Hôm nay,  

Tạ Ơn Đời Tạ Ơn Người

23/11/201900:00:00(Xem: 20318)

Bài số: 5842-20-31614-vb7112319

 

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

 

***

Một mùa thu nữa lại đến với chúng ta. Lá trên cây đã bắt đầu đổi màu để biến những hàng cây xanh lá ngày nào thành một bức tranh hỗn hợp nhiều sắc màu. Vài cơn gió lành lạnh lại bắt đầu thổi về để các nghệ sĩ bỗng cảm thấy rạo rực niềm cảm hứng sáng tác. Chả mấy chốc chúng ta sẽ đón mừng ngày lễ Tạ Ơn với món gà tây truyền thống của người dân Mỹ. Ngày lễ Tạ Ơn có truyền thống rất lâu đời từ các năm tháng những người di dân châu Âu đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Có lẽ tôi cũng không cần thiết viết nhiều về truyền thống và lịch sử của ngày lễ Tạ Ơn này vì hầu hết chúng ta, những nguời sống tha hương tại Hoa Kỳ, hay cả những người sống ở quê nhà hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới ít nhiều đều đã biết đến. Những nguời đến đây lập nghiệp từ năm 1975 đã từng đuợc đón tiếp hơn 43 cái lễ Tạ Ơn. Đối với những đồng bào đến định cư tại đây theo diện ODP, con lai hay HO thì cũng đuợc trải qua rất nhiều mùa lễ. Số người đến sau này thì ít nhiều cũng được biết đến truyền thống ngày lễ qua người thân của mình.

Theo văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa chúng ta có truyền thống nhớ ơn công lao những bậc tiền nhân. Điều này được thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ như: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn". Đối với các đấng sinh thành thì "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".  Chúng ta coi trọng các ngày giỗ kỵ vì đó là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cùng tất cả những người đã khuất. Đối với Trời đất thì chúng ta lập bàn thờ thiên mà về sau này do cuộc sống được đô thị hóa nên chỉ còn thấy ở một số nhà ở miền quê hay vùng ngoại ô.  Tuy nhiên có lẽ không người Việt nào không biết đến phong tục cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp và mâm cơm cúng giao thừa hằng năm. Đây không những là dịp cho chúng ta cầu mong một năm mới tốt lành mà còn là lúc để chúng ta tạ ơn trời đất đã che chở phù hộ cho chúng ta trong suốt năm vừa qua.

Nói đến lễ Trời đất thì không thể không đề cập đến lễ tế Nam Giao của các vị vua ngày xưa. Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất thời xưa của nước ta vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế. Mục đích của lễ tế Nam Giao là nhằm cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình. Tuy nhiên lễ tế này còn nhằm khẳng định vị thế và tính chính thống của nhà vua tuân theo mệnh Trời cai trị thần dân và cầu xin Trời đất gia ân, gieo mưa thuận gió hòa, tránh các thiên tai để mọi người đều được bình an, hạnh phúc

Ngoài truyền thống tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân và Trời đất ra, người Việt chúng ta cũng thường còn biết ơn nghĩa phân minh như lời người xưa từng dạy "Làm ơn chớ nên nhớ. Chịu ơn chớ nên quên". Tuy nhiên, phải nói là chúng ta rất hà tiện khi xử dụng tiếng nói cám ơn trong đời sống hàng ngày nhất là đối với những người thân trong gia đình. Không như người Mỹ thường xuyên nói câu thank you, chúng ta ít khi nào nói cám ơn với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em. Đặc biệt là rất hiếm trường hợp cha mẹ nói cám ơn với con cái. Tôi còn nhớ ngày xưa khi các con tôi đến tuổi đi học có lẽ các cháu được thầy cô dạy cách ứng xử (manner) nên đã áp dụng ngay khi về nhà. Mỗi lần khi có dịp làm cho tôi một việc gì các cháu thường thắc mắc với tôi rằng, "Tại sao bố không nói cám ơn". Điều này cũng làm tôi suy nghĩ ít nhiều. Mình thường dạy dỗ cho các con biết nói tiếng Việt và cố gắng giữ gìn được bản chất văn hóa Việt Nam, nhưng lại không biết dung hòa cái hay của văn hóa Tây Phương thì sẽ khó thuyết phục được thế hệ con em sinh sau đẻ muộn ở đây. Không khéo lại đẩy chúng đến gần với văn hóa Tây phương hơn thì hỏng mất.

