Hôm nay,  

Chị Ở Nơi Nao

29/05/202000:00:00(Xem: 9455)
VVNM_Chi O Noi Nao
Hậu đại hội: anh chị Danh & Châu-Quebec, Canada tháng 7, 2018

 

Vĩnh Chánh

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.

 

***

Tôi nghe tên Chị khi Chị còn học trung học tại trường Đồng Khánh. Không những vì Chị là một học sinh xuất sắc, mà vì nghe kể chuyện Chị được tàu BV Mỹ USS Hope mổ tim. Rồi Chị chuyễn qua trường Quốc Học vì trường Đồng Khánh không có lớp Đệ Nhất, và học chung lứa với anh thứ hai của tôi và quý anh Bùi Xuân Định, Nguyễn Hữu Hiên, là những đồng môn đồng khóa với Chị sau này. Đồng thời Chị là một Trưởng sinh hoạt thường xuyên trong Hướng Đạo.

Khi vào Dự Bị Y Khoa, bấy giờ tôi mới biết Chị đang là đàn chị lớn của mình, nghĩ có lẻ chuyện mổ tim đã ảnh hưởng Chị chọn học Y Khoa vì Chị là người nữ sinh viên duy nhất của lớp Chị - khóa 2. Tuy Chị được nhận vào làm Giảng Nghiệm Viên năm 1970, nhưng tôi chính thức gặp Chị vào năm 1971 khi vào thực tập tại khu Nhi Khoa tại BV Trung Ương Huế dưới sự hướng dẫn lâm sàn của Chị, Bác Sĩ Nguyễn Tinh Châu. Đó là một thời gian gay go, thử thách vì rất nhiều trẻ em bị bệnh Sốt Xuất Huyết, Chị cùng nhóm sinh viên chung sức làm việc, tuy căng thẳng, nhưng có hệ thống, gặt được thành quả tốt. Sự tận tụy, sự truyền đạt cởi mở và tinh tế về hiểu biêt của Chị đã giúp các sinh viên mở rộng thêm kiến thức về Nhi Khoa, về sự mong manh của các bệnh nhi cần được giải quyết cấp bách, về các dấu hiệu lâm sàn của các chứng bệnh trầm trọng…

Bẳng đi một thời gian khá dài trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, tôi gặp Chị và chồng là BS. Lê Văn Danh, cùng khóa 2 với vợ, tại vài kỳ Đại Hội YKHHN trên xứ Mỹ. Chỉ sau khi từ Louisiana trở về lại Nam CA trong đầu thế kỷ 21, và bắt đầu sinh hoạt thường xuyên với Hội, tôi mới có cơ hội gặp gở Chị nhiều hơn, làm chung với Chị trong Ban Chấp Hành. Kể từ thời gian đó sự liên hệ giữa anh chị và vợ chồng chúng tôi càng lúc càng trở nên gắn bó, thân thiết. Sự thân tình đó còn được thắt chặt thêm bởi sự kiện cô Đạp Thanh, chị đầu của chị Tinh Châu, là cô Sage Femme cùng với BS. Dương Cẩm Chương giúp đở đẻ Minh Châu, vợ tôi, bằng forceps vào năm 1953 tại BV. Huế.

Vào giữa năm 1974, Chị được trường YKH gởi qua Mỹ học Public Health tại Đại Học Berkeley.  Sau khi mất nước Chị vừa kịp thời bảo lãnh chồng và 2 con gái đoàn tụ tại San Jose. Tốt nhiệp Master of Public Health tháng 6, 1975, Chị quyết định không nhận việc làm tại ĐH Berkeley, mà cùng chồng quyết chí tự học để thi ECFMG vào cuối năm 1975 tại San Francisco. Sau đó anh chị di chuyễn lên Philadelphia theo học chương trình y khoa do AMA đứng ra tổ chức giúp đở cho các BS. Việt Nam vừa định cư tại Hoa Kỳ. Sau kết quả thi đậu ECFMG vào tháng Giêng 1976, Chị sớm sủa được nhận vào chương trình Residency về Nhi Khoa tại Mercy Hospital, Pittsburg vào tháng 6 cùng năm, và 6 tháng sau đến phiện anh Danh vào luôn Residency Radiology, cùng chổ với vợ. Thật là tốt phước cho anh chị. Sau khi tốt nghiệp Nhi Khoa năm 1979, Chị hành nghề tại Pittsburgh trong khoảng 14 năm, trước khi anh chị di chuyễn về Quân Cam, CA, vào năm 1993, và làm việc với Sở Y tế Quân Cam cho đến khi Chị chính thức về hưu năm 2003

