Hôm nay,  

Nụ Hôn “Ép-phê”

22/03/202400:05:00(Xem: 3151)
 
Tác giả tên thật Chu Toàn Thắng, sinh năm 1962 hiện là cư dân Garden Grove. Công việc: Minister at Community of Agape Love Church. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Chỉ Cần Một Tay” đã phổ biến đầu năm 2016. Bài viết thứ hai kể về những ngày cuối năm của một gia đình gốc Việt có người chồng, người cha từng là sĩ quan VNCH, cựu tù nhân, và có người con mất tích trên đường vượt biển tìm tự do. Sau 8 năm, tác giả trở lại VVNM gần đây với bài “Homeless ở Đại Lộ Bolsa”, phác họa những mảnh đời bất hạnh vô gia cư trên con đường Bolsa, là bài viết được nhiều “like” nhất trên trang facebook VVNM cũng như được đọc nhiều trên trang vietbao.com.

***

Tâm_Hôn 

Với tôi hình ảnh đẹp nhất thế giới không phải là hoa hậu hoàn-vũ đăng-quang, hoặc siêu mẫu chân dài, hoặc siêu cầu thủ túc-cầu, hoặc tân tổng-thống siêu cường, hoặc tân giáo-chủ nào đó; mà là đôi uyên-ương dắt tay nhau chậm rãi, rất chậm rãi đi bộ dọc phố Bolsa sầm-uất.  Chàng đi khập khiểng, nàng dựa vai nghiêng.
 
“Đây là vợ em mười mấy năm rồi,” Tâm giới thiệu Diệu khi họ bước vào văn phòng tôi.
 
Có lẽ bạn đã nghe nhiều chuyện về con lai.  Năm mươi năm từ 30/4 rồi còn gì.  (Không cần phải thêm 1975 vì ai cũng tự hiểu.  Có không hiểu thì chỉ là giả bộ.)  Nhưng chuyện của Tâm, Việt lai Mỹ Đen, thì tàn nhẫn.  Phải dùng chữ tàn nhẫn.  Càng tàn nhẫn, càng đượm yêu thương khi tình yêu đến.
 
Tâm không biết mẹ ruột mình là ai.  Còn cha ruột thì dễ đoán rồi: Lình Mỹ da Đen chống Việt Cộng.  Ông còn hay tử trận cũng chẳng biết sao mà tìm.  Có thử DNA thì họa may tìm ra nhưng chẳng ai nói Tâm chuyện này.  Mà anh cũng không màng.

“Cho tôi xin phép tò mò hỏi: Ngón tay Tâm sao cụt thế?” tôi ngần ngừ hỏi Tâm.

“Em tự chặt ngón tay đó anh ơi?” Tâm chua chát nói.

“Trời!”

“Tụi nó đánh em đau quá,” Tâm tiếp, “Em đi bắt cua bắt ốc sống qua ngày, chiều về tụi nó rình cướp hết của em, rồi còn đánh em tàn nhẫn nữa anh ơi.  Em chịu không nổi ngày này qua tháng nọ cứ thế nên em muốn chết.  Em tự chặt ngón tay này để xua đi cái ám ảnh tự tử anh ơi.”

“Tâm ở với má nuôi mà không mét má à?”

“Má nuôi cũng bị cả làng nó ghét lây luôn đó anh, vì nó tưởng má lấy Mỹ đẻ em.  Mà em bị đánh hồi học lớp một rồi.  Anh biết ai đứng đầu cái đám đánh em không?”

“Ai tàn nhẫn thế?”

“Mấy thầy cô dạy em chứ ai.  Ổng bả gốc chăn trâu nằm vùng, rồi bây giờ ‘có công cách mạng’ nên được đứng lớp dạy để nhồi sọ tụi em.  Mà ổng bả có biết chữ nghĩa gì giỏi hơn ai đâu, suốt ngày cứ lôi em ra mắng chửi là ‘tàn tích Mỹ-Ngụy’ rồi gõ lên đầu em, rồi xúi tụi bạn cùng lớp đánh em hoài à,” Tâm trút đổ cơn giận qua lời nói.

“Rồi em làm sao thoát?”

