Hôm nay,  

Chỉ Vì Yêu Anh

13/06/202212:45:00(Xem: 8421)

vvnm sach

Lê Xuân Mỹ -  Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp các bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.

 

*

Tôi nhận tin Mẹ mất khi đang chở chồng đi bệnh viện chuẩn bị mổ vai sau một tai nạn tại hãng. Tin nhắn của em gái đến quá bất ngờ. Tôi tắp xe vào lề đường, gục đầu trên tay lái, khóc ngon khóc lành. Thế là hết, lời hứa về thăm Mẹ một lần cuối cùng đã không bao giờ thực hiện được nữa. Nhớ lần duy nhất về thăm Mẹ cũng đã trên mười năm. Lúc đó Mẹ vẫn đang còn khoẻ. Hai mẹ con đã có những ngày thật vui bên nhau. Suốt thời gian ở Việt Nam tôi không đi đâu xa, chỉ loanh quanh bên Mẹ. Chỉ được hai tuần ngắn ngủi rồi tôi về lại Mỹ. Ngày đi Mẹ đứng cạnh cửa dõi mắt nhìn theo. Tôi biết Mẹ buồn lắm nhưng vẫn ráng làm mặt vui cho tôi an lòng ra đi. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được trông thấy Mẹ. Mãi mãi một niềm nhớ và ân hận không nguôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình người Nam, có hai chị em gái. Ba làm Bưu Điện, Mẹ ở nhà nội trợ. Thời trước 1975, tuy Ba chỉ là một viên chức bình thường, nhưng chúng tôi đã có một quãng đời bên nhau thật hạnh phúc, an lành và vui vẻ. Chị em tôi chỉ biết học hành, vui chơi trong thương yêu, đùm bọc của Mẹ Cha và trong những ngày tháng thanh bình của đất nước. Những ngày cuối tuần gia đình đi Vũng Tàu, Đà Lạt. Ký ức về tuổi thơ là những ngày thật ấm áp, bình an. Cuối năm 1973, theo bước chân Ba, tôi vào làm cho Trung tâm Bưu Chính Viễn Thông, thư ký cho ông Giám Đốc phụ trách chương trình Viện Trợ của Liên Hiệp Quốc. Đó là thời kỳ vàng son nhất của gia đình chúng tôi, khi mức lương tôi còn cao hơn những kỹ sư. 

Hồi đó, trong những kỹ sư mới ra trường về làm cho Bưu Điện, anh là một người tôi không ưa nhất, và có lẽ tôi cũng là người anh ghét nhất. Anh đẹp trai, con nhà giàu, mỗi cái tội mặt kênh kênh và cái giọng Huế. Cái giọng nói nặng trịch, oang oang sao mà khó ưa. Không những tôi mà cả mấy đứa bạn cùng cơ quan mỗi khi thấy anh đi ngang là che miệng cười nhái: đi mô rứa tề. Tôi ghét nhất là có lần anh lái xế hộp chở mấy ông bạn đi uống cafe, thấy tôi đi ngang mấy người bạn bảo dừng xe rủ tôi đi cùng, anh nói kệ nó, cái con nhỏ phách lối. Sau này thân nhau rồi, có lần tôi hỏi tại sao anh làm vậy, anh trả lời, “Lúc nào cũng thấy mấy thằng bạn cùng lớp xoay quanh em, mà mặt em cứ tỉnh bơ như thể ta là cái rốn vũ trụ, nhìn xốn mắt!”

Sau ngày mất nước, nhờ có chuyên môn chúng tôi được tạm thời giữ lại làm việc. Anh có cha là Sĩ Quan Cảnh Sát chế độ Cộng Hoà, tôi chỉ là một người dân bình thường, nhưng hai chúng tôi đều có những lý do khác nhau để ghét Cộng Sản. Nói thật, lúc đó tôi không ghét những tay Cộng Sản từ chiến khu về bằng những tên tay sai ba mươi tháng tư, những kẻ ăn theo. Trước bảy lăm, chúng đã từng là bạn bè cùng cơ quan mà bây giờ quay lưng, mặt mày lấc ca lấc cấc. Còn ôm súng đi nghênh ngang. Có đứa còn nửa đêm đến nhà tôi ra oai bắt may cờ đỏ sao vàng.

