Hôm nay,  

Bài Ký Cuối Đời

02/07/202406:00:00(Xem: 2371)
TG Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Tác giả Sapy Nguyễn Văn Hưởng

 

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau đây là tùy bút mới nhất của tác giả ghi lại những suy nghĩ và sự chuẩn bị cho thời gian “cuối đời” của mình.
 
*
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây.
 
Quanh Quẩn Nơi Nghĩa Trang
 
Mấy bữa rày hơn cả triệu người dân xứ sở con gà trống Gô Loa xuống đường biểu tình phản đối việc ông tông tông trẻ tuổi đẹp trai lại cưới bà vợ già, sửa đổi tuổi về hưu từ sáu mươi hai lên sáu mươi tư. Làm tôi chợt nhớ tới việc tôi nghỉ hưu từ khi bước qua tuổi năm mươi bốn, khiến vài người bạn thắc mắc, làm sao tôi có thể tiêu dùng hết thời gian? Trái lại tôi luôn bận rộn. Sự bận rộn do chính tôi tự trói buộc mình, nhờ vậy chưa bao giờ tôi cảm thấy thời gian dư thừa, để từ đó đâm ra buồn chán bởi không biết phải làm gì! Mỗi sáng thức dậy, tôi thường ngồi trước tivi đôi giờ, sau đó mở computer lên đọc tin tức, sách báo, rồi nhìn vào bàn phím thong thả "mổ" từng chữ, chuyển tải những điều tôi muốn diễn đạt thành chữ viết. Hôm nào chữ nghĩa tuôn ra nhiều, bà vợ phải "cằn nhằn, xua đuổi" tôi mới tạm rời xa cái màn hình. Nếu chữ nghĩa tự dưng trốn mất biệt, tôi như người thẫn thờ, mặc cho đầu óc phiêu bồng nghĩ ngợi mông lung. Cho dù thế nào đi chăng nữa, mỗi ngày tôi đều dành riêng vài giờ ra khỏi ngôi nhà đi bộ thể dục hoặc lái xe tìm thăm gặp gỡ, cà phê cà pháo, chuyện vãn cùng bạn bè hay người quen biết… 
Việc tôi đi bộ hàng ngày lý thú lắm. Lúc nhàn nhã ngắm đủ loại công trình kiến trúc, bảo tàng viện, luôn cả cỏ cây hoa lá, ở bên trong lẫn bên ngoài các công viên lớn nhỏ. Đôi khi tôi để chân trần bước dọc theo các bãi biển, mặc cho cát mềm, nước mát lạnh xoa bóp đôi bàn chân. Tôi cũng hay tìm đến những lối mòn, hầu như bất kỳ khu dân cư nào nơi quận hạt San Diego đều có cả. Đến mấy chỗ đó để tận hưởng cái thú một mình lang thang giữa rừng cây rậm rạp, nhìn ngắm đủ các loại hoa dại đua nhau nở rộ mỗi độ xuân về, nghe được cả tiếng chim kêu, nhưng chưa từng nghe vượn hú. Lâu lâu bất chợt giật mình vì mấy con thỏ phóng nhanh băng ngang đường lẩn trốn vào trong bụi, hay vài chú sóc đôi mắt láo liên thậm thụt trong hang. Lại còn bao nhiêu khu nhà biệt lập, cả cũ lẫn mới xây cất thứ tự, lớp lang. Cứ thế tôi loanh quanh mãi, không phải đi "cho đời mỏi mệt" giống Trịnh Công Sơn. Tôi đi để ngắm một chốn yên bình chung quanh nơi tôi diễm phúc được sinh sống suốt gần nửa thế kỷ qua. Rồi biết bao nhiêu con đường ven hồ, bên cạnh dòng sông, con suối, thác ghềnh, thung lũng thơ mộng, tôi không thể nào kể hết ra đây.
 
Không phải những con đường tôi đi qua luôn đẹp đẽ, đôi khi tôi cũng gặp đủ cảnh dở khóc dở cười. Bao lần tôi từng giật thót người bởi mấy con chó to chẳng khác gì sư tử, từ trong vòng rào chồm lên sủa inh ỏi. Tôi càng kinh khiếp hơn lúc nhìn hàm răng vừa dài vừa nhọn nhe ra như muốn nhảy bổ ngoạm cắn xé tôi. Mấy lúc lang thang theo các lối mòn dành chung cho cả người lẫn ngựa. Bước chân tôi chẳng khác chi loài chim sáo, liên tục nhảy qua nhảy lại mới tránh dẫm phải mấy đống to tướng do loài ngựa thải ra. Lâu lâu tôi cũng đạp nhằm mấy thứ dơ bẩn của loài chó cưng mà chủ nhân quên dọn dẹp. Cũng may những cặn bã từ con người phóng ra tôi chưa gặp bao giờ.
 
*
Chắc tôi cũng chẳng khác với bao người, nếp sống bình thường bị xáo trộn từ khi thảm họa Covid đổ ập tới. Nếu xem loại dịch bệnh nhiễm qua đường hô hấp đó xảy đến là điều không may, thì cái không may của tôi, một người đã bước qua tuổi bảy mươi, đem ra so sánh với nhiều người khác, thật chẳng đáng là bao. Bởi những ngày tháng đó, cuộc sống ở nước Mỹ, nơi có người nhiễm Covid bị tử vong nhiều nhất trên thế giới. Lại không có lệnh lạc nào cấm đoán, bắt buộc bất kỳ ai phải ở miết trong nhà, không được phép bước ra khỏi ngõ. Khác hẳn với tình cảnh đồng bào tôi sống nơi quê nhà. Qua những tin tức hình ảnh đăng tải đầy trên YouTube, tôi không đủ bình tâm ngồi xem hết cảnh những đường phố, con hẻm bị chăng giây, bị canh phòng nghiêm ngặt. Tôi cũng không hiểu vì sao những nơi được gọi là "cách ly" lại đẩy hàng chục con người vào chung một căn phòng nhỏ, người nằm giường trên người giường dưới, luôn phải đối mặt nhau,… Dân chúng đều được khuyến cáo, luôn phải tuân thủ đủ loại "caca", nào Khoảng cách, nào Không tập trung,… Nào đủ loại "ép", F1, F2, F3, F tới đem vô lò thiêu, người ta nhận hũ tro cốt mà không biết chắc, đó có phải của thân nhân mình không? Vậy mà mắt tôi vẫn thấy một quan chức thuộc loại chóp bu ở tận trung ương, tập họp hàng chục đàn em, đứng sát cạnh nhau, kéo đến và “gặp gỡ một số người dân đang sinh sống trong các nhà trọ ở quận Gò Vấp". Mấy chữ trong ngoặc kép này, tôi viết lại nguyên văn theo lời chú thích trong một video, lấy từ kênh báo chí chính thống của nhà nước, tôi tình cờ xem được. Đến khi dịch bệnh lan tràn đến đỉnh điểm, "Hồ Chí Minh" thân yêu càng thê thảm hơn! Tôi nghe lạnh hết thân người khi nhìn cảnh phố xá vắng tanh, lâu lâu mới thấy bóng một chiếc xe vụt qua. Nỗi bàng hoàng lo sợ trong tôi càng cao hơn, khi cảnh dân chúng sau bao tháng ngày bị giam hãm, lũ lượt kéo nhau rời bỏ thành phố bằng đủ loại phương tiện, bất chấp sự ngăn trở của các ông công an, bộ đội.
 
