Hôm nay,  

Ân tình một cõi,trời Tháng Tư!

29/04/202200:00:00(Xem: 3635)

 


 

04292022-vvnm-trieu-phong-IMG_1539
Tác giả VVNM Triều Phong (áo vest đen)

 

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. 

 

*

  

Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy.
 
Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở  trại Đồng Phú này!
 
Khi đến cổng trại, tất cả ngừng lại. Thằng Phương mắt lé cầm cái cây mà ban sáng hắn bẻ bên đường làm roi, đứng bên ngoài la lớn:
 
-Tất cả bỏ hết “nùi giẻ” xuống nè!
 
Những người đang đội nón lục tục tháo chúng ra cầm tay trong khi hắn đi lên đi xuống xem xét mọi người đã đứng ngay ngắn chưa? Lúc ngang qua tôi, Phương lé bỗng chợt nhảy xổ vào “hàng quân” quất lia lịa lên người “thằng sắp chết” đứng trước tôi khiến thằng nọ giơ cánh tay khẳng khiu đầy ghẻ chóc lên đỡ, miệng la inh ỏi. Phương đay nghiến:
 
-Đ.m. mày đứng vậy mà coi được hả mậy?
 
“Thằng sắp chết” biết thân không nói gì. Nó nhìn người bên cạnh rồi chỉnh lại cho thẳng hàng hơn. Trong khi ấy thằng Phương lé bước ra ngoài ngó lên ngó xuống thêm một lúc nữa rồi hét to và kéo dài:
 
-”Nghiê…ê…m!”
 
Những người tù đồng loạt cho hai gót chân chụm vào nhau như cái máy, yên lặng. Anh Hiển đứng cạnh tôi cầm chiếc nón rộng vành của phụ nữ anh vừa tháo xuống vừa làu bàu nho nhỏ “đù mạ!” 
 
Sau đó Phương lé bước đến chòi canh, nơi có một thằng cán bộ trực đang ngồi. Hắn sửa áo quần chỉnh tề lại và bỏ nón ra, đoạn đứng nghiêm trang nói lớn:
 
- Báo cáo cán bộ! Tôi; cấp trưởng đội Tám, trực ban hiện trường, xin báo cáo cán bộ quân số đi làm hôm nay trở về là chín mươi chín, đủ! Chờ lệnh cán bộ cho nhập trại!
 
Tên cán bộ mặt non choẹt, chưa tới hai mươi tuổi chẳng nói tiếng nào, vừa giở sổ vừa ngáp vắn ngáp dài xem một đổi rồi ngẩng đầu lên lạnh lùng buông gọn:  
 
-Đi!
 
Đoàn người lặng lẽ bước vào trong, về đội. Trước cửa lán, tên đội trưởng Khoan ở trần phơi nước da trắng phau, đứng bệ vệ để lộ cái bụng phệ của kẻ có quyền uy nhìn mọi người với đôi mắt cú vọ, dò xét. Tối đến, sau khi cơm nước xong xuôi đám tù được tự do sinh hoạt trong đội chờ giờ ngủ. Tôi lấy một ít trà “móc câu” và vài cục kẹo dừa Bến Tre mà ba tôi vừa mang lên thăm nuôi hôm chủ nhật tuần trước rồi mò xuống chỗ anh Hiển tán dóc. Thằng Hòa “móm”, em anh Hiển; vốn là bạn học ở Taberd với tôi mà tình cờ hai thằng gặp lại trong chốn địa ngục này, đang nằm vội lật đật ngồi dậy xách lon Guigoz xuống cuối lán nấu nước sôi. Sau khi bày trà kẹo ra mấy miếng ván kê làm chỗ ngủ xong xuôi ba anh em tôi quây quần lại. Anh Hiển lên tiếng:
 
-Đôi giày Bata thằng Hùng “đội phó” lấy rồi hả?
 
Tôi gật đầu:
 
-Hôm kia nó đến nói tù không được phép mang giày ra hiện trường và bảo chân em với nó chắc cùng cở nên xin rồi. Em đâu biết mình bị cấm nên kêu nhà mang lên bây giờ giữ lại chỉ mang họa, thôi cho mẹ nó cho rồi!
 
Anh Hiển bất mãn lại chửi đổng “đù mạ,” đoạn chắt lưỡi lầm bầm:
 
-Ngày xưa đi máy bay không chịu, để cuối cùng đi ghe cho chúng bắt chửi bới hành hạ, đè đầu đè cổ. Đau thật!
 
Tôi hiểu ý anh muốn nói tới cuộc di tản năm 1975 của anh bởi đã có lần anh kể cho tôi nghe chuyện ấy. Anh vốn là trung úy không quân lái A37 của VNCH tại Đà Nẵng. Hồi nhỏ tôi đọc tin tức còn nhớ báo chí mô tả việc rút quân bỏ Đà Nẵng này vô cùng kinh hoàng nên đêm nay trực diện với nhân chứng của một biến cố trong khúc quanh định mệnh của lịch sử, tôi tò mò muốn tìm hiểu tường tận hơn nên khơi mào:
 
-Anh chạy từ Đà Nẵng về Saigon ngày ấy chắc ghê lắm há?
 