Và thế là trong những buổi học tập chính trị, học tập chủ nghĩa Mac Lenin trong công ty, chúng tôi thường chọn ngồi cuối hội trường. Lý do chỉ để tránh cái nhìn soi mói của mấy tay cán bộ diễn giảng, vì trong đầu chúng tôi có lọt được chữ nào đâu. Những điệp khúc chúng nhai đi nhai lại như con vẹt cứ vào tai phải, ra tai trái, như nước đổ đầu vịt. Hơn nữa, chúng tôi thích ngồi phía cuối cũng để dễ ngủ gà ngủ gật.

Anh và tôi thân nhau từ những ngày đó. Không biết có phải nói chuyện nhiều không mà dần dần tôi lại thấy cái tiếng Huế pha âm Quảng Nam của anh thật trầm ấm dễ thương. Anh kể về gia đình. Về Đà Nẵng, về Huế, những thành phố tôi chưa một lần ghé thăm. Anh kể về những cơn mưa phùn, những trận lụt, về An Cựu, Kim Long, cầu Trường Tiền, Thiên Mụ. Rồi về Ngũ Hành Sơn, Tiên Sa... Tôi thì kể cho anh nghe về quê nội Bình Dương và quê ngoại Long Xuyên. Và cứ thế, hai cánh chim lẻ loi trong thành phố đang đầy nhiễu nhương thù địch đã thương nhau và yêu nhau không biết từ lúc nào.

Ngày tôi đem anh về ra mắt, anh nhanh chóng chiếm được cảm tình của Ba Mẹ tôi. Ba Mẹ tôi là người Nam rặt, tính tình dễ dãi, lại thương con nên tôn trọng tình cảm của tôi, chỉ khuyên tôi nghĩ kỹ trước khi quyết định. Mẹ nói: ‘Nghe nói gia đình M người Huế lại anh em đông, con về làm dâu có được không?”. Mấy đứa bạn cũng bàn ra “Tau nghe ông M có một đống em, lại là người Trung, mấy bà Mẹ chồng Huế nỗi tiếng khó khăn lắm đó, hơn nữa có bầy em tám đứa, mày có chịu nổi không? “

Tôi cũng có một chút xao động. Tôi vốn tính người Nam bộc trực, nghĩ gì nói nấy, nhà chỉ có hai chị em, tôi lại là con đầu được Ba cưng từ nhỏ. Tiếng là con gái lớn chứ ở nhà Mẹ lo hết. Từ cơm nước giặt giũ tới chi thu trong gia đình. Nghĩ đến cảnh về làm dâu nhà người, cũng hơi ớn. Em gái nói, ‘Anh M có cha là sĩ quan cảnh sát, thế nào cũng bị Cộng Sản bắt, chưa chi em thấy chị khổ là cái chắc”. Nhưng như ông bà mình hay nói, khi yêu người ta hay mù quáng. Mà thiệt, biết là sẽ khổ nhưng tôi cứ cương quyết đâm đầu vào. Cũng chỉ vì yêu anh.

Có thể đây là điểm giống nhau giữa tôi và Mẹ chồng. Khi đã quyết thì phải thực hiện, kệ ngày sau sẽ ra sao. Sắp đến ngày đám cưới thì Ba anh bị tập trung đi cải tạo. Anh buồn và lo lắng. Mấy đứa bạn lại hùa vào bàn ra, huỷ hôn còn kịp. Nhưng tôi vẫn cương quyết ở bên anh.

 

Thế là sau khi Ba đi được một tháng, chúng tôi thành hôn. Một đám cưới đơn giản, chỉ người thân và những người người bạn thật thân thiết. Nhẫn cưới chỉ là một chỉ vàng nhỏ xíu, không phụ dâu, không phụ rể. Hai đứa dìu nhau bằng chiếc xe Honda Dame cũ kỹ,  ghé lạy Cha Mẹ bên vợ rồi về lạy Mẹ chồng. Và thế là tôi bắt đầu cuộc đời làm dâu người Huế. 

Ngay ngày đầu tiên về nhà chồng tôi đã bằt đầu nếm mùi gian khổ. Phường gởi giấy yêu cầu ra khỏi nhà đi kinh tế mới, giao nhà cho nhà nước quản lý vì gia đình thuộc diện ác ôn. Tôi vào cơ quan xin gặp ông xếp nhờ giúp đỡ. May ông xếp là cán bộ nằm vùng cao cấp. Trước 1975, ông thương tôi như con cháu trong nhà. Không biết ông làm như thế nào mà hôm sau cán bộ Phường đến thông báo gia đình tạm thời không đi kinh tế mới nữa, nhưng dĩ nhiên căn nhà vẫn bị kiểm kê và do nhà nước quản lý. Thôi thế cũng còn may mắn, mất của không mất mạng là được rồi.

