi cũng nhớ ơn bệnh viện đã chăm sóc chu đáo cho chúng tôi người nhà của bệnh nhân ở lại đây, được quý vị lo đầy đủ mọi thứ cần thiết, kể cả thực phẩm.
Sau cùng tôi hy vọng nội tạng của con tôi sẽ giúp cho người nhận vượt thắng cơn bệnh mà cơ thể họ cần.
Xin ơn trên ban cho quý vị nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cao cả mà bệnh nhân cần.
Mấy tuần sau ngày lễ tang của T.L., gia đình chúng tôi lần lượt nhận được ba lá thư của Life Center Northwest chuyển tiếp, trong mỗi thư là lời cảm ơn. Họ viết dài kể về tình trạng bệnh của họ, nay may mắn vượt qua nhờ được thay thế. Các thư đều được Life Center chuyển địch.
Có một thư ngắn viết như sau:
“Gia đình người hiến tặng thân mến,
Tôi mong quý vị biết rằng có nhiều người muốn chia sẻ cùng quý vị tại thời điểm khó khăn này. Tôi hy vọng quý vị sẽ cảm thấy yên tâm khi biết rằng người thân yêu của quý vị đã đem lại sự sống cho nhiều người đang cần.
Trân trọng,
Rabah - người được hiến tặng”
Một khối đau biết lúc nào vơi …
Phương Lâm
Gửi ý kiến của bạn