Thời gian ở Cali là thời gian chị Tinh Châu bắt đầu tham gia hoạt động với Hội YKH Hải Ngoại. Khiêm nhường trong chức vụ ủy viên tương tế xã hội trên 20 năm, Chị luôn là người đứng ra phát động thanh công nhiều cuộc cứu trợ các nan nhân thiên tai, trong nước Mỹ, và các nước khác, như tại Nhật Bản (Tsunami 2004), Phi Luật Tân (Bảo Haiyan 2013) và ngay cả tại Việt Nam (Bảo Sangsane 2006 / Đà Nẵng). Anh chị luôn là người đứng đầu danh sách đóng góp cứu trợ với số tiền hậu hỷ. Không phải Chị muốn làm gương, nhưng do tấm lòng thương người của Chị khi nào cũng sẳn sàng trang trải giúp người khốn khó, không những qua các chương trình của YK Huế chúng ta, mà còn với rất nhiều công việc thiện nguyện riêng tư khác tại VN mà thỉnh thoảng Chị hé cho chúng tôi biết. Cảm thông với phong trào cám ơn người thương phế binh VNCH tại VN do cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại Hải Ngoại tổ chức, chị cũng nổ lực kêu gọi đóng góp hàng năm cho công việc chính đáng nhân hậu này.

Mỗi lần nhận tin buồn từ tứ thân phụ mẫu của bất cứ một hội viên nào, dù là hội viên đàn em mới qua sau này có khi chưa gặp mặt, Chị luôn sốt sắng phân ưu trên mạng lưới, đồng thời trích quỹ xả hội mua vòng hoa phúng điếu gởi đến nhà quàn, cho dù ở thành phố xa, ngoài tiểu bang hay tận Việt Nam. Chị không bao giờ thiếu sót kêu gọi,  đốc thúc các đồng môn YKH ở Quận Cam, cùng nhau đến tận nhà quàn chia buồn với gia đình tang quyến. Có lần Chị, anh Đồng Sĩ Nam và tôi cùng chở nhau đến tận San Diego viếng thăm và đưa tiển BS. Tô Đình Cự, nguyên Giám Đốc BV Trung Ương Huế trước 1968. Và Chị đã liên tục làm như vậy trên cả hai thập niên, ngay cả trong thời gian khi cơ thể chị đau yếu, cho thấy nơi chị là cả một tấm lòng từ tâm, một gương hy sinh quên mình trong hành xữ trách nhiệm tương tế và xả hội.

Nhà anh chị ở Tustin là nơi đón tiếp thường xuyên các anh chị em đồng môn từ xa như Canada, Pháp, Na Uy, Úc, VN và các tiểu bang khác đến chơi Cali, nhất là trong những kỳ đại hội tại Little Saigon. Đó là những lúc anh chị Danh Châu mở vòng tay thân ái đón nhận cả mươi người ăn ở trong nhà, vui chơi cười giởn tán dốc và hát hò. Chưa kể những lần anh chị phụ giúp Hội tổ chức tiền hay hậu đại hội tại nhà. Bao nhiêu là chân tình, bao nhiêu niềm vui, đổ vào các parties lớn nhở, chiêu đãi mọi đồng môn, từ khóa 1-2-3 cho đến các khóa đàn em đàn út sau này. Có lần anh chị mời nhóm bạn trẻ chúng tôi vui chơi một ngày tại căn nhà ở Laguna Beach, trên sườn đồi nhìn xuống biển thật đẹp, và chỉ cách bải biển khoảng 10 phút đi bộ. Kỷ niệm đó thật khó quên, nhất là khi Chị còn tỏ ý muốn cho từng cặp thay phiên nhau ở căn nhà đó trong cuối tuần khi cần hấp hôn. Trong mỗi mùa đại hội, Chị tham gia nhiệt tình trong ban tổ chức, giúp nhiều ý kiến rất thực tế và sáng tạo, đề ra những chi tiết hấp dẫn, phụ giúp tìm và mời các keynote speakers, cho ý kiến và dựng các màn trình diễn sống động, như line dancing vài năm trước đây mà chính Chị không ngại ngùng liên tục tập dợt với các bạn trẻ.  