Từ ngày Ba chồng tôi đi “học tập cải tạo”, cuộc sống gia đình bên chồng rơi vào cảnh vất vả, túng thiếu. Nhà còn tám anh chị em, thêm tôi, Mẹ chồng, và bà cô chồng. Tất cả mười một miệng ăn trong một thành phố mà mình đã bị đẩy ra ngoài lề.

 

Chúng tôi đã làm đủ thứ nghề để sinh sống và tồn tại. Các đồ đạc còn sót lại trong nhà lần lượt bị đem chợ trời. Vợ chồng chúng tôi ngoài giờ đi làm, nuôi gà nuôi heo, làm bánh… nói chung là làm bất cứ việc gì. Những sĩ diện của một thời khá giả đều vất lại phía sau.

 

Chưa tới ba năm cha chồng mất trong trại cải tạo ngoài Bắc xa xôi, và cùng năm ba tôi cũng mất sau một cơn bạo bệnh. Cuộc sống càng ngày càng chồng chất khó khăn, và càng khó khăn hơn sau khi chúng tôi nộp đơn xin đi xuất cảnh, cơ quan lập tức cho hai đứa nghỉ việc. Tưởng chừng như có lúc chúng tôi phải quỵ ngã. Có những đêm không ngủ, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Quá khứ thì bi thảm, hiện tại thì chông gai và tương lai thật mịt mờ. Nhưng chúng tôi quyết không đầu hàng số phận, và tôi chưa một lần hối hận khi yêu anh. Cũng may, Mẹ chồng chịu đựng và cứng cáp hơn chúng tôi tưởng tượng nhiều. Dù có những lúc điên dại vì mất chồng, vì cuộc sống quá khó khăn, nhưng người đàn bà nhỏ nhắn ấy vẫn vững vàng như cây tùng, cây thông.

Mẹ và hai vợ chồng tôi đứng mũi chịu sào, kiếm ăn cho cả nhà. Danh sách việc làm của ba mẹ con bao gồm đủ thứ, bán cafe, bán bún, dạy thêm, buôn trầm hương, buôn đường dài, sửa máy điện tử… Việc gì cũng làm, miễn sao lương thiện là được. Tội nghiệp nhất là anh. Khuôn mặt trắng trẻo thư sinh ngày nào đã trở thành đen thui, đen thủi, choắt lại vì những chuyến đi buôn xa nhà, ngủ bờ ngủ bụi. Tôi ở nhà cùng Mẹ lây lất nuôi bà, mấy đứa em và mấy đứa con lần lượt ra đời. Tình yêu cũng chính là động lực để chúng tôi cùng nhau tồn tại. Rồi cũng qua những tháng những ngày đen tối đó.

Cuối năm 1998, tôi đi Mỹ theo diện ODB với sự bảo lãnh của gia đình bên chồng. Với anh là nỗi vui mừng náo nức của một cuộc đoàn tụ, nhưng với tôi là đau đớn của một cuộc chia ly. Cuộc chia tay tại phi trường Tân Sơn Nhất đẫm đầy nước mắt. Lần đầu tiên tôi xa Mẹ và em gái để theo chồng đi về miền đất mới. Quay lại nhìn dáng Mẹ và em gái xa dần qua khung cửa phòng cách ly, tôi không kềm được nước mắt. Không biêt bao giờ mới gặp lại Mẹ và em.


Thới gian đầu qua Mỹ định cư chúng tội ở Tulsa, thành phố nhỏ nhưng hiền hoà dể sống. Thay vì xin trợ cấp của chính phủ, chúng tôi quyết định kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Anh vừa ghi tên đi học vừa đi làm tại CompUSA tôi xin vào làm phụ bếp tại nhà hàng Việt Nam Mekong. Người chủ đầy lòng nhân ái đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong những ngày đầu bỡ ngỡ xa quê. Và bà cũng cho hai đứa con chúng tôi vào làm phụ bưng bê để có thêm thu nhập. Nhờ vậy cuộc sống của chúng tôi cũng mau chóng ồn định trên quê hương thứ hai này. Nhưng nỗi nhớ thương Mẹ già và em gái còn ở lại quê nhà cứ ray rứt mãi. Có những đêm tôi ngồi lặng lẽ khóc một mình. Đã bao năm từ ngày theo anh về làm dâu, những bận rộn vất vả của tháng ngày đen tối và những năm lăn lộn quê người đã làm tôi đôi khi quên mất mình vẫn còn một Mẹ già và một đứa em. Nhìn hạnh phúc đoàn tụ của gia đình anh, đôi khi tôi chợt thấy thật cô đơn, lẽ loi. Những giọt nước mắt cứ tuôn trào trong nỗi nhớ Mẹ. Con bất hiếu quá Mẹ ơi.

