Hôm nay,  

Khoai Lang Tím

08/01/202100:00:00(Xem: 8330)
 
HINH VIET VE NUOC MY 01

Củ khoai lang tím. (hình tác giả cung cấp)

 
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài " Trái mít "  bài thứ hai " Những cây ớt anh hùng "  Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài thứ ba , mong tác giả tiếp tục gửi bài.
 
***
Tôi không thích khoai lang, nói rõ hơn chút nữa là rất ghét!  Có thể, sau 1975, đã có rất nhiều ngày tháng “khoái ăn sang” nên ớn tới óc! Và từ cái ớn đi tới cái ghét không bao xa! Nhưng dạo đó có một loại khoai lang mà tôi rất thích, đó là khoai lang tím! Thích cũng có lẻ vì ngày ấy nó không có nhiều ở chợ, không được ăn thường xuyên, và cũng có lẻ vì cái vị đặc biệt của nó: bở, bùi và không ngọt nhiều!
 
Tôi có người anh họ con ông bác ruột sau 1975 có cái rẫy trong Cam Ranh, trồng rất nhiều khoai.  Khi tới mùa đào khoai anh thường mang ra cho chúng tôi mỗi lần ít nhất là một bao cát khoai lang tím!  Mỗi lần như vậy là mấy chị em mừng thiệt là mừng, tíu tít, rửa khoai, luộc khoai, nhặng cả lên! Chao ôi, tại sao lại có loại khoai ngon đến như thế!
 
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích!  Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy!
 
Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu!  Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng!  Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
 
Một ngày nọ, trong những đống khoai mua về tôi khám phá ra có nhiều củ với những cái mầm nhô ra!  Cắt ngang chỗ nẩy mầm mang ra vườn vùi vào đó! Tôi vốn rất thích trồng tỉa.  Mảnh vườn không có bao nhiêu đất mà đủ thứ hằm bà lằng từ cây nhỏ tới cây lớn trong đó: một giàn mướp đắng 7 cây (vô số là trái, giờ này vẫn còn lai rai), sả, cà chua, cà tím 🍆, é quế, gừng, hành tím, dưa leo, húng dũi, ngò tàu, ngò ta, và vô số ớt 🌶, “hậu duệ” của những cây ớt “anh hùng” năm ngoái (bài NHỮNG CÂY ỚT “ANH HÙNG “) của tôi! Ngoài ra còn có mấy cây mít, chuối, mãng cầu, vãi! Có người bạn hẹn mùa tới cho một cây xoài và một cây nhãn nữa!
 
Ông chồng bảo là tôi có farmer blood (máu nông dân) trong người! Ờ, mà chắc vậy, có lẻ di truyền từ cha tôi! Ngày đó còn rất nhỏ mà tôi vẫn nhớ, vừa từ Trường về tới nhà là cha tôi đã thay ngay bộ áo quần lịch sự của một ông Giáo sư (trước 1975 những người dạy bậc Trung học gọi là Giáo sư, và dạy bậc Tiểu học gọi là Giáo viên) bằng bộ quần áo của người làm vườn và vác cái cuốc đi ra khu vườn rộng sau nhà.
 
Có những buổi chiều Mẹ kêu tôi ra vườn mời Cha vô ăn cơm.  Cha bảo:

- Trời đang còn sáng và mát để Ba làm thêm chút nữa.  Mấy mẹ con ăn cơm trước đi!
 
Có nhiều khi tôi nghe Mẹ “càm ràm” (sau lưng): “Không biết cái chi ngoài vườn mà cả ngày cứ lăn lưng ngoài nớ!”
 
Tôi, đôi khi cũng “càm ràm” (trong bụng): “Ăn cơm trễ hoài!” hoặc “Sao Ba không ở trong nhà cho mát làm chi ngoài vườn cho khổ, nắng nóng muốn chết!”
 