Chị thường tâm sự “chơi với mấy bạn trẻ làm mình trẻ theo, nhất là khi nghe Hề Văn Lung 49 kể chuyện tiếu lâm cười bò lăn thì làm sao mà già cho được?” Thật vậy, nhà anh chị là nơi nhóm đàn em chúng tôi thường xuyện tập họp, vui đùa, ca hát, gần như 2-3 lần mỗi tháng. Ngoài ra, cả nhóm cũng thường cù rủ anh chị đi ra bên ngoài, uống cà phê sáng Chủ Nhật, tại một chổ ấn định trước mà nhóm luôn gọi là quán Vũ Như Cẩn; xong chầu cà phê thì cùng kéo nhau đi ăn trưa. Mỗi lần như vậy, chị không quên nhắc vợ chồng chúng tôi đem theo cháu Bồ Câu, nhất là khi đến nhà anh chị. Nhờ vậy không những Bồ Câu dần dần quen thuộc với các bác, các cô chú trong nhóm mà ngay cha mẹ Bồ Câu cũng thấy thoải mái không cần phải nhờ người trông coi ở nhà.   

Chị luôn có mặt trong các chuyến đi chơi hậu đại hội, thường lôi kéo, rủ rê nhiều người khác – đúng với tinh thần Hướng Đạo “càng đông chúng ta càng vui nhiều”. Bởi vậy Chị luôn tìm cách hòa mình sinh hoạt chung một cách nhiệt tình, ai rủ làm gì vui Chị cũng làm theo, ai đi xa đến đâu Chị cũng theo đến đó. Nghe kể trong những chuyến du lịch xa của anh chị và vài bạn thân, chính Chị là người trên vai vát 1 balô, trước bụng thêm một balô nhỏ chỉ đựng riêng cho thuốc và cả kẹo ngọt đề phòng đường hạ của chồng mình, trong khi đó anh Danh đi tay không. Cưng và quý chồng như thế đó! Chuyện này khó có phu nhân nào sánh được.
Chị cũng là người chú ý nâng đở tinh thần các em mới định cư sau này, hỏi han, chỉ bày, và sốt sắng chung vui, tổ chức tiệc ăn mừng khi có em nào đạt được một bước tiến khả quan trong đời sống mới. Trong các đại hội, Chị đến từng bàn làm quen, hàn huyên với các đàn em út, mở vòng tay, thân mật xóa bỏ khoảng cách tuổi tác, thời gian giữa các khóa đầu đàn với các khóa em út sau này.

Sau ĐH tháng 7, 2018 ở Montreal, căn bệnh Chị bắt đấu trở nặng, đòi hỏi khám bệnh, chửa trị, theo dỏi bởi nhiều bs. chuyên môn khác nhau và ra vào bệnh viện thường

Hậu đại hội: AC Danh & Châu-Quebec, Canada tháng 7, 2018
 
xuyên. Tuy tinh thần Chị vẫn mạnh, nhưng vì tình trạng cơ thể yếu dần, đầu năm 2019, anh chị quyết định dời lên San Jose ở gần cạnh 2 con gái của mình để sự chăm sóc Chị được thuận tiện và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên Chị vẫn phải lui về lại căn nhà Tustin vài lần cho những lần chửa trị đặc biệt trước khi ở hẳn tại San Jose.

Vào giữa tháng 5, 2019, vợ chồng chúng tôi bổng cảm thấy nóng ruột, đứng ngồi không yên, sau khi nhận tin Chị nhập viện. Chúng tôi nhanh chóng quyết định lái xe đi San Jose vào sáng sớm ngày thứ Tư, 22 tháng 5, 2019. Đến thẳng BV. Kaiser, chúng tôi ngồi với Chị cả ngày, xót xa thấy Chị ốm đi rất nhiều, da sạm đen và tỏ lộ vẻ mệt mỏi, dù Chị vẫn tỉnh táo và lạc quan cho biết trong vài ngày tới BV sẽ cho Chị xuất viện và điều trị lọc máu tại nhà. Tất cả tiếp liệu y tế đều sẳn sàng, kể luôn cả người săn sóc thuê riêng. Qua Chị, tôi biết thêm 2 anh Đồng Sĩ Nam và Lê Văn Hiệp đang giúp mua thêm plasma cho Chị chuyền tại nhà. Chị thoải mái lắng nghe chúng tôi kể chuyện các bạn YKH và nhiều chuyện trên trời dưới đất. Trưa hôm ấy, Minh Châu có được cơ hội đút chị Châu ăn từng muỗng. Chị ăn và uống khá hơn mọi ngày khác, theo lời anh Danh cho biết.

