Hôm nay,  

Chuyện Đời Không Bình Thường

02/02/202400:00:00(Xem: 2044)

Ann-Phong.-Mom,-Where-Are-You.-Acrylic-with-used-objects-on-wood.-24x25x10
Tranh Ann-Phong. Mom, Where Are You? Acrylic with used objects on wood. 24x25x10
 
 
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên, tác giả nhận giải danh dự từ năm 2002.

***
 
Nước mắt chảy những giọt trong vắt, tràn xuống đôi môi, từ đôi mắt u sầu, Hoa nói nhỏ thiệt nhỏ, khi thấy cô giáo Mơ vừa bước ra khỏi cánh cửa gỗ cũ kỹ của văn phòng làm việc:
 
- Con dắt em con đi một vòng rồi con trả nó lại cho cô nha.

Mơ bước nhanh tới, choàng cánh tay lên vai cô gái, vỗ nhẹ lên bờ vai nhỏ:

- Đừng có buồn quá, đừng có lo nhiều, rồi từ từ em sẽ quen nhà mới nhe con.
 
Thả tay xuống, Mơ tiếp:

- Ừa, con dắt em đi chơi một vòng đi, rồi đem em về văn phòng cho cô, đừng lo, cô thương em lắm.

- Cô ơi, bà Nội mấy nhỏ hỏng chịu giữ em con, chớ con đâu muốn bỏ nó. Bà Nội chỉ giữ hai đứa cháu nội thôi, con còn phải đi làm, không ai coi chừng em con.

- Cô hiểu mà, từ từ em sẽ quen thôi con. Hỏng chừng sống chung với người khác em con sẽ học hỏi được nhiều điều trong đời sống, may ra nó… khỏe hơn. Thôi dắt em đi một vòng đi.
 
Hai chị em nắm tay nhau, đi về hướng đường lộ. Con đường đông đúc xe cộ ầm ầm nối đuôi nhau, buổi sáng sớm giờ thiên hạ đang trên đường tới sở. Bên kia là hai hàng bảng cấm, ngay giữa con lộ đang sửa chữa, đuờng chỉ mở một chiều xe lên, xuống, nên kẹt lung.

Mơ nhìn theo bóng hai chị em, một thoáng, rồi quay nhanh trở vô văn phòng, lòng thấy nặng trĩu.
 
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em.

Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
 
Trở vô ngồi viết tờ báo cáo hàng ngày. Khi xong, ra phòng ngoài đã thấy em ngồi trên ghế ở một góc, chỗ ngồi quen thuộc của em. Thấy cô giáo, em cười tươi, miệng lấp bấp:

- Chị khóc…khóc...chị đi gồi...
 
Nhỏ lấy ngón tay, quẹt lên con mắt, bắt chước như chị nó chùi nước mắt, ngó cái mặt thiệt dễ thương.

- Ừa, chị đi rồi, bây giờ con đi chơi với cô nhe.

Con nhỏ gật đầu, chìa ra cho cô giáo coi bịch ni-lông nhỏ, trong có mấy chùm nho:

- Chị cho.

Lại cười, hai con mắt ánh lên niềm vui.

- Con ăn đi.

Gật nhẹ đầu, Mơ nói, nhỏ vội vàng mở miệng bao, lấy chùm nho đỏ ra, bứt từng trái bỏ vào miệng. Mơ dặn thêm:

- Nhớ nhả hột bỏ nhe con.

- Dạ.

Nhỏ ăn xong bịch nho, lại tới bên cạnh cô giáo, kéo kéo tay áo Mơ:

- Đi dzìa cô, dzìa nhà chị, dzìa ngủ cô … cô … cô, chị tắm …chị mua ba bộ áo đẹp… đẹp… đẹp.

Con nhỏ bắt đầu nói cà lăm. Mơ vuốt tóc em:

- Hỏng ngủ con, ngủ hồi tối rồi, giờ mình vô lớp học, mai bận đồ mới nhe.

- Dạ, ngủ rồi, đi học.

Ngoan ngoãn, nhỏ lập lại lời của Mơ, rồi đi theo cô giáo vô lớp.

Lấy tập ra, viết từng hàng chữ “I” xong đẩy qua, kèm cây viết chì.

- Con viết theo nè.

- Dạ.

Em lúc nào cũng dạ, ngoan lắm. Mơ trở qua các em học trò khác, một lát sau trở lại, thấy trên cuốn tập là những vòng tròn quệt quẹt, chồng lên những chữ “I” uốn nét của mình.
 
