Hôm nay,  

Dòng Chảy

07/01/202011:14:00(Xem: 9708)
image1
Minh Thúy
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12,  “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. 

****

Năm này Cali vào tháng 12 trời lạnh ngắt, mỗi sáng lái xe đi làm trên freeway 580 tới thành phố Livermore sương mù dày đặc, đường xe kẹt kinh khủng, nhất là chiều thứ sáu, tôi nôn nao về sớm để đi shopping mua quà chuẩn bị mùa lễ Giáng Sinh sắp tới. 

Vào khu NewparkMall thuộc thành phố Newark càng kẹt xe hơn nữa, ngoài freway đã kẹt, vào exit lại càng kẹt hơn, xe tôi rà rà tới nơi cũng mất hơn nửa tiếng mặc dù rất gần.

Lâu lắm rồi tôi chẳng có thì giờ đi shopping vì bận tham gia nhiều công tác xã hội. Hai shop tôi thường chọn để mua các mặt hàng thường là Ross hoặc Macy’s. Như mọi năm, bước vào cửa Macy’s đã thấy ông già Noel mặc bộ áo quần ấm màu đỏ, đội mũ đỏ, râu bạc xồm xoàm đứng lắc chuông cười chào “Merry Christmas”.

Các mặt hàng bày sáng trưng, đủ màu sắc trông thật đẹp mắt quyến rũ.

Tôi vốn sinh ra từ miền Trung “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu cơm” (Phạm Duy). Có lẽ vì lụt lội nhiều lần mỗi năm, vì nạn nhân trận Mậu Thân “Giải Khăn Sô Cho Huế” (Nhã Ca), “Mùa Hè Đỏ Lửa” từ Quảng Trị vào Huế (Phan Nhật Nam), và lần di tản năm 75 ...từng trải những đau thương khốn khó, nên con người Huế đa số sống lo xa tiết kiệm. Sở dĩ tôi kết luận như vậy vì có nhiều chuyện người Nam đã phán xét thế đó, tôi sẽ kể ra đây

Vào dịp lễ Phật Đản, quý Bà quý Cô đến Chùa làm công quả, đa số Chùa nhiều người Huế, có bác người Nam ngồi gọt vỏ củ cà rốt, chị trưởng bếp đi ngang bỗng dừng lại:

- Bác ơi! đừng gọt vỏ, chỉ cạo thôi ...

Bác đang say sưa gọt, mở lớn mắt nhìn chị đầu bếp, bỗng nhiên  phá lên cười nói:

- Ôi trời ơi ...thiệt là mấy mụ Huế

Mọi người cùng cười oà, hiểu sâu câu nói này. Thêm chuyện chị bạn tôi có anh bạn rủ nhau đi shopping, chị đi vòng vòng lục lạo hơi lâu, anh này chóng mặt theo vì tốn thì giờ quá nhiều đã thốt lên 

- Tui sợ mấy Mụ Huế quá, mua gì cũng phải vừa đẹp, vừa rẻ, vừa nhiều...

Có lẽ tôi cũng đạp chân theo kiểu Huế như vậy nên không dám bước tới các quầy còn nguyên giá, mà chỉ chọn tương đối. Nói đúng ra người Huế xài cần kiệm thôi chứ gặp việc thiện nguyện thì các chị lại rất rộng rãi, từ tâm 

Tôi miệt mài mỗi tối cũng như cuối tuần đi sùng lục, rồi cũng mua được đủ quà gần 20 cháu kêu bằng mợ, bác, thím và cả ..bà nữa đấy, tất cả thuộc đại gia đình nhà chồng, vì tôi chỉ một thân đơn độc ở đây.

Thế rồi lại đến phiên bạn bè nơi sở làm như Trang, Diễm, Susan, Mary, Linda  (Mỹ, Phi, Đại Hàn) tôi dễ dàng kiếm quà từ cửa tiệm Traders Joe’s với ổ bánh Ý “MADi Gran Panettonne”, hoặc hộp Chocolates của Belgian, hộp Cocoa Hershey’s hay Cocoa Truffles của Canada, v...v...đối với tôi các thư ấy rất ngon, cũng như thấy những người ngoại quốc thường thích, tôi cũng không quên gia đình Tom  (Mỹ), Sonya (Phi) và Robert  (Mễ) là những người hàng xóm vui vẻ tốt bụng nữa

