Hôm nay,  

Mắc Thằng Bố…

21/05/202000:00:00(Xem: 17544)

Phan

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.

***

Trong đời sống, không ít lần chúng ta đã gặp những người hay nói luyên thuyên, nhưng cuối cùng thì những người nghe đều có chung suy nghĩ: Họ hay nói vậy thôi, chứ chính họ cũng không biết họ nói gì, thì ai mà hiểu được? Qủa thật có loại người ấy trong đời sống. Và người nói thì phải có người nghe, vậy người hay nói hơn nữa thì sao? Những người đã đạt tới cảnh giới nói không cần người nghe. Họ vừa làm việc của họ, nhưng miệng cứ nói lảm nhảm về điều gì đó, việc gì đó, về ai đó… không ai biết vì đâu có ai nghe. Và chính họ cũng không biết là họ đã nói gì? Dân gian gọi những người ấy là “mắc thằng bố”. 

   Vậy thằng bố là thằng nào?

   Bố tôi cũng không biết thì làm sao tôi biết! Tôi chỉ biết tôi đã có triệu chứng của bệnh mắc thằng bố, là một loại tâm bệnh, xuất xứ từ nội tâm bị thương tổn, hay do nỗi ám ảnh theo thời gian mà thành. Tôi suy ra từ người làm chung chẳng nói với mình, vậy chị nói với ai mà ngày hai ba bận chị thở dài, “Trời ơi! Sao làm hoài không hết việc vậy trời?” Nghĩa là chị bị ám ảnh lâu dài lắm rồi, nỗi ám ảnh về việc làm từ khi đến Mỹ đã mấy chục năm, từ khi chị tự đi xin việc làm vì nhu cầu đời sống, nhưng đời sống chỉ hết nhu cầu khi người ta xuôi tay nhắm mắt. Nỗi ám ảnh việc làm hình thành trong vô thức, trỗi dậy thành ý thức từ hôm trong mình không khoẻ, nhưng cũng phải thức dậy để đi làm; Hôm trời mưa, ngày tuyết đá trắng trời, chị cũng phải thức dậy theo cái đồng hồ reo để đi làm. Chị không biết trong tận cùng tâm thức của chị đã hết đi làm nổi. Bởi vô thức đã cạn kiệt sinh lực, nhưng tri thức lại cứ ráng, còn làm được thì đi làm chứ ở nhà làm gì cho buồn rồi sinh tật, sinh bệnh càng khổ. 

   Hơi rắc rối như có lần tôi giải thích với chị thì chị bảo là tôi… mắc thằng bố. Nói chuyện gì không ai hiểu là chuyện gì! Hơi rắc rối nhưng hiểu ra cũng đơn giản thôi. Khi cơ thể cần ngủ, chúng ta chẳng cưỡng lại được cơn buồn ngủ ập đến. Khi đói bụng, ta cũng không thể phớt lờ nhu cầu của cơ thể. Nhưng ăn rồi, ta cũng không thể bảo cái bao tử đừng hoạt động để giữ trạng thái no, vì ba ngày nữa mới được ăn. Tóm lại phần tri thức của ta có thể nhường nhịn bạn bè một lời nói sốc là ta cười trừ, không trả lời để giữ hoà khí làm việc chung; nhưng phần vô thức trong con người là những phản xạ tự nhiên của cơ thể, như khi thức ăn được nạp vào bao tử thì bao tử tiết ra dịch vị để tiêu hoá. Ta không ngăn cản được quá trình đó diễn ra. Phần mơ hồ hơn của vô thức là ta đã chán đi làm như cơm nếp nhão vì vô thức đã hết chịu đựng nổi việc thức dậy là đi làm. Nhưng tri thức là phần có thể điều khiển được nên mới có suy nghĩ còn làm được thì đi làm chứ ở nhà làm gì cho sinh tật, sinh bệnh càng khổ…

