Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Giấc Mơ Mỹ Quốc

16/12/201913:58:00(Xem: 9743)


Tác giả Kim Loan lần đầu tiên tham dự VVNM, tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay.

*****

Đã tự bao giờ, nước Mỹ là biểu tượng của tự do, dân chủ, phồn vinh mà biết bao người trên hành tinh này ước mơ được đặt chân đến?

Khi bước chân lên tàu vượt biên, trong những lúc rảnh rang ngắm mây trời sóng biển (khi chưa bị bão tố đe doạ), chúng tôi hay hỏi han nhau, sau này muốn đi định cư nước nào, thì hầu như đa số, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt ở các nước khác, đều trả lời không ngập ngừng, rằng muốn đi Mỹ, đi Mỹ và …đi Mỹ!

Có thằng nhóc hơn mười tuổi, được ba má gửi theo người quen vượt biên, cũng nói như đinh đóng cột:

- Em phải đi Mỹ vì muốn được ăn chocolate và đồ hộp thơm ngon của Mỹ.

Mấy người trẻ thì mộng mơ:

- Tụi mình học Anh Văn từ Việt Nam, trong cuốn English For Today, thấy tả về các thành phố của Mỹ đẹp quá, lộng lẫy quá, nào New York, nào San Francisco, nào Washington DC, nào Chicago, nên ước gì được đến đó.

Người khác, có vẻ thâm trầm hơn:

- Ở Mỹ có tượng Nữ Thần Tự Do, là chim đầu đàn của xã hội dân chủ, nên tôi muốn đến đấy, tránh xa cộng sản.

Một bác lớn tuổi hiểu biết:

- Mỹ là đồng minh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, Mỹ có lòng nhân đạo với thế giới xung quanh, Mỹ là nước giàu mạnh nhất thế giới, vậy mình không đi Mỹ thì đi đâu, hỏi vậy mà cũng hỏi!

Thế nhưng, giấc mơ Mỹ Quốc khi đến trại tỵ nạn Thailand bỗng trở nên khó khăn vô vàn, vì chúng tôi đến trại sau ngày 14/3/1989, là ngày Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc tuyên bố đóng cửa các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, phải qua cửa ải thanh lọc trước đã, nếu rớt thì bị khuyến khích hoặc cưỡng bách hồi hương, và nếu may mắn đậu, mà tỷ lệ rất nhỏ, mới được gặp các phái đoàn nước thứ ba. Tôi vội viết thư báo tin cho ông anh lớn bên Mỹ, ổng bảo tôi cứ bình tĩnh để ổng tìm cách, chứ dứt khoát không để tôi phải quay về Việt Nam (một đi không trở lại mà!)


Rồi một hôm, tôi nhận được hơn 20 lá thư, mà toàn là tên Mỹ xa lạ, chưa hề quen biết, trong đó cũng có một lá thư của ông anh tôi. Ôm một đống thư về nhà, tôi đọc thư anh tôi trước. Ổng giải thích rằng đã tự ý giúp tôi bằng cách đăng trên mục “Tìm Bạn Bốn Phương” của Mỹ với ước mong sẽ tìm được một người nào đó, tốt đẹp, và biết đâu sẽ tiến xa hơn, đưa tôi qua khỏi cuộc thanh lọc đáng ghét. Ổng cũng nói, tôi đừng sợ hãi, cứ chọn lọc trong các lá thư, tìm ra người nào có vẻ tin cậy thì hồi âm, dù sao cũng là cách giết thời gian và học thêm English, làm bạn bè cũng tốt.

