Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Năm Thứ XXII: 12/05/2021, Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách

23/07/202100:00:00(Xem: 5840)

VIETBAO LOGO


16 tác giả sẽ nhận giải

Lễ phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2020-2021 - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2019 tới  30 tháng Sáu 2021 -  được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 5 Tháng Mười Hai 2021, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.  

Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ được phát động từ 30 Tháng Tư năm 2000, với ngân sách giải thưởng hàng năm là 35,000 mỹ kim. Riêng giải Chung Kết Tác giả Tác phẩm trong năm  là 10,000 mỹ kim. Họp mặt phát giải và ra mắt sách năm thứ nhất được tổ chức tại Richard Nixon Library, Yorba Linda, California, ngày 29 tháng Mười Một 2000, lần cuối cùng là vào tháng Tám, 2019 tại Westminster. Liên tục từ 22 năm nay, mỗi ngày đều có phổ biến bài viết mới, trên các ấn bản Việt Báo và trên Việt Báo Online.  Quốc Hội Hoa Kỳ trong khoá họp ngày 28 tháng Bẩy 2010, đã chính thức tuyên dương Việt Báo về giá trị văn hoá, lịch sử mà chương trình Viết Về Nước Mỹ đạt được.

Sang năm thứ 22, sách "Viết Về Nước Mỹ"  do Việt Báo ấn hành đã được 22 cuốn, hơn 14,650 trang sách. Ngoài các ấn bản chính thức của Việt Báo, hàng ngàn bài viết cũng liên tiếp được trích đăng lại trên các trang mạng và sách  báo Việt ngữ trong ngoài nước, nhiều cuốn sách được in đi in lại.  Không kể số lượng người đọc sách báo, chỉ riêng tổng số lượt đọc viết về nước Mỹ trên Việt Báo online hiện đã trên  800 triệu. Một số tác giả có bài viết đạt kỷ lục trên dưới 1 triệu lượt người đọc.

Gần 6,500 bài viết của hàng ngàn tác giả Viết Về Nước Mỹ hiện được phổ biến trên vietbao.com. Bạn đọc có thể vào "Danh Sách Tác Giả" gõ tên để đọc bài và xem thêm những bài khác do cùng một người viết.

Sau đây là danh sách các tác giả sẽ nhận giải thưởng 2020-2021.

* 7 Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2020-2021

1. Nguyễn Hùng Cường, với bài "Meals-On-Wheels” - Tôi trả ơn nước Mỹ cưu mang gia đình tôi”.

Tác giả đã nghỉ hưu sau 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali và hiện làm việc thiện nguyện từ năm 1994 đến nay. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tham gia "Viết về Nước Mỹ" với bài "Nhà Mobilehome và Di Dân Việt Nam” từ năm 2010, sau một thời gian vắng bóng, tác giả trở lại với bài viết “Meals On wheels – Tôi Trả Ơn Nước Mỹ Cưu Mang Gia Đình Tôi” kể lại tỉ mỉ việc trả ơn hữu ích qua công việc thiện nguyện đưa cơm đến tận nhà cho người cao niên.  

https://vvnm.vietbao.com/a247402/meals-on-wheels-toi-tra-on-nuoc-my-cuu-mang-gia-dinh-toi

 

2. Phạm Thị Kim Dung, với bài "Chuyện Gia Đình Tôi và Việc Hậu Sự ở Mỹ."

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018.

https://vvnm.vietbao.com/p247076a247350/4/chuyen-gia-dinh-toi-va-viec-hau-su-o-my

 

3.  Nguyễn Bích Thủy, với bài "Nao Nao Tình Người Mùa Đại Dịch."

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Bài “Nao Nao Tình Người Mùa Đại Dịch” là những quan sát, nhận định và cảm nghĩ của tác giả về tình hình nước Mỹ và dịch bệnh trong những tháng đầu thời kỳ dịch bệnh.

https://vvnm.vietbao.com/p247397a247437/nao-nao-tinh-nguoi-mua-dai-dich

 