Nói đến sự khác biệt về văn hóa trong cách ứng xử thì cũng phải nói đến sự phân biệt trong cách đối xử của một số người Việt chúng ta ở đây. Trong khi đa số chúng ta hòa nhập với xã hội Mỹ và đối xử với người bản xứ một cách thật lịch thiệp thì chúng ta lại không áp dụng được cách đối xử đó với những người đồng hương. Vài năm về trước có một lần tôi ghé vào tiệm thực phẩm Á đông quen thuộc của người Việt ở đây. Phía trước tôi là một anh thanh niên Việt Nam đang mở cửa tiệm bước vào. Ngay sau anh là một người Mỹ da trắng. Mặc dù chỉ đứng đến vai ông ta, anh thanh niên đã lịch sự đứng giữ cửa mời người Mỹ vào trước và cúi rạp đầu nói, "You're welcome" khi được cám ơn. Khi đó tôi cũng vừa bước tới. Báo hại cho tôi cứ tưởng bở rằng mình cũng có quốc tịch Mỹ nên cũng sẽ được đối xử bình đẳng như người Mỹ da trắng kia nhưng không ngờ anh thanh niên thản nhiên quay lưng hất cửa bỏ đi làm tôi xém tí nữa bị cánh cửa đập vào mặt.

Để khỏi bị lạc đề cho phép tôi được trở lại với ý chính. Xin bỏ qua vấn đề tín ngưỡng vì tùy theo mỗi tôn giáo mà mỗi người chúng ta có một đấng thiêng liêng khác nhau để thờ phụng và tạ ơn, cũng như có các triết lý khác nhau để lý giải sự việc. Trong cuộc sống hàng ngày có vô khối lý do để ta cảm thấy cần phải tạ ơn cuộc đời và tạ ơn con người. Vài năm về trước tôi có nhiều dịp đi công tác thăm các hãng xưởng ở Trung Quốc. Nhiệt độ giữa mùa hè ở thành phố Shenzhen thuộc tỉnh Quảng Đông thường xê dịch vào khoảng 90-100 độ F. Bên trong các xưởng máy chỉ có hệ thống quạt gió chứ không có máy điều hòa không khí như ở các nước Tây phương. Nhiệt độ nóng tự nhiên ngoài trời cộng với hơi nóng từ các máy đúc nhựa phát ra và độ ẩm cao đã khiến cho nhiệt độ trong xưởng có thể vọt lên trên 110 độ F. Thông thường chúng tôi chỉ làm việc dưới xưởng 1, 2 tiếng là phải quay về khu văn phòng có máy lạnh để họp và cũng để nghỉ giải lao tránh nóng. Nhìn những công nhân mà đa số là phụ nữ phải làm việc liên tục từ 8 đến 12 tiếng dưới môi trường như vậy đã khiến tôi liên tưởng đến bản thân tôi khi còn làm thợ cơ khí ở Việt Nam của hơn 30 năm về trước. Và mỗi lần như thế tôi lại thầm cám ơn cuộc đời, cám ơn Trời đất đã khiến tôi không phải ở vào hoàn cảnh như những người phụ nữ Trung Hoa kia hoặc ít ra không phải tiếp tục kéo dài cuộc sống của tôi như trước kia ở Việt Nam. Tất nhiên đã cám ơn cuộc đời tôi phải cám ơn cả con người. Có lẽ nếu ông bà tổ tiên không để lại phúc đức cho con cháu thì dễ gì cuộc đời tôi được như ngày nay. Nếu hai đấng sinh thành không dạy dỗ hướng dẫn và làm gương sáng thì cũng dễ gì tôi được như thế này. Mặc dù nhìn lên thấy mình chẳng bằng ai nhưng ít ra trong cuộc sống này còn vô khối người lầm than khổ cực hơn mình rất nhiều.