Anh Hiển hớp một ngụm trà nóng đang bốc khói thơm lừng, hai tay vân vê cái ly, mặt trầm ngâm, mắt nhìn vào cõi hư không một đổi khá lâu mới chậm rải cất tiếng: 
 
-Ngày 20 tháng 03, tao tới nhà cô bạn gái trên đường Phan Chu Trinh thăm cô ấy và xem tình hình thế nào thì ông già cô ta gợi ý nhờ tao đưa cổ đi vô Saigon nơi ông có người anh đang ở Thị Nghè để lánh nạn vì sợ rủi cộng sản chiếm được Miền Trung thì sẽ bắt đàn bà con gái làm “hộ lý.” Tuy nhiên cô nàng bảo nếu đi thì đi hết rằng không thì thôi vì cô ta không muốn xa cha mẹ. Nhưng tình hình ngoài đó lúc ấy đang nguy ngập lắm rồi bởi dân chúng từ Huế chạy vô khi bị Việt Cộng pháo kích khiến an ninh trật tự xã hội vô cùng hỗn loạn do đó việc kiếm đường di tản cả nhà không phải dễ nên ông già hy sinh, cương quyết buộc cổ đi, ông bà thì chấp nhận ở lại!
 
Nói xong anh thò tay lấy cục kẹo dừa, chậm rải tháo bỏ miếng giấy bọc bên ngoài đoạn bỏ vào miệng ngậm thật lâu không biết là để tận hưởng vị ngọt và mùi thơm của nước dừa hay đang nhớ lại nỗi cay đắng của một người lính đành bỏ đơn vị khi thất thủ mà yên lặng không lên tiếng tiếp tục? Thằng Hòa em anh có lẽ đã nghe anh nó kể nhiều về nỗi nhục nhằn này rồi nên bình thản không nói gì nhưng tôi thì sốt ruột quá vội mở miệng giục:
 
-Sao nữa anh?
 
Anh hớp thêm một ngụm trà, chắt lưỡi:
 
-Ba ngày sau, tao từ phi trường chạy đến đón và đưa cô ấy vô phi trường và đi trên chuyến bay 727 mà tao đã sắp xếp với phi hành đoàn quen biết nhưng phải thật là khó khăn mới đưa cô ta lên được vì lớp nào là nhân viên Mỹ với thân nhân của tụi nó, rồi lính tráng mình với gia đình và thiên hạ giành giật leo trèo thoát thân, khủng khiếp lắm. Đúng là một cảnh hỗn quan hỗn quân!
 
-Anh đi luôn chuyến này? Tôi hỏi.
 
-Không! Cô nàng bảo tao lên luôn nhưng hồi ấy chưa có lệnh triệt thoái nên tao đâu dám bỏ đơn vị hơn nữa mình cũng không nỡ bỏ chiến hữu đành bảo cô đi trước rồi sẽ gặp lại sau và tao ở lại với anh em cùng ông thầy tao. Tao còn nhớ trước ngày mất Đà Nẵng, phi đội A37 của tao còn được lệnh thả bom phá cầu ngăn không cho tăng của tụi nó từ Huế vô mà! Trưa ngày 29 tháng 03, khi thấy tình thế không cứu vãn được cả bọn mới tính về phi trường Biên Hòa nhưng tụi tao chỉ bò không thôi mà vẫn không ra máy bay được vì phi trường bị pháo kích dữ dội. Cuối cùng thì tan hàng, tao và một thằng trung úy khác đi nhờ xe quân xa của bộ binh về hướng biển một đoạn rồi xuống đi bộ tiếp khi xe này bị dân chúng đu theo quá tải không chạy tiếp được. Đâu đến ba bốn giờ chiều bọn tao tới bãi biển thì thấy lính và dân đông nghẹt. Thằng bạn tao là dân địa phương ở đây nên dẫn tao len lỏi qua mấy xóm chài tới một bãi khác. Trong lúc hai thằng còn đang lớ ngớ thì nghe dân chúng chạy tán loạn và la hoảng là du kích đang dẫn Việt Cộng tới làm tao và thằng kia quýnh quáng nhảy xuống biển lội bừa ra ngoài khi cộng sản rượt sắp tới đít, may nhờ các ghe nhỏ xung quanh vớt đưa lên tàu hải quân của mình về Saigon chứ không thì chẳng biết đã ra sao?
 
Anh hạ giọng buồn thiu, nói nhỏ đủ mình tôi nghe. Tôi đỡ lời anh:
 
-Bạn gái anh làm gì ngoài ấy?Anh có gặp lại khi vô Sài Gòn không?
 