“Thì nghỉ học luôn chứ làm sao.”
Tôi cúi đầu.  Tâm cũng cúi đầu.  Yên lặng.

“Tâm chặt ngón tay khi nào?” tôi cố nén cảm xúc hỏi ngu ngơ.  “Sau khi nghỉ học lớp một à?”

“Đâu có anh.  Lớp một em cầm con dao còn không nổi.  Nghỉ học rồi em ở nhà phụ má lặt rau để má mang ra chợ bán.  Nhưng bị chê cười hoài nên má bỏ đi buôn xa, để em lại với bà ngoại.  Ở nhà cũng chán, với lại đói quá, nên em tập tành đi mò cua bắt ốc.  Ban đầu mò quanh nhà, rồi lớn dần thì em đi xa một chút.  Mà phải đi ban đêm anh ơi.”

“Rồi khi nào Tâm chặt ngón tay?” tôi sốt ruột hỏi lần nữa.

“Mà em thương má lắm anh ơi.  Má là má nuôi thôi nhưng cưu mang em mà bị họ dèm pha chê cười đến nỗi phải bỏ làng lặn lội buôn bán những chuyến hàng xa xôi có khi cả tháng mới về.  Má càng đi lâu, em càng nhớ má.  Em cứ tự trách lỗi tại tôi, lỗi tại tôi,” Tâm vừa nói vừa đập vào ngực mình.

“Rồi khi nào chuyện chặt ngón tay xảy ra?” tôi đặt tay trên vai Tâm hỏi lần thứ ba.

“Lúc em 12 tuổi,” Tâm dịu giọng, “Hôm đó bọn nó đánh em đau quá.  Mọi lần bọn nó dùng tay đấm đá em chịu được.  Lần này da thịt em đã chai lỳ, em cũng bắt đầu trổ mã sớm nên to con hơn bọn nó, lại lai da Đen nữa thì em chấp cả bọn nó cũng dám chơi luôn, nên chúng dùng gậy anh ơi.”

“Trời!”

“Bảy thằng phục kích đánh em bằng gậy thì ai chịu thấu anh ơi,” Tâm tiếp.  “Em về nhà, lén chui cửa sau để không làm ai lo lắng.  Hôm đó có má em về.  Em lại càng giận bọn nó, vì em nghĩ em đau một thì má đau mười.  Em chặt ngón tay này vì càng giận bọn nó, lại càng thương má.  Má ơi, má ơi, vì con mà má khổ.  Con xin tạ tội với má.  Bụp . . bụp . . . bụp . . .” Tâm vừa nói vừa dơ ngón tay trái cụt ra với động tác tay phải như chặt ngón tay.
 Tâm_Ngón
 
Hai hàng lệ trên má tôi và anh bán quán bên cạnh đứng núp nghe đàng sau tường giờ mới xuất hiện.

“Mời hai anh ăn thịt heo quay với bánh hỏi nha,” anh bán quán BBQ Liên Hoa nói lơ lớ giọng Việt gốc Hoa, “Tôi làm khâu chặt thịt đã quen với chặt chém, mà nghe anh kể tôi cũng rởn da gà.  Thịt heo với thịt người khác nhau quá sá.”

Tình người ở đâu cũng có, sao lại thiếu tình người ở làng quê của Tâm, ắt là hậu quả của nhồi sọ thù hận giai cấp.  Mà đâu chả có giai cấp.  Càng giai cấp, càng phải học yêu thương thì Tâm đâu phải chặt ngón tay, một phần của thân thể phải vĩnh viễn mất đi trong đau đớn tàn nhẫn.

Hai chúng tôi sắn tay áo lên để ăn bữa trưa thịt heo quay bánh hỏi nóng hổi. 

Cánh tay trái từ khuỷ đến bàn tay Tâm khác cánh phải.

“Ủa, sao hai cánh tay Tâm khác nhau vậy!  Da cánh phải đầy sẹo tròn tròn đến cả chục cái,” tôi ngạc nhiên hỏi Tâm.

“Sẹo thuốc lá đó anh ơi,” Tâm vừa nhai vừa trả lời.  [Tâm hay kéo dài chữ ‘anh ơi’ nghe càng não nuột như bài vọng cổ ngân chữ cuối.]

“Là sao?”