4. Kim Loan, bài "Lời Tạ Ơn Thay Cho Một Người."

Tác giả  tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay.  Khi biết đến giải thưởng VVNM, tác giả muốn viết kể về câu chuyện của người anh đã vượt biên sang Mỹ, chịu gian khổ làm lụng, đi học lại, bảo lãnh gia đình và xây dựng tương lai. Cô hỏi người anh cho cô viết về anh nhé, “anh Hai” trả lời: “Anh thì có gì mà viết?! Mà nếu có, thì đó là lời Tạ Ơn cuộc đời, Tạ Ơn Nước Mỹ đã cho anh cơ hội tiến thân, và cơ hội giúp lại người khác như một cách đền ơn xứ sở đã cưu mang anh mấy chục năm qua.” Đó là lý do bài viết này ra đời!

https://vvnm.vietbao.com/p247397a247406/loi-ta-on-thay-cho-mot-nguoi


5.  Kho Quẹt, với bài "Má Chồng Tôi."

Tác giả tên thật là  Hiền Phạm, sinh năm 1982, quê quán Bình Dương, trước kia làm kế toán. Sau theo chồng sang Mỹ định cư ở Nam California. Bài “Má Chồng Tôi” là bài đầu tiên tác giả tham dự VVNM, kể về tính chịu thương chịu khó của bà mẹ Việt trên đất Mỹ.

https://vvnm.vietbao.com/a247449/ma-chong-toi

6. Nguyên Ngọc, với bài "Đôi Bờ Sông Tương."

Tác giả sinh năm 1968 hiện là giáo viên dạy Văn cấp 2 tại Nha Trang, lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ với loạt bài kể về câu chuyện cảm động của cặp vợ chồng mù Mai-Tiến, nổi bật là bài “Đôi Bờ Sông Tương” kể về cuộc đời của cô gái mù gây xúc động mạnh cho độc giả Viết Về Nước Mỹ. Chỉ ba tuần sau khi bài được đăng vào ngày 24 tháng Bảy, 2020, một chiến dịch quyên góp giúp đỡ được thực hiện giúp hỗ trợ tinh thần và tài chánh cho hai người bạn mù cách xa đôi bờ. Tháng 12, 2020, tác giả báo trong mục comment VVNM cho các độc giả VVNM biết Mai, vợ Tiến, vừa nhận được thư hẹn phỏng vấn từ sở Di Trú Hoa Kỳ. Trong bài viết cuối “Đoàn Viên” của câu chuyện cảm động này, tác giả gọi đây là “Phép Lạ Từ Chiếc Đũa Thần VVNM”. Độc giả có thể bấm vào link dưới đây để đọc bài “Đôi Bờ Sông Tương”, sau đó bấm vào tên tác giả “Nguyên Ngọc” để đọc tiếp diễn tiến câu chuyện có hậu, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của độc giả VVNM.

https://vvnm.vietbao.com/a247474/doi-bo-song-tuong

 

7. Thảo Lan, với bài "Về Miền Quá Khứ".

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 2018 và tiếp tục góp những bài viết và truyện ngắn kỳ thú.

https://vvnm.vietbao.com/a247505/ve-mien-qua-khu

 

* 8 Tác Giả vào Chung Kết VVNM 2020-2021

1. Trần Ngọc Ánh, với bài "Mong Ngày Qua Đi."

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2018. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955. Bài đầu tiên: "Tình Muộn," cho biết từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn,  được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết  đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng 11 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Sang Mỹ năm 2007, tác giả hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Bài “Mong Ngày qua Đi” viết về những mẩu chuyện của thời kỳ Covid và nước Mỹ, suốt gần hai năm, với lời hẹn sẽ đi thăm cháu khi hết dịch bệnh, như một nhắn gởi hy vọng cho gia đình, bạn bè, và nước Mỹ. Tác giả có sức viết mạnh, viết rất đều trong suốt thời kỳ Covid, bài mới nhất viết ngày 14 tháng 6, 2021, tựa đề “Rút Thăm Trúng Thưởng” với những chuyện bên lề trong việc chích ngừa Covid.

Số bài viết trong năm: 10

https://vvnm.vietbao.com/a247490/mong-ngay-qua-di

 

2. Nguyễn Văn Tới, với hai bài "Chiến Tranh, Người Lính và PTSD;" & "Bà Hàng Xóm."

Tác giả  lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2017 và đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018, Giải Vinh Danh Tác Giả 2019. Ông là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippines năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.