Nơi tôi ở tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia hàng năm vẫn có những cơn bão thổi qua. Nhẹ thì chỉ là những cơn mưa dầm dề ảnh hưởng bão rớt. Nặng thì có thể phải bỏ tiền sửa chữa nhà cửa hoặc thậm chí bị bắt buộc di tản. Cuối tháng 8 năm 2011, cơn bão Irene đi qua khiến tôi mất một món tiền nhỏ để mướn thợ lắp lại những miếng ngói (shingle) trên nóc nhà bị bão thổi bay mất. Do hướng gió cũng như căn nhà ở vị trí cul de sac trống trải, nhà tôi là căn duy nhất trong khu bị thiệt hại bởi cơn bão này. Buổi sáng hôm sau ngay khi cơn bão đi qua, lúc đi quanh nhà nhặt những mảnh ngói rơi rụng khắp vườn trong khi các nhà hàng xóm đều lành lặn trong lòng tôi đã nhen nhúm một chút ganh tị. Nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua trong chốc lát vì tôi chợt nhớ ngay đến bản tin buổi chiều hôm trước khi đài truyền hình đưa tin một em bé 11 tuổi ở thành phố lân cận đã thiệt mạng khi một cây đổ đè vào căn apartment nơi em đang ở. So với sự mất mát của người cha, người mẹ khóc con mình cùng những mất mát khác do cơn bão gây ra thì một vài miếng ngói của tôi chỉ như một hạt cát trong số cát của sông Hằng. Và một lần nữa tôi lại cảm ơn cuộc đời, cảm ơn đất Trời, cảm ơn ân đức tổ tiên và những người đã khuất.

Có lẽ chẳng cần chờ đến ngày lễ Tạ Ơn hàng năm, nếu để ý ta sẽ thấy trong cuộc sống mỗi ngày có vô khối lý do để chúng ta phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn con người. Hàng ngày khi ta thức giấc mở mắt đón chào một ngày mới, hãy cám ơn cuộc đời đã cho ta được vui sống thêm một ngày. Khi đọc tin tức về 39 người mất mạng trong container trên đường đến Anh, hãy cám ơn cuộc đời ta không nằm trong con số 39 người đó. Để rồi khi nghĩ đến bao nhiêu người khác đã thiệt mạng trên con đường đi tìm tự do trước kia, tôi lại tạ ơn trời đất vì mình may mắn không cùng chung so phận với họ để còn được hít thở bầu không khí tự do.

Xin cám ơn ông hàng xóm đã chào "good morning" khi tôi mở cửa xe chuẩn bị lái đi làm sáng nay. Lời chào của ông đã khiến tôi phấn khởi liên tưởng đến một ngày làm việc may mắn nhiều thuận lợi vì niềm tin xa xưa "ra ngõ gặp trai". Xin cám ơn cấp trên đã chia sẻ những vấn đề trong công việc của ông khiến tôi biết được ai cũng có những khó khăn không riêng gì bản thân mình. Cám ơn các nhân viên đã có lời hỏi thăm gia đình tôi, nhờ vậy tôi cảm thấy không khí làm việc trở nên ấm cúng hơn. Cám ơn các con đã vui mừng chạy ùa ra đón tôi trở về nhà khiến một ngày làm việc căng thẳng bỗng trở nên nhẹ tênh. Cám ơn vợ tôi đã cơm nước chu đáo cho tôi được một bữa cơm nóng sau giờ làm việc và đưa đón các con tôi đi học để tôi có thể yên tâm làm việc. Cám ơn các bạn bè cũ đã cho tôi những giây phút sống lại một thời của tuổi ấu thơ. Cám ơn các nhà văn, nhà báo đã cho tôi những áng văn, bài viết hay, những lời khuyên vàng ngọc. Cám ơn các nhà thơ đã cho đời những lời thơ trải chuốt lãng mạn. Cám ơn các họa sĩ đã cho tôi các bức tranh đẹp nhiều màu sắc. Cám ơn các nhạc sĩ đã cho tôi những tuyệt tác âm nhạc và cám ơn các ca sĩ đã truyền tải những tuyệt tác đó đến tai tôi. Cám ơn các vị lương y đã chăm sóc sức khỏe cho tôi và người thân chúng tôi. Xin cám ơn tất cả các độc giả đã chịu khó bỏ chút thời gian ra đọc những bài viết của tôi. Xin cám ơn cả những ai đã phê bình, chỉ trích tôi. Chính nhờ vậy mà tôi có thể thấy được khuyết điểm của mình. Cám ơn các anh chị em tôi về mọi thứ. Nhờ có họ tôi mới thấy mình được hạnh phúc hơn bao nhiêu người khác trong gia đình con một. Tất nhiên không thể nào quên được cám ơn cha mẹ tôi. Công đức dạy dỗ cũng như tấm gương đạo đức của ba mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của chúng con sau này. Và cũng xin cám ơn đấng sinh thành ra vợ tôi do đã tin tưởng trao gửi cho tôi cô con gái cưng. Cuối cùng tôi xin được chấm dứt bài viết này bằng lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời".

 

Thảo Lan

Ý kiến bạn đọc
23/11/201920:33:31
Khách
Bạn TL cứ yên tâm, ở Mỹ là tự do ngôn luận, mọi người đều tôn trọng ý kiến khác biệt. Riêng lai lịch của TCS thì mọi người đều đã biết rõ. Còn việc mình cứ gọi tên cố đại úy Trịnh Công Hòa là như vầy. Trước năm 1975 có người bạn của mình là quân nhân từ miền Trung đổi về làm việc cùng đơn vị với mình, khi nghe mình kể chuyện về TCS thì anh bạn này kể lại cho mình nghe về người em của TCS có thời gian làm việc cùng đơn vị. Thực ra cố đại úy Trịnh Công Hòa tôi kể trong bài viết vừa qua tên thật là TQH, vì lý do riêng tư nên không viết tên thật của người quá cố. Xin quý vị thông cảm. Bối cảnh của gia đình TCS rất nhiều chuyện không tiện viết ra đây, vì sẽ gây tranh cãi chẳng đi đến đâu cả. Một lần nữa cảm ơn bạn TL và quý độc giả.
23/11/201919:07:03
Khách
Trước hết xin tự giới thiệu Thảo Lan cũng là dân Bắc di cư 54 nên chắc chắn nhỏ hơn những người di cư được sinh ở miền Bắc như anh/chú Đinh Văn Hòa. Thảo Lan xin cám ơn những lời khích lệ của anh/chú rất nhiều.
Thảo Lan hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của anh/chú Đinh Văn Hòa và Lê Như Đức ở trên về con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở cuối bài Thảo Lan dẫn một câu từ bài Tạ Ơn một phần cũng để tránh không bị cho là ăn cắp ý tưởng từ nhạc Trịnh Công Sơn làm tựa bài viết mà không dẫn nguồn. Hơn nữa đây là một bài tình ca thuần túy không mang hơi hướm phản chiến hay chính trị. Còn một lý do riêng tư nữa là ban đầu bài viết này của Thảo Lan ngắn gọn hơn và câu cuối chủ yếu để tặng vợ mình
Một lần nữa xin thành thật cám ơn tất cả quý độc giả đã đọc bài của Thảo Lan
23/11/201917:12:10
Khách
Cảm ơn bạn Thảo Lan đã viết bài này, mình đọc đi đọc lại mấy lần vẫn thấy thích. Mình không rõ tuổi tác của bạn cho nên mạn phép gọi là bạn. (Mình mới ăn mừng trung thọ được 3 năm, mình là dân Bắc kỳ chín nút, "tập kết" vào Nam năm 1954).
Trước hết mình xin chúc mừng bạn đã may mắn chào đời ở Hòn Ngọc Viễn Đông, còn mình kém may mắn cho nên chào đời ở một huyện, tên huyện này nói ra chắc là bạn biết ngay vì trong lịch sử có ghi rất rõ. Huyện này là do cụ tổ Nguyễn Công Trứ chiêu dân lập huyện thời vua Tự Đức, tên là KIM SƠN, Ninh Bình.. Cụ tổ NCT lúc đó xin vua TĐ "khoan hồng" cho một số đông người Công Giáo đang chạy tứ tán khắp nơi quy tụ về Kim Sơn để làm ăn sinh sống và không làm khó dễ khi giữ đạo, vì vậy cho đến ngày nay ở huyện Kim Sơn số giáo dân rất đông lý do như đã nói trên. Thời ông bà tôi, ở trong nhà, đặt bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ tổ tiên, bên cạnh đó là bàn thờ cụ tổ Nguyễn Công Trứ vì công ơn cụ bao dung về tôn giáo và cấp đất cho để làm ăn sinh sống (thời đó có đất là sống, không có đất là chết !). Đây là lời Tạ Ợn thứ nhất.
Lời Tạ Ơn thứ hai là : Năm 1954 có khoảng một triệu công dân của nước "VNDCCH" ở miền Bắc đã "tập kết" vào nước VNCH ở miền Nam, trong đó có gia đình của mình. Khi vào được miền Nam thì được đồng bào tiếp đón ân cần và đặc biệt là được chính phủ trợ cấp tiền bạc và thực phẩm để nhanh chóng an cư lạc nghiệp. Để Tạ ơn và cũng để trả ơn cho miền Nam, bố mình là lính, chú mình là lính, mình là lính và em mình là lính....để hy vọng đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ quốc gia dân tộc.
Cảm ơn bạn TL đã nói hết những lời TẠ ƠN khi đang sống trên đất Mỹ, mình đồng ý hoàn toàn với bạn, chỉ có điều là ở cuối bài viết bạn TL có dẫn lời bài hát của cố nhạc sỹ TCS thì mình tôn trọng ý của bạn, còn riêng mình không có ý kiến gì về ông này (nhạc sỹ TCS có thời gian sống ở thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng rất gần khu vưc mình đóng lính, cho nên mình biết rất rõ những việc ông ấy làm, cho đến nay vẫn gây tranh cãi !?). Mình trân trọng cố đại úy Trịnh Công Hòa (là em ruột TCS) và mỗi khi thắp nhang tưởng niệm cũng là Tạ ơn các chiến hữu đã hy sinh vì quốc gia dân tộc thì luôn có hình ảnh cố đại úy Trịnh Công Hòa trong tim.
Một lần nữa cảm ơn bạn TL đã nói lời TẠ ƠN giúp tôi. Chúc bạn an khang thịnh vượng. Phước như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn.
23/11/201915:31:02
Khách
Bài viết cho thấy tác giả có tấm lòng biết ơn qua lời văn cảm xúc những gì đời và người cống hiến.
Câu cuối tác giả chấm dứt bài viết bằng lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “"Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời".
Tôi rất thích nghe nhạc Trịnh và vẫn còn nghe nhạc của ông mỗi ngày, nhưng không bao giờ tin lời của ông vì luôn nhớ tới trưa ngày 30 tháng 4 khi ông lên đài phát thanh Sàigòn hát bài “Nối vòng tay lớn”. Lần đầu tôi nghe được hai chữ “giải phóng” và “thống nhất” từ cửa miệng ông. Ông cũng không quên kêu gọi những người đang tìm cách ra đi là phản bội tổ quốc cho dù gia đình ông cũng bỏ trốn lũ cộng nô qua Mỹ ngày hôm trước như cả trăm ngàn người Việt Nam lúc đó.
Thưởng thức nhạc của ông nhưng tôi không bao giờ tin những gì ông viết hay con người của ông. Có lẽ sáu ngàn đồng bào miền Trung ruột thịt của ông chết tức tưởi vì bị cộng nô chôn sống ngay trước mắt ông đã làm ông mất cảm giác không viết được một lời thương ca cho họ? Mà lại viết “Ngọn lửa Maxcova”, "Ánh sáng Mạc Tư Khoa", hay "Ra chợ ngày thống nhất” làm hoen ố hình ảnh và tư cách của mình trước khi chết.
Hai năm trước đây tôi đã viết một bài về ông:
https://vietbao.com/a267169/thang-tu-viet-ve-mot-bai-nhac
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,855
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Nhạc sĩ Cung Tiến