Hai năm ở Tulsa là khoảng thời gian khởi đầu của chặng đường kiếm sống trên quê hương thứ hai. Tuy vất vả nhưng bình an, và là lần đầu tiên trong cuộc đời lấy chồng tôi không phải làm dâu. Khác với thời còn ở Việt Nam, khi cha chồng đi cải tạo rồi mất đi, chúng tôi phải cùng nhau chạy cơm từng bữa để lo cho những đứa em chồng còn nhỏ dại, qua bên này đứa nào cũng có gia đình, có nhà riêng, tôi chỉ lo cho gia đình nhỏ của riêng tôi thôi. Dĩ nhiên để kiếm sống và tồn tại bằng bàn tay của chính mình và với một công việc lương thiện thì dù ở nơi đâu vẫn không phải dể dàng. Suốt ngày trong bếp, mồ hôi chảy ròng ròng. Có những ngày khách đông ráng làm thêm để có overtime, khuya trời lạnh cắt da, về tới nhà là mệt rã rời, ngã lăn xuống giường ngủ, bỏ luôn buổi cơm tối.

 

Hình như cũng là định mệnh sắp đặt, số tôi lại giống như Mẹ chồng. Cái số gian nan, ít khi được an nhàn. Vất vả từ ngày đầu làm dâu. Chỉ có khác với Mẹ chồng, tôi còn anh bên cạnh, hai chúng tôi cùng an ủi, cùng chia sẻ cảm thông để cùng nhau vượt qua bao nhiêu những chông gai, gập ghềnh của cuộc sống. Chúng tôi đã qua được biết bao nhọc nhằn, tủi nhục, để tồn tại trong những ngày đen tối trên quê nhà thì những vất vả trên quê người đâu có thấm tháp gì. Rồi cũng qua đi, rồi cũng quen dần.

 

Nhưng khi bắt đầu tạm ổn định, thì anh xin được việc làm ở San Jose. Thú thật tôi là người đầu tiên thuyết phục anh đừng đi. Tôi vốn là người muốn sống an phận. Tôi mãn nguyện với cuộc sống ở Tulsa sau hai năm đầu lập nghiệp. Đã có một căn nhà nhỏ đủ che mưa che nắng, con cái đều đã đi học. Thằng lớn cũng đã xong hai năm đại học.  Tôi cũng đã quen với công việc bếp núc tại nhà hàng. Anh cũng có công việc ổn định. Lương anh đủ chi trả cho tiền nhà và chi dùng hàng ngày. Lương của tôi để dành cho các cháu mai sau. Với tôi là quá đủ. Ở tuổi trên 50, tôi sợ phải bắt đầu lại từ đầu trong một cuộc phiêu lưu mới. Mẹ dĩ nhiên không muốn xa chúng tôi. Bạn bè và anh em cũng cản ngăn. Qua San Jose lỡ trụ lại không được, trở về lại bắt đầu từ đầu, dở dang việc học các con. Nhưng tính anh lúc nào cũng vậy, tuy hiền lành nhưng khi đã quyết thì có mà trời cản. Cũng phải thông cảm cho anh. Đâu có dễ gì kiếm được việc làm đúng với khả năng và ý thích của anh. Thôi thì đành thuận theo, miễn sao anh vui.

Thế là cuối cùng năm 2000 chúng tôi lên San Jose lập nghiệp.  Mọi chuyện cũng tiến triển thuận lợi. Công việc kỹ thuật trong nhà máy phù hợp với kiến thức của anh, các con cũng đã đi học trở lạ. Tôi cũng xin được việc làm tại công ty 3Com. Nói chung công ăn việc làm rất ổn. Chỉ có chuyện ở mới là rắc rối. Năm đó, San Jose có rất nhiêu việc làm lôi cuốn người nhập cư, giá sinh hoạt tăng kéo theo giá địa ốc và tiền thuê nhà.