Giữa lúc dịch bệnh lan tràn, cái thú đi bộ của tôi đương nhiên bị giới hạn, bởi mọi nơi giải trí công cộng như bãi biển, công viên đều bị chăng giây cấm vào. Tuy vậy hàng trăm hàng nghìn con đường, lối đi đẹp đẽ thênh thang vẫn rộng mở chờ tôi bước tới. Nỗi sợ Covid của tôi nhiều khi hết sức phi lý. Tôi sợ những con cúm mình đầy gai góc hình vương miện bé li ti bay lượn theo gió, chui lọt vào xe, xông thẳng vô mũi tấn công buồng phổi. Nên tôi ngại ngồi vào xe, đành phải đi bộ quanh quẩn mấy khu gần nhà.
 
So với trước khi dịch bệnh bùng phát, sự khác biệt lớn nhất trong lúc đi trên đường chính là việc gặp gỡ người đối diện. Bình thường ai ai cũng lịch sự, niềm nở tươi cười chào hỏi nhau đôi câu. Giờ mồm miệng bị khẩu trang che kín, chẳng ai thấy cần và cũng chẳng muốn nói năng gì. Riêng tôi để giữ an toàn cho bản thân, tôi chọn giải pháp bước sang bên kia đường. Nếu gấp gáp quá không tránh kịp, tôi "nín thở qua sông" tận cho đến lúc sắp đứt hơi, tức đã cách xa người ta vài chục thước tây, mới tiếp tục hít thở. Tôi có cảm tưởng mọi người cũng ngầm hiểu, cần phải tự tránh nhau càng xa càng tốt.
 
Rời khỏi lối dẫn vào nhà, cứ thế tôi thả dọc theo con dốc Lynwood, cái tên phảng phất chút hơi hướng núi rừng chỉ vài chục bước chân, đã dẫn tới đường Bonita. Con lộ cái thênh thang mỗi chiều hai làn xe, được phép chạy hơn tám mươi cây số một giờ. Xuống tới đây tôi có ba sự lựa chọn. Rẽ trái ra phố Chula Vista. Đi thẳng sẽ tới Plaza Bonita, một khu thương mại sầm uất. Suốt quãng thời gian dịch bệnh tung hoành, hầu hết cửa nẻo đều đóng kín. Mọi người biết chốn này còn thoi thóp nhờ mấy nhà hàng vẫn được phép mở cửa, chỉ bán cho khách mua thức ăn mang đi. Nếu rẽ phải sẽ tới một khu dân cư, có nhiều ngôi nhà đất rộng như trang trại, được phép nuôi cả dê lẫn ngựa. Bên cạnh đấy có hai khu chung cư mái ngói khang trang, kín cổng cao tường, xe cộ ra vào đều phải bấm số mật mã, cánh cổng sắt mới tự động mở. Nơi này cũng có vài chỗ chuyên chăm sóc người già cả, được bao quanh bởi nhiều hàng cây cao bóng mát.
 
Những ngày nhìn biểu đồ hiện lên màn hình máy tính, thấy số người chết vì Covid của nước Mỹ vượt quá con số ngàn, tôi ngại đến nỗi sợ phải đưa ngón tay bấm vào cái nút xin băng ngang đường, tại các ngã tư có đèn xanh đỏ. Vì vậy khi đi tới đường Bonita tôi thường rẽ phải nhiều hơn. Bước trọn một vòng khu dân cư cạnh bên nhà, vỏn vẹn chừng một cây số, nên vòng vo mãi cũng chán, tôi để đôi chân cứ thẳng một đường mà đi. Nhờ vậy tôi tìm được một nơi lý tưởng để đi bộ thể dục, ít lo sợ bị Covid lây lan hơn. Trong biết bao mất mát, khó khăn toàn cầu đang hứng chịu, tôi cảm thấy mình may mắn hơn bao nhiêu người. Tôi xin phép được ghi lại vài điều xảy đến với tôi ra đây.
 
*
Nơi chốn tôi tự cho là lý tưởng đó chính là khu "Công Viên Tưởng Niệm Glen Abbey", riêng tôi lại thích gọi ngắn gọn "Nghĩa Trang Bonita". Tiếng Bonita tôi chọn bởi đó là tên con đường trước cổng, có nghĩa là "Đẹp Đẽ" trong tiếng Tây Ban Nha. So với một số nghĩa trang tôi có dịp ghé thăm như Green Wood của giới giàu có cả về tiền bạc lẫn quyền lực ở New York, nơi đây rộng hàng trăm mẫu đất, có thung lũng ao hồ, cây cỏ xanh tươi, đẹp hơn cả công viên nhiều thành phố. Từ chiếc cổng ra vào cho đến lăng mộ đều mang đậm phong cách Gothic của một thời xa xưa. Nếu như đem so với nghĩa trang Fort Rosecrans, chỗ đẹp nhất để ngắm vịnh San Diego và trọn bãi biển Coronado với tòa lâu đài lợp mái đỏ thắm, dùng làm khu nghỉ dưỡng sang trọng, tại đây với hàng ngàn bia mộ sơn trắng toát, xếp đặt ngay hàng thẳng lối thoai thoải dọc theo sườn đồi nhô ra biển Thái Bình, thì nghĩa trang Bonita cách nhà tôi gần một dặm đường chẳng có điểm nào để so sánh.
 