“Những lần sau bị tụi nó đánh, em đưa ngón tay cụt ra nói tụi nó em cụt ngón tay rồi, em xin chừa không làm ‘tàn dư Mỹ-Nguỵ’ nữa, nhưng vẫn bị đánh anh ơi,” lần này thì Tâm rươm rướm nước mắt tưởng như đã khô cạn lệ.

“Tụi nó nói ‘đánh cho da mày hết Đen luôn,’” Tâm tiếp, “nên em đau quá nghĩ bậy phải tẩy da bằng thuốc lá, em lấy thuốc lá đang cháy chích da để quên đau và hy vọng tẩy được da thành vàng anh ơi.”

Mà trắng thiệt.  Trắng như những miếng củ cải lột vỏ trơ lại lớp trắng đục đục.  Màu trắng nhờn nhợt của khuôn mặt tử thần.

“Còn những hình xăm ‘Việt’ cánh tay phải trên và ‘Nam’ cánh trái là gì?  Tâm xăm lúc nào,” tôi hỏi khi khám phá thêm về con người khốn khổ này.

“Bên Mỹ.  Bên Việt Nam đâu có tiền xăm đâu anh.  Em qua Mỹ diện con lai với má nuôi và thằng em nuôi năm 1991.  Mình là Việt Nam nên em xăm chữ Việt Nam,” Tâm hãnh diện nói rồi vạch ngực ra, “Còn đây là hình nước Việt Nam nè anh.  Miền Nam em xăm màu vàng có hình trái tim, miền Bắc em xăm màu đỏ có hình ngón giữa.”

“Hê!  Hê!  Hê!” tôi cười lớn, “Mà sao Tâm biết ngón giữa là chửi?”

“Ông xăm là cựu chiến binh Mỹ, cũng đen như em.  Ổng xăm cho em free nếu em chịu để ngón giữa.  Sau này em mới biết là chửi.  Em mà biết lúc đó là em bảo ổng xăm hai ngón luôn anh ơi.”   

Tâm_Tay
Tâm_Xăm  
 
Một tuần sau chúng tôi mới gặp lại nhau.
 
“Đây là Diệu vợ em,” Tâm giới thiệu khi hai người ngồi trước văn phòng tôi.

“Chào Diệu.  Mời hai bạn vào uống trà hoặc cà-phê.  Cứ tự nhiên lấy nha.  Trông hai người hạnh phúc quá.”

“Hạnh phúc lắm anh.  Hạnh phúc nhất đời luôn đó.  Em qua Mỹ chưa đổi đời hẳn cho đến khi gặp Diệu đó anh,” Tâm hào hứng nói, “Em qua Mỹ 17 tuổi, họ bắt học high school thì sao em học nổi anh.  Tiếng Việt còn không biết nữa là tiếng Mỹ!  Nên em trốn học đi bụi đời khắp các tiểu bang Mỹ.  Nghe đâu có job ngon là em bay đi liền.  Mò cua bắc ốc quen rồi thì cắt thịt xẻ cá có thấm gì anh.  Mười hai tuổi mà em dám chặt ngón tay em thì có gì mà em không dám chặt anh!  Nhưng từ đó em cũng hư luôn anh ơi.”

“Sao hư?”

“Hư vì thiếu tình yêu.  Đời vô vị quá.  Má nuôi em lấy chồng,” Tâm ngậm ngùi, “Em mừng cho má.  Mà em cũng lớn rồi, cần tổ ấm tình yêu riêng để lấp đầy khoảng trống cô đơn.  Tìm chưa gặp hay không bao giờ gặp, em không biết, nên em lao đầu lấp khoảng trống đó bằng xì-ke, rượu chè, cờ bạc.  Ngày kia em về thăm má, đạp xe dạo phố Bolsa thì bị xe đụng.  Anh thấy em đi cà niểng không?

“Thấy.  À, thì ra vậy.  Nhưng dáng đi Tâm vẫn phong nhã lắm,” tôi yên ủi Tâm.