Quả thật, lúc ấy, tôi vẫn có suy nghĩ phải quen và lấy người Việt, chứ không hình dung được cái cảm giác yêu một người Mỹ mắt xanh, tóc vàng, tay chân đầy lông lá. Nhưng theo lời khuyên của ông anh, tôi mở các lá thư ra đọc, loại bỏ dần những thư không có hình kèm theo, loại tiếp những người hình…xấu trai, rồi loại tiếp những người viết chữ cẩu thả, lan man, rồi loại tiếp những người nghề nghiệp không rõ ràng, không ổn định. Cuối cùng tôi chọn được một lá thư với nét chữ đều đặn, mềm mại, giọng văn chân tình nghiêm túc, nghề nghiệp vững vàng (giáo viên dạy English ở một trường Trung Học ở Denver, Colorado), và tấm hình của một chàng trai Mỹ trắng có nét hiền hoà, dễ mến, tên họ đầy đủ là Don Garner.

Với tất cả vốn liếng English có được, tôi viết thư hồi âm, giới thiệu bản thân, cám ơn Don đã vui lòng kết bạn, giúp tôi trau dồi thêm Anh Ngữ trong thời gian chờ đợi ở trại tỵ nạn. Cứ hai tuần một lần, Don gửi một lá thư, kèm thêm tái bút dạy tôi grammar mà thư trước tôi đã viết sai, và luôn luôn có những tấm hình phong cảnh Colorado, vì nhiếp ảnh là niềm say mê của Don sau giờ đi dạy. Sau một thời gian thân tình qua những lá thư, hình ảnh, những gói bưu phẩm Don gửi qua trại cùng những lời hứa hẹn làm giấy tờ bảo lãnh tôi qua khỏi cuộc thanh lọc, mùa đông năm ấy, Don báo cho tôi, anh vừa bị phát hiện skin cancer, phải xin nghỉ dạy, về trang trại của ba mẹ ở vùng ngoại ô Denver nghỉ dưỡng và chữa bệnh lâu dài. Đó cũng là lá thư cuối cùng của Don, dù sau đó tôi có gửi vài lá thư đều không có hồi âm. Nếu vì bệnh hoạn mà Don không còn thời gian dành cho tôi, hoặc nếu Don cảm thấy mệt mỏi với mối quan hệ xa xôi cách trở, tôi cũng không hề buồn giận hay trách móc gì đâu, hỡi Don thân mến.


May mắn thay, anh tôi cũng có một “plan B” để tôi đối phó với cuộc thanh lọc, và tôi đã vượt qua cửa ải đó một cách diệu kỳ. Khi được chuyển qua trại transit chờ phỏng vấn, cũng giống như mọi lần, hầu như tất cả những người đậu thanh lọc đều muốn đi Mỹ. Hôm đó, tôi mới qua làm việc cho Văn Phòng Cao Uỷ, một người đến gặp tôi, hỏi ý kiến:

- Tôi khó xử quá cô à. Trước đây trong quân đội VNCH tôi từng được qua Mỹ tu nghiệp một năm, nên chắc chắn tôi sẽ được phái đoàn Mỹ nhận, nhưng thằng em tôi, mấy năm trước vượt biên qua Mã Lai, nôn nóng thế nào mà lại đi Úc, giờ nó rủ tôi qua Úc đoàn tụ với nó, và việc bảo lãnh vợ con tôi từ Việt Nam qua Úc sẽ rất nhanh chóng chứ không lâu như bên Mỹ…

Tôi hỏi lại:

- Lòng chú thấy như thế nào, muốn đi nước nào?

Chú nói ngay:

- Tôi thích đi Mỹ, nhưng bỏ thằng em bên Úc và sẽ lâu bảo lãnh vợ con cũng thấy áy náy, mà bỏ Mỹ thì tôi tiếc lắm.

Nghe tới đó, tôi trả lời chú:

- Vậy thì chú nên đi Mỹ để sau này cả đời không nói chữ tiếc. Qua Mỹ, chú vẫn bảo lãnh vợ con được mà, lâu chút có sao đâu. Còn em chú sau này chú cũng có thể bảo lãnh diện anh em nếu muốn, hoặc thăm nhau cũng dễ ợt, chẳng có công an khu vực hay tạm trú tạm vắng nào cản trở!

Nghe tôi nói vậy, chú thở phào nhẹ nhõm, nhìn tôi…e lệ, cười duyên:

- Chẳng dấu gì cô, thực ra tôi cũng quyết định rồi, nhưng hỏi thêm cô để tin chắc mình đã quyết định đúng!

Chung chỗ làm với tôi, có anh bạn trẻ, bị phái đoàn Mỹ từ chối, vẫn kiên quyết không đi nước khác, cứ bình tĩnh nhìn hàng đoàn người trong trại lần lượt đi định cư. Tôi nói khích hắn:

- Ông chẳng có thân nhân ruột thịt bên Mỹ, thôi đi nước khác đi, ở trại lâu rồi!

Hắn vẫn từ tốn:

- Tính tui chung thuỷ lắm, yêu ai là yêu tới chết à (Hắn vốn là dân Bến Tre, nói chuyện xưng tui ngọt xớt). Tui yêu em Mỹ rồi, dù ẻm có chê có tránh, tui vẫn bền bỉ đợi chờ cho đến khi nào được thì thôi!

Nói xong hắn cười lớn, khoe hàm răng như bàn nạo dừa Bến Tre, thấy ghét. Giờ nghĩ lại, mới thấy nể phục anh bạn đó. Chớ nào như tôi, mới bị Mỹ “đá” một lần, khóc nức nở, nghe lời khuyên của gia đình, vội bay qua Canada, trong khi đó hắn ở lại, gần một năm sau phái đoàn Mỹ kêu lên nhận hết những hồ sơ mà Mỹ đã từ chối. Vậy là tôi đã đánh mất một cơ hội đi Mỹ.


Thua keo này ta bày keo khác, khi tôi vừa chân ướt chân ráo đến Canada, các anh chị tôi bên Mỹ bắt tay ngay vào kế hoạch đưa tôi qua Mỹ định cư, mà cách dễ nhất và mau chóng nhất là lấy chồng bên đó. Thế là mấy tấm hình chân dung của tôi được photo ra làm nhiều bản, mỗi ông anh bà chị giữ khoảng 3-4 tấm trong bóp để khi nào có cơ hội là …hành động! Ông anh kỹ sư Boeing bên California mau lẹ nhất, có ngay cho tôi một anh đồng nghiệp cùng hãng. Những cuộc nói chuyện phone ban đầu khá hào hứng, nhưng càng về sau tôi càng thấy choáng ngộp bởi lối sống hào nhoáng và tính hay khoe khoang của anh ấy. Nào là anh rất thích đi ngao du khắp nơi vì đời quá ngắn ngủi (nghe cũng đặng chớ), nào là anh chỉ mê ăn seafood, tuần nào cũng phải ăn lobsters vài lần, mỗi lần phải…vài con mới đủ “đô”, nào là anh thích chạy xe xịn như BMW, Lexus...(Tôi mới từ nhà quê tỵ nạn qua, đâu hiểu hết giá trị các loại xe đâu nà!). Ở với Cộng sản hơn chục năm, qua trại tỵ nạn 4 năm, ăn uống bình dân quen rồi, giờ nghe anh nói toàn những thứ xa xỉ, cao vời. Đó là chưa kể cái tính nói nhiều, nói bất tận. Tôi là người cũng hay nói mà vẫn phải chịu thua. Có khi tôi để phone cho anh ấy độc thoại rồi quay qua nấu nồi bò kho, vậy mà bò kho chín rồi mà tôi vẫn chưa được nói. Rồi thì anh ấy cũng nhận ra, tôi không cùng “xì-tai” nên chúng tôi đã “tưng bừng quen nhau và âm thầm từ giã!”.

Sau đó, ông anh kỹ sư Tinker bên Oklahoma lại phải ra tay (dù trước đây đã giúp tôi tìm bạn Mỹ từ trại tỵ nạn). Ảnh nói lần này là thanh niên Việt Nam, làm cùng hãng, người Miền Trung, sống độc thân trong 1 căn apartment, cha mẹ anh em còn bên Quảng Nam. Nói chuyện qua phone, tôi thấy anh là một chàng trai hiền lành, ít nói, trái ngược hoàn toàn với chàng “Seafood California”. Anh dự tính mùa hè rảnh rỗi công việc bay qua thăm tôi, nhưng rồi anh bỗng ít phone cho tôi như lúc ban đầu, và cuối cùng, anh đã rất chân tình, thật thà báo với tôi rằng: “Anh xin lỗi em rất nhiều, chúng ta ở xa nhau quá, chưa kịp tìm hiểu kỹ càng, thì ông trời se duyên cho anh quen với 1 cô gái ở căn chung cư kế bên, làm nghề nails. Trong một lần anh bị sốt, cô ấy đã chăm sóc anh và anh cũng nảy sinh tình cảm. Em đừng buồn nhé!”. Dù tôi và anh chưa gặp mặt, cũng chưa hứa hẹn ràng buộc nhau, nhưng tôi cũng hơi bất ngờ, và “biết nói gì đây, khi hai đường đời ngăn chia mình rồi”, nên đành cười buồn mà chào anh ấy “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người”. 

Tôi bắt đầu nản chí, vì đã “quá tam ba bận”, không muốn đeo đuổi giấc mơ Mỹ Quốc nữa thì bà chị Hai ở Texas nhảy ra khuyên can, bảo tôi hãy thử một lần nữa, vì chị ấy, trong giờ nghỉ trưa ở hãng, có đem hình tôi ra khoe với bà bạn người Việt làm chung, bà ấy chịu liền và xí phần cho chàng em họ, đã tốt nghiệp Computer Science và đang làm chủ một hãng máy tính nho nhỏ ở San Antonio. Chiều lòng bà chị, tôi lại bắt đầu hẹn hò qua phone. Chàng này ăn nói lưu loát, bay bổng và có vẻ rất tự tin về nhan sắc đẹp trai của mình (nghĩ là đẹp hơn tôi sao, Xưa rồi Diễm!), vì thế cũng rất đào hoa. Nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng chàng lại gọi tên người khác, dù tôi đã nhẹ nhàng nhắc nhở, anh ơi tên em là Kim Loan, thì chàng xin lỗi nhưng một lúc sau lại gọi tên Liễu tên Đào nào đó. Vào một buổi chiều tuyết đổ bão bùng, lòng tôi cũng ướt át lạnh lùng, tôi gọi phone và đề nghị từ nay “anh đi đường anh, tôi đường tôi- Tình nghĩa đôi ta có thế thôi” dù chàng có phân bua, và đồng ý một cách yếu ớt!

Suốt hơn một năm trời quay cuồng tìm chồng bên Mỹ, mà bên Canada vẫn có một người âm thầm đưa đón tôi. Hình như cũng biết được “ý đồ thầm kín” của tôi nên trên xe người ấy hay để bài nhạc rót vào tai tôi, êm dịu nhưng…thấm thía: “Đừng nhìn xa vời em ơi, xin em hãy mơ thật gần, xin em hãy coi ngày vui là đây!” Và người ấy trở thành chồng của tôi cho tới bây giờ.

Tưởng rằng giấc mơ Mỹ Quốc đã chôn vùi vào dĩ vãng thì hơn mười năm sau, chúng tôi nhận được lá thư từ Sở Di Trú Mỹ nói rằng, giấy tờ bảo lãnh của anh tôi ngày xưa, giờ đã hiệu lực, nếu tôi (và gia đình nay đã là 4 người) vẫn muốn qua Mỹ thì đi đóng tiền làm Visa. Trời ơi, đống tro tàn ngày nào giờ lại nổi bùng lên mãnh liệt. Ông xã tôi, một pharmacist, mặc dù vừa nhận được một tiệm thuốc tây Shoppers Drug Mart làm Associated Owner, cũng hồ hởi tìm hiểu về thủ tục hành nghề bên Mỹ. Nhưng rồi niềm vui mau chóng tan vỡ như bong bóng xà phòng khi biết được con đường phức tạp lấy lại bằng Pharmacy, phải qua hai cuộc thi liên bang, tiểu bang, chưa kể cuộc thi Toefl nữa. (Cái Toefl này làm ông xã tôi tự ái lắm lắm). Hơn nữa, lúc ấy thằng con trai bệnh Autism của chúng tôi đang trong chương trình theo dõi rất tốt đẹp bên Canada nên chúng tôi gửi thư xin được hoãn lại, và họ đồng ý cho một năm. Rồi thời gian qua mau với những bận bịu đời sống, chúng tôi quên bẵng chuyện đó cho đến khi nhận được giấy thông báo từ Sở Di Trú Mỹ, họ nói đã hết hạn chờ đợi, nên sẽ khoá sổ hồ sơ. Nếu sau này gia đình tôi muốn đi Mỹ, thì phải bắt đầu hồ sơ từ ban đầu. Lá thư này làm tôi buồn và tiếc nuối cả mấy tháng trời. 


Giờ thì tôi thật sự tin vào sự an bài của định mệnh. Chắc kiếp trước tôi mắc nợ Canada (hoặc là Canada…mắc nợ tôi cũng không biết chừng), và Giấc Mơ Mỹ Quốc của tôi, có lẽ, xin đành hẹn đến kiếp sau!


Edmonton, Canada

KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
27/03/202203:35:43
Khách
Lúc tôi mới sang Mỹ, tôi rất thường đọc bài VVNM để học hỏi thêm cách lập luận, kinh nghiệm sống từ các bài viết. Đã lâu rồi tôi không vào trang này vì sau này ít bài viết quá. Hôm nay vô tình được biết tác giả Kim Loan với lời văn nhẹ nhàng, lôi cuốn. Cám ơn Kim Loan đã bỏ công viết. Mong được đọc nhiều hơn. Hy vọng các con của tác giả sẽ tiếp tục giấc mơ của mẹ là kết hôn với ai đó tại Mỹ. Chúc tác giả luôn vui.
22/12/201911:13:33
Khách
Tự nhiên đâu ra một người viết... hấp dẫn vậy không biết. Làm tui (đoán xem tui có phải anh bạn Bến Tre bên trại không) thấy nôn nao, vui bất chợt.
Bài viết đầu mà đã tới như vậy thì cũng đoán được những bài sau sẽ tuyệt hơn.
Chúc mừng chị Kim Loan. Tui chỉ áy náy giùm mỗi chuyện, chị Kim Loan không ở Mỹ. Kể ra cũng... thiệt thòi, so với những tác giả khác!
Chào chị Kim Loan và mong được đọc những bài viết mới.
19/12/201905:44:34
Khách
Bài viết lôi cuốn từ đầu đến cuối. Kim Loan viết tiếp để độc giả được thưởng thức những bài tới nha.
18/12/201922:05:18
Khách
Kể mấy lần liên lạc kiếm chồng trước thì tỉ mỉ, mà chồng sau cùng kiếm được ở Canada thì vắn tắt chưa tới 1 câu. Làm độc giả ngẩn ngơ tự hỏi: quen nhau làm sao, ai giới thiệu,lấy nhau lúc nào, có con bị bệnh autism hồi nào. !0 năm đi Canada rồi mà Di trú Mỹ còn ưu ái báo tin xét lại định cư đi Mỹ diện anh bảo lãnh, thật là lạ lùng hiếm có.
18/12/201901:57:03
Khách
Cám ơn bài viết rất hay và chân thật của tác giả.
17/12/201903:05:58
Khách
Bằng lời văn dí dỏm, tác giả biến chuyện " giấc mơ qua Mỹ không thành tựu " thành một bài viết rất dễ thương.

Chúc mừng tác giả đã thoát khỏi được Việt nam và cuối cùng thì đã tìm được ý trung nhân là một dược sĩ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,936,738
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79