Trong lần đầu thoáng nhìn các con dốc thẳng đứng khiến tôi chùn bước. May mà vào đến nơi rồi, tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Chân vẫn phải bước, mệt thì ngừng thở. Cứ đi, cứ nghỉ, cứ thở miết rồi cũng quen dần. Tôi chẳng rõ mấy con dốc uốn lượn quanh co đó trở nên gần gũi, thân quen với tôi từ khi nào. Tới chừng xem các video quay cảnh người dân tộc, cả miền Đông lẫn miền Tây Bắc Việt Nam, vượt đồi, vượt suối, gieo trồng trên các ruộng bậc thang hay nương rẫy, tôi bớt hẳn cảm phục sự dẻo dai chịu đựng của họ như trước kia. Vốn là người ham thích đi đó đi đây, cho nên tôi dệt cho mình giấc mơ, một ngày nào đó tôi sẽ bước lên những cung đường gọi là sống lưng khủng long hay lội bộ từ đỉnh con đèo Mã Pí Lèng xuống dòng sông Nho Quế… Tôi cũng muốn đi bộ qua đèo Mẻ Pia gồm mười bốn tầng dốc ở Cao Bằng. Con đèo quanh co hai cây số rưỡi, chỉ hơn khoảng năm trăm thước tây, nếu đem so với con đường đi vào nghĩa trang Bonita từ hướng cổng phía Tây. Tôi tin mình dư sức vượt qua đèo Mẻ Pia, dù tuổi đời đã vượt quá non ba phần tư thế kỷ. 
 
Tôi mất cả đôi ba tháng mới thân quen với nghĩa trang Bonita, để dần dần yêu mến thích thú, lâu ngày không ghé lại cũng cảm thấy nhớ nhung. Nơi đây có vài ba khúc đường rợp cây cao bóng mát, thích hợp cho ngày hè oi bức. Cũng không thiếu những đoạn đường trống trơn tha hồ sưởi nắng ấm. Đi hết mấy con đường vòng vo cũng được năm bảy cây số, đủ cho trán tôi lấm tấm mồ hôi và hơi thở dốc. Tôi thích dừng chân nơi đỉnh cao nhất, từ đó tôi có được tầm nhìn trọn ba trăm sáu mươi độ, ngắm toàn cảnh nghĩa trang trải rộng, những khu dân cư ẩn hiện dưới thung lũng, bên lưng chừng đồi và luôn cả các dãy núi bao quanh. Mỗi khi đến đây lúc hoàng hôn sắp buông xuống, cảnh bầu trời đỏ rực bủa vây những cao ốc sừng sững của một thành phố tráng lệ, soi bóng xuống vịnh San Diego êm đềm và cả biển Thái Bình luôn làm tôi say đắm.
 
Hình ảnh chốn yên nghỉ cuối đời của bao con người cũng khiến lòng tôi xao xuyến. Đi lại hàng ngày đôi lúc tôi được dịp trò chuyện hỏi han vài người chăm sóc nghĩa trang. Qua họ tôi biết, nơi tôi đang đứng đã có cả trăm năm nay. Tôi biết thêm một kiểu mai táng khác, ngoài cách chôn quan tài xuống đất hay hỏa táng ra tro bụi. Đó là chôn theo kiểu Mausoleum, Google dịch là Lăng mộ. Tôi không thích gọi vậy, bởi chữ "lăng" khiến tôi liền nghĩ đến nơi dành riêng cho bậc vua chúa an nghỉ, như lăng Gia Long, Tự Đức… Tôi thích gọi đơn giản là chôn nổi hơn. Chôn cách này quan tài được bọc thêm một lớp vải nhựa trước khi đưa vào trong một hộc kín bưng như gian phòng, sau đó trét kín niêm phong cẩn thận. Và thân xác sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
 
Khung cảnh nghĩa trang Bonita không chút ghê rợn, thê lương, như thường thấy ở các nghĩa trang bên quê nhà. Nằm nơi đây, đúng là được an nghỉ trên đồi cỏ thênh thang, có hoa đẹp, có cỏ xanh, luôn cả nắng ấm lẫn gió mát… bởi đâu đâu cũng lớp lang sạch sẽ. Những ngày cuối tuần, ngày lễ tình nhân, lễ cha, lễ mẹ, nhìn người, nhìn dòng xe cộ nối đuôi vào nghĩa trang, tôi liên tưởng tới mấy vần thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh:
 
Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân...
 
Người Mỹ không có Tết Thanh Minh, để rủ nhau tảo mộ, cùng dọn dẹp mộ phần rồi bày mâm cơm cúng kiếng, mong người đã khuất phù hộ cho thân nhân trên dương thế. Quanh quẩn qua lại nhiều lần tôi nhìn được phần nào cung cách "giao tiếp" với người đã khuất của người bản địa. Nơi đây ngày nào cũng có người tới viếng mộ. Hoa là thứ chính yếu, ai ra đây cũng đem theo. Mỗi phần mộ mỗi hoàn cảnh, mỗi cách thể hiện riêng. Qua những gì lưu lại, tôi thấy được sau khi thân nhân ra về. Nào những món đồ chơi xinh xắn, như hình tượng Mickey Mouse (Chuột Mickey), mấy con thú nhồi bông, những chùm bong bóng bay đủ loại sắc màu… Có lẽ bao nhiêu kỷ vật người chết từng yêu thích khi còn trên dương thế đều được bày cả ra trước mộ phần. Người tới viếng chẳng khác chi rủ nhau đi picnic (dã ngoại), họ chăng lều, mang ghế bàn, mang đủ loại thực phẩm bày ra ăn uống, nhậu nhẹt, trò chuyện thoải mái tự nhiên, cùng ôn lại bao kỷ niệm với người quá cố. Tôi như thấy Tết Thanh Minh tại nơi đây rơi đúng vào dịp Giáng Sinh. Những ngày ấy nhiều mộ phần được rẫy cỏ, cắm thêm hoa, cũng mọc lên dẫy đầy thông xanh, càng lung linh hơn dưới ánh sáng của bao ngọn nến, ngọn đèn màu chớp tắt giăng mắc.
 
Nhìn những bia mộ đặt sát mặt đất, tôi xem đây là nơi an nghỉ cho từng người hoặc từng đôi, giống như lúc họ ở trong khu nhà riêng biệt nơi cõi thế. Mấy nơi sang cả hơn, tôi xem như "dinh cơ" dành cho hạng người giàu có. Các dinh thự ấy đều có hàng rào ngăn cách, tên tuổi ghi khắc lớn hơn bởi không bị buộc phải làm theo khuôn mẫu. Nhiều mộ phần xây nổi, mộ bia dựng đứng thay vì đặt ngang mặt đất. Ngoài ra các nơi đặt tro cốt nhỏ nhắn xinh xinh. Đặc biệt hơn là những khu mộ nổi. Tôi xem người chọn cách chôn cất này y hệt như chọn lối ở chung cư. Mỗi khu đều có hòn giả sơn, có suối róc rách, luôn cả công viên nho nhỏ xinh xinh.
 
Hàng ngày dạo quanh nghĩa trang Bonita giúp tôi nhận ra chính mình, thấy rõ thân phận mình hơn, biết mình nên chọn đứng nơi nào. Tôi chấp nhận cái đơn sơ, mộc mạc, bình dị như củ sắn, củ khoai, như trái ổi, trái cóc hay trái bình bát, buồng dừa nước… Đó mới là nơi chốn đích thực của tôi. Những xa hoa lộng lẫy, tráng lệ như cung điện, cùng các tượng đài điêu khắc đầy nét nghệ thuật… hoàn toàn không thuộc về tôi. Dường như tôi đã tìm ra nguyên do vì sao nơi này lại quyến rũ bước chân tôi. Nếu tôi chọn sẽ vĩnh viễn ở lại với quê hương thứ hai, chắc chắn nghĩa trang Bonita sẽ là chốn tôi an nghỉ cuối đời. Nơi tôi từng dẫm chân lên mọi ngõ ngách, biết tường tận từng hàng cây, góc khuất. Từ đây trở về mái ấm nơi vợ chồng tôi chung sống, các con tôi từng chơi đùa, các cháu tôi thường khoanh tay cúi đầu, đọc trọ trẹ từng câu chúc ông bà trong mỗi dịp mừng đón Tết. Còn thật nhiều, nhiều lắm, đầu óc tôi làm sao nhớ hết nổi! Nằm lại nơi đây, nếu con cháu tôi muốn đến thăm cũng chỉ mất ngoài một giờ lái xe.
 
*
Bà Tử Tế
 
Việc tôi mang giày đi bộ cả chục cây số mỗi ngày, đôi lúc hứng khởi thấy khỏe khoắn trong người, tôi tham lam đi một mạch bốn năm tiếng đồng hồ. Bởi vậy ngón chân út của tôi lâu lâu lại bị đau, như muốn phản đối việc tôi lang thang quá nhiều. Đau nhức như vậy khiến đôi khi tôi phải mang sandal hay lê lết đôi dép nhật.
 
Một hôm lúc tôi đang thầm đếm bước trong nghĩa trang Bonita, bất chợt tôi thoáng thấy một bà cụ tóc bạc, tiệp với màu chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt, đang đứng cạnh chiếc Toyota Camry nhỏ đậu bên đường. Như một thói quen phát sinh từ khi đại dịch Covid lan tràn. Ngay sau cái nhẹ gật đầu chào, tôi bước nhanh sang phía lề đường bên kia. Ánh mắt bà ta vẫn chăm chăm nhìn theo bước chân tôi, rồi một giọng nhỏ nhẹ, rõ ràng vọng sang:
 
- Ông ơi! Ông không nên mang sandal đi bộ nhiều như vậy! Nguy hiểm lắm! Đôi sandal của ông rất mỏng, không đủ êm để bảo vệ cho đôi chân ông! Lỡ chẳng may ông bị trượt ngã thì sao? Tôi chắc là ông mang cùng một cỡ giày với chồng tôi. Ông nhà tôi có nhiều giày lắm. Nếu ông không ngại và muốn nhận những đôi giày ấy, ngày mai cũng khoảng giờ này tôi sẽ mang ra đây cho ông.
 
Tôi cảm nhận được tấm lòng nhân ái, quan tâm tới người khác qua ánh mắt trìu mến cùng giọng nói thân tình. Tôi liền giải bày cái nguyên do không thể nhận được:
 
- Dạ, cám ơn bà. Tôi có đủ giày mang rồi. Sở dĩ mấy ngày nay tôi phải mang sandal vì ngón chân út của tôi bị đau.
 
Bà nhẹ gật đầu trước khi quay mặt đi. Nhưng tôi vẫn nhìn rõ nét trìu mến qua ánh mắt lúc bà mở cửa bước vào trong xe. Kể từ sau giây phút đó, ba tiếng "Bà Tử Tế" hiện lên trong tôi mỗi khi nghĩ đến bà. Rồi lâu lâu tôi lại thấy chiếc Camry trắng cùng mái tóc ngắn bạc phơ. Tôi để ý thấy lần đến đây nào cũng giống như nhau, Bà Tử Tế từ tốn lấy trong cốp sau xe ra, nào cái ghế xếp có thành dựa, chiếc dù khá to che nắng... Mọi thứ lỉnh kỉnh ấy được chất vào một chiếc xe kéo nhỏ có bốn bánh. Cứ thế bà chống gậy, lôi theo phía sau chậm rãi bước vào một khu nhà mồ nổi. Mỗi lần gặp gỡ, tôi chỉ len lén nhìn, luôn lo sợ Bà Tử Tế phật lòng, bởi hành động theo dõi người khác của mình.
 
Sự tò mò dẫn tôi đến trước một nơi, tôi xem như một chung cư bảy từng lầu, dành cho người quá cố, nơi Bà Tử Tế thường đến đó ngồi. Ngước nhìn tấm bia mộ nổi bật nơi tầng thứ ba, tôi thấy hai bình hoa đủ loại sắc màu, cùng hai cây cờ đầy sao trắng trên nền xanh dương và các sọc đỏ của đất nước Hoa Kỳ. Nhìn cách sắp xếp này tỏ rõ cho tôi biết Bà Tử Tế vừa yêu thương người quá cố lẫn quê hương đất nước. Tôi phải nhón chân lên mới đọc trọn vẹn tên tuổi, và biết người đàn ông nằm bên trong sinh ngày 24 tháng Sáu năm 1931, mất ngày 5 tháng Ba năm 2016, thọ tám mươi sáu tuổi nếu dựa theo cách tính tuổi của người Việt Nam. Từ đó tôi suy ra, Bà Tử Tế của tôi năm nay đã quá tuổi chín mươi.
 
Hàng ngày tôi vẫn đi ngang qua đó, lâu lâu mới thấy Bà Tử Tế, nhưng hai bình hoa lúc nào cũng tươi tắn, các loại hoa luôn được thay đổi. Ngày nào gió to cả hoa lẫn cờ đều phe phẩy, chung cùng độ rung chuyển với cây lá bên đường. Mỗi lần đi bộ gặp điều gì hay hay, lạ lẫm tôi thường đem ra chia sẻ cùng bà vợ trong bữa ăn. Cho đến một hôm, bước chân vào nhà, vừa ngồi xuống ghế tháo đôi giày ra xong, tôi chậm rãi kể:
 
- Mấy tuần nay "bố" để ý thấy,
 
Tôi cũng không nhớ từ bao giờ, chẳng ai bảo ai, tự dưng vợ chồng tôi thay đổi cách xưng hô. Cả hai gọi nhau giống như các con. Khi có mặt các cháu, lại gọi "ông" gọi "bà" theo cách của chúng.
 
