Hôm nay,  

Hai Mươi Mốt

29/01/202414:32:00(Xem: 2616)

Nguyễn Văn Hưởng



Ký sự Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Riêng tặng người đã chăm sóc và đồng hành cùng tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.

 

*

 

Từ ngoài một năm nay, mỗi khi nhìn xuống đôi chân, tâm trí tôi thường liên tưởng tới mấy vần thơ của ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch bài "Thần Chết Và Lão Tiều Phu" của La Fontaine:


Lão tiều vác củi cành một bó,

Củi đã nhiều, niên số lại cao.

Lặc lè chân đá chân xiêu,

Lom khom về chốn thảo mao khói mù…


Vâng đôi chân tôi giờ đây mỗi khi bước xuống giường hay đứng dậy rời chiếc ghế ngồi, đã bắt đầu loạng choạng, "lặc lè chân đá chân xiêu". Có lần tôi than thở cùng bà vợ:
- Lúc này chân tôi yếu quá, bước đi chẳng khác gì một ông cụ!


Tôi không nhận được lời cảm thông nào đáp trả, chỉ toàn lời dè bỉu:

- Tới tuổi này rồi không là ông cụ thì là ông gì đây hả ông?

Nhưng cũng may, bước chân tôi chỉ không mấy vững vàng lúc bắt đầu đi thôi, khi đã bước đều rồi cũng không đến nỗi bết bát lắm. Và bởi tôi không chấp nhận số phận hẩm hiu, nên ngày ngày vẫn siêng năng cuốc bộ cả chục dặm đường.

Tôi cũng nghe theo lời khuyên của ông thầy thường nắn bóp xương cho tôi, cứ đôi ba ngày đến Gym một lần, tập vài động tác với hy vọng, một ngày nào đó đôi chân sẽ cứng cáp trở lại. Tiếc thay sự tiến bộ hết sức chậm chạp, không như tôi mong đợi. Rồi một ông bạn khác lại khuyên, hàng ngày nên leo lên leo xuống cầu thang sẽ tốt cho đôi chân hơn. Nhìn cái thang xoắn ốc trong nhà chỉ vỏn vẹn có mười ba bậc, tôi không biết phải leo lên leo xuống bao nhiêu bận mới đạt được kết quả? Trong lúc đang bí lối, bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên chiếc máy leo thang (Stairmaster), mà hàng chục năm về trước tôi từng bước chân lên đôi ba lần nhưng không hề thích. Thế là qua ngày hôm sau tôi liền leo lên đi thêm lần nữa.

Ngay trong lần đầu thử nghiệm, tôi cảm thấy chẳng khó khăn gì, bởi thường khi đi bộ, tôi vẫn hay tìm mấy con đường nhiều dốc cao để đi. Nên bước lên mấy bậc thang cuốn, leo đến tầng thứ 20, tôi thấy từ hơi thở cho đến nhịp chân đi vẫn bình thường, chẳng khó khăn gì. Kể từ đó tôi bị chiếc máy leo bậc thang cuốn hút, bởi tôi cảm thấy đôi chân ngày một khỏe khoắn nhanh hơn. Tôi tự đặt cho mình một mức chỉ tiêu vừa phải, mỗi ngày cố leo thêm một hai tầng là mãn nguyện lắm rồi!

Kể ra đi trên máy thang cuốn cũng lý thú lắm! Tôi thường nhẩm đếm từng bước, cứ đi tròn 100 bước chân, tôi đã leo lên được gần 6 tầng lầu. Đếm hết lượt trăm thứ ba, coi như tôi leo gần tới tầng 20. Hôm nào chán lầm bầm lập đi lập lại mấy con số, tôi đếm bằng mồ hôi. Khi mồ hôi bắt đầu rịn ra đôi vai và lưng, tôi biết mình đã bước khỏi tầng 30. Lúc áo bắt đầu ươn ướt, tôi đã đi qua khỏi tầng 41. Đến khi giọt mồ hôi đầu tiên nhỏ xuống, chân tôi đang bước lên tầng 50. Tới lúc phải rút khăn ra lau mặt, tôi biết chắc chắn tôi đã vượt qua khỏi tầng 64 rồi.

