Hôm nay,  

Dĩ Pháp - Hộ Pháp

18/11/202200:00:00(Xem: 3797)
 
Anne-Khanh-Van
Tác Giả Anne Khánh Vân nhận giải Việt Bút-Trùng Quang từ nhà thơ Trần Dạ Từ và chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân
 
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ”. Tháng 12, 2021, tác giả nhận giải Việt Bút Trùng Quang VVNM 2021. 
 
***
 
Những tuần sắp đến lễ Vu Lan, cuối ngày làm việc, tôi thu xếp đến một tu viện trong xóm phụ việc. Tu viện còn trong giai đoạn xây cất nên rất nhiều việc cần làm. Hầu như mỗi ngày, tùy thời khóa biểu của từng người, luôn có nhiều các anh chị Phật tử đến làm việc công quả.
Hôm nào đến được sớm khi trời còn sáng thì tôi phụ việc bên ngoài. Tôi thường chỉ đi vòng quanh sân lượm rác hoặc dọn những đồ vật linh tinh cuối ngày cần thu gọn. Hôm nào đến trễ khi trời đã tối, tôi sẽ phụ việc trong bếp. Hôm nay, khi vào nhà bếp thì thấy đã có nhiều các chị Phật tử đang nhặt rau, trộn bột, nấu nướng...
 
Cô bếp chính biết làm nhiều loại bánh và nấu các món chay rất ngon. Như nhiều gia đình Phật tử khác trong vùng, cả gia đình cô, vợ chồng con cái, và mấy chị em bắt đầu tham gia làm việc công quả từ những ngày đầu khi chùa mới được thành lập. Các anh chị rất nhiệt tình và siêng năng; hầu như ai cũng biết rõ mọi sinh hoạt trong chùa, làm việc rất hài hòa. Tôi thì không ở đây thường, chỉ thỉnh thoảng đi về nên chỉ giúp được những việc lặt lặt khi có thể sắp xếp đến. Tôi chào các chị rồi đến chỗ cô bếp chính hỏi thăm xem có việc gì cụ thể tôi có thể phụ.
 
Cô bếp chính nhìn vòng quanh với vẻ đo lường công việc trong bếp, suy nghĩ một chút rồi trả lời, “Hôm nay chị chùi dọn toilet dùm cho em nhe. Toilet cần chùi dọn mà tụi em chưa làm được để chuẩn bị cho lễ ngày mai. Sẽ có nhiều khách đến nên mọi thứ cần phải sạch sẽ tươm tất.”
 
Vừa nghe dứt câu, nếu xem gương soi, không chừng tôi sẽ thấy khuôn mặt của mình chuyển màu xanh dờn. Tôi tham gia việc cộng đồng từ nhiều năm qua: Thăm người bệnh ở những trung tâm phục hồi hay viện dưỡng lão. Học thi lấy những bằng thuế hàng năm để làm thiện nguyện cho IRS qua chương trình VITA khai thuế miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp. Tôi cũng có hát ca đoàn, đọc kinh thánh, lau bụi bàn thờ ở nhà thờ. Và cũng có cắm hoa, rửa chén, dọn bếp, nhặt rác trong sân chùa… Nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi phải dọn cầu tiêu, đã vậy còn làm… free (đùa chút).
 
Tôi hoàn toàn không hề chuẩn bị tinh thần cho việc mới này nên vô cùng bất ngờ. Hôm đó nếu biết trước sẽ phải dọn cầu tiêu, không chừng tôi đã trốn ở nhà (xin đùa thêm một chút… hihi!). “Hay là mình nên xỉu cái rầm để có lý do đi về cũng chưa muộn ta?” Tôi nghĩ bụng. Nhưng không được, vì nào giờ mình cũng chưa bao giờ xỉu giả đò nên chắc khó mà làm cho ra hồn. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi nói thầm, đã chấp nhận làm việc công quả thì không thể nề hà bất cứ công việc gì. Hơn nữa, chắc cũng vì tôi đã lui đến nhiều lần và đã thân thiết với các anh chị Phật tử ở đây nên cô Lan mới dám nhờ việc “đại sự”. Chứ nếu chỉ vừa mới đến công quả lần đầu mà đã được mở hàng… dọn cầu tiêu thì chắc ít có người “hiên ngang” trở lại (hihi).
 