Bài “Chiến Tranh, Người Lính và PTSD” là cái nhìn về chiến tranh từ nhiều góc cạnh, và ảnh hưởng của cuộc chiến trên suốt cuộc đời của người lính, những người mà theo tác giả đã “không chiến đấu vì tiền tuyến phía trước, mà vì hậu phương phía sau anh ta, vì sự thanh bình yên vui cho những người thân yêu và cho tổ quốc của mình.” Bài thứ hai là bài “Bà Hàng Xóm”, kể lại câu chuyện một một bà già “hàng xóm” như bao nhiêu người khác, lại là một mẫu người Mỹ tiêu biểu, giàu có nhưng tằn tiện, để lại tiền của cho các hội từ thiện thay vì cho con cháu.  Số bài viết trong năm: 15

https://vvnm.vietbao.com/p247076a247373/2/chien-tranh-nguoi-linh-va-ptsd -

https://vvnm.vietbao.com/p247397a247394/3/ba-hang-xom

 

3. Võ Phú, với bài "Có Chí Thì Nên”; 

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ  2004, lãnh giải danh dự năm 2019. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang, định cư tại Virginia  từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ với 2 bài cho năm 2016. Từ tháng Mười 2018, ông cho thấy sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Bài Có Chí Thì Nên là câu chuyện giấc mơ nước Mỹ với cố gắng vươn lên và thành đạt. Số bài viết năm 2020-2021: 7.

https://vvnm.vietbao.com/p247397a247412/co-chi-thi-nen

 

4. Lê Xuân Mỹ, với hai bài "Tản Mạn Thời Dịch Bệnh” và “Ngày Đầu Đi học Thời Covid."

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019, nhận giải đặc biệt cùng năm. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài Tản Mạn Thời Dịch Bệnh Covid 19 và bài Ngày Đầu Tiên Đi Học Thời Covid phản ảnh cuộc sống và tâm tư của những gia đình Việt sống trên nước Mỹ trong thời dịch bệnh.  Số bài viết trong năm: 7.

https://vvnm.vietbao.com/a247426/tan-man-thoi-dich-benh-covid-19

https://vvnm.vietbao.com/a247487/ngay-dau-tien-di-hoc-thoi-covid

 

5. Đỗ Dung, với bài "Như Áng Mây Trôi." và bài “Thập Tử Nhất Sinh”.

Tác giả tên thật: Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972. Tác giả là thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California, tham gia VVNM năm 20XX. Hai bài “Như Áng Mây Trôi” và “Thập Tử Nhất Sinh” là câu chuyện xúc động về cuộc đời cũng như cảm xúc của tác giả khi chia tay người em gái yêu thương trong gia đình.

Số bài viết trong năm: 4 bài

https://vvnm.vietbao.com/a247489/nhu-ang-may-troi

https://vvnm.vietbao.com/a247467/thap-tu-nhat-sinh

 

6. Pha Lê, bài "Có Những Khoảnh Khắc Không Thể Nào Quên."

Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Tám 2018, lãnh giải đặc biệt 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Bài “Có Những Khoảnh Khắc Không Thể Nào Quên” kể lại những giây phút nguy hiểm tính mạng bà đã trải qua, với lối kể chuyện thật sống động. Số bài viết trong năm: 5.

https://vvnm.vietbao.com/p247076a247376/2/co-nhung-khoanh-khac-khong-the-nao-quen-

 

7. Nguyệt Mị, bài "Bà Tám Đi Mỹ."

Tác giả đã lãnh giải đặc biệt 2018. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2017, Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ của tác giả, nhưng sau đó tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney. Mười bảy năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Số bài viết trong năm: 5.

https://vvnm.vietbao.com/a247356/ba-tam-di-my

 

8. Châu Hà, bài "Nâng Bước Tuổi Bóng Xế."

Tác giả là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề chăm sóc người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông ngoại của Thu đi lấy vợ", tác giả đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 2010, và tiếp tục lui tới với Viết Về Nước Mỹ. Bài “Nâng Bước Tuổi Bóng Xế” kể về công việc chăm sóc người già của tác giả cho thấy sự chín chắn và tiến bộ vượt bậc trong cách viết.