Ừa, thôi, em không biết viết. Kiên nhẫn thêm một chút.
 
Em năm nay bằng tuổi con trai lớn của Mơ, tức 32 tuổi. Em mắc một chứng bịnh tâm trí từ hồi rất nhỏ, gọi là “ bịnh hoang tưởng”. Hoa là tên của chị em, chắc lớn hơn em 2, 3 tuổi thôi.

Chị em kể: ”Ba Má đâu có nuôi nó, bỏ nó từ hồi còn nhỏ, Bà Ngoại con nuôi. Con mới đem nó qua đây“.
 
Trong những lúc cô trò ngồi nói chuyện, em thường kể:

- Mẹ đẹp …đẹp …đẹp lắm.

Chắc trong trí nhớ của em có lúc bừng sáng. Mơ khuyến khích cho em kể tiếp:

- Mẹ đẹp sao hả con?

Đôi mắt em sáng rỡ, màu nâu lợt ánh lên trong vắt, ngây thơ, miệng cười tươi tắn:

- Mẹ bận áo dài… có che dù nữa.

- Mẹ bận áo màu gì?

-Màu …tím.

Trời đất!

Em biết và nhớ cả màu áo của mẹ.

- Mẹ mang giày cao “dzì” nè …

Em xoè bàn tay, đủ năm ngón.

- Con nhớ …ba không?

- Có

Gật đầu lẹ làng, em nói tiếp:

- Ba …ba …ba lái xe.

Hai tay em ra dáng như ôm tay lái, đưa qua lại.

Một em khác đi cùng nhóm, tên Lan xía vô, nói liếng láo:

- Nó nói ba nó chạy xe cô ơi.

À, như vậy nhà em chắc khá giả. Ở bên Việt Nam mà có xe hơi nữa.
 
Lâu lâu, em đứng kề sát bên Mơ, ngả đầu dựa vào vai cô giáo, Mơ hỏi:

- Nhớ mẹ hả con.

Nhỏ gật đầu,mếu:

- Nhớ mẹ quá!

Ôi! Mơ thiệt tình không hiểu những em bị bịnh tâm trí nầy, cái đầu em khi nào mê khi nào tỉnh, nhưng những lời nói của các em cứ làm cho trái tim Mơ nhói lên từng nhói đau hết sức!

Nhiều lúc, tự nhiên em khóc, nước mắt chảy ràn rụa. Nước mũi chảy hòa cùng nước mắt lem luốt, mũi đỏ ửng, khiến em khác cằn nhằn:

- Biểu nó chùi mũi đi cô, dơ quá hà!
 
Ừa, hơn ba chục tuổi em không biết chùi mũi, đưa cái khăn giấy, em quẹt quẹt tèm lem. Mơ giả bộ nạt:

- Thôi, hỏng có khóc, cô hỏng thương à.
 
Chiêu “cô hỏng thương” hiệu nghiệm lắm. Cứ nói hỏng thương là mấy nhỏ nghe lời răm rắp, ngộ vậy đó nhe.
 
Chị em kể, ban đêm, hôm nào em không ngủ được, thì em chạy rầm rầm trên hành lang giữa nhà, dộng cửa buồng ngủ của anh chị, của cháu, ầm ầm suốt đêm, không ai ngủ nghê gì được hết. Thiệt khổ cho tình cảnh của chị em, còn chồng, còn con!

Bữa trước đưa em về, nghe chị em than thở:

- Chắc con bỏ nó quá …cô ơi ! Nó quậy quá làm sao con chịu nổi!.

- Con đừng bỏ em, tội cho em lắm!
 
Nói vậy, vì lòng mình nó vậy, biết làm sao!
 
Hôm đầu tiên đưa em về nhà mới, chỗ chăm sóc em, dọc đường, như có linh cảm làm sáng trí, em vỗ vai Mơ, chỉ ngược hướng xe chạy, cà lăm, vấp váp:
- …cô …cô ..cô…cô …. dzìa nhà... nhà... nhà chị.
 
Khi nói vội vàng, em hay cà lăm.

Nhà mới là chỗ nuôi và chăm sóc người bịnh chậm phát triển, cần phải quan tâm liên tục 24 tiếng một ngày. Nhà gọi là “Group house” thường rất rộng rãi ba hay bốn phòng ngủ. Mỗi phòng có thể một, hay hai người ở chung. Ở đây sẽ có người lo ăn uống, giặt giũ, chăm sóc vệ sinh, sức khỏe v…v…Tùy theo bịnh nặng nhẹ, mà người chăm sóc dạy họ về đời sống tập thể và sinh hoạt như một gia đình.
 