Nhưng thử nghĩ, những công việc nặng hơn, lớn hơn, khó hơn, như vẽ lại kiến trúc của chùa, xây cửa tam quan, xây bàn thờ, xây trà thất, chạy dây điện, xin giấy phép… cần phải có kiến thức chuyên môn và khả năng làm. Cả việc nấu nướng, những món ăn chay và bánh trái, để nấu được ngon không dễ chút xíu nào. Việc chùi dọn nhà cầu là dễ nhất, ai cũng có thể làm. 
Nghĩ thì thấy dễ vậy nhưng sao khi phải thật sự làm, nó lại khó quá trời quá đất!
 
Phải thú nhận rằng nhà cầu duy nhất mà tôi phải chùi dọn hồi nào tới giờ chỉ là của chính mình, trong nhà mình. Tôi chưa bao giờ dọn nhà cầu của ai khác. Những giai đoạn cơ hàn trong đời, từ bảy tám tuổi, tôi cũng đã lăn lộn, trải qua cuộc sống túng thiếu và phải thức khuya dậy sớm, làm rất nhiều việc khó làm, nhưng vẫn chưa bao giờ dọn… nhà cầu. Đời sống hôm nay đã ổn định, tôi càng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình phải làm công việc chùi cầu tiêu của ai khác.
 
Bây giờ làm sao để có đủ… “can đảm” đi làm cái công việc mà mình đã ít nhiều... tình nguyện này đây? 
 
Chân thì đi đến phòng cất giữ những dụng cụ chùi dọn, nhưng đầu lại suy nghĩ đủ thứ điều. Tôi chợt nhận ra mình đang được trải qua một thử thách thú vị và muốn biết mình sẽ xử trí và trải qua nó ra sao.
 
Mà dọn nhà cầu thì đã có sao kia chứ? Phải chăng thành kiến đã tạo ra vách ngăn và khó khăn cho nhiều thứ trên đời này? Hãy cứ tiếp tục xem sao nào!
 
Tôi dọn bên phía phụ nữ trước. Vừa mới bắt đầu thì mấy em nhỏ chạy ào vào để thay áo dài ra tập múa. Mấy đứa con của các anh chị Phật tử thì cũng như con cháu trong nhà. Nhìn chúng tung tăng, lăng xăng, đi chân đất với áo quần dài lết phết dưới sàn… tự dưng trong lòng cảm thấy nhà vệ sinh cần sạch sẽ để mấy em có nơi ra vô thay đồ và trang điểm cho thoải mái. Khi các em nhỏ đi ra, tôi cảm thấy vui và tự nhiên hẳn lên. Không còn ngần ngại và thấy đây là một nhà vệ sinh công cộng nữa mà nó cũng giống như nhà vệ sinh ở nhà mình, dọn cho con cháu mình.
 
Những suy niệm vừa đến trong đầu tôi đó đã cho tôi dịp nhớ lại lời dặn về Dĩ Pháp - Hộ Pháp mà ông bà mình đã học từ Đức Phật và dạy lại con cháu. Một dụ ngôn rất đỗi thực tế, đơn giản, dễ hiểu nhưng đã giúp tôi có được lối thoát khi phải đối diện với một việc làm muốn xanh mặt và lè lưỡi. Khi biết dụng pháp thì mọi việc sẽ trơn tru, trôi chảy, nhẹ nhàng hơn.
 
Ở nhà, từ nhỏ, tôi đã có tiếng khó tính và rất gọn gàng ngăn nắp (clean freak). Tôi có thể có một ngày dài thật bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng với việc ở sở,… và chiều tối khi về nhà, tôi vẫn thích dọn dẹp bếp núc nhà cửa, những chỗ mình đi ngang qua trong nhà, để mọi thứ sạch sẽ trước khi lên giường ngủ. Hồi nhỏ lỡ học được câu “cái gì có thể làm được ngày hôm nay thì không để ngày mai” và đã thực hành nó sớm quá nên lớn lên vẫn thói quen đó, hơi kỹ luật với chính mình, luôn ráng xong càng nhiều việc chừng nào tốt chừng nấy trước khi kết thúc một ngày.
 
