Hôm nay,  

Đôi Bờ Sông Tương

24/07/202000:00:00(Xem: 12978)
 
HINH VIET VE NUOC MY

Tiến và Mai.(hình tác giả gửi)

Nguyên Ngọc
Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “ Mầm Sống Trên Đất Mới “ , sinh năm 1968 hiện là giáo viên dạy Văn cấp 2 tại Nha Trang . Đây là bài thứ hai . Mong tác giả tiếp tục gửi bài.
 
*****
 
Đêm đã khuya, tôi dắt Mai, cô hàng xóm, đi trên con đường hẻm nhỏ, từng cơn gió nhẹ hiu hắt lùa theo những bước chân nhàn rỗi của chúng tôi. Xóm làng đã chìm trong giấc ngủ, xung quanh thanh vắng lặng im. Bỗng Mai lay tôi hỏi nhỏ:

- Chị chơi với em chị có ngại không?
- Ngại gì? Tôi hỏi lại.
- Dạ! Ngại vì em mù đó!
- Cái con nhỏ này, em có tin chị bỏ em giữa đường cho em tự về không - Tôi cười nói.

Mai cũng cười và nắm chặt lấy tay tôi thủ thỉ:

- Em thật hạnh phúc được chơi với chị, được chị yêu thương chia sẻ những buồn vui khi không có chồng em bên cạnh. Khi chị chưa đến, em không dám chơi với ai hết, nhất là với người sáng mắt. Mỗi lần đi làm về là em chui tọt vô nhà lo cho chồng con rồi mai lại lên hội. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong những ngày dài không ánh sáng.

Tôi mắng yêu:

- Em ngốc lắm! Mù như vợ chồng em, bao người sáng không theo kịp đó chứ. Ví dụ như chị đây nè!
- Thua gì? Chị nói đi! Mai giục.
- Thua công nghệ thông tin nè, thua những tấm bằng khen nè, thua tiếng Anh nữa...

Hai chị em mãi tán chuyện, đến cổng ngoài nhà Mai lúc nào mà tôi không hay. Mai khép cổng và bước vào nhà. Nhìn dáng em liu xiu men theo tường nhà bà Sáu mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi thương em và có cả sự ngưỡng mộ; ngưỡng mộ bởi số phận oan nghiệt vẫn không làm em gục ngã, buông xuôi. Em đã cố gắng vùng vẫy ngoi lên từ đêm đen để trở thành cô gái mù nổi tiếng cả tỉnh thành. Thật từ đáy lòng, tôi rất khâm phục trước ý chí và tài năng của Mai với những tấm  bằng khen chất đầy bên góc tủ. Trong tất cả những giải thưởng tôi nể phục nhất là giải về Tin học 6 tỉnh miền Trung mà Mai đạt được năm 2009. Và từ khi quen biết Mai tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều thứ ở cô ấy lắm. Nhưng đăc biệt, tôi cảm động nhất là mối tình thật đẹp của Mai và Tiến.

Ngày ấy Mai gặp Tiến trong đám tang của người thầy dạy âm nhạc tại Nha Trang. Tiến cũng là người khiếm thị nhưng trông rất thư sinh.  Dù mắt không nhìn thấy, anh thổỉ sáo rất hay lại đàn giỏi, còn sử dụng vi tính thì vô cùng thành thạo. Tiến đã làm lay động trái tim Mai bằng tiếng sáo du dương, làm sống lại những cảm xúc yêu đương từng ngủ quên trong Mai suốt những năm tháng đau buồn vì mặc cảm tàn tật.

Cuộc đời Mai đã sang một trang mới, cô ấy đã tìm được nửa kia yêu thương. Hai mảnh đời bất hạnh ghép lại thành một bức tranh đẹp tuyệt vời về tình yêu. Họ yêu nhau, cùng trải qua bao sóng gió, bao cung bậc cảm xúc. Buồn thay, tình yêu chớm nở không bao lâu thì Tiến phải sang Mỹ theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình, bỏ lại Mai với những hụt hẫng, chới với, nhớ nhung, và suy nghĩ mông lung buồn khổ đã đeo đẳng cô từ bao năm tháng tưởng đã phôi pha nhờ tình yêu của chàng, bỗng dưng giờ đây chúng quay trở lại để hành hạ mảnh tâm hồn tội nghiệp.

Ngày ấy, liên lạc Việt Nam và Mỹ rất khó khăn chứ không như bây giờ. Những lá thư tay thấm đẫm nước mắt chứa chan yêu thương phải mất một thời gian dài mới đến được tay nhau. Họ yêu nhau chỉ mới 5 tháng lại xa nhau đến 5 năm, thời gian gần nhau thật ít ỏi mà thời gian xa nhau thì đằng đẵng. Những ngày xa Tiến, Mai tuy còn rất trẻ lại bị mù nhưng nhan sắc cũng khá dễ thương, tính tình hiền dịu, và giỏi dang. Cô thường đi hội họp, quen biết nhiều, nên những anh chàng độc thân cùng trong Hội Người Mù thường theo tán tỉnh. Có nhiều lời khuyên bảo Mai đừng chờ đợi nữa, xa xôi cách trở như vậy, cộng thêm chuyện Tiến là người khuyết tật qua Mỹ không thể đi làm nên chắc chắn là anh sẽ không thể nào về cưới Mai đâu. Nhưng Mai tin Tiến, tin đến mức cô đáp trả gay gắt mỗi khi có ai đó nói không hay về Tiến, cô chỉ biết vùi đầu vào công việc cho quên đi ngày tháng.