“Phong nhã là gì anh?” Tâm hỏi nhưng không chờ câu trả lời mà tiếp luôn, “Cà niểng còn đỡ.  Em bị chấn thương sọ não, khi nóng khi mát như chạm điện.  Em gây lộn với cảnh sát mấy lần, họ nhốt em vào nhà thương điên luôn.  Em đỡ rồi họ đưa ra ngoài ở boarding care Anaheim năm 1997, nhờ vậy năm 2014 em gặp Diệu mới vào ở đó.  Diệu đổi đời em đó anh ơi.”

Diệu ngước lên nhìn Tâm khi nghe tên Diệu.  Thật khó tìm được ánh mắt nào âu yếm và đằm thắm như ánh mắt Diệu nhìn Tâm. 

Tuy mắt Diệu lé.

Lé nặng.  Không nhìn kỹ cứ tưởng mắt chột.

Má Diệu bảo lãnh Diệu qua Mỹ năm 2005 lúc 16 tuổi.  Quen với ông kia hơn mình 20 tuổi, rồi có con với ổng, rồi ổng chết, con giờ đã 17 tuổi ở Chicago với bà dì của ổng.  Rồi má Diệu cũng chết bất ngờ.  Diệu bơ vơ, bị khủng hoảng tâm thần nặng được đưa vào boarding care Anaheim năm 2014.  
 
Ở đây có sân chơi chung cho cả hai phái.  Và cũng là nơi định mệnh của tình yêu bất diệt.
 
“Tâm ở đó trước Diệu bảy năm mà không quen cô nào à?” tôi đột ngột hỏi Tâm.

“Mấy đứa ở đó mập quá anh.  Có vài đứa Việt Nam thì nó không biết tiếng Mỹ cũng không biết đi xe bus để dẫn em đi bác sĩ,” Tâm thản nhiên nói.

“Tâm bắt chuyện Diệu thế nào?”

“Em gặp nó lần thứ ba thì em nhào vô nói ‘cho anh hôn em nha.’  Nó chưa trả lời mà em hôn chụt một cái rồi,” Tâm sôi nổi.

“Hôn ‘chụt’ là gì?” tôi thắc mắc nửa đùa nửa thật, “Có bị ăn tát không?”

“Tiếng Mỹ là peck đó anh,” Tâm ra vẻ rành lắm.  “Trời!  Gì mà tát, nó chụp tay em liền, rồi nói, ‘Đừng bỏ em nha!’”
Cả đám chúng tôi cười lên.  Nhưng đâu đó trong những tiếng cười có gì mằn mặn, không phải muối mặn lệ đau thương mà lệ yêu thương.

“Từ ngày em quen Diệu, em bỏ hết xì-ke, cờ bạc, rượu chè.  Em thấy mình yêu đời, ham sống, và rất cần sống để chăm sóc Diệu,” mắt Tâm lóe sáng.

“Vậy hôn nhau đi.  Vợ chồng thì hôn nhau thiệt chứ đừng có ‘peck’ nha,” anh bạn đứng cạnh thách Tâm và Diệu đang ngồi bệt dưới đất.
Tức khắc, không chần chừ, không mắc cở, hai người ôm nhau hôn khi vẫn ngồi bệt dưới đất. 

Nụ hôn vỉa hè của tình yêu đơn giản mà rất thật, rất tình, rất nồng cháy bao quanh bởi những đoá hoa rác rưới mà khách hàng xả bừa bãi.
Tôi chưa từng thấy cái hôn công cộng nào thắm thiết của tình yêu như thế.
 
“Trời ơi, sao tôi ước được hôn ai như hai bạn,” khách nào đó reo lên.

“Có hơn nụ hôn ‘Ếp-tên’ không chị?” Tâm vừa chùi miệng vừa hỏi khách.

“‘Ép-tên’ là gì?” khách ngạc nhiên.

“Là ông tỷ phú mua đảo hưởng lạc với trẻ em rồi ổng bị chết trong tù đó chị.”

“À, Epstein,” tôi xía vào.  “Mà Tâm không biết chữ sao đọc được tin tức đó?”

“YouTube tiếng Việt anh ơi.”

“À, mà sao Tâm ví vậy?”

“Ổng tỷ phú nhưng không biết hôn anh ơi.  Tụi em mới là hôn thật, hôn của tình yêu thật.  Tụi em gọi là ‘nụ hôn ép-phê,’” Tâm nói lớn và Diệu bật cười lớn hơn.