Nhìn các món quà để đầy nhà, lòng tôi cảm thấy rộn ràng yêu đời theo mùa lễ nơi xứ người. “Nhập gia tuỳ tục”, đã mấy chục năm qua thoát được ách Cộng Sản, hít thở không khí tự do, có công ăn việc làm, tạo dựng nhà cửa, sống nơi đất nước văn minh, dân trí cao, con người ta đối xử với nhau thật lịch sự hoà nhã làm tôi nhớ lại trước năm 75 khi VC chưa vào, đời sống người dân cũng cởi mở tình cảm giống như vậy, từ ông bác sĩ, cô y tá, chị giáo chức, v…v...đều phục vụ nghề nghiệp đầy lương tâm nhân ái, sau này đọc tin tức trong nước mà ngao ngán và buồn vì con người bị đào tạo bởi chế độ lừa bịp, gian manh, và nhất là cuộc sống thiếu thốn cơ cực đã khiến họ hầu như vô cảm.

Để đánh đổi có được cuộc sống như hôm nay chúng tôi đã phải liều mình tìm một phần sống mong manh trên biển cả, và may mắn trên đất Mỹ được sống trong không khí đầm ấm của đại gia đình nhà chồng, có tổ chức chặt chẽ tuy bây giờ Cha Mẹ đã qua đời, nhưng truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì đến nay ...


image3
Ba chồng tôi là một công chức (trưởng ty thông tin tỉnh Quảng Trị một thời), vì bị loét bao tử trong tù nên được về sớm nhưng bị kiểm soát chặt chẽ. Thế rồi ông tìm đủ mọi cách trốn vào Sài Gòn, tìm đường vượt biển nhờ người con Cả ở Mỹ đang theo học lấy bằng PHD, mượn tiền trường  gởi về, người anh này trốn thoát năm 1976. Ông Cụ có tất cả 11 người con gồm 6 trai và 5 gái.

Ông qua Mỹ năm 1980 cùng 5 người con, vì trước năm 1975 ông từng đi tu nghiệp ở Úc, nên khi qua Mỹ bắt tay vào công việc nơi trường tiểu học ở Seattle dễ dàng nhờ khá tiếng Mỹ. 5 năm sau Mẹ chồng tôi và các em đã định cư ở Mỹ do theo đuổi vượt biên tiếp tục, số còn lại thì được bảo lãnh.

Dần dần, ông gom góp, dành dụm được tiền down, tìm mua ngôi nhà, cùng con cái sống chung trả góp, mua được chiếc xe Van để những lúc có việc cần hoặc đi chơi, nhưng thật ra chủ yếu cho ba chồng tôi dùng đi các Chùa xa gần, chở những gia đình HO đi làm thủ tục giấy tờ, khám bệnh bước đầu, do ông bảo trợ qua. Thật hãnh diện năm 1990, các gia đình HO gồm vợ chồng con cháu hơn 130 người đã tổ chức Lễ Tạ Ơn ba chồng tôi tại nhà hàng Thành Được, từng gia đình đeo vòng hoa cho ông, điều vui nhất mỗi gia đình ngày qua Mỹ chỉ khoảng 5, 6 người, khi chụp hình lưu niệm cùng ông đã lên hơn 10 người 

Tinh thần ông Cụ rất mạnh mẽ, luôn muốn con cháu chúc ông sống đến 130 tuổi, nếu gặp ai chúc ông “sống lâu trăm tuổi” là ông chỉnh lại:

 - Sống tới 130 tuổi chứ không phải 100, và sống ngày nào phải vui vẻ làm lợi ích cho cuộc sống ngày ấy, vì chắc gì kiếp sau mình được làm người có nhiều phước báu như bây giờ.

Ông có quan niệm rất rõ ràng và luôn yêu đời khôn kể:

          - Khi mọi nhu cầu cần thiết cho đời sống đã yên ổn, phần đời còn lại nên sống chia sẻ với tha nhân, vì khi chào đời chỉ có tiếng khóc oe oe, năm 75 thay đổi vận mạng đất nước cũng phủi tay, qua đến Mỹ cũng hai bàn tay trắng, ngày ra đi sẽ hai bàn tay trắng thôi, bây giờ nên rải ruộng phước điền tìm niềm an lạc cuối đời.

Theo quan niệm sống đó,  ông dùng tiền cúng Chùa, làm việc thiện. Nghe tin lụt quê nhà, ông vận động con cái tiền bạc gởi về Chùa, nhờ quý Sư cô mua lương thực chèo chuyền đi cứu trợ. Ông còn góp tay sinh hoạt cộng đồng tại Bắc Cali, chung góp với các hội đoàn tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng, v…v...

Tinh thần chống Cộng của ông rất mạnh mẽ và hăng say, ông thù ghét cộng sản, nên đã thể hiện qua những bài viết. Ông luôn có mặt từ những cuộc biểu tình bên Washington DC chống phái đoàn CSVN sang, hay đòi công lý cho những nhà tranh đấu bị tù tội tại VN trước toà lãnh sự Cộng Sản có trụ sở trên San Francisco.

Ông Cụ ăn chay trường từ lúc 60 tuổi và chỉ thích tự tay lo, thức ăn rất đơn giản thích hợp khẩu vị là bắp, khoai hấp  xay các thứ rau nấu Oatmeal pha chuối, rau củ là xong

Ông Cụ rất chú ý vấn đề thờ cúng tổ tiên, nên bàn thờ được thừa tự từ đời  ông bà Cố, ông bà Nội Ngoại và những Chú, O độc thân không con cái, nên mỗi năm có trên 10 đám giỗ và ông khẳng định ngôi nhà đang ở là nhà Từ Đường sau này con cháu không được bán .

Ông Cụ có cách cư xử rất công bằng nên chia phiên lo đám giỗ gồm một dâu một con gái vào chung cặp, và tuần tự theo lịch trình ngày giỗ từng cặp có trách nhiệm. 

Nhưng rồi cuộc sống không thể dừng lại một chỗ, 5 năm sau các con từ từ mua nhà riêng, may mắn ai nấy đều có công việc ổn định gần nhà Từ Đường nên chọn quanh quẩn gần đó, mỗi nhà chỉ  cách một, hai con đường hoặc xa hơn cũng chỉ lái xe mất 10, 15 phút là đến nhà.

Ông thường dặn dò: 

- Không gì hạnh phúc dành cho Ba Mạ lúc về già được con cháu kề cận, ba muốn mỗi cuối tuần các con về tập trung vui chơi nơi nhà Từ Đường, trước là Ba Mạ vu, sau là được nhìn các con đoàn kết yêu thương nhau, như vậy chẳng khác chi cho Ba Mạ uống những viên thuốc bổ.

Bây giờ thì Ông Bà đều đã qua đời, Ông Cụ mất ở tuổi thọ 90, yếu dần vài ngày rồi lịm, chỉ thương Mẹ chồng bị bệnh yếu từ năm 62 tuổi, các con thuê người chăm sóc được 5 năm, nhưng bệnh già ra vào emergency hoài, nên bắt buột đưa vào nursing’s home để bác sĩ y tá dễ dàng chăm sóc. Nhân có người em trai độc thân bị thất nghiệp, chị em lại yêu cầu vào trông nom bà Cụ, để bà thấy có người thân bên cạnh thì đỡ sợ, tinh thần được yên ổn hơn. Người em đã túc trực ở đó ngày 8 tiếng,  ban tối nếu ai làm về sớm thì ghé đến, cuối tuần con cháu vào thăm đông hơn 

Nhìn các y tá chăm sóc hàng ngày thật cảm động, có những việc tôi chưa làm được mà họ làm một cách chịu khó, chịu thương, tôi rất biết ơn và kính phục họ. Gia đình chúng tôi thoả thuận góp tiền quà cáp và đãi ăn uống để tỏ sự cám ơn họ, thường thực hiện vào dịp lễ sinh nhật, Thanksgiving và Noel.

Dịp sinh nhật, thì cái bánh lớn đem vào rồi thắp nến cùng nhau hát. Lễ Tạ Ơn, oder những thức ăn của VN  như chả giò, mì xào, cơm trộn,  mà người Mỹ ưa thích và làm cocktail đãi hết nhân viên, lễ Noel cũng vậy nhưng đặc biệt những y tá túc trực gần gũi mẹ tôi hơn, thì thêm hộp Chocolate kẹp phong bì tiền


image5
 Cũng nhờ ba mẹ chồng đông con nên chúng tôi dễ dàng thực hiện những điều mong muốn, và chúng tôi đã đón nhận được sự thân thiện vui vẻ của nhân viên trong 10 năm Mẹ chồng nằm viện dưỡng lão cho đến tuổi 80 thì Bà qua đời.

Mọi chuyện đều xuôi như dòng nước chảy, chúng tôi nhận thức sự giá trị của cuộc sống hôm nay, nên trong lòng luôn ý thức về sự biết ơn đất nước này, vì vậy mỗi năm mấy chị em đều bày tỏ sự cám ơn bằng cách góp công của theo hội Huế đãi ăn, phát quà người Homeless tại Regional Reception Center nằm trên đường Cimino St and Little Orchard St thuộc thành phố San Jose. Dầu chỉ là chút tình bày tỏ quá nhỏ nhặt với người dân Mỹ, nhưng cũng giúp chúng tôi nhẹ lòng phần nào trước cái ơn lớn không kể hết được. 

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Mỹ với hai bàn tay trắng, chung sống dưới một mái nhà. Mấy chục năm sau mỗi người một nhà riêng, có người còn đầu tư tới 3 nhà. Con cái học hành đỗ đạt từ luật sư, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ và các ngành nghề khác thành công 

Đầu năm đại gia đình tụ họp đúng đêm Mồng Một Tết, con cháu thắp hương cúng tổ tiên và chờ lì xì. Có nhiều cháu cố gắng học thuộc câu chúc tiếng Việt để được lì xì, vì ông Cụ luôn bắt phải nói tiếng Việt ở nhà.

Có lần cháu đến chúc bà trên 70 tuổi, câu học thuộc lòng được áp dụng với bất cứ mọi người quen thuộc:

- Chúc Bà sang năm mới làm ăn phát tài, sức khoẻ dồi dào và sinh thêm con trai

Cả nhà cười oà làm cháu quê quá, nhất định ghi tên học trường Việt ngữ Văn Lang mỗi ngày Chủ Nhật, nhờ công lao cha mẹ đưa đón. Rồi các cháu giỏi vượt bực, viết văn được phần thưởng, trường lại nhờ các cháu dạy lại lớp nhỏ cho đến khi vào đại học đi các trường xa.

Vì Ông Cụ yêu cầu kỵ giỗ phải nấu chay nên các cháu ăn chay rất giỏi, cũng giúp chị em tôi học hỏi nấu được rất nhiều món chay ngon.

Đêm lễ Giáng Sinh, con cháu từ xa trở về ngôi Từ Đường, đại gia đình tập trung, thức ăn tràn ngập, quà cáp chất đầy dưới chân cây Noel. Các cháu đều được nhận quà từ cha mẹ và 10 cô chú, nên cháu nào cũng mang bao to chứa đựng mới xuể.

Các cháu lớn lên rất thân nhau từ con chú con bác nhờ Ông Cụ truyền xuống lối sống tình nghĩa, bao bọc, gần gũi nhau, và vì nhờ vào những dịp cuối tuần, những buổi cúng giỗ, sinh nhật, Anniversary, Thanksgiving, Noel v..v...có lẽ cũng nhờ phước phần đưa tới nên các con đều ở gần nhà Từ Đường. 

Bây giờ thì ông bà cụ đã qua đời, nhưng con cháu vẫn giữ cách sống theo ý muốn ông Bà, con, dâu, rể rất mộ đạo Phật, nguyện cố gắng tu tập nên không khí gia đình luôn vui tươi hoà thuận.

Đêm Noel đã qua, những món quà được nhận lại từ mẹ các cháu bày tùm lum đầy nhà, nhìn những tàn dư đêm hôm qua còn sót lại, niềm vui cứ đọng mãi, chỉ có nơi này mới cho chúng tôi cơm no áo ấm, có công ăn việc làm, chịu khó chăm chỉ là có đầy đủ sung túc về vật chất, có điều kiện giúp được người thân và bao nhiêu hoàn cảnh khốn khó, mở lớn mắt tiếp nhận nền văn minh xứ người, tinh thần thoải mái không còn bị đe doạ sợ hãi như lúc còn sống trong nước dưới chế độ Cộng Sản độc tài vô nhân. Tôi luôn nhớ mãi câu “Uống nước nhớ nguồn”, luôn tri ân đất nước này cũng như tri ân những người lính Việt Nam Cọng Hoà đã hy sinh xương máu một thời khi miền Nam chưa bị rơi vào tay Việt Cộng 

Ánh nắng lên dần, những bụi cây xơ xác rụng lá, mấy chậu hoa tàn héo, đám mây trắng tản lần dưới bầu trời xanh mát mắt sau chuỗi ngày dài mưa gió.

Nắng lên đi... nắng len vào tâm hồn tôi niềm ấm áp nhẹ nhàng thoải mái tràn đầy hạnh phúc. Tôi mong ước cho mình, cho mọi người trên thế gian này sang năm mới 2020 luôn được nhiều sức khoẻ và gặp mọi sự an lành như ý. 

            Minh Thúy

            Mùa Noel 2019

Ý kiến bạn đọc
24/04/202001:38:11
Khách
Cám ơn chị Minh Thúy đã chia sẻ câu chuyện tràn ngập tình người của cá nhân chị và đại gia đình chị đối với người bản xứ tại Mỹ Quốc. Mến chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đầy ắp nguồn vui trong cuộc sống,
22/04/202020:30:12
Khách
Đọc truỵen gia đình của chị MT , sao thấy rất giống gia đình tôi . Đại gia đình tôi qua Mỹ từ năm 1990 . Nhà có 9 anh chị em , bây giờ đã hơn 30 người .
Cám ơn chi MT đã cho tôi thấy gia đình mình trong cách sống của gia đình chị.
26/01/202016:50:55
Khách
Đọc Minh Thuý chắc có người sẽ hỏi "không biết tác giả này lôi từ đâu ra nhiều chuyện thực tế vậy?" Đúng như thế, chuyện MT viết hoàn toàn không có dấu vết của hư cấu. Không chỉ là thực tế mà là "thực tế điển hình"! Từ nhân vật "tôi" trong hầu hết các bài viết, đến bạn bè, thầy cũ, sư trụ trì... và trong truyện này là "ông cha chồng", tất cả đều không dễ dàng bị lẫn lộn vào đám đông bởi họ có cách sinh hoạt/cá tính đầy nhân bản, sống vì mọi người mà không phải ai cũng làm được! Đừng nói sống ở Mỹ mười năm, mười lăm năm rồi vỗ ngực xưng tên "ta là dan Mỹ"! Có người sống gần hết đời vẫn không hề tốn món quà nhỏ cho người đưa thư hay công nhân hốt rác! Nhân vật "tôi" trong truyện đã "hoà nhập hơn cả người Mỹ chính hiệu"!
"Ông cha chồng" cũng là người hào hiệp hiếm thấy, nhất là trong xã hội công nghiệp, mọi người phải chạy đua với kim đồng hồ để đến đích cơm áo...
Cảm ơn tác giả MT về bài viết đầy tình người, nhất là lòng biết ơn đối với tất cả những ai... "có dính líu" đến cuộc sống văn minh chúng ta đang được hưởng!
12/01/202000:42:42
Khách
Đọc bài viết của cô Minh Thúy, có vài điều làm tôi suy ngẫm: lòng bác ái, tinh thẩn đoàn kết, quan niệm sống không chỉ cho riêng mình, lưu giữ phong tục và tập quán. Tôi nghĩ những điều này là nền tảng làm cho con người sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Chúc đại gia đình cô luôn gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống.
10/01/202004:44:11
Khách
Ở nước Mỹ, chúng ta thường nghe lời khuyên nên nhập vào dòng chính của Hoa Kỳ, nên có nhiều người nghĩ rằng phải học cao, có bằng cấp cao, và có nhiều sáng kiến, nhiều tài năng như các vị Tướng Mỹ gốc VN, như Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh...mới làm được.
Nhưng đọc những bài viết của tác gỉả Minh Thúy, tôi hiểu được thế nào là tham gia vào dòng chính của Hoa Kỳ. Tác giả MT vừa làm việc như những người Hoa Kỳ khác đang làm việc trên khắp nước Mỹ, nhưng MT đã thực sự tham gia vào dòng chính Hoa Kỷ. MT tham gia với những người dân Mỹ nhiều chủng tôc trong các buổi lễ lớn nhỏ cúa Quốc Gia Hoa Kỳ. Cùng diển hành, cùng vung cao là cờ Hoa Kỳ, cùng với họ thực hiện nhưng việc làm thiện nguyện giúp đở người nghèo khó... Những việc làm, mới thoạt nhìn, có vẻ nhỏ bé, nhung thực sự đáng ngưỡng mô, người Phụ Nữ Việt Nam nhỏ bé với những việc làm nhỏ bé đó, đang tham gia vào dòng chính Hoa Kỳ.
Cũng cảm ơn Việt Báo đã tổ chức cơ hột Viết Về Nước Mỹ cho nhiều người VN như tác giả MT có cơ hội chia xẻ nhiều điều bổ ích cho người đọc hiểu thêm, và cũng nhờ đó...làm thêm hiều hơn chút để xây dựng nước Mỹ, mà chúng ta là một trong những công dân Mỹ.
Những người Mỹ dù gốc Việt, nhưng làm được như MT, cũng là một cách trả ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta. Cảm ơn Việt Báo và Tác Giả MT.
09/01/202016:54:40
Khách
Rất cảm động về câu chuyện thật ấm lòng của gia đình chị, một gia đình có văn hóa, đạo đức cao. Cám ơn chị đã chia xẻ cái hạnh phúc của đại gia đình như một lời chúc năm mới ý nghĩa nhất với cái thông điệp yêu thương, hòa hợp, đóng góp tích cực cho xã hội và biết ơn.
09/01/202002:23:49
Khách
mot dai gia dinh thanh cong. cam on tac gia da chia se. Rat kham phuc. Thank you for share your story.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,188
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước đó, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Nhạc sĩ Cung Tiến