Hôm nay,  

Xin Đừng Đẻ Nữa

07/06/202400:00:00(Xem: 2504)

Charlie and Emma thang 4 nam 2024
Charlie và Emma tháng 4 năm 2024
(hình của tác giả cung cấp)
 
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Tác giả nay đã 80 tuổi, về hưu từ nhiều năm qua. Ông mới bay về Cali lãnh giải Danh Dự VVNM 2023 tháng 12 vừa rồi. Tiếp nối bài viết “Giữ Cháu Ngoại”, bài viết dưới đây là tâm tình thương yêu của tác giả dành cho cháu nội của mình.
 
*
  
Năm 2007, lúc 64 tuổi tôi mới có đứa cháu ngoại đầu tiên là Brandon, hai năm sau  thì có Allison, em của Brandon. Mãi đến năm 2019 thì đứa cháu nội Charlie mới ra đời. Lúc này tôi đã 77 tuổi. Hai năm sau, chính xác là ngày 05/12/2021 em gái của Charlie là Emma chào đời. Vậy là tôi có đủ hai cháu nội và hai cháu ngoại, trai gái vẹn toàn, không còn hạnh phúc nào hơn.
 
Charlie là cháu đích tôn. Tôi thì không quan trọng lắm cái chuyện đích tôn hay không đích tôn, trai hay gái, nội hay ngoại vì tất cả đều là cháu tôi, không lý do gì mà tôi thương đứa này ít, đứa kia nhiều. Chắc cũng có người nói tôi ba gai, tôi bướng bỉnh. Không sao. Tôi có quan điểm riêng của mình:  Không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với con, cháu của mình vì điều đó đã lỗi thời từ thuở phong kiến theo quan niệm Nho Giáo ở đâu bên Tàu, rồi ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng ta bị ảnh hưởng. Đó là cái thói trọng nam, khinh nữ vì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một trai cũng là có, mười gái cũng bằng không. Hay “nữ sinh, ngoại tộc”, con gái là con người ta (chớ không phải con mình). Bây giờ chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, trong một xã hội văn minh tiến bộ tại nước Mỹ này,  không thể nào  khư khư ôm giữ những tư tưởng lỗi thời, theo lối mòn xưa cũ nữa. Nếu con trai thờ phượng, cúng giỗ ông bà, cha mẹ nó được thì con gái cũng làm được và không có gì khác nhau. Quan trọng nhất là cái tâm của mỗi đứa, từ đó thể hiện ra lòng hiếu thảo, yêu thương, kính mến ông bà, cha mẹ nó thôi, chớ nội ngoại gì cũng như nhau cả.
 
Nếu Brandon là đứa cháu tôi có nhiều kỷ niệm thì Charlie là đứa mang lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Tôi đã viết một bài về Brandon có tựa đề là Giữ Cháu Ngoại, được độc giả đánh giá cao thì không lý do gì tôi không viết một bài về cháu nội Charlie của tôi. Hồi đó cứ sáng sớm thì tôi lái xe đến nhà con gái tôi để giữ cháu cho đến chiều ba mẹ nó đi làm về tôi mới lái xe về. Tôi đi giữ cháu cũng giống như đi làm ở sở vậy. Ngày tám tiếng, có khi là mười tiếng, mà không lấy một đồng bạc thù lao nào, khi về đến nhà thì chân tay rã rời, không làm được gì cả, chỉ muốn đi nằm thôi.
 
Còn bây giờ thì tôi giữ Charlie, sống với Charlie 24/24 tiếng vì lẽ từ ngày cưới nhau thì ba mẹ nó không có “ra riêng”mà vẫn sống chung mái nhà với vợ chồng tôi. Con trai tôi giờ đây đã 41 tuổi, đang dạy đại học mà vẫn sống cùng gia đình tôi, dưới sự chở che, đùm bọc của vợ chồng tôi, nhất là đối với hai đứa cháu nội tôi.
 