 

Căn garagge sửa lại thành phòng chúng tôi mới thuê với giá 700 đô la được vài tháng, chủ tăng thành 1200.  Người quen giới thiệu qua thuê một căn nhà giá 1600, chỉ năm tháng sau chủ đòi 2200.  Quá mệt với giá thuê tăng vọt, cũng vừa lúc bán được nhà ở Tulsa, chúng tôi mua một căn mobile home giá 90,000. Mobile home có nhiều bất tiện và hạn chế nhưng dù sao cũng là nhà của mình. Xoay sở cũng tạm ổn. Tính ra chỉ trong vòng chưa đến một năm từ Tulsa lên San Jose chúng tôi dọn nhà ba lần. Ba lần phải chuyển trường cho những đứa con. Dù đồ đạc chưa nhiều nhưng mỗi lần dọn nhà cũng vất vả nhiêu khê. Nhiều khi cực quá tôi cũng cằn nhằn anh, biết vậy ở lại Tulsa cho nhàn, nhưng rồi lại thấy anh cũng đầu tắt mặt tối, vừa đi làm vừa chạy đầu này, đầu kia, tôi lại thấy hối hận, lại thấy thương.

Tôi mới qua lái xe còn yếu, đi làm chỉ dám đi đường trong thành phố, nên mọi chuyện đưa đón hai đứa nhỏ đi học đều nhờ vào anh và đứa con lớn. Nhiều khi đang làm việc, anh phải chạy đón con về rồi mới làm tiếp. May mà anh làm bộ phận quản lý giờ giấc cũng uyển chuyển, xếp cũng thông cảm nên mọi chuyện rồi cũng qua đi những ngày đầu khó khăn.

Tôi luôn tin rằng mọi chuyện đều có Trời sắp đặt. Trong cái khó ló cái khôn, cứ ở hiền rồi cũng có ánh sáng cuối đường hầm.

Gần Great Mall, khu mua sắm nổi tiếng của vùng Milpitas, thành phố xây dựng một khu townhouse mới. Như đa số các khu mới xây, chủ công trình phải dành vài chục căn để bán giá rẻ cho những người đi làm thu nhập trung bình và chưa có nhà ở.  Bạn bè rủ làm đơn và gửi đi, nhưng chúng tôi không hy vọng lắm vì số người nộp gần cả ngàn.

 

Nhưng may mắn mỉm cười với chúng tôi, trong công ty anh là một trong ba người được mua nhà giá rẽ với tiền đặt cọc thấp. Thế là bán Mobile home ở Sunnyvale và dọn nhà về townhouse Milpitas. Một công đôi chuyện. Nhà gần hãng làm nên cần gì anh chạy đi chạy lại cũng tiện. Thế là chúng tôi lại có những ngày tháng thật hạnh phúc yên bình.

 

Nhưng số khổ nên ông Trời cứ luôn muốn thử thách chúng tôi. 

Cuối năm 2008 đang từ phòng họp ra, không biết căng thẳng như thế nào, anh bước hụt chân và rơi theo cầu thang từ lầu hai xuống lầu một, đầu tông vào vách tường máu me đầm đìa. Và thế là kể từ ngày đó anh nằm viện và ở nhà ăn tiền mất sức lao động (disability). May là anh bị tai nạn tại sở làm bên Mỹ nên với bảo hiểm Worker Compensation mà các công ty bắt buộc phải mua cho nhân viên, anh vẫn có đầy đủ thu nhập như khi đi làm. Mọi chi phí chữa trị mổ xẻ, thuốc men, bác sĩ đều do bảo hiểm chi trả. Nếu như ở Việt Nam chắc có mười căn nhà cũng phải bán hết.

 

Tuy tài chánh không bị ảnh hưởng, nhưng với riêng tôi là cả một xáo trộn lớn. Mọi việc trước nay anh là người đứng mũi chịu sào, tự nhiên bây giờ tôi trở thành người trụ cột trong gia đình từ sửa soạn ăn uống đến đưa đón con và cả đưa anh đi bệnh viện khám hàng tuần. Anh bệnh không lái xe được. Tôi vốn là người ít lái xe freeway mà bây giờ làm tuốt. Nhiều khi chở anh đi mà sợ muốn chết. Nhất là cái đoạn chuyển từ freeway 101 sang 280, phải qua hai, ba lanes ngoằn ngoèo. Hồi trước có anh, bây giờ mình tự lo, có sợ cũng phải làm. Riết rồi cũng phải quen. Sức khỏe của anh dần dần ổn định nhưng cuộc giải phẩu vai và các chấn thương đầu làm anh yếu hơn nhiểu. Những cơn đau vẫn còn nhất là những ngày thời tiết thay đổi, anh không còn làm việc được như xưa. Công ty không sắp được việc làm thích hợp, thế là anh ở nhà ăn tiền bệnh cho đến ngày qua tuồi bảy mươi, anh chuyển sang lãnh tiền hưu.