Chiều đến, chúng tôi theo Chị vào phòng lọc máu, ngồi cạnh giường trong khi Chị chập choạng thiêm thiếp trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ. Anh Đồng Sĩ Nam có ĐT hỏi thăm về tình trạng của Chị và cho biết anh chị dự định bay lên thăm Chị vào cuối tuần này. Sau khi đưa Chị về lại phòng, chúng tôi nấn ná thêm khoảng mươi phút trước khi chào Chị và anh Danh ra về sau 9 giờ tối, để Chị nghỉ ngơi và chúng tôi còn lái về lại nhà vào sáng sớm ngày mai.
Không ngờ đó là lần cuối cùng vơ chồng chúng tôi nhìn thấy Chị.

Ngày Thứ Sáu, 24 tháng 5, anh Danh gọi cho biết Chị được vừa xuất viện về nhà. Anh vừa mừng nhưng lại vừa lo, các dụng cụ y tế chưa được đem đến nhà, nhất là máy lọc máu.

Trưa ngày Chủ Nhật, 26 tháng 5, khi đang sửa soạn cho cháu Bồ Câu vào giường ngủ trưa, tôi bổng chợt thấy một con bướm ngài màu đen, to bằng 2 ngón tay, nhẹ nhàng đập cánh bay thoáng dọc theo chiều dài của tấm kiếng trong phòng tắm. Vì bấy giờ đang đở cháu bước rời phòng tắm đến giường ngủ, tôi chỉ biết nhìn theo bướm ngài vụt biến mất ở cuối đầu kia của tấm kiếng. Sau khi cháu vào giường tôi chạy vào phòng tắm cố tìm bướm ngài, nhưng không thấy. Tôi vội ra cho Minh Châu biết hiện tương như vậy. Khoảng một giờ sau, Thanh Duyện, em gái của anh Danh đến thăm Chị từ Canada, ĐT nức nở báo tin Chị vừa qua đời tại BV, sau khi nhập viện lại vào sáng nay. Cùng lúc, Hùng 49 thông báo tin buồn cho nhóm PIC qua TEXT. Vợ chồng chúng tôi sững sờ, hụt hẳn và đau xót. Không ngờ Chị giả từ cuộc đời đột ngột như vậy.

Qua sáng hôm sau, 27 tháng 5, tức ngày thứ Hai của Memorial Day, Thanh Duyên nhờ tôi loan báo tin buồn trên diễn đàn YKH, đồng thời lo chuyện đăng cáo phó trên Việt Báo. Tôi vội lên lầu, làm việc trên máy PC, lục tìm cho được một tấm hình đẹp nhất của Chị xữ dụng cho cáo phó. Trong khi đang loay hoay tìm tòi, tôi chợt nhìn thấy con bướm ngài, màu sắc và hình dáng y như hôm qua, bay nhẹ nhàng bên trong của sổ lớn nhìn ra balcon ngay cạnh bàn tôi đang ngồi. Tôi muốn với tìm cell phone chụp tấm hình, nhưng không kịp vì bướm ngài đã biến mất ở cuối cửa sổ. Tôi vội chạy đến mở shutter cho thêm ánh sáng, nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết của bướm ngài. Với một chút ớn lạnh dọc theo cột sống, tôi bước xuống lầu vào phòng bếp, kể cho M. Châu hiện tượng bướm ngài màu đen xẩy ra lần thứ hai. Sau đó, khi ĐT nhờ Bữu Phụng tìm thêm hình của Chị được cất giữ trong website của Hội, chuyễn cho anh Danh chọn tấm thích hơp nhất cho cáo phó, tôi có cho Phụng biết hiện tương bướm ngài màu đen.

Sáng ngày thứ Ba, 28 tháng 5, Thanh Duyên và tôi nói chuyện qua lại nhiều lần, lúc đầu để thống nhất nội dung cáo phó, về sau chuyễn lời anh Danh nhờ tôi điều hành buổi tang lể. Tôi nhận lời ngay, và bắt tay soạn thảo chương trình theo ý của anh Danh và Thanh Duyên. Ngay đúng lúc ấy, con bướm ngài màu đen lại xuất hiện, nhẹ nhàng bay dọc theo chiều dài cửa sổ lớn gần bàn làm việc. Tôi sững sờ bất động nhìn bướm ngài trước khi bướm ngài lại biến mất vài giây sau đó.