Lúc tới nhà mới, ngừng xe, Mơ ngó thấy hai con mắt em đỏ lừ, nước mắt chạy dọc theo sóng mũi. Em xuống xe, cầm hộp “lunch”, đi một mạch vô nhà, thẳng vô buồng, không ngó lại như mọi hôm vẫn ngần ngừ, rồi hun lên má cô giáo trước khi gõ cửa nhà chị.

Em biết buồn biết giận nữa chớ, em vẫn là một con người mà, dù trí khôn của em chỉ là đứa bé 3-4 tuổi. Em biết tủi thân nữa chớ, thỉnh thoảng em khóc vì nhớ mẹ, người mẹ chắc đã quên em từ lâu lắm.

Hình ảnh người mẹ trong đầu em thiệt là đẹp đẽ.
 
Lúc ăn trưa, em hay nói :
- Cơm ngon quá.
 
Em ăn không biết no, và cũng không biết đi cầu tiêu tiểu, nếu không có người nhắc.

Chị em kể có lần mấy ngày không đi cầu bụng em to như cái trống, phải đưa em tới bác sĩ. Có lần khác, trong bếp, chị đang cắt miếng thịt, vừa quay lưng đi, quay lại, là miếng thịt biến mất. Kiếm hoài, mới nghĩ ra em đã lấy nuốt vô bụng rồi. Em ăn không biết no, không biết thức ăn sống hay chín. Cứ thấy đồ ăn là sấn lại, tay bốc, miệng đã nhai rồi. Một lần, dẫn các em đi chơi Bowling, ngang qua cái bàn, em quơ tay nắm cái ly của ai đó để trên bàn, uống ừng ực một hơi, không chụp kịp. Giờ ăn trưa em thường ôm kè kè hộp đồ ăn, kiếm chỗ ngồi riêng một mình, lấm lét mở hộp, khum khum tay che, cử chỉ như sợ có ai tới giựt. Em ăn mau như chớp, và mấy miếng đã hết nửa hộp cơm to tướng. Ăn xong, thời gian còn lại chừng nửa tiếng đồng hồ em loay hoay tìm cách để đậy nắp hộp cơm, chỉ hoài cũng chưa làm được. Mơ vẫn luôn nhanh mắt nhắc chừng:

- Nhai nữa nhe con, ăn từ từ.

Ngoài những thói quen đó, em hiền lành dễ thương.
 
Từ ngày em về chỗ ở mới, Mơ nhận thấy em có vẻ ngoan ngoãn hơn trước. Đưa em tới nhà, đôi khi Mơ theo em vô tận phòng riêng, thấy em biết tháo đôi giày đang mang, đặt thứ tự ở góc tủ máng quần áo, mang lại đôi giày vải mềm đi trong nhà, máng cái áo lạnh lên móc. Như vậy ít chuyện nhỏ nhặt em đã có thể tự làm.

Nhớ lúc trước, mỗi sáng tới nhà rước em, thấy chị em vẫn phải ngồi dưới đất, mang từng chiếc vớ chiếc giày cho em. Mong mỏi của chị em, khi gởi em cho người khác nuôi, là để em có thể tự lập từ từ, may ra trí khôn của em sáng lên chăng.
 
Mơ vẫn cố gắng tập em đồ vần a, b, c, viết tên mình; vẫn cố gắng giúp đỡ em hội nhập vào dòng sinh hoạt bình thường. Em đã biết khoanh tay chào hỏi những  người mới gặp, với nụ cười rất dễ thương, biết ngồi cùng bàn ăn với người khác, tuy vẫn còn ăn nhanh như gió. Nghe kể, đêm nào không ngủ được, em thường ra đứng nơi nhà bếp, nước mắt chảy ràn rụa, ngửa hai bàn tay, xin ăn, vì thói quen ăn không biết no. Người chăm sóc em cho biết, em không đói, chỉ thèm ăn một cách vô thức mà thôi.

Xa các em mấy năm rồi, Tết cận kề, Mơ nhớ các em quá!

Mong sao cho em, một ngày nào đó, sống đời bình thường với những người bình thường.