Cũng chính trong thời gian này, bịnh Alzeithmer của Mẹ chồng trở nặng, tính tình Mẹ thay đổi, lần lượt ở với các em nhưng rổi không ai ở đươc, cuối cùng Mẹ qua ở với chúng tôi.

 

Thế là sau tám năm tương đối thong thả, tôi trở lại làm dâu. Nhưng lần này Mẹ không còn cái quyền uy của năm xưa. Mẹ không còn là cái gương giúp tôi có thêm nghị lực sống, Mẹ là một người bệnh Alzeithmer.

 

Mẹ đã quên rất nhiều, tính khí lúc vui lúc buồn, lúc giận lúc hờn, lúc hiền lúc dữ. Vừa phải lo cho chồng bệnh, vừa cho Mẹ, có những lúc thật tủi thân, tôi khóc một mình trong đêm. Đôi lúc cực khổ quá, tôi gắt gỏng với anh. Nhưng rồi lai thấy thương anh vô cùng. Mặc dầu vẫn còn bệnh anh vẫn cố phụ tôi chăm sóc cho Mẹ. May là tôi vẫn còn những đứa con luôn luôn bên cha Mẹ từ những ngày đầu tiên đến Mỹ. Cho đến bây giờ, các cháu đã có gia đình, nhưng bốn thế hệ vẫn còn ở gần nhau, thương yêu nhau. Có đứa đã ra riêng nhưng cuối tuần lúc nào chúng tôi cũng cùng nhau ăn cơm chung. Mẹ chồng đã chin mươi ba tuổi. Bệnh Alzeithmer dần xấu hơn, nhưng ít nhất bà vẫn còn nhận ra tôi, vẫn nhận ra tôi là con dâu của bà. Với tôi thế cũng là hạnh phúc.

 

Và quan trọng nhất, tôi vẫn còn anh bên cạnh. Bốn mươi sáu năm trôi qua, chúng tôi vẫn yêu nhau. Hình như trải qua bao năm tháng, tôi yêu anh còn nhiều hơn nữa. Chỉ có một hối tiếc luôn canh cánh trong lòng là đến bây giờ tôi vẫn chưa về được Việt Nam để thăm mộ Mẹ, cũng như anh chưa một lần về thăm lại mộ cha. Anh vẫn khuyên tôi đi, nhưng với tình trạng Mẹ chồng lúc này làm sao tôi có thể để anh một mình xoay sở. Chắc Mẹ và Ba ở trên trời cũng biết và hiểu cho chúng con. Chắc chắn sẽ có một ngày chúng con sẽ về. Về để đặt những bông hoa kết bằng nỗi nhớ thương, băn khoăn, khắc khoải đằng đẵng mấy chục năm trời trên mộ phần của Mẹ và Ba. 

