Hôm nay,  

Hạnh Phúc của "Con Nhà Giàu"

07/06/202116:02:00(Xem: 6512)

Nguyễn Trần Diệu Hương
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.


****


Hàng người khá dài, ít nhất là 200 người, nhưng di chuyển đều đặn, nên chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ từ lúc bước vào hàng đến lúc được chích ngừa COVID.

Cũng may, trời đã vào Xuân từ vài tuần trước nên thời tiết ấm, trời xanh, lại có chim hót, thời gian chờ đợi không phải là một "sự chịu đựng", mà là một tiếng đứng dưới những "cây dài bóng mát", được nghe chim hót, chỉ thiếu tiếng suối reo, hay tiếng sóng biển là tưởng như mình đang ở trong thời gian nghỉ mát. 


Đó là một trong những điểm chích ngừa của Santa Clara Valley Medical Center ở miền Bắc California. Nơi chúng tôi lấy được hẹn (dành cho những người đứng gần cuối danh sách ưu tiên kể từ khi Hoa kỳ bắt đầu tiến trình chủng ngừa chống đại dịch từ ngày 14 tháng 12 năm 2020) ở Community Center của thành phố Mountain View, một thành phố trung lưu, trên 90% cư dân có trình độ Đại học hoặc trên Đại học nên trung tâm sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, thoáng mát, cây cối xanh mát được chăm sóc rất cẩn thận. Rải rác trong bãi cỏ của trung tâm cộng đồng Mountain View, còn có nhiều "ghế....kim loại công viên" nhưng vào thời đại dịch,hình như nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn nên  không ai ngồi. 


blankblank

                                 Mountain View Community Center


Đầu tháng 4, đến phiên chúng tôi được chích ngừa đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán bên Tàu, lan nhanh như vết dầu loang khắp thế giới. Không cần phải "chen ngang", không cần phải dùng "thủ thuật ăn gian", chúng tôi kiên nhẫn "cấm cung" chờ đến lượt mình (không có một ưu tiên nào từ tuổi tác, nghề nghiệp, tiền sử bệnh tật...). Đó là một điều may mắn, vì đến lượt chúng tôi được chủng ngừa, tất cả mọi người, từ người chích thuốc lẫn người được chủng ngừa, đã có hơn một năm kinh nghiệm đối phó với đại dịch.

Nhân viên y tế đã quá quen thuộc với việc "tổng chích ngừa" toàn nước Mỹ. Thao tác của họ chích xác, nhanh nhẹn. Người đi chích ngừa, ngay cả những người không theo dõi tin tức về đại dịch được cập nhật mỗi tiếng trên hầu hết các hệ thống truyền thông của Mỹ, cũng biết nguyên tắc an toàn trong thời đại dịch. 

Người ta trong khẩu trang trên khuôn mặt, kiên nhẫn xếp hàng chờ đến phiên mình, giữ khoảng cách hơn 6 feet (hai mét) với người khác. Hàng người im lặng đều đặn di chuyển, không ai lên tiếng phàn nàn. Và như lối sống trật tự của người Mỹ, ai đến sau cứ tiếp tục vào vị trí cuối hàng.


Ngay từ lúc vào hàng, mỗi người đều được các thiện nguyện viên có đeo bảng tên, mặc đồng phục, phát một tấm bìa cứng, bên trong hai tờ giấy đính vào nhau, có nội dung tương tự như nội dung bệnh nhân phải kê khai tổng quát tình hình sức khỏe hiện tại của mình, để có thể được chích ngừa. Mỗi folder bằng bìa cứng có một cây viết có logo của bộ phận lo về sức khỏe cộng đồng của Quận hạt Santa Clara, để chắc chắn là người cầm viết không sợ bị "thừa kế" vi trùng từ ai khác.


Cứ như thế, hàng người trật tự, im lặng chuyển dịch, không có cảnh đứng trong hàng mà nói chuyện qua phone oang oang, phá vỡ sự yên tĩnh cần có của người khác, làm át đi tiếng hót véo von của đủ loại chim vào một ngày mùa Xuân cuối mùa đại dịch ở California, ở Mỹ. 

Cái thiếu vắng duy nhất ở đây là nụ cười. Nụ cười thân thiện, xã giao truyền thống đã bị che khuất sau cái khẩu trang từ tháng 3 năm 2020 đến bây giờ.


