Hôm nay,  

Rừng Thu Thay Lá

10/11/202300:00:00(Xem: 3748)

IMG_6612
Hình tác giả cung cấp.


Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.

*

 

Đang ngồi ngắm mấy bông hoa sáng nay mới nở búp thật đẹp, sau thời gian bôn ba đi Walmart, Home Depot lùng ít cây về trồng, bỗng nghe phone reng, Thuận vào nhà bắt máy, đầu dây bên kia tiếng nói vui tươi trong trẻo của cháu Vũ gọi sang từ Việt Nam:

- Con đây ...dì có khỏe không?

- Ờ... ờ... con và mẹ có khỏe không?

- Dạ khỏe hết dì, con báo dì tin vui là đã mua được căn nhà khá tươm tất, mấy hôm nay dọn dẹp đồ đạt, con tìm thấy hộp thư ba làm thơ về dì nhiều lắm nhưng con giấu mẹ sợ người buồn..hi..hi…ai ngờ ba con có thời... thích dì ghê ha.

Nói xong cháu cười hồn nhiên, hỏi năm ba câu thêm rồi xin gác phone vì đang bận, hẹn lần sau nói chuyện nhiều hơn.

Thuận thẫn thờ nhìn ra vườn nhưng hình như không thấy gì trước mắt, tâm hồn chị thoáng bị giao động vì Vũ đã vô tình gợi lại giấc mơ xưa trở về thật gần như mới ngày nào…

Hồi đó Thuận đang học trường Nữ Thành Nội lên lớp 10 (1977) thi đậu vào trường Nông Lâm Súc để được lãnh $18 cũng như 18 ký gạo mỗi tháng trong hai năm bổ túc văn hoá, đến lớp 12 được thi vào ngành. Trường có những khu vực đất đai, học sinh vừa làm vừa lao động lúc ra Quảng Trị, Đông Hà, lúc các vùng chung quanh ra sức trồng khoai sắn.

Thuận gặp Tú học chung lớp, những lúc đi lao động trồng rau hay cuốc đất, Tú thường đem theo phần ăn trưa hai ổ bánh mì lo thêm phần chị, gặp công việc nặng bạn đỡ đần gánh gồng cho chị luôn.

Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”

Sau 75 cuộc sống dân miền Nam bị đảo lộn, nhà nào cũng đói rách tả tơi, buồn rầu, chán nãn và lo sợ. Thuận đang tuổi dậy thì, trái tim vừa hé mở niềm tin yêu cuộc sống, thì đã bị hụt hẫng theo thời thế, đôi bạn tựa vào nhau tìm sự an ổn phần nào về mặt tinh thần, điều tự nhiên của tuổi học trò đơm chút bông hoa tình cảm đầu đời. Đôi bạn cố gắng học hành cho đến khi tốt nghiệp lớp 12 chuẩn bị thi vào ngành.

Năm 1979 ba và các anh chị đi vượt biển được tàu Tây Đức vớt, năm sau qua Mỹ do anh đầu bảo lãnh. Gia đình bị công an đến nhà tra khảo nhiều lần. Mẹ Thuận bán lẹ nhà giá rẻ bèo cho cán bộ vì biết nếu không bán được sẽ bị tịch thu. Nửa gia đình còn lại lặng lẽ đi tàu đêm vào Sài Gòn. Thuận ngơ ngẩn chia tay bạn, Tú đến sân ga nhìn “chuyến tàu hoàng hôn” lần cuối nếm nỗi buồn ly biệt.

Vào Sài Gòn còn lại mấy chị em dưới sự cấm đoán của Ba viết thư về căn dặn “không ai được lập gia đình, để chờ ba bảo lãnh”. Bóng thời gian đi qua lẹ làng. Thuận nghe ngóng tin tức bạn bè, được biết Tú bị động viên đi thanh niên xung phong bên Campuchia. Thời điểm này có buồn cũng đành giấu trong lòng nhìn thẳng cuộc sống thực tế, khi mà dòng người ồ ạt tìm cách chui tàu trốn thoát VC. Cả một miền Nam tang thương đói khổ chẳng thấy tương lai. Anh kỹ sư, ông bác sĩ, thầy giáo đồng lương chật vật. Nhiều trường hợp cũng nhắm mắt chọn con buôn, tiệm vàng chẳng cần tình yêu, chỉ mong được vào làm rể tựa ơn mưa móc.