Viết trong ngày kỷ niệm thứ 46 ngày cưới 
Lê Xuân Mỹ

San Jose- 2022

Ý kiến bạn đọc
10/07/202416:42:08
Khách
Chao Thay a , em la hoc sinh khoa 76 B1 truong QGBuu Dien Saigon ...em doan thay la thay My va co Cuc co dung khong a ? Rat mong tin cua thay ( Dung . Berlin Germany )
19/04/202320:22:52
Khách
Tình yêu , bổn phận, ý thức trách nhiệm , nhẫn nại, hy sinh của người vợ được diễn tả với lời văn bình dị , tình cảm làm rung động người đọc . Chúc vợ chồng LXMy mãi mãi hạnh phúc bên nhau
19/04/202318:03:14
Khách
Chuyện viết hay và rất cảm động, thực tế tình hình của người VN dưới hai chế độ và cuộc sống đang xảy ra với đa số những người Việt tha hương, không ít thì nhiều cũng có những hoàn cảnh tương tự.
14/06/202223:07:14
Khách
Cách diễn tả của anh Lê Xuân Mỹ về những thử thách rất lớn lao trong cuộc đời làm cho người đọc rất dễ cảm nhận tất cả những nỗi niềm đó của anh chị. Hơn thế nữa, cho dù sẽ còn nhiều thử thách trong tương lai, anh chị sẽ dễ dàng vượt qua.
14/06/202215:25:32
Khách
Xin chúc gia đình tác giả luôn được bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.
14/06/202206:26:29
Khách
Văn của Lê Xuân Mỹ luôn như vậy: chân thật, bình dị, dễ hiểu nhưng chứa chan tình cảm. Mong đọc thêm nhiều bài viết nữa. Chúc mừng 46 năm hương lửa của hai vợ chồng. Quý mến.
14/06/202200:52:40
Khách
Cám on cac ban đã đọc và chia sẽ
14/06/202200:34:34
Khách
Bài viết rất hay và thật cảm động.
Xin chúc mừng kỷ niệm đẹp
46th Anniversary của anh chị Lê Xuân Mỹ-Cúc🌹
13/06/202222:54:29
Khách
Bài viết cảm động, hay tuyệt, tôi rất thích đọc tất cả bài viết của Lê Xuân Mỹ.
13/06/202222:03:47
Khách
Bài viết thật cảm động, lời văn bình dị chân thật đã lột tả được những khó khăn, khổ đau cùng cực của phần lớn những gia đình sau 1975, mong được đọc nhiều tác phẩm nữa của bạn Lê Xuân Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Mấy nay công việc trong hãng chậm quá, đơn hàng hổng có, mọi người tụm năm tụm ba nói dóc, bàn tán cả ngày. Mỗi nhóm có đề tài khác nhau. Nhóm đen tụi thằng Kieth, thằng Eddie, thằng Aaron… thì lúc nào cũng chuyện cá độ bóng chày, bóng rổ, bóng cà na, chuyện cầu thủ này chơi đẹp, cầu thủ kia xuất sắc, chuyện thằng Willi tát xướng ngôn viên trên thảm đỏ giải Oscar… Nhóm gốc mít như anh Tuấn, thằng Khôi thì toàn chuyện Việt kiều về nước ăn chơi, chuyện ông này bà nọ ăn bẩn...Nhóm thằng Andre, Jose… thì tám chuyện Mễ Tây Cơ. Nhóm đàn bà thì hổng biết nói chuyện chi nhưng chưa bao giờ thấy miệng nghỉ ngơi, kể cả lúc ăn uống, tám liên tu bất tận.
Dưới ánh nắng chiều chói chang, nhìn những quân nhân huấn luyện oai vệ với tác phong nghiêm chỉnh, các nam nữ tân binh mạnh mẽ, nhanh lẹ trong quân phục của người lính, ba-lô nặng trĩu trên vai đi đứng thao tác gọn gàng ngoài sân trường, các cô cậu học sinh thích thú xầm xì to nhỏ với người thân. Đi ngang cổng chính chúng tôi thấy câu phương châm của trường được ghi đậm trên cao “ We will not lie, steal, or cheat, nor tolerate among us anyone who does ” như một huấn từ của khóa sinh. Kế tiếp, chúng tôi được đưa tới sân cờ nơi có một bức tường đá đen dài gần ba thước hơi uốn cong có ghi tên các sĩ quan tử trận trong chiến tranh với dòng chữ được khắc như sau “ In Memory Of Our Fellow Graduates Who Have Fallen in Battle.” để mặc niệm!
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều, lần cuối trong đời cha được ôm chặt bé Bi vào lòng nghe con khẽ gọi hai tiếng “Cha ơi!…”
Quốc Kỳ của một quốc gia dĩ nhiên luôn luôn phải được tôn kính, yêu mến và trân trọng từ người dân của đất nước đó, bởi mỗi một đất nước vĩnh viễn chỉ có một Tổ Quốc và một Màu Cờ, nhưng bất hạnh thay lịch sử đã ghi lại biết bao nhiêu quốc gia sau cơn binh biến, hay sau những cuộc chiến tàn khốc, đất nước đã phải thay tên đổi họ, và lá quốc kỳ cũng đành ngậm ngùi thay hình đổi dáng cho phù hợp với tình trạng đất nước. Việt Nam của Thu Quỳnh cũng cùng chung số phận bi đát đau thương như thế khi cuộc chiến Nam Bắc tương tàn vừa kết thúc.