Đối với Charlie, tôi gần gũi, để ý và quan sát nó hàng ngày từ miếng ăn, giấc ngủ. Đêm khuya khi nó cựa mình thức giấc thì ở phòng kế bên tôi cũng không ngủ được và thức theo với nó, từ ngày mới sinh cho tới bây giờ. Charlie ngày càng giống ông nội ở vầng trán rộng, chân mày đậm, hơi xếch và có hai cái xoáy trên đầu. Charlie đặc biệt hơn là có một xoáy trên trán, người ta nói đó là xoáy ngựa, dữ lắm. Tôi tra trên Google thì thấy ghi “người có xoáy ngựa thì ham hiểu biết, thích tìm hiểu những điều mới lạ, có dũng khí và thích những công việc mang tính chất khai phá, mở đường...” . Nếu vậy thì xoáy ngựa tốt chớ không phải xấu.
 
Charlie cũng hay tò mò và thích khám phá những thiết bị và máy móc trong nhà. Đồ dùng nào có nút bấm thì khó mà thoát khỏi tay nó. Tôi đang sử dụng computer mà nó thấy thì thôi rồi, chạy tới giành lấy con chuột và bàn phím và bấm lia lịa làm cho hình ảnh và số liệu trên màn hình biến mất hết. Thấy mọi người dùng cái remote control điều khiển chương trình trên TV, Charlie cũng bắt chước và nói để con tìm chương trình của con (chương trình hoạt hình). Lúc đầu nó chỉ biết bấm nút, giờ thì biết sử dụng rồi.
 
Ở nhà có cái điện thoại bàn. Mỗi khi nghe chuông reo thì Charlie vội vàng chạy tới, bốc điện thoại lên nghe. Không hiểu gì nhưng vẫn cứ hê lô, hê lô. Ai đó ! Mỗi khi nghe tiếng chuông cửa thì Charlie lên tiếng  “Ai bấm chuông đó” rồi chạy tới cửa đứng chờ. Bây giờ mỗi khi đi đâu về tôi đều bấm chuông để được nghe giọng nói quen thuộc, thật dễ thương của nó “Ai bấm chuông đó”. Ngoài giọng nói, Charlie có nụ cười rất tươi và có duyên nữa. Cái này chắc giống ba nó là lúc nào cũng cười, ai nói gì cũng cười cười, thể hiện một con người dễ dãi đến hời hợt.
 
Ấn tượng nhất phải nói là bước chân của cháu tôi. Khi di chuyển từ phòng này sang phòng khác không bao giờ Charlie bước đi nhẹ nhàng như những đứa trẻ khác mà lúc nào cũng chạy. Tiếng bàn chân chạm vào sàn nhà, tôi nằm trong phòng đóng cửa mà nghe rõ mồn một, đều đều và gấp gáp. Nghe riết rồi quen, không có thì nhớ. Đó là lúc nó đi ngủ hoặc theo ba mẹ đi đâu đó.
 
Điều mà tôi nhìn thấy rất sớm ở Charlie là cá tính rất mạnh mẽ của nó. Muốn gì thì Charlie thể hiện ra rất rõ ràng và dứt khoát, có khi rất quyết liệt. Mới mấy tháng tuổi đã biết lắc đầu, bây giờ thì nói “No” “No” khi không đồng ý điều gì. Một hôm cả nhà đến thăm gia đình một người bạn, có cô bé rất xinh và dễ thương nói Hello với Charlie. Mọi người kêu Charlie chào lại thì nó làm thinh, sau đó nói “không biết”. Ở nhà Charlie thường nói với bà nội “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm”. Vậy mà khi gặp ai trạc bằng tuổi bà nội mà bảo Charlie nói câu đó thì nó im lặng, nhất định không nói (chỉ nói với bà nội thôi).Trên bàn ăn mỗi người đều có vị trí trên một chiếc ghế cố định. Ai ngồi sai chỗ thì Charlie có ý kiến liền: “Ghế này của mẹ, đừng có ngồi”, “ghế này của ba, đừng có ngồi”.

Charlie có óc quan sát, để ý thấy ai  làm cái gì thì bắt chước rất nhanh và nói - để con làm giống bà, giống mẹ...Thấy ba nó cầm dụng cụ đi sửa nhà thì nói để con làm cho, con cũng biết làm “contruction” nữa. Ở đây nó dùng chữ  “cũng” và chữ  “nữa”là vô cùng chính xác và bất ngờ đối với một đứa trẻ mới lên hai. Tôi thật sự kinh ngạc khi nghe nó dùng chữ “vẫn” trong câu “đồ ăn vẫn còn mà”.
 