Số bài viết trong năm: 3.

https://vvnm.vietbao.com/a247262/nang-buoc-tuoi-bong-xe

 

*Giải Trùng Quang

- 1 Giải mang tên Bà Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát huy tiếng Việt văn hóa Việt trên đất Mỹ đồng thời phản ảnh sự tiến bộ ngày một vượt trên chính mình. Kết quả sẽ được công bố vào ngày phát giải.

Xin quý vị tác giả có tên trên đây vui lòng liên lạc với Việt Báo để xác nhận địa chỉ và nhận thiệp mời họp mặt. E-mail: hangnguyen@vietbao.com hoặc vvnm@vietbao.com
Phone: (714) 894-2500

 

* Về việc Tuyển Chọn Giải Chung Kết hàng năm

Thể lệ tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ khởi đầu, năm 2000, có ghi rõ: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết có thể gửi nhiều bài tham dự, hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ."

Hàng năm, một hội đồng tuyển chọn chung kết  sẽ quyết định các giải bằng cách cho điểm dựa trên tiêu chuẩn: 1) Đề tài, nội dung; 2) Cách viết, sức viết; và 3) Ý nghĩa thông điệp của bài viết.

Liên tục suốt 22 năm qua, trên các ấn bản Việt Báo và Việt Báo online, mỗi ngày đều có thêm bài mới. Tất cả hiện lưu trữ đầy đủ trên Vietbao.com, có 345 giải thưởng đã được trao tặng, trong số này có 20 giải chung kết, mỗi giải 10,000 mỹ kim.

Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm 2021 gồm 9 thành viên:

- Một đồng nghiệp uy tín: nhà báo Bồ Đại Kỳ, nguyên chủ nhiệm báo KBC Hải Ngoại.

- Năm  tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải thưởng: Trương Ngọc Bảo Xuân, Lê Tường Vi, Khôi An, Trần Nguyên Đán và Nguyễn Viết Tân.

- Ba đại diện Việt Báo: Nhã Ca, Hoà Bình, Phạm Quyến

Trưởng ban tuyển chọn từ 2017 là tác giả, giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân, tác giả đã nhận giải Chung Kết năm thứ hai, 2001.

Tư vấn: Nguyễn Xuân Nghĩa, nguyên trưởng ban tuyển chọn VVNM 2003-2016./.

Ý kiến bạn đọc
01/08/202119:13:53
Khách
Kính gửi BS Đào Trọng Thể,

PL xin mạn phép được viết vài dòng về ý kiến của BS vừa nêu trên đây, PL xin thưa đây chỉ là tâm tư riêng của PL , kính mong BS và mọi người vui lòng niệm thứ nếu PL viết xuống những ý kiến.. trái chiều , trái ý.