Lòng tin của Mai cuối cùng đã được đền đáp. Vì khi sang sống ở Mỹ, Tiến đã nghĩ “tàn tật nhưng không tàn đời.” Anh không nằm nhà để thụ hưởng 100/100 sự trợ giúp thật hoàn hảo từ A tới Z của chính phủ Mỹ đối với người tàn tật, mà anh đến trường, học Tiếng Anh, và học cách sống tự lập, rồi ra đi làm, để cho có thu nhập hầu về Việt Nam cưới Mai và bảo lãnh cô qua Mỹ.

Mãnh lực tình yêu quả là sức mạnh vô biên. Tiến cố gắng và Tiến đã làm được. Qua thư từ, Tiến kể cho Mai nghe đủ chuyện về nước Mỹ. Ở Mỹ, Tiến nói anh cảm nhận được sự an toàn, sự công bằng, và rất an tâm vì mình được bảo vệ bởi luật pháp Mỹ. Luật người khuyết tật ở Hoa Kỳ cấm phân biệt đối xử kì thị với người khuyết tật. Tiến đã được quan tâm chăm sóc rất chu đáo. Chẳng những hãng xưởng chịu nhận người khuyết tật như anh vô làm, mà họ còn giúp đỡ tận tình. Ví dụ như trước khi Tiến vào hãng làm việc, hãng phân công người đến tận nhà để tập cho Tiến học định hướng di chuyển từ nhà tới hãng và ngược lại mà không phải trả tiền, lại còn được nhận đầy đủ lương.  Mỗi khi Tiến đi ra đường, từ phương tiện giao thông, cho đến trường học, các siêu thị, nhà hàng... đâu đâu cũng đều có những phương tiện đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị, có thêm mục chữ nổi để người khuyết tật chủ động sử dụng mà không làm phiền đến ai. Không như ở Việt Nam, Tiến luôn bị động, đi đâu cũng phải có người dắt, dẫn, bằng không nếu chẳng lạc đường thì cũng bị …xe đụng. Đặc biệt, Mai nói cô thích nhất là chuyện ở Mỹ trên xe bus họ thiết kế hệ thống nâng lên hạ xuống ở cửa xe cho người khuyết tật lên xuống dễ dàng. Bên Việt Nam đâu ai quan tâm cho người mù, có lần Tiến đi xe buýt lúc xuống xe anh bước sụp xuống hầm cống đang đào sửa chữa sém chút nữa mạng vong.  Chuyện Tiến, một chàng trai Việt không thấy đường đến Mỹ lại trở thành người hữu dụng, tự tin đi làm hãng xưởng một cách đàng hoàng như người bình thường đã làm bao người ở Việt Nam kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Hai người này quả đúng là một cặp Trời sinh. Mai cũng là người khiếm thị và cô cũng dũng cảm kiên cường không kém Tiến. Cô đi học đủ thứ, để tự lập mà tự mưu sinh, kể cả học tiếng Anh.

Từ ngày bé Út - con gái tôi- đi Mỹ học, tôi và Mai có nhiều chuyện để nói hơn và từ đó cũng thân nhau hơn. Mỗi lần qua nhà Mai tôi thấy cô ấy dù không thấy đường nhưng lại làm mọi việc gọn gàng sạch sẽ đâu vào đó, bước đi nhanh nhẹn như người sáng vậy. Tôi cảm phục quá nên trong một lần thấy Mai vui tôi mạo muội hỏi:

- Mai ơi! Chị hỏi điều này tí, em đừng buồn sao chị tò mò nha.
Mai tươi cười đáp:
- Dạ, chị nói đi! em luôn xem chị như người thân yêu của em, có điều gì em giấu chị đâu.
- Vậy em có thể cho chị biết vì sao em bị mù mắt, em bị lúc nào mà sao em không giống như những người khiếm thị khác, vì việc gì em cũng làm được, và làm giỏi như vậy?

Như được khơi dậy nỗi lòng, Mai bèn kể một hơi cho tôi nghe về cái đêm định mệnh đó. Cái đêm mà nó đã cướp đi nguồn sáng trong đôi mắt của Mai. Đến giờ tôi mới biết, mắt của Mai không phải mới sinh ra là đã bị mù.

Đó là một buổi chiều năm Mai 19 tuổi, cái tuổi xuân sắc nhất của đời người con gái đầy mộng mơ. Chiều hôm ấy, đi làm rẫy về, Mai chở lúa đi xay trên bến xe Tiền Phong bằng chiếc xe đạp cũ. Xay xong, cô hốt gạo và cám bỏ vào bao, cột phía sau ba ga chuẩn bi chở về. Vừa bước ra đường, bỗng nhiên trời đất tối sầm lại. Mai nghĩ, chắc đi làm về mệt chưa ăn gì nên choáng thôi. Mai ngồi đó đợi rất lâu, rất lâu. Ông chủ nhà máy cũng đóng cửa ra về.
Trời chiều dần buông, Mai chờ mãi mà cô không thấy rõ hơn chút nào, đầu óc mỗi lúc càng đau hơn. Mai bèn quyết định men theo lề đường dắt xe gạo mò mẩm đi về.