Charlie hay tò mò, táy máy các thiết bị, máy móc trong nhà. Chắc là nó có năng khiếu khoa học kỹ thuật, khác với ông nội là văn chương và nghệ thuật. Thiết bị nào tháo ra được thì Charlie tìm cách tháo ra, khi ráp lại không được thì bực tức, la khóc và vứt đi tất cả.
 
Chưa đi học mà Charlie biết khá nhiều từ tiếng Anh là nhờ xem các phim hoạt hình. Charlie một mình ngồi xem phim và bình luận về các nhân vật trong truyện, đồng thời biểu lộ cảm xúc của mình theo tình huống các nhân vật. Qua những biểu hiện hàng ngày cũng thấy được tính tình của Charlie là nóng nảy nhưng rất giàu tình cảm, dễ xúc động, là một phần của ông nội.
 
Mỗi tối trước khi đi ngủ Charlie vào phòng ông bà và nói chúc ông ngủ ngon, chúc bà ngủ ngon. Khi thấy ông bà ăn cơm thì nói ông ăn ngon, bà ăn ngon. Mỗi khi làm sai điều gì bị ba mẹ hăm đánh đòn thì chạy riết vào phòng, đóng cửa cái rầm nói con đi trốn hoặc tìm ông bà nội mà méc. Trẻ con thật là hạnh phúc khi được sống với ông bà, có ông bà bên cạnh. Ngược lại, cháu cũng là niềm an ủi rất lớn của ông bà. Ẵm bồng cháu, vui đùa với cháu làm cho ông bà trẻ lại và kéo dài tuổi thọ hơn. 

Charlie and Emma luc moi sinh
Charlie và em gái Emma lúc mới sinh
          
Ba thế hệ cùng sống chung một mái nhà đôi khi không tránh khỏi va chạm. Thật ra chỉ là sự bất đồng trong cách nuôi dạy trẻ trong một số trường hợp. Ông bà thì có kinh nghiệm của người già còn cha mẹ trẻ chỉ biết dựa vào sách vở hoặc là nghe người này, người kia nói mà làm theo nên nhiều lúc sanh ra vấn đề.

Nhớ lại mười mấy năm trước khi mới sanh Brandon, con gái tôi chưa có sữa đủ nhưng lại không cho Brandon một chút nước nào trong vài ngày, khiến thằng bé yếu ớt, môi khô rang, gần như bất động. Thấy vậy tôi giận quá, làm dữ lên, còn bà nội Brandon thì đòi kêu cảnh sát nhờ can thiệp. Lúc đó ba mẹ nó mới chịu cho chút đỉnh nước, thấm giọng cho Brandon thì nó tươi tỉnh trở lại. Ba mẹ nó quan niệm trong sữa đã có nước rồi nên không cần phải uống. Sữa là dưỡng chất không thể thiếu cho trẻ con nhưng không thể thay thế được nước trong mọi trường hợp cho nên khi ba mẹ nó đi làm tôi vẫn cứ cho cháu uống nước cũng như cho cháu ăn bất cứ thứ gì mà người lớn ăn được, trừ những thứ khó tiêu. Do vậy mà Brandon ăn uống rất dễ dàng và phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác.
 
Việc ăn uống của Charlie bây giờ là rất khó khăn, điều mà tôi quan tâm nhất.  Charlie gần ba tuổi và cho tới bây giờ khi tôi viết bài này vẫn không biết ăn cháo, ăn cơm và từ chối thịt, cá, trứng là những thứ giàu chất đạm (protein), iốt, chất sắt, kẽm và các loại vitamin rất cần thiết cho nảo bộ và hệ miễn dịch của trẻ con. Do đó mẹ nó phải đem những thứ này bỏ vào máy sinh tố xay thành một tổng hợp lỏng thì nó ăn nhưng cũng rất ít. Ai cho bánh thì Charlie chỉ bốc phần bột bên ngoài ăn thôi còn cái nhân thì không bao giờ đụng đến. Tôi rất buồn khi thấy Charlie vẫn cứ ốm nhom, Bác sĩ thì nói nó vẫn phát triển bình thường. Biết nói sao bây giờ? Khi từ chối không ăn món gì thì Charlie nói ghê quá!
 
Có một đôi vợ chồng trẻ có hai con. Đứa lớn con trai, học trung học, to cao hơn ba nó, còn bé gái chưa tới một tuổi, mẹ nó còn ẵm trên tay, trông rất khỏe mạnh, bụ bẫm, ai đút gì cũng ăn, kể cả những món trong nhà hàng. Điều đặc biệt là  đôi vợ chồng này không rành tiếng Anh, họ không nghiên cứu sách vở mà nuôi con quá dễ dàng theo cách của người Việt Nam. Tôi cũng vậy, tôi quan niệm cái gì người lớn ăn được thì con nít cũng ăn được, không sao cả. Con cháu người ta phát triển thấy ham còn Charlie thì không bằng, tôi thấy xót xa.
 
Ba mẹ Charlie cũng trẻ, mới sanh còn đầu lòng. Mẹ nó thì quá kỹ lưỡng trong việc cho con ăn uống, còn ba nó thì không biết gì về tâm, sinh lý trẻ con. Có lần tôi nói với con dâu rằng kỹ lưỡng là tốt nhưng kỹ quá đôi khi làm hại con. Tôi dẫn chứng nhiều trường hợp đã xảy ra trong bà con mình như bà Dì Tư, tối ngày cứ đem cháu ra tắm, cuối cùng nó chết. Dâu tôi nó không chịu hiểu và phản ứng lại với tôi thật gay gắt, sau đó thì xin lỗi tôi.
 
Tôi luôn luôn nhắc nhở rằng người lớn đã quen với cái nóng, lạnh của thời tiết từ mấy chục năm rồi, còn trẻ con mới ra đời có vài tháng hoặc vài năm cho nên nó rất nhạy cảm với thế giới bên ngoài. Khi mình cảm thấy nóng một thì nó nóng mười, khi mình thấy lạnh ít nó thì đối với nó là rất lạnh. Do đó lúc nào cũng phải giữ cho trẻ con được ấm áp, nhất là ở xứ lạnh như ở tiểu bang Illinois này. Vậy mà con trai tôi cứ phớt lờ đi. Charlie mới hơn một tuổi vẫn bị dẫn ra ngoài trong cơn bão tuyết. Tôi chụp hình bỏ lên Facebook, bạn tôi thấy, nói là “ép người quá đáng”!
 
Cho đến hôm nay thì Charlie đã bị bịnh ba lần. Lần thứ nhất ba mẹ nó dẫn tới nhà một người bạn cho Charlie chơi với ba con chó, con nào con nấy lớn như sư tử, trong số đó có con chó ngao Tây Tạng, ai thấy  cũng sợ trong khi ba mẹ chúng vẫn tỏ ra thích thú, nói con mình không sợ. Ngày hôm sau Charlie bị nóng, sốt. Tôi cho rằng do vi khuẩn từ mấy con chó mà ra vì qua hình ba mẹ Charlie chụp, tôi zoom lớn ra thì thấy những sợi lông chó còn vướng trên tay cháu! Lần thứ hai Charlie cũng bị nóng sốt, bác sĩ thì nói cháu vẫn bình thường, không có chuyện gì phải lo. Tôi không đồng ý, cho rằng bịnh kéo dài không hết thì phải có vấn đề chớ không thể nói là bình thường được. Đến khi Charlie được ba mẹ bồng đi bác sĩ khác theo yêu cầu của tôi mới phát hiện ra là trong lỗ tai cháu có nước (ba mẹ nó để nước tràn vào trong lúc tắm). Khi lý do được xác định thì việc chữa trị cũng dễ thôi.
 
Đầu tháng 4 năm 2021, Charlie mới hơn một tuổi thì ba nó đem đi gửi nhà trẻ. Bắt con  đi học hai ngày về nhà nó bệnh hai tuần, đến ngày 10/05/2021 Charlie mới bắt đầu hồi phục Triệu chứng là nóng sốt, ho, sổ mũi và hay khóc ban đêm. Lý do rất dễ hiểu: Một là bị chấn động tâm sinh lý vì thay đổi môi trường đột ngột, hai là ngủ không được, ăn không được, lý do cuối cùng quan trọng nhất là nó khóc vì nhớ mẹ.
 
Ở nhà Charlie thường nằm trên ngực mẹ mà ngủ. Thói quen này là không tốt nhưng quen rồi cho nên mỗi khi mẹ nó rời khỏi chỗ nằm là nó hay liền và khóc ré lên, ngồi dậy chạy đi tìm mẹ, miệng thì kêu mẹ ơi, mẹ ơi. Khi mẹ nó vào phòng tắm thì nó đứng ngoài la khóc đến khi mẹ nó ra mới thôi. Thường ngày Charlie xem chương trình TV hoặc chơi với đồ chơi của nó cho đến khi chợt nhớ đến mẹ thì bỏ tất cả, vừa khóc vừa la và chạy khắp mọi nơi đi tìm mẹ. Nay tách rời khỏi mẹ đem giao cho người khác thì làm sao nó chịu nổi, cho dầu chỉ trong vài giờ hay một buổi. Trong thời gian bị bệnh đêm nào Charlie cũng bị ám ảnh bởi nhà trẻ và khóc từ một đến hai tiếng đồng hồ, tôi nằm phòng bên cạnh không ngủ được, tôi quá xót xa mà không làm gì được.
 
Từ đó Charlie rất sợ nhà trẻ cho nên khi lớn lên đưa nó đi nhà trẻ là một việc vô cùng khó khăn. Phải dụ nó, nói là đi chơi nhưng khi đến gần nhà trẻ thì nó biết và phản ứng quyết liệt, la khóc và đòi đi đường khác, không chịu vô nhà trẻ. Cuối cùng phải cho nó học trường khác. Có một lần để tập cách ly Charlie ra khỏi mẹ, ba nó mới đem Charlie đến gửi ở nhà con gái tôi. Tội nghiệp, Charlie chỉ biết la khóc. Tối đó tôi không ngủ được. Sáng sớm tôi gọi điện thoại nói chuyện với con rể thì Charlie nghe được, nó mới kêu la cầu cứu “Nội ơi! Nội ơi!”. Lập tức tôi lái xe qua rước cháu tôi về.
 
Con trai tôi lúc nào cũng hành động theo ý mình mà không để ý gì đến tâm sinh lý của trẻ con, cách cư xử, cách nuôi dạy trẻ, không biết nói lời êm ái, nhẹ nhàng với con mình, không nghĩ đến hậu quả tai hại lâu dài về sau. Có một lần Charlie không thực hiện một điều gì đó mà ba nó muốn thì Ba nó trấn áp lại bằng cách bỏ con mình vào trong xe và chạy ra ngoài đường, không biết là chạy đi đâu. giữa mùa đông lạnh giá. Nếu như cảnh sát bắt gặp thì lôi thôi lớn. Lần thứ hai, con tôi cũng làm như vậy với Charlie. Tôi quyết liệt hơn, ra cản đầu xe lại và dẫn Charlie vào nhà. Thất vọng về cách xử sự của con tôi với cháu Charlie, tôi nói người không có trái tim mới cư xử với con mình như thế. Dầu sao đây cũng là một phần lỗi của tôi vì tôi đã cưng chìu con tôi quá đáng cho nên đã 41 tuổi rồi, đã đi dạy đại học rồi mà con tôi vẫn thiếu am hiểu trong cách đối nhân xử thế, nhất là đối với chính con đẻ của mình mới hơn một tuổi!
 
Bây giờ thì con trai tôi có khá hơn, tôi rất mừng khi thấy nó đã có những cử chỉ trìu mến với Charlie, còn Charlie ngày càng trưởng thành. Charlie thường bảo mẹ dắt nó đi chùa và nhắc mẹ khi đi chùa thì mặc áo dài. Mỗi tối trước khi đi ngủ Charlie qua phòng bóp chân cho Bà Nội, lấy miếng dán chân dán lên chỗ đau cho Bà và nói để con “help” bà. Có lúc bà quên và tự làm thì Charlie khóc lóc nói sao Bà không để cho con “help” Bà. Hàng ngày trước khi đi làm thì Charlie và Emma được ba mẹ chở đi gửi nhà trẻ. Đến chiều đúng ba giờ thì tôi lái xe cùng bà xã đến trường rước Charlie về nhà. Bà nội cho Charlie ăn uống xong thì dỗ cho nó ngủ còn Emma thì đến năm giờ Ba nó đi làm về rước nó luôn.
 
Nhớ lại cực nhất là thời gian mẹ Charlie đi bệnh viện sanh em Emma. Chỉ trong ba ngày hai đêm mà tôi cảm tưởng như là hai năm. Charlie khóc đòi mẹ, tôi và Bà nội dỗ cách gì nó cũng không nín chỉ trừ cho nó xem phim hoạt hình nhưng cũng chẳng được bao lâu thì nó lại khóc đòi bà ẵm đi tìm mẹ. Nó bắt Bà nội ẵm đứng trên thành cửa sổ nhìn ra ngoài để chờ mẹ. Tối đến Charlie và Bà nằm trên ghế sô pha đợi mẹ cho đến khi Charlie mệt quá thì ngủ thiếp đi. Lúc đó bà mới ẵm cháu vào giường. Nửa đêm Charlie thức giấc, khóc và la Mẹ ơi, Mẹ ơi. Tôi nghe mà đứt ruột. Khổ một nỗi khi Charlie khóc đòi mẹ tôi nói để ông nội ẵm con đi tìm mẹ thì nó không chịu, nhất định phải là bà nội mới được.
 
Bà nội cũng đã hơn 70 rồi nhưng tôi thấy bà cực quá. Nào lo cơm nước cho cả nhà, nào lo cho hai đứa cháu. Ngày đầy tháng Emma tôi mới năn nỉ con dâu: “ Hai đứa đủ rồi. Xin làm ơn đừng đẻ nữa”.
 
Duy Nhân

Ý kiến bạn đọc
02/07/202422:13:47
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
10/06/202416:56:39
Khách
Cám ơn bạn Phao Ng đã đọc, góp ý và đồng ý với tác già là mỗi gia đình sinh hai con là đủ. Đó cũng là truyền thống hay là gene của gia đình tôi. Hồi ở VN tôi sinh 2 đứa, một gái một trai. Khi sang Mỹ con gái tôi lập gia đình cũng sinh hai đứa một trai, một gái. Con trai tôi cũng sinh một trai, một gái. Kinh nghiệm cho thấy ở VN sinh bao nhiêu con cũng nuôi được và dễ dàng, còn ở Mỹ là cực kỳ khó.
10/06/202414:00:15
Khách
Ðã có hai con rồi thì đừng đẻ nữa là đúng. Nhà Phật nói Ðời Là Bể Khổ nên sinh con chỉ đẩy con vào bể khổ sanh lão bệnh tử mắc nghiệp tham sân si nhưng ai cũng muốn có con chỉ vì lý do có con vui cửa vui nhà, nối dõi tông đuờng, về già có nguời săn sóc hay an ủi. Nhưng quan niệm Khổng giáo nay lỗi thời, và con cháu thời nay cuỡng bách hay dụ dỗ cha mẹ vào duỡng lão sống khi họ quá già và sức khoẻ kém.
Nuớc Mỹ nay đang đi xuống so với thời 1970-1980 khi xã hội còn đạo đức và nuớc Mỹ không bị 2 tỷ nguời TQ, Ấn Ðộ cạnh tranh lấy mất việc làm. Lúc đó (1970-1990) nguời Mỹ chỉ cần học xong trung học, đi làm hãng xuởng chồng tech vợ ly là mua nhà cửa bất cứ nơi nào từ California đến New York, bảo hiểm y tế giá rẻ, về hưu có luơng hưu pension của hãng. Nay thời vàng son nuớc Mỹ đã hết, tốt nghiệp điện toán IT hay kỹ sư mà không giỏi hay từ truờng lớn là không kếm đuợc việc làm tốt, không đủ tiền mua nhà, các hãng không còn cho pension, nguời làm phải tự đóng tiền vào 401k, không đóng đuợc nhiều vì giá nhà mua trả hàng tháng quá cao, thế hệ trẻ ít nguời mua nổi nhà ở California. Chính trị Mỹ nay rối loạn, ma quỷ lẫn lộn trong chánh phủ không ai lo bảo vệ đời sống dân Mỹ mà bị ngoại bang khuynh đảo, bưng bít tin tức, tung tiền vào chiến tranh thế giới. Hàng ngày có tin đàn bà trẻ con bị chết oan giữa hai lằn đạn, chỉ vì thấy một khủng bố xuất hiện trong khu đông dân cư mà thả bom 2000 pounds vào khu đông dân cư, để cứu 4 nguời bị bắt cóc giết 270 nguời làm bị thuơng 700 nguời dân đa số đàn bà trẻ em. Dầu sao đi nữa hồi Mậu thân 1968, nguời Mỹ còn đạo đức nên không dùng bom tấn thả vào khu đông dân cư Huế, Sài gòn để đánh đuổi quân VC khủng bố. Nếu bom tấn đuợc dùng vào các khu đông dân cư Sài Gòn như chiến tranh hôm nay thì số nguời dân VN chết oan lên hàng trăm ngàn. Ðạo đức nuớc Mỹ nay đã suy đồi nên họ cho Do Thái bom tấn và tự hào hãnh diện loan tin giúp Do Thái trong vụ giải thoát 4 con tin, dù phải giết hơn 270 nguời dân kẹt giữa hai lằn đạn. Ðây là chính sách chiến tranh tàn ác, cứu cánh biện minh phuơng tiện, mà Cộng Sản VN đã làm khi cho pháo 130 ly rót vào đại lộ kinh hoàng 1972. Nay chánh phủ Mỹ và truyền thông hãnh diện kể công khi giúp DT giải cứu 4 con tin. Nguyên tắc đạo đức là khi có hai giải pháp đưa đến thiệt hại thì phải chọn giải pháp ít thiệt hại nhất trong các giải pháp nay không còn đuợc Do Thái và Mỹ tôn trọng (The Least Harm Principle is a moral tenet that dictates that an individual must choose the course of action that causes the least amount of harm to others).
Ðạo đức nuớc Mỹ nay xuống thấp đến nỗi đa số thành viên quốc hội đại diện cho dân Mỹ ủng hộ nhiệt thành những kẻ phạm tội ác, một nguời phạm tội ác chiến tranh giết đàn bà trẻ em đuợc mời đến nói chuyện khoe khoang thành tích với quốc hội Mỹ, một nguời khác phạm tội sửa sổ sách kế toán để che giấu tiền xài cho đĩ điếm đuợc bào chữa đóng góp tiền bạc tranh cử tổng thống. Một quốc gia mà giới lãnh đạo và dân tôn sùng tội ác thì chỉ có đuờng đi xuống. Cuộc đời là bể khổ khi con nguời mất hết đạo đức tạo nghiệp báo chồng chất chỉ vì con nguời tham sân si.
07/06/202414:24:33
Khách
Bài hay quá , đọc bài này học hỏi được tâm sinh lý và cách nuôi trẻ bên xứ Mỹ này. Cám ơn tác giả.
07/06/202410:52:09
Khách
Đọc bài của anh DN, nước mắt rưng rưng khi thấy mình cũng vậy. Hai cháu nội ( Mỹ) không được ăn thức ăn nấu. Tất cả đều là những thứ bán sẵn ở siêu thị: đồ hộp, fish sticks, sausage , chips, fruit...
Chỉ vài lát mỏng táo cho breakfast, một đứa trẻ chỉ hơn 1 tuổi, hiểu được yes no.
Trả lời: No. Đổ ụp nguyên khay thức ăn vào thùng rác.
Cả cha mẹ cũng ăn thức ăn mua. Nhưng nuôi 6 con mèo, 3 con chó khổng lồ ( 200 lbs ). Lông chó mèo khắp nhà, hai cháu nội bị viêm tai, ho sốt thường xuyên. Bà nội nuôi bố nó toàn bằng thức ăn nấu, dù bận bù đầu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 412,158
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc. Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
Người xưa có câu "70 chưa gọi là lành", ý nói họa phước của mỗi người tới 70 tuổi vẫn chưa biết được, phải tới khi hết thở thì mới có thể nói rằng cuộc sống của một người tốt xấu, lành dữ, ra sao. Câu chuyện dưới đây là một chuyện có thật về một chuyến du lịch bị trở ngại vào phút chót và những người trong cuộc đã trải qua những thử thách rất khó khăn, giống như họ phải chèo chống một con thuyền mong manh vượt qua cơn sóng dữ...
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
Nhạc sĩ Cung Tiến