Việc bước lên từng bậc thang cuốn khác hẳn với việc đi trên máy đi bộ hay trên đường, vì vừa đi vừa có thể trò chuyện hay gắn Ipod vào tai để nghe nhạc. Một khi bước trên máy thang cuốn rồi, mắt phải luôn nhìn xuống từng nấc thang liên tục chuyển động. Lơ là hay sơ sẩy một chút là dễ bị trượt chân vấp ngã rất nguy hiểm. Riêng cái miệng phải liên tục đếm và nhớ những con số, vừa để quên đi cái mệt vừa giúp cho thời gian qua nhanh. Dù chưa một lần thử nghiệm, nhưng tôi biết là khó có thể vừa leo thang cuốn vừa chuyện trò với người bên cạnh.

Vậy mà hôm nay, tôi đếm dứt bốn lần con số 100 chưa quá một phút, khi liếc nhìn lên màn hình, con số tầng thứ 35 đã hiện ra. Lúc đó tôi thoáng thấy dáng một người bước lên chiếc máy bên cạnh. Tôi vẫn thản nhiên cúi mặt tiếp tục đếm bước. Người bên cạnh mới leo được độ chừng chục bậc thang, tôi đã nghe tiếng bấm cho máy ngừng lại. Rồi người bên ấy cứ bước, cứ cho máy ngừng liên tục, cho mãi đến khi trên màn hình chiếc máy của tôi hiện lên con số tầng 48. Bất chợt một giọng như than vãn rõ mồn một lọt vào tai tôi:

- Mình qua bên Phi chơi mới có chín tháng thôi, sao người lại yếu đến như vậy cà!

Đến giờ tôi biết chắc, bên cạnh tôi là một người đàn ông. Mồ hôi tôi rịn ra gần ướt hết chiếc áo. Ông ta tiếp tục cho máy ngừng lại nhiều hơn bước lên các bậc thang và hơi thở dồn dập nghe càng rõ bên tai. Tôi bấm mạnh ngón tay vào cái nút "Stop" khi mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt. Tôi vừa đứng vững trên máy, tiếng người đàn ông liền vọng sang:

- Mồ hôi ông tuôn ra nhiều như vậy tốt quá, tốt quá!

Đến lúc này tôi mới có thể ngước mặt lên nhìn. Điểm nổi bật nhất nơi ông ta chính là cái dáng hình suôn đuột, hiếm khi thấy nơi một người đàn ông da trắng hay da đen nào. Nhìn phớt qua gương mặt chỉ một vài nếp nhăn, tôi đoán có lẽ ông ta kém tuổi tôi. Tôi định "nổ" cho ông ta biết, trước khi bước lên cái máy thang cuốn này, tôi đã đi bộ hơn sáu dặm đường, và nhất là tôi đã ngoài bảy mươi lăm tuổi. Khi mồm miệng tôi chưa kịp thốt thành lời, ông ta đã thân mật tự giới thiệu:

- Tôi tên John Smith, còn ông tên gì?

Bởi tên tôi hơi khó đọc theo giọng Mỹ, nên tôi trả lời:

- Tôi tên là Nguyen.

Ông đọc họ của tôi giống chữ "Win" và khen:

- Tôi rất thích cái tên của ông.

Rồi ông tiếp tục nói về mình:

- Năm nay tôi đã chín mươi sáu tuổi rồi.

Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi giọng nói ông chẳng những trong trẻo mà gương mặt càng trẻ trung hơn. Tôi nhận ra tôi gặp hên vì chưa kịp khoe tuổi tác mình ra, nếu không chắc tôi phải mang nhục giống như con cá nục. Tôi thành thật khen ngợi John:

- Tôi cứ tưởng ông mới ngoài bảy mươi thôi.

John cười thật tươi thay cho lời cám ơn, kể tiếp chuyện mình:

- Tôi qua bên Phi chơi hơn chín tháng trời, mới về tới nhà hồi đầu tuần rồi. Tôi không ngờ người tôi độ rày bệ rạc quá! Chắc mỗi ngày tôi phải tới đây tập luyện cho khỏe khoắn trở lại, để còn lo đón bà vợ tôi qua bên này chung sống nữa chớ. Bà ấy trẻ, đẹp và dễ cưng lắm, mới có năm mươi hai tuổi thôi.

Nhìn đôi mắt tôi ngạc nhiên trợn lên, ông ôn tồn kể tiếp:

- Tôi mới cưới vợ được nửa năm thôi! Chắc vài tháng nữa sẽ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ để đón bà ấy qua bên đây. Như vậy kể cũng tốt, vì tôi có đủ thời gian sửa sang lại nhà cửa vườn tược. Chớ hồi độc thân tôi sống buông thả lắm, toàn cơm hàng cháo chợ chớ đâu có nấu nướng gì!

John hóm hỉnh nói thêm:

- Với lại nếu tôi không leo lên cái máy thang cuốn này nổi, thì làm sao leo lên mấy cái thứ khác để giữ hạnh phúc gia đình!

*

Trên đường trở về nhà, tôi bước đi như chân sáo, nghe bao niềm vui len vào lòng mỗi khi nhớ lại từ gương mặt đến giọng nói của John. Tôi chợt nghĩ tới hai số tuổi 96 và 52. Sự chênh lệch nhau những 44 năm này, làm tôi liên tưởng đến một người Việt Nam khá nổi tiếng. Ông hơn tôi một tuổi, qua Mỹ ngay sau biến cố 30 tháng Tư, đã ly dị bà vợ cưới ở bên này. Mấy năm gần đây ông trở về nước cưới bà vợ kém ông 44 tuổi. Xem qua vài đoạn video trên Youtube, tôi thấy ông ấy bảo đó là tình yêu thực sự. Hai người đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh, hiện đang rất hạnh phúc bên nhau. Tôi mong đó là sự thật và cầu chúc cho đôi lứa sống đến khi được Chúa gọi về. Chớ không thể chúc theo lối thông thường là đến khi răng long đầu bạc. Sở dĩ tôi chúc như vậy vì biết ông là người theo đạo Công giáo.

Tôi cũng nhớ đến một cuộc tình khác. Cuộc tình của một người Mỹ gốc Việt rất giàu có, từng nổi đình nổi đám cả chục năm qua. Đôi tình nhân hay vợ chồng này tuổi tác có cùng hai con số hệt như nhau. Một 27 và một 72. Nhìn hình ảnh hai người âu yếm tôi thấy xốn xang đôi mắt! Nhưng người trong ảnh chắc cho là đẹp lắm, nên mới khoe tùm lum tà la để thiên hạ cùng nhìn, cùng chiêm ngưỡng cái đẹp. Cuộc tình giờ đã đường ai nấy đi rồi! Tôi nhắc lại chỉ để nhớ tới một câu hỏi, mà tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng biết trả lời sao! Và đây là nguyên văn câu của một đứa cháu đã hỏi tôi:
- Bác ơi, cháu vừa được một cô bạn mời tới dự buổi tiệc tổ chức rất "hoành tráng" ở Las Vegas vào Chủ nhật tuần tới. Cháu xin bác chỉ cho cháu biết phải xưng hô làm sao cho đúng phép đúng tắc lúc gặp cả hai người. Vì từ trước tới giờ cháu vẫn coi cô bạn này như em gái, bởi cô ta nhỏ hơn cháu hai tuổi. Trò chuyện với nhau hai đứa vẫn xưng hô anh anh em em. Nay nó lấy làm chồng hay là cặp bồ cặp bịch với một ông cụ 72 tuổi. Cháu không biết khi nâng ly chúc mừng hai người trong bữa tiệc, cháu phải xưng hô thế nào cho đúng với luân thường đạo lý, với lễ giáo ngàn đời của người Việt Nam mình?