- Dường như Bà Tử Tế đến ngồi bên mộ chồng vào khoảng chín giờ mỗi sáng ngày thứ Tư.
 
Vợ tôi khen:
 
- "Mẹ" khó tin được có người thương chồng nhiều đến như vậy.
 
*
Thế rồi mọi ràng buộc cũng quen dần, việc lo sợ bị nhiễm Covid từ từ giảm bớt trong tôi. Sự sụt giảm càng nhanh hơn theo số lần được chích ngừa. Kể từ sau khi chích mũi thứ ba, ra đường gặp người đi cùng chiều, tôi cảm thấy không mấy cần phải bước sang bên kia đường né tránh nữa. Và mỗi lần ra bên ngoài, tôi cũng chỉ để cái khẩu trang nằm gọn trong túi quần phòng hờ, chớ không đeo trên khuôn mặt. Lần hồi tôi tìm lại được các nụ cười cùng cái vẫy chào mỗi khi gặp gỡ người đi trên đường.
Tôi vẫn nhớ sáng thứ Sáu hôm ấy, tôi rời nhà sớm để tránh cái nóng ban trưa. Cái nóng chỉ mới ngoài tám mươi độ F, tức hơn hai mươi bảy độ C mà dân San Diego, trong đó có cả tôi đã bắt đầu than thở. Nếu đem ra so với Houston Texas, nơi được người Việt Nam chọn làm chốn an cư đông đảo đứng vào hàng thứ ba nước Mỹ, hoặc thành phố Las Vegas nổi tiếng về lối nghỉ dưỡng, bài bạc lẫn ẩm thực… khí hậu đó vẫn thật tuyệt vời. Riêng với dân Sài Gòn, luôn được xem là quá mát mẻ, cần khoác lên người cái áo ấm mỏng. Khi bước qua khỏi cổng nghĩa trang Bonita độ trăm thước, tôi đã nhận ra chiếc Toyota Camry quen thuộc. Tôi vẫn dửng dưng vì nghĩ xe giống xe. Đến chừng nhìn vào khu nhà mồ, bên dưới hai bình hoa treo trên tường, tôi hơi giật mình ngạc nhiên khi nhận ra mái tóc trắng phau cùng dáng hình Bà Tử Tế quen thuộc. Lần này tôi dứt khoát bước đến gần, để được mặt đối mặt trò chuyện cùng bà.
 
Tôi càng mừng hơn khi không thấy cái khẩu trang trên khuôn mặt Bà Tử Tế. Chờ tới lúc bà buông xâu chuỗi trên tay xuống, tôi mới cúi đầu lên tiếng:
 
- Chào bà, bà có khỏe không?
 
Nhận ra tôi, bà ngước lên nhìn. Tôi thấy một gương mặt trái xoan đầy đặn cùng nụ cười thật tươi trên môi. Bà đẹp lão lắm, đẹp hơn tôi tưởng. Cái đẹp tôi đang ngắm đó, có lẽ xuất phát từ sự quý mến tấm lòng nhân từ, hợp cùng nét đoan trang, phúc hậu. Giọng bà ấm áp đáp lời tôi:
 
- Thưa ông, tôi vẫn khỏe.
 
Bà nhìn xuống chân tôi nói tiếp:
 
- Tôi rất mừng khi thấy ông mang giày hôm nay, chắc ngón chân út của ông không còn đau nhức nữa?
 
- Dạ, cám ơn bà, ngón chân tôi đỡ nhiều rồi.
 
Nhìn lên tấm bia mộ, tôi hỏi:
 
- Thưa bà, đây có phải bia mộ ông nhà không?
 
Bà nhẹ gật đầu, tôi hỏi tới điều đang thắc mắc:
 
- Thưa bà, tôi để ý thấy hàng tuần bà đến thăm mộ ông vào mỗi sáng thứ Tư, Sao trưa nay bà lại ra đây?
 
Không chút do dự, bà đáp:
 
- Thưa ông, từ ngày chồng tôi mất, ngày nào tôi cũng ra đây với ông ấy hết. Dù nắng hay mưa, dù nóng hay lạnh, tôi chưa hề bỏ một ngày nào, chỉ khác giờ giấc thôi. Nhà tôi ở cách đây độ hơn mười phút lái xe, đi lại cũng gần.
 
Tôi những tưởng bà đến đây mỗi tuần một lần, giờ biết bà ra đây mỗi ngày, làm sao không khiến tôi khỏi giật mình. Tôi nhuốm buồn theo giọng nói vương vấn bao nỗi nhớ thương. Tính đến hôm nay ông chồng bà mất đã ngoài sáu năm. Tôi chưa kịp nghĩ suy gì thêm, đã nghe bà kể lể tiếp:
 
- Chúng tôi chung sống với nhau hơn năm mươi sáu năm, thì Chúa gọi ông ấy về. Từ ngày nên nghĩa vợ chồng, ông ấy chưa hề to tiếng với tôi lần nào cả. Ông ấy tốt lắm…
 
Nếu bà không nói ra điều này, tôi cũng dư biết ông chồng bà rất tốt. Ông không tốt thế, làm sao khiến bà hàng ngày ra ngồi tại chỗ này để tưởng nhớ cầu nguyện cho ông, sau đó một mình lặng lẽ lái xe về nhà. Bà đến rồi đi liên tục như vậy từ suốt hơn hai ngàn ngày qua.
 
Bà vẫn ngồi trên chiếc ghế dưới bóng mát cây dù, tôi ngồi bệt dưới nền xi măng, lưng dựa vào bức tường đá khu nhà mồ, nghe bà kể tiếp về gia cảnh. Bà chỉ ngón tay lên chỗ có hai dấu đinh to bằng ngón tay cái rồi nói:
 
- Đây là chỗ tôi sẽ nằm cạnh chồng tôi, và rồi chúng tôi sẽ được vĩnh viễn bên nhau.
 
Bà kể thêm: sau ngày ông mất, bà vẫn ở một mình trong căn nhà ông bà tạo dựng từ hơn nửa thế kỷ trước. Còn hai người con gái lớn với cậu con trai út, tất cả đều đã lập gia đình ở cách đấy không xa.
 
Nghe bà nói lòng tôi chùng xuống vừa xúc động lẫn cảm phục. Tôi thoáng nghĩ: nếu tôi biết được hoàn cảnh này từ lúc gia đình tôi mới hội nhập với nếp sống Mỹ, chắc tôi sẽ thắc mắc, vì sao các con không đem bà về ở chung cho tiện bề chăm sóc. Nhưng sau hơn nửa cuộc đời sống nơi đây, tôi đã phần nào hội nhập vào với cuộc sống mới. Bản thân tôi không muốn trói buộc, phiền hà tới con cháu và cũng không muốn bị con cháu trói buộc. Nên tôi nhận ra Bà Tử Tế đang bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi càng mừng khi biết, mọi chuyện bà vẫn tự lo lắng cho bản thân mình được. Phần việc luôn để mắt đến mẹ già giờ đã có hệ thống máy ghi hình đặt khắp các phòng ốc. Mọi sự xảy đến cho bà từ trong nhà ra tới ngoài vườn, con cháu đều hay biết. Bà vẫn vui sống cùng cỏ cây hoa trái. Cứ mỗi sáng Chúa Nhật, sau giờ tan lễ nhà thờ, bà ra vườn chọn những bông hoa đẹp nhất cắt vào chưng trong nhà, đem tặng con cháu với luôn cả lối xóm và mang ra mộ chồng. Vì vậy hoa nơi mộ phần ông lúc nào cũng tươi tắn.
 
*
Lá Rụng Về Cội
 
Biết bao ngày đi loanh quanh bên những ngôi mộ, tôi cũng hay vẩn vơ nghĩ đến lúc bản thân mình phải rời cõi tạm. Rất có thể tôi từng nghĩ về điều này lâu lắm rồi, từ khi còn là thuyền nhân, trôi nổi trên biển Đông. Bởi vậy nhiều câu chữ trong bài thơ "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển" của Du Tử Lê vẫn nằm sâu trong thâm tâm tôi cho mãi đến tận bây giờ. Tôi xem đó cũng là những điều tôi mong muốn cho bản thân mình vào thời điểm đó:
 
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi, sao trở lại quê nhà
 
Đến khi nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương phổ nhạc bài thơ ấy, bao lời bi thương ai oán càng thấm sâu hơn vào hồn tôi. Bởi quãng thời gian đó, tôi những tưởng chuyện tôi vượt biển trốn khỏi Việt Nam cũng giống như tâm trạng nhạc sĩ Nguyệt Ánh:
 
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là nghìn trùng cách biệt
Một lần đi là vĩnh viễn xa nhau.
 
Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
 
Vợ chồng tôi chính thức được trở thành người Công giáo kể từ 18 tháng Sáu 1988, một ngày trước lễ tuyên phong 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Ngày trở lại đạo, chúng tôi muốn chọn Thầy Giảng Anrê Phú Yên làm thánh bổn mạng của chúng tôi và luôn cả gia đình, bởi tôi không biết Ngài vẫn chưa được phong thánh. Cho mãi tận đến 5 tháng Ba 2000, ngày Thầy được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước, tôi mới được chính thức mang tên Anrê Phú Yên Nguyễn Văn Hưởng.
 
Kể từ đó tôi ước ao được đóng góp công sức vào việc xây dựng một ngôi đền tôn kính vị tử đạo thứ một trăm mười tám của Việt Nam, được giáo hội Roma tuyên phong. Đương nhiên ngôi đền sẽ xây theo lối kiến trúc hoàn toàn Việt Nam, có cây đa, bến nước, sân đình,… Bên trong đền, thờ vị Tử Đạo Tiên Khởi. Ngoài sân có vườn hoa, có nơi giải trí cho các cụ ông, cụ bà, có sân chơi cho thanh thiếu niên, có vườn trẻ cho các em thơ,… Đền xây xong, vợ chồng tôi sẽ hỏi xin riêng cho mình vỏn vẹn vài gang tay đất, ở một góc vắng vẻ bên ngoài sân đền. Đó sẽ là nơi đặt tro cốt vợ chồng tôi. Nếu mọi việc xảy ra đúng như tôi dự liệu, chúng tôi luôn mãi là người giữ đền cho Thánh Bổn Mạng mình. Chúng tôi bắt tay vào việc biến niềm mơ ước thành hiện thực từ ngoài hai chục năm nay. Tiếc thay mọi chuyện chúng tôi gây dựng nơi quê hương, gặt hái nhiều thất bại hơn thành công. Vì vậy tôi chẳng thể biết sau khi mất, tro cốt vợ chồng tôi sẽ đặt nơi đâu?
 
*
Xưa kia tôi vốn là học sinh trường "Thầy Dòng". Hiện giờ cái tên này ít người biết lắm, còn đối với người sống tại Miền Nam Việt Nam trước "giải phóng" đều không xa lạ gì. Rồi đây người Việt Nam cũng sẽ biết, bởi Lasan, một dòng tu Công giáo chuyên đào tạo những bậc Thầy muốn dâng hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng giáo dục thanh thiếu niên, đang hồi sinh để sống mãi cùng nước non.
 
Học trò Lasan không ai gọi người dạy dỗ mình bằng Thầy. Đứa gọi Sư Huynh, cái tên toàn âm hưởng Hán Việt, nhưng phần đông đều gọi là Phe, đọc nguyên văn theo chữ Frère trong tiếng Pháp. Riêng các vị hiệu trưởng hay người đứng đầu một cơ quan trực thuộc nhà Dòng, được tôn kính gọi ngắn gọn hai tiếng "Bề Trên".
 
Cũng như bao lần trở về quê hương, đặt chân xuống Sài Gòn được đôi ba ngày, vợ chồng tôi lúc gọi taxi, lúc đón xe buýt qua bán đảo Thanh Đa, viếng nghĩa trang Mai Thôn, nơi các Phe Lasan yên nghỉ. Trong đó có mộ phần Bề Trên Colomban Lê Văn Đào, vị Thầy kính yêu của tôi. Lần đến đây vào dịp cuối năm 2022, tôi giương to mắt ngạc nhiên, sững sờ đứng trước một nghĩa trang đang sửa chữa gần xong, khác hẳn với lúc tôi đến lần cuối. Lần đó mọi lối đi đều trơn trợt, lầy lội, một số ngôi mộ bị ngập, mỗi khi nước con sông Sài Gòn sát bên cạnh dâng cao.
 