- Sao em không nhờ người trong nhà máy hay nhờ ai đó báo cho người nhà em lên đón mà tự đi về nguy hiểm vậy? Tôi nôn nóng xen ngang lời em.
- Lúc đầu em cũng định vào nhà máy nhờ nhưng nghĩ, chắc mình mệt nó xây xẩm chút rồi khỏi, nên ngồi đợi. Mai buồn bã nói. – Và cũng vì nhà em, các anh đi làm rẫy ở lại hết, ba thì đi xa, còn mẹ em mất khi em mới11 tuổi.

Mai cho biết, từ chỗ máy xác gạo xuống nhà Mai khoảng gần hai cây số, con đường âý Mai đã đi lại lắm lần nhưng sao đêm nay nó dài và xa đến thế. Dò dẫm từng bước, từng bước trong đêm tối, chiếc xe đạp như chiếc gậy dò đường, thỉnh thoảng Mai lại sụp ổ gà vì đường ngày xưa lồi lõm chứ không như bây giờ. Ngã xuống, đứng lên, và đi tiếp.

Đang đi, người Mai bỗng nhiên nhẹ tênh như đi vào hư không, rồi cô rơi tõm xuống cầu. Cái cầu bị hư đang làm lại, ác thay, không một vật gì che chắn cả. Mai hoảng loạn thét lên, thét to như muốn xé toang trời đêm, mong ai đó đi trên cầu nghe thấy xuống cứu. Tiếng kêu mỗi lúc nhỏ dần. Mai thầm nghĩ có lẽ đêm nay là đêm cuối cùng được sống trên cõi đời này. Nhưng rồi cô lại nghĩ: Không! Mình không thể chết như vậy được, bởỉ chưa gặp cha, gặp anh để cho biết là mình bị mù, nhất định phải sống, phải đi chữa mắt để tìm lại nguồn sáng.

Đêm càng về khuya, đường phố càng vắng lặng, chỉ thoảng nghe tiếng xe ba gác chạy xa xa chở ốc sò về bến. Trong cơn bấn loạn, Mai không hiểu tại sao mình lại không thấy đường, bây giờ lại rơi xuống cầu như thế này. Mai như chết lặng rồi hít thật sâu, cố gắng kêu thật to.

- Có ai không... Cứu tôi với! Tiếng kêu vang xa, vang xa rồi rơi tọt vào màn đêm. Mai rợn tóc gáy suy nghĩ bông lung. Bỗng có bước chân nhè nhẹ của ai đó đang leo xuống, rồi tiến lại gần. Một giọng khàn khàn của người đàn ông đứng tuổi vang lên ở phía sau.

- Đi đứng mắt mũi để đâu mà lọt ũm dưới này vậy?

Mai mừng quýnh nhưng không dám nói sự thật mình không thấy đường vì sợ sợ... Mai nhanh tay mò chụp cái bao gạo sau xe cùng leo lên thành cầu mà không để người ấy biết cô bị tối mắt. Lên khỏi cầu Mai cảm ơn rồi cố trấn tĩnh dắt xe đi tiếp. Nhưng đi được một quãng, bỗng có bàn tay ai đó đặt xuống vai Mai, cô giật mình, thét lên và dắt xe chạy tới. Hắn đuổi theo và ôm chặt từ phía sau. Mai lại la lên, Cứu tôi! Cứu tôi! ...Vừa kêu vừa chạy thụt mạng, chạy không còn biết đường xá là đâu. Thì ra là hắn đã theo dõi cách đi đứng đã phát hiện ra Mai bị mù nên hắn đuổi theo dở trò bỉ ổi.

Vừa đói, vừa mệt vừa căm giận cái tên dê sòm kia, Mai ức nghẹn thở không ra hơi. Mai không còn cảm giác biết ơn mà lẩm bẩm: “Giá ông đừng cứu tôi để tôi chết duới cầu kia còn tiếng thơm hơn bị ông sàm sỡ.” Đang tức điên người, bất ngờ chiếc xe đạp bị giật mạnh ra khỏi tay. Chẳng lẽ lại là hắn, hắn không buông tha mình thật ư? Mai loạng choạng đưa hai tay về phía trước quờ quạng rồi bỏ chạy. Mai chạy trong vô định, chạy như ma rượt về phía trường học rồi vấp ngã, thế là hắn đuổi kịp.

Lúc này, chuông nhà thờ ngân lên 12 tiếng. Mai hy vọng có ai trong nhà thờ còn thức ra cứu mình.Tiếng la của Mai nhỏ dần, nhỏ dần rồi lạc vào không gian mênh mông của đêm như tiếng chuông nhà thờ kia. Mai đã kệt sức và hoảng loạn. Lúc tưởng chừng như chấm hết tất cả thì Chúa lại đến cứu cô ấy. Có một nhóm thanh niên từ phía chùa Ốc đi lại, nghe tiếng kêu cứu của Mai họ chạy đến. Thấy được tình hình và tiếng kêu khóc của Mai, họ túm lấy người đàn ông kia và đấm đá ông ta túi bụi… Sau đó họ giúp đưa Mai về nhà.

Chạy về tới nhà, Mai vào phòng đóng cửa khóc suốt ngày đêm, đến khi người anh thứ ba đi rẫy về thấy mắt em mình mắt sưng húp thì gạn hỏi. Mai mới kể hết mọi chuyện cho anh nghe. Anh đau đớn muốn tìm gã đàn ông kia để cho hắn một trận nhưng nghĩ lại hắn cũng đã cứu em mình từ dưới cầu lên nên thôi. Hai anh em ôm nhau mà khóc.

Anh Ba đã dắt Mai đi chữa trị nhiều nơi, hết tiền mà mắt Mai không thể sáng. Nhiều tháng Mai chìm trong bóng đêm với những giấc mơ hãi hùng. Có những lúc Mai không biết đâu là mơ, đâu là thực, đâu là ngày, đâu là đêm. Lòng trĩu nặng ưu tư, nỗi đau đớn đến tột cùng Mai đã gọi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ hãy về đưa con gái đi cùng. Con không muốn sống nữa, con muốn theo mẹ vì con còn hiện hữu trên cõi đời này thì chỉ là gánh nặng cho ba và các anh mà thôi.” Mai đau đớn, chán nản, tuyệt vọng, mấy lần Mai tự tử nhưng không thành. Nhưng rồi Mai đã tự trấn tỉnh lại, chập nhận sự thật, chấp nhận số phận để đứng lên.

Nhờ một chị bạn giới thiệu, Mai đã gia nhập vào Hội Người Mù trong Thị Trấn, cùng tham gia sinh hoạt với những người bất hạnh khác. Mai dần quen nơi này, nơi có những người cùng cảnh ngộ biết chia sẻ, yêu thương, đã làm cho Mai quên đi cái quá khứ đau buồn. Từ ngày vào Hội cô ấy không còn cảm thấy cô đơn lạc lõng nữa. Mai đã có một đại gia đình mới, đầy ắp tiếng cười. Đúng là, cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác đã mở ra.

Vào Hội không bao lâu, nhờ sự thông minh và chăm chỉ Mai học chữ Braille và sử dụng nó thành thạo. Ngoài học chữ Mai còn học vi tính, bấm huyệt, làm chổi… Công việc nào cô ấy cũng làm rất giỏi. Mai bắt đầu cuộc sống tự lập mà không phải phụ thuộc, dựa dẫm vào anh em trong gia đình.  Nhờ tham gia các hoạt động, Mai nhận được nhiều giải thưởng, có tiền để tự trang trải cho cuộc sống. Từ đó Mai cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đó là thời điểm Mai gặp rồi quen và yêu Tiến

Mãi hơn 5 năm sau khi đến Mỹ, đã tốn biết bao nhiêu thời gian viết thư, gọi điện, và cả nhớ nhung, Tiến mới trở về thăm Mai. Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau mừng mừng tủi tủi.  Niềm vui tràn đầy, dù di chuyển bất tiện họ vẫn cố gắng tổ chức đám cưới.  Thật tội nghiệp, thủ tục cưới xin lúc đó vô cùng rắc rối. Họ đi ra, đi vào Cục Xuất Nhập Cảnh không biết bao lần, nhưng vẫn không làm được giấy đăng ký kết hôn. Cuối cùng họ chỉ tổ chức lễ cưới đơn giản nhưng ấm áp bên gia đình Mai và người thân, và vì vậy Tiến không thể làm thủ tục bảo lãnh Mai. Ngày vui, hạnh phúc bên nhau chưa bao lâu thì Tiến phải về lại Mỹ do hãng gọi đi làm. Lúc sắp đi, Tiến vui mừng vì Mai có thai được 6 tuần. Họ vô cùng hạnh phúc, cứ mãi quấn quýt bên nhau, không muốn rời xa một bước.


Tám tháng sau, bé trai Thi Thiên ra đời, đó là kết tinh của một tình yêu đẹp giữa hai người. Thi Thiên là bài thơ hay nhất, tuyệt diệu nhất mà trời đã ban tặng cho đôi uyên ương kẻ ở chân trời người nơi góc biển này. Mai đã vượt cạn một mình, không có chồng bên cạnh. Cô rất hồi hộp và lo lắng, mong con sinh ra có đôi mắt lành lặn, không phải giống như ba mẹ nó. Ngày vượt cạn thật kinh khủng mà Mai nói không dám nhớ lại.  Vì hồi hộp, lo âu, nên đến mấy ngày sau Mai mới dám hỏi cô y tá xem đôi mắt con trai thế nào. Khi nghe cô y tá nói đôi mắt của bé long lanh, lành lặn, Mai vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.

Những ngày tháng Mai sinh con, nuôi con thui thủi một mình với bao khó khăn tưởng chừng như không kham nổi, vì một người phụ nữ bình thường lần đầu tiên làm mẹ cũng cực muôn vàn, huống chi là cô gái mù như Mai. Vậy mà Mai đã vượt qua một cách thật hoàn hảo, tuyệt vời mà không cần sự trợ giúp của ai, từ việc nuôi con, cho bú mớm, chăm sóc thức ăn, giặt giũ, dọ dẹp nhà cửa… Như đáp trả lại tình yêu vô bờ của người mẹ mù, thằng bé lớn nhanh như thổi, dễ nuôi, và rất dễ thương. Năm tháng sau khi Thi Thiên ra đời, Tiến xin được hãng cho phép nên bay về thăm vợ con một chuyến. Tiến hạnh phúc không nói nổi thành lời. Đứa con lành lặn, bụ bẫm, ai cũng nói đôi mắt bé sáng trong.  Đó là món quà vô giá mà Chúa đã ban tặng cho vợ chồng họ, Tiến nói vậy. Tiến cảm ơn Mai, cảm ơn Chúa đã mang Thi Thiên đến với cuộc đời anh. Từ nay Thi Thiên sẽ là đôi mắt, là nguồn sáng bất tận của hai người.

Nhưng rồi niềm vui, niềm hạnh phúc bên nhau của họ cũng không được bao lâu. Tiến lại phải trở về Mỹ vì công việc. Hình như ông trời lại thử thách, bắt họ cứ phải cách xa nhau. Lại một lần nữa hơn 4 năm, mòn mỏi ôm con chờ đợi. Có những lúc Mai muốn gục ngã bởi quá nhiều áp lực từ công việc làm, chuyện nuôi con một mình, và đặc biệt là những lời dèm pha ác ý của ai đó, rằng Tiến đẹp trai, tài giỏi, liệu Tiến có bội bạc không? Vì thời ấy cũng có biết bao cô gái trẻ đẹp có con với Việt Kiều rồi họ đi mãi không về để cưới hay bảo lãnh,  đành đoạn bắt người yêu, người vợ bên Việt Nam chờ đợi mỏi mòn, tàn phai tuổi thanh xuân. Nhưng Mai thì tin vào Tiến tuyệt đối, tin rằng anh ở bên ấy cũng từng đêm mong nhớ vợ con, nhưng do hoàn cảnh nên chưa thể nào bảo lãnh mẹ con Mai.

Những đồng tiền đi làm dành dụm Tiến gửi về Việt Nam lúc ấy quí lắm. Lần nào nhận tiền Mai cũng khóc. Thi Thiên lúc này đã lớn và nó mãi theo hỏi: "Ba đi đâu mà lâu về vậy má?"  Mỗi lần nghe con hỏi, Mai tê tái lòng chỉ trả lời cho qua chuyện, “Ba phải đi làm xa, ba đi làm kiếm tiền để bảo lãnh mẹ con mình.” Thiên lớn lên trong vòng tay yêu thương của chỉ mỗi một mình mẹ. Càng lớn, thằng bé càng kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Đó cũng nguồn an ủi tiếp thêm sức mạnh cho Mai chờ Tiến trở về.

Và rồi Tiến cũng đã trở về sau hơn 4 năm chờ đợi nữa của Mai. Mai như hồi sinh trở lại. Mùa Đông năm ấy Mai không còn cô đơn lạnh lẽo không còn ôm con khóc thầm khi gió Đông về. Những ngày bên nhau nghe tiếng cười, và tiếng gọi “Vợ yêu” của Tiến. Mai hạnh phúc biết bao dù trong thâm tâm Mai cứ lo cánh cánh sợ một ngày nào đó anh lại đi, đi mãi không về. Có lần tôi buộc miệng hỏi:

- Sao chị nghe nói diện bảo lãnh hôn nhân đi nhanh lắm mà sao tụi em lâu vậy?
Câu hỏi tưởng như bình thường ấy lại đụng đến nỗi buồn trong Mai. Mai buồn buồn đáp:
 - Không phải mình chị hỏi câu này mà nhiều người cũng hỏi thế, có ai hiểu được hoàn cảnh của tụi em. Mai nghẹn ngào xúc động kể lại chuyện làm hồ sơ…

Tiến đã làm hồ sơ đến mấy lần nhưng rồi lần nào cũng trục trặc giấy tờ; lúc thì do chưa có giấy kết hôn; lúc thì chưa làm được khai sanh cho con, và Mai không nỡ bỏ con ở lại Việt Nam nên đành lỡ chuyến. Rồi đến năm 2008 do khủng hoảng tài chính ở Mỹ, một số hãng sa thải bớt  công nhân. Tiến bị mất việc, lại không bảo lãnh được vợ con. Cứ thế số phận trớ trêu thử thách họ hằng hai chục năm trời. Có lúc chờ đợi mỏi mòn Mai muốn buông xuôi, phó mặc số phận.

Trong thời gian mất việc, Tiến bay về Việt Nam sống cùng vợ con. Ở bên này Tiến không phải lo cơm nước vì Mai chăm sóc chồng từng li từng tí, còn tiền bạc thì có tiền trợ cấp thất nghiệp của Tiến từ bên Mỹ gửi về, vì Tiến là công dân Hoa Kỳ. Mà nước Mỹ hay thật, họ quan tâm trợ cấp cho người dân của họ không cần biết người dân đó đang sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước. Ở Việt Nam một thời gian, dù cố gắng hòa nhập nhưng Tiến vẫn không thể nào quen được cách làm việc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, và cả sự phân biệt đối xử  đối với người khuyết tật nơi đây, nên anh quay về Mỹ.

Tiến lại xin được việc làm, dành dụm tiền để mở lại hồ sơ bảo lãnh mẹ con Mai. Lần này Tiến tin là mình sẽ làm được, ngày đoàn tụ sẽ không còn xa. Nhưng ai ngờ, anh bỗng nhiên bị bạo bệnh, nghỉ làm lâu quá thời gian cho phép nên hãng cho nghỉ việc luôn. Lại một lần nữa Tiến lỡ chuyến đò đưa vợ con sang. Tiến nhờ người đứng ra bảo lãnh tài chính nhưng tìm mãi không ra. Gia đình Tiến không ai giúp được. Em trai đã mất, mẹ thì bị ung thư. Còn bạn bè, họ tốt và thương Tiến lắm nhưng để bảo trợ cho vợ con anh là điều không thể, vì muốn bão lãnh cho hồ sơ định cư sang Mỹ phải chứng minh nhiều thứ quá nhiêu khê nên không ai chịu nhận lời. Bao suy nghĩ, bao bất hạnh cứ bủa vây anh có lúc anh đau đớn tưởng chừng như quỵ ngã.

Đầu năm 2019, có vợ chồng một người bạn rất tốt bụng bên Mỹ tên Vân giúp xin được việc làm cho Tiến. Nghe tin, cả nhà Mai mừng muốn khóc. Những tháng ngày chờ phỏng vấn vợ chồng cô Vân đã bảo bộc giúp đỡ Tiến rất  nhiều. Cô Vân lo cơm nước còn người chồng Mỹ thì lo giấy tờ điền đơn cho Tiến. Bởi lần này là cơ hội cuối cùng, theo luật mới Tiến phải có việc làm ổn định mới bão lãnh được vợ con qua, nếu để lâu, Thi Thiên con trai họ qua 21 tuổi thì sẽ bị bỏ lại. Thi Thiên năm nay đã là 20 tuổi, học cũng khá, cậu bé đang học ở trường Cao Đẳng Thực hành FPT ngành kỉ thuật mềm điện tử.

 Và ngày Tiến phỏng vấn đậu, được hãng Ligthouse ở Thành phố Seattle tiểu bang Washington nhận vào làm việc công việc ráp đuôi máy bay, thì cả nhà Tiến Mai từ hai đất nước xa xôi đều đồng loạt nổ bùng lên một nỗi vui mừng vô bờ bến.  

Mai kể tôi nghe về sự vất vả của Tiến, nghe mà thương đến xót cả ruột. Do Tiến vừa đi làm có quá nhiều áp lực, lớp thì lo về giấy tờ bảo lãnh vợ con, lại phải lui cui một mình thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị cơm nước mang đi làm, nên có nhiều hôm chứng đau đầu mất ngủ của anh tái phát. Một lần, vừa bước ra khỏi nhà tự nhiên Tiến thấy đầu óc quay cuồng. Anh bị mất hết phương hướng nên đi lòng vòng mãi mà không đến được cột đèn giao thông (nơi định vị để qua đường đến trạm xe bus). Tiến quay lại nhà, nghỉ một hồi để định thần, định hướng rồi bắt đầu đi lại. Lần này, Tiến đi đúng đến cột đèn giao thông, sờ tìm nút chuông dành cho người đi bộ băng qua đường để bấm. Khi có tiếng chim hót báo hiệu đèn xanh an toàn, Tiến băng qua đường đến trạm xe bus nằm phía bên kia.

Nghe Mai kể, tôi biết thêm một điều tuyệt vời về sự văn minh của nước Mỹ. Tôi thầm ước giá gì đất nước tôi những người lãnh đạo họ cũng biết quan tâm đến những chuyện tuy xem như là cỏn con, nhưng lại rất quan trọng để bảo vệ an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng người dân như thế này thì người dân sẽ hạnh phúc biết bao. Quê hương tôi, thành phố nhỏ thì không tính làm gì, nhưng những thành phố lớn, đô hội như Sài Gòn, tôi dù sáng mắt mà mỗi lần muốn băng qua đường đều thót tim thót ruột.  Cho dù cũng có tiếng là “đèn đỏ đèn xanh” nhưng chỉ để cho…oai, đỏ thây kệ đỏ, xanh mặc xác xanh, ai lanh và nhanh thì qua đường cái một, còn ai nhút nhác thì có nước đợi cả ngày.

 Nhiều lúc, tôi muốn tim mình hóa đá để không biết buồn, không biết đau, khi thấy những người mù dò dẫm trên đường trưa nắng với những bó chổi oằn nặng trên vai cùng tiếng rao, tiếng mời nghe thương cảm xót xa. Giờ đây tôi càng thấm thía hơn, vì sao khi về sống ở Việt Nam Tiến được vui bên vợ con, được chăm sóc đàng hoàng và không phải làm gì cả, nhưng Tiến vẫn chọn trở về Mỹ sống.

Mai càng kể tôi càng thấy thương Tiến vô cùng. Khi ở Việt Nam, tôi quý Tiến ở sự tự lập, tự trọng, và cách giao tiếp lịch sự của một người từng sống ở xứ sở văn minh. Giờ đây tôi thương Tiến vì sự chăm chỉ, chịu khó cố gắng làm mọi việc có thể để đem vợ con qua.  Xui cho họ, hồ sơ bảo lãnh đã sắp hoàn tất, thì đùng một cái con virus Vũ Hán nó tràn sang, lây lan khắp nơi, và nước Mỹ buộc các hãng phải đóng cửa. Thế là cũng như bao người dân Mỹ, Tiến lại mất việc. Mai lại buồn, đôi mắt mù lòa lệ lại tiếp tục trào tuôn…

Bẵng một thời gian, tôi bận lo dạy bù do đại dịch Covid-19 và Mai cũng bận rộn lo công ăn việc làm cho anh em người mù trên Hội Người Mù, nên chúng tôi ít liên lạc với nhau. Một hôm, tôi đang ngồi soạn bài, bỗng có luồng gió mạnh thổi qua, mang theo cơn mưa rào mùa hạ trút xuống mái tôn nghe chát chúa. Tôi vừa bước ra khép cửa thì có tiếng chuông điện thoại Mai gọi. Từ đầu dây bên kia giọng của Mai nghe thật lạ, thật gấp gáp, run rẩy, và rồi đứt quãng.

- Em bình tĩnh, có chuyện gì kể chị nghe. Tôi trấn an.

Mai nín lặng hồi lâu, rồi nói trong tiếng khóc:

- Chồng em mới gọi, nói anh bị sốt cao, lạnh, ho, khó thở…Triệu chứng này…triệu chứng này…Mai ngập ngừng không dám nói hết câu, như thể nói ra thì con Corona sẽ…chạy theo mà nhập vào cho Tiến. Cuối cùng cô cũng bật ra được: - Em sợ…em sợ… ảnh bị nhiễm Covid!

- Vậy Tiến đã đi khám chưa?  Tôi hỏi lại trong hoảng hốt. Tiếng Mai nhỏ dần rồi khóc lớn. Tôi lo lắng quá, mang áo mưa chạy sang nhà xem sao. Vừa vào, thấy Mai mắt mũi sưng húp, hình như Mai đã khóc từ tối đến giờ. Mai kể trong tiếng khóc:

- Ảnh bệnh mấy hôm rồi, đến đêm qua thì mê man bất động, nhưng sợ em lo, ảnh không dám nói. Em nghe vậy lo cho ảnh quá chị ơi! Uớc gì lúc này có em bên cạnh để chăm sóc ảnh. Em đau lòng lắm, nhưng không dám thổ lộ vì sợ ảnh mất tinh thần. 

Mai nói Tiến ho nhiều, khó thở, và nóng ran người, nhưng lại không dám ra đường mua thuốc, lại càng không dám gọi ông chủ thuê phòng để nhờ, vì sợ ổng mà biết Tiến bị nhiễm Covid là ổng đuổi ra khỏi nhà. Nếu lúc này mà bị tống ra ngoài thì việc thuê nhà vô cùng khó khăn. Bởi trong lúc dịch bịnh “nội bất xuất ngoại bất nhập” tìm đâu ra chỗ ở mới! Và vì càng lo lắng tâm trí Tiến càng bấn loạn, nên bịnh nặng thêm lên. Tiến hoảng loạn là đúng thôi, vì con số tử vong và số người bị nhiễm virus Vũ Hán đang tăng lên hàng ngày, nhất là trên nước Mỹ; từ hàng chục rồi đến hàng trăm nghìn người.  Khi ấy tiểu bang Washington nơi Tiến sống lại là ổ dịch lớn. Kinh khủng hơn nữa, mỗi ngày Tiến đều nghe tin báo ở hãng có thêm người nhiễm mới.

Nhưng điều thê thảm nhất cho hoàn cảnh của Tiến lúc này, là cha Tiến mới chết vì virus Vũ Hán trong trại dưỡng lão, cách đó chỉ có mấy ngày, mà Tiến không thể đến để từ biệt cha lần cuối. Tiến chưa hết đau xót, chưa hết bàng hoàng, chưa hết nhớ thương cha, giờ đây anh lại mắc bịnh, triệu chứng sao mà nó giống quá... làm sao không lo cho được. Điều Tiến lo lắng nhất không phải là sự cô đơn, mệt mỏi, hay sợ chết, mà điều anh luôn canh cánh bên lòng đó là chưa bảo lãnh được vợ con qua Mỹ. Tiến sẽ mãi ân hận nếu anh ra đi mà chưa kịp đoàn tụ với vợ con. Hồ sơ Tiến đã nộp sở Di Trú từ năm 2019. Nhưng vì dịch bệnh mà chưa đâu tới đâu. Lòng Tiến càng thêm ngổn ngang trăm mối.

Tôi ngồi với Mai cho đến khi trời sắp sáng mà Mai vẫn chưa chợp mắt. Tôi cứ nhắc Mai ngủ chút xíu để mai còn đi làm. Mai nằm đó thở dài não nề suốt cả đêm, trong khi bên ngoài cơn mưa mùa hạ chừng như cũng cảm thương cho cuộc đời người phụ nữ trẻ đầy khổ não nên cứ kéo dài lê thê không dứt. Tôi thương Mai nhiều, nhưng không biết  nói gì hơn chỉ nắm tay em thật chặt. Cố lên! Cố lên rồi mọi chuyện sẽ qua thôi! Tôi thì thầm bên Mai.

Trời sáng, tôi phải về lo đi dạy, và Mai cũng đi làm vì bao nhiêu người mù trên Hội đang chờ Mai, nên dù có đau buồn lo lắng Mai cũng phải gác sang một bên. Chiều cuối tuần Mai gọi, nhấc máy lên tôi nghe giọng Mai trong vắt:

- Chị ơi! Biết kết quả rồi, anh Tiến em bị cảm cúm thông thường, không có bị cô Vi cô Vít hỏi thăm. Em mừng quá!

Tôi thở phào nhẹ nhõm và chúc mừng cho vợ chồng Mai.

Kính xin nguyện cầu ơn Trên gia hộ, đem may mắn đến cho cuộc tình thơ mộng nhưng ngập tràn khổ đau, mấy chục năm phải sống cách xa nhau nửa vòng trái đất của Tiến và Mai, để cho sông Tương đôi bờ tương hợp, để lau khô những dòng lệ trên hai cặp mắt mù lòa, và để cho cậu bé Thi Thiên được đoàn tụ cùng người cha khiếm thị nơi miền đất tự do và được học hành tử tế.

Hôm nay là ngày kỷ niệm đúng 21 năm ngày cưới của Tiến &Mai, (2/7/ 1999- 2/7/2020). Tôi viết bài này như một món quà tặng đăc biệt cùng với lòng chân thành tôi chúc phúc cho họ gặp được quới nhân, giấy tờ tiến triển tốt đẹp. Họ là hai con người tự tin và tự lập, nếu được đoàn tụ chắc họ cũng tự làm việc để nuổi sống gia đình, và sẽ không lệ thuộc vào gánh nặng cho xã hội Mỹ…

Lạy Trời cho nạn đại dịch Covid-19 chóng qua, để nước Mỹ và các nước trên thế giới thoát khỏi sự chết chóc, chia lìa, lo âu, và để cho mọi việc được trở lại bình thường như trước.

Một lần nữa tôi xin kính gửi đến đất nước Hoa Kỳ:
GOD BLESS AMERICA!
 
Nguyên Ngọc

Ý kiến bạn đọc
11/09/202001:01:51
Khách
Up date ngày 9/10/20 quà tặng cho Tiến&Mai:
Ngọc Hà $100
Hồ Nguyễn $300
Hương Đỗ $100
Phạm Thị Kim Dung $200
Phạm Thị Hồng Loan $100
Le Nguyen 2 checks= $600
P.Hoa $100
Tony Hieu Tran $100
Thanh Mai $700 (gồm Tâm Lê, Thanh Mai, Paul Lê, Pamela Phạm, Hoàn Lê, Minh Thúy, Dzung Nguyen mỗi người 100).
TC $2,300.
09/09/202001:51:14
Khách
Up date ngày 9/8/20 quà tặng:
Ngọc Hà $100
Hồ Nguyễn $300
Hương Đỗ $100
Phạm Thị Kim Dung $200
Phạm Thị Hồng Loan $100
Le Nguyen 2 checks= $600
P.Hoa $100
Tony Hieu Tran $100
TC $1,600.
01/09/202000:12:33
Khách
Up date quà tặng:
Ngọc Hà $100
Hồ Nguyễn $300
Hương Đỗ $100
Phạm Thị Kim Dung $200
Phạm Thị Hồng Loan $100
Le Nguyen 2 checks= $600
TC $1,400.
27/08/202018:46:59
Khách
Tôi đã nhận được sự giúp đỡ cho Tiến&Mai của những ăn nhân:
Ngọc Hà $100
Hồ Nguyễn $300
Hương Đỗ $100
TC $500.
Kinh5 Foundation.
1602 Oakmont Pl.
Santa Ana Ca.92701
27/08/202003:30:18
Khách
Cám ơn Từ Huy đã có lời thăm hỏi chị KD.
Yes, con số "quà" đẹp lắm Từ Huy ạ.
Nhờ ơn trên thương ban đầy hồng ân xuống cho hai em Tiến-Mai cách riêng, nên đã có nhiều ân nhân thương cảm đến hoàn cảnh khốn khó của gia đình này mà rộng lòng từ tâm giúp đỡ. Chắc hẳn hai em Tiến-Mai rất trân quý và luôn biết ơn những hy sinh cao quý vô giá này.
Xin gởi lời chúc sức khoẻ Từ Huy.
Chị KD
24/08/202022:13:31
Khách
Không biết chị KimDung đi đâu vắng hổm rày!
Chị và chị Phương Hoa là người khởi xướng chuyện giúp đỡ Tiến Mai về tài chánh.
Nhìn con số tăng dần lên. Đẹp Quá!

Làm em nhớ đến chị!

🙏
24/08/202007:14:15
Khách
Chào Hiếu và quý bạn đọc ân nhân. Xin cập nhật đem ra trang trước tên và địa chỉ để quý vị gửi ủng hộ Tiến Mai.
*Cám ơn tấm lòng của Hiếu đã chung tay giúp Tiến Mai. Hiếu có thể gửi check theo như dưới đây:
Pay to: Kinh 5 Foundation
1602 Oakmont Pl.
Santa Ana. Ca 92701

*Khi anh Tân nhận được sẽ cập nhật vô đây.
Nhóm phụ trách liên lạc xin đại diện Tiến Mai Cám ơn anh Hồ Nguyễn và chị Ngọc Hà đã tặng quà.
P. Hoa, K.Dung, N.Ngọc, T. Mai
24/08/202006:21:45
Khách
Chú Tân Cho con hỏi con muốn gửi tiền con phải gửi đến đâu hả chú
24/08/202006:12:55
Khách
Thật xin lỗi cô! Mấy hôm nay con lo sắp xếp công việc để giúp anh chị Tiến Mai nên không vào đây đọc comment. Đầu tiên cho con chúc mừng cô Mai chú Tiến đã có người bảo trợ co-sign
Xưa giờ em chưa một lần từ chối lời giúp đỡ của cô. Em kính yêu cô, thương cô và thương cả những người cô thương nhưng em đã đến muộn mất rồi. Cảm ơn chú T Nguyễn đã giúp để cô em không còn lo lắng. Em không có nhiều xin cô chú chuyển dùm cho con 100$ cho em Thiên góp chút tiền vé. Cảm ơn cô chú. Con chúc tất cả cô chú sức khỏe mọi điều tốt lành. Anh chúc em Thi Thiên sớm đoàn tụ cùng cha em.
Chúc cô kính yêu của em khoẻ mạnh và khỏi bệnh hẳn để mang tình yêu thương đến với những người bất hạnh cô nhé! Con cũng hi vọng có thêm nhiều mạnh thường quân có tâm lòng nhân ái có thể san sẽ giúp đỡ cho nhưng manh đời bất hạnh .Cô mãi là cô của em ngày nào.
Học trò của cô: TonyTran Hiếu.
23/08/202002:51:25
Khách
Tôi đã nhận được của:
Ngọc Hà $100
Hồ Nguyễn $300
TC $400.
Xin đề tên người nhận là Kinh 5 Foundation, đừng đề tên tôi kẻo có sự nhầm lẫn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,875
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.