Hôm nay,  

Thằng Mất Gốc

01/07/202000:00:00(Xem: 9159)

Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới. 


***


 Ông Toán sững sờ đứng lặng người khi nghe thằng Tony, con trai ông, nói như thét:

- Mấy người lúc nào cũng nói muốn cám ơn nước Mỹ mà cứ lợi dụng kẽ hở để moi tiền nước Mỹ. Ơn gì mà ơn... Ơn tiền thì có.

Nói xong, Tony mở cửa đi thẳng ra sau vườn. Cậu đóng rầm cánh cửa...

Cơn gió nhẹ thổi qua. Hơi mát của những ngày cuối xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nhưng nỗi bực dọc trong người Tony vẫn chưa nguôi. Câu nói của đứa em gái còn văng vẳng bên tai về việc đi làm rồi mà vẫn còn xin thêm tiền trợ cấp thất nghiệp. 

Ở trong nhà, ông Toán mặt ông phừng phừng cơn giận.  Ông muốn chạy ra ngoài vườn đá cho cái thằng con mất gốc này một cái. Nếu ông còn ở Việt Nam, dám có thể ông cầm rựa chém nó một phát vì cái tội hỗn hào, không coi ông  ra gì.

Nghe ồn, bà Tâm, vợ ông từ trên cầu thang đi xuống, hỏi:

- Chuyện gì mà cha con ông rần rần dưới này?

Nghe vợ hỏi, ông  như người đuối nước vớ được phải phao, nói liền một mạch:

- Thì thằng con của bà kìa nó nói tui lợi dụng nước Mỹ để lấy tiền.  Mà tui có lấy cũng lấy tiền của Mỹ chớ có lấy tiền của ông cố nội nó đâu mà nó làm ầm lên.  Bà coi có được không?  Cái đồ mất gốc.

- Mà chuyện gì mới được?  Ông nói không đầu không đuôi tui có biết chi mà lần.

Ông Toán dịu giọng kể lễ cho vợ nghe:

- Thì hôm trước tui với bà nói với nó là tuần tới vợ chồng mình dìa lại với con Thủy để giữ con cho tụi nó đi làm vì tiệm nails của hai vợ chồng nó sắp mở cửa trở lại.  Cái thằng đó nó đồng ý xong hết, nhưng khi nãy nghe tui nói chuyện với con Thủy, tự nhiên nó nỗi khùng la tui với con Thủy một trận.  Con Thủy lật đật cúp máy. Đúng là thằng mất gốc mà.

- Mà ông với con Thủy nói chuyện gì mới được.

- Thì con Thủy nó gọi cho tui nó hỏi chừng nào ba má dìa? Tui nói để cuối tuần. Nó hối tui với bà dìa sớm để nó chuẩn bị đi ra tiệm nails phụ chủ lau chùi, bắt kiếng chắn, sửa soạn để thứ Hai đi làm.  Rồi nó kể chuyện bà chủ tiệm của nó chịu trả tiền mặt thêm mấy tuần để nó ăn tiền thất nghiệp. Tự nhiên nghe tới đó, thằng Tôn nó nổi khùng rồi nói tui với con Thủy là tham lam lợi dụng để bòn rút tiền của nước Mỹ. Bà nghĩ coi có tức không chứ?

- Cũng tại ông thôi...

- Tại tui?  Sao lại tại tui? Tui chưa có đi làm mà sao tại tui?

- Ai biểu ông nói chuyện điện thoại lúc nào cũng oang oang rồi còn mở loa cho lớn.  Mở lớn chi cho nó nghe rồi nó la ùm lên?

- Đụng tới quý tử của bà là bà binh chầm chập. Tui nói thiệt với bà chứ hên là nó ở đây chứ như hồi còn ở Việt Nam là tui dzớt nó vài đá rồi.  Cái đồ mất gốc.

- Mà chuyện tiền thất nghiệp gì mà nó đùng đùng vậy?

- Thì từ lúc dịch con Covid 19 này nè, vợ chồng con Thủy nghỉ ở nhà xin tiền thất nghiệp. Tui cũng có apply và nhận mỗi tuần mà tui có nói với bà đó. Mỗi một tuần vợ chồng con Thủy, mỗi đứa tụi nó nhận được một ngàn mấy, trừ thuế ra cũng hơn chín trăm, nhiều hơn đi làm rất nhiều. Nghỉ ở nhà còn được nhiều tiền hơn, nên khi chánh phủ thông báo mở cửa để mọi người đi làm lại tụi nó không muốn đi làm liền.  Tụi nó mới nói với chủ tiệm trả tiền mặt cho để xin thêm tiền thất nghiệp cho đến khi bị cắt thì trả lại check như bình thường. Nghe tới đó là thằng Tôn nó khùng lên. Nó nói tui là mang ơn, nợ nước Mỹ này nọ mà lợi dụng để trục lợi. Chỉ có cái thằng mất gốc đó mới nói vậy thôi chứ tui thấy ai cũng làm vậy hà rầm. Mình không lấy thì người khác cũng lấy. Mà mình nộp đơn đàng hoàng, chứ có phi pháp đâu mà nó làm ùm.  Nước Mỹ này giàu và nhiều tiền mà. Năm bảy ngàn có thấm béo gì đâu. Mùa dịch này bọn Mỹ lời chán vì số người già chết quá nhiều. Mỹ khỏi cần phải trả tiền Social. Tui nói vậy bà thấy có đúng không?

-  Nói như ông vậy mà nghe được? Thằng Tôn nó nói cũng phải mà ông...

- Bà lại bênh nó nữa. Đúng là con hư tại mẹ mà...

- Ông với con Thủy mới hư đó.  Mình mới vừa lãnh một người một ngày hai mà.  Nước Mỹ đâu có bỏ đói mình đâu mà vợ chồng con Thủy còn bòn rút nữa. Với lại ông phải thông cảm cho thằng Tôn chứ. Nó qua đây từ nhỏ, nên tánh nó dậy thôi.  Ông phải từ từ nói cho nó nghe, dạy biểu nó.

- Dạy gì được với cái thằng mất gốc đó.  Thôi bà lên trên chuẩn bị quần áo, tui chở bà dìa ở với vợ chồng con Thủy.  Tui không đợi cuối tuần gì hết nữa.

- Ông nói cuối tuần thì để cuối tuần chứ ông đòi dìa giờ thì ai coi tụi nhỏ cho vợ chồng nó?.

- Không cuối tuần gì hết trọi. Bà khéo lo… Hồi trước khi dịch, không có tui với bà, nó cũng lo được.

- Nhưng...

- Không nhưng nhị gì hết...

- Ông thiệt là... Có muốn gì thì cũng chờ con vợ nó dìa để vợ chồng nó tìm chỗ gởi mấy đứa nhỏ chớ.

- Bà muốn ở lại thì một mình bà ở.  Còn tui... Tui dìa.  Tui không muốn thấy cái bản mặt thằng mất gốc đó nữa.

- Thôi được rồi.  Mà thằng Tôn đâu?

- Nó dộng cửa cái rầm rồi ra sau vườn...

Bà Tâm đi ra sau vườn tìm con. Bà thấy Tony ngồi trên chiếc ghế đu, cạnh hồ cá. Có lẽ Tony đang nhìn mấy con cá koi đang bơi lội trong hồ.  Bà nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần có chuyện buồn là nó hay ra ngoài lu để ngắm cá. Bà đi đến sau lưng Tony, nhẹ nhàng gọi:

- Tôn...

Tony quay lại, nhìn bà:

- Dạ... Má...

Bà Tâm nhìn con, bà không biết bắt đầu từ đâu.  Người đàn ông trước mặt bà không còn là thằng Tôn mười hai tuổi của ba mươi năm về trước.  Mà là cậu thanh niên chững chạc, tóc đã điểm vài sợi bạc.  Một người thân nhưng cũng xa lạ đối với bà... Bà Tâm ấp úng...

- Má...

- Má có chuyện gì nói với con?

- Ừa... Chuyện mày với ba mày khi nãy... Giờ ổng muốn dọn về nhà con Thủy liền thay vì cuối tuần...

- Dạ... Vậy thì má đi với ổng đi...

- Còn mấy đứa nhỏ?

- Không sao đâu má.  Con với vợ con sẽ gọi vô sở nói họ đổi ca hay vợ chồng con xin nghỉ vài ngày để coi tụi nhỏ chờ lúc daycare mở cửa rồi tụi con đem gởi...

- Má... Má... không biết nói sao... Nhưng...

- Con không hiểu được ba với con Thủy nghĩ gì.  Vợ chồng con Thủy đâu có nghèo. Tụi nó cũng dư ăn dư để, vậy mà còn tính bòn rút của nước Mỹ.  Còn ba nữa. Ba nghe nó nói ba cũng không khuyên còn nghe theo nó tiếp tục xin thêm tiền thất nghiệp...

- Thì ổng thất nghiệp thiệt mà...

- Con biết, nhưng đi làm lại rồi mà còn muốn lấy thêm... Vậy mà cứ nói là yêu nước Mỹ.  Nhớ ơn nước Mỹ cưu mang này kia nọ.  Con nghe phát bực.

- Tại con sống ở đây từ nhỏ nên không biết chứ người mình nghèo nên khi có tiền thì...

- Nghèo là hồi còn ở Việt Nam kìa má.  Giờ mình ở Mỹ rồi đâu có nghèo. Không có tiền thất nghiệp tụi nó cũng không có đói. Bòn rút thêm chi khi nước Mỹ gồng mình trong cơn đại dịch này...  Nhưng mà thôi…

Ngưng một chút, rồi Tony tiếp:

- Má lo thu xếp dọn đồ về trên đó với vợ chồng con Thủy đi chứ không khéo ba lại la má.

- Ừa... Vậy má thu dọn xong, chờ con Tina về rồi ba má đi.

- Dạ.

Bà Tâm trở vô nhà rồi đi lên phòng. Lúc vào phòng, bà thấy ông Toán đang nằm trên giường coi điện thoại. Mắt không rời khỏi cái phôn, ông hỏi:

- Bà nói chuyện với nó xong rồi hả?

- Ừa. Xong rồi.

- Rồi nó có nói gì không?

- Không. Nó kêu tui lo thu xếp rồi đi theo ông dìa.  Tụi nhỏ vợ chồng nó lo được.

- Đó, tui nói với bà có sai không.  Nó đâu cần mình.

Bà Tâm vừa xếp áo quần vừa nghĩ đến Tony.

***


Ba mươi năm trước...

Thằng Tôn của bà chỉ là cậu bé mười hai tuổi. Bà còn nhớ rõ, năm đó vào dịp hè, bà cho con ở lại nhà cô Lan để cậu bé vui chơi cùng thằng Hải, đứa em cô cậu, ở thành phố biển Nha Trang. Trong một chuyến vượt biển, cô Lan đã dắt theo thằng con trai của bà. Đùng một cái bà mất con cho đến hai mươi năm sau mẹ con mới được gặp lại mặt nhau. Lúc gặp nhau thằng Tôn của bà không còn là thằng bé thuở nào mà đã là một cậu thanh niên với cái tên rất Mỹ, Tony. Tony giờ đã học thành tài. Một dược sĩ với mức lương ngất ngưỡng và chuẩn bị lấy vợ.  

Thằng Tôn của bà nghe theo lời cô dượng nó, cũng là cha mẹ nuôi trên giấy tờ, nên đã làm giấy tờ bảo lãnh cả gia đình ông bà qua Mỹ trước rồi mới làm đám cưới sau. 

Trong ngày cưới của con trai có đầy đủ cả gia đình ông bà.  Có cô Lan dượng Trung và còn có vợ chồng cô em gái của Tony.  Lễ cưới của con trai mà bà cứ tưởng của người ngoài vì mọi chuyện đều do cô Lan lo hết. Ông bà có mặt cũng chỉ làm "hình nền" thêm cho đầy đủ màu sắc trong ngày trọng đại của con.  Bà buồn lòng, nhưng không nói ra.  Còn ông Toán thì lại trách cô em gái đã qua mặt qua quyền, nên từ đó đã giận luôn cô em.  Ông không thèm qua lại với gia đình em gái.

Thời gian trôi qua bà Tâm đã sống ở đất nước này hơn mười năm.  Sống mười năm, vậy mà bà chưa từng đi làm ở bất cứ nơi đâu, ngoài việc chăm lo cho chồng, cho con, cho cháu.  Mỗi tháng, con trai, con gái cho bà vài trăm đô để dành dưỡng già. Mấy tháng trước khi dịch cúm vi khuẩn Corona bùng phát, chính phủ đã trợ giúp cho mỗi người một nghìn hai trăm đô la. Gia đình bà trừ con trai và con dâu (vì chúng làm vượt qua mức lương quy định để nhận được sự trợ giúp) thì ai cũng nhận được tiền.  Bà thầm nghĩ, nước Mỹ này quá tử tế đối với một người như bà.  Bà chẳng làm gì, nhưng vẫn được tiền trợ giúp.  Số tiền đó, bà trích ra phần lớn gởi về cho thân nhân bên Việt Nam, phần còn lại bà cất dành. 

Bà Tâm nhớ lại trong những buổi tiệc, lễ lộc, chung vui của gia đình, nhất là ngày Thanksgiving, bà luôn nói với các con là gia đình bà rất biết ơn nước Mỹ đã cưu mang đùm bọc cả gia đình. Bà nói với các con hãy cố gắng hết sức mình để làm việc và đền ơn nước Mỹ, đất nước đã giúp đỡ mình.  Chắc có lẽ vì vậy mà Tony nghe và nhớ những lời căn dặn của bà?  Thành thử khi nghe em gái và cha bàn chuyện đi làm nhận tiền mặt để xin thêm tiền thất nghiệp, nên nó mới giận cha và em. Nghĩ tới đây bà chợt mỉm cười. Bà nghĩ thầm: "Thôi kệ, thằng Tôn mất gốc, nhưng nó vẫn còn nhớ tới những lời nói của mình.  Và, hơn hết, tuy nó mất gốc, nhưng không mất nhân cách làm người.  Còn cái gốc như cha con ông Toán cũng chỉ là đồ bỏ ."

 

Ý kiến bạn đọc
09/08/202020:03:26
Khách
Đồng ý với nhân vật Tony 100% . Một số người Việt tại Mỹ thích moi móc $$$ xã hội của Mỹ, nhưng lại muốn trốn thuế . Cứ có cách suy nghĩ là xứ Mỹ giàu thì họ lấy của Mỳ đâu có hại ai . Đó là 1 cách suy nghĩ rất ích kỷ và vô nhân đạo . $$$ xã hội Mỹ từ đâu ra ? Bộ từ trên trời rớt xuống hả ? Đó là $$$ của tất cả các công dân Mỹ đóng thuế cho chính quyền Mỹ để chính quyền lo cho toàn dân Mỹ . Vậy nên mới có đủ thứ loại thuế, e.g. Federal Income Tax, State Sale Taxes, Local Taxes . Moi móc của chính quyền Mỹ như buôn bán khai gian lậu thuế , lãnh lương under the table để trốn thuế trong khi lãnh $$$ xã hội , cha mẹ làm chủ tiệm nail nhưng gian lận khai là nghèo để cho con đi học ăn free lunch thay vì trả $$$ ( chương trình free lunch cho học sinh nghèo khác nhau 1 chút tuỳ tiểu bang ), etc . Moi móc tiền của xứ Mỹ bằng gian lận là moi móc $$$ của các công dân Mỹ đang đi làm và còng lưng ra trả thuế . Những người Việt nào khai gian lận là những người tham lam ích kỷ vô luơng tâm, họ đã góp tay phá hoại xứ Mỹ . Họ có bao giờ tự hỏi là nếu xứ Mỹ kiệt quệ trong tương lai thì con cháu họ sẽ ra sao không ? Tổ tiên Việt Nam xưa dạy ăn cây nào rào cây ấy , nhưng mấy nguời gian lận kia thì lại là ăn cây nào chặt cây ấy . Xứ Mỹ đâu phải tự nhiên giàu trong 1 đêm , họ đã tốn ra mấy trămn năm để xây dựng nên mới có được ngày hôm nay. Một số di dân mới như Tàu, Việt, Latin Americans lại hay thích moi móc hơn là xây dựng . Sợ họ luôn .
03/07/202002:18:20
Khách
Củng nên thông cảm với những người đã gởi ít tiền về VN để giúp đở bà con .Chúng ta tìm cách để giãi thích cho họ hiểu thay vì chỉ trích họ .
02/07/202017:17:06
Khách
Còn rất nhiều người thường xuyên đi lễ nhà thờ, lễ chùa... mà vẫn gian lận chính phủ bằng mọi cách: trợ cấp nhà, trợ cấp người chăm nuôi, trợ cấp y tế thuốc men... Họ làm mọi cách để cho túi tiền thật đầy rồi sau đó cứ đãi bôi:"Nhờ ơn Trời, ơn Phật... tôi được thư thả ấm no!" Đâu có Trời Phật nào xúi biểu họ gian tham như vậy!
01/07/202017:37:33
Khách
Thế còn bà Tâm đã " đền ơn nước Mỹ, đất nước đã giúp đỡ mình " ra sao? :

“chính phủ đã trợ giúp cho mỗi người một nghìn hai trăm đô la. … Số tiền đó, bà trích ra phần lớn gởi về cho thân nhân bên Việt Nam, phần còn lại bà cất dành “. Trích.

Sở dĩ chính phủ Mỹ gửi cho mỗi người dân $1,200 là để chúng ta chi tiêu nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ đang lao đao vì nạn dịch coronavirus, ấy thế mà bà Tâm lại gửi về nước giúp đỡ thân nhân túng thiếu, để cho guống máy tuyên truyền cộng sản khoe thành tích xóa đói giảm nghèo của đảng Cộng sản "vinh quang, đỉnh cao của trí tuệ loài người " !

Thật là đáng bị chửi rủa.

Một trường hợp tương tự :

"Chuyện Hai Cái Tên Vì ... Ba Tôi " 24/06/2020 - Kim Loan

“chính phủ Mỹ có chương trình cứu trợ toàn dân, ba tôi cũng được tấm cheque $1200. .. nên ba quyết định gửi về cho mấy người họ hàng ngoài miền Bắc Việt Nam “.
01/07/202016:32:59
Khách
Cám ơn tác giả đã viết về một đề tài mà nhiều người biết nhưng ít người muốn viết hoặc dám viết! Một trong những cái rất xấu của nhiều người trong cộng đồng Việt là họ chỉ nghĩ về cái lợi của riêng mình! Họ tìm đủ mọi lý lẽ khi có thể "nhận" và cũng không thiếu cách thoái thác khi cần phải "cho"! Chúng ta đã có và đã được nhận quá nhiều! Đã đến lúc chúng ta cần phải chia sẻ hạnh phúc với những người thiếu may mắn (hoặc ít nhất, nhường lại cho những người đang cần hơn chúng ta.) Chắc tui cũng "mất gốc" rồi!?
01/07/202013:52:23
Khách
Quan niệm: “Mình không lấy thì người khác cũng lấy” thì đúng là “Còn cái gốc như cha con ông Toán cũng chỉ là đồ bỏ”. Nếu đổi quan niệm: “Mình lấy mà không xài thì gửi về VN cho bà con, họ hàng” không biết có mất gốc hay còn gốc?
Cám ơn tác giả đã đưa ra một vấn đề thật thực tế trong mùa dịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,681,765
Mỗi ngày nghe tin tức tìm hiểu về bệnh Covid_19, cho đến hôm nay tổng số bị bệnh là 2,132,321 người và tổng số qua đời là 116,862 người, (theo cdc.gov). Con số thật khủng khiếp cho nước Mỹ. Sau mấy tháng ban lịnh quarantine (cách ly), đầu tháng 6, thống đốc tiểu bang Cali cho mở cửa các hãng xưởng, bussinesss, tuy nhiên vẫn còn dè dặt một số như tiệm tóc, Nail, cá nhân cũng như doanh nghiệp còn vẫn theo cách chỉ dẫn của cán bộ Y Tế và thống đốc vẫn phải đề phòng cẩn thận là giữ khoảng cách khi giao tiếp, mang khẩu trang, đeo bao tay cũng như luôn rửa tay.
Chúng tôi hoạch định chương trình cho những ngày cấm cung. Trước hết phải giữ gìn sức khỏe, giữ tâm hồn thảnh thơi, ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng. Hai ông bà già mỗi sáng ra vườn dọn dẹp, cắt tỉa hoa lá rồi làm vài động tác thể thao và tập thở. Tuy không gặp mặt, nhưng các con cháu vẫn thăm hỏi hàng ngày. Qua “Facetime” được nhìn con cháu cũng đỡ nhớ. Có hôm các cháu nội ríu rít khoe đang dọn bữa điểm tâm cho cả nhà, các cháu ngoại thì mời ông bà cùng đi "virtual picnic" trên ngọn đồi sau nhà với cha mẹ chúng
Tác giả tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả.
Trong bữa cơm tối hôm đó, khi nghe tôi báo tin sắp có em bé, anh Nam, anh rể tôi, trợn mắt, còn chị Hai tôi thì vọt miệng, “Trời đất! Bể kế hoạch hả?” Nhưng Ba Mẹ tôi thì vui, như phản ứng tự nhiên của bậc Ông Bà. Mẹ tôi nói, “Ba Mẹ nuôi các con ở Việt Nam cực khổ hơn nhiều, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Trời sinh voi, sinh cỏ. Con cái là ơn của trời, đừng căng thẳng quá mà tội cho em bé.” Lòng tôi bỗng nhiên thấy bình an trở lại. Dù tôi đang đi học toàn thời gian và bé Tin mới mười tám tháng, nhưng trong căn nhà nhỏ nơi Ba Mẹ tôi, anh chị Hai, và gia đình nhỏ của tôi chung sống, lúc nào cũng đầy tiếng cười và sự thương yêu, giúp đỡ. Vợ chồng tôi còn trẻ, chịu khổ một chút không sao. Chỉ cần chúng tôi cố gắng hết sức, mọi chuyện sẽ êm đẹp như bình thường.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Buổi trưa tháng Năm, trời nóng tóe khói. Quang cảnh khu chờ trong bệnh viện lại càng thêm ngột ngạt vì hàng nghìn con người già trẻ lớn bé ngồi la liệt khắp nơi. Ai tới sớm may mắn kiếm được chiếc ghế nhỏ để ngồi. Người đến trễ mua manh chiếu khoanh một chỗ nằm còng queo. Kẻ trễ hơn nữa thì nhét đại tấm thân bịnh hoạn vào khe hở nào đó giữa hai chiếc lưng nhễ nhại mồ hôi, mặc kệ tiếng càu nhàu. Vì khi sự chết cận kề, ai nề hà chi những lời mắng mỏ. Đứng cạnh tôi là người mẹ trẻ mặt đầy vẻ lo âu, mắt quầng thâm là dấu hiệu của bao đêm thức trắng. Đôi tay khô ráp ôm chặt lấy đứa con bé bỏng.
Tác giả tên thật là Huỳnh Thị Xuân Mai lần đầu tham dự VVNM. Cô yêu thích văn chương, âm nhạc và viết lách, Mong tác giả tiếp tục viết bài.
Những ngày cuối năm vùng Hoa thịnh đốn may mắn chỉ 1 ngày có tuyết,còn phần lớn nắng đẹp, trời trong tuy khá lạnh. Vào mùa Đông như thế là quý rồi đâu dám ước mơ chi hơn. Tuy nhiện vào đêm trước hôm Cộng Đồng và người Cao Niên tổ chức chợ Tết thì có tuyết. Không nhiều lắm nhưng tuyết lai rai kéo dài suốt đêm, trường học đóng cửa, chợ Tết cũng bị hoãn lại. Tội nghiệp những người bán hàng chuẩn bị thức ăn, các hàng bán Tết từ nhiều ngày trước. Bán chưng, bánh tét, bánh mứt còn giữ lai bán vào ngày hôm sau nhưng các thức ăn nóng như phở, riêu cua, bún bò Huế thì sẽ kém hương vị mất ngon…
Tôi nghe tên Chị khi Chị còn học trung học tại trường Đồng Khánh. Không những vì Chị là một học sinh xuất sắc, mà vì nghe kể chuyện Chị được tàu BV Mỹ USS Hope mổ tim. Rồi Chị chuyễn qua trường Quốc Học vì trường Đồng Khánh không có lớp Đệ Nhất, và học chung lứa với anh thứ hai của tôi và quý anh Bùi Xuân Định, Nguyễn Hữu Hiên, là những đồng môn đồng khóa với Chị sau này. Đồng thời Chị là một Trưởng sinh hoạt thường xuyên trong Hướng Đạo
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.