Thỉnh thoảng, tôi nhìn lên trời xanh, nghĩ đến hơn nửa triệu người Mỹ đã vĩnh biệt đời sống  vì đại dịch xuất phát từ thành phố Vũ Hán bên Tàu. Họ không may đã nhiễm bệnh khi chưa có thuốc chủng ngừa. Xin gởi lời cầu nguyện vào hư không mong họ cùng với  ba triệu người khác trên khắp thế giới được bình an ở một nơi không còn bệnh tật, không còn lo toan. Chợt liên tưởng đến hơn vài trăm ngàn người Ấn Độ đang thiếu oxygen để thở, phải chết dọc đường, chết trên xe vì không còn chỗ cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Cứ nghĩ như thế, sẽ thấy chuyện mình đang rồng rắn xếp hàng để được chủng ngừa đại dịch là một hạnh phúc chỉ có trong mơ của dân chúng ở các nước nghèo vào thời điểm này. 


Gần đến "đích", trước khi đến nơi được chủng ngừa, ở sáu chiếc bàn dài, trên mỗi bàn có hai thiện nguyện viên ngồi, xem qua hai tờ giấy đã được điền vào các chi tiết cá nhân, so sánh với bằng lái xe, hoặc thẻ ID, để chắc chắn người sắp được chích ngừa và người trong hình là một, và các chi tiết được điền đúng và đủ theo yêu cầu.

Trước khi bước vào khu vực này, đã có một bảng thông báo không được sử dụng camera, không được thu hay chụp hình kể từ điểm này để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chi tiết cá nhân rất riêng. Bên cạnh còn có một thông báo khác, nếu ai không hiểu rõ các câu hỏi, hoặc có bệnh mãn tính, có thể xin gặp trực tiếp Nurse Practitioner đang có mặt ở địa điểm chích ngừa để có được lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Trên các "chốt kiểm soát tiền trạm" này, có đủ nước rửa tay hand sanitizer, và nước uống cho cả người đi chích ngừa và các thiện nguyện viên.


Qua khỏi khu vực này, người ta bước vào "cửa ra khỏi đường hầm đại dịch" nằm trong building, cũng với các bàn dài như bên ngoài, nhưng nhân viên làm việc ở đây không phải là thiện nguyện viên, mà là nhân viên y tế của quận hạt. Mỗi người có một laptop với website nối trực tiếp với bộ phận thống kê của quận hạt, của tiểu bang, và cả liên bang. Thẻ ID, hay bằng lái xe của mỗi người được chụp hình bằng Iphone, và upload lên bộ phận thống kê của quận hạt. Nhờ đó người ta có thể update con số, và thống kê  độ tuổi của người được chủng ngừa vào mỗi cuối ngày cho mỗi County(quận hạt), mỗi tiểu bang, và cả đất nước Hoa kỳ.


Sau khi hoàn tất thủ tục hành chính lần hai, đường chia hai lối, thành hai hàng song song, mỗi hàng cách nhau khoảng hai mét: một bên dành cho người chích lần đầu tiên, một bên dành cho người được chủng ngừa dose thứ hai. Mất cả tiếng đồng hồ để xếp hàng ngoài trời, nhưng chỉ mất khoảng mười phút để đến phiên mình được chích ngừa đại dịch Coronavirus.

Đến phiên , sẽ nghe một nhân viên y tế đứng ở cửa phòng, thông báo vỏn vẹn một con số (từ 1 đến 25) để người ta biết mình sẽ đến bàn nào trong phòng. 


Phòng chích ngừa là một hội trường rất rộng, có diện tích tương đương với một sân tennis, có 25 bàn chích thuốc, mỗi bàn có gắn một con số khá lớn, có một người y tá mang đủ cả khẩu trang lẫn face-shield ngồi trên một ghế, ghế bên cạnh dành cho người được chích. Trên bàn có vaccination card, và sticker in sẵn tên và lô thuốc chích ngoài các dụng cụ y tế cần có cho một y tá.  Một người mặc blouse trắng, có lẻ là Nurse Practitioner, trưởng nhóm y tá đang làm việc ở địa điểm này, quan sát, và phân phối thêm thuốc chủng ngừa cho từng bàn, được lấy ra từ một cái "tủ lạnh" nhỏ đặc biệt nằm ở góc phòng. 