Ngọc Anh 
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,198
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới nhất của tg, về việc ông bà trông giữ cháu ở Mỹ.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. Bài viết này MTTN viết về giọt nước mắt người Mẹ, là tác giả Phương Hoa, một cây viết đoạt giải Chung Kết VVNM được yêu mến. VVNM và Việt Báo một lần nữa xin chia buồn cùng tác giả và tang quyến.
Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn “hay “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” …mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để…sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả khi ngồi trên ghế bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào học đại học.
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Ở những thành phố tại miền Nam Cali mà tôi đã ở thì mỗi tuần một lần, xe đổ rác sẽ đến từng nhà để mang rác đi. Tại thành phố tôi đang cư ngụ, thứ tư hàng tuần là ngày đổ rác. Khoảng 7:30 sáng thì xe đổ rác xanh (cỏ, lá, vỏ trái cây) sẽ đến lấy rác đi. Khoảng giữa trưa thì đến lượt xe đổ rác tái sinh (recycle). Đến năm giờ chiều thì xe đổ rác đồ ăn và những thứ rác còn lại sẽ chạy chuyến chót. Tất cả mọi nhà trong xóm, trừ gia đình hai ông bà Mỹ già bên kia đường, đều kéo các thùng rác ra lề đường mỗi tối thứ ba để cho các xe rác đến đổ vào ngày hôm sau. Hai ông bà Mỹ già luôn đợi đến khoảng 7 giờ sáng thứ tư mới kéo thùng rác ra. Điều này làm tôi rất bực mình, nhất là vào các tháng mùa đông, vì tiếng động kéo thùng rác của hai ông bà đánh thức tôi dậy.
Đã bao giờ bạn cầu nguyện một điều gì chưa? Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng chắp tay cầu nguyện một điều gì vì lòng trắc ẩn khi nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở dải Gaza, vạn gia đình bồng bế nhau chạy giặc, những nấm mộ ven đường gợi nhớ quê xưa. Bạn thầm cầu nguyện bình an cho những người khốn khổ được trở về nhà. Tôi nhìn những người lính trẻ dưới giao thông hào tuyết đá lầy lội của trận chiến đang cam go giữa Ukraine và Nga, tôi nhớ chiến tranh ở quê nhà nên thầm cầu nguyện ơn trên che chở cho những người lính vì họ còn quá trẻ. Bạn cầu nguyện cho những người không quen biết đang bị động đất ở đâu đó trên địa cầu được bình an trở về nhà. Tôi cầu nguyện cho cơn sóng thần khủng khiếp tiếp diễn đổ vào hoang đảo, đừng đổ vào những thành phố ven biển đông dân cư, nơi tôi chưa từng nghe hay biết đến địa danh đó trước khi xem tin tức trên tivi… Nhưng đã bao giờ tôi và bạn suy nghĩ về hành vi của mình với những người không quen biết, những nơi chưa từng nghe tên hay đến đó bao giờ.
Với tôi hình ảnh đẹp nhất thế giới không phải là hoa hậu hoàn-vũ đăng-quang, hoặc siêu mẫu chân dài, hoặc siêu cầu thủ túc-cầu, hoặc tân tổng-thống siêu cường, hoặc tân giáo-chủ nào đó; mà là đôi uyên-ương dắt tay nhau chậm rãi, rất chậm rãi đi bộ dọc phố Bolsa sầm-uất. Chàng đi khập khiểng, nàng dựa vai nghiêng. “Đây là vợ em mười mấy năm rồi,” Tâm giới thiệu Diệu khi họ bước vào văn phòng tôi. Có lẽ bạn đã nghe nhiều chuyện về con lai. Năm mươi năm từ 30/4 rồi còn gì. (Không cần phải thêm 1975 vì ai cũng tự hiểu. Có không hiểu thì chỉ là giả bộ.) Nhưng chuyện của Tâm, Việt lai Mỹ Đen, thì tàn nhẫn. Phải dùng chữ tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn, càng đượm yêu thương khi tình yêu đến.
Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ? Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi, bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”, nha!
Tác giả tên thật Trần Đình Phước, Sanh năm 1947, Cựu Trung Úy Không Quân VNCH. Đến Mỹ 10-1992. Danh sách HO-13. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2023 Hiện đang sống tại San Jose. (Ghi lại cuộc nói chuyện giữa một học sinh và một nhân viên Crossing Guard tại ngã tư Curtner Ave và Booksin, Ave, thuộc Thành Phố San José trong lúc em chờ phụ huynh đến đón.)
Nhạc sĩ Cung Tiến