Hôm nay,  

Một Cuộc Tình Đẹp

09/01/202411:08:00(Xem: 3430)
08012024 Vĩnh Chánh_Một cuộc tình đẹp hình 2.png
Đôi Uyên Ương Nghê Xuân Nghiệp và Nguyễn Thị Anh Ngọc.
Hình tác giả cung cấp.


Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.

*


Từ lâu, tôi muốn viết câu chuyện đời của một cặp bạn thân tình, nhưng mãi chưa có cơ hội. Nay nhân dịp kỷ niệm 50 năm đám cưới của anh chị, tôi không thể chần chờ viết lên đôi dòng, xem như một món quà gởi đến đôi bạn mừng ngày Lễ Vàng vào đầu tháng 12, 2023.

Anh Nghê Minh Hiệp sinh và lớn lên tại Saigon, trong một gia đình có thân phụ là một sĩ quan từng phục vụ các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh, với chức vụ sau cùng là Thiếu Tá thuộc SĐ 21 BB, và 3 người anh em cũng là quân nhân, với người anh cả phục vụ trong Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, người anh kế là một phi công trực thăng, và người em rể cũng là một phi công trực thăng vỏ trang – cả 2 người này đều tốt nghiệp phi hành từ Hoa Kỳ. Do sống gần thân phụ, Hiệp chuyển trường nhiều lần, học qua các trường trung học Vĩnh Bình và trung học Tống Phước Hiệp, ở Vĩnh Long. Sau khi đậu Tú Tài vào năm 1968, Hiệp tình nguyện đầu quân vào Không Quân VNCH khi anh vừa tròn tuổi 19. Vào năm 1969, Hiệp được gởi sang Hoa Kỳ học bay.  Tháng 11, năm 1971, sau khi hoàn tất chương trình học lái máy bay phản lực trong một năm rưỡi, Hiệp trở về Việt Nam, và được đưa ra Đà Nẵng phục vu Phi Đoàn 516, lái khu trục phản lực A 37. Cuối năm 1972, Hiệp được điều vào Biên Hòa học lái chiến đấu cơ phản lực F5. Xong khóa học vào tháng 3, 1973 Hiệp nhận sứ vụ lệnh trở về lại Đà Nẵng, phục vụ Phi Đoàn 538 Hồng Tiển, một phi đoàn F5 vừa mới thành lập của Sư Đoàn 1 Không Quân.

Chị Nguyễn Thị Anh Ngọc sinh và lớn lên từ Đất Thần Kinh trong một gia đình có thân phụ trong quân đội, với chức vụ cuối cùng là Trung Tá, chánh văn phòng cho Trung Tướng Vĩnh Lộc tại Quân Đoàn II, Pleiku, trước khi hồi hưu mấy năm sau. Vì thân phụ là quân nhân di chuyển thường xuyên, nên Anh Ngọc cũng phải chuyển trường nhiều lần từ tiểu học cho đến trung học, như là trường Đồng Khánh, Huế , trường trung học Pleiku, rồi về lại trường Thiên Hữu, Huế. Tôi từng biết Ngọc thời chị còn học ở trường Đồng Khánh; có nước da “mặn mà có duyên”, tóc ngắn, thường mặc áo đầm, nào là jupe serrée, jupe plissée, jupe taille haute, jupe trapeze… thay vì áo dài tha thướt của nữ sinh Huế. Tuy là con gái gốc Huế, nhưng Ngọc mang một phong cách tân thời, à la mode, với một chút tinh nghịch, một chút ngổ ngáo, linh hoạt, không tỏ vẻ e lệ, rụt rè – nói chung: không mấy Huế- ngoại trừ giọng nói, điều này minh chứng Ngọc từng sống nhiều nơi khi theo thân phụ.  

Một phi công gốc Nam Kỳ, một thiếu nữ gốc Cố Đô, vậy thìduyên tơ hồng nào giúp họ gặp nhau. Không phải qua giới thiệu của bạn bè hay gia đình, không phải trong một buổi liên hoan hay tiệc tiếp tân, mà cũng chẳng phải làm quen với nhau trong một quán cà phê hay tình cờ nhìn thấy nhau trong một buổi chiều núp mưa trên đường phố. Cuộc tình duyên của anh Hiệp và chị Anh Ngọc được anh chị mô tả như một cuộc tình “Wrong Number”. Nghe qua thấy quá lạ, nhưng đây đúng là một chuyện tình diệu kỳ với sự bắt đầu có tính cách thần tiên. Năm 1973, ở tuổi 21, Ngọc là nữ thư ký cho một trại quân vận ở Đà Nẵng mà vị chỉ huy trưởng là cậu của mình. Ngoài giờ làm việc, nhất là vào khoảng giờ ăn trưa, Ngọc thường táy máy bốc điện thoại quân đội, vui đùa bấm các con số, để rồi gác máy xuống khi nghe tiếng trả lời ở đầu dây bên kia. 