Năm 1984 cả nhà qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Thuận đi học lại trường college, sau đó làm hãng điện tử. Công ăn việc làm tạm ổn định và cũng yên bề gia thất. Chị bắt đầu nghĩ về Tú, người bạn tốt đã giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều nơi chốn học đường năm xưa trong giai đoạn khó khăn, bằng cách liên lạc nơi các bạn cũ. 

Một chiều nhận thư từ Đào (cô bạn chơi chung nhóm) báo hung tin Tú đã chết, bạn kể tỉ mỉ… Sau khi đi nghĩa vụ hai năm về, Tú có việc làm ở bưu điện Quảng Nam, lập gia đình và có bé trai đầu lòng một tuổi. Năm sau Tú được thuyên chuyển về bưu điện Huế, chuyến cuối cùng anh nhắn vợ vào thăm, đi chơi lần cuối trước khi ra Huế. Chuyến xe chạy trên đèo Hải Vân, trên đường trở về thì tai nạn đau thương xảy ra, xe bị lao xuống vực thẳm. Tú chết tại chỗ, vợ bị chấn xương nặng, riêng cháu bé được thoát chết nhờ văng ra mắc kẹt trên nhành cây.

Thuận sững sờ theo bao nhiêu ngày đêm khó ngủ, nhờ Đào tìm cách liên lạc với vợ Tú để biết thêm tin tức. Cuối cùng Thuận liên lạc được với Loan (vợ Tú), đã bị liệt cả người nằm một chỗ, đang ở nhà ngoại trên vùng Nam Giao. Giai đoạn này Thuận đã sinh được hai cháu trai, cuộc sống cũng âu lo đủ điều, nhưng hai tấm ảnh Loan gởi qua đã làm xao động tâm tư Thuận quá nhiều. Một tấm hình hai vợ chồng lúc mới cưới xứng đôi đẹp lứa, một tấm hình cháu trai khoảng ba, bốn tuổi ngồi kề đầu giường mẹ với cái bánh sinh nhật, do bác (anh của Tú) cho. Loan nằm ngoảnh mặt nhìn con cười. Thuận không ngờ, nhìn Loan khi bị bịnh, già gấp đôi số tuổi và nhan sắc xinh đẹp cũng biến đi đâu mất, chẳng tìm thấy lại nét như tấm hình kia. Thuận bị ám ảnh về lẽ vô thường theo thuyết nhà Phật, cuộc đời có đó rồi chia lìa, hạnh phúc rồi khổ đau. Sao mà quá ngỡ ngàng... Tú ra đi nhưng còn để lại người vợ thật thương đau, Thuận cảm thấy choáng ngợp và tim bị đè nặng khi đối diện với sự thật... Mảnh ký ức lãng đãng đi về từ góc kín trong tâm hồn, từ trái tim có lẽ đã bị bụi thời gian phủ mấy lớp, nay được vén nhẹ bức màn cho thấy hình ảnh sân trường, những buổi trong lớp học, những giờ đi lao động, người thanh niên tên Tú cao ốm, nét mặt thanh tú hiền hoà. Những buổi cả nhóm đi học chung, những buổi vào mùa thu đạp xe ngắm lá vàng, Tú thường nói “lá thu thì đổi sắc nhưng hồn thu muôn đời vẫn dạt dào trong tim Tú”, người thanh niên thích đàn hát và mê thơ văn, giờ đây đã an giấc nghìn thu....

Một tuần trôi qua... Thuận mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều, chị chia sẻ câu chuyện này với chồng và chị em mình, mọi người càng sững sờ cảm xúc dâng nghẹn. Quang (chồng Thuận) thúc giục vợ giúp đỡ thực tế, các anh chị cũng đóng góp chung, chị thực hiện ngay công việc gởi về số tiền lớn. Thuận đọc được câu danh ngôn của Robert Southey “No distance of place or lapse of time can lessen the friendship of those who are thoroughly persuaded of each other ‘s worth (không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào có thể làm yếu đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi giá trị của nhau).

