Hôm nay,  

Giấc Mơ

24/08/202009:09:00(Xem: 6268)

 

Đinh Công Bình

Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.


*** 

 

“Mải miết ra đi, đâu tính đến

  Đến nơi nào?

  Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến

  Đến rồi sao!”

 (Đến, Võ Phiến 1998).

 

***

 

Hồi mới chập chững tới Mỹ, sau hơn nửa năm đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch hoặc đi nhờ, vợ chồng chú mượn người quen được gần một ngàn rồi cộng với vài trăm đô chắt chiu để dành, họ hớn hở nhờ người bạn đồng hương cùng sở chở ra hãng xe cũ gần nhà để mua một chiếc xe hơi.  

 

 

Tựa như đứa trẻ được mẹ cho đi chợ lần đầu, vợ chồng chú cứ lượn đi lượn lại, ngó tới ngó lui những chiếc xe, tuy không còn mới, nhưng được lau chùi sạch sẽ đang nằm mời gọi trong bãi đậu xe.  Mặc dầu cả tháng nay, vợ chồng chú bàn qua tính lại rồi quyết định là sẽ chỉ “lựa cơm gắp mắm”.  Trên đường từ nhà đến hãng xe, hai người cũng đã tự nhủ một lần nữa là sẽ chỉ chọn cho nhanh một chiếc xe tốt và rẻ chứ không quan tâm tới kiểu xe hay mầu xe.  Nhưng khi ra đây, ôi chu choa, thấy chiếc nào cũng “phê”!  Chiếc nào cũng muốn tha về nhà! Thêm vào đó, ông saleman cứ thao thao bất tuyệt vẽ ra những cái đẹp, cái tốt, cái hay của từng chiếc xe.  Dù khả năng tiếng Mỹ của vợ chồng chú và của ông bạn đồng hương ngày đó thuộc hạng “ăn đong từng  chữ”, nhưng qua tài “múa máy chỉ trỏ” của ông saleman, vợ chồng chú vẫn “đoán” rõ là ông ta muốn họ mua chiếc xe “bảnh” nhất.

 

 

Hấp dẫn lắm, thèm thuồng quá, nhưng trong túi, cả vốn lẫn mượn, chỉ có vỏn vẹn ngàn rưởi đô! Vì vậy, mặc cho ông saleman “nói ngả nói nghiêng”, vợ chồng chú vẫn “vững như…con số nghìn rưởi đô!”  Hơn nữa, nhớ lại chỉ mới gần một năm trước đây, hồi còn ở quê nhà, họ chưa bao giờ được sờ đến chiếc xe hơi mà nay có cơ hội làm chủ “một em” thì đúng là phép lạ quá sức tưởng tượng rồi!  Họ chả mong  gì hơn!  Vợ chồng chú  sẽ trọn vẹn thỏa mãn và hạnh phúc với một chiếc xe cũ miễn sao “chiếc xe rẻ, máy chạy tốt, có máy nóng, máy lạnh”.  Nhớ tới điều đó, chú cong lưỡi, méo miệng, lập lại câu tiếng Anh mà chú đã tra tự điển và khổ công tập luyện cả tuần nay, bằng giọng nói và cử chỉ dứt khoát:

 

 

-We want buy one car cheap, engine run good, have engine hot, engine cold!

 

 

Sau khoảng hai giờ đồng hồ mặc cả tới lui, đắn đo co giãn, họ chồng tiền rồi hạnh phúc cỡi chiếc “xe Huê Kỳ” về nhà ra mắt với xấp nhỏ.  Thời đó, một ngàn đô to lắm và giá xe chưa đến nỗi mắc như bây giờ; nên với số tiền khoảng ngàn rưởi, chiếc xe đầu đời của họ tuy cũ nhưng còn khá tốt.  Chiếc xe đó hiệu Ford, màu xanh dương, rộng đủ cho cả gia đình, hai băng ghế còn khá sạch chưa có chỗ nào rách, và nước sơn trong, ngoài còn khá bóng.  Trên đường về nhà, chú đã không quên tạt vào chợ K-Mart cho vợ chú mua vài mét vải mầu cà phê sữa để may hai cái áo bọc ghế. 

 

 

Nhớ lại đêm trước ngày mua xe, chẳng biết vì vui quá hay bồn chồn hồi hộp, vợ chồng chú trằn trọc mãi chả ngủ được, chỉ mong cho trời mau sáng để được đi mua xe.  Trong lúc trằn trọc, vợ chồng chú bàn tán đủ chuyện và cùng đồng lòng là họ sẽ cố gắng gìn giữ chiếc xe thật lâu.  Mải mê nói chuyện, vợ chồng chú quên cả giờ giấc!  Lúc nhìn đồng hồ, họ mới giật mình là đã hơn hai giờ sáng.  Chú vói tay tắt ngọn đèn bên cạnh giường rồi hai vợ chồng nằm nhắm mắt chờ đợi giấc ngủ.  Nhưng mới im lặng được khoảng hai phút, vợ chú lại thủ thỉ:

 

 

-Anh ạ, sau khi mua xe về, hằng tuần, đúng rồi sau mỗi lễ Chúa Nhật, mình bắt mấy đứa nhỏ phải lau chùi, rửa, và đánh bóng chiếc xe nha anh.

 

 

Chú chưa kịp trả lời thì vợ chú lại nói tiếp:

 

 

-À mà không được!  Ít nhất là anh hay em phải rửa và lau chùi chung với tụi nó.  Để mấy đứa làm một mình rồi chẳng may kỳ cọ quá tay, chẳng may mạnh tay quá, trầy sơn hay rách ghế thì…

 

 

Chẳng đợi vợ dứt lời, chú cắt ngang:

 

 

-Ừ, anh cũng vừa tính bàn với em như vậy.  Rửa và lau chùi xe hằng tuần là chuyện nhỏ, tháng tháng anh sẽ phải thăm nước, thăm dầu thắng, dầu tay lái, và thay nhớt xe nữa.  Ông bà ta đã dặn “của bền tại người”, mình cứ thế mà theo em ạ.

 

 

Quái lạ, từ bé tới giờ, việc đi lễ nhà thờ với chú là chuyện chú làm vì bị bắt buộc chứ không phải vì thích thú.  Chả hiểu sao, từ hôm có xe, chú chỉ mong đến Chúa Nhật để được lái xe đi lễ!   Lái chiếc xe vừa mua, vợ chồng chú thấy tự tin hẳn ra.  Vợ chồng chú có cảm tưởng là ai ai cũng đều nhìn họ bằng cặp mắt thèm thuồng.  Trong một lần đứng ngắm nghía chiếc xe, chú tự hào nói với vợ:

 

 

-Có bốn thứ mà người mình thường dùng như một tiêu chuẩn để nói về một người giầu sang, thành đạt, đó là Nhà Lầu, Xe Hơi, Ti Vi, Tủ Lạnh!  Vợ chồng mình đến Mỹ chưa đầy một năm mà trong nhà đã có được 3 trong 4 thứ đó rồi!  Với đà này, cùng lắm là cố gắng vài năm nữa, mình sẽ tậu được căn nhà lầu nho nhỏ.  Lúc đó thì kể như mãn nguyện! 

 

 

Hai vợ chồng nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương bên nụ cười hạnh phúc mãn nguyện! Họ hạnh phúc đến muốn khóc! 

 

 

Bỗng chợt nhớ ra số tiền gần ngàn đô đang mượn, chú nhìn vợ rồi chép miệng than thở:

 

 

-Ước gì mau mau có tiền trả hết nợ xe thì đời sống gia đình mình sẽ thoải mái! 

 

 

Qua cố gắng, không những vợ chồng chú trả xong nợ xe mà vài năm sau họ còn mua được chiếc xe mới toanh, vừa ra lò, cho “nở mày nở mặt với người ta”.

 

 

***

 

 

Năm tháng cứ thế trôi qua, ước mơ “Nhà Lầu, Xe Hơi, Tivi, Tủ Lạnh” ngày xưa của vợ chồng chú đã trở thành sự thực từ lâu rồi, nhưng cái mốc “mãn nguyện” năm nào thì đến nay vẫn chỉ là ảo mộng xa vời!  Để tiếp tục nở mày nở mặt hơn người, vợ chồng chú đổi từ xe mới sang xe hiệu, từ nhà bé lên nhà to, thế nên từ đó đến giờ vợ chồng chú vẫn phải tất bật đi làm, làm thêm overtime, thậm chí có lúc còn làm hai jobs - để trả nợ! 