Trò chuyện hỏi thăm người đang trông coi việc sửa sang, tôi mới hay sau khi bờ kè ven sông làm xong, tuy nghĩa trang bị hẹp đi đôi phần, đổi lại việc ngập nước không còn nữa. Chẳng bao lâu sau, các cựu học sinh tự động quyên góp để tôn tạo lại mộ phần cho các vị thầy quá cố. Riêng một điều khiến tôi mừng hơn, khi biết các Phe đang bàn tính tới việc, sẽ dành riêng vài nơi cho các cựu học sinh Lasan nào muốn đặt tro cốt mình tại đó.
 
Tôi thầm nghĩ, phải chăng Chúa sắp đặt cho tôi được an nghỉ tại nơi này. Nhiều lần tôi từng nguyện với lòng, nếu những gì tôi cố công xây dựng tại Việt Nam mà không tự đứng vững hoặc sống một cách èo uột, tôi sẽ trao lại hết về Dòng Lasan, như để đền đáp phần nào những gì tôi từng nhận từ các Phe trong suốt cuộc đời. Nghĩ đến đó tôi cảm thấy điều tôi trăn trở suốt ngoài hai mươi năm qua sắp có hướng giải quyết. Thế là tôi tìm gặp Bề Trên Giám Tỉnh. Niềm tin trong tôi về sự hồi sinh của một dòng tu sau bao nhiêu năm phấn đấu, để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách càng gia tăng thêm, lúc hay biết vị đứng đầu nhà Dòng hiện giờ là người nhập Dòng tu sau 1975. Và còn niềm vui nào to lớn hơn khi điều tôi hỏi xin liền được chấp thuận.
 
*
Thật không thể nào ngờ, từ Việt Nam về lại San Diego chuyến này, phải mất hơn hai tuần lễ nghỉ ngơi, vợ chồng tôi mới có thể đưa nhau lên Laguna Hills thăm con thăm cháu. Tiếng nói tiếng cười rộn ràng lúc tiếng Việt lúc tiếng Anh làm gian phòng gia đình ấm áp hẳn lên. Bên ánh lửa bập bùng chiếc lò sưởi con tôi vừa đốt lên, tôi ngồi lặng thinh tận hưởng cái hạnh phúc nhìn mấy đứa cháu cao nhồng, khum người xuống đưa máy tính bảng ra, giải thích cho bà nội hiểu học hành được bao nhiêu điểm A, bao môn được A+. Rồi từng đứa cười thật tươi giang hai tay ôm bà thật chặt, hớn hở nói lời cám ơn sau khi khoanh tay cúi đầu nhận phần tiền thưởng. Đến chừng đứa cháu gái thứ Năm lên năm tuổi, cầm quyển vở lên cố đọc thật lớn: "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra," rồi tới: "uống nước nhớ nguồn,…" Còn thằng cháu trai mới lên ba, ốm nhom ốm nhách, giống hệt thằng bố lúc bé, nhét mấy món đồ chơi nho nhỏ nào hình siêu nhân, hình người nhện,… vào tay bảo ông cùng chơi, tôi thấy như mình được dịp quay về với tuổi thơ, vui đùa cùng các con ngày còn bé. Trẻ con tản mác đi rồi, chuyện Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Cà Mau, Phú Quốc… tôi lại được dịp đem ra kể cho các con nghe. Mãi đến lúc chuẩn bị ra xe, tôi nói như lời báo tin:
 
- Về Việt Nam lần này, bố mẹ đã quyết định xong một việc quan trọng nhất trong cuộc đời của bố mẹ.
 
Rồi tôi huyên thuyên tuôn ra mọi điều tôi đã xin và được Bề Trên Dòng Lasan đồng thuận. Nhìn hai con chăm chú lắng tai nghe, tôi nói tiếp:
 
- Các con đã biết, giống như ông bà nội, bố mẹ chọn cách hỏa táng thay vì chôn dưới đất. Mọi việc liên quan tới nhà quàn bố mẹ đã lo xong cùng một lượt với ông bà nội. Thứ Hai tuần tới bố mẹ sẽ đến nhà quàn, yêu cầu họ ghi thêm một số điều khoản nữa. Bố mẹ muốn họ giúp lo luôn thủ tục để gởi thẳng tro cốt bố mẹ về Dòng Lasan Việt Nam, như vậy các con, các cháu không ai phải lo lắng đến vấn đề này nữa.
 
Hai con tôi ngồi lặng yên, chẳng nói chẳng bàn thêm gì. Lúc thoáng thấy nét đăm chiêu trên gương mặt các con, tôi nghĩ đơn sơ, làm sao có thể tránh khỏi cái buồn khi bàn tới mấy chuyện hậu sự. Riêng tôi cảm thấy nhẹ cả người, sau khi tuôn hết bao điều chất chứa trong lòng. Tôi xem như đã giải quyết xong chương cuối của cuộc đời vợ chồng tôi.
 
Nhưng không, sáng hôm sau hai con tôi đưa nhau xuống San Diego, xin được bàn tiếp câu chuyện. Chẳng chút dông dài, vừa ngồi xuống sofa, con trai tôi nôn nóng giải bày:
 
- Bố ơi! Con nhớ mấy lần nghe bố nói, bố rất mừng khi ông bà nội cho phép bố mang tro cốt ông bà về đặt tại nghĩa trang làng Tri Chỉ, nơi ông bà sinh ra. Sau đó bố lại buồn vì ông bà nội thay đổi ý kiến, muốn rải tro cốt xuống biển. Con cũng nghe bố nói, phải chi còn tro cốt ông bà nội, để con cháu có nơi đến thăm viếng, có chỗ tụ họp gia đình thì hay biết mấy. Điều bố muốn ở ông bà nội hồi trước, vợ chồng con cũng muốn ở bố mẹ bây giờ. Vì vậy tụi con xuống đây để xin bố mẹ cho tụi con giữ lại phân nửa phần tro cốt của bố mẹ để đặt ở bên Mỹ. Còn phân nửa kia, tụi con sẽ mang về trao tận tay cho Dòng Lasan, chớ không cần nhờ đến nhân viên nhà quàn.
 
Tôi gật đầu trả lời:
 
- Nếu tụi con muốn như vậy, thì bố mẹ đồng ý.
 
Vợ tôi liền lên tiếng:
 
- Việc này liên quan tới hai người sao "bố" không hỏi ý "mẹ".
 
Con trai tôi lo lắng hỏi:
 
- Vậy mẹ tính sao?
 
Vợ tôi cười:
 
- Mẹ nói chơi vậy thôi, chớ bố tính sao thì tính.
 