Có lần, anh bạn cùng sở đã dở khóc dở cười sau khi ba mẹ anh mất cách nhau vài tháng. Nhà ba mẹ anh gần như không có lối đi vì đồ đạc gần như chất kín trong các phòng ra tới bên ngoài. Anh đã ngần ngại và tính toán gần cả năm. Sau đó phải mướn nguyên container để trước nhà để dọn đồ. Anh ta không có thời gian soạn lọc từng món; mọi thứ cũng cũ vì chất chồng mấy chục năm. Anh cũng không biết hết cái nào là quý với cha hay mẹ, và họ cũng đã mất, thế nên cuối cùng anh đã phải quyết định bỏ hết những thứ mà anh không hiểu vì sao chúng ở trong nhà mấy chục năm qua.
 
Chúng tôi nói chuyện với nhau và tự nhủ, thôi bọn mình ráng không trữ đồ và không sống bầy hầy bề bộn. Chỉ giữ những gì thật quý, thật cần và luôn cho con cháu biết giá trị và ý nghĩa của từng thứ. Nếu sáng sớm hôm sau có lỡ đi du lịch qua thế giới bên kia, không thức dậy, cũng sẽ không khiến ai phải đi dọn rác của mình. Chúng đã mất mình và phải lo đám mà còn phải thanh toán cả một container rác, chắc chúng sẽ không mấy vui. Chẳng thà chính mình chọn lọc, bỏ đi hoặc cho lại đúng người cần và mình biết chúng hữu dụng. Chứ để con cháu về soạn tung mọi thứ và vứt đi hết, lúc đó không chừng mình lại không ra đi và yên nghỉ ở thế giới bên kia được mà lại thành mấy con ma nhà họ…Tức, họ Tiếc, và sẽ bị kẹt lại để canh chừng đồ. Chúng tôi phá lên cười, nhưng nghĩ lại thấy những điều vừa nhắc nhau đó cũng không có vẻ khôi hài cho lắm.
 
Riêng cá nhân tôi, tôi chỉ đơn giản nghĩ, mình ở gọn gàng sạch sẽ thì chính mình sẽ được sống trong không gian gọn gàng sạch sẽ và đẹp mắt đó đâu ai xa. Chứ thử tưởng tượng, làm việc cả ngày đã mệt, về nhà là nơi nghỉ ngơi mà lại như ổ lợn… thì cũng hại não lắm chứ phải không (hihi).
 
* Dọn dẹp xong bên nhà vệ sinh nữ, tôi đi ra hỏi thăm cô bếp chính lúc nãy xem có sẽ có người nam nào chùi dọn bên nhà vệ sinh nam không. “Không có chị ơi, mình làm luôn chị ơi.” Trả lời của cô làm tôi xanh mặt lần thứ hai. … Tôi thấy ở sở làm và những nơi công cộng, nhân viên nam làm việc bên nhà vệ sinh nam kia mà.
 
Tôi “gồng mình” trở lại phòng vệ sinh nam, cảm nhận như dễ dàng hơn lần đầu. Vì lần này tôi áp dụng “dĩ pháp - hộ pháp”, suy nghĩ rằng mình dọn dẹp nhà vệ sinh cho tía mình, cho anh em mình, cho chồng con cháu mình… và công việc kết thúc nhanh chóng nhẹ nhàng.
 
Tôi nghiệm ra, khi làm gì với tình yêu thương, mọi thứ trở nên dễ dàng và ý nghĩa. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp… hay miễn chấp, đến bỏ qua và tha thứ. 
 