   Chị tôi chẳng hiểu gì hết nên kết luận cái rột: Mày mắc thằng bố. Thế là tôi đi tìm xem cái thằng bố là thằng nào. Và đã gặp. Thì ra người ta nhìn thấy cái lưng của người khác rất dễ, nhưng chẳng ai nhìn thấy được cái lưng của mình. Cứ mỗi ngày tiếp xúc, quan sát chị bạn làm chung. Tôi thấy rõ chân lý sinh lão bệnh tử chẳng chừa ai. Nó đến sớm hay muộn tùy thuộc vào phần phước của mỗi người. Rồi ai cũng trở về cát bụi. Thì ra cái bệnh mắc thằng bố trong tôi không phải là nỗi ám ảnh việc làm như chị tôi mà là một sự trở về. Nhớ lại mấy năm đầu mới qua Mỹ, khi thấy chợ Việt đã trưng bày hoa cúc, hoa mai bán Tết là lòng buồn vô hạn với nỗi nhớ nhà, người thân. Nhưng người thân lần lượt ra đi, nước mất thì làm gì còn nhà để về. Thế là tâm tư lặng lẽ buồn. Nhưng theo thời gian khám phá ra: buồn cũng có giới hạn khi nó đã chạm đáy tâm tư, người ta trở nên vô cảm, cảm giác thực vật chen vào cảm giác động vật một thời gian như ăn vì tới giờ ăn thì ăn chứ không thấy đói hay ăn ngon miệng; tới giờ thì lên giường, không cần phải buồn ngủ vì ngày mai còn phải đi làm là điều quan trọng hơn. Đời sống Mỹ đã nô lệ hoá người thật thành người máy, người máy như người thật là đời sống Mỹ.


   Tôi không còn mong muốn ngày về, không thấy buồn nữa khi chợ Việt trưng bày hoa cúc, hoa mai ra bán Tết… Tâm trạng chỉ khác thường khi tiếp xúc với con cháu sang thăm. Chú nó thấy chúng không phải là người Việt vì chúng đồng loã với kẻ cướp đến tự nhiên như hơi thở. Chú nó giật mình khi tiễn cháu về lại quê hương, máy bay cất cánh mới thấy mình không còn là người Việt nam khi không chấp nhận hối lộ để có được cái visa qua thăm thân nhân bên Mỹ.

   Rồi triệu chứng mắc thằng bố thấm vào phế phủ như những vết nhăn lặng lẽ hằn lên khoé mắt từ hôm đứng ở bờ biển Calif. Tôi hỏi mấy người bàn trẻ là những người sang Mỹ từ nhỏ hay sinh đẻ bên đây, “Tụi em thấy gì ngoài khơi kia?” Bỏ qua những người chỉ thấy người ta tắm biển, chiếc du thuyền quá đẹp, người thấy giàn khoan dầu ngoài xa đất liền, nhớ chuyến vượt biên năm nào; người thấy hải âu vô tư như ước mơ, người thấy chân trời hình cong nên tâm tư nhà sư cũng không thẳng được khi tu trên mặt đất…

   Họ hỏi lại tôi thấy gì? Tôi trả lời, “Anh thấy Việt nam bên kia biển.” Từ đó bệnh mắc thắng bố trong tôi trở nặng. Từ trong vô thức tôi cứ nghĩ đến một sự trở về, dù lý trí phản đối vì về đâu khi không còn là mình? Nghe người ta nói, ‘tôi đi Việt nam” là đúng, hay người nói “tôi về Việt nam” là đúng? Tâm thái hai người khác nhau trong suy nghĩ cho cùng một sự việc. Còn tôi đi hay về? Có lẽ câu trả lời là, “đã không còn tôi nữa.”