Sự đầm ấm liền quay trở lại, nét vui tươi hiện rõ trên gương mặt hai con. Trong bữa cơm trưa hôm ấy bà vợ tôi nấu canh khổ qua dồn thịt, ăn chung với rau sống mắm tép, mấy món cha con tôi đều thích. Vừa ăn tôi vừa nói đôi điều liên quan tới việc tang lễ, thay cho lời dặn dò:
 
- Vào thời của bố, sau khi nhập quan tức là đưa thi thể người chết liệm vô hòm rồi, nắp quan tài sẽ được đóng kín, chớ không để hở nửa phần trên, cho ai đến viếng đều thấy người chết như đang nằm ngủ. Bố mẹ thì không muốn để mở nắp hòm ra như vậy.
 
Cô con dâu tôi ngạc nhiên hỏi:
 
- Sao bố mẹ muốn đóng nắp hòm lại?
 
Tôi đáp:
 
- Nhiều lý do lắm con. Trước tiên là vì bố thấy một số người đụng chạm vào thi thể người chết, đây là điều không nên làm. Kế tới là việc, nếu để mặt ra thì nhân viên nhà quàn phải trang điểm cho người chết. Bố có mấy ông bạn chơi khá thân, lúc sống vẫn thường gặp nhau. Vậy mà bố nhìn mãi mới nhận ra người nằm trong hòm là bạn mình. Với lại từ hồi nào tới giờ mặt bố có khi nào đánh phấn thoa son đâu! Mỗi lúc bố tưởng tượng tới cảnh người ta thoa son trát phấn lên mặt bố, bố lại rùng mình!
 
Cô con dâu tôi không hỏi han gì thêm, có lẽ cũng đồng thuận với mấy điều bố vừa nói. Con trai tôi lại nêu ra một trở ngại:
 
- Bố mẹ của một thằng bạn con thì không khi nào muốn bàn tới mấy chuyện này vì ông bà sợ xui.
 
Tôi đáp:
 
- Sợ hay không trước sau gì ai cũng đều phải chết. Chuyện nào lo trước được vẫn tốt hơn là chờ "nước đến chân mới nhảy". Việc ma chay ở bên Việt Nam có thể làm tùy tiện, nhiều nơi muốn chôn trước nhà, sau vườn hay nghĩa trang cũng đều được. Ở Mỹ thì khác, chết rồi thân xác phải đưa tới nhà quàn, không ai được tự chôn cất người chết. Vì vậy thân nhân phải liên lạc với nhà quàn để lo việc an táng. Đợi tới lúc hữu sự mới lo sẽ lúng túng lắm, mọi người sẽ rối lên, mà giá cả lại đắt nữa! 
 
Lúc tôi đưa chén cơm cho bà vợ bới, cô con dâu tôi hỏi:
 
- Con chưa hề nghe ba má con nhắc tới mấy chuyện này. Theo bố thì con phải lo gì cho ba má con bây giờ.
 
Tôi đáp:
 
- Sống thì ai cũng cần cái nhà, chết thì cần cái mồ. Bố thấy việc con cần làm ngay là tìm tới một nhà quàn hay tìm gặp một chuyên viên trong ngành mai táng, để hỏi họ về vấn đề liên quan tới tang lễ, cũng biết luôn giá cả và cách thanh toán tiền bạc. Chọn lựa, ký kết giấy tờ xong, đến khi hữu sự, gia đình chỉ bận tâm lo phần lễ nghi an táng thôi.
 
Con trai tôi hỏi tiếp:
 
- Theo bố thì điều gì cần sửa soạn trước cho lễ an táng?
 
Tôi đáp:
 
- Mỗi người mỗi hoàn cảnh, tựu chung lại bố thấy một số điều giống nhau. Về hình ảnh thì nào là hình thờ, hình để trước nhà quàn, hình làm slideshow. Cũng cần đôi dòng tiểu sử hay lý lịch người chết. Danh sách người cần báo tin, có đăng cáo phó không?... Nhưng tụi con có biết điều quan trọng nhất cần phải lo cho ngày cuối đời của mỗi người là gì không?
 
Đợi một lúc không nghe ai trả lời, tôi nói tiếp:
 
- Đó là lo cho mình có một tôn giáo. Tôn giáo hướng dẫn mọi người biết sau khi chết sẽ đi về đâu. Nghi thức tôn giáo luôn là tâm điểm, giúp cho tang lễ vơi hẳn sầu thảm thê lương.
 
Trước lúc đưa hai con ra về, tôi trao mọi hồ sơ giấy tờ liên quan tới lúc vợ chồng tôi lìa đời, mà tôi đã sửa soạn và cất giữ từ ngoài hai chục năm qua, rồi nói:
 
- Đây là những gì bố mẹ đã lo trước, để các con các cháu khỏi phải bận tâm nhiều trong ngày cuối đời của bố mẹ.
 
Trao mọi thứ vào tay con xong, tôi nghe niềm vui len nhẹ vào lòng. Điều tôi mong muốn, điều các con tôi ngỏ lời xin đã được kết hợp, dung hòa bằng tấm chân tình yêu thương, trở nên tốt lành hơn mọi thứ tôi dự tính. Giờ tôi đã dứt khoát, tro cốt vợ chồng tôi sẽ đặt tại hai nơi. Phân nửa đưa về quê hương, nơi chúng tôi được sinh ra, lớn lên, chiến đấu bảo vệ rồi thua cuộc đành sống đời ly hương. Nhưng không giây phút nào tôi không nghĩ, không mong cho đất nước mình ngày một tốt lành hơn. Phân nửa kia sẽ vĩnh viễn ở lại quê hương thứ hai, một đất nước đã cho chúng tôi chẳng thiếu thứ gì. Xét lại bản thân mình, tôi chỉ biết cúi đầu tạ tội với nơi đã cưu mang tôi. Vì tôi biết rõ, bản thân mình chưa đền đáp lại được chút gì, bởi tâm trí toàn nghĩ tới cái quê hương, ở nơi đó phần đông đồng bào tôi vẫn thiếu thốn từ miếng cơm manh áo cho đến các quyền căn bản làm người.
 
Sapy Nguyễn Văn Hưởng
 

Ý kiến bạn đọc
08/07/202416:16:39
Khách
Sau khi chết thì đi về nơi khác, nên đơn giản, không làm phiền thân nhân bạn bè, bao nhiêu chi phí cho tang lễ chôn cất cho từ thiện giúp nguời sống đang hoạn nạn thì hay hơn. Nguời da đỏ đem xác để phơi trên giàn và nguời Ấn Ðộ thiêu xác rồi rải tro xuống sông là những phuơng cách đơn giản không phung phí tài nguyên cho nguời ở lại vì không phải tốn nhiều tiền bạc cho đám tang.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,753
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Nhạc sĩ Cung Tiến