-Có. Tới Sài Gòn là tao chạy kiếm cô nàng coi có an toàn không liền. Hai đứa mừng mừng tủi tủi lúc hội ngộ bởi không ngờ lại phải vừa trải qua một hành trình kinh hoàng như thế và cũng chẳng bao giờ nghĩ đất nước lại tang thương vậy. Rồi như chợt nhớ ra điều mình quên, anh nói thêm:
 
-À ,cô ta làm ở ngân hàng. Mà cũng không ngờ đó là lần gặp mặt sau cùng của tụi tao!
 
-Ủa, tại sao?
 
Tôi vừa hỏi vừa vói tay châm thêm trà cho từng người trong lúc anh mơ màng:
 
-Do tao có hứa với cô ta là để tao trình diện theo lệnh tái phối trí xong rồi sẽ trở lại thăm cổ. Nhưng lúc tao nhận nhiệm vụ mới ở phi trường Tân Sơn Nhất thì bị kẹt lại trong đó luôn bởi phải ứng trực 24/24, không được phép ra ngoài cho mãi đến tận trưa 30 tháng 04 khi đất nước tan hoang và trong lúc tao bối rối chưa biết chạy đâu thì được thằng bạn dùng trực thăng bốc ra biển. Đến lúc nhìn xuống thấy vô số tàu thuyền lớn nhỏ cùng nhiều chiến hạm bên dưới đang hướng ra biển Đông tao bỗng bồi hồi vì biết đây là thời khắc cuối cùng của mình vì sắp phải vĩnh viễn bỏ quê hương nên chợt nhớ má tao đang mong ngóng mình nên tao quay qua thằng bạn “pilot” nhướng mắt:
 
-Sao mậy?
 
Tao chỉ có hỏi thế là nó bỗng quay đầu bay vô lại đất liền. Sau này trong trại cải tạo tao có hỏi nó chuyện này nó nói rằng lúc ấy nó đang nghĩ nhiều về ba mẹ cùng các em của nó ở nhà thì câu hỏi của tao giống như là “giọt nước tràn ly.” Âu cũng là định mạng và tao với nó thì có số ở tù!
 
Tôi thấy mặt anh ảo não quá nên đùa cho vui:
 
- Vậy là về và có “hai má” luôn?
 
Anh Hiển bật cười thành tiếng và lại chửi thề:
 
-Được vậy cũng đỡ. Lúc tao đến nhà bác của nhỏ bạn bên Thị Nghè thì thấy vắng hoe không có ai.Tao đành lang thang ở Saigon vài bữa rồi trở lại thì thấy nhà bị chính quyền niêm phong. Hỏi thăm hàng xóm thì họ bảo nhà này đã trốn đi nước ngoài, té ra là trong lúc lộn xộn cô bạn tao đã theo gia đình người bác di tản mất biệt. Tao buồn quá tìm cách về Huế thăm bà già rồi bị bắt đi tù tới năm 1981 mới được thả ra. Tưởng thế là yên ai ngờ ở nhà bị đám công an địa phương hành chịu không nổi nên phải tính kế vượt biên mới gặp được mày đây. “Đù mạ,” đúng là có số ở tù hoài!
 
Tiếng kẻng báo ngủ bỗng vang lên inh ỏi, mọi người lục tục trở về chỗ nằm. Đêm ấy tôi cứ trằn trọc mãi về câu chuyện của anh Hiển đến khuya mới chợp mắt được.
 
Lần ấy tôi may mắn vì ba tôi chạy lo trúng “tuyau” nên tôi được thả về trước thời hạn. Anh về sau, không dám ở Huế mà vào Sài Gòn sắm một xe đẩy lưu động bán đồ phụ tùng xe đạp trên đường Nguyễn Văn Thành để sinh sống và có đến thăm tôi. Từ dạo đó mỗi khi rảnh rỗi chúng tôi thường la cà các quán xá ở khu vực chợ Bà Chiểu-Gia Định, không cà phê thuốc lá thì thỉnh thoảng lại say cho quên sự đời!
 
Lúc này anh Hiển có vẻ chấp nhận số phận vì không còn khả năng tìm sinh lộ nữa trong khi tôi lại “trầy vi tróc vảy” thêm hai lần tù tội nhưng vẫn cố giữ liên lạc với nhau. Đầu năm 1989 từ Phòng Điều Tra Xét Hỏi của trại tạm giam tỉnh Tiền Giang trở về, tôi ghé thăm khi anh đang buôn bán. Anh mừng rỡ lúc thấy mặt tôi và sau lần ấy tôi được anh cho biết anh đang chờ đợi đi chương trình HO (The Humanitarian Operation.)
 
Tôi không thể sống với cộng sản nổi nên lại ra khơi tới được Phi Luật Tân dù lúc này các trại tị nạn đã đóng cửa nhưng rồi bị kẹt ở chốn này gần mười một năm trời. Tôi không biết anh Hiển có đến được Hoa kỳ không nhưng lúc vô được Mỹ thì tôi đã tìm anh qua mọi phương tiện thông tin có thể nhưng vẫn bặt tin. 
 