Tôi cảm nhận bướm ngài màu đen chính là hồn Chị, hiện ra lần đấu tiên báo cho biết Chị vừa rời cỏi trần, lần thứ hai như để cám ơn tôi nhận lời thực hiện cáo phó, và lần cuối này như nói lên sự bằng lòng của Chị với việc tôi phụ giúp điều khiển chương trình tang lể vào cuối tuần. Sau khi cho Thanh Duyên biết sự kiện bướm ngài màu đen xuất hiện lần thứ ba, tôi thẩn thờ cả nửa giờ hơn, tư lự xót xa nhớ đến chị Tinh Châu…Một người mà ai cũng ngưỡng mộ, ai cũng thương quý.

Đúng vậy. Chị là rường cột, là linh hồn của Hội. Là gạch nối của nhiều khóa, nhiều thế hệ. Chị có công gây dựng Hội vững mạnh, đoàn kết và thân tình. Chị là người touching được nhiều con tim của nhiều đống môn lớn nhỏ. Chị xuất sắc, hoàn hảo trong nhiều công việc của Hội dù đảm nhận chức vụ rất khiêm nhường của ban tương tế xả hội. Qua bao thay đổi, tân chủ tịch nào cũng luôn yêu cầu Chị tiếp tục tại chức. Vì biết khó kiếm ra được một cọng tác viên có tinh thần trách nhiệm, tận tâm, cởi mở, và hào sản. Như Chị. Chị mất đi để lại một khoảng trống khó bồi đắp.

 Điều đó được minh chứng trong ngày tiển đưa Chị, vào thứ Bảy, 08 tháng 6, 2019 tại Oak Hill Funeral Home, San Jose. Ngoài con số đông của thân bằng quyến thuộc còn có sự hiện diện của gần 100 ACE của YKH chúng ta, bao gồm các khóa lớn nhỏ, trong đó có Cô Nguyễn Văn Vĩnh, đại diện cho Ban Giảng Huấn Trường ĐH YKH, toàn bộ Ban Chấp Hành đương thời của Hội AHYKH Hải Ngoại, 6 cựu chủ tịch Hội. Phần lớn mọi người đều từ xa đến, khá nhiều người phải bay. Ngay như trong chuyến bay từ Santa Ana đến San Jose trong sáng cùng ngày, có khoảng gần 30 ACE cùng đi với nhau. Đa số anh chị em trong Hội mang bowtie màu tím Huế, một màu mà chị Tinh Châu yêu thích khi đương thời mà nay cũng là màu áo Chị mặc cho lần cuối này.
Chương trình tang lể cữ hành đúng giờ, trang nghiệm nhưng thân tình ấm cúng, đầy nước mắt do những chia sẻ thật xúc động từ trong gia đình, các điếu văn rất tình cảm của quý anh chị em YKH: Lê Đình Thương, Đồng Sĩ Nam, Lê Văn Hùng 49, Châu Lam Sơn, Lý Văn Kim, BS. Amy-Van Bùi, con gái của anh chị Bùi Xuân Định, cặp bạn thân thiết đồng khóa của anh chị Danh & Tinh Châu.
 
Sau phần chia sẻ và điếu văn, anh Danh mở đầu chương trình nhạc, với tình ca “Tình Khúc Cho Em”, các cháu cũng thay phiên trình diễn cho Bà Ngoại, Bảo Tiên hát “Như Một Lời Chia Tay” với tiếng guitar đệm từ Lê Khắc Lân. Đại gia đình phía anh Danh hơp ca bài “Trên Con Đường Về Quê Mà Có Bóng Mẹ” mang nhiều xúc động và được nhiều người tham dự cùng hát theo.
 
Sau tang lể mọi người sắp hàng chào tiển chị Tinh Châu, trước khi quan tài di chuyễn ra địa điểm hỏa thiêu. Hai chị Tuyết Mai (vợ Phan Chánh Đức) và Diệu Mai (vợ Bữu Phụng) cùng tiến đến linh cửu một lần với nhau. Cả hai lần lượt tâm sự với chị Tinh Châu, hỏi Chị giữa 2 Mai Chị thương ai nhiều nhất. Liền sau đó cả 2 Mai đều nghe 2 tiếng gỏ cộp cộp khá lớn dội từ bên dưới quan tài, hiểu như câu trả lời là Chị thương mến cả 2 Mai. Cả hai sững sờ, nhìn nhau biến sắt, nổi da gà và vội bước về chổ ngồi. Vài người bạn trong nhóm, trong đó có tôi, nghe 2 Mai kể cho biết ngay sau đó.          
 