Trong lúc chưa nghĩ ra câu trả lời, tôi liền khen:

- Cháu gọi người 72 tuổi là cụ, gọi người bé hơn cháu là em thì đúng theo lễ giáo lắm rồi.

Tôi chỉ biết nói đại khái thế thôi, bởi tôi hoàn toàn bí lối, chẳng biết dạy cháu thế nào cho đúng với cách xưng hô của người mình. Tôi định bảo cháu, thôi đừng chơi với họ nữa thì khỏi phải nghĩ ngợi nhức đầu, nhưng khuyên như vậy thì không ổn, đâu giải quyết được vấn đề. Còn khuyên cứ "mi mi, du du, ai ai" thì lại mất đi cái gốc! Cuối cùng tôi đành bảo cháu:

- Đây là chuyện của người ta! Người nào gây ra thì người ấy phải "xử lý". Bác không thể giải quyết thay cho họ được. Với lại bác cũng không muốn nhức đầu, bận tâm tới ba cái chuyện tào lao thiên địa này!

Nhớ đến việc John cưới bà vợ trẻ hơn cụ những 44 tuổi lúc đã ngoài 96. Tôi liên tưởng đến thân phận người phụ nữ ở các nước nghèo, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia đó. Cũng có biết bao nhiêu đàn bà con gái Việt Nam đang muốn rời bỏ quê hương, để mong tìm được một cuộc sống khá hơn qua con đường tìm chồng. Bởi không lâm vào hoàn cảnh đó, tôi không dám phán xét bất kỳ một ai, hay bất cứ câu chuyện tình nào.

Mỗi khi nhớ lại cuộc trò chuyện với cụ John trong Gym, con số Hai Mươi Mốt lại nhảy múa trong đầu, và con tim tôi liền vui trở lại. Hai Mươi Mốt không phải con số mấy người thích chơi bài xì dách hay blackjack mong muốn kéo được. Đó chính là khoảng cách số tuổi của tôi với John. Cụ hơn tôi đúng Hai Mươi Mốt tuổi, đang hạnh phúc sửa soạn "đưa nàng về dinh". Điều này đem đến cho tôi niềm hy vọng lẫn ước ao: Hai Mươi Mốt năm nữa tôi cũng giống như cụ, vẫn lạc quan, trẻ trung yêu đời. Nếu được vậy, tôi không chút ngần ngại bước lên cái máy thang cuốn, bước lâu hay mau, leo được bao nhiêu bậc, lên đến tầng thứ mấy đều không quan trọng. Vì tôi chỉ muốn "tâm sự" với người đi trên chiếc máy bên cạnh rằng:

- Bạn ơi, tôi đã 96 tuổi rồi.

Tôi cũng chỉ mong giống cụ John chừng đó thôi. Còn câu kế tiếp tôi muốn nói là:

- Tôi cưới vợ đã ngoài 72 năm, bà ấy kém tôi chỉ có một tuổi thôi, bà nhà tôi đẹp lắm. Không… không phải vậy, bà ấy đẹp lão lắm. Thôi chào bạn nhen, tôi phải đi về ngay vì sắp tới giờ bà xã tôi đo huyết áp, thử đường trong máu cho tôi và đang chờ cơm tôi ở nhà.

Nguyễn Văn Hưởng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,724
Qua báo chí, tôi được biết Yellowstone là một vùng đất rộng nằm ở Tây Bắc Tiểu bang Wyoming, nơi mà cách đây mấy ngàn năm đã có sự hoạt động của một núi lửa lớn với miệng núi đường kính dài 30km. Người ta tưởng tượng rằng nếu giờ này mà nó thức giấc thì cả miền Bắc Mỹ sẽ không còn. Tôi ao ước có dịp sẽ đến đây để tận mắt nhìn những kỳ tích đẹp và hùng vĩ mà núi lửa đã lưu lại sau hơn mấy ngàn năm ngưng hoạt đông, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Năm nay, nhân ngày lễ Memorial, con gái tôi đã sắp xếp xin nghỉ một tuần để lấy tour cùng đi thăm danh lam thắng cảnh này.
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
Nhạc sĩ Cung Tiến