Thằng tôi lại lợi dụng mùa đông lạnh lẽo cùng với mùa đại dịch Cô Vi dai dẳng bị nằm nhà tù lỏng nên lấy sơn dầu, khung vải và cọ vẽ vung vít làm vui. Có chị bạn rất thích tranh tôi trưng lên Facebook và than ông trời bất công quá vì tài vẽ vời và viết văn vớ va vớ vẩn của tôi. Thật ra ai cũng có tài năng không ít thì nhiều mà nếu không dùng và luyện tập thì tài năng có hay chi mấy cũng bị hao mòn và mất mát. Nên tôi sáng tác hơi nhiều tranh, chất đầy trong phòng ngủ của cậu con trai đã dọn đi San Francisco làm thầy lang. Hai chúng tôi đã phải bàn nhau “xuất cảng” số lượng tranh trong nhà. Bạn bè ai biết thưởng thức nghệ thuật của mình thì cho không biếu không, khi thì trưng bán trên mạng saachiart.com và Instagram, bầy tranh bán khi mùa garage sale bắt đầu và có khi liều lĩnh dựng lều bán tại các Hội Chợ nghệ thuật địa phương để ai ngưỡng mộ tranh của mình thì khuân về nhà giùm.
Còn niềm sung sướng nào bằng khi được tiếp xúc các đàn chị đàn anh, bậc thầy cô xuất chúng. Mỗi ngày tôi được tắm gội trong biển thơ, và tưởi tẩm suối văn chương. Đọc tác phẩm nào cũng đều thấy có cái hay riêng để học hỏi, tác giả này có lối văn trong sáng, tác giả kia ý tưởng hay, tác giả nọ nội dung câu chuyện luôn hướng thiện, tác giả khác sưu tập những tài liệu bổ ích..v..v...Ngoài ra hội có nhiều trò chơi thú vị như làm thơ nối tiếp vần cuối, nạp bài về chủ đề này hay chủ đề nọ để ra sách, đóng góp câu chuyện ngắn dưới 100 chữ, hoặc mục tán gẫu đùa giỡn của 2 hội đàn bà.
Ông bà trùm Nguyện là một trong những người sáng lập ra họ đạo lẻ này. Ông bà đã bước vào lứa tuổi “bát thập cổ lai hy”, định cư ở đây từ những ngày còn chân ướt chân ráo, hoang mang lẫn vui mừng, bắt đầu cuộc sống mới, tự do trên đất nước được mệnh danh là Vùng Đất của những người Can Đảm (Land of the Braves). Ông Nguyện là một cựu hạ sĩ quan ngành truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển và đến Mỹ năm 1980. Bà Hồng, vợ ông, cùng 2 con vượt biển 3 năm sau đó rồi đoàn tụ với ông vào năm 1984. Nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác cũng dần tìm về đây, họ sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Thấm thoát cho đến nay, khi cộng đồng người Việt tại Nam California phát triển không ngừng, người kéo đến “đất lành chim đậu” ngày càng tăng, các chị đã là những nhân viên thâm niên kỳ cựu tại đây, rành rẽ các luật welfare, an sinh xã hội, góp phần giúp cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt bằng những kinh nghiệm và bằng niềm yêu thích công việc. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đó đây mà công việc đã cho cơ hội gặp gỡ, với tất cả niềm vui và hãnh diện, tôi cảm thấy đó cũng là sự thành công trong nghề nghiệp của các chị.
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một tâm tình khác, một ước mơ to lớn hơn mang tính cách cộng đồng. Hoài bão của một người bạn mà tôi tình cờ quen biết mới đây, có dịp viếng thăm khu vườn cây trái đang hình thành và một ước mơ, muốn khơi dậy tâm tình của cộng đồng người Việt rất đáng khích lệ của anh.Truyện bắt đầu từ vài năm trước, anh liên lạc và đến khu vườn của chúng tôi mua các loại cây giống như: Mận chuông, sapoche, chuối sứ...dần dần nói đến việc mò cua, bắt ốc, câu cá trong hồ, các loại cá anh thích ăn, thỉnh thoảng bắt được các loại cá này thì tôi nhắn tin anh đến lấy.Đường Colonial là trục lộ chính của Orlando, đặc biệt của người Việt. Chúng tôi đi lại trên con đường này hầu như mỗi ngày, trông thấy tấm bảng hiệu để tên Việt Plaza, lại có tượng đức Trần Hưng Đạo thật to ở ngay lối vào. Biết là của người Việt nhưng cũng không để ý lắm. Mới đây anh đến lấy cá và biếu lại một bọc trái trứng cá. Cái xe tải anh lái có dán chữ VIET PLAZA. Hỏi ra mới biết anh chính là chủ củ
Nhạc sĩ Cung Tiến