Từ hôm đó, đặc biệt khi đi nhà vệ sinh công cộng tôi thấy trân trọng hơn những nhân viên làm việc vệ sinh. Mỗi lần có việc cần lái xe xuyên bang, ngừng lại ở những trạm nghỉ rest-area, tôi luôn cố tình tìm nhân viên dọn vệ sinh để cảm ơn. “Ở nhà chỉ mấy người mà giữ sạch đã khó; mỗi ngày hàng ngàn người qua lại nơi đây mà quý vị vẫn giữ được sạch sẽ như vậy, chắc chắn mọi người đã làm việc cật lực lắm. Xin cảm ơn thật nhiều!”
 
Dĩ nhiên những nhân viên này làm việc lãnh lương, nhưng công việc của họ sẽ nhẹ nhàng và họ sẽ vừa làm mà vừa vui biết bao khi họ biết công việc của họ được trân trọng chứ không bị coi thường và lạm dụng. Có khi sự trân quý đó còn khuyến khích họ làm việc tốt hơn nữa kia. Họ cũng có thể là chị chúng ta, em chúng ta, con cháu chúng ta… và cũng có thể chính là mẹ của chúng ta, những ngày đầu sang Mỹ đã đi làm cực nhọc như vậy để nuôi sống gia đình. Họ cũng có thể chính chúng ta nữa, những hoàn cảnh không biết trước. Vậy mỗi người mình chỉ cần để ý thêm một chút xíu trong mỗi cử chỉ việc làm hằng ngày, nghĩ đến mẹ mình, vợ mình, chồng mình, con mình… không ai phải theo sau chúng ta dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ thì sẽ đỡ được hơn rất nhiều những phần việc có thể tránh và giảm thiểu luôn được cả những bực mình hay những tranh luận không cần thiết. 
*
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà số đông có ý thức cao về việc giữ vệ sinh chung. Sở làm của tôi hàng năm vẫn tổ chức những buổi nhặt rác công cộng. Nhân viên có dịp được gặp gỡ, kết bạn với nhau ngoài giờ làm việc. Họ chia ra thành từng nhóm, đi ở mỗi khu khác nhau. Nhóm thì đi dọc bờ sông; nhóm thì đi vào công viên; nhóm thì dọc những ven đường… Vừa nhặt rác vừa vui vẻ chuyện trò. 
 
Ở những miền quê, thỉnh thoảng trên đường chúng ta cũng đã từng bắt gặp những tù nhân được ra “dạo chơi” bên ngoài để phục vụ cộng đồng. Họ cũng nhặt rác, tỉa cây, dọn vệ sinh, vv. Mình không muốn dọn rác của bất cứ ai thì mình tập đừng xả rác bừa bãi. Mình cũng đừng để bị trở thành thành phần cuối cùng của xã hội.
 
Mùa dịch vừa rồi, khi bị giới nghiêm, bị cách ly, không được ra ngoài, hầu hết mọi người phải hướng vào trong, hướng về gia đình, dọn nhà, dọn vườn,… và tuyệt vời thay đã phát hiện và phát triển được những khả năng tưởng không hề có. 
 
Trong và sau đại dịch, khi công việc làm bị thu hẹp, tài chính suy kiệt hơn, phương tiện bị gò bó đi… tự dưng mọi người chúng ta cùng đi vào hoàn cảnh phải biết tiết kiệm hơn, học cách bớt phung phí: bớt phung phí giấy, điện, nước, gas, thức ăn, thức uống và kể cả thời gian. Tái chế những thứ vẫn còn sử dụng được, hoặc dùng lâu hơn những thứ vẫn còn rất tốt, bớt đua đòi…
Trước kia chúng ta có thể đã từng tự hào đã “dác ngộ” (thấy cái gì ngộ ngộ vác/dác về, chất đầy tủ, đầy nhà,…), nay thật sự “giác ngộ”. Khi này, từ thân đến tâm, dần dà mọi thứ sẽ được thu dọn.
 
Nếu có xây chín cái chùa (hộ pháp) mà không tính toán, không cân nhắc đủ và quá đỗi phung phí thì coi như chẳng có dĩ pháp, vẫn u mê, vẫn vô minh! Tôi thường nhớ ví dụ đó của ông bà dạy để nhắc nhở mình.
 