 

 

Dù cố gắng đến kiệt lực nhưng những cục nợ cứ teo đi được một tí thì, sau khi sắm đồ mới, nó lại phình ra!  Nhận thấy nếu chỉ đi làm công nhân, họ sẽ không thể ngoi ra khỏi dòng sông nợ nần.  Trông trước ngó sau, vợ chồng chú thấy cuộc sống của những người trong thương trường khấm khá hơn, nhà họ to hơn, xe cộ sang trọng hơn, bóp, đồng hồ, điện thoại của họ tân thời hơn, vợ chồng chú lại thèm thuồng.  Một hôm, sau khi về nhà từ second job, chú bảo vợ:

 

 

-Ông bà mình nói đúng, “phi thương bất phú”! Mình phải làm thương mại.

 

 

Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn!”  Có vậy mà bao nhiêu năm nay không nghĩ ra!  Vợ chồng chú nhìn nhau mỉm cười, nụ cười đồng lõa, và bắt đầu hoạch định cho bước tiến mới. Vài tuần sau, vợ chồng chú ra ngân hàng cầm nhà, mượn nợ để nhảy vào thương trường dù chưa bao giờ có kinh nghiệm làm trong ngành mà chọ sẽ chọn.  Cục nợ của vợ chồng chú, vì vậy, lại bắt đầu tăng theo một tốc độ mới, trong đà khát vọng mới, mãnh liệt hơn.  Thời giờ rảnh rang của họ xưa đã ít nay lại hạn hẹp hơn bởi vừa phải đi làm công việc cũ vừa phải chạy ngược chạy xuôi trông coi cơ sở thương mại mới.

 

 

Đã đành sống trên đời thì nên cầu tiến để cuộc sống ngày càng thăng tiến.  Nhưng cầu tiến không bao giờ đồng nghĩa với đua đòi!  Nhớ lại những năm đầu tỵ nạn, vợ chồng chú hy sinh, cố gắng làm lụng cũng chỉ vì cầu tiến; nhưng chẳng biết tự lúc nào, vợ chồng chú đã đổi từ cầu tiến sang đua đòi!  Phải chăng nó bắt nguồn từ vấn đề “nở mày nở mặt”?  Dẫu biết chiếc xe chỉ là vật để đưa người ta đi từ điểm này đến điểm nọ, cái bóp chỉ dùng để đựng vật dụng cần thiết khi ra đường, nhưng chẳng hiểu sao, khi ngồi sau tay lái của chiếc xe hiệu đời mới hoặc khi đeo một cái bóp hiệu tân thời, vợ chồng chú cảm thấy mình cao hơn, quan trọng hơn người khác một bậc.  Khổ nỗi, chỉ cần khoảng vài tháng hay một năm sau khi tha nó về nhà, thì những cái “mới” đó, mặc dù vẫn còn đang trả góp, đã được xã hội thay bằng những cái “mới hơn”!   Thấy người khác có những cái “mới hơn”, vợ chồng chú lại đau khổ, lại bực bội, rồi lại tìm đủ cách để bò lên đỉnh của ngọn núi khát vọng.

 

 

Khi thấy vợ chồng chú quá bận bịu với cuộc sống bon chen, dăm người bạn thân, vài anh chị em trong gia đình, và ngay cả cô con gái lớn của họ đã đôi lần đánh bạo khuyên họ nên rút gọn, nên buông bỏ những thứ không cần thiết, hay ít nhất, nên dành thời giờ để quân bình cuộc sống vật chất và tinh thần, nên dành thời giờ cho gia đình.  Những người thân yêu muốn cho vợ chồng chú nhận ra rằng phẩm giá con người, giá trị thực sự của con người, không bao giờ dựa trên tiêu chuẩn vật chất.  Họ muốn vợ chồng chú hiểu rằng sự “ù à” của thiên hạ, nếu có, cũng sẽ không bao giờ mang đến cho gia đình vợ chồng chú một cuộc sống hạnh phúc đích thực.  Thật tiếc, lời khuyên của những người thân như nước đổ lá khoai!  Với vợ chồng chú, trong lúc này, sự “ù à” là trọng tâm của cuộc sống.  Vợ chồng chú sẵn sàng “cày” thêm chứ không thể buông bỏ để chịu lép vế những người xung quanh.

 

 

Giòng đời của họ cứ thế cuộn chặt trong cuồng phong của khát vọng!  Những bữa cơm gia đình, những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng con cái, vì thế càng lúc càng thưa dần.  Những cái mốc lớn nhỏ của gia đình vợ chồng và con cái, đến rồi đi như thế nào, chú cũng chỉ nhớ loáng thoáng.   Những ước mơ hoặc những chuyến du lịch đây đó của vợ chồng con cái cũng đều được vợ chồng chú khất “mai mốt bớt nợ,”  “mai này khấm khá,” hoặc “mai mốt về hưu” sẽ làm!  Thậm chí ngay cả khi đối diện với những đóng góp cần thiết cho các sinh hoạt tôn giáo, nhà trường, hoặc từ thiện, vợ chồng chú áy náy lắm, nhưng cũng vẫn thoái thác là “để mai mốt dư giả” sẽ giúp. 

 

 

Chiếc phi cơ càng ngày càng mất phương hướng trên bầu trời khát vọng! Vợ chồng chú không còn nhận ra đâu là bãi đáp cho một gia đình hạnh phúc, nơi con cái của họ đang cần họ, hiện tại chúng đang chờ họ, nhưng chúng cũng sắp sửa cất cánh bay vào một bầu trời vô định. Tiếc thay, vì mải mê đua đòi, vợ chồng chú đã quên cảm ơn và tận hưởng cái họ đang có mà chỉ nhớ tới, chỉ cay đắng khi nghĩ tới, và chỉ hướng về, cái họ chưa có.  Chỉ vì muốn được “thiên hạ trầm trồ”, vợ chồng chú phải nợ.  Rồi vì nợ nần, bao nhiêu sinh hoạt yêu thương, cần thiết, đều bị gác lại “để mai mốt.”

 

 

Cái mốc “mai mốt” đó cuối cùng đã chẳng đến!  Những đứa con thân yêu của vợ chồng chú nay đã lớn, tản mát mỗi đứa một nơi, và có đứa hình như cũng vô tình đang dẵm vào vết chân cũ của bố mẹ. Phần chú, sau hơn mấy mươi năm vật vã trong nợ nần, trong bon chen vọng ảo, khoảng sáu tháng trước, chú cảm thấy một bên của bụng đau đau, ăn không còn ngon miệng, da đổ màu vàng và người bỗng dưng xuống ký.  Vài tuần sau khi đi thử nghiệm, bác sĩ yêu cầu gặp riêng chú để tham khảo rồi cấp tốc gửi chú vào MD Anderson, một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất thế giới về ung thư.  Cho tới hôm nay thì MD Anderson đã trả chú về với gia đình được gần một tuần để nằm chờ một điều chú không đợi! 

 

 

Chẳng biết có phải vì phản ứng của thuốc hay không? Trong giấc ngủ chập chờn của chú cứ ẩn hiện những giấc mơ và ác mộng.  Trong những giấc mơ, chú thấy gia đình vợ chồng con cái vui cười hạnh phúc qua những sinh hoạt đơn giản, ngây thơ.  Chú nghe đâu đó giọng cười nắc nẻ của những đứa bé con chú khi chúng đùa chơi với tuyết trong những mùa đông xa xôi năm nào; chú thấy hình ảnh cả nhà ướt như chuột lột, nhưng vẫn vui cười, khi dùng vòi nước xịt nhau trong những lần cả gia đình cùng nhau rửa chiếc xe cũ sau lễ Chúa Nhật năm xưa; chú thấy tụi nhỏ tung tăng líu lo khi vợ chồng chú dắt chúng đi ăn McDonald’s hồi chúng còn bé…  Chú đang vui cười hạnh phúc thì những giấc mơ bỗng vụt tắt, rồi thay vào đó, những cơn ác mộng của chuỗi ngày ganh đua vụt đến! 

 

 

Cứ thế, tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời chú cứ được quay đi quay lại, như một cuộn phim không có đoạn kết, trong những lúc chú mơ mơ, tỉnh tỉnh.  Chú cảm thấy thật hạnh phúc khi nó “chiếu” lại những điều tốt chú đã làm cho người khác, những sinh hoạt lớn nhỏ với vợ con, và những gói đồ ăn chú trao tặng người nghèo khi gia đình chú được người bảo trợ trong nhà thờ dẫn đi thăm người vô gia cư hồi vừa qua Mỹ.  Tiếc thay, những giấc mơ đó quá ít và quá ngắn!  Những cơn ác mộng, thì ngược lại, quá nhiều và cứ dài lê thê.  Không những chỉ hoảng loạn trong lúc bị ác mộng mà lúc tỉnh dậy nó còn làm chú dằn vặt và ân hận.  Chú cảm thấy mắc cở, nuối tiếc, đau đớn dằn vặt khi nhớ tới những hành động ích kỷ chú đã làm cho riêng chú, những ganh đua vớ vẩn, những cái háo thắng nhất thời.  Nói chung, trong những tuần vừa qua, chú bị dằn vặt và ân hận bởi những điều đã làm, những việc không làm, và những cái không còn cơ hội để làm!

 

 

Trong căn phòng quạnh hiu với ánh sáng mù mờ của chiếc đèn ngủ và tiếng phì phò ngày đêm của chiếc máy trợ khí, chú nhìn vợ than thở:

 

 

-Ước gì mình đã hết nợ nần...  Phải chi nhà cửa, xe cộ, business không còn nợ thì mai đây em và các con ở lại sẽ bớt khổ và anh ra đi cũng an tâm!

 

Ý kiến bạn đọc
26/08/202000:28:10
Khách
Bài viết rất ý nghĩa. Cách trình bày khéo léo, dù hàm ý mỉa mai nhưng vẫn dí dỏm, nhẹ nhàng.
Cách dùng chữ hay và tinh tế. Chẳng hạn như:
"Với vợ chồng chú, trong lúc này, sự “ù à” là trọng tâm của cuộc sống" (dùng "ù, à" thay vì "oh, ah" rất khéo, rất VN). Nếu tôi đoán không lầm, tác giả là một người gốc Bắc, rất có thể là Bắc 54.
Cám ơn tác giả.
25/08/202020:04:14
Khách
Hay lắm! Thanh Mai rất thích bài này vì nói đúng tâm lý bon chen mê hào nhoáng của rất nhiều người mình!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,683,546
Vì tình hình và ảnh hưởng của Covid 19 về khả năng họp mặt cũng như khả năng tài chánh, bảo trợ, tham dự… Viết Về Nước Mỹ chính thức thông báo hủy bỏ giải thưởng năm 2020. Tháng Tám năm 2021, Viết Về Nước Mỹ sẽ trao giải năm 2020-2021 gộp chung. Ban tổ chức Viết Về Nước Mỹ xin trân trọng cảm ơn quý độc giả và quý tác giả, mong tiếp tục nhận bài tham dự và xin chúc sức khỏe, an lành.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Những tiếng động mạnh và la hét đánh thức kẻ hay mộng mị như Tài vào nửa đêm. Đang mơ ngủ, Tài tưởng rằng mình vừa trải qua một cơn ác mộng như mọi khi. Nó nghĩ mình đang ở quán bia ôm khi các cậu ma cô cùng các cô tiếp viên đánh và chửi khách không cho tiền bo. Tài đang định ngủ lại thì nghe tiếng chân chạy xuống cầu thang rồi tiếng kêu xé màn đêm: - Cứu với, cứu với, giết người, cứu, cứu – Tài nghe giọng đàn bà còn trẻ.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Đây là bài mới nhất của Ông.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài " Trái mít " sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài thứ hai.
Vào thập niên tám mươi, sau khi tham dự lễ ra trường của một thân hữu tại San Leandro. Trên đường về, người em họ tôi ghé thăm gia đình người bạn, nên tình cờ tôi có dịp quen biết mấy anh em bạn của người em họ. Và, duyên phận đưa đẩy, sau nhiều năm tháng, tôi đã kết hôn với cô em kế của người anh lớn trong gia đình bạn người em họ tôi. “Nhà tôi” có một anh trai, một em trai và hai người em gái – tất cả đều là thuyền nhân. Sau ngày đặt chân tới Hoa Kỳ, ba người lớn tuổi vừa đi học vừa đi làm, còn hai cô em nhỏ làm bán thời gian cho chương trình “student work study” sau giờ học.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Sáng hôm nay, thời tiết thật dễ chịu. Tôi xuống bếp mở cửa sổ ra cho thoáng để làm món trứng chiên khỏi bị hôi nhà. Một luồng gió mát rượi ùa vào khiến tôi thấy thoải mái, dù tối hôm qua chẳng ngủ được tí nào. Thật là vui mắt khi nhìn chảo trứng chiên sôi liu riu trên bếp. Trong tất cả các món ăn, trứng chiên là món dễ làm, nhìn hấp dẫn, và ăn rất thơm ngon. Tôi chợt nghĩ, phải chi mọi việc trên đời này đều đẹp và làm dễ dàng như món trứng chiên thì hay biết bao nhiêu. Người ta sẽ đỡ vất vả lo toan và tốn nhiều tâm huyết. Như chuyện của vợ chồng Tiến Mai vậy.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.