Sau khi được chích mũi thuốc đầu tiên, nhẹ nhàng, người ta sẽ được phát một "thẻ chích ngừa" mặt trước có tên, tuổi, ngày chích, và tên cùng số hiệu lô thuốc loại thuốc  được chích (Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson), có ngày tháng, chữ ký của y tá chích thuốc cho mình. 


Với riêng tôi, mũi chích nhẹ nhàng đến nỗi chúng tôi không có đủ thời gian "gồng" theo phản xạ tự nhiên mỗi lần được chủng ngừa, để được nghe y tá ân cần nhắc nhở "relax". Vừa kéo cổ áo thun xuống bên vai trái, chưa kịp ngồi ngay thẳng, tôi đã nghe tiếng cô y tá "it's done" (xong rồi), và dúi vào tay mình vaccination card bằng bìa cứng màu trắng, có diện tích lớn hơn bằng lái xe một chút.

Vì lẽ đó, có rất nhiều người lần lượt ngồi lên một cái ghế sắt, nhưng ghế vẫn .... lạnh ngắt, không nóng lên vì hơi người.


Chỉ kịp cảm ơn cô y tá đã chích mũi thuốc đầu tiên giúp mình ra khỏi đường hầm tối đen của đại dịch, chúng tôi theo mũi tên chỉ dẫn đến lối ra khỏi hội trường. Ở đó, có một nhân viên khác, cũng trong blouse trắng, hướng dẫn qua phòng kế cận để lấy hẹn cho lần chích thứ hai.


Ở phòng này (Appointment Room) , người làm thiện nguyện là một y tá đã về hưu có mái tóc trắng màu sương khói, có một laptop để thiết lập ngày giờ lần hẹn chích dose thứ hai. Ông phát cho  tôi một tờ giấy màu vàng mỏng, bằng kích thước thẻ chích ngừa, có ghi lần thời điểm hẹn,  21 ngày sau đó, cho mũi chích thuốc Pfizer lần hai.


Cũng chỉ kịp cảm ơn ông, chúng tôi lại theo bảng hướng dẫn bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, qua một hội trường thứ hai có tên là "Observation Room". Ở đó ghế được kê cách khoảng hơn 6 feet và đặt xen nhau từng hàng cho người mới được chủng ngừa ngồi nghỉ. Có một y tá ngồi ở bàn đặt ở một góc phòng đối diện hàng ghế "bệnh nhân" để quan sát xem có bệnh nhân nào bị phản ứng phụ từ thuốc cần được giúp đỡ.


Vì observation room được đặt trong một hội trường khác của trung tâm cộng đồng thành phố Mountain View, nên có rất nhiều cửa ra vào. Ở cửa ra chính, có một "thiên thần áo trắng" trong blouse, cổ đeo stereoscope. Nhưng sau khi đã yên vị ở ghế ngồi, kiểm lại tất cả giấy tờ cá nhân , thẻ bảo hiểm, thẻ chích ngừa bằng lái xe, giấy hẹn lần sau..., định thần nhìn lại, mọi người đều nhận ra đó là một hình ba chiều có cùng chiều cao với người thật, đó là hình 3D của bác sĩ Anthony Fauci cố vấn y tế cho cho sáu Tổng thống Mỹ suốt 40 năm qua. 


Trong "observation room", tôi đã chọn chỗ ngồi gần cửa để dễ về sớm. Sau khi kiểm lại tất cả giấy tờ của mình, sắp xếp có hệ thống, tôi lặng lẽ "rút êm". Tưởng là chỉ có mình tự cho phép mình cắt ngắn thời gian ở "observation room", không ngờ trên đường ra bãi đậu xe, cũng có nhiều người cùng sắp hàng với mình cũng chọn về sớm vì không thấy phản ứng gì từ cơ thể. Hội trường có nhiều cửa, nên ra đến bên ngoài mới biết có nhiều người cũng... "giống như tôi".  


Có lẽ do "phước chủ may thầy”, buổi tối, sau khi lấy đi miếng băng keo nhỏ xíu, hình tròn, đường kính chỉ khoảng nửa centimeter, có thì giờ nhìn kỹ lại vết chích, chúng tôi chỉ thấy một chấm nhỏ xíu màu đỏ có thể thấy được bằng mắt thường. Cánh tay được chích vẫn bình thường, "một ngày như mọi ngày". Ngày kế tiếp, chỗ  bị chích tím bầm lên một chút, chỉ một chút xíu để nhắc nhở mình là "Pfizer" đã đi qua đời tôi". Đó là tất cả "di chứng" sau lần chích thuốc chủng ngừa đại dịch lần đầu tiên của chúng tôi. 


***


Đúng 21 ngày sau, chúng tôi trở lại "chốn xưa" (Mountain View Community Center) cho lần chích ngừa thứ hai với đầy đủ "kinh nghiệm tích lũy" về mọi mặt từ lần đầu tiên. Nên lần chích thứ hai đã "hanh thông" ngay từ lúc kiếm được chỗ đậu xe, và may mắn tìm được một chỗ đậu xe rất gần cổng chính, có "bóng mát cuộc đời" từ một cây cổ thụ. Và chỉ mất 36 phút xếp hàng, tôi đã  đến bàn các thiện nguyện viên đối chiếu giấy tờ ID với người đứng trước mặt.


Lúc này đã vào cuối tháng 4, khi tiến độ chích ngừa của Hoa kỳ đã đạt được vận tốc của con thỏ trẻ đầy sức sống, sau khi đã tiến triển từ vận tốc của con rùa vào cuối năm 2020 (khi chỉ có hai loại vaccine Pfizer, và Moderna đủ cung cấp cho các nhân viên làm trong ngành y tế, hoặc ngành nghề phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân), lên vận tốc của một con thỏ già vào tháng 2 năm 2021 (lúc chỉ đủ thuốc để chích cho những người trên 65 tuổi, sức đề kháng đã yếu đi theo năm tháng)  


Ở cửa vào đã có ba bảng hướng dẫn màu xanh, chữ  khổ lớn có thể đọc được từ một khoảng cách hơn năm mươi mét.


- Pfizer vaccination for 12 years old and older

- Moderna vaccination for 18 years old and older 

- Johnson & Johnson for 18 years old and older.


Rất rõ ràng, các em nhỏ từ 12 tuổi đến 18 tuổi chỉ có một chọn lựa duy nhất là chích Pfizer(loại vaccine được ưa thích nhất ở Mỹ tại thời điểm này) và phải có cha mẹ hay người giám hộ đi cùng.


Sau khi qua giai đoạn kiểm soát ID lần thứ hai, bằng lái xe cũng được chụp bằng iphone, rồi upload lên trang web của Sở Y tế Santa Clara County, lần này hàng rẻ thành ba nhánh: một vào phòng Moderna, một vào nơi dành cho Pfizer, và một riêng cho thuốc chủng ngừa Johnson & Johnson (J&J).


May mắn mỉm cười với chúng tôi hôm nay khi hàng dài nhất là hàng vào phòng Moderna; lối dẫn vào phòng J&J chỉ khoảng hơn 10 người: tôi xếp hàng sau nhưng được vào trước họ vì  lối vào phòng chích ngừa thuốc Pfizer "đường thênh thang gió lộng một mình ta". Tôi bước vào phòng, và có được một ngẫu nhiên tình cờ khác.


Tôi xuất trình vaccination có ngày chích, và chữ ký của của người chích thuốc lần đầu, sau nụ cười bằng mắt để thay cho nụ cười xã giao đã bị lần khẩu trang che kín cùng 2/3 khuôn mặt. Cô y tá ngạc nhiên một cách thích thú:


- A, lần trước tôi cũng đã chích cho bạn.


- Ô thật là một ngẫu nhiên tình cờ. Tôi rất mừng chúng ta có cơ hội hạnh ngộ ở... bàn chích thuốc. Lần chích trước tôi không đau, không gặp phản ứng phụ nào. Cảm tạ ơn Trời, tôi đã được chích bởi một người có tay nghề cao như cô.


Cô y tá vui vẻ hé lộ thêm một chút riêng tư:


- Hôm nay là sinh nhật của tôi.


Rồi tiếp theo ngôn ngữ chuyên nghiệp "Xong rồi" sau khi đặt miếng băng keo hình tròn -nhỏ như một chấm confetti- lên chỗ cô vừa rút mũi kim ra.


Cô tặng cho tôi một cái cái pink đeo áo có hai dấu check mark màu xanh lá cây, tượng trưng cho hai lần chích. Có nghĩa là tôi đã được bật đèn xanh để chính thức ra khỏi đường hầm tối đen dài hun hút của đại dịch kể từ ngày 17 tháng 3 năm 2020, sau đúng 400 ngày tự cấm túc trong nhà.


blankblank

                                      www.Lifeisgood.com


Tôi rút trong túi xách một cái áo thun vừa đặt mua qua trang web của Lifeisgood.com, được delivered ở cửa nhà sáng nay. Tôi chưa kịp mở, nhưng biết chắc là cái áo sẽ phù hợp với cô y tá chắc là nhỏ hơn mình vài tuổi, cao to hơn một chút, nhưng sẽ mặc vừa chiếc áo thun size medium tôi đặt mua cho chính mình để
"còn một chút gì để nhớ" mừng cho chính mình, và những người thân yêu an toàn, khỏe mạnh trong một trận đại dịch đã lấy đi sinh mạng 3.5 triệu người trên thế giới và hơn 600 ngàn người Mỹ. **


Cô y tá mở to mắt ngạc nhiên, rạng rỡ niềm vui.

Khác với lần đầu, tôi không đứng dậy ngay, mà "ngồi lì" ở chiếc ghế bệnh nhân thêm hai phút để mừng sinh nhật cấp tốc:


- Là cả một niềm vui, và hạnh ngộ tuyệt vời khi tôi được chích ngừa đại dịch hai lần bởi cùng một người có tay nghề cao như cô. Một tình cờ ngẫu nhiên khác, được biết hôm nay đúng là ngày sinh nhật của cô. Xin cô nhận chiếc áo này như một món quà sinh nhật ngạc nhiên đầy bất ngờ. Tôi đặt mua chiếc áo này cho chính mình, vừa nhận được sáng nay qua đường Bưu điện. Xin được dành tặng cho cô như một lời chúc mừng sinh nhật, lẫn lời cảm ơn chân thành. Tôi sẽ đặt mua cho mình một cái áo khác rất dễ. Nhưng không biết chúng ta còn có lần hạnh ngộ kế tiếp hay không? Nếu có thì chắc là cũng không rơi vào ngày sinh nhật của cô như hôm nay. Happy Birthday. 


Mắt cô y tá long lanh, sắp khóc vì món quà sinh nhật lạ lùng nhất trong đời từ một "bệnh nhân" chích ngừa. Tôi chào Cô, đặt gói bưu phẩm tên tôi lên bàn , trong đó có chiếc áo thun hợp với cô y tá này hơn chính tôi.

Cả hai chúng tôi phải trở lại thực tế là bên ngoài hàng người vẫn xếp hàng  rồng rắn chờ đến phiên được chích ngừa. Chúng tôi cùng cảm ơn nhau, tôi chào cô y tá và đi thẳng qua "Observation Room"


Cũng như lần trước, lần này, "từng bước từng bước thầm", tôi đi từ cửa chính của "Observation Room", dọc theo chu vi căn phòng, đến một cái ghế ở góc phòng, ngồi ở đó chỉ hai phút, mở phone ra check email, rồi đi thẳng ra bãi đậu xe. Vì phải vội về nhà sau khi liếc thấy lời nhắc nhở khéo của "boss" qua texting "Are you OK after the 2nd dose?"

Thật ra đó là lời nhắc khéo "Công việc tới đâu rồi, có xong như dự tính không ?"


Lái xe về nhà, chỉ kịp ăn qua quýt một chén cháo gà đã nấu sẵn tối hôm qua để nếu có bị sốt, bị phản ứng phụ thì "còn có cái mà ăn", tôi ngồi vào bàn làm việc đến 6 giờ chiều, và đứng lên, bình thường "một ngày như mọi ngày".


Cứ tưởng là sẽ bị "thuốc hành" như hầu hết mọi người phải chịu đựng sau lần chích thứ hai. Nhưng như một ân sủng của Thượng đế, di chứng của lần chích thứ hai để lại ở chúng tôi cũng chỉ là một lỗ nhỏ xíu màu đỏ, chỗ mũi kim đâm vào. Vài ngày sau, vết đỏ đó cũng biến mất. Tất cả ký ức về hai lần chích ngừa để lại trong tôi là hạnh ngộ đặc biệt với cô y tá tên Mary như bảng tên và như chữ ký của cô để lại trên thẻ chích ngừa của tôi.


***


Đại dịch của thế kỷ 21 đã dần dần được khống chế, phần thắng đã nghiêng về nhân loại, sau khi hơn ba triệu năm trăm ngàn người đã bị Coronavirus cắt ngắn cuộc đời, hơn 160 triệu "cựu bệnh nhân COVID-19" vẫn còn mang di chứng không biết đến bao giờ mới hết. Và cũng ngay lúc này, giữa mùa Xuân năm 2021. mỗi ngày ở Ấn Độ (nước đông dân hàng thứ nhì trên thế giới, sau Tàu) mỗi ngày có hơn 250 ngàn người không thể thở bình thường vì Coronavirus và các biến thể của nó.**


Là người dân của Mỹ cũng may mắn như được làm con nhà giàu. Nếu được làm con nhà giàu thì phải biết mở lòng để giúp những người kém may mắn. Chúng tôi vẫn luôn nhớ, và thực hành điều này như lời dạy của các đấng sinh thành trong các bữa cơm thời thơ dại, như lời dạy của các thầy cô môn Công Dân giáo dục thời còn cắp sách.  


Nguyễn Trần Diệu Hương

(Mừng sinh nhật 21 tháng 5 của Lan Hương @ Paris)



** Theo số liệu COVID Live Updates từ https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries cuối ngày 21 tháng 5 năm 2021



Ý kiến bạn đọc
03/08/202101:07:28
Khách
Chinese and Russian trolls have been actively spreading disinformation about U.S. vaccines on social media, e.g. Facebook.
The Guardian's report on July 16, 2021: China and Russia spreading anti-US vaccine misinformation, White House says – as it happened
DW's report on Apr 28, 2021: : EU accuses Russia, China of COVID vaccine disinformation.
PBS' report on Feb 4, 2021: : Chinese Spam Network Aims to Discredit U.S. COVID Vaccine and Response, Report Finds.
14/06/202101:28:12
Khách
- Cho đến nay, thành phố Seatle ( tiểu bang Washington) đã chích ngừa được cho 70 phần trăm dân chúng - cao nhất. Có mười tiểu bang chỉ đạt được mức khoảng 40 phần trăm, các tiểu bang này đều thuộc phía nam nước Mỹ : Louisiana, Alabama, Wyoming, Idaho, Tennessee, Arkansas, Georgia, West Virginia , South Carolina, riêng Mississippi chỉ 32 phần trăm.

- Mặc dù 26,000 nhân viên ở bệnh viện Houston Methodist ( Houston, Texas) đã chích ngừa, tuy nhiên có hơn 100 nhân viên không chịu chích ngừa. Bị bệnh viện đe dọa sẽ sa thải, họ đã đâm đơn kiện. Nhưng hôm thứ sáu, đơn kiện đã bị quan tòa liên bang Lynn Hughes bác bỏ.

- Tại hội nghị G 7 vào các ngày 11-13 tháng 6, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Canada, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản đã hứa sẽ chia sẻ khoảng 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19 cho các quốc gia nghèo.

Đế quốc Nga bị trục xuất khỏi khối các cường quốc này hồi năm 2014 vì can tội thôn tính vùng đất Crimea của nước Ukraine. Năm ngoái, Trump xin cho Nga tái nhập, nhưng lời yêu cầu này đã bị Anh và Canada bác bỏ.
09/06/202120:13:07
Khách
Tinh cho đến nay, 140 triệu người Mỹ hay 43 % dân số đã chích ngừa đủ hai đợt. Tính cho đến ngày 2/5, đã có hơn 143 triệu người chích xong đợt đầu.
Theo cuộc thăm dò dư luận vào ngày 25/5/21 của cơ quan tư nhân Kaiser Family Foundation chuyên về vần dề sức khoẻ ở Mỹ và thế giới :
62% dân Mỹ muốn được chích ngừa covid-19 càng sớm càng tốt.
Lớp tuổi 18-29: 48%. Lớp tuổi 30- 49: 51%. Lớp tuổi 50-64: 69%. Trên 65 tuổi: 83 %.
Người phe Dân Chủ: 82%. Cộng Hòa: 49%. Không phe phái : 58%.
Da đen: 56%. Gốc Nam Mỹ: 57%. Da trắng : 65%.
Phụ nữ: 64%. Nam giới : 59%.
Có bằng đại học : 77%. Vài năm đại học : 56 %. Trung học : 55%.

Theo cuộc thăm dò dư luận vào ngày 23/5/21 của Viện Gallup:
64% dân Mỹ đã chích ngừa COVID-19 ít nhất là một lần, và 12% dự định sẽ chích.
Và 24% trả lời sẽ không chích - trong số này có 46% là người đảng Cộng Hòa , 31% không có bằng đại học, và 23% thuộc giới trung niên.
09/06/202119:56:16
Khách
"giữa mùa Xuân năm 2021. mỗi ngày ở Ấn Độ (nước đông dân hàng thứ nhì trên thế giới, sau Tàu) mỗi ngày có hơn 250 ngàn người không thể thở bình thường vì Coronavirus và các biến thể của nó". Trích .

Ấn Độ dân số 1.4 tỷ. Nước Mỹ 331 triệu. Tình hình dịch COVID-19 ở hai quốc gia này như sau:
30/4/2020: Mỹ: 1,067,445 bệnh nhân. Ấn Độ: 33,610
13/6/2020: Mỹ: 2,054,309. Ấn Độ: 308,916
8/6/2021: Mỹ: 34,243,726 bệnh nhân - tử vong 613,118. Ấn Độ : 29,177,840 - tử vong 359,501.
09/06/202119:50:50
Khách
1/6/21- Mục sư Rick Wiles - giáo phái tin lành Evangelical, trụ trì ở nhà thờ Flowing Streams Church, tiểu bang Florida, vẫn thường công kích các thuốc chích ngừa COVID-19 hiện hành là một âm mưu diệt chủng hoàn cầu. Và lên tiếng hô hào " Tôi sẽ không chích ngừa. Quý vị đừng chích ngừa ".
Rốt cuộc Rick Wiles, bốn người trong gia đình, và cả con dâu thảy đều bị dính COVID-19 .

25/5/21- Antwone Rivers, 39 tuổi, bố của 5 đứa con, tử vong hôm 13/5 vì COVID 19. Vợ là Hollie Rivers cũng bị nhiễm vi rút. Trước đó, cả hai vợ chồng nhất quyết không chịu chích ngừa.

24/5/2021 - James Altman, mục sư ở nhà thờ St. James the Less Roman Catholic Church , La Crosse, tiểu bang Wisconsin, trong dịp Lễ Phục Sinh vừa qua, khi diễn giảng trước 500 tín đồ, đã phát biểu rằng COVID-19 chỉ là tin lường gạt, láo khoét.
May 24, 2021 : The coronavirus pandemic has killed nearly 594,00 people in the United States and sickened more than 33 million, James Altman, pastor of the St. James the Less Roman Catholic Church in La Crosse, called the COVID-19 a “hoax” during Easter weekend services that attracted 300 to 500 worshippers, few of whom wore masks or practiced social distancing ,The La Crosse Tribune reported.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 701,637
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nếu bạn dang sống ở một nơi nào đó trên đất Mỹ , thì thật khó mà rời bò nơi đó và thường cho rằng "an cư rồi mới lạc nghiệp"! Tôi thì lại suy nghĩ khác, luôn tính đi tính lại để tìm một nơi đáng sống . Từ bên trời Âu, khi có ý định di dân qua Mỹ, tôi cũng đã đi gần hết những thành phố lớn của nước Mỹ, rồi sau cùng mới quyết định chọn Houston để an cư từ năm 1990 đến nay. Con gái tôi, từ khi ra trường và làm việc cho Google, đã đóng góp rất nhiều cho Google Maps và nhất là Google Search. Cũng vì thích Google Search nên một hôm tôi vào Google Search để tìm kiếm xem một nơi nào đó có đời sống và nhà cửa rẻ nhất nước Mỹ.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Người ta thường nói: “Trâu chậm uống nước đục”, tuy vậy ở đời có những cái chậm lại hóa hay. Có người vì chậm mà không phải lên chuyến tàu định mệnh, hoặc vì chậm mà tránh được chuyến bay tử thần, chuyến bay một đi không trở lại bao giờ, cũng có khi vì chậm mà tránh được chuyến xe đi vào vĩnh viễn… Trong số hàng triệu người ly hương, có nhiều kẻ vì hay bị chậm mà lại hóa hay, lại may mắn hơn, hưởng nhiều lợi lạc hơn những người đi trước. Những kẻ đi sau diện ODP, diện đoàn tụ gia đình, hoặc qua đường hôn nhân… đều là những kẻ an nhàn hơn, may mắn hơn, đi bằng máy bay, không phải vượt biên bằng tàu thuyền hay băng đường bộ. Những lớp người vượt biên trải qua chín chết một sống, lao vào cõi chết để tìm sự sống…
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Hầu như ai cũng biết Châu Mỹ mới được ông Kha Luân Bố (Columbus) tìm ra vào thế kỷ thứ 16. Trải qua nhiều cuộc di dân từ Âu Châu, mỗi nước chiếm cứ một vùng. Anh – Pháp nhận vùng Bắc Mỹ, Tây Ban Nha- Bồ Đào Nha di dân đến vùng Trung và Nam Mỹ...Sau này mới phân chia ranh giới và thành lập các quốc gia, theo hình thể địạ lý như hôm nay. Bởi vậy Hoa Kỳ và Canada nói tiếng Anh là chính, nhưng vẫn có nhiều khu vực nói, viết và chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Trong khi từ Mễ Tây Cơ trở xuống phía Nam, nói – viết tiếng Tây Ban Nha. Và dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng của nền văn hóa nước này.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Đây là bài mới nhất của Ông.
Một buổi chiều chớm Thu vùng sa mạc Arizona, khi nắng vàng nhạt dần trong không gian, cái nóng dịu đi dưới những áng mây vừa kéo về đan vào nhau như những tảng bông gòn trắng xám giăng trên bầu trời xanh. Vợ chồng tôi cùng với con chó nhỏ thân yêu Sacha cùng nhau đi bộ dưới những tàng cây Palo Verde tuyệt đẹp, dẵm lên những cánh hoa vàng rực rỡ trải đầy trên lối đi. Vài cơn gió nhẹ thổi những bông hoa rụng dạt qua hai bên đường, tạo thành con đường vàng hoa uốn lượn quanh co qua lối đi, song song với con lộ chính. Hàng cây xanh rực rỡ sắc hoa vàng nghiêng mình bên đường đi, tỏa bóng mát trên con đường nhỏ men theo những dãy nhà xinh xắn ẩn mình trong khu xóm hiền hòa chúng tôi đang sống.
Tác giả định cư tại Seattle từ 1975, đã hồi hưu sau khi phục vụ trong ngành xã hội tiểu bang nhiều năm. Bài viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Đặng Bắc Ninh cho thấy cách viết chừng mực mà sống động. Đây là “chuyện thật trong gia đình về Mẹ Chồng Nàng Dâu trên đất Mỹ,” tác giả cho biết. Mong Bà vẫn tiếp tục viết thêm.
Những ngày đầu thực tập ở trường y khoa, tôi thường được giao một trách nhiệm là đón những bệnh nhân vào làm thủ tục cần thiết trước khi đưa họ lên phòng trình bày bệnh án cho các bác sĩ khác trong chuyên khoa tôi đang thực tập. Cả mấy tuần nay, hằng ngày tôi thường kiên nhẫn đứng trước cổng bệnh viện để chờ đón bệnh nhân. Nhưng sáng nay, tôi không khỏi ngạc nhiên và tò mò khi lật qua tập hồ sơ của người bệnh mà tôi đang chờ đón vì bà đến để chữa bệnh mù ở một khoa viện dành riêng cho những người mang bệnh tâm thần. Những thắc mắc ấy cứ lẩn quẩn mãi trong đầu cho đến khi vào tận phòng khám tôi mới giật mình khi thấy các bác sĩ thực tập khác đều hướng mắt nhìn tôi một cách khẩn khoản vì sự chậm chạp do sự phân tâm của tôi.