Vào một buổi trưa đẹp trời tháng 5, 1973, Nàng bấm một dãy số lạ và ngay lập tức nghe tiếng trả lời nhanh gọn, với giọng Miền Nam rất hấp dẫn “Thiếu Úy Nghê Minh Hiệp, tôi nghe đây”. Vào lúc ấy, cậu của Nàng bước vào phòng trực điện thoại, lập tức Nàng gác máy. Khoảng 20 phút sau, điện thoại trước mặt Nàng reo lên, giọng nói đầu dây kia vang nhanh “tôi là Thiếu Úy Nghê Minh Hiệp gọi lại đây. Có phải cô là người vừa kêu tôi rồi tắt máy…” Thế là bắt đầu một trò chơi, hầu như mỗi ngày hai bên đều kêu điện thoại nói chuyện với nhau. Sau một tháng trên điện thoại, trước lạ sau quen, họ bằng lòng gặp nhau. Nàng chiếm trọn tim Chàng ngay phút ban đầu “lưu luyến ấy”.

Trong cuộc tình này, Chàng thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp duyên dáng, nhí nhảnh, tươi trẻ của Nàng, dù Chàng phải làm quen dần với một giọng Huế ngọt ngào, thật đáng yêu nhưng khó hiểu. Trong bất cứ cuộc tình nào cũng phải có một người yêu người đối diện trước. Hiệp luôn công nhận, không những Hiệp tha thiết yêu Ngọc mà anh thật sự si mê người đẹp của mình. Từ giọng nói, dáng điệu, phong cách. Từ cách ăn mặc, cách ứng đáp tự nhiên, cách trả lời ngay thẳng, không giả bộ quanh co, ngây thơ vô tội vạ. Tuy nhiên, vốn là một phi công thường xuyên bay vào vùng trời chi chít đạn thù chớp nổ trong tiếng gầm thét của động cơ phản lực, dù Hiệp có thể xem nhẹ cái chết của chính mình, Hiệp vẫn phải đắn đo dậm chân tại chỗ khi nghĩ đến thân phận dấn thân vào chốn nguy hiểm của mình. Còn gì tuyệt đẹp hơn khi tình yêu đến trong vòm trời đầy lửa đạn, nơi mà sự sống chết đang chờ đợi trong từng mỗi phi vụ, nơi mà thử thách kề cận bên cái chết càng thôi thúc lòng tin yêu, nỗi nhung nhớ đến tuyệt hảo. Vì trong tiếng thì thầm của tình yêu thời chiến đã có sẵn chữ hy sinh. Và khi tình yêu vừa len nhẹ vào đời người phi công, nó đã mang theo mầm mống của lo sợ tan vỡ, của mất mát chia ly và chết chóc.

Gần nửa năm sau, Hiệp vụng về tỏ lời xin cầu hôn với Nàng. Không trả lời Chàng liền, Nàng về Huế hỏi ý kiến của thân mẫu. Nàng kể hết tất cả những gì mình biết về Chàng, về con người, tính tình của Chàng, về công việc về cách giao thiệp của Chàng, về gia đình của Chàng…Thân mẫu của Nàng lắng nghe, để chỉ hỏi một câu cuối cùng “nếu con không lấy được Hiệp thì con có muốn lấy ai khác không?” Nàng trả lời “Nếu không lấy được anh Hiệp thì con sẽ không lấy ai hết”. Trong thâm tâm của Nàng, chính Nàng đã ước nguyện chia sẻ nổi đau buồn của Chàng sau khi biết gia đình Chàng gặp phải nhiều biến cố mất mát đau thương liên tục; Nàng muốn choàng ôm Chàng, cho Chàng sức sống, hy vọng và niềm tin qua nguyện cầu sẽ có nhau mãi mãi trong cuộc đời. Như muốn dang đôi cánh thiên thần bảo vệ, chặt đứt vòng tử thần lởn vởn trên đầu người yêu. Nàng bất chấp nghĩ rằng mình có thể trở thành một quả phụ, như trường hợp một vài bạn thuở trung học của mình lấy chồng quân nhân. Không những đây là một mối tình tuyệt đẹp, mà còn là một mối tình sắt son. Hỏi ai trong chúng ta mà không biết đến bài thơ “Ôi, Saigon Giờ Giới Nghiêm” của nhà thơ Tô Thùy Yên, được nhạc sĩ Trần Thanh phổ nhạc “Chiều Trên Phá Tam Giang.”



Giờ nàу thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ bất giác chảу tuôn
nghĩ tới một điều em không rõ
nghĩ tới một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh… nghĩ tới anh…

https://youtu.be/XYEkuqfYDf4?si=uFNSBCOOQ6mE40cE

Trong một tâm trạng vừa hân hoan vừa xót xa cho hoàn cảnh có tang của gia đình, Chàng và Nàng chính thức trở thành vợ chồng vào đầu tháng 12, 1973, bằng một buổi cơm trong gia đình tại Đà Nẵng. Cô dâu không có áo cưới, vợ chồng không có tuần trăng mật. Khi về thăm quê chồng, Nàng được bà gia giới thiệu với bà con hàng xóm “nó không phải là người Dziệt, mà là người Wuế”. Khi Nàng mặc đồ ngắn đi chơi bên ngoài, bà gia cũng lấy làm lo lắng, sợ con dâu bị lạnh mà trúng gió!

  
Có lần ngồi cạnh nhau, nghe Hiệp tâm sự về gia đình mình, nhất là về cái chết của những người thân trong gia đình mình, tôi thật bàng hoàng, xúc động và xót xa, liên tưởng ngay đến chuyện phim nổi tiếng “Saving Private Ryan”. Người anh cả của Hiệp là người đầu tiên trong gia đình tử trận năm 1969, tại quận Bình Chánh, khi đang là một đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, ngay trong thời gian Hiệp đang chờ du học phi hành tại Hoa Kỳ. Chỉ vài tháng sau khi từ Biên Hòa Hiệp về lại Đà Nẵng bay chiến đấu cơ phản lực F5, và cùng trong thời gian Hiệp bắt đầu làm quen với Ngọc, người anh thứ nhì của Hiệp, một phi công trực thăng thuộc Phi Đoàn 229 Lạc Long, bị chết cháy ngay tại ghế ngồi khi trực thăng do anh lái bị trúng đạn và rơi xuống vùng rừng núi tại Pleiku, vào tháng 6, 1973. Và không đầy 4 tháng sau, vào tháng 10, 1973, người em rể, vốn là một phi công trực thăng vỏ trang, thuộc phi đoàn 213 tại Đà Nẵng, tình nguyện bay chiếc trực thăng bị trục trặc động cơ về Đà nẵng, nhưng anh buộc phải hạ cánh chiếc trực thăng tại một vùng bất an ninh ở Quảng Ngãi, nên sau đó bị du kích VC địa phương sát hại bằng một nhát dao đâm vào cổ, trong khi đã bị thương và kẹt trong phi cơ.

Để trả lời câu hỏi của tôi vì sao gia đình Hiệp không xin cấp trên cho con trai duy nhất còn lại của mình được làm việc dưới đất thay vì tiếp tục bay để tránh nguy hiểm, Hiệp trả lời một cách can cường “đã là một Cánh Thép thì mãi mãi là một Cánh Thép cho Tổ Quốc - Không Gian”. Tuy nhiên, với lời thỉnh cầu của cha mẹ Hiệp, Bộ Tư Lệnh Không Quân cho vợ chồng Hiệp thuyên chuyển từ Đà Nẵng về Biên Hòa vào tháng 3, 1974, cho gần gia đình Hiệp, nhưng Hiệp vẫn tiếp tục bay chiến đấu cơ F5 trong phi đoàn  522 Thần Ưng của Sư Đoàn 3 Không Quân. Tại căn cứ Biên Hòa, gia đình bé nhỏ của Hiệp Ngọc gánh một nỗi đau nghiệt ngã. Con gái đầu lòng của vợ chồng, vì sinh thiếu tháng, được cho nằm trong lồng ấp điều hòa, có dưỡng khí. Vào một đêm căn cứ không quân Biên Hòa bị địch pháo kích, hệ thống điện được lệnh tắt. Lồng ấp sơ sinh không có điện, lại thêm người y tá trực không có mặt nên bé không có dưỡng khí để thở, bị ngột và chết. Với cái chết của bé sơ sinh này, đại gia đình của vợ chồng Hiệp Ngọc mất tất cả 4 sinh mạng. Vì chiến tranh.

Cận ngày 30 tháng 4, 1975, vợ chồng Hiệp Ngọc được di tản khỏi Việt Nam. Họ sớm có công việc tạm ổn định trong thời gian đầu tiên tại Quận Cam. Nhưng có lẻ điều may mắn nhất - theo tôi nghĩ - là Hiệp Ngọc chọn Quận Cam làm nơi định cư vĩnh viễn, từ thủa lập nghiệp cho đến lúc về hưu. Và hiện tại. Qua sự nhận xét của tôi, Hiệp Ngọc không có nhiều tham vọng, họ chỉ chú trọng nuôi con khôn lớn, có một đời sống đơn giản, không đua đòi, vẫn ở tại một căn nhà mua từ giữa thập niên 80. Hiệp về hưu sau 36 năm làm việc cho hãng Mobil, đi từ nhân viên cấp nhỏ trong phân sở bảo trì cho đến chức vụ cuối là Supervisor về Planning; Ngọc thì làm kế toán cho một hãng tư.