Bài Sám Tống Táng trong một bài giảng của thầy Thích Pháp Hoà cũng nhắc nhở chúng ta những điều ấy:
 
Dù cho kẻ trí người ngu, 
Kẻ khôn người dại, hình thù nhỏ to,
Chết rồi cũng táng một gò
Của trần để lại chẳng cho đem về
Có gì mà phải đam mê
Đeo theo vật chất nghiệp nghề làm chi
 
Anne Khánh Vân
Nov 6, 2022
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Ngồi một mình trong căn phòng vắng, mọi người đang vui chơi ở đâu đó cuối tuần để lại cho tôi một cơ hội, một dịp mà tôi thích lắm, thích nhất từ ngày đặt chân đến đất Mỹ, đó là một không gian riêng tư cho mình Những ngày bơ vơ lạc loài bước chân ngỡ ngàng đến Mỹ. Ngày đó ai cũng như nhau là cùng sống chen chút nhau thật đông trong những căn nhà mướn, căn phòng quá tải… nhưng thôi điều đó không thật sự làm buồn phiền tôi, nhưng tôi chỉ ao ước cho tôi một khoảng không gian, thời gian yên tĩnh cho tôi quá khó , không hề có...
Vắt qua dòng sông có đến mười mấy cây cầu, những cây cầu bằng sắt thép, kiểu cách như cầu Bình Lợi, Bình Triệu vậy… Những cây cầu có tuổi đời năm mươi năm, một trăm năm nhưng vẫn tiếp tục trách vụ kết nối đôi bờ. Có những cây cầu quay, mở ra để cho tàu thuyền qua lại, ngày nay nó đã không còn được sử dụng nữa. Nó được kéo cao lên và giữ nguyên như thế để làm di tích lịch sử. Những cây cầu mở ngày xưa giờ trở thành nhân chứng cho một thời vàng son chưa xa lắm.
Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!
Ông Chương thức dậy thật sớm sau một đêm khó ngủ trằn trọc, dù ông đã nghe mấy bài phật pháp do thầy Pháp Hòa giảng để dỗ giấc ngủ. Bên ngoài cây cỏ còn ngái ngủ dưới lớp sương dày đặc, chưa thấy mặt trời lên. Ông rón rén đi pha cà phê thật nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động làm mất giấc ngủ cả nhà...Tách cà phê thơm phức nóng hổi gây cho ông cảm giác dễ chịu. Ông lặng yên như đang lật trang đời từ ngày qua định cư nước Mỹ …Nhớ ngày miền Nam bị mất, ông đi tù 5 năm trở về, lúc ấy ông chỉ mới ngoài 30 tuổi, người yêu đã sang ngang, cùng lúc mất tất cả. Ông chán chường cuộc sống chẳng thiết gì nữa, nhưng mấy năm sau duyên nợ đến cho ông gặp được cô giáo dạy mầm non tên Dung, không chê ông nghèo tối ngày đi “dọc đường gió bụi”. Hai người nên duyên và hơn năm sau cháu Việt ra đời, đến cháu Nga, cháu Nguyệt, và con trai út là cháu Quân. Gia đình ông ở ké nhà mẹ vợ, ông làm đủ thứ nghề ai kêu gì chạy đó, sau có được chiếc xe đạp thồ đón khách.
Sáng thứ Bảy cuối tháng 5 trời trở lạnh với mây mù và vài thoáng mưa phùn. Tự nhiên tôi chạnh lòng nhớ đến đàn chị Nguyễn Tinh Châu. Mai là ngày giỗ 3 năm của Chị. Thời gian qua thật nhanh. Sự ra đi của Chị quả là một mất mát lớn cho Hội YKH chúng ta, không những vì Chị là một trong những hội viên kỳ cựu, mà vì những hoạt động xã hội đắc lực của chị trong kêu gọi và thành lập quỹ cứu trợ nạn nhân cho nhiều thiên tai tại Mỹ, Nhật (Tsunami, 2011), Phi Luật Tân (Typhon Haiyan, 2013) và ngay cả Việt Nam (Bão Xangsane, 2006)…Và nhất là quỹ tương trợ hàng năm nhằm giúp đỡ các Thương Phế Binh sống cùng cực tại quê nhà. Con số đóng góp luân chuyển từ 8 ngàn đô cho đến 10 ngàn đô nói lên được sự nhiệt tình của Chị và của anh chị em chúng ta cho một mục đích chung, đúng, xứng đáng, nhân nghĩa và truyền thống.
Hồi đó, trong những kỹ sư mới ra trường về làm cho Bưu Điện, anh là một người tôi không ưa nhất, và có lẽ tôi cũng là người anh ghét nhất. Anh đẹp trai, con nhà giàu, mỗi cái tội mặt kênh kênh và cái giọng Huế. Cái giọng nói nặng trịch, oang oang sao mà khó ưa. Không những tôi mà cả mấy đứa bạn cùng cơ quan mỗi khi thấy anh đi ngang là che miệng cười nhái: đi mô rứa tề. Tôi ghét nhất là có lần anh lái xế hộp chở mấy ông bạn đi uống cafe, thấy tôi đi ngang mấy người bạn bảo dừng xe rủ tôi đi cùng, anh nói kệ nó, cái con nhỏ phách lối. Sau này thân nhau rồi, có lần tôi hỏi tại sao anh làm vậy, anh trả lời, “Lúc nào cũng thấy mấy thằng bạn cùng lớp xoay quanh em, mà mặt em cứ tỉnh bơ như thể ta là cái rốn vũ trụ, nhìn xốn mắt!”
Bà tiếp tục: Gia đình chúng tôi vượt biên theo diện “bán chánh thức” do nhà nước tổ chức. Mỗi đầu người phải đóng đủ 15 “cây” vàng. Gia đình gồm 10 người đúng ra phải đóng 150 cây nhưng đứa gái út lúc đó mới có 10 tuổi (giờ đây đã là bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở thành phố này) nên nhà nước “ nhân đạo” cho đóng nửa suất là 7 cây rưỡi. Vậy là gia đình đóng tổng cộng 145 cây rưỡi để được ra khơi, còn có thoát được hay không thì không ai chịu trách nhiệm. Con tàu có sức chứa 180 người nhưng người ta đã thu vàng và cho lên tàu đến 240!” “Bước đầu mới đến Mỹ cũng như biết bao thuyền nhân khác, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh, ổn định đời sống và tiếp tục cho con ăn học thì không phải là dễ dàng gì, nhưng cũng không phải là khó lắm nếu mình có quyết tâm. Ông thì sang một cửa hàng bán sandwich và thức ăn nhanh (fast food ) học chế biến thức ăn và tự điều hành cửa hàng, còn tôi thì đi làm trong hãng đóng gói đồ nữ trang,
Nhưng, định mệnh vẫn còn muốn trêu ngươi tôi. Cơn bệnh ung thư ngực quái ác đã tìm đến với tôi, như thêm một đòn giáng chí mạng vào cuộc đời bất hạnh. Tiền bạc không có. Bảo hiểm sức khỏe không có. Người thân không có. Luật lệ, kiến thức của xứ người tôi cũng không có. Sẽ như thế nào, những ngày trước mắt của ba mẹ con tôi?
Nói đến những chuyện lừa gạt, hẳn mọi người cũng đã biết qua, từ tin tức báo chí, trên đài truyền hình, và rất nhiều chuyện phỉnh gạt thường xuyên xảy ra được truyền miệng từ người này qua người khác đã lâu rồi. Trong thời gian dịch bệnh, cấm cửa, lạm phát, kinh tế khó khăn, nên đã sinh ra nhiều chuyện lường gạt đảo điên không ai lường trước được. Con người nghĩ ra đủ cách để mà lường gạt nhau. Cùng lúc, đã vậy lại còn nhiều điều không may đã ập đến, không trở tay kịp, khiến cho cuộc đời đang lo toan dịch bệnh lại thêm lo lắng, vừa tình hình dịch bệnh, lại thêm thế thái nhân tình, nhân cơ hội, lợi dụng tình thế mà gia tăng, đã làm cho tinh thần mọi người càng thêm căng thẳng gấp bội.
Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do...
Nhạc sĩ Cung Tiến