..,Năm 2016 tôi về Việt Nam lo tang chế cho mẹ tôi. Một hôm tôi vô tiệm phở rất nổi tiếng gần nhà để ăn sáng thì bất ngờ thấy bóng một người tiến sát tới bàn tôi ngồi giơ tay chỉ mặt:
 
-”Đù mạ!”
 
Tự nhiên nghe ai chửi bất ngờ tôi nhìn lên và giật thót mình khi thấy anh Hiển đang đứng trước mặt dù anh có già đi khá nhiều. Quá mừng rỡ tôi đứng bật dậy ôm anh và suýt tí nữa là đổ cả tô phở đang ăn dang dở. Thế là sau khi ăn xong phở hai anh em tôi kéo nhau qua một quán cà phê “ sân vườn” râm mát trên con đường Rừng Sát ngày xưa tâm tình. Anh mở lời giải tỏa thắc mắc của tôi:
 
-Tao đi HO. Kỳ này về lo thu xếp cho đứa cháu gái lên ở lo cho bà già ngoài ấy. Bà cụ chín mươi sáu tuổi rồi, bây giờ yếu lắm hết đi nổi rồi. 
 
-Anh có phước hơn em, còn mẹ. Em thì mới lo đám ma má em xong!
 
-Chia buồn với mày! Đợt ấy mày đi rồi, một thời gian lâu không thấy mặt mày, tao sinh nghi mò vô nhà mày thăm. Gặp ông già mày, ổng bảo mày tới Phi Luật Tân tao cũng mừng. Ai dè mày kẹt ở đó quá lâu. Thôi “tiền hung hậu kiết,” dẫu sao thì tụi mình cũng qua Mỹ hết. “Chậm cũng còn hơn không (better late than never)!” Mà  mày qua Mỹ năm nào?
 
Tôi chép miệng:
 
-Năm 1999. Còn anh? Có gia đình chưa?
 
-Tao qua Mỹ cuối năm 1991. Đầu tiên ở Silver Spring, Maryland. Tao lập gia đình năm 1996, bà xã là người làm chung hãng, dân vượt biên. Quê bả ở Rạch Giá, tao có một con gái sinh năm 1997 và thằng em nó sinh sau nó một năm.
 
Sau một lúc hàn huyên tôi mới biết anh từ Huế vào đây để chuẩn bị về lại Mỹ. Anh vô sớm một hai hôm, mướn khách sạn trên đường Lê Quang Định và đi lang thang chốn này vì muốn thăm lại nơi từng một thời cưu mang anh khi anh khốn khó. Nhờ đó mà hai anh em mới có dịp gặp lại nhau!   
 
Tôi ngồi chăm chú nghe anh nói:
 
-Vậy là anh có một trai một gái. Tính đến nay thì mấy cháu trưởng thành hết rồi. 
 
Anh lắc đầu:
 
-Lớn chứ chưa trường thành. Con chị thì đang học đại học năm thứ hai sau này muốn làm nha sĩ, thằng kia thì mới vào được Air Force Academy năm nay.
 
-Wow, giỏi vậy. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử rồi!” Tôi ngạc nhiên ồ một tiếng lớn.
 
Anh gật gù, mắt nheo nheo qua khói thuốc vừa nhả đang lượn lờ trên cao trầm ngâm:
 
-Nó hay nghe tao kể về đời tao, nhất là cuộc di tản 1975 mỗi khi Tháng Tư về. Chắc mấy lúc đó thấy tao bực bội sao đó mà năm học lớp 11 thì nó bảo nó muốn nối chí tao. Thật sự ra may nhờ nó học giỏi chứ dỡ thì muốn nói chí cũng không được.
 
-Nó chắc phải xuất sắc vì Academy không dễ vô đâu anh hả?
 
Nghe tôi hỏi, anh nói một lèo:
 
-Trước tiên là điểm GPA của mày phải cao, thằng con tao được 4.30. Sau đó nó lấy cái ACT được 33/36. ACT là American College Testing mà mọi học sinh phải thi để các trường đại học căn cứ vào đó chọn. Ngoài ra nó phải làm cái bài thi của Học Viện Không Quân Hoa Kỳ nữa. Con tao được 96/100 điểm nên về học lực là OK. Vấn đề còn lại là khám thể lực (physical exam) vì dù mày học giỏi mà sức khỏe yếu thì vẫn bị loại như thường. Ví dụ như họ đòi trong hai phút mày phải hít đất (push ups) sáu mươi bốn cái trở lên mới được. Rồi còn nhiều thứ khác nữa như họ xem mày có năng khiếu thể thao, khả năng lãnh đạo (leadership) chăng? Thành tích sinh hoạt ngoại khóa mấy năm trung học của mày ra sao? Có tinh thần thiện nguyện, dấn thân không…. Đặc biệt là phải có thư giới thiệu (Letter of recommendation) của thượng nghị sĩ hoặc dân biểu tiểu bang…Do đó đứa nào ra trường được thì thường là thứ dữ không hà, bởi dù có được nhận vào học rồi mày vẫn có thể bị đuổi ra do học không nổi, chịu khổ không được hoặc phạm tội do kỷ luật rất khắt khe…Bởi vậy thằng con tao đến phòng tập thể dục (Gym) mỗi ngày để rèn thể lực dữ lắm mới được đó mày ơi!
 
Tôi nghe anh nói như “vịt nghe sấm,” cuối cùng lên tiếng:
 
-Chúc mừng anh! 
 
-Chưa yên đâu. Bà con tao cũng có con được Academy nhận năm ngoái và trong thời gian chờ đi học nó bỗng bị “overweight.” Trường cử người tới giúp nó tập giảm cân. Sau hai tháng mà chẳng xong thì vẫn bị loại như  thường!
 
Tôi lè lưỡi:
 
-Ghê hả? Nhưng thôi, đời anh vậy là an nhàn rồi, bây giờ cứ tàng tàng thôi, đâu cần phải chạy đôn chạy đáo như thuở xa xưa nữa há! 
 
Nghe tôi nói tới thời xa xưa thì hình như quá khứ đã nhắc anh nhớ lại dĩ vãng nên anh vỗ đùi cái “chát” chồm qua bàn cà phê hỏi tôi:
 
-Ê, mày nhớ cái vụ con bồ tao mà tao kể mày hồi đó không?
 
-Nhớ. Sao? Tôi phấn khích vì tò mò.
 
-Năm 1992 tao…à không, đầu 1993 thì đúng hơn. “Saving account” của tao bị trục trặc, tao phải tới ngân hàng để điều chỉnh. Cô nhân viên ở đây gọi “manager” vào giải quyết vấn đề của tao. Khi bà “manager” vừa bước vô thì cả tao và cổ đều nhìn nhau như trời trồng, không thốt nên lời!
 
-Bạn gái cũ anh?
 
Anh gật đầu.
 
-Ừ, tên cô bạn tao là Diệu. Dù nhiều năm trôi qua nhưng hai đứa vẫn nhận ra nhau, nghẹn ngào. Sau khi lo giúp tao xong thì cũng sắp tới trưa, Diệu mời tao qua nhà hàng Nova Europa gần đó ăn trưa luôn.
 
Anh Hiển ngừng lại, mắt mơ màng.
 
…Giờ này còn hơi sớm nên thực khách chưa nhiều. Diệu chọn chiếc bàn trải khăn trắng sát trong góc phòng. Anh nhường cho Diệu lựa thức ăn cho hai đứa, Diệu không khách sáo vì nàng đoán anh chắc chưa đến đây nên không muốn làm anh khó xử. Trong khi Diệu chọn món ăn thì anh ngồi quan sát xung quanh. Lần đầu tiên vô đây anh phải công nhận nhà hàng Portuguese này bày trí trang nhã, thanh lịch tạo cho người ta một cảm giác thoải mái. Tiếng”mélodie” du dương nhè nhẹ của bản nhạc quen thuộc “come back to Sorrento” làm anh bâng khuâng. Anh ngó xung quanh cuối cùng ánh mắt anh đọng lại nơi Diệu. Anh ngắm nàng thật lâu, ngó chiếc nhẫn cưới lấp lánh trên tay nàng mà nghe mất mát dâng cao. Diệu bây giờ đẹp quá, quý phái quá, mùi nước hoa Chanel No 5 từ người nàng tỏa ra, phảng phất làm anh bần thần. Kêu đồ ăn xong Diệu ngẩng đầu lên thấy anh đang nhìn mình chăm chú, nàng hơi bối rối nên lên tiếng phá vỡ bầu không khí nặng nề giữa hai người:
 
-Anh đi HO qua đây phải không? Năm nào vậy?
 
Anh gật đầu ngay và kể một mạch về những ngày cuối cùng của Tháng Tư,1975. Anh chỉ dừng lại khi người bồi nhà hàng mang thức ăn ra. Lúc cầm muỗng nĩa, anh nhìn sâu vào mắt nàng nói:
 
-Anh xin lỗi, ngày đó đã..đã…lỗi hẹn với em. Em làm ngân hàng bao lâu rồi? Gia đình em… thế nào?
 
Đang nhai, Diệu chợt ngừng lại rồi nuốt vội thức ăn trong miệng xong mới nói bằng giọng hơi run do xúc động:
 
-Anh biết ngày ấy tình thế hỗn loạn vô cùng mà không thấy anh, em sợ quá, và cũng không liên lạc được với ba mẹ em ngoài Đà Nẵng vậy là cuối cùng em phải theo cả nhà bác em chạy vô Tân Cảng bên cầu Sài Gòn rồi xuống được một chiếc tàu sắt đi luôn. Em sang Subic Bay đoạn đến Pendleton, tháng 11, 1975 là vào Mỹ!
 
Nàng dừng lại một tí, khi đã bình tỉnh hơn:
 
-Em cũng liên lạc các chỗ tìm thân nhân, kiếm anh khắp nơi. Lúc ấy em định cư ở “uptown” của thành phố Saint Paul, Minnesota và vừa đi làm vừa đi học. Sau hai năm không tin anh em chẳng biết anh đã ra sao, chết hay bị cộng sản bỏ tủ? Năm 1980 em ra trường về “accounting” đi làm cho nhà bank. Năm 1981 em dọn về Houston, Texas, trốn lạnh và gặp ông xã em cùng làm chung ngân hàng. Em cũng xin lỗi anh vì không thể đợi anh khi em không biết gì về anh sau ngày đau buồn kia. Chồng em người Mỹ gốc Ireland, tụi em có hai trai và một gái. Thằng mười một, thằng mười, nhỏ gái út thì tám tuổi. Má chồng em ở đây nên ông xã em phải “move” về đây năm 1990 để săn sóc má ảnh sau lần bà bị té!
 
Diệu bấy giờ nói mạnh dạn và cứng rắn hẳn lên, có lẽ đã giải tỏa được niềm u uẩn chất chứa trong lòng bao nhiêu năm nay:
 
-Em mừng cho anh cuối cùng cũng tới được đây. Em luôn tin lời Phật dạy “ở hiền gặp lành” đó anh. Chúng ta không thành vợ chồng thì chắc là có duyên mà không nợ. Thôi thì mình coi nhau như anh em. Bây giờ ở đây, anh cần gì cho em hay em sẽ giúp anh bằng mọi cách em có thể. Và em cũng xin cám ơn anh ngày xưa đã giúp em di tản vô Sài Gòn. Vì nếu không có ngày ấy thì không biết em giờ ra sao?
 
Câu chuyện anh Hiển kể tôi nghe làm tôi cứ tưởng như mình vừa xem xong một phim “drama!” Tôi bùi ngùi:
 
-Thế từ đó anh còn gặp lại chỉ không?
 
-Không! Anh lắc đầu nhè nhẹ.
 
Im lặng một lúc, anh kết thúc câu chuyện:
 
-Tao coi như Tạo Hóa an bài. Tất cả là định mệnh. Ân tình ngày tháng đó của tụi tao kể như là do vận mệnh của đất nước quyết định. Đành phải thuận theo quy luật của chiến tranh thôi. Nhưng dẫu sao thì cũng buồn và đau nên tao dọn qua Baltimore, làm ở hãng đóng đồ hộp và gặp vợ tao ở đây.
 
…Hôm nay Tháng Tư năm xưa lại đến, thoáng cái mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua. Đời như một…giấc mộng Nam Kha! Tôi nhủ thầm.
OH, kỷ niệm Tháng Tư buồn.
 
Ngày 12 tháng 04 năm 2022
 
Triều Phong (TPN)
 

Ý kiến bạn đọc
07/05/202212:05:43
Khách
Mến gửi anh Tấn,
Anh nói đúng, rất ít người biết về Thiên Phú. Hồi đó khi tôi tới thì chỉ là “tù con so” mới được mấy chú “tù cha” kẻ cho nghe đây thật ra là trang trại nuôi “gà nòi” để đá của ông Nguyễn Cao Kỳ, ở Bình Phước, đường đi Thủ Đức. Sau 1975 dược dùng làm hậu cần của trại tạm giam Số 4 Phan Đăng Lưu đó anh.
TP
06/05/202211:50:44
Khách
Anh Phong cho hỏi trại Thiên Phú là trại nào? Ở đâu vậy anh? Trại này tên lạ quá, tôi chưa từng nghe nói bao giờ?
Cám ơn anh trước.
Tấn
05/05/202215:43:54
Khách
Hi anh Hoà,
Lúc này tôi đã bị di lý về lại trại Thiên Phú rồi anh.
TP
04/05/202214:28:32
Khách
Hello anh Triều Phong,
Công nhận anh nhớ dai thật. Tôi ở đó năm 1982 và đúng là trại tôi ở nằm gần đường lộ. Năm này anh có ở đó không?
Bye anh.
04/05/202200:54:11
Khách
CS Văn Tiến Dũng- Tư lệnh tiền phương Quân Đội Nhân Dân Việt Nam , trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân 75 đã viết “Mặt trận Xuân Lộc ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên. Các Sư Đoàn 6, 7, 341 của ta phải tiến công trong thành phố nhiều lần nhưng gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Trung đoàn 43 địch quân. Các đơn vị pháo của ta đã sử dụng nhiều hơn cơ số đạn dự trù. Số lớn tăng và xe bọc thép của ta bị hạ…”

Nhân ngày 30/4/10, CS Nguyễn văn Thái- trung tướng, nguyên phó chính ủy sư đoàn, về trận Xuân Lộc ,trong cuộc phỏng vấn của BBC, đưa ra con số lính Bắc Việt tử thương là 4000 người.

Nhưng theo cựu thiếu tướng Lê Minh Đảo, Cộng quân thiệt hại khoảng 10000 người.
04/05/202200:23:37
Khách
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo: Người hùng của mặt trận Xuân Lộc 9/4/1975

Lực lượng bên VNCH ta gồm sư đoàn 18 Bộ Binh, địa phương quân và nghĩa quân tỉnh Long Khánh, tiểu đoàn 82/Biệt Động Quân, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, và được không yểm bởi sư đoàn 3 Không quân. Tư lệnh Mặt trận là chuẩn tướng Lê Minh Đảo- mãi đến sau trận Xuân Lộc , ngày 25/4/75, ông mới được vinh thăng lên thiếu tướng.

Phía Cộng sản Bắc Việt, Quân đoàn 4 do thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy, gồm có các sư đoàn 6, 7,và 341, về sau được tăng cường thêm trung đoàn 95B, Sư đoàn 325 .
Hoàng Cầm từng tham dự trận chiến Điện Biên Phủ với cấp bậc tiểu đoàn trưởng. Rồi làm tư lệnh sư đoàn nổi tiếng 312. Rồi tư lệnh sư đoàn 9. Năm 73, được phong làm Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân Giải Phóng Miền Nam.

Cộng sản khởi cuộc tấn công vào ngày 9/4/75. Sau năm ngày bị tổn thất nặng, Hoàng Cầm bị thay thế bởi thượng tướng Trần văn Trà- Tư lệnh Quân Giải Phóng Miền Nam. Năm 1955- 62, Trần văn Trà từng là phó tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam .

Nhưng rồi chính Trần văn Trà cũng không thanh toán được Xuân Lộc nên qua ngày 20/4, đành ngậm ngùi bỏ Xuân Lộc đi vòng xuống Biên Hòa để đánh vào Sài gòn.

Chuẩn tướng Lê Minh Đảo- thâm niên hai năm rưỡi . Tại mặt trận Xuân Lộc , dù biết được rằng sẽ phải đương đầu với quân số đông đảo gấp bội của đối phương ,tuy nhiên, chuẩn tướng Lê Minh Đảo vẫn đanh thép tuyên bố :“Tôi không cần biết phía bên kia sẽ đưa bao nhiêu sư đoàn để đánh chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ tiêu diệt họ”.
03/05/202221:44:05
Khách
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, người hùng của trận chiến Xuân Lộc tháng Tư 1975, được Hạ Viện Hoa kỳ vinh danh:

U.S. Congressional Record: Heroic life of General Le Minh Dao:
https://www.congress.gov/116/crec/2020/04/03/CREC-2020-04-03-pt1-PgE350-3.pdf
03/05/202212:03:46
Khách
Mến chào anh Tấn, anh Thiện Thành và anh Hòa,
Cám ơn ý kiến của mấy anh. Anh Thiện Thành dí dỏm thật dễ thương. Và theo lời anh Hòa nói thì vậy là ngày xưa anh ở trại gần quốc lộ đi Miền Đông rồi. Thân chúc các anh vui mạnh.
Triều Phong
02/05/202214:40:33
Khách
Chào anh Phong,
Ngày xưa tôi ở Đồng Phú 2. Anh ở Đồng Phú mấy? Tôi cảm phục anh có một trí nhớ thật tuyệt vời nên lối kể chuyện tù của anh rất hấp dẫn khiến tôi sợ hãi khi nhớ lại ngày tháng kinh hoàng đó. Và cũng cảm ơn anh cho tôi một ít khái niệm thì cử vào Học Viện Không Quân Hoa Kỳ. Chúc anh vui mạnh và viết thêm nữa.
01/05/202211:45:19
Khách
Không bạn Chung Tấn ơi, dẫu sao thì chúng ta cũng phải mừng cho anh Hiển cuối cùng cũng có được một cái "happy ending" chứ! Và nếu đọc kỹ lại truyện này thì thấy anh ta cũng là một quân nhân có quân phong quân kỷ không bỏ đơn vị chạy, anh xứng đáng được ca ngợi và đời anh còn may mắn hơn khối người lính khác trong ngày "tan đàn xẻ nghé này!" Cám ơn tác giả kể lại một chuyện hay và hấp dẫn, Chanel No 5 lúc nào cũng thơm hehehe...!
Thiện Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,447
Hai năm trước tôi có viết lần lượt Tiễn Vong 2020, Tiễn Vong 2021, cứ ngỡ rằng năm nay tiễn 2022 bình thường, nhưng tiếc thay, dư âm của “Vong Covid” vẫn còn lãng đãng dây dưa, nên một lần nữa, chúng ta lại phải tiễn Vong. Dù hiện nay các mũi vaccine thứ tư thứ năm đã available mà chẳng ai thèm đoái hoài, bên Mỹ và Canada các tiệm Pharmacy sẵn sàng chờ người ta đi chích, nhưng bà con đã quá mệt mỏi với Covid, đâm ra... lờn thuốc luôn chăng? Chả bù với thời gian giữa năm 2020 khi nhân loại đang kinh hoàng vì giặc Tàu, í lộn, giặc Cúm Tàu, nên khi những đợt vaccine Pfizer, Moderna đầu tiên xuất xưởng người ta chộn rộn xôn xao mong được đi chích. Hễ người nào may mắn trong diện ưu tiên, đi chích xong còn chụp hình khoe trên Facebook cho người khác thèm khát ước ao.
“Bà già khó chịu “. Đó là biệt danh hàng xóm đặt cho bà. Bà biết hết chớ. Nhưng họ chỉ dám gọi sau lưng bà, nên bà cũng miễn chấp. Nguyên tắc sống của bà vẫn không thay đổi. Bà không muốn động chạm đến ai, và cũng không muốn ai động chạm đến mình.
Từ hôm nhận được thông tin năm này “ gia đình Phủ Cam sẽ tổ chức họp mặt tại Nam Cali”, lòng tôi háo hức như đứa con nít đếm từng ngày mong mau mau tới ngày tết . Tâm trạng hồi hộp, bâng khuâng suy nghĩ đến ngày ấy, đếm từng tờ lịch rơi, không biết để làm gì nhưng sao mà cứ ngẩn ngơ, nhiều khi cảm thấy thời gian như đang dừng lại, nôn nóng gửi email hỏi trưởng ban tổ chức ngày họp mặt để mua vé máy bay trước
Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021. Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc vói cộng đồng người Việt.
Trời đổ tuyết nặng hạt, mịt mù. Chiếc school bus đậu ngay trước nhà, tôi hé cửa vẫy tay ra hiệu, Amanda con gái tôi nhảy ra khỏi xe, ngửa mặt đón những bông tuyết mát lạnh rồi chân sáo tung tăng bước vào nhà. Chưa kịp rũ bỏ giày boots, áo mũ, nó liền huyên thuyên (giống ai hổng biết!), với cái ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, nữa Việt nửa Anh
Mua thêm chậu hoa không biết tiếng Mỹ gọi là gì nhưng tiếng Việt gọi là hoa tiểu muội, hồng tiểu muội đẹp kiêu sa hơn hoa hồng người ta thường tặng nhau vì người tặng và người được tặng đều nghĩ đến thông điệp nhiều hơn những bông hoa đắt tiền. Tiểu muội màu hồng khôn khéo ở hình thức giống hoa hồng nhưng nhỏ nhắn hơn nhiều nên nhìn rất dễ thương, tiểu muội màu trắng đẹp mê ly như công chúa ngủ trong rừng. Đặc biệt tiểu muội màu vàng đẹp quyến rũ đến thấy là mua vì hoa xinh lại vàng tao nhã như hoa soi nhái vàng lối đi ngày nọ. Hai loài hoa bờ rào bờ giậu nhưng là cả quê nhà, cả ký ức thân thương. Còn một màu vàng yêu kiều khác là màu vàng của hoa đậu bắp, màu vàng chanh nhẹ làm diệu mắt, làm chùng xuống oán hận, chứ không vàng chảng như vàn bốn số chín hy vàng chùa chiền quá uy nghiêm, vàng cung điện khoe mẽ.
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả viết về mâu thuẫn quan điểm giữa vợ chồng.
Ngày 1 tháng 9 từ Bắc Cali, chúng tôi lên đường “tòng quân nhập ngũ”. Điều làm tôi phấn khởi và cảm động vì từ lâu dù cùng là thành viên của Cô gái Việt, nhưng chị Hoài Niệm và Song Thy chuyên làm “thợ lặn,” rất ít lên tiếng hay gởi bài vở vào, nhưng khi nghe chúng tôi qua Houston, chị Hoài Niệm lên tiếng mời chào “sẵn sàng làm Uber đưa đón phi trường và có mini motel free.” chị và SongThy lên list chương trình những ngày ăn chơi xả láng. Tôi thật ngạc nhiên không ngờ trên diễn đàn chưa quen biết nhiều nhưng 2 người đã mở rộng lòng như vậy.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Sau đây là một truyện kể dí dỏm.
Mị nhớ mình từng đọc đâu đó câu nói: “Nhà là nơi trú ngụ tâm hồn của chúng ta!” Nhà là nơi nắm giữ những ký ức tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương trong tâm hồn mỗi người. Sau những ngày làm việc vất vả, những bôn ba trong cuộc sống ai cũng mong có một ngôi nhà ấm áp để trở về. Nhà không cần to đẹp, chỉ cần an toàn, ấm cúng và đầy tình yêu thương. Người nào mà bão giông cuộc đời dừng lại ngoài cửa nhà là người cực kỳ có phúc. Sau khi ủ mưu đâu gần chục năm thì Mị quyết định bắt tay vào gia cố ngôi nhà của mình, vừa để tránh mưa gió cuộc đời vừa để có chỗ ở thoải mái cho mình lẫn người thương.
Nhạc sĩ Cung Tiến