Hôm nay,  

Khi Giặc Đến Nhà

19/06/202000:00:00(Xem: 8561)


Khôi An

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo.

 

**** 

HINH VIET VE NUOC MY

Chiếc tàu du lịch Grand Princess bị nhiễm Covid-19 vào cuối tháng Hai, 2020 
(hình từ https://www.princess.com)

 

Khoảnh khắc biết chắc rằng mình có thai, tôi choáng người vì lo lắng.

Cầm cái que thử thai với hai vạch rành rành, tôi gieo mình ngồi xuống giường, thẫn thờ nhìn bé Tin đang ngủ, môi vẫn chúm chím ngậm cái núm vú cao su. Thế là cái cảm giác khó chịu trong người không phải là do ăn quá nhiều dầu mỡ trong mấy ngày Tết, như tôi đã cố tự thuyết phục cả tuần nay. 

Hai giờ chiều, khi chồng tôi vừa đi làm ở chợ Safeway về, tôi chạy ra nắm tay anh kéo vào phòng. Đang ngơ ngác trước vẻ mặt nghiêm trọng của tôi, Tuấn chợt hiểu khi tôi khoa khoa cái que thử trước mặt anh. “Bé Tin sắp có em hả?” anh hỏi, hơi lo lắng. Tôi nhăn mặt, “Còn ‘hả’ với ‘hở’ gì nữa! Vậy là chết em rồi!” Tuấn đã kịp trấn tĩnh, anh nắm lấy tay tôi, “Thôi, em đừng lo. Anh sẽ ráng trông bé Tin để em học cho xong khoá. Sau đó mình tính tiếp. Không sao đâu, có anh mà!” Nhìn mái tóc bơ phờ của Tú sau ca làm mười tiếng, nhìn bé Tin đang cười khoe mấy cái răng mới nhú, tôi cũng đành mỉm một nụ cười méo xệch.

Trong bữa cơm tối hôm đó, khi nghe tôi báo tin sắp có em bé, anh Nam, anh rể tôi, trợn mắt, còn chị Hai tôi thì vọt miệng, “Trời đất! Bể kế hoạch hả?” Nhưng Ba Mẹ tôi thì vui, như phản ứng tự nhiên của bậc Ông Bà. Mẹ tôi nói, “Ba Mẹ nuôi các con ở Việt Nam cực khổ hơn nhiều, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Trời sinh voi, sinh cỏ. Con cái là ơn của trời, đừng căng thẳng quá mà tội cho em bé.” Lòng tôi bỗng nhiên thấy bình an trở lại. Dù tôi đang đi học toàn thời gian và bé Tin mới mười tám tháng, nhưng trong căn nhà nhỏ nơi Ba Mẹ tôi, anh chị Hai, và gia đình nhỏ của tôi chung sống, lúc nào cũng đầy tiếng cười và sự thương yêu, giúp đỡ. Vợ chồng tôi còn trẻ, chịu khổ một chút không sao. Chỉ cần chúng tôi cố gắng hết sức, mọi chuyện sẽ êm đẹp như bình thường.

Điều tôi không thể ngờ là, trong những tháng đầu của năm 2020, “bình thường” là một điều càng lúc càng xa.

**

Trong nhà tôi, mọi người gọi đùa anh rể Nam là “tờ báo”.  Anh theo dõi sát mọi tin tức từ chính trị đến thương mại, từ trong nước Mỹ đến ngoài thế giới, và cứ mỗi bữa ăn tối là anh lại kể cho cả nhà nghe những tin mà anh đặc biệt chú ý.

Ngày thứ Ba, 21 tháng Một, anh Nam kể là thị trường chứng khoán ở Trung Hoa và Hongkong xuống mạnh vì một loại vi khuẩn bí hiểm vừa mới xuất hiện ở tỉnh Vũ Hán, Trung Hoa làm cho mấy trăm người bị bệnh và sáu người chết. Lúc đó chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Canh Tý, nên cả nhà không quan tâm nhiều tới cái tin u ám đó. Chị Hai tôi cong môi “Tết nhất tới nơi rồi, lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu ăn, hơi đâu mà lo chuyện chứng khoán Tàu lên hay xuống!”

Đến ngày thứ Hai 27 tháng Một tức là ngày mùng Ba Tết Canh Tý, khi cả nhà quây quần trong bữa cơm cúng tiễn ông bà, anh Nam lại kể là đến phiên thị trường chứng khoán Mỹ rớt gần hai phần trăm vì cả thế giới lo ngại về bệnh dịch ở Vũ Hán. Con vi khuẩn đã có tên rõ ràng là Corona, lây lan rất nhanh, chưa có cách ngừa, và ở Trung Hoa đã bị gần ba ngàn người bệnh với tám mươi mốt người chết. Thấy mọi người có vẻ lo, Tuấn nói, “Chắc cũng như vi khuẩn SARS năm 2003, hay cúm gà năm 2005 vậy thôi. Chỉ khác là con này dễ ‘đi vào lịch sử’ vì mỗi lần uống một chai bia Corona là lại nhớ đến nó.” Mọi người phá lên cười, và ai cũng tự thuyết phục rằng con vi khuẩn Corona sẽ ảnh hưởng rất ít đến nước Mỹ, như những lần trước.

Ngày 4 tháng Hai, TiVi rộ tin về chiếc tàu du lịch Diamond Princess của Mỹ bị kẹt ngoài khơi Nhật Bản, không được cập bến vì tàu bị nhiễm vi khuẩn Corona từ một cư dân Hongkong đã đi tàu từ chuyến trước. Với mấy chục người bị nhiễm, chiếc Diamond Princess trở thành nơi tập trung người bệnh lớn nhất ở ngoài Trung Hoa. “Ba ngàn bảy trăm người kẹt cứng ở trên tàu! Làm sao mà không lây cho nhau! Đi chơi mà lại mắc vô ổ dịch khổng lồ, thiệt khổ!” Ba tôi vừa nói vừa lắc đầu.

Sáng hôm sau, 5 tháng Hai, TiVi đưa tin rằng chính phủ Nhật buộc lòng cho phép chiếc tàu Diamond Princess đậu vào cảng Yokohama nhưng tất cả hành khách phải cách ly ở trên tàu mười bốn ngày, chỉ có những người nhiễm bệnh được chở vào bệnh viện trong đất liền.

Liên tiếp những ngày sau, cứ bật TiVi là nghe tin chính quyền Mỹ và Nhật bàn cãi về số phận của gần năm trăm người Mỹ ở trên tàu. Trong khi đó dịch bệnh cứ hoành hành trong không gian tù túng ở trên tàu. Người bị nhiễm tăng theo cấp số nhân. 60 người, 120 người, 240 người…

Ngồi nghe tin tức trên TiVi, tôi bắt đầu thấy lo. Thành phố Oakland nơi gia đình tôi đang ở có rất nhiều người gốc Hoa, và một số lớn đã về Trung Hoa ăn Tết. Không thể tránh được có người đang ủ bệnh ở quanh đây…

Nhưng, đã đến giờ tôi đi học. Mỗi tuần, Mẹ tôi đi làm năm ngày và được nghỉ hai ngày. Trong hai ngày đó, tôi nhờ Mẹ trông bé Tin trong khi tôi dồn năm lớp vào học từ sáng đến chiều. Tôi đã từng làm dược tá (pharmacy technician) được mấy năm, nhưng lương tăng quá chậm, và công việc bắt đứng suốt tám tiếng làm cổ chân tôi sưng lên, đau đớn. Với bản tính năng động, thích tiếp xúc và giúp đỡ mọi người, tôi đã làm một quyết định khá liều lĩnh là nghỉ làm và đi học toàn thời gian ngành Công Tác Xã Hội (Social Work) ở College of Alameda được hai năm. Sau khoá này, tôi sẽ xin chuyển vào trường đại  học bốn năm để lấy bằng Cử Nhân. Tôi hy vọng đó sẽ là bước đầu để trở thành nhân viên Sở An Sinh Xã Hội và có một nghề vững vàng, thăng tiến nhanh hơn việc làm cũ.

Chiếc tàu nhiễm vi khuẩn Corona hiện đang ở Nhật, còn bài vở của tôi thì bộn bề ngay trước mắt. Với cái bụng bầu mỗi ngày một lớn, tôi phải hết sức tập trung thì mới giữ được điểm tốt, và chỉ như vậy tôi mới có nhiều hy vọng xin được vào San Francisco State University…

**

Tuấn và bé Tin đã ngủ say. Tuấn đi làm từ 4 giờ sáng, nên đến 8:30 giờ tối là hai cha con lên giường. Tiếng ngáy nhè nhẹ của Tuấn như đồng loã với cơn buồn ngủ quái ác đang xúi giục tôi đi vào giường, nằm vật xuống, và ngủ một giấc ngon lành. Quyển sách ở trước mặt và bài kiểm ngày mai có vẻ như đang thua cuộc trong trận kéo co mà cái đầu đang gục lên gục xuống của tôi là sợi dây. Tôi đứng lên, đi rửa mặt, và mở email coi một chút cho tỉnh táo.

Một người bạn gửi cho tôi xem đoạn phim YouTube của một phụ nữ sống tại Vũ Hán, nơi đang bị nhà cầm quyền Trung Hoa cô lập. Bà ta kể về nỗi khủng hoảng khi sống trong thành phố của Tử Thần, nơi số người bệnh tăng vọt mỗi ngày, nhà thương quá tải, người bác sĩ đầu tiên báo động về Corona đã chết, và hàng loạt nhân viên y tế khác cũng đang gục xuống. “Có tiền cũng không mua được thuốc…Tin tức toàn là dối trá… Xin cứu gia đình tôi…Tôi không thể nào chịu được nữa…” Bà ta vừa khóc vừa gào lên.

Tôi đóng video lại. Thở dài. Nhưng xen lẫn trong niềm thương cảm lòng tôi len lén một chút nhẹ nhõm đầy ích kỷ: khu San Francisco – Oakland nơi gia đình tôi đang sinh sống và làm việc không có người nào bị bệnh. Tôi vẫn còn may mắn. Ý nghĩ đó làm tôi hăng hái hơn. Tôi trở lại với quyển sách...

Những ngày kế tiếp trôi qua với vẻ bình thường trên bề mặt. Chính phủ Mỹ đã thuê hai chuyến bay riêng chở hơn bốn trăm người Mỹ, kể cả mười bốn người nhiễm vi khuẩn Corona, từ Nhật về nước và cho họ đi cách ly ngay. Ba Mẹ tôi, anh chị Hai, và Tuấn vẫn tất bật đi làm, tôi vẫn cố gắng vừa chăm sóc bé Tin vừa lo bài vở và đánh vật với những cơn buồn ngủ quái ác. Sự bận rộn làm chúng tôi không quan tâm nhiều về bệnh dịch. Nhưng, chú ý hay không, vi khuẩn Corona vẫn lặng lẽ tràn đến Mỹ.

Ngày 24 tháng Hai, 2020, vùng Vịnh San Francisco đã có chín người bị nhiễm.

Ngày thứ Ba, 25 tháng Hai, bà thị trưởng London Breed của San Francisco đột ngột tuyên bố tình trạng khẩn cấp dù chưa có ai ở thành phố này nhiễm bệnh. Bà Breed nói chúng ta cần gấp rút tập trung năng lực chuẩn bị đương đầu với vi khuẩn Covid-19 (tên mới và chính xác hơn của Corona).

Tối hôm đó, Ba tôi đi làm ở nhà hàng tại San Francisco về, ông kể là ông phải lau bàn bàn ghế, nắm cửa và sàn nhà suốt ngày bằng nước sát trùng. “Bệnh dịch chưa thấy, mà đã thấy muốn chết vì mệt!” Ba vừa nói vừa với tay đấm lưng bình bịch.

Mẹ tôi cũng kể là ở Trader Joe's Market, nơi bà làm việc, khách hàng ùn ùn kéo vào chất đầy thực phẩm lên xe, hối hả đẩy ra trả tiền, có người mua xong lại quay vào… hốt tiếp. Gạo, mì, và các loại thực phẩm khô vừa xuất kho ra là biến ngay; có những mặt hàng không ngon, trước giờ ế ẩm nay cũng không còn một món trên quầy.

Mẹ giục chúng tôi phải chạy ra Costco mua sữa, tã dự trữ cho bé Tin. Tuy nhiên, bài vở tôi quá bộn bề, hơn nữa, căn nhà nhỏ nơi ba gia đình đang ở chung đã đầy đồ đạc, ngay cả ngoài garage cũng chật cứng. Tuấn trấn an Mẹ tôi, “Mẹ đừng lo, ở Mỹ chắc không có nạn đầu cơ, tích trữ đâu.” Chị Hai tôi trợn mắt, “Dượng Ba giỡn chơi hoài! Nhớ năm 2016 Formosa làm cá chết ở Việt Nam không? Chuyện xảy ra tuốt bên Việt Nam, vậy mà ở đây người ta mua trữ nước mắm! Thời đó, đi hai ba chợ Á đông không kiếm được một chai!” Tuấn nheo mắt, “Bởi vậy, bây giờ có nhà còn chất nước mắm trong garage. Lỡ mà động đất, mấy thùng đó bể thì mới phiền!” Mẹ tôi bảo Tuấn đừng nói vậy, sợ xui… Tuấn cười hề hề và chúng tôi bỏ qua câu chuyện mua đồ trữ.

Ngày 29 tháng Hai, một người đàn ông lớn tuổi ở một nhà dưỡng lão tại tiểu bang Washington trở thành người Mỹ đầu tiên chết vì Covid-19. Mọi người chưa kịp thấm thía với tin này thì tin kế tiếp, như một trái bom lớn hơn, rơi xuống: người chết đó vừa mới đi du lịch trên một chiếc tàu khổng lồ tên là Grand Princess. Ngay sau khi đổ đợt khách cũ xuống, tàu đã đón hơn hai ngàn bốn trăm khách mới và ra khơi trong hải trình San Francisco - Hawaii - Mễ Tây Cơ - San Francisco. Chiếc Grand Princess, lúc đó đang ở Hawaii, được lệnh trở về ngay lập tức. Tuy vậy, chính quyền thành phố San Francisco không muốn cho tàu cập bến với lý do chính thức là cảng San Francisco quá gần với các khu dân cư đông đúc. Mọi người xầm xì đồn đãi rằng bởi vì San Francisco là trung tâm thương mại, kỹ nghệ, và du lịch hàng đầu của California, là địa chỉ của những toà lâu đài mấy chục triệu, là vùng đất vàng nên những cư dân giàu có gây áp lực với chính quyền địa phương để đẩy con tàu đi chỗ khác.

“Nàng Công Chúa Lộng Lẫy” về đến nơi nhưng không được phép vào cảng, phải đi vòng vòng ngoài khơi. Hình ảnh chiếc tàu du lịch  hoành tráng, trắng toát trên nền biển xanh từ trước đến giờ là biểu tượng của những cuộc vui sang trọng – niềm ao ước cho những người đi làm như gia đình tôi, bây giờ chỉ còn là mối lo sợ. Những từ ngữ kinh khủng như “ổ bệnh nổi”, “nơi đầy vi khuẩn” mới tháng trước còn nói về chiếc tàu ở Nhật xa xôi, giờ đã về ngay tại cảng nhà.

Thời gian này tôi không thể chúi đầu vào sách được nữa. Cả nhà liên tục xem TiVi để theo dõi số phận của thành phố Oakland trong mớ rối bòng bong liên quan tới con tàu nhiễm Covid-19. Thống đốc California, các thị trưởng, và các chuyên viên y tế tiểu bang họp thâu đêm, suốt sáng. Chính quyền liên bang cũng lên tiếng góp ý. Người dân thì xôn xao, lo lắng.

Ngày 4 tháng Ba, TiVi đưa tin là tàu sẽ về một căn cứ Hải Quân cũ tại Alameda, một thành phố bên cạnh Oakland. Ngày thứ Năm, 5 tháng Ba, trực thăng bay ra khơi, thả mấy chục bộ xét nghiệm vi khuẩn xuống tàu, sau khi hành khách thử, trực thăng đem ngay về phòng thí nghiệm để tìm kết quả. Ngày 6 tháng Ba, Phó Tổng Thống Mike Pence lên TiVi nói là trong số bốn mươi sáu mẫu xét nghiệm có tới hai mươi mốt trường hợp dương tính.

Ngày thứ Sáu, 6 tháng Ba, Ba tôi đi làm về sớm. Ông kể rằng hầu hết các hãng xưởng ở San Francisco đóng cửa từ trưa và ra lệnh cho nhân viên về nhà làm việc, bắt đầu một chương trình gọi là “shelter-in-place”, tức là tránh bệnh tại nhà. Buổi chiều, nhà hàng chỉ có lèo tèo vài người khách. Cảnh sát đi đến từng cửa hàng, bảo rằng từ mai phải đóng cửa, và không ai được phép ngồi trong tiệm ăn cho đến khi có lệnh mới.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào ngày thứ Bảy, 7 tháng Ba, ngày đáng lẽ con tàu Grand Princess cập bến San Francisco. Hành khách trên tàu bắt đầu trách móc, than van trên các mạng xã hội. Gia đình tôi phập phồng lo lắng rằng chiếc tàu sẽ về đậu ở cảng Oakland gần nhà. Chúng tôi mở TiVi mở cả ngày, hễ nghe Thống đốc California Gavin Newsom hay bà Thị Trưởng Oakland Libby Schaaf sắp xuất hiện là chúng tôi hồi hộp chạy đến chờ nghe. Nhưng cả ngày hôm đó, vẫn chưa có quyết định gì.

Ngày Chủ Nhật, 8 tháng Ba, vừa ngủ dậy chúng tôi nghe nói là chính quyền đã chọn được nơi cho chiếc Grand Princess vào đậu. Đó là cảng Oakland!

Tai hoạ đã đến! Bất giác tôi là ôm chặt bé Tin vào lòng, nhớn nhác nhìn Tuấn. Tôi tưởng tượng mấy ngàn người từ trên tàu Grand Princess đổ xuống và toả đi khắp nơi, đem bệnh rải khắp Oakland…

Cả nhà tôi đều bực tức với ý nghĩ rằng Oakland là thành phố nghèo hơn nên phải làm vật thế thân cho San Francisco. Chúng tôi chỉ dịu lại khi ông Thống Đốc Newsom xuất hiện trên TiVi với gương mặt hốc hác và giải thích rằng cảng Oakland được chọn vì biển đủ sâu cho con tàu khổng lồ vào bến, vì nó nằm cô lập trên một khu đất mười mẫu, và vì nó tiện đường cho hành khách đi thẳng từ vùng cô lập quanh bến tàu ra một khu vực riêng ở phi trường Oakland để bay tới một nơi tập trung khác. Ông Newsom nhấn mạnh rằng một đội ngũ nhân viên của chính quyền liên bang với những trang bị an toàn tối đa sẽ được gửi tới làm việc với hành khách trên tàu và không có bất cứ người nào đi ra khỏi khu vực cô lập. “Khi tình hình trở nên khó khăn, có những người quay lưng đi,” ông Newsom nói. “Nhưng Oakland không làm vậy.”

Sự thành khẩn của ông Thống Đốc và bà thị trưởng Oakland làm tôi chuyển từ khó chịu sang cảm động và khâm phục. Một vai gánh việc bảo vệ dân, một vai gánh trách nhiệm với những công ty làm ăn trong tiểu bang, nhưng họ vẫn hành xử bằng tình người. Mọi người đã cùng nhau làm việc với lý, với tình, với tất cả tâm huyết và trách nhiệm của những người lãnh đạo. Chúng tôi – những người dân Oakland – có lẽ nào lại trách cứ một chính quyền như vậy!
Ngày 11 tháng Ba, thành phố Oakland cũng ban lệnh ở nhà tránh bệnh. Ngày 19 tháng Ba, Thống Đốc Newsom đích thân lên TiVi ban hành lệnh “ở nhà” cho toàn thể tiểu bang. Nhưng gia đình tôi thuộc trường hợp đặc biệt, mọi người đều là nhân viên của những khâu thiết yếu (essential work): Mẹ tôi, anh Nam, và Tuấn đều làm ở siêu thị, chị Hai tôi là dược tá ở một bệnh xá, Ba tôi làm ở nhà hàng, và tất cả những nơi này đều mở cửa. Chỉ có tôi là được nghỉ vì các trường học đều đóng cửa tới ngày 6 tháng Tư.

Trong khi nhiều người thấy gò bó với lệnh “ở nhà”, tôi đón nhận nó một cách mừng rỡ. Mấy tháng nay, với thai nhi trong bụng, với việc nhà, việc học ngập đầu, lại thêm những lo lắng vì Covid-19, tôi đã mệt nhoài. Bây giờ tôi có thể chậm lại một chút. Lần đầu tiên từ sau khi khoá học mùa Xuân bắt đầu, buổi tối tôi được bồng bé Tin vào giường sớm để đón những giấc ngủ ngon lành. Tôi an lòng vì nghe nói Covid-19 không thể gây bệnh nặng hay tử vong cho những người còn trẻ và các bé thơ. Tôi biết ngoài kia có nhiều người khốn đốn vì không được đi làm, nhưng cũng thấy nhẹ lòng vì gia đình tôi không bị ảnh hưởng về công việc trong cơn đại dịch này.

**
           
Ba tôi đã hút thuốc lá gần hai mươi năm trời, và chất nicotin làm cho phổi ông yếu, dễ bị thua vi khuẩn cúm. Đó là giải thích của Mẹ tôi mỗi khi Ba bị ho, nhưng Ba lại bảo đó là do ông dị ứng với phấn hoa chứ phổi ông không có vấn đề gì cả. Chúng tôi chỉ cười khi Ba Mẹ nói qua nói lại vì chúng tôi đã quen với hai lý luận “bất phân thắng bại” này, cũng như chúng tôi quen với chuyện Ba thường húng hắng ho mỗi khi hoa vàng nở rộ dọc theo những con đường xa lộ, báo hiệu Xuân về.
            
Năm nay, bệnh ho của Ba trở lại hơi sớm. Mới cuối tháng Ba mà ông đã ho nhiều và kèm theo cả sổ mũi. Cũng như mọi năm, Ba uống thuốc Tylenol Cold nhưng sau ba, bốn ngày vẫn không thấy đỡ mà lại còn thêm chứng đau cổ họng. Cũng may, Ba đã có hẹn khám sức khoẻ định kỳ vào ngày 3 tháng Tư, ông bảo đến ngày đó ông sẽ xin bác sĩ cho thuốc mạnh hơn.
           
Ba bệnh được vài ngày thì Mẹ cũng bị đau cổ họng, cả nhà nói rằng Mẹ đã bị lây bệnh cúm từ Ba. Buổi chiều hôm đó, Mẹ không ra ăn bữa tối được vì khắp người đau nhức. Tôi đem nước cam và thuốc Advil Extra Strength vào cho Mẹ, tôi thấy Mẹ lăn qua trở lại trên giường, hơi thở nặng nề. Ánh mặt trời hoàng hôn chiếu qua cửa sổ mờ mờ, nhưng đủ cho tôi thấy mặt Mẹ hơi đỏ. Tôi đo nhiệt độ cho Mẹ: 99.5 độ F, sốt nhẹ. Tôi nói Mẹ uống thuốc rồi cố ngủ cho khoẻ.

Tức thật, trước giờ Mẹ ít khi nào bị cúm. Con ráng cẩn thận đừng để lây Mẹ, có bầu không được uống thuốc.
Mẹ nói, như phân trần.
           
2 giờ sáng ngày 2 tháng Tư, tôi đang ngủ thì nghe điện thoại di động reo. Đầu kia, Mẹ thở hổn hển, “Mẹ đang ngủ thì giật mình dậy vì tim đập mạnh quá, như có ai bóp vào!” Tôi hoảng hồn, chụp cái đồng hồ Fitbit (tôi thường đeo để đo nhịp tim khi đi bộ), rồi chạy qua, đeo vào tay Mẹ. Mẹ đang nằm trên giường mà đồng hồ hiện lên “Cardio Zone”, tức là nhịp tim của một người đang tập một bài thể dục hạng nặng. Đo nhiệt độ thì vẫn 99.5. Nằm một lát thì nhịp tim chậm lại. Tôi hỏi, “Con chở Mẹ đi nhà thương nha?” Mẹ lắc đầu, “Thôi, để sáng mai Mẹ đi gặp bác sĩ.”
           
9 giờ sáng, văn phòng bác sĩ vừa mở cửa, tôi gọi xin hẹn cho Mẹ. Lịch hẹn đã kín hết, tôi năn nỉ mãi bác sĩ mới chịu ở lại trễ để gặp Mẹ lúc 5:30 chiều. Lúc đó, chị Hai đã đi làm về nên chở Mẹ đi.
           
Bác sĩ nghe nhịp tim của Mẹ thì chỉ còn hơi nhanh, nghe phổi thì vẫn bình thường, thân nhiệt thì vẫn ở mức 99.5 độ F. Lúc đó, phòng xét nghiệm đã đóng cửa nên Mẹ không được chụp quang tuyến hay lấy mẫu nước mũi để thử Covid-19. Bác sĩ nghĩ là Mẹ bị cúm, ông cho thuốc Tamiflu, bảo Mẹ phải nghỉ ngơi và uống nhiều nước cam.
           
Mẹ bị cúm, bác sĩ nói vậy. Chị Hai về báo với cả nhà. Mọi người thở phào.
           
Ngày 3 tháng Tư, anh Nam chở Ba tôi đi khám sức khoẻ định kỳ. Bác sĩ thấy Ba vừa ho vừa bị sốt nhẹ nên đã cho Ba làm thử nghiệm Covid-19. Bác sĩ cũng cho Ba thuốc Tamiflu, Vitamin C, và dặn Ba phải ở nhà nghỉ ngơi trong thời gian một tuần chờ kết quả thử nghiệm. Khi Ba về đến nhà, chị Hai đưa cho Ba một cái nhiệt kế và dặn Ba Mẹ phải đo nhiệt độ thường xuyên. Chiều hôm đó, Ba Mẹ ăn cháo ở trong phòng vì không muốn lây cúm cho cả nhà.
           
Đến nửa đêm, tim Mẹ lại đập nhanh, nhưng Mẹ không gọi ai vì sợ phiền các con đang ngủ. Rạng sáng ngày 4 tháng Tư, tiếng vỡ choang làm Ba giật mình tỉnh giấc và thấy Mẹ ngồi trên sàn, bên cạnh những mảnh thuỷ tinh trong vũng nước lênh láng. Thì ra Mẹ thấy đau ngực, gượng dậy lấy thuốc uống nhưng run tay làm rớt ly nước. Ba chạy đến nắm tay Mẹ, thấy nóng hổi, ông sợ hãi chạy sang phòng chúng tôi cầu cứu. Tôi chạy qua, đo nhiệt độ cho Mẹ. Nhiệt kế chỉ 101 độ.
           
Lúc đó Tuấn đã đi làm, anh Nam cũng sắp đến giờ đi, và chị Hai sẽ là người rời nhà trễ nhất, lúc 9 giờ sáng. Tôi nhờ chị ngó chừng dùm bé Tin đang ngủ say, rồi sửa soạn chở Mẹ tôi vào bệnh viện. “Mình kêu 911, xe cứu thương tới chở Mẹ đi được mà,” chị Hai đề nghị. Tôi lắc đầu, “Tiếng Anh của Mẹ yếu, bây giờ Mẹ lại đang lo sợ, để Mẹ đi một mình sao đành. Mẹ vô bệnh viện xong, em sẽ về ngay, chắc chắn là trước 9 giờ,” tôi nói với chị. Với tay lấy chiếc áo khoác, tôi thoáng lo lắng khi nhìn xuống cái bụng bầu đã tròn lum lúp. Không sao, người trẻ tuổi và con nít sẽ không bị bệnh vì Covid-19. Tôi tự trấn tĩnh…
**
           
Tôi không ngờ tình hình tại nhà thương lại nghiêm trọng đến như vậy.

Ngay cửa vào phòng cấp cứu (Emergency Room- ER), có một cái bàn trên có hai chai thuốc rửa tay, và hai hộp mặt nạ. Hai người y tá ngồi tại bàn, lăm lăm máy đo nhiệt độ trong tay, và hai nhân viên giữ trật tự đứng ngay cửa. Ai cũng đeo mạng che mặt và bao tay. Vì sợ Mẹ đi không nổi từ chỗ đậu xe và tới ER, tôi đã lấy một chiếc xe lăn để đẩy Mẹ vào. Không ngờ vì thế mà tôi đã được phép vào trong ER sau khi một y tá đo nhiệt độ của tôi và xác nhận rằng tôi không bị sốt. Vào trong rồi tôi mới biết có những bệnh nhân đến bằng xe cứu thương, thân nhân lái xe theo sau nhưng không được cho vào.
Vừa qua cửa, tôi được lệnh phải mặc áo choàng nylon che khắp người, đeo bao tay và mạng che mặt mới. Trong lúc đó, một cô y tá – cũng mặc kín mít, chuyển Mẹ vào giường. Khi cô ý tá đo nhiệt độ thì Mẹ đã đỡ sốt, chỉ còn 99.7 độ F. Cô ta truyền nước biển có pha thuốc giảm sốt cho Mẹ, chụp hình quang tuyến phổi, rút máu và lấy que bông ngoáy vào mũi Mẹ để lấy mẫu chất nhờn đi thử nghiệm tìm vi khuẩn Covid-19 hoặc bất cứ vi khuẩn nào có thể gây vấn đề về hô hấp.

Một lúc sau, cô y tá trở lại với một tập hồ sơ.

“Gần đây, Bà có đi du lịch ra nước ngoài không? Có đi du lịch trong nước không?” Khi hai câu trả lời đều là không, cô y tá có vẻ bớt căng thẳng.

“Bà có tiếp xúc với ai bị bệnh không?”

“Không. À có, Ba tôi đang bị ho và sổ mũi, nhưng đó chỉ là cúm thôi. Năm nào ông ấy cũng bị ho.” Cô ý tá gật đầu nhẹ nhưng lông mày cô ta hơi nhíu lại.
Tôi đang lo lắng không biết nên ở lại chờ kết quả chụp phổi hay đi về thì chị Hai gọi. Chị báo cho biết là đã nhờ được người bạn làm dùm nửa ngày, chị hỏi tôi có muốn về với bé Tin để chị vào bệnh viện hay không. Tôi nghĩ là khi chị Hai đến, chị sẽ không được cho vào, vì vậy tôi nói thôi chị lo cho bé Tin để em ráng ở lại chờ.

Trong khi Mẹ mơ màng ngủ, tôi đi ra nhà vệ sinh (đó là lý do duy nhất tôi được rời khỏi phòng). Chung quanh, các nhân viên đi lại vun vút, ai cũng bọc kín trong áo choàng và mạng che mặt. Các phòng nhỏ dọc lối đi đều kín người bệnh, từ trong nhiều phòng vọng ra tiếng ho sù sụ. Đâu đó có tiếng than khóc của người bệnh. Không khí thật não nề và căng thẳng.

Bỗng nhiên, một chiếc giường được hai người mặc đồng phục đẩy ra từ trong căn phòng trước mặt, chung quanh là một đám người xôn xao làm tôi phải dừng bước. Trên giường là một bà cụ rất già, mỏng manh như chiếc lá khô, đang nằm thiêm thiếp. Hai người đàn bà đang vừa cố chặn chiếc giường lại vừa trao đổi với ba nhân viên bệnh viện – có lẽ là y tá và bác sĩ.

“Các người không thể đối xử với Mẹ tôi như vậy…” Một trong hai người đàn bà la lên.

“Bà cụ quá già, các chị đã đồng ý là không chữa nữa! Như vậy thì phải rời bệnh viện, ở đây không tốt, có thể nhiễm Covid-19,” một nhân viên bệnh viện đáp.

“Nhưng chúng tôi còn chưa quyết định Mẹ tôi sẽ về đâu. Bà mới vào đây vài tiếng đồng hồ. Nhìn nè, túi nước biển còn chưa chảy hết. Tại sao các người gấp vậy?” người con thứ hai lên tiếng.

“Chúng tôi cần chỗ cho người bệnh. Có người sắp chết nữa kìa!” một nhân viên bệnh viện nói.

“Mẹ tôi cũng sắp chết! Mẹ tôi cũng sắp chết mà!” người con của bà cụ la lên rồi bật khóc.

Đúng lúc đó, một nhân viên an ninh bước tới, áp giải hai người con ra phía cửa trước, và chiếc giường được đẩy qua cửa hông, lên thẳng xe cứu thương.
Tôi đứng sững sờ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cảnh một cụ già gần đất xa trời bị đẩy ra khỏi bệnh viện như một người tội phạm!

Gần mười hai giờ trưa, bác sĩ vào phòng Mẹ. Ông ta nói hình chụp phổi cho thấy trong phổi của Mẹ có một vài bọc nước nhỏ, dấu hiệu bị nhiễm trùng phổi (pneumonia) nhưng chỉ số bạch huyết trong máu chỉ hơi cao nên ông nghĩ là Mẹ không bị nặng. Bác sĩ cho thuốc trụ sinh vào nước biển, cho thêm một toa thuốc trụ sinh để uống, và một toa để mua máy xịt thuốc thẳng vào phổi (inhaler). Bác sĩ nói khoảng vài tiếng sau, khi hết túi nước biển, thì Mẹ tôi sẽ được về nhà. “Phải chờ từ ba đến năm ngày mới có kết quả về Covid-19. Trong thời gian đó, nếu có biến chuyển xấu thì trở lại bệnh viện ngay.”

**

Sau ba tuần đóng cửa, hầu hết các trường học ở khắp Vùng Vịnh bắt đầu trở lại học vào ngày 6 tháng Tư. Trường College of Alameda của tôi dùng Zoom, một ứng dụng dùng video để nối kết mọi người. Thầy trò gặp nhau trên màn hình thay vì trong lớp.

Những ngày đầu học trên mạng khá vất vả cho các thầy cô, nhất là tại những trường vùng dân cư nghèo như nơi tôi theo học. Mặc dù Zoom rất dễ dùng, mặc dù nhà trường gửi thư tới tấp để chỉ dẫn và còn cho học sinh mượn máy tính để học, nhưng lớp nào cũng chỉ có khoảng nửa số học sinh trở lại. Số còn lại có hai trở ngại lớn, thứ nhất là những người sống trong những khu chung cư cũ kỹ, nối kết với internet chậm chạp, khó khăn, thứ hai là những người lớn tuổi ngần ngại, không muốn học sử dụng máy tính.

Tôi thuộc nhóm đầu tiên trở lại lớp học vì không có vấn đề gì về kỹ thuật. Nhưng, chỉ sau một tuần đầu, tôi muốn gục. Không có Mẹ tôi giúp đỡ, tôi khó chú ý vào lời giảng khi phải vừa học vừa trông bé Tin. Khi vào lớp tôi thường không dám bật máy hình vì sợ mọi người thấy tôi đầu tóc rũ rượi, với bé Tin đeo nhèo nhẹo một bên vai. Dường như sự thiếu thốn những bữa cơm đông đủ gia đình đầy tiếng cười và sự vắng mặt đột ngột của nhiều người thân đã gây nhiều hoang mang trên tâm hồn non dại của bé Tin. Thằng bé toe toét, hiếu động đột nhiên trở thành hay quấy, suốt ngày bám chặt lấy tôi. Có những lúc tới giờ vào lớp, tôi phải bật máy để trên bàn, mắt nhìn cô giáo giảng bài, tay khuấy nồi cháo cho Ba Mẹ, còn thằng bé Tin thì địu trên lưng.

Trong lúc đó, dịch Covid-19 vẫn leo thang dữ dội ở Mỹ. Ở nhiều nơi, bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm chờ la liệt ở những căn lều trống trải dựng vội vàng ngoài bãi đậu xe. Tôi có người bạn làm y tá  ở Boston kể rằng ngày nào đi làm cũng sợ hãi, căng thẳng như ra trận vì nhân viên y tế không có đủ dụng cụ bảo hộ nhưng vẫn phải làm việc ngày đêm mà cũng không đủ sức lo cho bệnh nhân. Trong khi bác sĩ, y tá lo cứu mạng những người bị nguy kịch, những người bệnh chưa đủ nặng nằm cô đơn, ngáp ngáp giành từng hơi thở... Ở những nơi bị nhiễm nặng nhất như New York, Louisiana… người chết không kịp chôn. Mỗi tuần ở New York lại có một buổi chôn tập thể những quan tài vô thừa nhận. Những nhân viên y tế mặc quần áo kín mít như người hành tinh đẩy những quan tài xám xịt từ trên xe xuống, xếp san sát nhau trong một huyệt lớn. Cảnh tượng ghê rợn như không thật, như trong phim kinh dị.

Chiều ngày 7 tháng Tư, chúng tôi sắp ăn tối thì Ba gọi điện thoại báo là sáng nay Mẹ bị ói và bây giờ Mẹ không thở được. Mọi người sợ hãi nhìn nhau nhưng chị Hai ngần ngừ, có vẻ ngại vào phòng Ba Mẹ. Thế là tôi phải chạy vào.

Nhiệt độ của Mẹ lên tới 101 độ. Nếu tôi gọi 911, họ sẽ đưa Mẹ đến bệnh viện gần nhà nhất, nơi tôi chính mắt thấy họ đối xử quá gay gắt với bệnh nhân. Tôi đành dặn dò Tuấn chăm sóc bé Tin và chở Mẹ vào một bệnh viện tốt hơn.

Mẹ bị nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng phổi chứ không phải Covid-19. Tôi liên tục nhủ thầm.

Tuy vậy, tôi vẫn để Mẹ ngồi ở băng sau xe và cả hai chúng tôi đều đeo mạng che mặt. Trên đường đi đến bệnh viện, Mẹ cố gắng diễn tả cho tôi biết rằng dù Mẹ dùng hết sức để hít vào thật sâu nhưng không thể đưa không khí vào đầy phổi được. Ngực Mẹ nặng và đau ran như có bao gạo mấy chục ký đè lên.

Khi chúng tôi vào đến cửa ER, người mẹ Mẹ rũ xuống như chiếc lá héo. Ở chiếc bàn kê ngang lối vào có hai người y tá mặc kín mít với cả tấm khiên che mặt bằng nhựa trong. Họ hỏi tại sao Mẹ cần đi bệnh viện, tôi kể các triệu chứng cho họ ghi xuống, và tôi thấy cả hai người nhíu mày lại. Trong mắt họ hiện rõ nét lo âu. Họ hỏi Mẹ có thử Covid-19 chưa và tôi nói là nhà thương kia đã thử, kết quả sắp về. Họ viết các dữ liệu vào máy tính và nói Mẹ phải vào nằm bệnh viện ngay.

Một lúc sau, một y tá đẩy xe lăn ra, anh ta đeo vào tay Mẹ hai vòng giấy, một vòng có tên tuổi của Mẹ, vòng kia là một tấm giấy màu đỏ đề PIU. Tôi hỏi, “PIU là gì vậy?” Anh y tá trả lời “Person Under Investigation (Người Đang Được Theo Dõi).” Tôi gặng hỏi, “Theo Dõi Cái Gì?” Anh ta im lặng vài giây -- vài giây mà tôi thấy dài như cả chục phút. “Covid-19,” anh ta trả lời.

Tôi choáng váng nhưng phải trấn tĩnh ngay và đứng vội lên, sửa soạn đi theo xe lăn. Anh ta ngăn tôi lại, “Không. Không ai được đi theo hết!” Hình ảnh những người bệnh nằm cô đơn trên giường, há miệng cố giành từng hơi thở thoáng qua óc tôi. Nhưng ánh mắt hoảng hốt của Mẹ làm tôi phải mím chặt môi. Bình tĩnh, phải bình tĩnh. Tôi không dám nắm tay Mẹ, nhưng nói to với vẻ tư tin, “Mẹ đừng lo. Nhà thương này tốt lắm. Họ sẽ chữa cho Mẹ. Mẹ không sao đâu.” Anh y tá đẩy Mẹ tôi đi. Họ bước qua cánh cửa tự động. Cửa đóng lại. Mẹ tôi mất hút. Lúc đó, nước mắt tôi mới trào ra.

**
            
Ngày 8 tháng Tư, tôi gọi điện thoại vào bệnh viện hỏi về tình trạng của Mẹ. Nhà thương có vẻ rất bận; qua hai, ba lần chuyển đường dây và chờ đợi, cuối cùng tôi mới đến được bàn y tá khu Mẹ đang nằm. Họ cho biết nhà thường bên kia đã gửi kết quả thử nghiệm: Mẹ bị nhiễm Covid-19.

Tôi vội gọi điện thoại báo cho xếp của Mẹ ở Trader Joe’s Market và xếp của Ba ở nhà hàng. Sau đó, tôi gọi FaceTime cho Mẹ. Tôi thấy mặt Mẹ đờ đẫn, hơi thở khò khè, và hai mắt đỏ mọng. Tay Mẹ gắn đầy dây của đủ loại máy móc. Tôi hỏi Mẹ phải nằm bệnh viện bao lâu, Mẹ trả lời “Bác sĩ nói tùy theo tiến triển của bệnh. Có thể là vài ngày, cũng có thể là vài tuần.”

Tôi cố làm ra vẻ hăng hái cho Mẹ yên lòng, nhưng khi bé Tin xuất hiện, gọi “Bà, bà” thì Mẹ không kìm được nữa. Miệng Mẹ méo xệch đi, Mẹ nói Mẹ thấy khó thở lắm, Mẹ sợ không có ngày về gặp cháu, và nước mắt Mẹ chảy ròng ròng. Tôi lắp bắp những lời an ủi Mẹ trong khi cổ họng tôi cũng nghẹn ngào và tai tôi nghe được cả tiếng khóc lóc, rên la của những người bệnh ở chung quanh Mẹ. Một lúc sau tôi nói thôi con để Mẹ nghỉ, con sẽ gọi điện thoại thường xuyên, lúc nào tụi con cũng nhớ Mẹ và cầu nguyện cho Mẹ. Tắt máy xong tôi ôm bé Tin vào lòng. Không cần làm ra vẻ mạnh mẽ nữa. Vai tôi run theo từng cơn nấc.
           
Tới lúc đó, chúng tôi gần như chắc là Ba đã bị nhiễm Covid-19. Chúng tôi hỏi Ba có muốn đi bệnh viện không, Ba từ chối ngay. “Ba bị nhẹ, đem vô bệnh viện chắc người ta cũng trả về thôi. Để Ba ở nhà tốt hơn,” chị Hai nói với vẻ rành rẽ của người đang làm việc trong ngành y tế. Tôi thoáng nghĩ đến khung cảnh căng thẳng của nhà thương, và gật đầu đồng ý.

Điều làm chúng tôi sợ hãi hơn cả là có người khác trong nhà đang ủ bệnh; vì thế, hai gia đình phải tách rời để giảm cơ hội lây cho nhau. Cũng may phòng của anh chị Hai có lối đi riêng, anh chị nhường cho chúng tôi dùng nhà bếp vì chúng tôi có con nhỏ, còn anh chị thì dùng tạm cái bếp điện nhỏ đặt ở hông nhà. Sự sắp đặt này vô tình làm cho chúng tôi trở thành gia đình duy nhất lo chuyện ăn uống cho Ba.
           
Từ trước tới nay, mọi tin tức về Covid-19 tôi đều nghe người khác nói lại. Giờ đây, khi “giặc Corvid” đã đến nhà, tôi phải nghiên cứu để biết rõ ràng, chính xác.

Những dòng chữ từ Lamaze – cơ quan tin cậy bậc nhất của các mẹ bầu trên toàn thế giới, làm tôi sững sờ:
Những thay đổi về thể chất và hệ thống miễn nhiễm trong thời gian mang bầu làm giảm sức đề kháng của các bà mẹ đối với những vi khuẩn về đường hô hấp, kể cả Covid-19.
           
… Những tai nạn cho thai nhi, kể cả xẩy thai và thai chết, đã xảy ra trước đây trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn khác ở trong nhóm Corona (vi khuẩn SARS và MERS).
           
Đúng là như sét đánh bên tai! Ý nghĩ cấp tốc đưa Ba vào bệnh viện để cách ly với cả nhà thoáng qua óc tôi, nhưng tôi vội xua đi và tự trách mình là đứa con tệ bạc. Nước mắt tôi lại trào ra. Buổi trưa, cả khu xóm trong thời trốn dịch vắng lặng, im lìm, chỉ có tiếng ho đục, khan khan từ phòng Ba tôi vọng đến. Đặt tay lên bụng, tôi lắng nghe mầm sống đang lớn dần trong đó. Và, cảm thấy mệt rã rời.
           
Bé Tin trở mình ở trong giường, nhắc tôi những việc cần làm trước khi thằng bé thức dậy. Tôi vội đeo bao tay vào, đi đến cửa phòng Ba, xách cái túi nhỏ trong có mấy bộ quần áo và bưng cái mâm lỏng chỏng một chén cháo đã cạn và vài cái ly uống nước. Tôi đem những món đồ đó ra sau vườn, ngâm ly chén vào một nồi nước sôi, bỏ quần áo vào chậu, lấy bình thuốc 409 với dòng chữ “Kill 99.9% virus” đổ ngập quần áo. Vươn vai, giơ tay tập bài thể dục cho bà bầu mất mười phút, rồi tôi bắt đầu rửa ly chén.
           
Ngày 9 tháng Tư, văn phòng bác sĩ của Ba báo rằng kết quả thử nghiệm Covid-19 của Ba tôi là dương tính. Dù đã biết trước, chúng tôi vẫn thấy mức độ buồn lo ở trong lòng leo thang thêm một bậc.

Ngày 11 tháng Tư, suốt buổi sáng tôi chờ Mẹ gọi điện thoại về nhà nhưng không thấy. Đến trưa tôi gọi cho Mẹ thì Mẹ không nhấc máy. Gọi tới bàn y tá, không có ai trả lời.

Tôi cố gắng ngồi vào bàn làm bài nhưng không thể chú tâm vào bài vở. Một tiếng đồng hồ trôi qua, Mẹ vẫn không hồi âm. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Mẹ tôi bị làm sao rồi? Tại sao Mẹ im lặng như thế?

Tôi chụp điện thoại, gọi cho Mẹ lần nữa. Vẫn không thấy trả lời. Tôi lại gọi cho bàn y tá trực. Tôi đếm từng tiếng chuông reo, đến tiếng thứ mười thì, cám ơn Trời, có người bắt máy. Cô y tá nói từ sáng đến giờ không có trường hợp khẩn cấp nào, có lẽ Mẹ vẫn ổn. Tôi năn nỉ cô ta giúp tôi nói chuyện với Mẹ. “We are extremely busy (chúng tôi bận kinh khủng),” cô ta trả lời. Tôi khẩn khoản, “Chỉ vài phút, chỉ vài phút thôi! Cô làm ơn!” Sau một chút ngần ngừ, cô y tá dễ thương chạy đến phòng Mẹ, dùng điện thoại riêng của cô ta để nối kết Mẹ và tôi.

Màn ảnh bật lên, tôi thấy Mẹ đang đeo cái chụp của máy oxygen trên mặt. Chúng tôi nói chuyện bằng tin nhắn và Mẹ cho biết điện thoại của Mẹ hết pin.  Mẹ kể rằng đêm hôm qua Mẹ bị nghẹt thở nên bác sĩ phải cho đeo máy. Nhờ có oxygen bơm vào mũi, Mẹ đã thở được. Tôi mừng vì Mẹ cảm thấy dễ chịu hơn nhưng lại lo vì tình trạng của Mẹ có vẻ đi xuống, bây giờ phải cần máy trợ giúp. Tuy vậy, tôi vẫn mỉm cười và nói Mẹ cứ an tâm, bệnh viện sẽ chữa lành cho Mẹ.

**
           
Ngày 24 tháng Tư, Mẹ được về nhà sau mười sáu ngày được săn sóc tận tình trong bệnh viện. Lúc đó Ba đã dứt ho nhưng vẫn còn mệt. Ba và Mẹ ở trong phòng cách ly thêm hai tuần nữa.      

Cái bụng bầu hơn bốn tháng đã bắt đầu nặng nề, gây từng cơn đau lưng nhoi nhói. Tuy vậy, tôi vẫn phải lo hầu hết công việc săn sóc Ba Mẹ vì anh chị tôi đi làm cả ngày.Chúng tôi chỉ liên lạc với nhau bằng tin nhắn, và chị Hai kể rằng nơi chị làm có những người sợ lây Covid-19 nên cáo bệnh ở nhà. Chị phải làm thêm giờ nên thường xuyên về trễ. Tuấn cũng hay làm thêm giờ vì chợ Safeway cũng có nhân viên cáo bệnh và ban quản lý ra lệnh cho nhân viên lau chùi, tẩy trùng thường xuyên. Cả gia đình tôi chỉ trông mong vào lương của Tuấn nên tôi cũng không dám đòi hỏi Tuấn giúp đỡ tôi nhiều. Qua cơn mưa, trời lại sáng. Tôi tự an ủi mình như thế và cố gắng từng ngày.

Tuy vậy, khi các lớp học bước vào thời gian ôn tập cho bài thi cuối năm, tôi thấy đuối sức như người đang đói mà phải lội ngược dòng. Nhiều đêm cố ngồi bên bàn học, chợt đứa bé đạp một cái thật mạnh trong bụng, tôi tưởng như đứa con nhỏ đang trách tôi đã làm việc quá độ. Tự nhiên tôi thấy tủi thân quá sức.

Thời gian này, mỗi khi ra đường là tôi phải đeo mạng che mặt và bao tay, vừa về đến nhà là tôi rửa tay thật kỹ, thay quần áo ra, đem phơi ngoài nắng. Những thủ tục đó cộng với cái bụng nặng nề làm tôi ngại đi ra ngoài. Tuy vậy, một hôm tôi nhận ra là nhà chỉ còn một ít giấy vệ sinh. Lên Amazon thì gói giấy nhỏ xíu bán giá sáu dollars. Vào Costco online thì lúc nào cũng hết hàng, nhưng sau vài ngày “rình rập” tôi khám phá ra rằng đôi khi, khoảng nửa đêm, trên mạng loé lên là có hàng nhưng không bao giờ tôi mua kịp. Vào những ngày đó, cửa tiệm thường có hàng vào sáng hôm sau. Một ngày kia, đoán là ngoài Costco vừa có giấy vệ sinh về, tôi ra đó chờ từ 7 giờ sáng, nhưng khi tôi vào được đến tiệm thì người ta đã mua hết. Chạy qua Target cũng chỉ thấy toàn kệ trống, tôi lo lắng rồi đâm quạu. Hôm đó, tôi trách móc Tuấn đã không nghe lời Mẹ mà mua một ít đồ cần thiết để dành. Tuấn cũng đang mệt nên cau có trả lời tôi muốn thì sao không tự đi mua. Thế là hai vợ chồng lớn tiếng rầm rĩ với nhau. Mãi tới đêm Tuấn mới nói thời buổi khó khăn, vợ chồng mình phải thương nhau, đừng cãi nhau vì... giấy vệ sinh. Tôi vừa cười, vừa nguýt Tuấn, mà lại vẫn thấy muốn rơi nước mắt.

Một hôm tôi thức quá khuya, sáng hôm sau đầu nhức bưng bưng, tôi hốt hoảng tưởng mình đã nhiễm Covid-19. Tôi không lên mạng vào lớp suốt hai tuần. Cho đến hôm cô giáo lớp tiếng Việt gọi điện thoại hỏi thăm thì tôi không còn cứng cỏi được nữa. Tôi khóc nức nở như đứa trẻ đang sợ hãi gặp được người quen, tôi nói với cô rằng tôi có quá nhiều việc phải lo, và tôi sợ khoá này sẽ bị nhiều điểm xấu. Cô hứa sẽ không trừ điểm vì tôi vắng mặt, cô gửi bài ôn cho tôi, và khuyên tôi gửi thư trình bày hoàn cảnh của tôi với các thầy cô khác. Cô tin rằng ai cũng sẵn lòng giúp đỡ tôi.

**
           
Cuối tháng Năm, 2020.
           
Ba Mẹ tôi sửa soạn đi làm trở lại sau khi được giấy chứng nhận của bác sĩ là hoàn toàn khỏi bệnh. Khoá học ở College of Alameda đã kết thúc và tôi được điểm khá tốt cho tất cả các lớp.
           
Tiểu bang California đang đi vào những ngày cuối của thời gian ở nhà trốn dịch. Hàng quán lác đác mở trở lại, ngoài đường xe cộ đông hơn. Như con gấu ngủ Đông vừa thức giấc, chớp mắt ngạc nhiên trước mùa Xuân rực rỡ, mọi thứ quanh tôi đều có vẻ háo hức, vui tươi.
           
Tôi biết đường hồi phục còn dài và còn nhiều trắc trở. Nhưng tôi đã hiểu và thấm thía hơn bao giờ hết câu nói “What doesn’t kill you makes you stronger.” Cái gì không đánh gục được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Và tuyệt hơn nữa, tôi hiểu rằng “mạnh mẽ” không phải là loay hoay chống đỡ, đương đầu với mọi chuyện một mình. Gia đình tôi đã vượt qua nhờ sự trợ giúp của biết bao người chung quanh, từ các nhân viên trong bệnh viện, các bạn cùng làm, và cả các thầy cô giáo. Những tấm lòng trong thời khó khăn thật quý giá và thật khó quên. Cũng như, từ nay mãi về sau, khi du khách đến Oakland, họ sẽ được nghe kể rằng trong thời đại dịch năm 2020, nơi này đã ân cần giang tay đón nhận chiếc tàu Grand Princess bơ vơ.

Ý kiến bạn đọc
03/07/202002:11:07
Khách
Bài viết quá hay ! Cám ơn cô Khôi An .
28/06/202013:54:45
Khách
Bai viet hay. Những quốc gia dân chúng nghiêm chỉnh tuân lệnh cách ly, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách như VN, Nhật., Nam Hàn, TC, Hy Lap (Greece), Nepal thì con số bệnh và chết ít. Ở TC và VN, khu nào bị cách ly thì cảnh sát vây vòng ngoài, không ra vô, thực phẩm chánh phủ giao hàng ngày trong 60 ngàỵ Vì vậy VN không có ai chết vì Corona virus. TC mới bùng phát dich tại Bắc Kinh tuần rồi, chánh phủ bao vây cô lập khu phố, ai lỡ dại ra đuờng là bị bắt đi trại cách lỵ 60 ngày . Mỹ không có cô lập cách ly các thành phố nhiễm bệnh, không theo dõi di chuyể qua điện thoại di động và credit card, lệnh cách ly ở nhà không ai tuân theo. Chỉ có Hawaii là nghiêm túc nên số nhiễm bệnh ít. Mỹ đang cần một chế độ cứng rắn như VN và TC để chống bệnh, nhưng ngay cả TT Mỹ cũng không đeo khảu trang, lại khuyến khích tụ tập đông đảo tranh cử thì dân chết. Mỹ không chủ truơng giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang, tiệc tùng hội hè, biểu tình đông đảo, đi lễ nhà thờ không giữ khoảng cách, thì bệnh viện hết chổ, chết gia tăng.
26/06/202020:51:07
Khách
Cám ơn chị Khôi An!
Giữa mùa đại dịch, với những lo lắng, những bất an...
Được đọc bài viết của chị, thấy đời vẫn còn nhiều niềm tin, hy vọng, nụ cười.
22/06/202005:11:30
Khách
>chúng ta khó có thể dịch hoàn toàn thoát ý từ tiếng Anh qua tiếng Việt

I willl think about it. One of the reason is the lack of inspiration (thiếu cảm hứng) after ultilizing google translate. Even in English you still can not describe what you know to other in some subject. In the past, I spent 3 hours (driving + talking) trying to explain the true meaning of the following sentence in Holy Bible, from the Asian guy with Eastern philosophy background: Buddhism, Taoism, Confucianism, Hinduism, Zenism, ... to the white Christian Engineer who started first the subject but his understanding was very funny, so I could not help it and he asked for it -- "They said to him therefore, “Where is your Father?” Jesus answered, “You know neither me nor my Father. If you knew me, you would know my Father also.”. At the end, he thanked me for that, it was the first time in his life he heard about that.
22/06/202001:03:03
Khách
Điếc không sợ súng ! Tiểu bang Cali tính đến 21/6, có 169,309 ca vi rút . Trong những ngày qua, ở một số các quận ở tiểu bang Cali, không ít kẻ đã dở trò đe dọa hoặc kéo tới biểu tình trước tư gia của những viên chức chính quyền địa phương phụ trách về sức khỏe- như ở các quận Contra Costa , Santa Clara- chỉ vì những người này ra lệnh đeo khẩu trang. Có những viên chức đã chán nản từ chức- như bác sĩ Nichole Quick ở quận Cam- hoặc về hưu.

Những kẻ này còn đăng cả địa chỉ tư gia và vẽ râu Hitler lên hình của các viên chức này.

Cựu thống đốc tiểu bang Cali Arnold Schwarzenegger lên tiếng tán đồng việc đeo khẩu trang. Ông nói "Khoa học đã cho thấy rằng nếu tất cả chúng ta đều đeo khẩu trang, chúng ta sẽ làm chậm sự lây lan và có thể mở cửa lại Tiều bang được an toàn. Nó không phải là một vấn đề chính trị. Kẻ nào làm cho nó trở thành một vấn đề chính trị là một kẻ ngu đần không biết đọc ".
22/06/202000:58:08
Khách
Tiểu bang Arizona- dân số 7 triệu- theo thống kê hôm nay 21/6 hiện đang có số ca vi rút lên tới 49,798- tiểu bang này đã cho mở cửa lại trước đó. Tuy nhiên, theo bản tin ngày 13/6 , thống đốc Doug Ducey tuyên bố rằng sẽ không ra lệnh đeo khẩu trang. Ducey phát biểu " Không có thuốc chích ngừa mà cũng chẳng có thuốc chữa trị. Đây là loại vi rút mà chúng ta phải tập sống với nó". Hic .
Hồng Kông dân số cũng 7 triệu, mà chỉ có 1,132 ca vi rút.

Trong khi đó ở xứ Tân Tây Lan, dân số 5 triệu , nữ thủ tướng 39 tuổi Jacinda Ardern, hôm 8/6, vừa tuyên bố đã hoàn toàn xóa sạch vi khuẩn corona sau khi các viên chức y tế cho biết hôm 8 tháng 6 rằng người bị truyền nhiễm được biết sau cùng đã bình phục.
Tân Tây Lan đã từng có 1,154 ca coronavirus. Nhưng sau 75 ngày áp dụng các biện pháp cứng rắn ngăn ngừa lây nhiễm, Tân Tây Lan đã không còn ca nào nữa. Các biện pháp cách ly, đeo khẩu trang nay không còn cần thiết.
22/06/202000:54:55
Khách
Nước Mỹ vẫn tiếp tục đứng hàng đầu hoàn cầu về số người bị nhiễm và chết vì coronavirus : 2,275,319- tử vong 119,949. Trong khi đó , Hồng Kông 1,132 ca (dân số 7 triệu). Đài Loan 446 ca (dân số 24 triệu). Nam Hàn 12,421 ca ( dân số 52 triệu ). Nhật Bản 17,780 ca ( dân số 126 triệu ) .
Chỉ tính sơ trong vòng 10 ngày qua 11/6- 21/6 , số ca vi rút tăng ở Mỹ là 256,444 ca ( 2,275,319- 2,018,875) . Hồng Kông 24. Đài Loan 3. Nam Hàn 474. Nhật Bản 593.
21/06/202015:47:51
Khách
Xin có vài lời góp ý với bạn Andy,
Tác giả và độc giả rất qúy trọng những đóng góp ý kiến của bạn rất nhiều. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi thì bạn nên học cách viết tiếng Việt, thay vì chỉ đọc tiếng Việt không thôi. Quan niệm của tôi là nếu đã đọc và hiểu được ý của tác giả Việt thì sẽ phải viết được tiếng Việt thôi.
Cách bỏ dấu của tiếng nước ta rất khó. Bản thân tôi giờ cũng gặp nhiều trục trặc nữa là. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, bạn cứ copy & paste tiếng Anh vào Google Translate qua tiếng Việt rồi từ từ sửa đổi, trau dồi mỗi ngày thì sẽ có tiến bộ hơn là cứ dùng tiếng Anh mãi trong diễn đàn tiến Việt. Tôi rất đồng ý có những từ chúng ta khó có thể dịch hoàn toàn thoát ý từ tiếng Anh qua tiếng Việt để diễn đạt nên phải dùng tiếng Anh. Nhưng không vì khó khăn này mà viết hoàn toàn bằng tiếng Anh cho tác giả và độc giả người Việt. Mong lắm thay.
PS. Khôi An đã nghĩ sai rồi. “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh" chứ không “cũng đánh” đâu vì cánh đàn ông chúng tôi…bỏ chạy trước rồi hầu vinh danh “Man lives matter”.
20/06/202004:25:49
Khách
>chứ không phải giấy đi cầu , từ VN cho tới qua bên đây mấy chục năm giấy đi cầu cũng xài nhưng cả nhà tôi đều thích dùng nước
We did for many years (bidet toilet seats: Heated toilet seat, stainless steel adjustable nozzles) for environmental protection.
20/06/202004:07:20
Khách
>Mẹ kể rằng đêm hôm qua Mẹ bị nghẹt thở nên bác sĩ phải cho đeo máy. Nhờ có oxygen bơm vào mũi, Mẹ đã thở được.
Luckily, she lives in California--lower death rate due to availability of ventilators & medical staff.
[Vingroup JSC, using an open-source design from device maker Medtronic Plc, Vingroup’s ventilators cost around $7,000 in Vietnam, 30% less than Medtronic’s own model. The company also says it could produce as many as 55,000 a month. Vingroup says it’ll donate several thousand to Ukraine and Russia, where Vuong has long-standing business ties.
Medtronic and Foxconn Technology Group have announced plans to ramp up the production of Medtronic Puritan Bennett 560 (PB560) ventilators in the US. The ramp up plans follows the completion of all Medtronic’s regulatory and quality requirements by Foxconn to begin manufacturing ventilators. The companies are currently advancing towards production of 10,000 PB560 ventilators in 2021, at Foxconn’s Wisconn Valley Science and Technology Park in Mount Pleasant, Wisconsin.]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,666,923
Ngày 6 tháng 1, 2021, cả nước Mỹ sững sờ theo dõi một cảnh tượng không thể ngờ: một đám đông mang vũ khí tràn chiếm và đập phá Điện Capitol -- trụ sở của ngành lập pháp Hoa Kỳ, đòi treo cổ Phó Tổng Thống Mike Pence và “trừng trị” các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong khi họ đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo hiến pháp là xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống. Hầu hết người dân Hoa Kỳ lo lắng, buồn phiền, tức giận, xấu hổ. Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản phải đối mặt với nỗi đau nhân đôi, bởi vì nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện trong đám bạo loạn.
Cô bé tẻo teo mà giết cả triệu người trong một năm; nạn nhân và thân nhân của họ không hề nhìn thấy hình dạng cô thế nào; cô là một hung thủ vô hình vô ảnh, biến hóa lợi hại còn hơn triệu lần sợi lông của Tôn hành giả. Mỗi nạn nhân của cô kéo theo nỗi đau khổ của cả chục thân nhân, bằng hữu.
Niềm mơ ước và mong chờ nhất của tất cả người dân đã trở thành sự thật, Hoa Kỳ đã có những loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Cả hai loại vaccine này đều chích 2 mũi. Vaccine Pfizer cần nơi có nhiệt độ rất lạnh, -94 độ F, còn vaccine của Moderna có thể giữ trong tủ lạnh. Qua sự giải thích của những vị Bác Sĩ trong Youtube, tôi hiểu rằng, vaccine là một vật thể, được đưa vào cơ thể chúng ta, để kích thích hệ miễn dịch, dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta khoẻ hơn.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.. Sau đây, là bài viết mới.
Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không âm u như mọi hôm. Mùa Thu mát mẻ dịu dàng. Một số lá vàng còn sót trên cành từ từ rơi theo từng cơn gió nhẹ. Đám cúc nhiều màu: vàng, tím trước sân đang nở rộ. Vài con sóc nhanh nhẹn chạy qua lại rồi leo lên cây, con trước con sau như đùa nhau. Sân sau họ hàng nhà nai, ba con lớn hai con nhỏ thong thả, nhơn nhơ ăn cỏ non. Hai con nai nhỏ này thật mau lớn. Tháng trước chúng còn lẽo đẽo theo gần mẹ, nay đi cách khoảng xa xa. Chúng rất dạn, chẳng hề sợ hãi khi thấy bóng người.
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích! Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy! Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu! Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng! Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
Tác giả là cây viết quen thuộc của chương trình VVNM, được nhận giải “Danh dự” và giải chung kết “Vinh danh tác phẩm”. Ông về hưu và đang định cư tại Orange County.
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
Đôi dòng về tác giả: -Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966 - Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam -Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993 -Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.
Nhớ lại lúc mới qua Mỹ, đám cưới kỷ niệm đúng ngày Noel để tiện con cháu về nhà nghỉ lễ, và bà con từ xa đến. Lúc đó gia đình chỉ khoảng 20 người vì còn nhiều em chưa lập gia đình. Các cô các chú lấy chồng lấy vợ tăng dần thêm nhiều cháu, hiện tại đại gia đình đã vượt hơn bốn mươi người, điều may mắn con cái ở gần ngôi nhà của ba mẹ chỉ khoảng 10 phút, 15 phút hay xa lắm chỉ mất 30 phút lái xe. Ba mẹ chồng tôi luôn nhớ người đã khuất, hạnh phúc của ông bà mong có ngôi nhà Từ Đường thờ cúng từ vế Cố Ngoại Nội trở xuống, ngoài ra còn thêm cậu, cô, dì...v...v... Nhập gia tùy tục… Ngoài những buổi kỵ giỗ, con cái họp lại vào dịp lễ Thanksgiving, Noel, Newyear countdown và Tết Việt Nam .