Nghĩ đến Loan hoàn cảnh nằm một chỗ, tuổi còn trẻ giống như mình, hạnh phúc đến quá nhanh rồi đi, nỗi thương tâm ám ảnh hoài Thuận cần phải cố gắng giúp đỡ hơn nữa. Xứ Mỹ ai mới qua rất dễ bị xa hoa vật chất mê hoặc, vợ chồng Thuận chẳng ham muốn điều gì. Chồng chị xuất thân từ dưới làng quê thuộc con nhà nghèo học giỏi, thi vào đại học tổng hợp có điểm cao miệt mài bốn năm, nhưng khi tốt nghiệp khó kiếm việc, được anh chị Cả lo cho vượt biên, tới đảo làm thông dịch viên và dạy Anh văn. Qua Mỹ học nghề Car repair and Check Smock, Quang chỉ muốn cơm cá kho kiểu đồng quê chẳng hề biết hàng quán. Thuận sống giản dị không đua đòi với ai, chị tận dụng coupon sale cắt từ báo quảng cáo thực phẩm, chưa hề đi xe mới vì chồng biết sửa xe. Đời sống giản tiện hết sức nhưng chồng chị luôn cổ động giúp hoàn cảnh của Loan, nên chị vẫn đều đặn thực hiện. Dần dà các anh chị em của Thuận cũng quen luôn với Loan, anh này gởi xe lăn, anh kia về VN xây mồ mã đều ghé thăm Loan.

Trở về Mỹ kể lại cuộc sống của Loan thật xót thương, càng làm Thuận tiết kiệm hơn trong cuộc sống để tiếp viện thêm. Khi các con lên tám lên mười, trong buổi cơm nghe chuyện ba mạ kể về dì Loan, các con nói hớt:

- Tội dì Loan mẹ ơi, mẹ gởi thêm tiền nữa đi. Thuận nghe con nói rất xúc động, nhưng cố làm bộ mặt tỉnh bơ:

          
- Gởi thêm nữa thì bớt phần gạo, các con phải ăn cơm ít lại có được không?

- Được chứ mẹ, con bớt lại một chén.

Cả hai con cùng nhao nhao nói làm chị phải phì cười khi nhìn nét mặt ngây thơ hồn nhiên, biết thương người thật đáng yêu.

Hơn hai mươi năm Thuận vẫn giữ tình bạn thân thiết với Loan, bòn nhặt chia sẻ tiền bạc, cũng như cổ động tinh thần bạn vững lên. Dần dà Loan đã ngồi được xe lăn, được đẩy ra ánh sáng nghe chim hót, phơi nắng hồng, nhìn thấy bông hoa, cây cỏ xanh mướt trong khu nhà vườn thoáng rộng. Bé Vũ học rất giỏi, đó là nguồn an ủi động viên lớn nhất đối với Loan. Thuận cố gắng thêm để cháu Vũ đi nốt con đường học vấn, hầu sau này cháu có nghề nghiệp vững chắc bảo bọc cho mẹ. Ông trời vẫn còn một góc tình thương dành cho những cảnh đời bất hạnh, nay cháu Vũ đã thành giáo sư đại học dạy môn Anh Văn trường sư phạm.

Còn nhớ lúc Minh (con đầu của chị) tốt nghiệp trung học vào trường UC San Diego học ngành Biology and Chemistry, Minh rất nhanh nhẹn, từ từ quen giờ giấc học hành và sinh hoạt chung quanh. Mấy tháng hè cháu không về nhà, thường gọi phone hỏi mẹ:

- Mẹ còn giúp dì Loan không? Nên giúp đi mẹ, ở đây con đủ trả tiền nhà, tiền ăn, mẹ đừng gởi thêm cho con nữa. À mẹ ơi! Nho nơi đây $4.99/1lb có đắt không mẹ? Chị thấy con có máu hà tiện giống mình cũng bật cười nhưng khuyên con:

- Cứ ăn đi con, mắc cũng mua ăn cho đủ chất trong người, khi đó mới lấy sức học được.

Cháu lại khoe tiếp

- Mẹ ơi con xin được các việc lặt vặt kiếm tiền, mùa tới mẹ không cần lo, con đủ khả năng trả tiền nhà (hùn chung đám bạn), và tiền ăn.