Chị Tinh Châu thân mến, năm giổ đầu tiên của Chị, Chánh & Châu không thể lên San Jose, thắp nén nhang trước linh vị và di cốt của Chị như dự tính vì nạn Covid-19. Đành ở nhà, dùng dòng chữ tưởng nhớ đến người Chị thân thương của Hội, của nhóm nhỏ PIC và của Chánh & Châu. Rồi đây, hàng năm, cứ mỗi năm vào cuối tuần  Memorial Day, sẽ có nhiều người tưởng nhớ đến Chị. Và sẽ thắp nến trong lòng mình, cầu nguyện Chị an vui thanh thảng ở chốn nghìn thu.  

 Chị đã có một cuộc sống đầy màu sắc, sống động và lạc quan. Trong sự yêu thương của gia đình, của chúng bạn và bao đồng nghiệp, người quen biết.

Nay Chị ở nơi nao, hả Chị?? Phải chăng Chị vĩnh viễn ở trong lòng của Chánh & Châu, và của nhiều bạn YK thân thuộc khác. Là Lê Văn Hùng & Hồng, người hàng xóm thân cận đầu đời của anh chị; là anh chị Đồng Sĩ Nam & Khang, qua tình cảm làm việc khắn khít với nhau trong gần cả 2 thập niên; là anh chị Đệ & Nina, vốn cũng hàng xóm và chuyên rèn luyện hát hò với anh Danh; là Phan Chánh Đức & Mai, người hay tâm sự tỷ tê với Chị; là Bữu Phụng & Mai, mà ngôi nhà từng đón anh chị và bạn bè đến chơi không biết bao nhiêu lần; là Hồ Đăng Thuận & Thanh, người Chị thường trêu chọc là vua đi trể vì…không thuộc đường dù thông suốt không biết bao nhiêu stocks; là Bảo Tiên & Cẩm, mà Chị hằng để tâm chúc phúc; là Nguyễn Đình Khôi & Phúc, nguồn cung cấp tin tức thời sự linh tinh; là Lê Văn Hiệp & Hương, mà Chị tin tưởng vào sự hiểu biết chuyên môn; là Võ Lâm Quang & Thảo, mà Chị hãnh diện theo dỏi sự học hành thông đạt của 2 con gái. Là quý Thầy Cô, quý anh chị BS. Lê Đình Thương, Tôn Thất Viên, Lê Quốc Bảo, Bùi Xuân Định, Võ Văn Cầu, Nguyễn Văn Bách, Phan Tiên Thái, Lê Văn Chỉnh, Lại Đức Thuần, Đoàn Yến, Phạm Gia Khánh, Trần Quý Trâm, Ngô Trọng Thọ, Trần Tiển Sum, Võ Văn Phát, Võ Đại Lợi, Châu Lam Sơn, Trần Tiển Ngạc, Phạm Đình Vinh, Nguyễn Mộng Hoa, Lý Văn Kim, Võ Văn Hạnh, Nguyễn Văn Hòa, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Loan, Hồ Ngọc Ánh, Hồ Văn Bảo…Vâng vâng và vâng vâng.

Chị Tinh Châu mến, những châu hoa Chị chia gia tài cho Chánh & Châu trước khi anh chị rời vùng được chăm bón cẩn thận nên hầu như hoa thay phiên nở quanh năm. Mỗi khi ngắm hoa, trong buổi sáng mát lạnh hay trong chiều tàn tỉnh mịch, 2 em không thể nào không nhớ đến Chị.
Vô cùng thương nhớ Chị.

Vĩnh Chánh
26 tháng 5, 2020   

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,869
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Hồi ba tháng trước, ống nước nhà tắm bị bể, nước chảy ào ào, ướt hết sàn nhà. Cũng may, sau khi tôi liên lạc với hãng bảo hiểm nhà cửa, chờ đợi, gây gỗ với họ qua điện thoại, họ mới chịu bồi thường nguyên cái sàn.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến