Hôm nay,  

Tết Bây Giờ Và Tết Ngày Xưa

17/01/202000:00:00(Xem: 12335)

VVNM_Pham Thi Kim Dung
Phạm Thị Kim Dung

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.  

****

 

Hai chữ “Ăn Tết” nghe sao quen thuộc quá với mọi người dân Việt Nam!!

Nói đến chuyện Ăn Tết ai mà chả thích, Tết đến được ăn bánh chưng, bánh tét giò chả, mứt bánh và nhiều loại thức ăn ngon hơn ngày thường, và nhất là được mặc quần áo mới đi chúc tuổi, trẻ nhỏ lại có phong bao mừng tuổi đỏ chói, thì còn muốn gì hơn nữa?

 

Đã bao mùa hoa mai vàng nở rụng qua đi, một lần nữa lại sắp được đón mùa xuân yên bình trở lại trên quê hương Hoa Kỳ, chỉ còn vài ngày nữa là ngày đầu của Tết Nguyên Đán Canh Tý, năm 2020.  Đón xuân này, chạnh nhớ xuân qua, nơi phương xa, hoà nhập vào xứ người, niềm vui nhất của những người Việt tha hương là được tụ tập vào những nơi có nhiều người đồng hương để cùng nhau vui xuân.

 

Bên cạnh niềm vui xuân hạnh phúc với tất cả những người thân yêu, bạn bè và người đồng hương nơi Quê Hương thứ hai.  Mỗi đầu năm chúng tôi không quên gởi chút quà về quê nhà để góp phần yểm trợ các nhà hảo tâm và cơ sở thiện nguyện Công Giáo để tỏ lòng tri ân quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà và những người kém may mắn nơi Quê Hương Việt Nam thân yêu.

 

Mỗi độ xuân về lòng xao xuyến

Mai vàng rực nở cả quanh sân

Nhớ thuở xuân nào mình còn mơ

Bây giờ mình đã lên chức bà

 

Tôi đã được lên chức bà lâu lắm rồi, nhưng người tuổi hạc vẫn mong đợi ánh xuân sang!  Thu đã qua, đông tàn, hoa xuân khoe sắc thắm.  Có đàn chim Hoàng Anh bay lượn, đậu chen nhau trên những dây hoa mai leo, rộ nở đẹp rực rỡ, kết chùm toả vàng chói chan đầy cả sân nhà, chúng rủ nhau hoà líu lo hót chúc xuân, tạo thành âm điệu của những bản nhạc “Tình Xuân” du dương nồng ấm.  Mùi ngọc lan thoảng hương thơm ngạt ngào, xa xa vài cụm hoa cúc, hoa lan ẩn lộc dưới tàn cây đào với những nụ hoa e ấp đón chờ nàng xuân mới thắm tươi đem hy vọng, hạnh phúc cùng tài lộc đến cho muôn người.

 

Những cánh đồng cải trời đã nở đầy hoa vàng trên vùng Bắc California, San Jose, nơi mà chúng tôi cư ngụ và đã được hưởng mùa xuân ấm nồng tươi vui đầu tiên 1980.  Nơi đây có nhiều khu phố bán buôn sầm uất, khu thương mại của người Á Đông lớn nhất vùng là "Grand Century Mall" tọa lạc trên đường Story Road, ở ngay góc đường, cắt ngang bởi đường McLaughlin Avenue.  

 

Những ngày gần Tết và ngày đầu năm, cứ ra đây dạo quanh thì thấy rõ khung cảnh mua bán đông đúc, không khí Tết ồn ào nhộn nhịp giống y như Việt Nam hồi xưa.  Từ ngoài ngõ đã thấy những

người bán cành đào cành mai, rồi đến những gian hàng trưng bày đầy bánh chưng bánh tét, từng bịch lớn gói đủ loại mứt bánh có treo phong bì đỏ.  Chỗ này lắc bầu cua tôm cá gà nai rộn ràng, chỗ kia đánh xì dách đủ loại bài bạc, đang mắt trước, mắt sau canh “lính” tới thấy cũng vui lây.  Mọi người vẫn còn giữ phong tục Việt Nam, đốt phong pháo dài cả mét nổ văng tung toé, trải đầy trên mặt đất đã in hằn những dấu giầy dép dẫm lên lớp xác pháo thẫm đỏ.

 

Nơi đây có đầy đủ những thương hiệu bán nhiều mặt hàng khác nhau, hàng tơ lụa gấm nhung để khách đặt may áo dài, tiệm đồng hồ, tiệm mắt kính và cửa hàng tạp hoá đủ loại.  Nhiều nhất là những tiệm kim hoàn, nhà hàng và tiệm bán bánh mứt, hoa quả thật đẹp và thật ngon.  Nào bánh chưng, bánh ít, mứt dừa, mứt bí, hạt sen đủ loại, còn có rất nhiều loại bánh kẹo hộp, Chocolate, Ovomaltine, Pâté, Maggi và Beurre Bretel đã đặt, gởi hàng từ ở những nơi nổi tiếng như:  France, Italy, Germany và Holland, dĩ nhiên những loại kẹo bánh ở xứ Hoa Kỳ cũng ngon hết biết.  Ngoài ra, cũng có những gian hàng bán chậu kiểng, hoa tươi thật đẹp đặc biệt để cung ứng cho những ngày Tết lễ lớn, đâu kém gì chợ hoa ở Đại Lộ Nguyễn Huệ vào thuở xa xưa.  

 

Hai cây đào thật lớn trước ngõ nhà tôi, hằng năm những cánh hoa đan chen nở rộ một màu hồng thẫm rất đẹp, như thấy cả một trời xuân quyến rủ.  Năm nào cũng đợi chờ vừa đến giao thừa là nhà tôi bước ra trước ngõ hái lộc hoa đào để cắm vào cái bình thật to trưng ở phòng khách, và tự xông đất nhà mình cho yên tâm.

 

Tôi mang tiếng “Ký điệu” đã lâu, phải lên một bộ đồ đỏ cho nó hên, rồi cùng theo ra hái thêm vài cành hoa lan đủ màu sắc đỏ xanh tím vàng để cắm vào cái bình pha lê Kate Spade mà tôi đã mua năm ngoái, để trưng trên bàn chung quanh với mứt bánh, đĩa trái cây cầu dưa xoài, và một bộ bình trà rất đẹp cho không khí Tết thêm vui, cầu được hên cả năm.

 

Năm nay, nói đến Tết Canh Tý 2020, sao nghe thấy thân quen quá, làm tôi chạnh nhớ đến cô em gái duyên dáng Hồng Loan của tôi đã được sinh ra ở xứ hoa anh đào Đà Lạt, năm Canh Tý 1960.  Còn nhớ mãi kỷ niệm năm 1959, khi ba tôi được bổ nhiệm đi du học khoá tiếp liệu bổ túc ở Texas Hoa Kỳ, lúc trở về lại quê hương thì nhiệm sở cũ đã có người khác vào làm, nên cấp trên chuyển nhiệm ba tôi đến làm việc ở Đà Lạt, nhờ vậy mà cô em tôi mới cao và xinh đẹp như những cô gái xứ hoa anh đào diễm lệ, có ngàn thông reo êm ái thơ mộng.  Thời gian thấm thoát như thoi đưa, thế mà tuổi của em đã qua một chu kỳ đặc biệt “Lục Thập Hoa Giáp!!”...

 

Theo nguồn trích cung ứng:

 

Lục Thập Hoa Giáp là gì, công dụng của 60 hoa giáp trong đời sống con người cũng như luận đoán vận mệnh ra sao?

 

1. Lục Thập Hoa Giáp là gì?


Cùng Lịch Ngày Tốt cắt nghĩa các thuật ngữ căn bản:

 

"Lục Thập" nghĩa là 60


"Hoa Giáp" nghĩa đen là một chu kỳ hoa nở, chu kỳ vận hành của các con giáp.

Hiểu cách đơn giản hơn, Hoa giáp chính là chu kỳ vận hành của các con giáp, hay chính là vòng tuần hoàn của các con giáp bắt đầu từ Giáp Tý đến cuối cùng là Quý Hợi kết thúc một vòng tuần hoàn (rồi lại tiếp tục quay trở lại Giáp Tý bắt đầu một chu kỳ tuần hoàn mới). 

Từ "hoa" ở đây với ý nghĩa như một mùa hoa nở (chỉ chu kỳ tuần hoàn quay trở lại sau khi kết thúc). Người ta còn gọi lục thập hoa giáp là 60 Giáp Tý.

Vậy tóm lại, Lục thập hoa giáp là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60. Theo chu kỳ này, 1 vòng 60 năm được bắt đầu từ Giáp Tý đến Quý Hợi. Từ năm thứ 61 lại quay về Giáp Tý, năm thứ 121,181... cũng quay trở lại Giáp Tý.

 

2. Nguồn gốc hình thành 60 Hoa Giáp


Can Chi chính là gốc rễ để hình thành lên 60 Hoa giáp. 

Thiên Can gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý

Địa Chi gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi

Sự kết hợp giữa Can và Chi hình thành 60 cặp Can Chi gọi là Lục Thập Hoa Giáp hay Lục Thập Giáp Tý (chữ khởi đầu của thiên can và địa chi khi kết hợp với nhau).

 

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” tôi vẫn chưa thể quên được tục lệ kiêng cử, không quét nhà và đổ rác vào ngày đầu năm, để tài lộc không xê chuyển đi đâu, để mà có bạc xài rủng rỉnh cả năm.

 

Gia đình tôi đi lễ đầu năm để cầu cho gia đạo được bằng an mạnh khoẻ, và được mọi sự như ý, con cháu học hành tấn tới, công ăn việc làm được hưng phát thịnh vượng.  Chúng tôi luôn nhớ cầu cho quốc thái dân an, cầu cho thế giới được hoà bình và ấm no.

 

Chị em tôi luôn nhớ lời dậy dỗ của mẹ, luôn giữ thông lệ theo truyền thống Văn Hoá Việt Nam, đi thăm viếng chúc tuổi vào những ngày đầu năm, và biếu xén những người trên trong gia tộc vào những ngày trước Tết.  Đây là dịp rất quý để kẻ dưới đến thăm, vấn an sức khoẻ và tỏ lòng kính mến bậc cha chú của mình, như tục lệ cổ truyền của ông bà tổ tiên đã để lại cho hậu thế.

 

Buổi sáng mồng một Tết, thường thì các con cháu đến nhà chúng tôi để chúc tuổi ông bà.  Bà đã sẵn sàng những bao thơ màu đỏ đưa ông mừng tuổi cho cháu trai, bà thì mừng tuổi cho cháu gái.  Ông bà ra giá là, hễ cháu nào chúc bằng tiếng Việt hay, thì sẽ được thêm một bao đỏ nữa, trong đó có nhiều tờ một đồng tiền mới lấy lộc hên đầu năm.  Còn bao đỏ lớn thì các cháu đã bàn bạc với nhau, chúng yên chí là thế nào cũng được cái tờ như mọi năm, tờ tiền giấy có in hình ông Tổng Thống Washington đó mà, nên tất cả các cháu vui lắm, vì có tiền mừng tuổi nhiều, để đưa gởi cha mẹ cất vào ngân hàng dành riêng của mình.

 

Tết năm nay cũng như mọi năm, phần ẩm thực thì mỗi gia đình của chị em tôi, đều làm món mình thích góp lại sẽ tụ họp ở nhà một người nào để chung vui quây quần biếu mẹ bao thơ đỏ, và chúc tuổi mẹ được sống lâu trăm tuổi với các con cháu chắt, chúc tuổi nhau, và mừng tuổi cho trẻ em bao thơ đỏ tiền mới lấy hên nữa.  Để tạo nên khung cảnh ồn ào náo nhiệt cho có không khí ngày Tết, sau khi trà dư tửu hậu, phải có một chút sát phạt mới đúng ý nghĩa của ngày Tết Việt Nam, mọi người mở hàng cái mục lắc bầu cua cá cọp đông vui, rồi nhường lại cho trẻ em.  Nhóm quý ông thì chơi xì phé, phụ nữ chúng tôi và ai yếu vía hơn thì chơi bài xì dách hai mươi mốt nút. Còn trẻ nhỏ thì chen chúc vào cái bàn bầu cua để kiếm bạc lẻ vui xuân.

 

Món góp phần ẩm thực của tôi, tôi sẽ làm vài món mà ngày xưa đã được mẹ làm cho ăn như:  Dưa món củ cải, tôi cũng bắt chước mẹ cải bông hoa và lá, nhìn thấy rất đẹp lại ngon tuyệt vời.  Món dưa món của mẹ tôi không có đối thủ, củ cải phải rửa sạch tỉa hoa đủ loại, cắt cả loại dài chừng hai đốt ngón tay, rồi bỏ vài cái máy sấy củ cải cho khô vừa tới (dehydrate).  Đừng sấy củ cải quá kỹ, sẽ thành màu nâu đắng lắm.

 

-Ngâm cà rốt, củ cải khô với muối, và nước thường (không phải nước nóng), để ở trong tủ lạnh hai ngày, sau đó chắt nước, rửa củ cải ba lần cho sạch, để vào rổ cho ráo nước.

-Lại ngâm củ cải với dấm và đường cát, vẫn để vào tủ lạnh khoảng hai ngày.  Rồi bỏ củ cải ra cái rổ cho ráo nước dấm (không cần rửa củ cải).

-Đun nước mắm với đường và một tí muối cho xôi kỹ, để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh một ngày cho nước mắm thật lạnh, và dùng nửa lượng nước mắm đã nấu, bỏ củ cải vào ngâm chừng bốn ngày, rồi chắt nước mắm ngâm lần đầu ấy đi.  

-Ngâm củ cải vào phần nửa nước mắm còn lại.  

-Bóc vài củ tỏi, sấy cho khô vừa tới, để ngâm chung với củ cải đã ngâm đợt nước mắm thứ nhì.

(Tỏi sẽ giúp cho củ cải giữ được lâu lắm, vài tháng hay cả năm). 

-Vài củ cà rốt tỉa hoa khác loại và cả lá nữa, cũng sấy cho khô.

-Mua thơm trái loại ngon, cắt nhỏ bằng nửa ngón tay cái, bỏ vào máy sấy cho khô, rồi ngâm chung với củ cải mà đã ngâm phần nước mắm lần thứ hai.  

 

Như vậy, coi như món củ cải đã hoàn tất.  Để giữ cho củ cải được ngon lâu, cứ để keo củ cải ở trong tủ lạnh toàn thời gian.  Khi cần lấy dưa món ra ăn, dùng muỗng mới và chỉ lấy vừa đủ thôi, tuyệt đối không được bỏ củ cải ăn còn dư vào lại keo.  Dưa món này ăn với bánh chưng, bánh tét, và là món rất bắt mồi cho quý ông nhậu lai rai với giò thủ, thịt gà, thịt heo luộc rất ngon. 

 

Tôi bắt chước mẹ, làm cả củ hành nén để ăn với giò thủ, thịt đông.  Món xúp mà cô em tôi nấu với mọc tôm thịt mực bong bóng cá, nấm đông cô và da heo ăn với cơm hoặc bún thì sẽ ăn sau cùng.  Có lẽ tôi cũng phải chịu khó đãi đậu xanh nửa hột còn vỏ, gói vài cái bánh chưng cỡ nhỏ nữa, bánh gói ở nhà nhìn không được khéo, nhưng ăn thơm ngon hơn là mua ở tiệm, vì có đôi khi mua phải cái bánh cũ, tiệm bán trưng bày đã lâu ngày lên mùi thiu là hết ngon.

 

Nhà tôi thích nhất món giò thủ của mẹ, nên tôi phải học làm để lấy điểm với chàng.  Mẹ chỉ tới đâu, tôi viết cẩn thận tới đó.  Tôi mua tất cả vật liệu để hoàn thành món giò thủ đặc biệt giống y như mẹ đã chỉ cho làm, và đã được mọi người khen khích lệ nhiều lần rồi.  Tôi mua thịt ba rọi thứ ngon, tai heo, mũi heo, lưỡi heo, nấm mèo, củ hành hương, rau ngò.

 

-Phải cạo tai, mũi heo, lưỡi heo (thì phải lóc bỏ hết cái lớp trắng chung quanh đi) rửa muối khử với dấm cho thơm, rửa thật sạch, rồi luộc cho chín.

-Thái thịt ba rọi, lưỡi, tai và mũi heo thành từng miếng mỏng nho nhỏ khác nhau, để khi ép thành giò mềm mại, độ giòn của sụn tai heo vừa ăn và nhìn lát giò khi đã cắt rất đẹp và lạ mắt.

-Ngâm nấm mèo với muối, rửa nước vài lần cho sạch, cắt ngắn chừng hai phân.  

-Cắt nhiều củ hành hương thật nhỏ rồi phi cho thơm, đến khi thấy hành màu vàng nhạt là được.

-Rau ngò thì cắt nhỏ.

 

Thịt sống thì phải ướp, xào cho chín trước rồi bỏ tất cả vật liệu vào cái nồi, nêm từ từ muối nước mắm ngon, tiêu, đường, bột nêm và một ít nước cho thịt hơi ướt ẩm thôi.  Nêm nếm lại cho ngon, xào đảo tất cả cho đều chừng mười phút là được.  Lúc sau cùng mới bỏ rau ngò đã cắt vào nồi là tắt bếp.

 

Bắc nồi ra khỏi bếp, bỏ hết nhân thịt ngay vào khuôn nén ép cho giò chắc, để vào tủ lạnh qua một đêm, thì khi cắt giò thủ ra để bày bàn, trông mới hấp dẫn và đẹp (dùng khuôn tròn hay vuông bằng Inox thì dễ lấy giò thủ ra).

 

Cách đây mười năm vào dịp Tết, bạn của cô em tôi cho một nửa con nai.  Em đã ướp hành xả để nướng, và nấu cà ri ăn bánh mì.  Mọi người trong nhà ai cũng ăn nhiều mà chỉ bị “đờn” chút xíu thôi, chả có sao, lại khen ngon quá chừng.  Còn tôi chỉ ăn nếm có hai miếng thịt nướng nhỏ xíu, thế mà qua ngày hôm sau cả người tôi, từ mặt xuống chân nổi phong sẩn đỏ từng mảng như vừng cơm cháy.  Cũng tại cái miệng hại cái thân, tôi đã phải đi nhà thương khám bệnh, Bác Sĩ đã cho toa mua thuốc, uống hết mười ngày thuốc thì những cái mảng nổi ngứa đó mới lặn bớt nhiều.  Một lần tởn

cho tới già, Tết nhất mà cái mặt thấy ghê, từ đó về sau tôi chả bao giờ dám ăn nai niếc gì nữa. 

 

Chẳng phải đợi đến mùa thu, nai vàng ngơ ngác mới đạp trên xác lá thu vàng xào xạc đâu.  Có một đàn nai sáu con thường hay thay phiên nhau đến thăm vườn nhà tôi mỗi buổi trưa hoặc lúc trời vừa ngã bóng hoàng hôn, chúng lấy cái sừng khều với những cành cây xuống để vặt ăn hết những đọt cây non;  Thấy mà xót cây quá chừng!  Nhìn thấy chúng thì thích lắm, ai cũng gợi ý là giăng lưới bắt chúng để ăn thịt là ngon hết xảy, riêng tôi thì nhớ lại lúc mặt mày sưng vù lên, phải uống thuốc thì khiếp sợ vô cùng, kể ra thì chả ai thèm nghe hết, chỉ khi nào có kinh nghiệm bị bệnh phải uống nhiều thuốc như tôi thì mới sợ thôi.

 

**

  

Hinh cho Viet Ve Nuoc My
Hương vị ngày Tết.



Tôi còn nhớ những mùa xuân năm cũ ở Sài Gòn, vào những ngày gần Tết nhà nào cũng lo sắm sửa trang hoàng lại nhà cho đẹp để đón nhận lộc xuân.  Nào lau chùi bàn thờ cùng các ảnh tượng bị vướng bụi, người thì đánh sáng lư đồng, kẻ cọ nồi niêu bếp núc để sửa soạn đón Táo Quân.  Nhất là trẻ nhỏ, được mẹ sắm cho mỗi đứa một bộ quần áo mới để lấy le, sẽ diện vào ngày mùng một, cùng đi với cha mẹ chúc tuổi ông bà và họ hàng thân thuộc, mong kiếm được nhiều phong bao đỏ

tiền mừng tuổi thì hên cả năm.

 

Đã nói là nhớ nhiều về những cái Tết thuở xưa, thì không thể quên nhắc đến Tết Mậu Thân 1968 hơn nữa thế kỷ đã qua, tiếng pháo pha trộn lẫn tiếng súng kinh hoàng và buồn thảm nhất trong đời mọi người dân Việt, mà người Mỹ gọi là “Tết Offensive”.  Phía Bắc Việt cộng sản đã vi phạm thoả hiệp ký kết, chúng lợi dụng phía Việt Nam Cộng Hoà cho toàn dân miền Nam nghỉ ăn Tết ba ngày trong không khí linh thiêng an hoà.  Nhưng chúng đã bất ngờ tấn công nhiều địa điểm quan trọng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, để xâm chiếm Miền Nam Việt Nam, gây chết chóc tang thương phủ kín Cố Đô Huế, gần bảy ngàn người bị chúng chôn sống tập thể rải rắc khắp hang cùng ngõ hẻm tại Xứ Huế yêu dấu ngàn đời vẫn còn nhớ mãi.  Cuối cùng chúng đã bị những chiến sĩ oai hùng của Quân Lực VNCH phản công kịch liệt, để dành lại từng tấc đất ghềnh hào đã bị cộng quân chiếm giữ, trong chiến thắng vẻ vang, đã được ghi vào trang sử hào hùng đến muôn đời.

 

Cùng giai thoại Tết Mậu Thân nhuốm mùi tử khí tang tóc thê lương ấy, đã khơi động lòng ái quốc, nhà văn Nhã Ca xúc động thương cảm đến tột cùng.  Vì thế, chị đã cho ra đời một tác phẩm giá trị nổi tiếng để đời khó quên “Giải Khăn Sô Cho Huế”, đã in lần đầu tại Sài Gòn 1969, và đã được giải thưởng văn học nghệ thuật quốc gia 1970.  Nội dung kể lại những chuyện đã xảy ra trong cuộc tổng tấn công dữ dội của cộng sản Bắc Việt, hầu xâm chiếm miền Nam Việt Nam.

 

Ngày chính chưa đến, mỗi đứa chị em tôi hoạ may chỉ được ăn nếm chút xíu mứt cho đỡ thèm thôi.  Vào chiều ngày ba mươi Tết, mùi của trõ xôi gà lạp xưởng toả bay hương thơm ngạt ngào, sao mà thấy đói bụng quá chừng, nhìn thấy ở dưới bếp những thức ăn trong nồi này, chảo kia mẹ đã nấu sẵn sàng để cả nhà cùng ăn, sẽ ăn từ buổi chiều lai rai cho đến khuya đón giao thừa.

 

Theo thông lệ, khoảng một tuần trước Tết, chúng tôi đã về Long Khánh là quê nội để biếu quà và chúc tuổi ông nội, bác cả và cô chú trước, vì đường quá xa xôi.  Sáng mồng một, cả gia đình tôi với nhất bộ áo quần đi đến chúc tuổi ông ngoại.  Nhà ông ngoại của chúng tôi là nơi họp mặt đại gia đình nên rất đông vui nhộn nhịp.  Sau khi mọi người đã đến đông đủ, một tràng pháo dài nổ lốp đốp xen lẫn pháo nổ lớn đì đùng ròn vang tủa, hoà chung những mảnh xác pháo văng toé tứ tung ở sân trước, nhìn tưởng như những cánh hoa đào rơi rớt quanh sân.  Cái bàn trưng bày rượu chè kẹo mứt ở nhà ông ngoại thì không thể đếm cho xuể tất cả là bao nhiêu món đã được bày ở trên bàn, toàn là những món ngon nhất chợ mà các bác, ba mẹ, các dì chú và cậu mợ đã mua để biếu cha.  Trong buổi họp mặt đầu năm, các con cháu được ăn một bữa ngon tuyệt vời, đến chiều còn được ăn lại lần nữa, mỗi gia đình được chia phần hai cặp bánh chưng của ông ngoại nấu, rồi mới ra về.

 

Đầu bếp chánh, người dì áp Út đã cho cả nhà thưởng thức nhiều món ngon như:  Bánh chưng chấm với mật đường và bánh chưng nhân ngọt gói nấu ở nhà, gà rô ti với xôi trắng, gà luộc lá chanh, miến gà, nộm thập cẩm, thịt heo kho trứng với nước dừa tươi, củ kiệu hành muối, dưa chua, thịt đông.  Món sau cùng là món bún mọc nóng hổi rất ngon, và đủ các loại thạch chè bánh trôi bánh chay ăn tráng miệng nữa chứ, dì rất vui khi bổ trái dưa hấu trong ruột màu đỏ ửng, ăn ngọt lịm mát như đường phèn.

 

Mọi người đứng chụm xúm quanh cái ghế, chỗ ông ngoại đang ngồi, bắt đầu lần lượt từng gia đình chúc tuổi ông được dồi dào sức khoẻ, bách niên trường thọ và cũng không quên biếu ông bao thơ mừng tuổi.  Kế đó, các anh chị quay qua dì Út khen đi, khen lại là dì khéo quá, đã cho cả nhà một bữa ăn Tết ngon tuyệt.  Dì được nhiều phong bao mừng tuổi, các cháu đứa nào cũng ngẩn ngơ thầm ước, mình là dì để nhận được nhiều bao đỏ giống như dì, các cháu cũng được mừng tuổi tiền mới lấy hên, nhưng chắc hẳn không được nhiều phong bao màu đỏ hên như dì.

 
Lúc này, rảo mắt chung quanh nền nhà toàn thấy có nhiều bao đỏ trống rỗng rơi đầy trên nền gạch hoa, các em nhỏ đã lấy tiền mới bỏ vào túi, đâu cần chi tới bao đỏ nữa.  Người lớn thì chơi bài cào ba lá, trẻ nhỏ mê say ngồi vây vòng quanh bàn bầu cua.  Tiếng lắc của mấy cục lục lặc bầu cua kêu rổn rảng hoà chung những tiếng reo hò ầm ỹ khua vang dội nơi phòng khách nho nhỏ, khiến tiếng động càng lúc càng vọng lại lớn hơn.  

 

Trước Tết Nguyên Đán 1975 khoảng chừng vài năm, vì tôi đã đi làm nên được ngồi vào bàn bài cào, một điều tôi không thể quên được "Mèo mù vớ cá rán!!"  Giỏi không bằng may?  Chủ cái chia bài lật xét bài lần nào tôi thắng lần đó, những người khác tám chín nút, tôi thì ba con cào già;  Đến cuối chầu, bàn bài cào đã phải giải tán, hầu như tôi đã thắng gom gần hết tiền mới cùng bạc cũ, chỉ biết rằng cậu Út của chúng tôi không còn một đồng xu dính túi, còn túi của tôi thì đầy!!

 
Hàng xóm bên cạnh, nhà nào cũng vậy, tụ tập trong nhà và tận từ đầu ngõ có những gánh hàng ăn, thức uống, cùng rất nhiều bàn bài bạc đầy những người lớn, trẻ nhỏ đứng ngồi cười nói, la hét tạo nên những âm thanh hào hứng, quang cảnh trông lố nhố thật hỗn độn nhưng điểm nét vui tươi hớn hở, rộn ràng vào những ngày đầu một năm của thời gấm lụa huy hoàng trong nỗi nhớ, thoáng chốc đã lẩn khuất nhạt mờ.

Ngày xưa trên những đại lộ, đường phố Sài Gòn vào những ngày gần Tết, người buôn, kẻ bán xê dịch những lều xạp, quang gánh, thúng mẹt lấn qua khỏi lề của ven đường, làm cho con đường trở nên hẹp nhỏ, phần thì người đi bộ, đi xe qua lại nhiều làm cho đường phố kẹt đông như mắc cửi.  Nhất là xe chạy qua những con đường ngay cổng phố chợ, có khi bị kẹt cứng trong đám người cả hàng giờ đồng hồ mà khó có thể lách ra khỏi đám đông ấy, giờ thì chỉ còn là kỷ niệm tiềm ẩn dõi xa.

 

Trước thềm năm mới Canh Tý con chuột vàng, tôi xin kính chúc quý ban điều hành Việt Báo, quý bạn văn và quý độc giả được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc vạn an và được mọi sự như ý, tài lộc vẹn toàn.

 

Phạm Thị Kim Dung

 

Ý kiến bạn đọc
19/01/202016:01:32
Khách
Đọc bài cuả chị Kim Dung thấy cả trời thương nhớ những ngày Xuân cũ đầm ấp bên quê nhà xum họp vui vầy cùng gia đình bao kỷ niệm uà về trong tâm tri ôi nhớ quá nhưng ngày xưa thân ái đó tìm đâu được nưả> Tết bên nầy dù có thủ thứ thưà mưá nhưng không khí không còn trang trọng gần gủi thân thiết như xưa. Cám ơn chị đả cho mình tìm lại kỹ niệm những ngày Tết bên quê nhà, Năm mới kính chúc Chị và gia đình An Khang Thịnh Vượng Sức khoẻ Mọi sư như ý
18/01/202018:43:08
Khách
Chào độc giả Nguyễn Bảo,
Xin chân thành cám ơn sự khích lệ của Nguyễn Bảo. Những lời quý giá này đã cho tác giả KD một mùa xuân ấm vui, Ăn Tết Canh Tý 2020 thật là vui rồi. Coi như cầu được ước thấy. Cám ơn độc giả NB đã đọc bài của KD nhé.
Trước thềm năm mới, tôi xin chúc Nguyễn Bảo cùng quý quyến được dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc vạn an.
Ptkd
18/01/202016:56:53
Khách
Chào độc giả/tác giả Nguyễn Văn Tới,
Cám ơn Tới em đã đọc bài này của chị KD, và lại còn thấy cả một trời Xuân tràn ngập vui tươi trong đó, thì chị như mừng "trúng tủ" rồi?...hihi!! Vì chị muốn mượn những dòng chữ này để mời quý độc giả thân mến của mình chia sẻ và thưởng thức một cái Tết Canh Tý 2020 ấm vui, xum vầy trọn vẹn, và cùng gởi lòng nhớ chuyện "Ăn Tết" kỷ niệm ngày xưa ở trên Quê Hương Việt Nam thân yêu của chúng ta nữa.
Xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông, trên cánh đồng chim hót mừng, và líu lo hót...."CHÚC XUÂN TƯƠI VUI".....
Chị xin chúc em và quý quyến một mùa xuân nồng ấm hạnh phúc, an khang và thịnh vượng, được mọi sự như ý,
được dồi dào sức khoẻ để viết những bài mới là lạ hiếm quý cho mọi người thưởng thức nhé.
Ptkd
18/01/202005:30:42
Khách
Chào Thanh Mai,
Xin chân thành cám ơn những lời khích lệ dễ thương của Thanh Mai nhé. Trăm hay không bằng quen tay, chịu khó nắn nót thì phải được. Khi bà bếp để hết tâm mình vào thì nhất định phải "khéo" thôi? Ngày xưa, hồi còn ở VN, KD chỉ biết nấu cơm và những món ăn bình thường, nhưng khi qua Mỹ, là người đầu cầu, đâu có ai để mà trông vào. TM đã là vợ và là mẹ, thì cũng đã hiểu rồi, thương chồng con thì phải cố gắng chịu khó học hỏi để nấu ăn cho con có thức ăn. Tại cưng cô, chiều cậu quá mà! Bây giờ lại còn có cháu nội, ngoại nữa, muốn lấy lòng các cháu thì phải bầy dở ra mà nấu đủ loại thức ăn ngon mà các cháu thích, được cháu khen thì mừng lắm đó TM ơi...hihi!!
Ông xã mình cũng phụ đi chợ theo "toa", vì ngày thường KD đang coi cháu nội trai được hơn một năm, cũng bận rộn lắm, nhưng nhờ có ông nội đã về hưu được mấy tháng phụ coi em, chơi với em, sau khi bà cho ăn uống, nap và potty v.v. Như vậy cũng vui lắm rồi, đâu còn đòi hỏi gì hơn nữa.
Mình rất khâm phục Thanh Mai, người mẹ tuyệt vời của các con ơi! Công việc đi chợ và rửa, lau lá chuối cho người gói bánh chưng cũng là giỏi, mỗi người một việc, có phụ là nhất rồi.
Trước thềm năm mới Canh Tý, KD xin chúc Thanh Mai và quý quyến được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và được mọi sự như ý. Ăn Tết vui nhé.
Ptkd
18/01/202004:20:33
Khách
Các còm trong mục Ý Kiến Bạn Đọc cũng như các bài viết của tác giả thường là hay. Và bài viết này cũng không là ngoại lệ. Dùng cách hành văn sống động trong bài viết này, tác giả khiến cho người đọc có được cảm giác cùng tham gia vào các sinh hoạt vui vẻ của tác giả trong những ngày Tết trong quá khứ và hiện tại.
18/01/202000:42:32
Khách
Đọc là thấy một trời Xuân, một bầu không khí Tết tràn ngập mọi nhà. Bài viết "Đầy" mầu sắc và hình ảnh. Thêm hình của tác giả với cái áo đỏ là "Đủ" cho một mùa Xuân. Chúc chị một mùa Xuân "Đầy Đủ"an vui hạnh phúc.
17/01/202021:49:51
Khách
Kim Dung khéo tay quá làm Thanh Mai mắc cở ghê vì mình dở làm bếp lắm. Ông xã phải gói bánh tét, TM chỉ phụ lau lá và đi chợ. Hi hi.
17/01/202021:24:40
Khách
Cám ơn cô em gái Đoàn Thị bên trời Tây mến thương, đã đọc bài mới của KD, và chia sẻ thêm niềm vui về Tết của người Việt chúng mình. Thật hạnh phúc khi được viết kể lại những kỷ niệm Tết ngày xưa, khi ấy còn ông ngoại, ba của mình và những người thân thương trong gia tộc; Nay tìm đâu thấy nữa? Tất cả chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.
Mời Đoàn Thị ăn nếm hàm thụ món dưa món củ cải của KD nhé.
Chúc Đoàn Thị Ăn Tết vui vẻ và tràn đầy niềm vui, hạnh phúc bên những người thương yêu của mình.
Ptkd
17/01/202020:44:09
Khách
Chào Người Hà Nội,
Người Hà Nội ơi! Nói thật lời nha, vì tôi có trí nhớ tốt giống như độc giả Người Hà Nội, nên tục lệ gì mà được mẹ dậy dỗ hoặc học lóm ở đâu đó, thì nằm lòng nhớ như in, đem ra ứng dụng hoài, thành ra tự nhiên là người cổ hũ thôi? Xin chân thành cám ơn Người Hà Nội đã đọc bài của KD nhé.
Xin kính chúc Người Hà Nội và quý quyến được hưởng một mùa xuân Canh Tý hạnh phúc vạn an, được nhiều sức khoẻ và mọi sự như ý.
Trân trọng,
Ptkd
17/01/202020:11:20
Khách
Chào chị Năng Khiếu,
Em xin chân thành cám ơn chị đã đọc bài này và chia sẻ kỷ niệm của chị, khi còn được Ăn Tết quây quần bên mẹ. Ôi! Những khoảnh khắc hạnh phúc thật tuyệt vời ấy, em tin rằng vẫn được nâng niu và trân quý trong tim của chị đến muôn đời.
Trước thềm năm mới, em xin kính chúc chị và quý quyến luôn được hạnh phúc bình yên và có thêm nhiều nguồn vui trong những ngày Tết.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,527,981
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.