08012024 Vĩnh Chánh_Một cuộc tình đẹp hình 3.png

Hiện tại Hiệp Ngọc có 3 cô con gái và 5 cháu ngoại. Sống hạnh phúc và sức khỏe. Đây là một cặp vợ chồng rất thuận hòa, đi đâu hay làm chuyện gì cũng tâm đầu ý hợp, luôn có nhau bên cạnh, du lịch nhiều nhất trong những bạn “giang hồ” mà tôi từng biết, có thể cả 1/3 thời gian trong năm. Họ đi cruises nhiều chuyến, đi du lịch thế giới, du lịch khắp nước Mỹ, thăm gia đình định cư tại Úc, về VN hằng mỗi năm, thăm gia đình ở Saigon, Cà Mau (là gốc của đại gia đình phía Hiệp), thăm gia đình ở Huế…  

Tính tình Hiệp Ngọc rất hòa nhã, thoải mái, cởi mở và hào phóng; vợ chồng luôn hành xử đẹp, tử tế và tận tình với bạn bè, và vô cùng hiếu khách, luôn tạo cơ hội để mời mọc họp mặt vui chơi với nhau, nên căn nhà của Hiệp Ngọc là nơi thường xuyên tụ tập của các bạn Không Quân của Chàng, bạn thời trung học của Nàng, nhất là trong các cuối tuần, các dịp Tất Niên, Tân Niên, mừng sinh nhật, July 4th, Veteran Day…Khi mùa Đông đến, Hiệp Ngọc thường hay mời vài ba cặp bạn lên Big Bear ở nhà mình chơi tuyết. Nhìn Chàng và Nàng lã lước khiêu vũ trên sàn nhảy, chúng tôi rất ngưỡng mộ. Đối với Chàng và Nàng, có lẽ đêm nào cũng là đêm xuân, và “Đêm xuân nào cũng là Đêm thứ Nhất” (thơ Đêm Thứ Nhất của thi sĩ Trần Dạ Từ.)

 
50 năm, một nửa của thế kỷ, là một khoảng thời gian quá dài để nhớ hết tất cả những gì đáng nhớ, nhất là khi đã trải qua những năm liền với quá nhiều biến cố trong chinh chiến, với sự mất mát của bao người thân trong gia đình, cơn đại nạn của đất nước và khi xây dựng lại cuộc đời trên xứ người. Nhưng 50 năm đã qua như một cơn gió thoảng. Có chăng để lại t rong đời người nhiều kỷ niệm, nhưng có những kỷ niệm thật đáng nhớ mà ta gọi là hoài niệm không hề phai trong tâm cảm. Cũng vậy, trên đường đời, chúng ta gặp nhiều cảnh ngộ tốt xấu, nhiều bạn hiền trong các hội ngộ. Tuy nhiên có những hội ngộ đặc biệt để lại xúc cảm trân quý thì ta gọi là đó hạnh ngộ. Tôi ước mong Hiệp Ngọc sẽ mãi gìn giữ những hoài niệm chung, được xây đắp qua những cảnh ngộ, hạnh ngộ khó phai.

08012024 Vĩnh Chánh_Một cuộc tình đẹp hình 4.png

Từ những giấc mơ nhỏ nhoi, chúng ta đan thành những thực tế to lớn dần, thành công có, thất bại có. Để bây giờ khi mùa Thu tựa cửa cuộc đời, còn đâu nữa là những vấn vương lẩm cẩm. Qua rồi là công danh sự nghiệp. Qua rồi là trách nhiệm với đời. Giờ đây chỉ lấy niềm vui gia đình con cháu làm lẽ sống, lấy tình bạn làm vui qua ngày và tìm đường mây rộng thênh thang để rong chơi. Nếu như vậy, Chàng nên ca bài “Anh Còn Nợ Em” hằng ngày và mỗi ngày. Và đừng quên đấm bóp, nắn chân, vuốt tóc cho Nàng mỗi đêm.

Xin được chúc mừng Lễ “Hấp Hôn” lần thứ 50 của vợ chồng Hiệp Ngọc với bài thơ sau đây:

“Vạn lý đường đời ta chung bước

Trường thành xây đắp tình thiên thu

Cùng nhau sánh vai cùng chung hướng

Khổ đau vui sướng mãi bên nhau”

 

Ngày 29 tháng 11, 2023

Vĩnh Chánh.

Ý kiến bạn đọc
09/01/202423:43:52
Khách
Cám ơn người viết bài chia sẻ một chuyện tình đậm và đẹp. Mong anh chị Hiệp-Ngọc mãi hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,198
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến