Hôm nay,  

cổ tích trên sông…

04/02/202200:00:00(Xem: 2615)
Tranh-minh-họa_Cao-Bá-Minh
hình minh họa - tranh Cao Bá Minh
 
Mỗi năm tết đến, không riêng thời tiết, không gian đầy hoài niệm vì sắp thêm một năm nữa đi qua, lòng người cũng bâng khuâng trước tương lai năm mới sắp đến, luyến tiếc mất còn trong năm cũ sắp hết và đặc biệt là không bao giờ trở lại. Rồi năm mới đến sẽ ra sao với tuổi đời ngày càng chồng chất những lo toan, muộn phiền. Thế là hoài niệm cứ tuôn chảy, nhìn về tương lai như bầu trời xám bên ngoài khung cửa. Còn chăng những vui buồn đã qua, những buồn vui không mong sẽ đến.
  
Nhớ khi còn nhỏ thì đến hè cũng có cảm giác tương tự như tết khi kết thúc năm học, nhưng sau vài tháng hè sẽ là năm học mới, gặp lại bạn bè là quên hết ưu tư về sự chia tay nào cũng buồn, nhưng chia tay bạn bè mấy tháng sẽ gặp lại, khác với sự chia tay năm cũ vì thời gian đi qua sẽ không trở lại. Hiểu được như thế là tuổi vô tư lặng lẽ hết để tuổi biết buồn về, văng vẳng bên nhà hàng xóm có tiếng hát bay sang, “trời sắp tết hay lòng mình đang tết…” Ở mỗi độ tuổi có cảm nhận khác nhau, tuổi thơ chỉ biết vui được nghỉ học, về quê ăn tết với thịt cá, bánh trái ê hề, được uống nước xá xị hiệu con nai thả cửa là vui nhất tuổi thơ, và vui ngất ngây hơn là tắm sông, bắt dế đã đời. Đến tuổi biết rung động trước ai đó thì trời vẫn sắp tết nhưng lòng mình có đang tết hay không đã là chuyện khác rồi, tùy vào quan hệ trong năm cũ sắp hết đã tốt đẹp hơn, thân thiết hơn hay ngược lại.
  
Rồi tuổi đã có gia đình. Sau một năm làm ăn khấm khá, gia đạo bình yên, những ngày giáp tết cũng có tết ở trong lòng là cảm giác mãn nguyện. Và ngược lại là những năm làm ăn thua lỗ, tới tết phải xoay sở đầu này lấp đầu kia cho tạm ổn qua năm tính tiếp. Đến những cái tết xa quê thật hụt hẫng, từ nơi xa tới mất phương hướng trong cuộc sống xứ người, khó định hướng quê nhà ở phương nào vì khoảng cách quá xa thì tết vẫn đến. Trời sắp tết vẫn mang mang những vui buồn lẫn lộn, lòng đang tết vẫn hoài nghi chính mình là tự an ủi hơn là được vui. Nhưng đến một lúc nào đó, người ta đi qua quá nhiều những cái tết vui buồn lẫn lộn mới biết cái tết nào là tết ở trong lòng. Tết ở trong lòng vượt khỏi cảm xúc vui hay buồn với thực tại vì nó thực sự là tết. Đời người dường như có được một cái tết ở trong lòng là đủ vì cái tết ấy ngoài ý nghĩa cội nguồn, nhắc mình là ai, đang sống thế nào, nơi đâu. Dù đang vui hay buồn thì cái tết ấy vẫn ở trong lòng với niềm hoan hỉ nhất, khác với những cái tết thành công hay thất bại trên đường đời, được qúy mến hơn hay ra rìa trong tình cảm con người luôn không ổn định.
  
Có một chiều giáp tết khi sắp ra trường, tôi ngồi ở quán cà phê vườn dưới dạ cầu Ông lớn, vạt nắng cuối ngày hắt xuống ngã ba sông màu vàng sa di, cái máy cassette cũ trong quán đang chạy những cuộc băng cũ (nhão) nên tiếng hát càng thê lương với những xuân khúc thường nghe trước ‘75. Tôi ngồi nhìn lục bình trôi vô ưu, lòng tự hỏi giề lục bình kia có buồn khi nó được sinh ra tức là tách ra từ một giề lục bình lớn hơn bởi gió mưa, vì từ đó nó sống đời nước chảy hoa trôi. Giề lục bình nhỏ nhoi bắt đầu một phận đời lênh đênh trên giòng vô định. Chắc chắn có lúc nào đó trong đời nó đã mạnh mẽ lên, xanh um, rồi ra hoa màu tím để làm đẹp cho đời. Nên tôi buồn cho sự kết thúc của nó vào một chiều giáp tết; giề lục bình xác xơ, lặng lẽ, âm thầm chìm xuống đáy sông sâu, nơi nó không hề biết trước trong định mệnh của vạn vật. Tôi cũng sắp hết phải đi học, qua tết tới hè là ra trường. Đi nhận nhiệm sở ở đâu cũng chưa biết, mà cũng chẳng cần biết như giề lục bình không biết nơi nó được sinh ra và nơi nó vừa từ giã cõi đời là đâu, ai là người đưa tiễn nó? Đó là cái tết ở trong lòng tôi đã nhiều năm. Ăn tết với giề lục bình.
  
Đến một chiều cổ tích trên sông. Khi cô giáo có phần chơi thân với tôi trong khu tập thể giáo viên mà tôi đang sống. Cô chắt chiu, hà tiện những đồng lương ít ỏi từ bao giờ để có thể mua được từ nhà học trò chục trứng vịt, mấy kí nếp, con gà sống… Phụ huynh học sinh thường nửa bán nửa biếu cho thầy cô về ăn tết nên giá rẻ lại được ngon hơn mua chợ. Rồi niềm vui háo hức trong mắt lệ cho người là tôi từ chối không cùng về Sài gòn với cô. Nghĩa là tết không gặp. Tôi ở lại trường.
  
Chiều ba mươi tết yên vắng trong khu tập thể vốn đầy ắp tiếng cười của thầy cô giáo trẻ càng tịch liêu. Tôi nghĩ đến những người lính ngày xưa không về nhà ăn tết, chắc họ buồn lắm! “Con biết xuân này mẹ chờ tin con… ; đàn trẻ thơ ngây ngồi chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe xóm làng…” Sao hoà bình rồi, những lớp trẻ lớn lên vẫn mịt mù tương lai như khói lửa thời chiến tranh. Các anh tôi không còn là những người lính xa nhà mà họ đã thành những kẻ chiến bại, đang biệt xứ hay tù đày không biết đến bao giờ.
  
Một chiều giáp tết cô độc mà tôi thường hoài niệm là chiều cổ tích trên sông. Khi không còn chịu nổi sự cô đơn trong khu tập thể chỉ còn lại một mình. Khi nhìn kia là ngọn đèn bình ắc-quy với bộ bài mà chúng tôi thường ngồi chặt hẻo đợi đò vì mỗi ngày chỉ có một chuyến đò về thành phố sẽ cặp cầu gỗ rước khách lúc hai giờ đêm. Đứa nào ngủ quên thì khỏi về nhà nên anh em cứ thường ngồi chơi bài tới hai giờ sáng để ra đò.
  
Tôi bước sang phòng nữ để xem lại cửa nẻo cho các cô giáo trước khi tôi đi bụi tới sáng trong xóm dân cho đỡ buồn. Cái nón cũ của cô Nhiên trên tường còn lan tỏa linh hồn thiếu nữ đã chết vì vượt biển. Nhưng những cô giáo chung phòng nữ chỉ biết thương con Nhiên bỏ nhiệm sở, nên treo cái nón cái bang của Sếu-Nhiên để nhớ cây cười có hạng với những chuyện nói nhỏ cười to… Vài thầy giáo biết cô Nhiên đã qua đời nhưng không ai nói ra vì sợ các cô bên phòng nữ sợ ma, đem đốt cái nón với mùng mềm của cô Nhiên thì quá tội cho một vong linh còn chưa kịp hiểu vì sao tôi phải chết mà đã chết?
  
Tôi đi khi hoàng hôn đã đỏ ối trên sông Soài. Nỗi bâng khuâng nhỏ nhoi trong lòng, trong khu tập thể chật hẹp đã có không gian thoáng rộng ngoài bến sông nên lòng thấy nhẹ nhõm hơn. Xa xa, chiếc ghe có mui ngoài sông lớn đang chơi vơi năm hết tết đến. Nó chỉ còn là hình bóng của chiếc thuyền con trên sông trôi. Một chiếc bóng nghĩa đen khi không nhận dạng được người chèo trong chiều chạng vạng; và một chiếc bóng theo nghĩa lẻ loi đang bơi trên dòng nước ngược, dòng cơm áo nhọc phiền…
  
Người chèo ghe phất khăn rằng chào tôi, nên tôi khoát tay chào lại vì có thét lớn cách mấy thì gió sông Soài cũng không nghe được, nhưng chiếc ghe quay mũi vô bờ nên tôi dừng lại đợi. Trong chạng vạng sông nước hữu tình, dáng người phụ nữ chèo ghe in lên nền trời tuyệt phẩm của tạo hoá thật đẹp. Đó là chị Mười, người phụ nữ cao, gầy, cỡ ba mươi tuổi. Làn da ngăm của chị mê hoặc, sự rắn chắc của cơ thể do chèo ghe quanh năm từ mở mắt tới đi ngủ. Đôi mắt sâu thăm thẳm nỗi niềm của chị như thôi miên. Chị thường mặc quần đen, áo bà ba đen, trên cổ lúc nào cũng có cái khăn ca-rô trắng đen, khi lạnh thì quấn lên đầu như người đi tế thần linh.
  
Tôi quen biết chị, đã gặp vài lần, ăn cơm chung với chị cũng đôi lần ở nhà một học trò mà mẹ của em ấy như người bạn thân của chị Mười, nên chị thường ghé ăn cơm khi ngang qua nhà bạn. Tôi không nói chuyện nhiều với chị nhưng giữa tôi với chị có sự thầm hiểu nào đó, mà lắm lúc tôi tin là sự che giấu thân phận có tài tình cách mấy thì cũng có lúc sơ hở bộc lộ bản thân.
  

Nhưng những bữa cơm ấy cũng chỉ qua loa chuyện thường ngày trong lúc ăn. Chuyện đàn bà còn lại sau bữa cơm của chị với mẹ đứa học trò thường ở dưới bếp; tôi với cha đứa học trò thường lên nhà trên uống trà, hay uống cho hết chai rượu đã mua.
  
Đây là lần đầu tiên tôi gặp riêng chị,
  
Khi chiếc ghe đã vào bờ, chị cười tươi như bậu mới về, “Thầy có nhìn ra tui không? Tui ngoài sông nhìn vô cũng biết là thầy…”
  
“Tôi nhìn ra sông chỉ thấy chiếc ghe, chứ làm sao biết ai đang chèo. Sao chị nhìn hay vậy?”
  
“Thầy coi. Ở đây đàn ông có mình thầy tóc dài. Nhìn là biết liền hà…”
  
“Thì ra… Chị đang về nhà hả, kịp đón giao thừa không”
  
Bỗng gương mặt chị tối sầm xuống như trời chuyển mưa. Bao vui tươi, hớn hở, biến đi nhanh như gió sông Soài. Đôi mắt người phụ nữ Miên cũng xài ngôn ngữ chung của phụ nữ là dễ rươm rướm. Chị nói nghẹn ngào, “Phải như tui có nhà… để về.”
  
Đúng là chiều giáp tết, chữ “về” đè nặng tâm tư mọi người. Vậy chữ “ở” có chia sẻ được chơi vơi trong lòng người thương hồ đơn thân độc mộc. Sự chơi vơi trong lòng tôi, không cách gì đến được nơi muốn đến vì cũng không biết được là mình muốn đến đâu trong cảnh tù túng của ý thức, nghèo túng của đời sống đến không đủ tiền tàu xe để về nhà. Biết là vay mượn không khó, nhưng sống đời vay mượn đến bao giờ?
  
Tôi bước xuống ghe không suy nghĩ, đạp cành mắm đẩy mũi ghe ra…
  
“Chèo đi chị Mười.”
  
“Thầy muốn đi đâu?”
  
“…cùng trời cuối đất.”
  
“Sao thầy không về nhà ăn tết?”
  
“…”
 
  “…Chị dạy tôi chèo đi. Tôi chèo chị đi chơi cho đỡ buồn. Đi đâu cũng được vì tôi đã nghỉ dạy tới qua tết nhưng không muốn về nhà. Không ai bắt tôi ở lại trường, và tôi cũng không biết đi đâu nữa…”
  
Chị không nói gì thêm. Không dạy tôi chèo. Chỉ cho ghe ra chừng gần giữa dòng thì xổ buồm - là miếng bao cát bằng ny-lon của lính ngày xưa, tấm buồm vá chằng vá đụp hình tam giác có khung tre, căng trên cây tre như cây nêu vừa được dựng lên để hai kẻ cô đơn cùng ăn tết. Tôi nghĩ vậy trong im lặng, chắc chị cũng hiểu vậy trong linh tính nên chị cũng im lặng, dõi mắt về quá khứ thì phải. Phía chân trời đỏ bầm của ngày tàn, có một gia đình hoàng tộc bên Cao Miên, bị Pôn-pốt chặt đầu thả sông không chừa một mạng. Nhưng xảy đứa bé gái còn vương nợ trần nên từ đó điêu linh. Giai nhân phiêu bạt chiều giáp tết đang ngóng về cố thổ trong bộ dạng thương hồ làm mặt trời đỏ ối trên sông cũng hổ thẹn mà trốn biệt! Sự che giấu thân phận của chị nhưng cốt cách hoàng tộc vẫn nhìn ra được trong bộ dạng thường dân của nàng công chúa không chừng, vì tôi thấy trên ghe có bàn chải đánh răng với cây kem ngoại quốc chứ không phải hàng “nhu yếu phẩm” của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam. Trong cái xứ sáng ra chỉ thấy người súc miệng bằng nước lu đã là văn minh, thầy giáo, cô giáo thì đánh răng bằng muối bọt là chuyện thường ngày ở huyện. Ngoài ra, trong giao tiếp ít ỏi của chị với người trên bờ là gia đình đứa học trò. Tôi có lần thấy chị thiếu từ Việt để diễn tả nên chị đã dùng tiếng Pháp lẩm bẩm trong miệng để truy ra tiếng Việt như tra tự điển. Làm cho tôi tin tâm sự của chị đã kể với mẹ của đứa học trò mà có lần bà đã kể lại cho tôi nghe trong sự bí mật chỉ để giải thích việc bà thương chị Mười như chị em ruột của bà vì bà cũng lâm vào hoạn nạn tương tự như chị hồi 30 tháng 04 năm 1975… Chị Mười thì bị pôn-pốt truy sát khi người ở, bà vú của gia đình chị không che giấu cho chị được nữa nên buộc chị phải trốn sang Việt nam, sống nghề thương hồ là chọn lựa thích hợp nhất cho người muốn lánh mặt.
   …
  
Trời nổi giông lên, mây đen kéo về rền tiếng sét. Những hạt mưa đã lắc rắc trên mui ghe, cũng bằng khung tre, căng ny-lon bao cát của lính ngày xưa. Chị hối hả cho ghe vô bờ, “Thôi thầy lên bờ, về nhà nghỉ nha. Dưới ghe lạnh lắm. Mà mui ghe cũng bị dột nữa…”
  
Ngần ấy tả tơi giáng lên thân người cô độc nên tôi không lên bờ. Chị neo ghe tạm dưới dạ cầu Cá sấu một hồi cũng không xong vì ván lót cầu mục gãy đã nhiều, mưa trút không thương. Gió vi vu buốt cuộc đời buồn lại thêm tiếng mưa về đêm oai oán, hay những linh hồn chưa chịu ngủ yên bên bờ lau sậy này đang đón giao thừa. Tôi nói chị Mười lủi ghe vô đám dừa nước gần đó, coi như đậu ghe trong căn nhà lá rồi còn gì?
  
Chị khen tôi thông minh nên chị cũng vâng lời như một học sinh ngoan. Quả thật chiếc ghe núp dưới vòm lá dừa dầy đặc nên chuyện mui ghe bị dột không làm khó nữa. Chỉ còn hai cái bao tử kêu chiều chưa có gì bỏ bụng trên chiếc ghe là ghe thương hồ. Nào là khoai lang, bí đỏ, dừa khô, cá mắm, cá khô, bắp chuối, chuối nải, chuối khô… không biết có bao nhiêu thứ trên ghe.
  
Không ngờ chị cũng đang đợi tôi mở lời để chị bớt ngại đãi tôi một bữa ăn trên ghe thương hồ. Mà tôi thì có cái tự nhiên của tuổi trẻ,
  
“Chị Mười ơi! Trên ghe có gì ăn được không? Tôi đói bụng quá rồi!”
  
“Nếu thầy không ngại. Thì tui nấu cơm cho thầy ăn?”

   “Nấu đi. Sao nãy giờ không nấu! Tôi thích nấu ăn trên ghe lắm. Lần, con Lan, thằng Đức, thằng Tâm, con Hạnh… học trò, tụi nó nấu cháo cá kèo với nước dừa trên ghe cho tôi ăn. Tôi nhớ hoài vì ngon lạ lùng…”

   “Thầy nói thiệt hả? Vậy mà nãy giờ tui ngại nên không dám mời thầy ăn cơm.”

   Thật khó quên được sự xoay trở tài tình của chị Mười trên chiếc ghe thương hồ cũ kỹ, nhỏ nhoi. Loáng một lát chị đã nấu được nồi canh chua xịa với bạc hà, cà chua, me trái, ớt trái, giá,… Con xịa là một loại nghêu biển giống con nghêu trắng nhưng to hơn, vỏ nó nâu, ruột nó đen hơn, nhìn không đẹp mắt bằng nhưng ăn ngon ngọt hơn nghêu trắng. Cơm thì nồi cơm nguội có sẵn. Chừng ăn hết nồi cơm này mới nấu nồi cơm khác chứ không nấu theo từng bữa như ở trên đất, ở nhà. Chị luộc hột vịt lộn, chiên khô lóc để uống rượu lậu. Loại rượu đế lạnh vì chị cột đến mấy bình dưới lườn ghe. Khi bị công an chặn bắt rượu cấm thì chỉ tháo mối dây dù chỗ cột chèo là mấy bình rượu vô chủ dưới sông. Bọn công an biết mánh khoé của dân thương hồ nhưng làm lơ để chúng vớt sau khi cho người chủ ghe bị khám xét được đi.

   Bây giờ thì chị kéo lên mấy bình nướt mắt quê hương, tháo một bình, đưa lên ghe đãi ông thầy chưa dạy chị một chữ mà thọ giáo hơi nhiều về cách nấu ăn trên ghe của chị. Chiếc ghe tròng trành do quá nhỏ bé với hai người và hàng hoá linh tinh. Dọn được chỗ ăn cơm đã mừng. Ánh đèn dầu lung linh chị đẹp não nùng như mưa chiều kỷ niệm.

   Ngồi nhậu sau khi ăn cơm nên tắt đèn dầu để tiết kiệm. Ngọn đèn bão lu lu, khi tỏ khi mờ theo những lọn gió tọc mạch. Lần đầu tiên tôi được ăn con xịa trong nồi canh chua dư vị một đời. Cũng là lần đầu uống rượu đế bằng cái vỏ trứng hột vịt lộn. Thì ra sao chị nói lạ, “Thầy ăn hết một cái trứng trước đi để lấy ly uống rượu!”

    Mưa ngọt ngoài trời cho lòng tôi ấm mãi trong chiếc thuyền không bến. Nên suốt phần đời còn lại từ đó về sau cứ nhớ tiếng còi tàu lúc hai giờ sáng. Chị Mười đánh thức tôi, đưa tôi ra bến đò, dúi vào tay tôi cuộn tiền thương hồ cơ cực của chị, “thầy cầm chút, tấm lòng của tui gởi thầy mà đi đò, xe về nhà. Dù lòng thầy không muốn ăn tết thì cũng phải về nhà…”

   Tôi nắm bàn tay chai xạm vì chèo ghe của chị, lời cảm ơn không nói ra được nên nghẹn ngào quay đi. Hơi ấm của cái mền rách bươm nặng mùi tóc chị còn mãi trong tâm khảm theo dòng đời trôi mênh mang nên trời giáp tết lại nhớ đến cái tết ở trong lòng đã bao năm không về lại bến sông xưa.
 

Ý kiến bạn đọc
09/02/202221:45:19
Khách
Viết truyện / tùy bút như vầy là đạt đạo! Kính cảm ơn tác giả.
07/02/202210:42:35
Khách
Đọc được câu chuyện ngắn (tuỳ bút) thật cảm động và buồn, không rõ tên tác giả, nhưng thấy tên của họa sĩ Cao Bá Minh, người đã cùng làm việc chung với tôi ở SĐ1 KQ ở Đà Nẵng trước năm 1975. Tôi rất muốn được liên lạc lại với CBM. Xin quí vị giúp tôi nếu không có gì trở ngại. Xin cám ơn trước. Hiện tại tôi đang sống ở Úc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,579
Mấy nay công việc trong hãng chậm quá, đơn hàng hổng có, mọi người tụm năm tụm ba nói dóc, bàn tán cả ngày. Mỗi nhóm có đề tài khác nhau. Nhóm đen tụi thằng Kieth, thằng Eddie, thằng Aaron… thì lúc nào cũng chuyện cá độ bóng chày, bóng rổ, bóng cà na, chuyện cầu thủ này chơi đẹp, cầu thủ kia xuất sắc, chuyện thằng Willi tát xướng ngôn viên trên thảm đỏ giải Oscar… Nhóm gốc mít như anh Tuấn, thằng Khôi thì toàn chuyện Việt kiều về nước ăn chơi, chuyện ông này bà nọ ăn bẩn...Nhóm thằng Andre, Jose… thì tám chuyện Mễ Tây Cơ. Nhóm đàn bà thì hổng biết nói chuyện chi nhưng chưa bao giờ thấy miệng nghỉ ngơi, kể cả lúc ăn uống, tám liên tu bất tận.
Dưới ánh nắng chiều chói chang, nhìn những quân nhân huấn luyện oai vệ với tác phong nghiêm chỉnh, các nam nữ tân binh mạnh mẽ, nhanh lẹ trong quân phục của người lính, ba-lô nặng trĩu trên vai đi đứng thao tác gọn gàng ngoài sân trường, các cô cậu học sinh thích thú xầm xì to nhỏ với người thân. Đi ngang cổng chính chúng tôi thấy câu phương châm của trường được ghi đậm trên cao “ We will not lie, steal, or cheat, nor tolerate among us anyone who does ” như một huấn từ của khóa sinh. Kế tiếp, chúng tôi được đưa tới sân cờ nơi có một bức tường đá đen dài gần ba thước hơi uốn cong có ghi tên các sĩ quan tử trận trong chiến tranh với dòng chữ được khắc như sau “ In Memory Of Our Fellow Graduates Who Have Fallen in Battle.” để mặc niệm!
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều, lần cuối trong đời cha được ôm chặt bé Bi vào lòng nghe con khẽ gọi hai tiếng “Cha ơi!…”
Quốc Kỳ của một quốc gia dĩ nhiên luôn luôn phải được tôn kính, yêu mến và trân trọng từ người dân của đất nước đó, bởi mỗi một đất nước vĩnh viễn chỉ có một Tổ Quốc và một Màu Cờ, nhưng bất hạnh thay lịch sử đã ghi lại biết bao nhiêu quốc gia sau cơn binh biến, hay sau những cuộc chiến tàn khốc, đất nước đã phải thay tên đổi họ, và lá quốc kỳ cũng đành ngậm ngùi thay hình đổi dáng cho phù hợp với tình trạng đất nước. Việt Nam của Thu Quỳnh cũng cùng chung số phận bi đát đau thương như thế khi cuộc chiến Nam Bắc tương tàn vừa kết thúc.
Thằng tôi lại lợi dụng mùa đông lạnh lẽo cùng với mùa đại dịch Cô Vi dai dẳng bị nằm nhà tù lỏng nên lấy sơn dầu, khung vải và cọ vẽ vung vít làm vui. Có chị bạn rất thích tranh tôi trưng lên Facebook và than ông trời bất công quá vì tài vẽ vời và viết văn vớ va vớ vẩn của tôi. Thật ra ai cũng có tài năng không ít thì nhiều mà nếu không dùng và luyện tập thì tài năng có hay chi mấy cũng bị hao mòn và mất mát. Nên tôi sáng tác hơi nhiều tranh, chất đầy trong phòng ngủ của cậu con trai đã dọn đi San Francisco làm thầy lang. Hai chúng tôi đã phải bàn nhau “xuất cảng” số lượng tranh trong nhà. Bạn bè ai biết thưởng thức nghệ thuật của mình thì cho không biếu không, khi thì trưng bán trên mạng saachiart.com và Instagram, bầy tranh bán khi mùa garage sale bắt đầu và có khi liều lĩnh dựng lều bán tại các Hội Chợ nghệ thuật địa phương để ai ngưỡng mộ tranh của mình thì khuân về nhà giùm.
Còn niềm sung sướng nào bằng khi được tiếp xúc các đàn chị đàn anh, bậc thầy cô xuất chúng. Mỗi ngày tôi được tắm gội trong biển thơ, và tưởi tẩm suối văn chương. Đọc tác phẩm nào cũng đều thấy có cái hay riêng để học hỏi, tác giả này có lối văn trong sáng, tác giả kia ý tưởng hay, tác giả nọ nội dung câu chuyện luôn hướng thiện, tác giả khác sưu tập những tài liệu bổ ích..v..v...Ngoài ra hội có nhiều trò chơi thú vị như làm thơ nối tiếp vần cuối, nạp bài về chủ đề này hay chủ đề nọ để ra sách, đóng góp câu chuyện ngắn dưới 100 chữ, hoặc mục tán gẫu đùa giỡn của 2 hội đàn bà.
Ông bà trùm Nguyện là một trong những người sáng lập ra họ đạo lẻ này. Ông bà đã bước vào lứa tuổi “bát thập cổ lai hy”, định cư ở đây từ những ngày còn chân ướt chân ráo, hoang mang lẫn vui mừng, bắt đầu cuộc sống mới, tự do trên đất nước được mệnh danh là Vùng Đất của những người Can Đảm (Land of the Braves). Ông Nguyện là một cựu hạ sĩ quan ngành truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển và đến Mỹ năm 1980. Bà Hồng, vợ ông, cùng 2 con vượt biển 3 năm sau đó rồi đoàn tụ với ông vào năm 1984. Nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác cũng dần tìm về đây, họ sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Thấm thoát cho đến nay, khi cộng đồng người Việt tại Nam California phát triển không ngừng, người kéo đến “đất lành chim đậu” ngày càng tăng, các chị đã là những nhân viên thâm niên kỳ cựu tại đây, rành rẽ các luật welfare, an sinh xã hội, góp phần giúp cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt bằng những kinh nghiệm và bằng niềm yêu thích công việc. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đó đây mà công việc đã cho cơ hội gặp gỡ, với tất cả niềm vui và hãnh diện, tôi cảm thấy đó cũng là sự thành công trong nghề nghiệp của các chị.
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một tâm tình khác, một ước mơ to lớn hơn mang tính cách cộng đồng. Hoài bão của một người bạn mà tôi tình cờ quen biết mới đây, có dịp viếng thăm khu vườn cây trái đang hình thành và một ước mơ, muốn khơi dậy tâm tình của cộng đồng người Việt rất đáng khích lệ của anh.Truyện bắt đầu từ vài năm trước, anh liên lạc và đến khu vườn của chúng tôi mua các loại cây giống như: Mận chuông, sapoche, chuối sứ...dần dần nói đến việc mò cua, bắt ốc, câu cá trong hồ, các loại cá anh thích ăn, thỉnh thoảng bắt được các loại cá này thì tôi nhắn tin anh đến lấy.Đường Colonial là trục lộ chính của Orlando, đặc biệt của người Việt. Chúng tôi đi lại trên con đường này hầu như mỗi ngày, trông thấy tấm bảng hiệu để tên Việt Plaza, lại có tượng đức Trần Hưng Đạo thật to ở ngay lối vào. Biết là của người Việt nhưng cũng không để ý lắm. Mới đây anh đến lấy cá và biếu lại một bọc trái trứng cá. Cái xe tải anh lái có dán chữ VIET PLAZA. Hỏi ra mới biết anh chính là chủ củ
Nhạc sĩ Cung Tiến