   Hôm nhà thơ Tô Thùy Yên còn. Anh cũng nói anh sẽ về khi Việt nam không còn cộng sản. Hôm nhận tin anh qua đời, phần nào trong tôi lại nghĩ: Anh đã về. Như bài thơ “ta về” của anh - mỗi tháng tư đến đều nên đọc lại. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cũng rõ ràng, “tôi chỉ về Việt nam khi không còn cộng sản”. Nhà thơ Trần Dạ Từ cũng về khi không còn cộng sản. Những người lính cũ gặp nhau ở hoàn cảnh tương đồng khi lực bất tòng tâm nên cùng có suy nghĩ về sự trở về. Ai cũng có phần vô thức không kiểm soát được, ẩn sâu trong ý thức không về để khẳng định ý thức hệ mà thôi. Ở những người làm thơ thường suy nghĩ sâu xa là thế! Vậy ngưởi bình dân hơn sẽ thế nào? Anh tôi là người lính. Anh rời xa quê hương năm hai mươi tuổi. Hai mươi năm sau anh quyết định về. Những người bạn Mỹ của anh ngăn cản với lý do, “Mày lấy nguyên cái tàu hải quân đi. Bây giờ mày về, cộng sản nó bắt đền cái tàu chiến thì làm sao mày có. Nó sẽ bỏ tù mày…” Anh tôi trả lời bạn bè, “tao sống hai mươi năm ở Việt nam, hai mươi năm ở Mỹ. Bây giờ tao về Việt nam ở tù hai mươi năm là vừa, vì tao nhớ nhà và mẹ tao đã già. Bốn mươi năm qua, tao thường nghĩ là tao đã chết trong trận Hoàng Sa…” 

  Anh tôi về thăm nhà lần đầu vào năm 1995. Anh quyết định luôn là về hưu. Anh sẽ về sống luôn ở Việt nam. Rồi khi anh về hưu thực sự. Anh về sống luôn bên Việt nam trong tâm thức và ý thức anh. Nhưng anh chỉ ở được hai ba tháng là vọt về Mỹ, bởi khi anh về chơi một hai tuần mỗi năm là khác, còn anh về luôn rất khác! Không phải người thân còn lại trong nước đồi khác mà người đi đã khác. Anh là người Mỹ gốc Việt vì còn nói tiếng Việt nhưng anh hoàn toàn Mỹ trong đời sống hằng ngày thì làm sao sống ở Việt nam sau mấy mươi năm vật đổi sao dời… Anh sang chơi nhà tôi, quên đem nên mượn tôi đôi giày đi bộ thể dục buổi sáng. Anh thích đôi giày của tôi nên nói với tôi, “mày mua đôi giày hết bao nhiêu tiền vậy, tao gởi lại cho mày được không? Tao thích đôi giày này.” Tôi bảo anh lấy đi thì anh không lấy; tôi nói láo là em mua garage sale hết $10. Anh muốn thì đưa đây $10. Anh tôi vui lắm. Anh vui vì mua được đôi giày ưng ý mà giá rẻ; vui với tình cảm anh em ruột còn đó dù sống ở nước ngoài thì thằng em vẫn nhường cho thằng anh. Và anh là anh nên trả tôi $10 xong thì đưa thêm tờ $100. Mày đi mua đôi giày khác mày thích nha… 

   Tôi thấy anh tôi đã Mỹ hoàn toàn như những người bạn Mỹ của tôi. Họ hết thuốc lá trong hãng thì mua lại của tôi điếu thuốc với đồng bạc cắc chứ không xin như người bạn Việt, “Ê, còn thuốc không. Cho tui điếu coi. Sáng nay đi làm. Tui quên mua rồi…” 

   Rồi anh tôi xách đôi giày ấy về Việt nam để đi bộ thể dục buổi sáng. Mới đi được lần đầu thì đứa cháu đã tự nhiên chiếm đoạt, “cháu thích đôi giày của bác quá, cho cháu nha.” Nó không cần nghe câu trả lời, không quan tâm đến thái độ của người bác đã là người Mỹ - muốn thì mua chứ không cướp, không xin ai. Anh cho cháu mấy ngàn đô la để mua cái xe tay ga nó thích thì anh vui vẻ. Sao đôi giày chỉ có $10 thì anh lại nổi giận? Đó là lý do anh trở về Mỹ. Anh đành bỏ quyết tâm (trong khả năng dư sức) về Việt nam sống phần cuối đời với người thân con cháu… Nhưng anh có bỏ được vô thức “về” hay không thì câu trả lời là không. Người lính thủy từng đánh trận Hoàng Sa ấy đành chấp nhận gởi lại nắm xương khô nơi xứ người vì anh đã Mỹ hoá thì làm sao hoà hợp được với người thân, quê hương anh đã cộng sản hoá.

    Tháng tư lại về. Bốn mươi lăm năm gởi lại nắm xương khô nơi quê người của bao người Việt đã bỏ nước ra đi là điều không biết hết được nhưng điều chắc chắn biết là từ trong nội ngã, trong tâm thức mỗi người lưu lạc đều nặng một chữ “về”. Nên đừng thắc mắc những thằng bố đi chợ, đi làm, đi câu cá, đi nhậu… cứ lẩm bẩm không lời vì nói “về” với lòng nó thì ai biết! Nó cứ mắc thằng bố như thế tới hôm ra nhà quàn nào đó ở Mỹ. Chuyện đã bốn mươi lăm năm cũng như chuyện bốn ngàn năm của một dân tộc có bẩm sinh thích làm khổ mình trong thời đại nhiều người Mỹ về hưu đã chọn Việt nam để sống những ngày tháng cuối đời cho ấm áp và sinh hoạt rẻ. Có lẽ do họ mới mấy đời du nhập từ châu Âu qua đây, máu du mục trong họ còn đậm nên đất lành chim đậu, ở đâu giá sinh hoạt rẻ, khí hậu thích hợp với tuổi già là được. Còn người Việt lại đậm máu bản làng do lịch sử bốn ngàn năm gắn liền với lũy tre, khúc sông ký ức không có tuổi… Đó là nguồn động lực vô hình, sự thôi thúc quay về bản năng khi người ta đã đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng. Nhưng không còn một chốn để quay về khi đời sống và tâm tư đã lạc mất quê hương. Bản thân đã lạc mất mình do hoàn cảnh lịch sử, và sự hội nhập miễn cưỡng. Bốn mươi lăm năm chỉ còn những thằng bố lang thang đi tìm lại mình và quê hương đã mất trên khắp hành tinh. 


Phan

 

Ý kiến bạn đọc
25/05/202017:03:34
Khách
Đoc bài của chú em Phan chị chợt hiểu hình như ai cũng có "thằng bố" đeo đẳng cả đời dù vui hay buồn.
Người Việt buồn nhiều hơn vui, thằng bố bên ni nhớ nhà, thằng bố bên nhà đi mãi không ra khỏi lũy tre làng.
Cảm ơn Phan nhiều, hy vọng có dịp gặp lại anh chị em VB.
25/05/202004:44:56
Khách
Thật lâu rồi mới đọc một bài về Triết.
Chắc tại đến tuổi hay sao mà tui đọc bài này của anh tui thấy hay, như thẩm thấu được hết tất cả những gì anh chuyển tải.
Cám ơn anh Phan!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,680,049
Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng khi mùa xuân đang trở lại. Dấu hiệu của mùa xuân, đối với cô Thơm, là những gốc mai già cỗi cả trăm năm bắt đầu rụng lá, như những cô gái e ấp muốn khoác vào bộ áo mới để đón xuân.
Cho đến nay con người cũng không biết chắc được loài chuột có mặt trên hành tinh này từ bao giờ, vì những cuộc khảo cổ với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn cứ tiếp tục tìm ra những bằng chứng về loài chuột có tuổi ngày càng cao hơn những khám phá trước đó.
Tôi xuýt kêu lên vì vui mừng. Tôi nhớ có lần ông nói ông không biết bé Na nào hết, làm tôi chưng hửng. Đó là sau khi ông bị stroke, ông không nhớ có đứa cháu ngoại là Na. Ông và tôi đã phải đi lại từ đầu.