Thật sự với một người ... gõ phím mới ( cây viết mới !) như PL , viết được một bài văn rất lâu, có khi PL cần đến cả tháng trời để viết được một đoạn văn , rồi chỉnh sửa lại mất thêm ... vài tuần ! Cho nên khi bài viết của PL được VB đăng , PL thật sự mừng và cảm động lắm ...
Nhiều lần , xem lại bài viết của mình , nhìn số lượng người đọc ( dù chỉ ... đọc lướt qua ),PL buồn muốn khóc. Dĩ nhiên bài viết.. dở thì người xem ít, chuyện tất nhiên !, nhưng điều này khiến PL rất nhiều lần đã muốn quẳng ... bút cho xong , quên đi chuyện văn chương .
Nhưng..
Khi VB bỏ việc ghi chú lượng đọc của từng bài , với một người văn dốt vũ nát như PL , phải nói PL vô cùng biết ơn vì VB đã cho PL bớt chút tự ti , nhưng thêm chút... tự tin để can đảm " dám" viết tiếp !
Huống chi BS cũng biết Văn Chương là một lãnh vực thật mênh mông không biên giới . Cũng vẫn một bài văn nhưng có người khen , kẻ chê , người thích , kẻ không ưa .
PL xin kể lại một câu chuyện về văn chương mà PL đã từng được trải qua .
Năm đó ( trước 75) PL đang học lớp 9 , giờ Văn là giờ PL ngán và sợ nhất , nhưng may mắn thay năm đó dạy Văn là một Giáo Sư rất trẻ ( cô Hoàng Thị Tố ) . Một lần lớp PL phải viết bài về cuộc Bút Chiến của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường ( TTT theo giặc Pháp , ông làm thơ biện minh cho hành động của mình , và cụ PVT đã làm những bài thơ phản đối cũng như lên án hành động theo giặc của TTT ). Thông thường khi phát lại bài cho đám học trò , cô Tô thường giữ lại một bài của " đứa" giỏi văn ( mà chưa bao giờ là PL!) để đọc cho cả lớp nghe . Nhưng hôm đó Cô Tổ giữ lại 2 , thấy chúng tôi xôn xao , cô Tố giải thích :
- Hai bài văn , một bài viết hay và rất đúng với điều đòi hỏi là chúng ta phải công nhận cụ PVT là đúng khi lên án hành động theo giặc của TTT . Tuy nhiên , một bài văn khác mà cô muốn các em quan tâm . Đây là bài binh vực TTT . Nếu tính về điểm , nội dung thì bài này cô phải cho 0/20 vì đã viết hoàn toàn sai chủ đích , nhưng nếu nói về cách viết , cô phải cho 19/20 vì lời văn xúc tích, trôi chảy. Lý luận sắc bén , nhưng nếu bài luận này được thầy cô khác chấm, rất có thể sẽ khác !
Rồi Cô kết luận :
- Như vậy các em phải biết Văn Chương không bao giờ có biên giới .

Dù lúc đó chúng tôi không hiểu rõ ý của Cô , nhưng năm tháng trôi qua , lời Cô nhắc nhở nhiều lần giúp PL có thêm nghị lực và ...can đảm để ngồi gõ máy tiếp..

PL dài dòng như vậy để thưa với BS là những " con số " trên một bài viết về lượng người " dòm" qua bài văn thường ...insult người viết rất nhiều ( kinh nghiệm bản thân của PL ) , cho nên PL ước mong VB sẽ không bỏ trở lại đề mục này .

Cuối cùng, nhân tiện gửi ý kiến , PL xin chân thành cảm ơn Việt Báo đã cho PL được đóng góp bài vở trong VVNM, và hơn thế nữa , đã cho PL cơ hội thật hạnh phúc được có mặt trong ngày 5 tháng 12 này.
Thôi thì Pl sẽ sống theo lời chỉ dạy của cụ Tú Xương :
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương, ấy dại khôn .
Rất trân trọng
Pha Lê
31/07/202118:12:05
Khách
Xóa bỏ lượt đọc của mỗi bài được đăng trên Viêt Báo Online-về VHNT-Binh Luân-V.V.N.M... là một điều bất công chẳng những đối với tác giả mà cả đối với độc giả Việt Báo. Kể từ ngày bỏ ghi chú lượt đọc của từng bài, giá trị cùa bài viết xuống cấp thấy rõ.
Yêu cầu Việt Báo điều chỉnh ngay thiếu sót này để khỏi phụ lòng người công tác
Đào Như-BS Đào Trọng Thể -Email thetrongdao2000@yahoo.com
24/07/202101:30:53
Khách
Chúc mừng các tác giả thắng giải và các tác giả vào chung kết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,888
Khoảng mươi phút sau 12 giờ trưa, chúng tôi đến nhà BS. Lê Khôi. Vừa ra khỏi xe, và trong lúc chúng tôi đang bị choáng ngộp bởi sức nóng trên 100 độ, Thầy Minh Châu tươi cười bước ra tận cửa đón chào và mời chúng tôi vào nhà. Vừa vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy Cô đang đứng giữa nhà, rạng rỡ chờ và xướng đúng tên của từng chúng tôi, rồi dang tay ôm choàng chúng tôi. Vài phút sau, tôi xin phép ra xe và lần lượt đem vào mấy giỏ, xách và gói. Bấy giờ Thầy Cô mới giới thiệu dâu của Thầy Cô, vợ của BS. Khôi, cùng cháu gái nội út rất xinh đẹp, thanh cảnh với làn da trắng mịn, ít vẻ á đông trên khuôn mặt. Cháu làm việc cho một công ty tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Toán Học từ Harvard và nay được công ty đài thọ gởi đi học tiếp 2 năm chương trình MA tại London School of Business, một trong những trường nổi danh hạng nhất thế giới. Chúng tôi không quên chúc mừng cháu.
Tôi đi như chạy trong hành lang của thương xá đang đóng cửa vắng tanh không một bóng người vì cơn Đại Dich Covid-19. Đây là Mall lớn và duy nhất trong thành phố Lafayette của tôi nhưng đã đóng cửa từ đầu tháng 3 do lệnh từ tiểu bang để chống lại sự lây nhiễm của Con vi rút Corona này ! Mall chưa bao giờ đóng cửa suốt gần 60 năm , cho nên đây chính là biến cố thê thảm nhưng dĩ nhiên không phải chỉ cho thành phố êm đềm của tôi , mà cho cả thế giới !
Hồi mới qua Mỹ, tôi định cư ờ một thành phố nhỏ vùng biển, mà dân chúng đa phần là người Việt, nghe nói nguyên cái làng chài ngoài Trung vượt biển qua hết đây, họ sống túm tụm với nhau , hàng xóm quen biết thân thiện từ hồi nhỏ , gần như nhà nào cũng sống bằng nghề đi biến y như bên nhà, thành phố có việc làm quanh năm cho mọi người khi xây dựng nhà máy chế biến cua ghẹ đóng hộp bán khắp nơi. Cuộc sống dân tình ở đây dĩ nhiên khấm khá gấp mấy lần bên quê nhà, vì tánh cần cù chịu khó của người quen với lao động tay chân dầm mưa dãi nắng, nên bước đầu khởi nghiệp của họ cũng dễ dàng hòa nhập trên quê hương mới, giàu thì sắm được vài chiếc ghe cào tôm, hay tàu cá ,nghèo thì theo làm “ bạn ghe” (người làm thuê cho chủ trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi) cũng có của ăn của để, có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không bỏ được cái tật ham vui những lúc biển động nông nhàn, sau những chuyến ra khơi vất vả, tàu về bến nghĩ ngơi là họ lại rủ nhau đi Casino miệt mài vui thú đỏ đen, nghe đâu có n
Thằng mauricio làm tổ trưởng của nhóm này, nó chuyển đến Đào bang từ Tennessee, tuy nhiên quê quán chánh gốc lại ở tận Chicago. Cha nó đen và mẹ trắng, cái gene trắng mạnh hơn nên nhìn nó chất đen rất ít, tuy nhiên tâm hồn nó lại rặt chất đen. Nó mê đội Bravo và đội Panther như điếu đổ, nó không thích cá độ nhưng thỉnh thoảng cũng có cá cược chút chút theo cả nhóm cho vui. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, nó chơi thân với Steven và cũng vui vẻ hòa đồng với cả nhóm. Steven thường chửi nó:
Trên đây là Email tôi gửi cho Supervisor báo tin ngày Thứ Sáu 10 tháng 09, năm 2021 là ngày cuối cùng của tôi làm công việc Crossing Guard. Ông Supervisor đã điện thoại đề nghị tôi làm thêm vài tuần nữa để ông có thể kiếm người thay thế vì tôi làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và được bà con dành nhiều cảm tình đặc biệt. Tuy nhiên, tôi trả lời với ông là tôi không thể nào tiếp tục được! Dù tôi rất yêu thích công việc này và tôi cũng rất buồn khi phải giã từ công việc mà tôi đã làm nhiều năm, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, sức khoẻ không còn tốt và không còn nhanh nhẹn như thời gian vừa qua.
Lúc sau nầy bà Ba lên cân đều đều.Hễ bữa trước có món cá kho tiêu, chấm rau lang luộc do người bạn hái cho, non trong, ngon quá, quất vô một chén cơm đầy thì, hổng nói thừa, bữa sau leo lên cân tăng liền 3 pounds,vì vậy bà Ba chỉ ăn cơm khi nào thèm lắm.Cứ hai tuần bà mới nấu 2 lon gạo, mỗi bữa ăn, chỉ hai muỗng, thêm nhiều rau củ, để cuối năm mới có hy vọng xỏ vô được cái áo dài đi tiệc thường niên.Vậy mà, cũng tại mấy chị bạn trên facebook.Mấy bả đó nghen,“ác” lắm
Như loài cỏ dại đang thời nở hoa, Bé vẫn đang ưu tư với những ước mơ vươn lên cố chạm được đến cái tinh tuý trong lối giáo dục của Nước Mỹ để sau này Bé có thể áp dụng phần nào vào công việc nhà giáo hiện tại để giúp cho trẻ em Việt Nam. Đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh bơ vơ như loài cỏ dại không tên không tuổi, nhưng biết là hoa dại có sắc và có hương vẫn gửi vào trong gió bay …
Họ là dân ở vùng Trung Mỹ. Trung Mỹ có 7 quốc gia, nhưng nhập cư vào Hoa Kỳ đông nhất là người: El Salvador, Guatemala, Honduras… Họ nói tiếng Spanish nên người mình gọi họ là “dân Xì”. Họ đi qua nước Mễ Tây Cơ (Mexico) để vào Mỹ nên gọi là “Mễ – “Mễ” hay “Xì” cũng rứa – Dù khác quốc tịch, nhưng họ nói cùng ngôn ngữ, nhân dạng giống nhau: mũi cao, da sậm. Đàn ông: cổ rụt, vai ngang, ngực gồ, chân ngắn, chiều cao trung bình như người Á Đông, nhưng trông họ vạm vỡ, mạnh khỏe hơn. Con gái “Xì” khá xinh, nhưng qua tuổi hai mươi lăm, phần đông phát triển quá khổ ở vòng số 2 và số 3 nên trông họ hơi xồ xề (có lẽ do chế độ ăn uống) nhưng nét lai Âu châu của họ làm cho: “quyến rũ - ưa nhìn”…
Khi Lisa càng lúc càng nghi chồng nàng có thể làm những chuyện đen tối sau lưng mình, Lisa nhất quyết phải tìm cho ra bằng chứng để chứng minh sự nghi ngờ của mình. Từ một mảnh giấy vụn Jerry vất vào xọt rác, nàng tìm thấy mật hiệu để vào máy vi tính của Jerry tìm đọc, xem những thư từ, hình ảnh chồng mình cất giấu từ bao năm qua. Trước đây nàng không nghĩ là mình cần phải làm những điều như vậy, nhưng đến nước này thì sự cần thiết cho một giải thích chính đáng đã khiến nàng vượt qua sự tò mò thông thường của các bà vợ theo dõi chồng mình. Sau một hồi lục soạn bao nhiêu danh mục riêng của Jerry, Lisa không tin mắt mình khi nhìn thấy một tấm hình làm tan nát tim nàng. Quả là nàng đoán không sai, người chồng mà nàng từng tin tưởng tuyệt đối nay lại có thể làm những điều tệ hại như thế này sao!
Đặc biệt sau biến cố năm 1975, dân chúng Việt Nam tỵ nạn được đồng minh và chính quyền Mỹ cho phép định cư vĩnh viễn trên đất nước dân chủ hòa bình tự do bình đẳng cuả họ, thì không chỉ phụ nữ được giaỉ phóng mà ngay cả những mớ bòng bong thời cổ, những rắc rối phiền toái thời phong kiến cũng không cánh mà bay vào dĩ vãng, chẳng ai phải tốn một viên đạn nào, chắng cơ quan xã hội, tự do dân chủ nào phải tổ chức hội họp tuyên truyền biểu tình mít tinh đòi hỏi, chống đối! Tự nó ngoan ngoãn đi vào ngăn cất của thời gian một cách nhẹ nhàng! Những ai còn cố chấp, sẽ bị chính bản thân họ dày vò, bất mãn, bất an, sầu đau, tủi phận…và bị xã hội đào thải, gia đình buông bỏ, sống một mình cô đơn ôm nuối tiếc cho một thời oanh liệt, vàng son đã qua… chờ ngày ngậm ngụi nơi chín suôí!