Hay thật.

 “Nụ hôn ép-phê,” tôi lẩm bẩm.

Tôi tưởng mình đang đứng trước hai thiên sứ với đôi cánh Valentine.
 
Một tuần sau câu chuyện này vẫn ám ảnh tôi.
 
“Good morning Tâm,” tôi chào anh, “Diệu đâu?  Sao đi một mình vậy?”

“Nó mới về rồi anh.”

“Nếu được ước một điều thành sự thật, Tâm ước gì?”

“Sống trăm năm để chăm sóc Diệu,” Tâm nhìn thẳng vào tôi nói không chút suy nghĩ, như thể ước nguyện này luôn trong tâm Tâm.

“Tôi cũng muốn hỏi Diệu cùng câu hỏi này.”

“Anh đợi thứ Năm đi,”

“Lâu quá.  Hôm nay mới thứ Ba.  Tôi muốn gửi bài viết này cho Việt Báo hôm nay.  Tâm có thể gọi Diệu hòi câu này không?  Đừng nói tôi hỏi.  Mà phải mở speaker tôi nghe luôn nha.”

“Hello em,” Tâm gọi liền.  “Nếu em có một điều ước bây giờ thì em ước gì?”

“Nhiều lắm anh,” đầu dây kia nói.

“Em chọn một thôi rồi anh dẫn ăn phở thứ Năm này.”

“Em muốn ông xã em sống lâu và yêu em hơn để chăm sóc em.”
 
Phải chăng thần giao cách cảm là thật!
 
Suốt cả tuần lễ dài, tai tôi vẫn văng vẳng tiếng trầm trầm của Tâm:

“Diệu đổi đời em đó anh ơi . . . Từ ngày em quen Diệu, em bỏ hết xì-ke, cờ bạc, rượu chè.  Em thấy mình yêu đời, ham sống, và rất cần sống để chăm sóc Diệu . . . Tụi em gọi đó là: ‘Nụ Hôn Ép-phê.’”
 
Thang Chu
 

Ý kiến bạn đọc
27/03/202419:59:05
Khách
VǍN CHƯƠNG
Thơ hay quá 👍🏾
22/03/202421:04:53
Khách
Thơ Tố Hữu chỉ là thơ con cóc
Cóc nhảy vào rồi lóc chóc nhảy ra
Mấy bài vè nhạt tẻ kẻ không nhà
Lượm đây đó mảnh thơ xa ngoại quốc.

Thơ Tố Hữu chẳng tu từ cọc lốc
Chẳng văn chương chỉ ác độc giết người
Xúi căm thù đấu tố cả ông Trời
Chửi cha mẹ, chém rời nơi cắt rún.

Bọn khủng bố Hominh cùng Hamas
Dùng văn thơ che tội ác độc kia
Sẽ đến ngày Đại Phán Xét gần kề
Đen và Trắng sẽ không hề lẫn lộn.
22/03/202413:55:35
Khách
Bài viết về con lai rất cảm động. Truớc 1975 thì dân VN đã kỳ thị con lai, lai da đen càng bị đối xử tồi tệ hơn. Sau 1975 thì con lai bị đối xử tồi tệ hơn, không cho đi học, không y tế, vì con lai bị CS coi là phản động vì "cha có nợ máu với nhân dân". Chế độ CS trừng phạt phản động 3 đời, tru di tam tộc. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ làm nhạc hay nhưng truớc 1975 khi làm thầy giáo dạy môn Nhạc thì trù đập học sinh con lai vì ông là cán bộ CS nằm vùng luôn luôn căm thù Mỹ Nguỵ. Thuý Nga Paris và báo chí VN hải ngoại thuờng ca ngợi nhạc sĩ PTM vì không biết cái mặt trái xấu xa của nhạc sĩ PTM thì chẳng khác gì ho. ca ngợi Tố Hữu vì TH làm thơ hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 104,497
26/04/202400:00:00
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
25/04/202409:09:00
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
23/04/202409:05:00
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
19/04/202400:00:00
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
18/04/202411:38:00
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
16/04/202410:31:00
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
12/04/202400:00:00
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
11/04/202410:53:00
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
09/04/202400:09:00
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
05/04/202400:00:00
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.