Thuận không yên tâm hỏi gặng con

- Con lo dồn tâm trí học, làm việc gì kể mẹ nghe xem

- Con làm bốn job lận, tiệm sinh tố ba tiếng buổi trưa, một tiếng job dẫn chó đi ra ngoài, một tiếng đọc truyện cho cụ già Mỹ, cuối tuần giữ một cháu trai.

- Trời ơi con làm vậy thì giờ đâu học nữa, mẹ đủ sức lo cho con tiền ăn ở mà

- Không sao đâu mẹ, con học được mà, mẹ dư giúp dì Loan tiếp nhé

Nghe con nói Thuận muốn ứa nước mắt. Nhớ lúc các con ở với mình, vợ chồng thay phiên nhau chở con học trường Việt ngữ Văn Lang trên San Jose, các con học giỏi được phần thưởng cuối mùa, trường lại thiếu giáo viên nhờ các con dạy tiếp. Khuôn mặt Minh và Việt non choẹt mới mười sáu, mười tám tuổi, các em nhỏ gọi “Thầy” thật mắc cười. Các con tự học, Thuận chỉ biết chăm lo bồi dưỡng, mỗi tối gõ cửa phòng đem sữa, trái cây gọt sẵn nói vài câu ngọt ngào khuyến khích.

Thế rồi Minh chuyển qua University of Michigan, Ann Arbor, mượn tiền trường học, nay đã tốt nghiệp bằng dược sĩ làm trên San Francisco. Việt (con trai thứ nhì) vào trường UC Berkeley học ngành Public Health, ngày ra trường cháu tự động tìm tòi lá cờ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu dán lên mũ đội. Làm việc vài năm Việt nhảy qua New York theo công việc Solutions Architect (build software).

Thỉnh thoảng các con gọi phone nói chuyện đều hỏi câu:

- Dì Loan nay sao rồi mẹ? Có cần con cho tiền để mẹ gởi không?

- Không cần con, mẹ có tiền mà, nhưng bây giờ con trai Dì Loan dạy học có lương cao bảo đảm lo đầy đủ cho dì Loan rồi, không sao đâu con.

Đến nay các con của chị đều có công ăn việc làm ổn định, cháu Vũ (con của Loan) cũng đã mua nhà thay đổi chỗ ở cho mẹ Loan thoải mái hơn. Nghĩ đến các con và cháu Vũ, chị thấy lòng nhẹ nhõm, niềm vui lâng lâng tràn ngập. Bao nhiêu mùa thu đi qua, bao nhiêu lần thay lá nở hoa tiếp nhận xuân hạ, nhưng hồn thu vẫn còn đó, vẫn ghi hình ảnh ngày nào có đôi bạn đạp xe trên con dốc cao ngắm lá vàng rơi, dẫu rằng rừng thu đã thay lá bao nhiêu lần theo thời gian...

Minh Thúy Thành Nội 

 

Ý kiến bạn đọc
26/12/202305:22:12
Khách
Tôi được biết bài này là câu chuyện thật!hình như Tác giả doir Tên nhân vật !đọc chuyện này mất ngủ một thời gian vì buồn và rất xúc động ,Nhân vật này rất tốt và mối tình đầu của họ rất Đẹp ,Cám ơn Tác giả qua lối viết rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,241
Mấy năm về trước, dịp nghỉ lễ spring break của hệ thống trường công ở thành phố tôi ở luôn trùng với dịp lễ Phục Sinh. Thời gian đó hãng tôi cũng cho nghỉ ngày thứ Sáu trước và ngày thứ Hai sau ngày Chủ Nhật Phục Sinh nên chúng tôi luôn có một long weekend trùng với ngày nghỉ học của hai con. Cho nên gần như là truyền thống khi hai con còn bé là cả nhà chúng tôi luôn đi chơi xa mà thường là lên khu gần thủ đô Washington DC vào dịp lễ Phục Sinh cũng như spring break của hai con. Sở dĩ chúng tôi chọn khu vực này vì thông thuờng đây cũng chính là dịp mà hoa anh đào nở rộ rực rỡ, hoặc ít ra cũng vẫn chưa tàn tùy theo thời tiết hàng năm.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông về chuyện rent phòng ở Little Sài Gòn.
Vạn sự không thông đều làm người ta khó chịu trong đời sống như kẹt xe làm trễ tàu, trễ chuyến bay… internet không thông làm dở dang công việc trong thời đại online, mất hứng với trận bóng đang hay mà internet ì ạch. Tiếng Việt có từ ghép hay là từ “dòng sống”, diễn tả cuộc sống như một dòng sông chảy mãi, chảy mãi. Dòng sông ngưng chảy biến thành ao hồ, không còn là dòng sông nữa, như cuộc sống không thông, cuộc sống bế tắc vậy.
Bây giờ các con, cháu đã về hết. Căn nhà rộng này dường như lại rộng hơn. Tụi nhỏ lao nhao nửa ngày ở đây, rồi lên xe về nhà để ngày mai còn đi làm, đi học, trả lại sự yên ắng cố hữu cho bà Sang. Bà trở vào nhà nhìn ly cà phê nguội ngắt pha từ sáng tới giờ trên bàn. Suy nghĩ vẫn vơ, con cháu về thăm, vui một chút đó thôi, chứ nỗi buồn của riêng bà làm sao cho vơi bớt được!? Chỉ là vài tháng nay thôi, cuộc sống của bà đã đổi thay rõ rệt. Ngày trước, lúc nào cũng kề cận với chồng, giờ đây ông đã ra đi biền biệt. Nỗi buồn đau này biết có ai chia xẻ cho cùng!!?
Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tưởng vậy chứ không phải vậy. Đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tinh thần suy sụp, sức khoẻ giảm sút. Chỉ từ một phút giâyrủi ro, mọi thứ đều đảo lộn. Từ một người năng động, một trụ cột của gia đình giờ đây tôi trở thành một phế nhân. Mọi chuyện trong nhà, ngoài ngõ bây giờ đều do một tay vợ quán xuyến. Vợ tôi phải vừa chăm sóc tôi vừa lo cho người mẹ già mất trí nhớ. Buồn rầu, chán nản, chúng tôi chưa điên khùng cũng là may mắn lắm rồi.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.
Lâu lâu chúng ta nghe các bậc cha mẹ tỏ ra nóng lòng, nhắc nhở con mình sao không lấy vợ, lấy chồng đi để ông bà sớm có cháu mà bồng. Những lúc đó tôi có suy nghĩ, mà không nói ra: bồng cháu thì mỏi tay chớ có sướng ích gì mà mong dữ vậy? Tôi có người chị vợ ở Canada vừa mới có cháu ngoại đã gửi cho vợ tôi cả chục cái email báo tin và nói đủ chuyện. Theo tôi, chỉ cần gửi một hay hai cái báo tin mừng là đủ, hà cớ gì phải gửi nhiều lắm thế, chuyện gì mà nói nhiều thế? Tôi có ông bạn hàng xóm. Khi có cháu ngoại thì email cho tất cả bà con nội ngoại xa gần, kể cả Việt Nam chưa đủ, ông còn email cho bạn bè, dĩ nhiên trong đó có tôi, mặc dầu không quen thân. Ông này không viết nhiều, chỉ viết mỗi một câu ngắn mà lặp lại hai lần “Tôi có cháu ngoại rồi! Tôi có cháu ngoại rồi”. Lúc đó tôi chưa hiểu được nỗi vui mừng của bạn tôi, mà nói, dĩ nhiên là chỉ nói với vợ con tôi thôi: Có cháu ngoại chớ có phải trúng số đâu mà làm ầm ì cả xóm vậy?
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và là một trong những cây bút có sức viết mạnh mẽ nhất trong giải thưởng VVNM. Trong tâm trạng tháng Tư, tác giả gởi bài viết mới về cuộc hành trình rời Việt Nam và duyên định với nước Mỹ qua một cặp vợ chồng truyền giáo người Mỹ từ tâm.
Hàng năm, khi tháng Tư trở lại, người Việt tị nạn lại bâng khuâng nhớ về những khổ hận khi miền Nam sụp đổ. Tuy nhiên, đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, tháng Ba mới là tháng đau thương nhất. Rất nhiều người đã gục ngã trên các tuyến đường rút quân đầy hỗn loạn. Với bài viết này, người viết xin chia sẻ nỗi đau “tháng Ba lại về” với các chiến sĩ VNCH và dâng lời tạ ơn đến các chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ miền Nam trong suốt hai mươi năm.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tác giả tưởng niệm 30 tháng Tư.
Nhạc sĩ Cung Tiến