Hôm nay,  

Về Miền Quá Khứ

09/10/202000:00:00(Xem: 8930)

HINH VIET VE NUOC MY
Hình minh họa.(www.pixabay.com)


Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

 

***

 

Ông Tường là tổng giám đốc đồng thời cũng là người sáng lập ra công ty Tran Soft Corp. Đây là một công ty chuyên về viết chương trình cho các trò chơi điện tử cũng như tạo hình ảnh ba chiều (3D graphic) và xảo thuật điện ảnh cho các phim đời mới sau này của Hollywood. Với sự bùng nổ của các trò chơi điện tử cùng sự phát triển của nền điện ảnh ba chiều công ty của ông đã chuyển mình từ một công ty tư nhân nhỏ 20 năm trước nay đã trở thành một tổng công ty với nhiều chi nhánh khắp nước Mỹ và ở một vài nơi khác trên thế giới.

Ông Tường năm nay 65 tuổi và đã đặt chân đến nước Mỹ chẵn 40 năm. Nếu tính cả thời gian 4 năm du học trước đó thì ông đã ở Mỹ được 44 năm. Năm 1970 sau khi đậu Tú tài toàn phần ông Tường đã được cấp học bổng qua Mỹ du học. Năm 1974 sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân Quản trị kinh doanh ông dự tính học tiếp lên bậc cao học thì nghe tin thân phụ qua đời. Ba ông là một sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong một trận đánh ở vùng 1 chiến thuật. Vì là người con duy nhất trong gia đình ông đã bỏ dở tương lai tươi sáng trước mắt để trở về với mẹ và đồng thời cũng muốn đem sức học của mình ra giúp đất nước. Tiếc rằng ông chưa đóng góp gì được nhiều cho tổ quốc thì giang sơn đã đổi chủ. Với tấm bằng Quản trị kinh doanh ở Mỹ ông không thể kiếm được việc nào thích hợp vào thời gian đó. Ông phải chấp nhận vào làm thợ phụ sửa máy cho một công ty cơ khí của chính quyền để có thể kiếm được một ít tiền phụ giúp mẹ kiếm sống qua ngày.  Năm 1976 một người thuộc cấp thân tín của cha ông ngày trước có cơ sở đóng tàu đi biển đã ngỏ ý giúp gia đình ông đi vượt biên miễn phí nhưng vì người mẹ không muốn bỏ lại phần mộ của cha ông nên đã quyết định ở lại. Hơn nữa việc vượt biên lúc đó như chơi đánh bài với cơ hội thắng rất ít nên mẹ ông cũng muốn ở lại giữ căn nhà phòng xa nếu việc thất bại thì cả hai mẹ con vẫn còn chỗ nương thân. May mắn thay chuyến đi trót lọt và năm 1977 ông đã được nhận vào Mỹ.

Khi qua Mỹ ông bỗng cảm thấy hứng thú với ngành điện toán nên mặc dù có thể lên cao học theo đuổi tiếp chương trình quản trị kinh doanh ông Tường đã ghi danh và sau đó tốt nghiệp bằng kỹ sư điện toán. Sau một thời gian ngắn làm cho các công ty Mỹ năm 1993 ông đã thành lập ra một công ty cho riêng mình. Do có năng khiếu về điện toán cộng thêm kiến thức về quản trị kinh doanh học được trước đó ông đã lèo lái đưa công ty của mình lên thành một công ty hàng đầu nước Mỹ chuyên ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viết chương trình cho các hãng chế tạo trò chơi điện tử và các hãng phim ở Hollywood. Riêng bản thân ông với tài sản lên đến con số tỷ đô la có thể nói ông là một trong những người Việt giàu có và thành công nhất. Nếu chỉ đánh giá qua bề ngoài công danh sự nghiệp thì cuộc sống của ông phải nói là thật sự hoàn hảo. Tuy nhiên về mặt tình cảm ông là một người cô độc. Mẹ ông đã mất từ hơn 5 năm nay, anh chị em ruột thịt không có và nhất là cho đến giờ ông vẫn còn độc thân.

Suốt một thời tuổi trẻ của ông chỉ có cố gắng học và làm việc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ông quay về Việt Nam cho đến trước khi vượt biên ông có quen thân với một người bạn học thời trung học nhưng sau khi vượt biên ông đã đánh mất liên lạc với cô ấy. Những năm đầu khi định cư ở Mỹ là chuỗi thời gian ông lăn xả vào học full time và làm hai, ba jobs part time để trang trải tiền học và gửi về giúp đỡ mẹ ở quê nhà. Cùng trường lúc đó cũng có nhiều cô gái Việt Nam có cảm tình với ông nhưng ông đã tự nhủ lòng phải tạm gác chuyện tình cảm trai gái để lo cho công danh sự nghiệp. Đến khi tốt nghiệp ra trường đi làm thì ông lại cố gắng phấn đấu để được thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp nên cũng không để ý đến những nữ đồng nghiệp xung quanh. Lúc bấy giờ trong hãng mọi người đều phê bình ông là một người quá khô khan. Sau khi thành lập công ty riêng của mình thì công việc lại càng bận rộn thêm cho đến khi công ty đã có chân đứng vững vàng, ông có thể thảnh thơi hơn một chút thì xung quanh ông mặc dù các nhân viên thuộc cấp đều yêu mến ông do tính tình khoan dung độ lượng nhưng cũng không có mấy người gần gũi với ông ở mức độ bạn bè thân thiết. Tất cả đều giữ một khoảng cách, họ kính nể ông và luôn chào ông là Mr. Tran. Toàn công ty có lẽ chỉ có một vài người thâm niên sát cánh bên ông từ khi công ty mới thành lập là gọi ông bằng tên Tường. Cũng có thể đối với người ngoại quốc chữ Trần phát âm dễ hơn Tường. Cần phải nói thêm là công ty của ông sau này số nhân viên người Việt rất ít mà đa số thuộc thế hệ trẻ sinh ra ở Mỹ nên chính họ cũng gọi ông là Mr. Tran. Chỉ có một số người Việt lớn tuổi có mặt từ khi công ty thành lập là gọi ông là ông Tường.

Vào một buổi chiều sau khi vừa thanh toán xong mớ hồ sơ dầy cộm ông Tường uể oải nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã hơn 6 giờ. Giờ này chắc chẳng còn mấy người ở lại văn phòng nhất là vào một buổi chiều thứ 6 đầu năm khi công việc vẫn còn chưa bận rộn. Người thư ký ban nãy đã ghé chào ra về. Ông Tường rời phòng làm việc đi về hướng văn phòng phó giám đốc nơi vẫn còn đèn sáng. Trong phòng là một người Mỹ cao lớn tóc bạc trắng dáng dấp khỏe mạnh. Khi nhìn thấy ông người Mỹ tươi cười hỏi bằng tiếng Việt giọng phát âm tuy hơi lơ lớ nhưng rất rõ:

- Sao Tường vẫn chưa về à?
- Giờ mới chuẩn bị về đây. Frank sắp về chưa?
- Tôi cũng sắp về đây. Người Mỹ tên Frank trả lời.

Frank Sweet là phó giám đốc hành chánh của công ty và là người có mặt ở công ty Tran Soft Corp từ ngày đầu thành lập đến giờ. Khi mới sáng lập ra công ty đa số nhân viên đều là nguời Việt và mục đích lúc đó của ông Tường là nhắm vào thị trường điện toán cho cộng đồng Việt Nam. Do đó ông cần có một người cộng tác thân tín am hiểu cả hai văn hóa và ngôn ngữ Mỹ Việt. May mắn thay ông đã kiếm được Frank. Frank là cựu thiếu tá lực lượng đặc biệt Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1966 đến 1972. Một trong những nhiệm vụ của Frank lúc bấy giờ là huấn luyện các nhóm biệt kích Việt Nam trên vùng cao nguyên nên Frank nói rất sõi tiếng Việt. Sau khi giải ngũ Frank tiếp tục tìm hiểu học hỏi thêm văn hóa ngôn ngữ Việt Nam nên khi có được Frank về cộng tác ông Tường như kiếm được một cánh tay phải của mình. Giữa ông và Frank không những là người cộng tác mà còn có một tình bạn thân thiết lâu năm. Một phần hoàn cảnh Frank cũng tương tự ông. Frank hơn ông Tường 6 tuổi, có vợ nhưng đã ly dị và nay cũng sống lẻ loi như ông. Các người con đã lớn nay cũng ít liên lạc với Frank. Frank là một trong số những người ít ỏi ở công ty nói chuyện với ông giám đốc bằng tiếng Việt.

- Tường có biết hôm nay là ngày gì không? Frank bỗng nhiên hỏi.

- Ngày gì? Ông tường thắc mắc.

- Hôm nay là giao thừa của các bạn đó. Hồi trưa lúc đi ra ngoài ăn ở một nhà hàng Việt Nam và nhờ vậy mới biết. Tường có muốn mình đi ăn Giao thừa với nhau không? Nhà hàng này mới mở khá lắm.

- Ừ Frank dẫn tôi đến đó đi. Sau khi trả lời Frank ông Tường thẫn thờ nghĩ thầm trong bụng. "Hôm nay đã là Giao thừa rồi sao? Đã bao nhiêu cái Giao thừa qua đi mà mình không nhớ đến". Đối với ông Tường tối giao thừa luôn là một ngày đặc biệt nhất trong năm. Ngày đó gắn liền với mâm cơm thịnh soạn cúng ông bà tổ tiên và sau này là cha của ông. Cũng vào một buổi tối Giao Thừa ông đã gặp lại người bạn học cũ tên Thảo My và hai người quen thân với nhau từ đó. Và cũng vào một buổi tối Giao thừa một năm sau đó ông đã phải ghé thăm Thảo My một cách vội vàng rồi phải trở ra bến xe đi Cần Giờ để vượt biên. Khi ấy ông không dám thổ lộ với Thảo My rằng có thể đó là lần cuối ông ghé thăm nàng vì chuyện vượt biên thời đó cần phải giữ bí mật. Đến khi người chủ tàu thuộc cấp cũ của cha ông hỏi vì sao ông chỉ đi có một mình vì họ đã dành cho gia đình ông hai suất ông mới hối hận khi không chịu ngỏ ý với cha mẹ Thảo My để xin cho nàng đi theo. Giờ đây nghĩ lại ông vẫn còn cảm thấy ân hận và tự hỏi giá như ngày ấy ông có đủ can đảm thưa chuyện với cha mẹ Thảo My thì cuộc sống của ông giờ đây chắc chắn sẽ đỡ tẻ nhạt hơn nhiều.

Ông Tường và Frank vào ngồi tại một bàn trong góc của căn nhà hàng mới mở mang tên Taste of Vietnam. Nhà hàng này thuộc vào loại sang trọng, trang trí đẹp đẽ bằng những hình ảnh tiêu biểu Việt Nam như chùa Một cột, chợ Bến Thành, các lũy tre xanh. Trừ những người chạy bàn bưng thức ăn và dọn dẹp tất cả nữ tiếp viên đều mặc áo dài thướt tha. Ông Tường và Frank gọi mấy miếng chả giò và gỏi cuốn ăn khai vị, Frank gọi một tô phở còn ông Tường gọi tô miến gà. Ông Tường giải thích cho Frank hay rằng ngày xưa trên mâm cúng ngày Tết của gia đình ông luôn có món miến gà nên hôm nay ông muốn ăn lại nó để tưởng tượng như đang thưởng thức bữa ăn Giao thừa ở quê nhà. Frank gọi hai chai bia 33 nhập từ Việt Nam. Cả ông Tường lẫn Frank đều không lạ gì với các chai rượu champagne, cognac hay các loại vang đắt tiền trong các bữa tiệc chiêu đãi sang trọng. Tuy nhiên trong ngày hôm nay Frank muốn uống bia 33 để, theo lời Frank, tưởng nhớ lại những giây phút uống bia con cọp BGI cùng các đồng đội tại chiến trường Việt Nam xưa kia. Khi hai người bắt đầu uống đến chai bia thứ hai thì cũng là lúc ông Tường bắt đầu thổ lộ tâm sự của mình cho Frank biết. Bằng một giọng nói từ tốn ông lần lượt kể cho Frank nghe câu chuyện của những đêm giao thừa xa xưa của mình.

- Năm 1975, sau 4 năm du học ở Mỹ trở về tôi cùng mẹ đón một cái Giao thừa đầu tiên vắng cha. Do cha tôi thường xuyên phải cắm trại hoặc hành quân trong dịp Tết nên ít khi nào tôi được tận hưởng cảnh đón giao thừa quây quần đầy đủ gia đình như các bạn cùng lớp hay lối xóm. Tuy nhiên những lúc ấy tâm trạng của hai mẹ con tôi đều là mong mỏi một năm mới hòa bình đến với mọi nhà để cha tôi được trở về đoàn tụ với vợ con. Lần này thì chúng tôi đã biết chắc rằng sẽ chẳng bao giờ chúng tôi sẽ gặp lại cha nữa. Sau khi hạ mâm cơm cúng hai mẹ con ăn uống dọn dẹp xong thì tôi chở mẹ đi lễ giao thừa ở Việt Nam Quốc Tự. Trong khi chờ mẹ tôi vào chánh điện làm lễ tôi lang thang ra ngoài hóng gió ngắm nhìn thiên hạ qua lại. Thật tình cờ tôi đã gặp lại cô bạn học chung lớp 12 tên Thảo My cũng đang chờ mẹ làm lễ bên trong. Để giết thì giờ chúng tôi đứng nói chuyện với nhau thật lâu một phần vì bạn bè cũ gặp lại có rất nhiều điều muốn nói cho nhau nghe. Lúc bấy giờ Thảo My đang học năm cuối ở trường Dược. Chúng tôi nói chuyện với nhau cho đến khi cả hai bà mẹ cùng tan khóa lễ trở ra mới thôi và tôi cũng không quên hỏi xin địa chỉ để năm mới đến chúc Tết Thảo My và gia đình. Từ đó chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn. Sau biến cố 30 tháng 4 xảy ra Thảo My ra trường và được phân công làm trong một xí nghiệp dược phẩm còn tôi làm công nhân phụ việc cho một nhà máy cơ khí. Chúng tôi vẫn tiếp tục thân thiết với nhau cho đến một ngày giáp Tết đi làm về tôi thấy một người lạ mặt đang ngồi nói chuyện với mẹ trong nhà. Mẹ tôi giới thiệu cho tôi biết đó là chú Phan người lính thuộc cấp thân tín của cha tôi khi xưa. Trước giờ tôi vẫn thường nghe cha tôi nhắc đến chú Phan nhưng đây mới là lần đầu gặp mặt. Chú Phan giờ đây lấy vợ dưới quê và gia đình vợ có cơ sở đóng tàu đi biển. Chú dự định tổ chức vượt biên và không quên đến gia đình người sĩ quan cấp trên ngày xưa. Sau khi chú về hai mẹ con tôi bàn bạc và mẹ tôi đã quyết định ở lại để giữ nhà và chăm sóc phần mộ cha tôi. Riêng phần tôi rất phân vân vì tình cảm giữa tôi và Thảo My đã bắt đầu đậm đà. Không biết tôi có nên thưa chuyện với mẹ để bà đem trầu cau đến dạm hỏi Thảo My để nàng có thể danh chính ngôn thuận đi cùng tôi hay không?

Ba ngày sau khi tôi còn chưa biết quyết định như thế nào thì chú Phan ghé báo cho tôi biết là hôm sau đúng 7 giờ tối đêm 30 tháng Chạp tôi sẽ phải đón chuyến xe lam đặc biệt do chú mướn ra Cần Giờ. Từ đó sẽ đi ghe nhỏ ra đến chỗ chiếc tầu lớn gia đình vợ chú đóng chờ sẵn để ra khơi. Theo kế hoạch của chú tối giao thừa ít người để ý, công an canh gác sẽ lơ là và nhất là đêm tối không trăng rất thích hợp cho việc ra đi. Như vậy tôi chỉ còn vỏn vẹn 24 tiếng để quyết định có nên báo với Thảo My về việc ra đi hay không.  Chiều hôm sau tôi ghé thăm nàng. Trong một năm có lẽ ngày 30 Tết là ngày bận rộn nhất nên tôi không có bao nhiêu thời gian nói chuyện riêng tư với Thảo My. Lúc thì cha Thảo My gọi nàng vào phụ lau chùi các bộ lư đồng, khi thì mẹ nàng gọi để phụ bà chuẩn bị làm cơm cúng. Tôi chỉ nói chuyện qua loa được một lát thì đồng hồ đã điểm 6 giờ tôi phải kiếu từ mà trong lòng buồn bã không biết đến bao giờ mới gặp lại được nàng. Ngồi trên chiếc xe lam do chú Phan thuê để chở người trong nhóm mà lòng tôi như có muôn ngàn cây nến thiêu đốt. Đã thế đến giờ khởi hành thì xe lại hỏng máy mà người tài xế loay hoay mãi đến 8 giờ 30 xe mới chuyển bánh. Cũng may tuy trễ nhưng chuyến đi trót lọt và tôi qua được lập nghiệp ở bên đây cho đến bây giờ như bạn đã biết. Giờ tuổi đã cao tiền tài danh vọng đều đã có tôi chỉ tiếc là giá mà ngày đó tôi can đảm và dứt khoát hơn một chút thì có lẽ giờ đây tôi đã có một mái ấm gia đình như bao người khác. Phải chi chúng ta chế được chiếc máy đi ngược thời gian … Nói tới đây ông Tường trầm ngâm. Frank cũng trầm ngâm tư lự một lát rồi khẽ lên tiếng:

- Đêm nay Tường ngủ lại đón giao thừa ở nhà tôi đi. Chúng ta sẽ uống rượu tâm sự với nhau. Tôi cũng có chuyện muốn kể cho Tường nghe.
Khi về đến nhà Frank, cả hai xuống dưới basement nơi Frank có một bar rượu đủ loại. Frank làm cho mình một ly Scotch pha đá còn ông Tường xin một ly rượu cam Cointreau uống sec. Cả hai ngồi trên chiếc sofa dưới basement mỗi người cầm trên tay ly rượu của mình Frank bắt đầu chậm rãi kể lại câu chuyện của mình bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ nhưng rất lưu loát.

- Tường còn nhớ có lần tôi kể cho nghe về vết sẹo trên vai tôi không. Đó là vào giữa tháng ba năm 1972 khi ấy tôi còn là một trung úy của lực lượng đặc biệt đóng quân trên cao nguyên miền Trung nước Việt. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc đó là huấn luyện cho các đơn vị biệt kích Việt Nam mà phần lớn là người dân tộc Nùng di cư từ Bắc vào. Một hôm tôi dẫn đơn vị Biệt kích Nùng đi hành quân trong rừng thì lọt vào ổ phục kích của đám du kích cộng sản người Thượng. Do bị bất ngờ chúng tôi bị thiệt hại nặng ngay những phát súng đầu tiên. Người tiểu đội trưởng và người lính truyền tin đi ngay sau tôi đều tử thương. Riêng tôi bị một viên đạn súng trường CKC xuyên qua bả vai nhưng do huấn luyện kỹ càng chúng tôi đã nhanh chóng chỉnh đốn hàng ngũ và đáp trả khiến chúng tháo chạy bỏ lại xác hai tên du kích. Cũng may bọn du kích Thượng không được trang bị AK47 nếu không ở khoảng cách gần như vậy tầm sát thương sẽ mạnh hơn nhiều. Trong lần phục kích đó máy truyền tin của đơn vị chúng tôi cũng bị hư hỏng nên không liên lạc được với đơn vị lực lượng đặc biệt Mỹ để đưa tôi về bịnh viện dã chiến. Các người lính biệt kích Nùng đã đưa tôi về trạm xá của huyện lỵ gần đó. Nơi đây tôi được chăm sóc chu đáo bởi bàn tay dịu dàng của một cô y tá Việt Nam tên Lan Chi. Trong suốt ba ngày dưỡng thương ở trạm xá huyện để chờ liên lạc về đơn vị là ba ngày thần tiên của tôi. Do nói tiếng Việt lưu loát tôi và nàng đã có những buổi nói chuyện với nhau rất lâu. Lan Chi cho biết cha nàng là một công chức ở trên tỉnh lỵ. Nàng xuống làm việc dưới trạm xá huyện xa xôi này theo ca và khi hết ca Lan Chi sẽ lại trở lên tỉnh với gia đình. Hôm đầu khi những nguời lính Việt Nam đưa tôi đến cũng chính là ngày đi làm đầu tiên của Lan Chi ở trạm xá. Đến ngày thứ 4 dưỡng thương khi trực thăng đáp xuống để chuyển tôi về bịnh viện dã chiến Mỹ thì trúng vào ca nghỉ của Lan Chi nên tôi không gặp được nàng để chia tay và hỏi xin địa chỉ để liên lạc. Trong thâm tâm tôi nhất định sẽ ghé lại kiếm nàng ở trạm xá này. Nhưng sự đời không diễn ra như mình muốn sau khi dưỡng thương thì tôi nhận được lịnh thuyên chuyển về lại Mỹ. Đối với các bạn lính khác thì như vậy là tin mừng của họ nhưng với tôi thì đó là một chuyện buồn vì tôi sẽ khó có cơ hội gặp lại Lan Chi.

Sau đó tôi vẫn có dự định sẽ xin nghỉ phép quay về huyện lỵ nhỏ bé xa xôi đó tìm lại Lan Chi nhưng chiến sự tràn lan và miền Nam sụp đổ khiến tôi không còn một tia hy vọng nào. Phần tôi tiếp tục phục vụ trong đơn vị cho đến cấp bậc thiếu tá thì giải ngũ. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ đến bóng dáng mảnh mai cùng làn mi thanh tú của Lan Chi. Ngày đó tôi rất thích nghe các bản nhạc Việt Nam và có một bản tôi rất thích vì nó khiến tôi liên tưởng ngay đến Lan Chi. Giờ đây tôi chỉ còn nhớ có một câu trong bản nhạc ấy thôi đó là "thương em mong manh như một cành lan".

Nói đến đây Frank làm cho mình một ly Scotch nữa và rót thêm rượu Cointreau vào ly cho ông Tường. Frank lại nói tiếp.

- Nhưng vấn đề chính tôi mời Tường lại đây hàn huyên đêm nay không phải chỉ có vậy. Tường có tin vào giả thuyết cho rằng không gian và thời gian có thể bị bẻ cong và con người có thể đi ngược thời gian để trở về quá khứ không? Công ty chúng ta đã từng viết vô số những chương trình cho trò chơi điện tử để đưa con người vào không gian ảo nhưng biết đâu chính chúng ta cũng không ngờ những không gian đó là thực chứ không hề ảo. Gần đây tôi được giới thiệu đến một nơi đặc biệt mà họ có thể đưa ký ức chúng ta về nơi mà ta muốn. Hiện thời công trình khoa học này còn đang trong thời gian thử nghiệm nên họ chưa muốn công bố chính thức hơn nữa nếu công trình này lọt vào tay những kẻ xấu thì có thể rất nguy hiểm. Do đó họ chỉ nhận giới thiệu và làm cho những ai có uy tín và nhất là giá cả rất cao. Một tiếng cho cuộc thử nghiệm tôi đã phải trả hơn 100 ngàn đô la. Nhưng đối với những người như chúng ta thì số tiền đó đâu là gì to tát so với sự việc được sống lại phần ký ức tươi đẹp của mình. Chắc Tường nghĩ tôi đã bị lừa gạt. Tôi xin nói thật với Tường là cho dù tôi phải mất vài trăm ngàn đô la thì tôi vẫn sẽ sẵn sàng thử nghiệm lần nữa. Để tôi kể cho Tường nghe chi tiết sự việc.

Trước hết họ sẽ hỏi mình muốn quay về ký ức của khoảng thời gian nào và tiêm cho mình một liều thuốc ngủ. Sau đó họ sẽ scan bộ não của mình và lưu tất cả dữ kiện trong các tế bào thần kinh lại như một bộ nhớ máy điện toán. Sau đó họ chỉ cần phân tích memory của mình và chia thành từng sector nhỏ và gửi các tín hiệu đó trở lại bộ não của mình. Như vậy trong giấc mơ bạn sẽ được quay trở về với ký ức của mình. Trên lý thuyết là như vậy nhưng họ cũng lưu ý mình trước là thời gian quay trở lại ký ức không thể nào hoàn toàn chính xác như mình muốn được. Và còn một điều nữa là tùy theo các sóng điện trong não mình mạnh hay yếu thời gian trong giấc mơ của một tiếng ngủ trong lúc thử nghiệm có thể kéo dài từ hai, ba ngày đến mười mấy ngày hoặc cũng chỉ là một khoảnh khắc ngắn mà thôi. Họ sẽ không bảo đảm trong một tiếng ngủ chúng ta sẽ được trải qua thời gian dài bao lâu trong miền ký ức quá khứ đó. Không cần nói chắc Tường cũng biết tôi muốn quay lại vào thời gian nào rồi phải không.

Không chờ ông Tường trả lời, Frank chậm rãi tiếp.

- Khi họ tiêm cho tôi liều thuốc ngủ và bắt đầu scan bộ não thì tôi thiếp đi và thấy mình đang ôm súng dẫn toán biệt kích đi vào ven rừng. Như vậy là ký ức đã đưa tôi về sớm hơn dự tính một chút. Như vậy cũng sẽ tốt cho tôi. Bởi biết trước sẽ có toán du kích Thượng phục kích tôi hướng dẫn toán biệt kích đi vòng qua hai bên và bất ngờ ập vào tấn công bọn chúng. Chúng tôi đã tiêu diệt được toán du kích mà không hề có một thương vong nào. Liên lạc về đơn vị báo cáo xong xuôi tôi dự đính sẽ đi xuống trạm xá huyện để kiếm Lan Chi thì được lệnh hành quân tiến sâu vào rừng để truy đuổi nốt các nhóm du kích khác. Sau ba ngày miệt mài truy đuổi cuối cùng chúng tôi đã tiêu diệt được vài tên du kích và số còn sót lại bỏ tháo chạy vào rừng sâu. Đến đây chúng tôi được lệnh rút quân về. Được nghỉ ngơi một ngày tôi tranh thủ xuống huyện lỵ tìm đến trạm xá nhưng chỉ gặp người y tá khác. Khi hỏi thăm Lan Chi thì được biết nàng vừa hết ca trực phải ba ngày sau mới quay trở lại làm. Lúc này tôi nhận được lệnh phải tiếp tục truy lùng tàn dư đám du kích quanh vùng để bảo đảm an ninh cho huyện lỵ nhỏ bé này. Trách nhiệm của người lính lực lượng đặc biệt không cho phép tôi bỏ đồng đội trong lúc này để về tỉnh lỵ kiếm Lan Chi. Ngày ngày tôi vẫn cùng các người lính biệt kích đi hành quân quanh những vùng rừng núi gần huyện lỵ chờ đến khi Lan Chi quay xuống trạm xá thì tôi sẽ gặp nàng. Thêm ba ngày chờ đợi trôi qua đã đến ca trực của Lan Chi thì cũng là lúc tôi tỉnh giấc mơ. Như vậy một tiếng đồng hồ của đời thực tương đương với 7 ngày trong mơ của tôi. Bảo phải bỏ ra hơn 100 ngàn đô cho một tiếng thì có thể ta sẽ cảm thấy quá đắt nhưng so với được sống lại 7 ngày của quá khứ tươi đẹp thì tôi thấy không đắt tí nào. Chỉ tiếc là trong 7 ngày đó tôi đã không gặp lại được Lan Chi.

Nói đến đây Frank hớp một ngụm rượu rồi đăm chiêu nhìn ông Tường và từ từ kéo trễ một bên vai áo ra cho ông Tường xem một bên vai trần của mình. Ông Tường đang bị lôi cuốn bởi câu chuyện của Frank nên cũng hơi bất ngờ và không hiểu ý Frank. Thấy cử chỉ lúng túng của ông Tường, Frank chậm rãi nói:

- Tường đã quên tôi kể bị viên đạn CKC bắn xuyên qua bả vai phải sao. Nhờ vết thương đó mà tôi mới gặp được Lan Chi. Ngày hôm sau của buổi thử nghiệm đó tôi tình cờ soi gương và không hề thấy vết sẹo đâu cả. Như vậy cái mà mình cứ nghĩ là ảo chính là thực. Thì ra tôi đã thật sự quay trở lại miền quá khứ và đã thay đổi được vận mệnh của mình.

Nghe đến đây ông Tường há hốc mồm kinh ngạc và nhìn kỹ vai Frank. Quả nhiên vai của Frank lành lặn không hề có vết sẹo mà ngày trước trong một lần đi tắm biển chung ông đã nhìn thấy rõ ràng một vết đạn bắn sâu hoắm nơi vai phải của Frank. Hơi thở ông dường như nghẹn lại. Như vậy liệu ông có thể gặp lại được Thảo My hay không? Như đoán được ý nghĩ của ông, Frank nói:

- Đây chính là mục đích mà tôi muốn nói với Tường ngày hôm nay. Nếu Tường muốn, tôi sẽ giới thiệu bạn đến đó để bạn có thể tùy ý quay về bất cứ lúc nào, nơi nào của miền quá khứ của bạn. Và chính tôi cũng sẽ quay lại đó lần nữa và nhất định lần này bất chấp chuyện gì xảy ra tôi sẽ phải có mặt ở trạm xá huyện vào đúng ca trực của Lan Chi.

Frank đưa cho ông Tường tấm business card trên có dòng chữ Zelda Neurology Center cùng số điện thoại và địa chỉ.  Trung tâm này nằm cũng không xa nơi ông và Frank ở lắm chỉ chừng hai tiếng lái xe. Tối đó ông ngủ lại nhà Frank mà mặc dù uống khá nhiều rượu bia trước đó ông vẫn trằn trọc không ngủ được ngay và mãi đến hơn ba giờ sáng ông mới thiếp đi và nằm mơ thấy mình thời còn trai trẻ. Trong giấc mơ chàng trai tên Tường đã xin phép mẹ để đem sính lễ sang nhà người bạn gái của mình.

Ngày weekend trôi qua một cách chậm chạp để rồi thứ hai lại đến bắt đầu một tuần lễ làm việc mới. Việc làm đầu tiên của ông Tường là nhấc điện thoại gọi cho Zelda Neurology Center lấy hẹn. Đúng như Frank nói việc lấy hẹn với trung tâm này rất khó. Trước hết họ muốn biết ai là người giới thiệu sau đó ông Tường còn phải qua một cuộc phỏng vấn dài qua phone trước khi lấy được một cái hẹn làm một cuộc tham khảo trực tiếp. Trong lần tham khảo đó họ đã bắt ông làm đủ các thủ tục giấy tờ cũng như kê khai rất rõ về những ký ức của mình mà họ đòi hỏi chính xác phải cho biết rất rõ về khoảng thời gian cũng như không gian xảy ra của các ký ức đó. Nếu không do tin cậy vào người cộng tác thân tín lâu năm như Frank ông Tường đã cho đây là một tổ chức lừa đảo để lấy cắp những thông tin cá nhân của khách hàng. Cuối cùng thì ông cũng lấy được hẹn để làm cuộc thử nghiệm mà Frank gọi là đi về miền quá khứ. Ông Tường vui mừng gọi cho Frank thì cũng được biết Frank đã lấy hẹn để làm thử nghiệm lần thứ hai và chỉ làm trước ông Tường một ngày. Khi được hỏi có phải Frank sẽ chọn thời điểm quay lại là lúc đang nằm dưỡng thương ở trạm xá để chắc chắn sẽ gặp lại Lan Chi không thì Frank cho biết ông vẫn chọn thời điểm trước khi xảy ra cuộc phục kích vì ông vẫn không quên hình ảnh người vợ ôm con nhỏ còn đỏ hỏn khóc vật vã bên xác chồng là người lính tiểu đội trưởng. Frank không muốn phải chứng kiến chuyện như vậy một lần nữa trong đời mình. Frank lên kế hoạch sẽ tìm cách bắn bị thương hoặc bắt sống một tên du kích Thuợng và đem về trạm xá vừa để hỏi cung lấy tin tức về đám du kích trong rừng vừa có cơ hội gặp lại Lan Chi. Buổi chiều hôm trước cuộc thử nghiệm lần hai của Frank, trước khi ra về ông Tường ghé qua phòng làm việc của Frank bắt tay chúc bạn may mắn và vì hai người sẽ chỉ gặp lại nhau sau khi ông Tường làm cuộc thử nghiệm lần đầu của mình họ hẹn nhau sẽ không liên lạc trước bằng điện thoại mà sẽ trực tiếp kể cho nhau nghe khi cả hai quay lại làm việc.

Buổi sáng sớm hôm sau ông Tường lái xe xuống thành phố nơi Zelda Neurology Center tọa lạc. Đây là một tòa nhà lớn với hình thức giống như một bệnh viện mà các nhân viên đều mặc áo choàng màu xanh lam. Hẹn của ông vào buổi chiều nhưng ngay từ sáng ông đã phải có mặt ở đó để làm đủ thứ thủ tục giấy tờ và các công việc chuẩn bị khác. Cuối cùng thì ông được họ đưa lên nằm trên một cái giường đưa vào một vòm máy tương tự như máy cắt lớp CT Scan của các bệnh viện. Trong hồ sơ ông ghi rõ yêu cầu được họ đưa trở về vào thời điểm buổi trưa ngày 30 Tết Bính Thìn năm 1976 để ông có đủ thời gian thưa chuyện với mẹ về ý định cùng đưa Thảo My đi theo. Sở dĩ ông không muốn quay về sớm hơn nữa vì theo như trung tâm và cũng như Frank nói trước đó họ không thể bảo đảm chính xác giấc mơ của ông sẽ kéo dài được bao lâu trong một tiếng đông hồ của cuộc thử nghiệm. Họ cũng không dám bảo đảm chính xác thời điểm mà giấc mơ đưa mình trở về như trong trường hợp của Frank trong cuộc thử nghiệm lần đầu đã sớm hơn khoảng vài tiếng. Tất cả đều phụ thuộc vào độ mạnh và tần số của các làn sóng điện trong não của mỗi người. Sau khi được tiêm thuốc ngủ ông Tường thấy cảnh vật trong phòng lab mờ dần và bắt đầu chìm vào giấc ngủ.

Ông Tường thấy mình đang đi bộ rời nhà trên vai đeo túi xách có vài bộ quần áo và chai nước cùng một  miếng cơm nắm. Nhìn chiếc đồng hồ đeo tay cũ kỹ của cha ông để lại lúc đó là 6 giờ 15. Như vậy giấc mơ đã đưa ông về trễ hơn dự tính. Lúc này chính là lúc ông vừa đạp xe từ nhà Thảo My về chào mẹ để đi bộ ra chỗ hẹn đón xe lam. Ông nhẩm tính từ nhà mình đến nhà Thảo My đạp xe đi về hai chặng mất 20 phút, từ nhà ông đi bộ ra chỗ hẹn đón xe mất 10 phút. Chiếc xe lam sẽ bị hỏng máy và không thể khởi hành đến 8 giờ 30. Trừ đi 30 phút chạy qua lại giữa hai bên thì ông chỉ còn có một tiếng 45 phút để thuyết phục Thảo My cũng như xin phép cha mẹ nàng. Nghĩ đến đây ông vội vàng quay về nhà và xách xe chạy như bay đến nhà Thảo My trước ánh mắt ngỡ ngàng của người mẹ. Dựng xe trước cổng nhà Thảo My ông giơ tay tính bấm chuông thì nghe tiếng ba Thảo My nói vọng ra:

- Ba đã nói con rồi, con nên nói dứt khoát với thằng Tường đi đừng để nó qua lại thân thiết như vậy nữa. Thằng Tường cũng hiền lành đàng hoàng nhưng nếu lấy nó con sẽ khổ. Thằng Trực con bác Yến dù sao cũng là bác sĩ xứng với con hơn. Bác Yến đã có ý ngỏ lời với ba mẹ rồi. Bác ấy là bạn học cũ của mẹ con còn bác trai trước giờ mình tưởng đã mất nhưng giờ mới biết là ông ta đi tập kết giờ làm cán bộ lớn trên quận. Lấy Trực con sẽ có tương lai sáng sủa hơn nhiều. Con cứ để nó ghé chơi như vậy lỡ thằng Trực hay bác Yến biết được thì không tốt.

- Thì con cũng biết vậy mà ba. Thảo My trả lời. Nhưng giữa con và Tường chỉ là bạn học cũ qua lại với nhau như vậy thôi thì con biết nói gì với Tường bây giờ. Không lẽ người ta đến chơi mình không tiếp.

Tai ông Tường như ù đi và hai chân như muốn khuỵu xuống. Ông lặng lẽ đạp xe quay trở về nhà. Trên đường về ông nghĩ mông lung và tự trách mình trước giờ cứ mơ mộng tưởng tượng vẩn vơ và cũng tự trách mình quá khô khan không biết chủ động để bày tỏ tình cảm của mình. Giờ có thời gian suy nghĩ kỹ thì quả đúng là giữa ông và Thảo My chỉ là tình bạn cũ đúng nghĩa. Tính suốt thời gian gặp lại cho đến nay thì hai người chỉ qua lại với nhau đúng 1 năm. Trong một năm đó ông chưa hề tỏ tình với Thảo My và hai người cũng chưa từng đi chơi với nhau ngoài vài lần tan ca ông ghé qua xí nghiệp dược phẩm đón Thảo My về hai người ghé uống nước mía hay đá chanh ở các quán nhỏ ven đường. Phần lớn thời gian gặp nhau là khi ông lại chơi nhà Thảo My chứ nàng cũng chưa hề ghé nhà ông mặc dù ông cũng có cho địa chỉ. Chả trách gì sau khi đi vượt biên mẹ ông cho biết Thảo My không hề ghé hỏi han gì về tin tức ông cũng như ông có gửi về cho Thảo My vài lá thư khi mới đặt chân qua Mỹ đều không nhận được hồi âm. Thảo My chỉ xem ông như một người bạn học cũ đúng nghĩa. Quay về nhà cất xe ông ôm chặt mẹ từ giã vì biết đây là lần cuối ông gặp được mẹ. Trước đó khi vừa quay về từ nhà Thảo My ông đã cố gắng thuyết phục mẹ đi theo mình nhưng mẹ ông vẫn khăng khăng từ chối vì không muốn bỏ lại phần mộ của người chồng quá cố. Chuyến đi xảy ra y hệt như đã diễn ra trước kia. Cũng vẫn chiếc xe lam hỏng máy khởi hành trễ lúc 8 giờ 30. Cũng vẫn chuyến ra khơi chạy liên tục trên biển hai ngày đêm ra hải phận quốc tế để rồi hỏng máy trôi dạt lênh đênh thêm 3 ngày nữa trước khi được gặp một tàu hàng của Mỹ cứu vớt. Và cũng sau hai ngày tạm trú trên chiếc tàu hàng trước khi họ cập bến Hong Kong giao toàn bộ số thuyền nhân cho đại diện của ủy ban người tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại đó. Đến đây ông tỉnh giấc và thấy mình còn nằm trên chiếc máy scan của phòng lab. Trước mặt là người y tá mặc áo choàng xanh mỉm cười dịu dàng. Như vậy cũng giống như Frank ông đã trải qua 7 ngày đêm trong thời gian quá khứ cho một tiếng đồng hồ của thời hiện tại.

Sáng hôm sau ông Tường quay trở lại làm việc với tâm trạng vừa thảnh thơi vừa háo hức. Thảnh thơi vì đã thông suốt được sự việc khiến ông băn khoăn suốt mấy chục năm qua. Giờ đây nó như chiếc nút thắt chặt nay đã được tháo lỏng. Từ nay trở đi ông sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản chấp nhận cuộc sống của mình hiện tại và nhất là bên cạnh ông còn có Frank một người cộng sự tin cậy và cũng là người bạn tâm giao. Đó chính là lý do khiến ông háo hức muốn mau gặp lại Frank để hỏi xem kết quả chuyến đi về quá khứ của ông ta ra sao. Vừa bỏ chiếc cặp da đựng giấy tờ xuống bàn ông đi vội đến phòng làm việc của Frank. Trên cánh cửa phòng của Frank có gắn bảng tên Richard Satira, phó giám đốc. Ông ngạc nhiên vì Richard là phó giám đốc kỹ thuật đúng ra phòng làm việc phải ở tầng khác. Ông mới nghỉ có một ngày mà sao có thay đổi nhanh vậy. Ông gõ cửa rồi đi vào. Richard cười vui vẻ chào ông.

- Hi Mr. Tran, hôm nay ông cảm thấy thế nào? Không như Frank, Richard chỉ cỡ chừng ngoài 55 mà tuy đã làm ở đây trên 10 năm vẫn còn gọi ông bằng họ mặc dù đã nhiều lần ông có nói Richard có thể gọi ông là Tường như Frank vẫn gọi. Có lẽ họ Trần của ông phát âm dễ hơn tên Tường của ông.

- Tôi vẫn khỏe cám ơn Rich. Mà Rich này anh có biết văn phòng của Frank chuyển đi đâu không?

- Frank nào thưa ông? Theo tôi biết thì khu văn phòng này làm gì có ai tên Frank. Richard tỏ vẻ ngạc nhiên.

Sự ngạc nhiên của Richard chắc chắn không thể nào so sánh được bằng sự kinh ngạc của ông Tường. Ông bèn nói chữa rằng mình đã nhầm và quay trở về văn phòng của mình. Ông Tường dở hồ sơ ra xem sơ đồ cơ cấu hành chính của công ty thì chỉ thấy tên mình là giám đốc và bên dưới chỉ có một phó giám đốc là Richard Satira. Ông mở computer ra kiếm danh sách nhân viên thì không hề có tên Frank Sweet. Bất chợt ông nhìn lên vách tường nơi có treo tấm hình ông và Frank cắt băng khánh thành nhân dịp khai trương khu văn phòng mới này một vài năm trước. Tấm ảnh vẫn còn trên tường nhưng trong đó chỉ là hình ông và Richard đang tươi cười cầm kéo cắt giải ruy băng. Ông mở vội cell phone mình ra bấm để gọi cho Frank thì lạ lùng thay phone book trong cell phone của ông không hề có tên Frank. Do luôn gọi cho Frank bằng cách bấm số tắt trong phone book nên ông không thể nào nhớ được số phone nhà cũng như số cell phone của Frank. Chợt nhớ đến cuộc thử nghiệm hôm qua ông gọi ngay đến trung tâm Zelda để hỏi về Frank nhưng họ từ chối cung cấp mọi thông tin liên quan đến các khách hàng khác để bảo đảm bí mật mặc dù ông có nói chính Frank là người đã giới thiệu cho ông làm cuộc thử nghiệm vừa rồi. Ông nghĩ chỉ còn một cách là chiều nay tan sở sẽ ghé về nhà Frank xem sao.

Khu nhà Frank ở là khu thượng lưu có cổng gác và khách đến thăm phải bấm gọi hệ thống liên lạc vào nhà. Ông Tường ghé vô cổng bấm địa chỉ nhà Frank thì lại xuất hiện tên một người khác lạ hoắc. Ông gọi phone cho văn phòng quản lý khu dân cư này và được biết không có ai họ Sweet ở đây cả. Hôm sau vào sở ông gọi ngay người thư ký riêng vào văn phòng. Beth là thư ký của ông Tường hơn 15 năm nay. Beth là người thư ký có đầy đủ tiêu chuẩn cho một nguời giám đốc khó tính như ông Tường. Beth mới trạc ngoài 50 có vẻ mặt đầy đặn phúc hậu của các bà quản gia Mỹ đen trong phim ảnh Hollywood thời xưa nhưng lại không ồn ào nói nhiều như đa số các bà các cô Mỹ đen của thời nay. Beth lanh lợi nhanh nhẹn và có bằng cao học về văn chương. Một trong những tiêu chuẩn ông Tường đưa ra khi mướn thư ký đó là phải giỏi về văn chương bởi dù ông có học cao đến đâu thì Anh văn với ông cũng không phải tiếng mẹ đẻ. Do đó ông cần một người thư ký giỏi về văn chương để có thể soạn thảo cho ông các công văn, hợp đồng cũng như sửa chữa giùm các tài liệu do ông viết.

- Beth làm ơn liên lạc với bộ cựu chiến binh t́m thông tin về một người giúp tôi. Beth đã có giấy bút hay note pad để ghi lại chưa. Người đó là cựu thiếu tá à không Beth cứ kiếm giùm tôi một người tên Frank Sweet sinh năm 1946 phục vụ trong lực lượng đặc biệt tham chiến tại Việt Nam vào khoảng thời gian 1966 đến 1972 với cấp bậc trung úy. Tất cả các chi phí liên quan về việc này Beth cứ tính vào ngân sách chi tiêu linh tinh của văn phòng giám đốc nhé.

Một tuần sau Beth gõ cửa bước vào văn phòng ông Tường đưa cho ông một phong bì lớn màu vàng và nói:

- Đây là hồ sơ bên bộ cựu chiến binh gửi sang thưa ông giám đốc. Cũng may chúng ta vừa ký một hợp đồng làm chương trình trò chơi điện tử ba chiều về những người lính SEAL nên bên bộ cựu chiến binh có biết đến tên tuổi của ông và công ty nên mọi việc cũng khá dễ dàng.

Beth tuy làm cho ông một thời gian dài nhưng ông vẫn muốn Beth giữ cách xưng hô theo đúng quan hệ công việc như vậy với ông vì như thế thuận tiện cho những khi gặp mặt các đối tác ký hợp đồng hoặc trong các buổi họp quan trọng với các thành viên trong ban quản trị. Cầm lấy phong bì ông cám ơn Beth rồi chờ bà ta đi ra ngoài mới mở lôi ra một xấp hồ sơ mỏng. Trang đầu có ghi rõ lý lịch và có đính kèm một tấm hình đen trắng của một người thanh niên tóc vàng mà có những đường nét không thể lẫn vào đâu được với người bạn già Frank Sweet của ông. Ông lướt nhanh qua trang đầu rồi lật đến trang cuối nhìn hàng chữ dưới cùng mà giật mình không tin vào mắt mình. Killed in action on March 18, 1972 in Kontum, Vietnam. Đó chính là khoảng thời gian mà Frank dự định quay trở lại tìm Lan Chi. Ông Tường bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho Frank trong lần thử nghiệm thứ hai trước ông một ngày hôm đó. Theo như hồ sơ xác Frank được an táng ở nghĩa trang tử sĩ Arlington. Ông vội nhấc phone gọi cho Beth.

- Beth này làm ơn giúp tôi vài chuyện. Đặt phòng khách sạn dùm tôi ở Washington DC cứ đặt 4 đêm kể từ ngày mai, có gì tôi báo để Beth gia hạn thêm sau. Liên lạc với bên hành chánh báo cho chuẩn bị máy bay đưa tôi qua DC vài ngày và phái tài xế đến đón tôi sáng sớm mai rồi đi theo cùng luôn. Sau đó Beth tìm hiểu xem tên của Frank Sweet khắc chính xác ở chỗ nào trên bức tường đá kỷ niệm cựu chiến binh Việt Nam và mộ ông nằm nơi nào ở nghĩa trang Arlington. Khi có chi tiết Beth cứ gửi thẳng cho tài xế, tôi không muốn đến lúc đó phải mất thêm thì giờ tìm kiếm. Mọi chuyện của hãng tạm thời giao cho phó giám đốc Satira giải quyết có chuyện gì quan trọng thì nói ông ta liên lạc thẳng với tôi.
Tính ông Tường là vậy bình thường ông rất từ tốn với mọi người nhưng một khi có chuyện quan trọng ông thường ra một loạt mệnh lệnh mà mọi người đều phải răm rắp tuân theo không ai dám thắc mắc lý do.

Đứng trước bức tường đá đen bóng phản chiếu hình ảnh mình trước tên Frank Sweet ông Tường trầm ngâm không biết mình đang ở trong mơ hay sống ở đời thực. Do Frank mất vào gần những năm cuối cùng khi người Mỹ còn tham chiến ở Việt Nam nên tên ông được khắc ở đoạn gần cuối. Rời bức tường đá đen tưởng niệm các chiến sĩ tử vong trong trận chiến Việt Nam người tài xế đưa ông Tường đến nghĩa trang tử sĩ Arlington. Do đã có thông tin sẵn từ Beth, người tài xế đưa ông Tường đến thẳng trước mộ của Frank. Một lần nữa đứng trước một bằng chứng hiển nhiên về cái chết của Frank ông Tường vẫn không dám tin vào mắt mình. Đột nhiên ông Tường để ý thấy có một cái huy hiệu nhỏ để ngay dưới tấm bia đá của Frank. Cái huy hiệu có dòng chữ Việt "Hội viên danh dự cựu quân nhân Biệt Động Quân quân lực VNCH". Như vậy ông Tường hy vọng đã có thể tìm ra thêm manh mối về Frank qua những người đồng hương. Sau khi trở về khách sạn ông Tường vào máy tính xách tay của mình để tìm kiếm các hội đoàn cựu quân nhân Việt Nam. Sau nhiều cú điện thoại gọi nói chuyện với các hội đoàn lớn nhỏ của các cựu quân nhân quân lực VNCH khắp nơi trên nước Mỹ rốt cuộc ông cũng tìm ra được hội cựu quân nhân Biệt Động Quân chủ nhân của chiếc huy hiệu kia. Sau một hồi nói chuyện với nhiều người khác nhau từ hội trưởng, hội phó đến thư ký, thủ quỹ của hội cuối cùng ông mới được tiếp chuyện với người đã để huy hiệu nơi bia mộ Frank. Đó là cựu trung úy biệt động quân Nùng Văn Sâm. Ông Sâm tự nhận là người đã có mặt tại giờ phút Frank hy sinh. Mừng rỡ do kiếm được đầu mối quan trọng cho cái chết của người cộng sự thân tín ông Tường mời cựu trung úy Sâm gặp mặt ở một nhà hàng trong khu thương xá Eden của người Việt trong vùng. Tuy nhiên ông Sâm nói do tuổi già sức yếu cộng thêm chân tàn tật nên đã mời ông Tường ghé thăm mình tại một khu apartment dành cho người già trong chương trình housing của chính phủ.

Buổi chiều hôm đó người tài xế chở ông Tường đến khu housing rồi quay về khách sạn chờ ông Tường gọi đón lúc xong việc. Không biết làm quà gì cho người mới quen ông Tường đem đến một chai rượu Remy Martin XO. Truớc mặt ông Tường là một người đàn ông cỡ hơn ông vài tuổi tuy đầu bạc trắng nhưng vẫn còn nét quắc thước ngồi xe lăn với đôi chân cụt đến đầu gối. Người cựu trung úy Biệt Động Quân chìa tay ra bắt tay ông Tường và mời khách vào trong. Ông Sâm mở lời:

- Thật xin lỗi đã phải mời ông quá bộ đến đây. Giờ già trở bịnh nhiều quá hơn nữa đôi chân tàn phế đi lại thật bất tiện nên đành ngồi xe lăn để tiếp ông tại nhà mong ông thứ lỗi.

- Dạ xin ông đừng bận tâm, được ông bỏ thời gian ra tiếp là điều may mắn cho tôi rồi. Ông Tường đỡ lời và trao chai rượu cho chủ nhà. Tôi ở nơi xa đến đây không có gì làm quà chỉ có chai rượu này xin ông vui lòng nhận cho.

Ông Sâm cám ơn đón chai rượu và lấy ra hai chiếc ly khui ngay chai rượu rót ra mời khách. Có lẽ đã quá quen với đôi chân cụt nên sự di chuyển cũng như các thao tác của ông rất nhanh nhẹn. Chỉ với vài phút giáp mặt ông Tường đã có cảm tình ngay với người cựu chiến binh này. Vừa nâng ly cụng và hớp một ngụm rượu ông Sâm hỏi:

- Xin lỗi cho phép tôi được tò mò một chút. Quan hệ giữa ông và cố trung úy Frank Sweet như thế nào mà ông phải lặn lội đường xa đến đây để tìm hiểu.

Không biết phải nói sao cho xuôi tai ông Tường bịa ra rằng trong chỗ làm việc có người quen có họ hàng với Frank nên nhân tiện ông đi công tác qua đây nên họ nhờ kiếm tin tức giùm và tình cờ gặp được ông Sâm. Chẳng biết ông Sâm có tin hay không chỉ thấy ông gật gù rồi bắt đầu kể bằng một giọng nói đều đều êm tai:

- Tôi sinh ra trong một gia đình người Nùng di cư vào Nam năm 1954. Vì chúng tôi quen sống trong rừng núi nên vào những năm dưới thời ông Diệm người Mỹ đã tuyển rất nhiều người Nùng chúng tôi vào các đội biệt kích để hoạt động chiến tranh chống du kích và do thám. Các toán biệt kích đó nằm dưới sự huấn luyện và chỉ huy hoàn toàn của các toán lính mũ nồi xanh Mỹ. Đến khi đủ tuổi lính tôi cũng muốn theo chân cha anh tình nguyện vào lính biệt kích lúc này đã hoàn toàn do chính phủ Việt Nam kiểm soát. Nguời Mỹ chỉ giữ vai trò cố vấn và huấn luyện. Được vài năm tôi được tuyển theo học ở trường Bộ binh Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp tôi đon leo chuẩn úy về làm tiểu đội trưởng. Đơn vị tôi được sát nhập với liên đoàn Biệt Động Quân đóng ở Kontum. Thời gian này tôi quen Frank do đơn vị lực lượng đặc biệt của anh ấy làm cố vấn cho liên đoàn Biệt Động Quân của chúng tôi. Frank thuờng đi theo tiểu đội của chúng tôi săn lùng các toán du kích hoạt động trong rừng núi. Frank nói lưu loát tiếng Việt và rất cởi mở vui vẻ nên tất cả anh em chúng tôi đều mến. Vào một buổi sáng tháng ba, chính xác là ngày 18 tháng 3 năm 1972 đơn vị chúng tôi đi cùng Frank vô rừng tuần tra như thường lệ. Được một quãng Frank đang đi đầu bỗng đứng khựng lại, tôi và người lính truyền tin bèn tiến lên xem có chuyện gì. Lúc đó tôi thấy nét mặt Frank bỗng như biến sắc, trong một tích tắc ngắn ngủi đó Frank như người bị mộng du bỗng bừng tỉnh. Frank chợt hét to một tiếng và nhoài người xô tôi cùng người lính truyền tin ngã sấp còn mình thì vác tiểu liên bắn xối xả vào bụi rậm bên đường. Sau đó thì đạn bay tới tấp về phía chúng tôi riêng Frank thì ngã vật ra nằm bên cạnh, lúc đó tôi mới biết bị lọt vào ổ phục kích. Sau khi chỉnh đốn hàng ngũ và phản công, địch quân đã tháo chạy bỏ lại hai xác bên bụi rậm mà có lẽ họ trúng đạn ngay từ những phát súng đầu của Frank. Thật sự tôi cũng không hiểu được tại sao Frank có thể biết có địch trong bụi rậm đó và bắn chúng một cách chính xác như vậy. Bên ta ngoài Frank thì không một ai bị thương. Frank trúng đạn rất nặng. Một phát xuyên bả vai phải, hai phát trúng ngực. Tôi và người lính truyền tin nghĩ nếu chúng tôi không được Frank xô ngã kịp thời thì ít nhất một trong ba viên đạn trúng Frank phải dành cho một trong hai đứa chúng tôi. Khi thấy người lính truyền tin cố liên lạc về đơn vị để trực thăng đến bốc Frank về hậu cứ thì Frank cố gắng thều thào nói với tôi là hãy đưa anh ấy về trạm xá huyện gần nhất để gặp cô y tá trực tên Lan Chi. Khi chúng tôi đưa được Frank về trạm xá cô y tá nhào ra cố gắng tìm cách cầm máu cho Frank thì anh ta bỗng mở mắt nắm chặt lấy tay cô ấy và trên môi Frank nở một nụ cười mãn nguyện. Frank trút hơi thở cuối cùng ngay lúc ấy, vừa lúc trực thăng cứu thương đáp xuống để đón. Khi chúng tôi hỏi cô y tá có quan hệ như thế nào với viên trung úy lực lượng đặc biệt Mỹ này và thuật lại yêu cầu của Frank khi bị thương thì cô ta rất ngạc nhiên và nói đây là lần đầu tiên cô ta gặp mặt người lính Mỹ này. Chúng tôi không ai hiểu vì sao Frank lại biết tên cô ta và nhất là hôm đó chính là ngày trực đầu tiên của Lan Chi ở trạm xá huyện này. Hôm đó là ngày mất của Frank nhưng tôi xem đó là ngày sinh thứ hai của mình. Đăc biệt hơn nữa là chính hôm đó vợ tôi đã sinh cho tôi thằng con trai đầu lòng nên ngày giỗ của Frank cũng là ngày sinh nhật của hai cha con tôi. Chúng tôi đã lấy tên Frank đặt tên cho nó đấy ông ạ. Tên khai sinh Việt Nam của cháu nó là Nùng Văn Phanh. Đến khi nhập quốc tịch Mỹ gần đây thì cháu nó đổi lại cho đúng với tên của ân nhân là Frank Nung.

Nghe tới đây ông Tường mới rùng mình vỡ lẽ người tiểu đội trưởng tử trận mà Frank nhắc đến trong câu chuyện của mình chính là ông Sâm đang ngồi trước mặt ông bây giờ. Ông bàng hoàng không biết cuộc đời này đâu là thực đâu là ảo. Không để ý đến vẻ thẫn thờ của ông Tường người tiểu đội trưởng năm xưa lại tiếp tục câu chuyện:

- Chỉ vài tuần sau đó là chiến trận trở nên khốc liệt hơn mà Kontum là một trong ba mặt trận chính của cái mùa hè đỏ lửa năm đó. Chiến trận đưa đẩy tôi đi khắp nơi và trong lần triệt thoái cao nguyên năm 1975 tôi đã bị mất đi đôi chân này. Dù sao tôi vẫn còn tốt số hơn vô khối các chiến hữu đã bỏ xác lại trên mảnh đất điêu tàn khốn khổ của chúng ta. Mặc dù què quặt nhưng vì cái lon trung úy Biệt Động Quân đã khiến tôi phải trả giá bằng nhiều năm tù đầy nhưng cũng nhờ vậy tôi được ngồi ở đây ăn tiền trợ cấp tàn tật của chính phủ Mỹ mà hầu chuyện cùng ông. Do được định cư gần khu thủ đô Hoa Thịnh Đốn nên tôi mới nảy ra ý nghĩ đi tìm mộ bia của ân nhân mình ngày xưa và để lên đó cái huy hiệu hội viên danh dự. Và cũng nhờ vậy mà tôi có cơ hội ngồi tiếp chuyện cùng ông để hồi tưởng lại câu chuyện ngày xưa. Âu đó cũng là cơ duyên cả. Hôm nay rất tiếc nhà tôi phải đi qua Maryland trông cho con em gái thằng Phanh sinh đứa con thứ hai nếu không tôi bảo bà ta làm vài món nhậu tụi mình lai rai chơi. Thằng Phanh thì mới ra bác sĩ quân y được vài năm. Cháu nó cũng muốn theo đuổi nghiệp cầm súng như cha nó nhưng tôi cản khuyên cháu nên học chữ để cho ấm tấm thân ông ạ. Đời cha, đời ông của cháu đã phải vào sinh ra tử nhiều rồi.

Đến đây thì ông Tường xin cáo từ ra về và hẹn khi có dịp qua vùng thủ đô sẽ ghé thăm ông Sâm để tiếp tục hàn huyên chuyện cũ. Ông gọi cho Beth báo để thu xếp ngay ngày mai sẽ quay về làm việc.

Suốt ngày làm việc bận rộn khiến ông tạm thời quên đi mọi chuyện nhưng đến giờ về khi đi ngang qua văn phòng làm việc cũ của Frank mà nay là phòng của Richard ông mới lại cảm thấy bồn chồn không yên tâm về người bạn cũ. Tối nay ông quyết định sẽ ghé ăn tối tại nhà hàng Taste of Vietnam mà chỉ mới cách đây vài tuần lễ Frank và ông đã ăn tối Giao Thừa tại đây. Ông nói với người tiếp viên xin cho được ngồi vào chiếc bàn trong góc mà trước đây ông và Frank đã ngồi. Ông gọi cho mình một tô phở cùng vài cái chả giò khai vị và một chai bia 33. Nhìn cảnh vật xung quanh vẫn không có gì thay đổi. Vẫn hai bức tranh sơn mài cảnh chợ Bến Thành và chùa Một Cột. Vẫn bức tranh sơn dầu cảnh lũy tre làng có con trâu cày ruộng. Vẫn cô tiếp viên mặc áo dài màu vàng tươi như bụi cúc mẹ ông trồng ngày xưa trước hiên nhà. Chỉ có khác là người bạn tâm giao ngồi cùng ông hôm Giao Thừa vài tuần trước nay đã mất hơn 40 năm. Ông phân vân tự hỏi phải chăng những sự việc xảy ra trước đây đều là trong giấc mơ hay hiện tại chính ông đang sống trong thế giới ảo? Ông tự hỏi có nên hỏi thăm cô tiếp viên xem liệu cô ta có nhớ hôm Giao Thừa ông đã cùng một người bạn Mỹ ngồi ăn ở chiếc bàn này hay không? Ông chợt nhớ tới lời người cựu trung úy Biệt Động Quân “nét mặt Frank bỗng như biến sắc, trong một tích tắc ngắn ngủi đó Frank như người bị mộng du bỗng bừng tỉnh” rồi ông liên tưởng đến chuyện Frank cho biết ông vẫn chọn thời điểm trước khi xảy ra cuộc phục kích vì ông vẫn không quên hình ảnh người vợ ôm con nhỏ còn đỏ hỏn khóc vật vã bên xác chồng là người lính tiểu đội trưởng. Như vậy chắc chắn Frank đã được đưa về vào ngay trước thời điểm đoàn quân lọt vào ổ phục kích, trong cái sát na ngắn ngủi đó Frank không có nhiều thì giờ để tính toán, ông đã quên thân mình để xả thân cứu người tiểu đội trưởng và người lính truyền tin khỏi họa sát thân. Ông Tường thật sự cảm phục tấm lòng của người cộng sự thân tín và ông cảm thấy thật yên tâm khi nhớ đến lời ông Sâm nói Frank đã ra đi thật thanh thản với nụ cười mãn nguyện trên môi trong khi còn đang nắm tay cô y tá Lan Chi. Nghĩ đến đây ông Tường mỉm cười nâng ly bia 33 đưa lên phía trước như muốn cụng ly với một người vô hình trước mặt. Văng vẳng bên tai ông tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh phát ra từ chiếc loa của nhà hàng:

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu.
 
Thảo Lan
2009. Điều chỉnh 9-2020

Ý kiến bạn đọc
15/10/202023:36:02
Khách
Trước giờ TL chưa hề nghĩ đến việc sẽ viết phần hai của Về Miền Quá Khứ mặc dù một số truyện ngắn của mình có phần hai (phần lớn cũng do độc giả đề nghị). Gợi ý của Phao Ng. rất hay. TL sẽ suy nghĩ làm sao để nếu có phần 2 thì sẽ hợp lý và lôi cuốn độc giả. Xin thành thật cám ơn.
15/10/202002:54:26
Khách
Bài viết rất hay . Nếu để ý thì thấy chuyện dùng time travel qua worm hole đến parallel universe . Thiết tá Frank ở một thế giới là phó TGÐ công ty, nhưng trong thế giới khác thì đã chết trên chiến truờng VN. Nếu ông Tuờng muốn cứu ông Frank thì phải time travel lần nữa, về lại chiều tất niên và ngăn cản ông Frank không trở về cứu nguời Tiểu đội truởng . Phim Back to the Future có nhiều episode, thì xin tác giả viết bài Về miền quá khứ 2.
14/10/202021:15:53
Khách
Thật tình. Nhờ Nhung Tran nhắc xem lại mới thấy sao mình viết lộn vậy mà đọc đi đọc lại vẫn không nhận thấy để sửa trước khi gửi đi ta. Thành thật cáo lỗi cùng độc giả
Thảo Lan
12/10/202023:43:50
Khách
Hoan nghênh việc tác giả Thảo Lan đã quyết không xử dụng chữ nghĩa của bọn cộng sản xâm lược.

Xin được bày tỏ lòng tri ân thân phụ của tác giả đã hy sinh cho Tự Do của miền Nam.

Nguyen Tran
12/10/202023:33:27
Khách
Ôi, không ai nhận thấy tác giả đã viết "sau khi tốt nghiệp, tôi đon leo chuẩn úy" hay sao?
Chắc tác giả cũng là một cây nái lói lắm đây.
12/10/202021:57:19
Khách
Cám ơn lời góp ý của Nguyen Tran. TL xin sửa lại là "Những lời khích lệ tinh thần như thế luôn là động lực cho người viết có thêm nguồn cảm hứng để sáng tác"
Thân
Thảo Lan
11/10/202014:55:09
Khách
Một bài viết rất dài với chữ nghĩa của "phe ta" đang lôi cuốn tôi đọc từ đầu đến cuối, bỗng dưng tôi bị cụt hứng khi đọc xuống phần cám ơn bạn đọc của tác giả, cho dù chỉ vỏn vẹn có hai dòng lại lọt thỏm vào hai chữ " động viên"- thay vì chữ nghĩa của " phe ta", tỷ dụ như " khuyến khich !!! Chậc chậc !!!
10/10/202017:58:19
Khách
Thảo Lan xin cám ơn các lời khen khích lệ của tất cả độc giả. Những lời động viên như thế luôn là động lực cho người viết có thêm nguồn cảm hứng để sáng tác
TL
10/10/202016:27:43
Khách
Cám ơn tác giả thật nhiều đã cho bạn đọc một câu chuyện thật-ảo nhưng lại vô cùng hợp lý về nội dung các sự việc xảy ra. Cầu chúc tác giả bình an và thanh thản trong tâm hồn sau khi đã biết kết quả về những suy tư của mình trong mấy chục năm qua.
10/10/202013:49:34
Khách
Một câu chuyện khoa học giả tưởng- thêm chút kinh dị- hay. Lời văn rõ ràng, bố cục gọn gàng.

Trong tương lai biết đâu con người có thể thực hiện được điều mà hiện tại coi là là giả tưởng này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,800,914
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Chúng tôi hoạch định chương trình cho những ngày cấm cung. Trước hết phải giữ gìn sức khỏe, giữ tâm hồn thảnh thơi, ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng. Hai ông bà già mỗi sáng ra vườn dọn dẹp, cắt tỉa hoa lá rồi làm vài động tác thể thao và tập thở. Tuy không gặp mặt, nhưng các con cháu vẫn thăm hỏi hàng ngày. Qua “Facetime” được nhìn con cháu cũng đỡ nhớ. Có hôm các cháu nội ríu rít khoe đang dọn bữa điểm tâm cho cả nhà, các cháu ngoại thì mời ông bà cùng đi "virtual picnic" trên ngọn đồi sau nhà với cha mẹ chúng
Tác giả tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả.
Trong bữa cơm tối hôm đó, khi nghe tôi báo tin sắp có em bé, anh Nam, anh rể tôi, trợn mắt, còn chị Hai tôi thì vọt miệng, “Trời đất! Bể kế hoạch hả?” Nhưng Ba Mẹ tôi thì vui, như phản ứng tự nhiên của bậc Ông Bà. Mẹ tôi nói, “Ba Mẹ nuôi các con ở Việt Nam cực khổ hơn nhiều, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Trời sinh voi, sinh cỏ. Con cái là ơn của trời, đừng căng thẳng quá mà tội cho em bé.” Lòng tôi bỗng nhiên thấy bình an trở lại. Dù tôi đang đi học toàn thời gian và bé Tin mới mười tám tháng, nhưng trong căn nhà nhỏ nơi Ba Mẹ tôi, anh chị Hai, và gia đình nhỏ của tôi chung sống, lúc nào cũng đầy tiếng cười và sự thương yêu, giúp đỡ. Vợ chồng tôi còn trẻ, chịu khổ một chút không sao. Chỉ cần chúng tôi cố gắng hết sức, mọi chuyện sẽ êm đẹp như bình thường.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Buổi trưa tháng Năm, trời nóng tóe khói. Quang cảnh khu chờ trong bệnh viện lại càng thêm ngột ngạt vì hàng nghìn con người già trẻ lớn bé ngồi la liệt khắp nơi. Ai tới sớm may mắn kiếm được chiếc ghế nhỏ để ngồi. Người đến trễ mua manh chiếu khoanh một chỗ nằm còng queo. Kẻ trễ hơn nữa thì nhét đại tấm thân bịnh hoạn vào khe hở nào đó giữa hai chiếc lưng nhễ nhại mồ hôi, mặc kệ tiếng càu nhàu. Vì khi sự chết cận kề, ai nề hà chi những lời mắng mỏ. Đứng cạnh tôi là người mẹ trẻ mặt đầy vẻ lo âu, mắt quầng thâm là dấu hiệu của bao đêm thức trắng. Đôi tay khô ráp ôm chặt lấy đứa con bé bỏng.
Tác giả tên thật là Huỳnh Thị Xuân Mai lần đầu tham dự VVNM. Cô yêu thích văn chương, âm nhạc và viết lách, Mong tác giả tiếp tục viết bài.
Những ngày cuối năm vùng Hoa thịnh đốn may mắn chỉ 1 ngày có tuyết,còn phần lớn nắng đẹp, trời trong tuy khá lạnh. Vào mùa Đông như thế là quý rồi đâu dám ước mơ chi hơn. Tuy nhiện vào đêm trước hôm Cộng Đồng và người Cao Niên tổ chức chợ Tết thì có tuyết. Không nhiều lắm nhưng tuyết lai rai kéo dài suốt đêm, trường học đóng cửa, chợ Tết cũng bị hoãn lại. Tội nghiệp những người bán hàng chuẩn bị thức ăn, các hàng bán Tết từ nhiều ngày trước. Bán chưng, bánh tét, bánh mứt còn giữ lai bán vào ngày hôm sau nhưng các thức ăn nóng như phở, riêu cua, bún bò Huế thì sẽ kém hương vị mất ngon…
Tôi nghe tên Chị khi Chị còn học trung học tại trường Đồng Khánh. Không những vì Chị là một học sinh xuất sắc, mà vì nghe kể chuyện Chị được tàu BV Mỹ USS Hope mổ tim. Rồi Chị chuyễn qua trường Quốc Học vì trường Đồng Khánh không có lớp Đệ Nhất, và học chung lứa với anh thứ hai của tôi và quý anh Bùi Xuân Định, Nguyễn Hữu Hiên, là những đồng môn đồng khóa với Chị sau này. Đồng thời Chị là một Trưởng sinh hoạt thường xuyên trong Hướng Đạo
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.
Nhạc sĩ Cung Tiến