Cha thương Mẹ thì vô cùng, và thương các con thì vô tận! Cả cuộc đời Cha dành trọn tất cả cho gia đình.  Nhưng tính Cha nghiêm nghị, mà Mẹ đối với Cha thì lúc nào cũng “tương kính như tân”, còn tôi thì dỉ nhiên là không dám “lờn mặt”, nên  những “càm ràm” đã chỉ ở sau lưng, chỉ ở trong bụng, chỉ là “gửi gió cho mây ngàn bay” chẳng bao giờ tới tai Cha và Cha tôi tiếp tục mãi mê với sở thích của mình!
 
Bây giờ thì tôi đã thật sự hiểu cái say mê của cha mình ngày đó! Cái mùi của cây cỏ, cái mùi của đất đai nó như có một cái gì đó quyến rủ mình! Tôi mê shopping, mê đi chơi xa, mê sách vở, mê âm nhạc, nhưng sau khi cộng trừ nhân chia, thời gian dành cho vườn tược hình như nhiều hơn thời gian dành cho những cái mê khác!  Cả ngày tôi chỉ thích lân la ngoài vườn.  Buổi sáng đi một vòng thích thú nhìn cây cối lớn lên từng ngày, cành mướp đắng trên giàn đã vươn dài hơn hôm qua, cây chuối nơi góc vườn mới thêm một tàu lá non, cây mãng cầu mới trồng đã nhú lên hai chiếc lá tí xíu!  Buổi chiều thơ thẩn trở lại, săm soi từ cây ớt tới cây cà, từ bụi sả sang bụi gừng, từ đám khoai lang đến giàn mướp đắng, la cà hết cây này tới cây nọ không biết chán!  Có nhiều khi chỉ là nhổ cỏ dại mà cũng say mê ngồi nhổ hằng giờ!  Và cứ như thế mỗi ngày!
 
Nhân đây cám ơn Tường Minh từ Cali, cám ơn Hà Tiên, Mê Linh từ Texas đã gửi cho Dì những hạt giống rất quí (đối với Dì): mồng tơi, đậu bắp, bầu, bí, mướp ngọt, xà lách búp, tằng ô ...., nhiều thứ lắm! Nhưng với sự tính toán thời vụ của bà dì nhà nông là Dì đây, sợ nếu không kịp thu hoạch trước mùa Đông, e mất giống thì rất uổng.  Nên chi Dì đã cất lại kỷ lưỡng đợi đầu mùa Xuân năm tới mới gieo hạt!  Chắc chắn sang năm mảnh vườn của Dì sẽ đầy các sản phẩm quê hương, chính là nhờ ở hai con!
 
Trở lại chuyện đám khoai lang. Khoảng hai tuần sau khi được vùi xuống đất, đã có những cái cọng lú lên! Và từ đó lớn nhanh như thổi, cọng lang bò tràn khắp nơi!  Không biết bao nhiêu lần được ăn những đọt lang luộc từ đám rau lang!  Một món ăn quá ngon mà tôi không hề có gần 30 năm!
 
Ăn lá xong rồi mới nghĩ tới chừng nào có củ đây ta? Chợt nhớ ngay sau 1975, trong dân gian miền Nam có câu vè:
 
“Khoai lang 9 tháng thì sùng,
Lấy chồng.....lấy thằng khùng sướng hơn!”
 
Ừ, tới 9 tháng khoai mới bị sùng!  Xem nào, mình bỏ mầm xuống đất đâu khoảng giữa tháng 5, bây giờ là cuối tháng 11, mới hơn  5 tháng thôi!  Như thế cở khoảng 1, 2 tháng nữa là đào có củ rồi?  Nghĩ vậy nhưng mà phải hỏi thêm cho chắc ăn!
 
Gọi cho Minh, thằng cháu bên Cali mà Ba nó ngày trước có rẩy trồng khoai, tới mùa hay mang ra cho mấy chị em ăn như đã kể ở trên.  Nó nói: “Dạ, lâu quá rồi con cũng không nhớ nữa!” Gọi loanh quanh hỏi thêm mấy người, cũng không ai biết!
 
Than thở với Bang, cậu em bên Cali, hắn nói: “Sao không hỏi “ông” Google?” Hay, ý kiến hay quá mà lâu nay không nghĩ tới!  Cậu em tôi thông minh đấy chứ nhỉ!
 
 Thế là ngay lập tức tôi đi hỏi “ông” Google:

-Khoai lang tím trồng bao lâu thì đào được hả “ông”?
 
 “Ông” Google phán:
 
- Khoai lang tím có thể đào sau khi trồng khoảng 3 tháng, nhưng nếu “con” muốn củ to hơn và già hơn thì đợi đến khi thấy giây khoai ngã màu vàng, hoặc cắt những giây già bỏ đi thì vào khoảng 4 tháng sau khi trồng là đào được rồi!
 
 Ui cha, khoai của mình như thế là già hơn “ông” Google bảo rồi, phải đào nhanh mới được!
 
Chiều nay với cái thùng giấy và chiếc xẻng nhỏ tôi ra vườn đào khoai. Thật là không thể diễn tả hết nỗi “rung động”! Chiếc xẻng nhỏ khua đến đâu, một củ khoai xuất hiện ở đó! Có củ bằng cườm tay, có củ bằng cái nắm tay tôi. Trong thoáng chốc đã đầy chiếc thùng giấy nhỏ! Và ơ kìa, một củ khoai không có điểm dừng! Chiếc xẻng nhỏ cứ phải tiếp tục xới, rồi xới..., và rồi cuối cùng là một củ khoai rất dài, mà tôi chưa hề từng thấy, dài cở khoảng hơn một thước!  Tôi buông xẻng chạy vào nhà lấy điện thoại ra chụp! Lần đầu tiên có khoai lang từ tay mình trồng, và cũng là lần đầu tiên nhìn thấy một củ khoai dài như thế này!

HINH VIET VE NUOC MY 02

Củ khoai lang tím. (hình tác giả cung cấp)

 
Củ khoai dài chưa từng thấy, đo đúng 50 inches (# 1m2)!
 
Củ khoai sau khi được rửa sạch sẽ!
 

Sáng nay tôi đã có một bữa “khoái ăn sang”, sản phẩm từ nơi mảnh vườn nhà!  Không biết có giàu tưởng tượng không mà tôi cảm thấy những củ khoai sáng nay như ngọt hơn, như bùi hơn, như bở hơn những củ khoai mua ở tiệm!  Những củ khoai tím ưa thích, những củ khoai nằm trong ký ức rất nhiều năm giờ hiện diện nơi đây, trong khu vườn nhỏ, trên bàn ăn sáng ở một nơi cách xa chốn cũ cả một đại dương!
 
Bên quê nhà giờ đây đã thay đổi nhiều, chắc là không còn người “khoái ăn sang” triền miên năm tháng như cái thời đói khổ của chúng tôi nữa!  Như thế, liệu người ta có còn gây giống loại khoai xuất sắc này nữa không nhỉ? Hay là nó đã mai một theo thời gian?!  Đem thắc mắc này đi hỏi, những người bạn của tôi còn ở Việt Nam bảo giống khoai lang tím vẫn còn nhưng không rẻ, 1kg khoai mắc hơn 1kg gạo!
 
Mọi sự theo thời thế mà đổi thay nhỉ! Ngày đó giá khoai rẻ, giá gạo mắc mỏ, tất cả mọi người mua khoai ăn độn với cơm để cho đầy cái bao tử! Ngày nay mọi người tiền trong túi có đủ để mua nhiều gạo mà không cần khoai để độn như cái thuở nào!  Dù sao đi nữa cũng mừng cho dân tộc tôi, đã qua rồi một thời một lát khoai cỏng hai hạt gạo! Một thời mà nhìn vào nồi cơm hằng ngày “chỉ thấy khoai thôi, chẳng thấy gì”!  Vâng, qua rồi một thời quá khốn khổ đã tưởng chừng như không qua nỗi!
 
Đoạn cuối của bài viết tôi muốn gửi một lời cám ơn đặc biệt đến người học trò cũ, em Đỗ thị Tốt.  Nghe cô giáo mê khoai lang tím mà chỗ cô ở hiếm hoi, từ California em đã âm thầm gửi qua một thùng khoai lang tím “cứu nạn cứu khổ” cô giáo! Mở thùng quà bất ngờ nhận được, tôi bồi hồi xúc động, tears in my eyes!
 
Ngày tôi đổi về trường em đang theo học, em hình như học lớp 8 hay lớp 9 tôi không nhớ rõ.  Hình ảnh cô học trò nhỏ đơn sơ với mái tóc buộc gọn gàng ra sau bằng sợi dây thun, khuôn mặt tròn phúc hậu, nước da trắng hồng, học rất giỏi và rất ngoan hiện ra trước mắt! Gần 40 năm qua rồi kể từ dạo đó, tôi chưa gặp lại em lần nào vậy mà em vẫn luôn nhớ đến cô giáo với những cú gọi, với những tin nhắn thăm hỏi ân cần. Và giờ đây là thùng quà gói ghém một tình cảm chu đáo và thấm đượm! Cám ơn em, Tốt! Đời sống của những thầy cô giáo cũ như ý nghĩa hơn, ấm áp hơn khi có được những người học trò cũ đầy ân tình như em!
 
Tháng 12/2020

Ý kiến bạn đọc
12/01/202122:55:56
Khách
Ngon đúng kiểu khoai luôn á: bùi, ngọt và thơm. Bùi cái giọng văn, ngọt cái lời viết và thơm lừng mùi cây trái.
Ăn khoai này không chỉ no lòng mà còn no ký ức. Củ khoai dài 50 inches mà tưởng chừng nối được nửa vòng trái đất, nối được nửa cuộc đời, nối cái thời ăn cơm độn đến thời ông Google.
Cảm ơn tác giả. Chúc vườn văn học của Cô có thêm nhiều hoa trái nữa.
Thành Trương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,682,980
Tác giả tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan. Bút hiệu: Kim Loan, Hồng Đào. Sinh năm 1966 tại Việt Nam. Là cô giáo tiểu học trước khi vượt biển đến Thailand năm 1989. Hiện sinh sống tại Edmonton, Canada.
Tác giả là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề chăm sóc người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông ngoại của Thu đi lấy vợ", tác giả đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 2010, và tiếp tục lui tới với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải. Mọi việc suông sẻ nên cảm thấy rất yêu đời, tôi tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhớ lại ngày mổ mắt, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn các thủ tục thông thường
Tác giả lần đầu tham dự chương trình VVNM. Tên thật là Dương Hồng Chi, sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp: Sư Phạm Saigon ở Việt Nam, Ban Cử Nhân ở Mỹ, hiện nghỉ hưu, sống ở Slidell, Tiểu bang Louisiana.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Ngày xưa, trong cái thời hưng thịnh của Thung Lũng Silicon, chúng tôi cũng đã từng trải qua cái thời “tách ly”. Chồng tách (technician) vợ ly (assembly). Ai đã từng ở thành phố này đều nhớ đến cái thời thật huy hoàng đó. Không cần phải bác sĩ, kỹ sư gì cho nó mệt. Cứ hai vợ chồng, người tách người ly là tha hồ cuối tháng đếm tiền mệt nghỉ. Công việc trong các nhà máy thì dễ dàng, lềnh khênh nhiều không kể xiết. Overtime thì vô cùng thoải mái. Chịu khó ngồi ráng thêm vài tiếng là có tiền gấp rưỡi hay nếu là ngày nghỉ thì double pay. Thời đó ai làm việc trong các dây chuyền sản xuất, lãnh lương theo giờ còn sướng hơn mấy ông engineer ăn theo lương tháng nhiều. Làm tiền dễ đến nỗi quên cả thời gian. Nhiều khi cả tuần hai vợ chồng chỉ gặp nhau có một vài lần. Cũng tách ly nhưng quá sướng chứ có đâu như bây giờ cái thời cách ly ôn dịch. Đúng là cái tai hoạ tự nhiên từ trên trời rớt xuống. Có ai ngờ trong cái thời đại tiên tiến của cái thế kỷ thứ 20 có ngày tại cái xứ Mỹ này,
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.