Hôm nay,  

Orange Show Chữa Răng Miễn Phí

01/10/201900:00:00(Xem: 14794)

Bài số: 5799-20-31605-vb3100119

 

Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết  mới nhất của ông. 

 

***

Ai ở Cali hầu như đều  biết người nghèo  và người mới qua Mỹ, diện tỵ nạn, bảo lãnh, dễ xin đuợc Medicaid (ở Cali gọi là medi-Cal) chữa bệnh khỏi đóng tiền, và tới 65 tuổi, nếu vô quốc tịch rồi, đuợc thêm Medicare, tục gọi là Medi-Medi. Nhiều người thích qua ở Cali một phần vì Medi-Cal “cover” rộng rãi, “thương người nghèo” hơn ở các tiểu bang khác, cấp toa mua thuốc xả láng; ai chưa hề làm việc, đóng thuế gì cả vẫn được hưởng dịch vụ y tế miễn phí này. Đó là lý do người Mỹ hay nói “ở đây, phải thiệt nghèo hay thiệt giàu mới sướng, chứ trung lưu, xiù xìu ển ển, cái gì cũng è cổ ra trả” là vậy.

Những người có đi làm lâu năm ở Mỹ, đúng 65 về hưu với lương hưu trên mức nghèo thì khác, phải trả “premium” trên dưới 133$ một tháng cho medicare (dù chọn original medicare hay advantage plan). Medicare gồm part A (dịch vụ nằm nhà thương) part B (phí tổn trả bác sĩ , X-ray, các kỹ thuật thử máu, chữa trị...), part D (tiền thuốc men). Part C là thay vì chọn original, chọn một hãng y tế tư (advantage plans) như đã nói trên, lo cho mình từ A tới Z.  Có người thích “original medicare” vì được quyền đi bác sĩ gia đình hay bác sĩ chuyên môn nào mình thích tùy ý, nhưng phải mua thêm part D (trả tiền thuốc) và đôi khi trả thêm “gap” giữa 2 loại Medicare và Medi-Cal..

Có người, như tôi, lại chọn advantage plan là các hãng tư nhân (part C) … tuy phải lựa “bác sĩ gia đình” và specialists trong danh sách có hợp đồng với các hãng đó. Mỗi năm, hãng gửi 2 cuốn sách tới nhà cho mình đọc biết thể lệ, phí tổn, và tên các bác sĩ ở từng thành phố một trong vùng mình ở. Các hãng này gửi thư quảng cáo tới nhà các cụ sắp về hưu, hay trên 65, trước ngày 15 tháng 10 mỗi năm, hay mở workshops mời mọc tới tham dự, có đãi ăn nhẹ và giải khát để kiếm thêm khách.

Tôi đi với SCAN suốt 10 năm (2005-2015) hễ đau lưng, trặc cổ là đi chiropractor (bác sĩ chỉnh hình) tốn có 10$ copay mỗi lần(mỗi năm đuợc đi 10 lần). Sau đó, chắc các cụ lợi dụng quá, hơi nhức lưng mỏi cổ là đi, nên họ không cover nữa, bệnh nhân phải trả tiền mặt cho bác sĩ chỉnh hình 50 $ mỗi lần đấm bóp trở lên, việc bác sĩ gia đình“refer” tới các chuyên môn cũng giới hạn, nên tôi nghe lời bà health advisor tới nhà thăm, khuyên chuyển qua AARP (United Health care) họ save money cho mình nhiều hơn.

Lạ thay, ông bác sĩ gia đình tận tâm cũ của tôi, Shawn Couture (gốc người Pháp) cũng tình cờ đổi qua làm cho AARP, nên tôi khỏi cần chọn bác sĩ mới. Nói chung, hãng nào cũng cung cấp những benefits tương tự chung chung, phải đọc sách kỹ, đọc các chi tiết coi hãng nào “save money” cho mình nhất. Mình có thể gọi hãng xin đổi “bác sĩ gia đình” bất cứ lúc nào trong năm, còn muốn đổi qua hãng khác thì phải chờ tới thời điểm từ October 10 tới December 7 cuối năm.

Chọn part C, vai trò bác sĩ gia đình (family doctors) rất quan trọng, muốn gì phải gọi office họ hỏi ý kiến, như báo tin sáng ngủ dậy choáng váng, khó thở, té ngã bị trặc chân, đi cầu ra máu… để họ quyết đinh gửi mình tới bác sĩ chuyên môn, hay tới “lab” thử máu ngay lập tức, hay kêu vô nhà thương, hay phòng Emergency (E.R) gấp. Đôi khi họ phải xin phép giám đốc hãng, có cho phép mình được điều  trị chứng đó , rồi mới gửi thư “approval”(cho phép) hay “denial” ( từ chối)  tới nhà. Một trong những cái tốt của advantage plans là hễ gọi, là có thư ký trực trả lời ngay lập tức, cho biết phải làm gì, chứ không bắt mình ngồi đợi .

Có điều với Original Medicare hay Advantage plans, hay ngay cả với Medicaid, khám mắt lấy kính đeo, chỉ 2 năm mới được đi bác sĩ một lần, họ “cover”công khám và gọng kính trung bình tới một giá nào đó, còn muốn mua gọng tốt, đắt hơn thì mình phải trả thêm tiền cho chủ tiệm kính. Thứ hai, họ không chữa răng miễn phí. Muốn clean răng hay nhổ, hay trám thì mỗi tháng phải đóng “phí” vài chục đồng. Còn các dịch vụ khác mắc tiền như “root canal”, đắp “crown”, trồng răng giả, thì trả tiền mặt them, tùy nha sỹ đòi. Muốn “implant” thì tới nha sĩ chuyên môn “ implant”…Phải hỏi nhiều chỗ để so sánh giá cả, tiền “implant” một răng giá từ 1500$ tới 4000$.

Tôi may mắn có cô nha sĩ quen thân ở San Bernardino, tên Thanh, có chồng là bác sĩ nhi đồng, trước đây thỉnh thoảng vẫn trám răng, clean răng hay ”root canal” cho hai vợ chồng với giá tựợng trưng, đôi khi không lấy tiền. Lần cuối cách đây 2 năm, cô nhổ dùm cho cái răng cửa tôi lung lay, hàm dưới cười khuyết mất răng nên hở cái lỗ trống đen ngòm, cô nói từ từ răng hai bên sẽ xích lại điều chỉnh kín lỗ, không cần trồng răng khác thế vô. Tôi nghe lấy làm lạ, mà quả thực, mấy tháng sau, 3 cái răng còn lại đứng thẳng che cái lỗ hổng đen, mỗi lần tôi cười, mới nhìn không ai biết mình mất răng.

Bẵng đi lâu không tới gặp cô vì răng cỏ không còn vấn đề gì, mới đây ăn uống hay bị kẹt thức ăn dính kẽ rang có lẽ vì bị sâu ăn, chân răng cũng mòn, phải dùng dây floss hay đánh răng sau mỗi bữa ăn.

Ngại không tới cô khám sợ không chịu lấy tiền, mới coi danh sách các nha sĩ có giao kèo với hãng bảo hiểm mình, chọn đại một cô Việt nam mở office gần nhà. Cô này nói giọng Bắc, chụp hình 4 năm tấm từ trên xuống dưới, khám răng lấy 30$ copay. Cô khuyên tôi cần đắp crown 3 răng hàm đã mòn, giá 800$ một cái. Còn muốn implant thì cô đòi 2500$ một cái. Tôi thất kinh.

Ba năm trước rôi làm implant ở office nha sĩ John Vũ ,đường Bolsa quận Cam(714-531-8880), tận tâm, tử tế, chỉ có 1500$, kéo dài mấy tháng trời, nhổ răng hư, đắp nền, khoan lỗ, vặn răng mới vô... kiểm tra tỉ mỉ mới hoàn toàn xong. Nghe nói có chỗ tính tới 4,000$. Bèn lên cô Thanh khám. Cô làm crown, chỉ tính 400$ một cái, nên tôi nhờ làm luôn 2 cái, ăn khỏi mắc kẹt đồ ăn trong kẽ hở. Sẵn dịp, cô trám luôn hai cái răng cửa có rìa bị nám đen, soi gương thấy hàm dưới đều đặn, trắng trẻo, y như răng người trẻ. Cô nói:

- Chú còn cái răng hàm trên, bên trái bị sâu 2 lỗ, cần trám gấp, nếu không sâu ăn lan rộng ra thì mệt, sợ sẽ phải nhổ làm implant tốn tiền. Chú mới tốn tiền đắp crown, làm nữa tốn nhiều lắm, thôi để cháu cho địa chỉ chú tới Orange Show Event Center ở Orange Show avenue, bãi đậu xe lớn lắm, 3 cái buildings làm việc, kế bên đường Mill và S. Arrowhead, vô số nha sĩ tự nguyện chữa răng cho bệnh nhân nghèo, hai ngày thứ sáu và bẩy cuối tuần này. Bên Santa Ana cũng có địa điểm chữa răng free, chú muốn qua đó thì cháu cho địa chỉ.

- Làm sao mình biết ở đâu và ngày nào họ tổ chức chữa miễn phí như vậy, cô?

- Chú lên mạng coi. Hội nha y sĩ họ tổ chức ở khắp các thành phố lớn Cali, nhiều nha sĩ tinh nguyện tham gia góp công làm phước.

- Ở San Bernardino gần hơn bên Little Saigon, cô cho tôi địa chỉ Orange Show đi thử coi.

- Vậy hả? Cháu cũng có mặt volunteer chữa răng free với các nha sĩ mấy hôm đó. Bệnh nhân họ tới sắp hàng đợi từ 6 giờ sáng. Nha sĩ làm việc từ 7 am tới 2pm là nghỉ.

Cô ‘message’ cho tôi liền cái dịa chỉ.  Nha sĩ tới 401 W. Mill st, San Bernardino 92408, đi cổng số 1, còn bệnh nhân chờ ở cổng số 7, tại  610 S. Arrowhead.

Tôi có địa chỉ trong tay, cũng phân vân không biết có nên đi không. Nghe nói mới 6 giờ sớm lạnh lẽo mà thiên hạ đã tới đứng đợi đông nghẹt cũng ớn. Lớn tuổi làm biếng dậy sớm.  Còn địa điểm, tên mấy con đường này thì xa lạ gì.

Ngày xưa, mới tốt nghiệp lấy bằng thày giáo ra, tôi đã được mời về Arowhead school, San Bernardino, dạy ở đây 4 năm, bao nhiêu là kỉ niệm buồn, cảnh buồn, những con đường vắng vẻ, tiệm buôn ế ẩm, xe cộ thưa thớt, ra đường gặp toàn Mễ và da đen nghèo khổ cúi đầu rảo bước ngoài phố...

                                                *

Năm giờ sớm hôm thứ sáu tôi đã tỉnh giấc, lật đật súc miệng rửa mặt, ăn mặc chỉnh tề, đóng các cửa nẻo cẩn thận, lái lên San Bernardino. Trời tối nhá nhem, exit Orange Show, tới địa chỉ 610 S. Arrowhead thấy một bãi rộng mênh mông đầy xe hơi đậu kín trước ba tòa building lớn khổng lồ thắp đèn sáng.

Lái vô kiếm chỗ đậu, bước ra thấy khoảng 30 người đang từ từ di chuyển vô cái cổng có 2 người đứng check giấy tờ để được vô trong sân. Xa xa cả một khối người đông đảo đứng chìm trong bóng tối. Thấy tôi trờ tới, ông Mỹ cao lớn đứng đó có ý muốn xem giấy tờ. Thấy ai cũng đưa giấy cho ông ta coi, tôi buột miệng hỏi:

- What do you want to check? My ID?

- Không, tờ giấy tối hôm qua tôi phát cho anh đâu?

- Giấy nào? Tôi mới tới để xếp hàng sáng bữa nay, không phải đi lối này sao?

- Không, mấy người này đã tới từ hôm qua còn sót lại chưa đựợc chữa răng, nên chúng tôi đã cấp giấy”pre-registration” để sáng nay vô trước. Anh là mới, phải đi tuốt xuống cuối hàng đằng kia đợi… Khi nào phục vụ xong mấy nguời hôm qua còn sót lại, họ mới cho những người tới hôm nay như anh vào trong sân, vô trong mấy buildings đó gặp nha sĩ..

Tôi rảo bước tới khoảng tối xa xa, thấy hai ba hàng rồng rắn thiên hạ sắp hàng đợi, dễ tới mấy trăm người, chạy tới đứng vào toán cuối cùng. Trời đất, đông kinh hồn như vầy, biết chừng nào nha sỹ phục vụ xong. Mỗi người trám, hay nhổ, cũng mất ít nhất 15 phút. Cho dù có 20 ông bà nha sĩ đi nữa, cũng mất một tiếng cho 50 người đúng chờ. Toàn những người dân lao động nghèo khổ, mặc đồ đen sậm, lớn tuổi có, trẻ tuổi có, đàn ông đàn bà, đa số là Mễ và da đen,  lác đác năm bảy người Mỹ trắng cao lớn, có cả con nít họ dắt tới, hay ngồi nằm trong xe cha mẹ đẩy. Nhiều ông già râu tóc bạc phơ, da nhăn nheo, mặt tiều tụy,  mặc áo ấm, ngồi trên ghế xếp mang theo.

Nhìn quanh chả thấy dân Á đông nào, chỉ có mình tôi là Việt nam da vàng. Chắc vùng này bây giờ ít người Á dông ở, vì không có việc làm hãng xưởng lớn. Người Việt trẻ có bằng đại học, làm hãng lớn, lương cao, bảo hiểm tốt, ai mà chịu xếp hàng đứng chờ chữa răng free. Người ít học, lớn tuổi, kém thông tin, mấy ai biết có những chỗ chữa răng free như vầy mà đến. Ở Little Saigon đông người Việt, tôi còn thấy thỉnh thoảng có mở các dịch vụ khám bệnh thông thường lộ thiên, như đo áp huyết, cholesterol, đường huyết, khám tim, phổi...do sinh viên y khoa VN tình nguyện tham dự, thực tập lấy kinh nghiệm. Còn khám răng chữa răng miễn phí như vầy thì chưa hề thấy ở đâu cả.

Trời sáng sớm lành lạnh, bên hông hàng tôi đứng là hàng rào dây kẽm dài cao 3 thước, phía trong có mấy cái ao rộng, tảng đá, vịt trời, và cây cối cắt tỉa như cái công viên.  Tôi đứng nghe mấy ông bà Mỹ trắng xung quanh nói chuyện, xen vào hỏi một vài câu. Một ông nói khuôn viên này rộng cả chục mẫu, dùng để tổ chức nhiều “events” cho công chúng như  lễ lạc, đại hội, chích ngừa khám bệnh miễn phí, các trò chơi, thi đấu bóng hay skate boards. Một bà ngồi ghế xếp, than đi nha sỹ khám răng bây giờ mắc quá, phải chịu đựng đau để chờ dịp này. Bỗng thấy ông gác cổng cao lớn ban nảy đi tới báo cáo:

- Giờ này, chúng tôi đã đếm đuợc 248 người người đang xếp hàng chờ cho hôm nay. Hôm qua còn sót lại hơn 50 người, phải giải quyết cho xong rồi tới quí vị. Xin vui lòng chờ...

Té ra họ đã bắt đầu chữa trị răng miễn phí từ hôm qua là thứ năm. Đám dông xầm xì về con số mấy trăm người chầu chực sáng nay, và vẫn đang có thêm người kéo nhau tới đứng ở cuối hàng. Có người tiếu lâm:

-Bữa nay mấy trăm, ngày mai chắc lên tới cả ngàn người tới chờ...

Ông khác than:

- Tới phiên tụi mình chắc phải qua ngày mai, thứ bảy, mới gọi.

Tôi hỏi:

- Còn giấy pre-registration là gì vậy các bạn? Nếu trưa nay chưa tới phiên minh , đã hết giờ đóng cửa rồi,thì mình phải nằm lại đây ngủ dành chỗ sao? Hay về nhà ngủ, rồi sớm mai trở lại xếp hang, chờ tiếp?

- Sau 2pm, ai chưa đuợc chữa sẽ đuợc cấp giấy”pre-registration” về nhà ngủ,  rồi rạng sớm ngày mai mang tới để họ check cho vô trước trong building để khám, chữa . Giấy này dùng phân biệt thứ tự “first comes, first serves” đó mà.

- À ra thế… My God!

Bỗng có mấy người phụ nha sĩ hay lao công mặc đồng phục áo xanh lơ đẩy một xe đựng mấy thùng quýt mở nắp sẳn tới chỗ chúng tôi, cho ai muốn ăn thì cứ lấy. Vài ba người chộp lấy bóc vỏ ăn, nói “thank you”.  Tôi cảm động. Con người ở xứ này đối xử với nhau đầy tình người, đâu như bên xứ mình, một người ngã xe rớt đồ, bể đầu chảy máu, cả chục người chạy lại lượm cướp vơ vét rồi chạy mất, chả ai thèm gọi xe cứu thương.

 Cạnh chỗ tôi đứng có ông già râu bạc chắc cỡ 80 tuổi, ngồi trên ghế xếp, muốn nhớm mình đứng đậy mà đứng không nỗi, tôi vội vàng cúi mình thò tay xốc nách một bên đỡ lên, nhưng nặng quá, đỡ không nổi thì cô gái Mễ đứng bên kia bước vội tới phụ tôi xốc nách kia đẩy lên. Ông già to nặng mà chân yếu không tự đứng dậy được, sao không có con cháu đi theo giúp đỡ, thật là tội. Lái xe mà chân yếu như vậy đạp thắng không kịp, gây tai nạn nguy hiểm, chắc là đi nhờ hàng xóm chở tới. Mà già như vậỵ còn tới xếp hàng chữa free, chắc sống bằng trợ cấp xã hội, vợ chết, con ở xa, hay có khi homeless, không có vợ con nữa là khác. Nếu có con khá giả nuôi dưỡng, chắc đã có tiền trồng răng giả rồi, đâu phải nhờ ai chở tới đây ngồi chờ. Tôi chạnh long, nghĩ tới một ngày nào đó, mình cũng sẽ như vậy, nếu không có con bên cạnh đỡ đần, phải ở nursing home, nhờ người ngoài.

Trời sáng dần, nhưng không khí vẫn lạnh, tôi co ro đứng nhìn quanh, lâu quá, chán nản, biết không thể nào đứng như vầy 8 tiếng đồng hồ nữa cho tới 2 giờ chiều. Mà chắc gì 2 giờ đã tới phiên, hay họ đóng cửa đuổi về, rồi ngày mai  cầm giấy “pre-registration” trở lại lần nữa thì khổ quá, khổ cái thân già: chỉ vì muốn hà tiện mấy trăm bạc đi nha sĩ tư mà đày đọa cái thân còm này.

Ngắm mấy trăm người “low income” đứng trước, đứng sau mình bên cái hàng rào kẽm gai, quanh co rồng rắn, dễ có tới gần 300 mét, kiên nhẫn yên lặng chờ tới phiên minh vô trong building, vạch miệng ra cho nha sĩ khám, mà thương cho thân phận tầng lớp dân Mỹ nghèo chịu đựng,  thấy mình là dân tỵ nạn trắng tay tới đây lại quá may mắn so với họ.

Đâu phải ở Mỹ, kiếm sống dễ dàng, ai cũng dư giả như người bên VN nghĩ. Có giao thiệp, đứng chung với cộng đồng nghèo, cúi đầu an phận chờ đợi kiên nhẫn như vầy, mới biết thương cho số phận người nghèo và thấy mình may mắn.

Phật nói: “Sinh bệnh lão tử. Có được thân người không phải dễ, làm người đã là may mắn hơn súc vật” (người đau răng còn có nha sĩ chữa, cọp, beo, cá sấu trong rừng đau răng thì ai chữa cho?)  Nhưng dù người hay vật, có Thân là phải chịu đau đớn, vì thể xác hành hạ, sưng óc, suy thận, bại não, ung thư, đột quỵ.... nhất là lúc tuổi về già.

Lão tử cũng từng nói, “Ta  khổ vì có cái thân này.” Bài hát “Trấn Thủ Lưu Đồn” cũng có câu, “Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai”.

Ai cũng nói “Ở Mỹ, không có cái gì là FREE cả”. Đúng, mà cũng không đúng. Cũng có cái FREE chứ, như được chữa răng free, khám bệnh thiện nguyện free. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó: muốn free, phải dậy sớm, chịu lạnh, bêu đầu  dang nắng giữa trời, đứng mỏi chân chầu chực hàng nhiều giờ... Chưa kể được “free” như vậy là đã mắc nợ các nha sĩ nhân hậu thương người rồi, kiếp sau sẽ phải trả lại, nếu ta tin vào luật nhân quả.

Tôi nhờ tích phước đời trước mà kiếp này từ cảnh tù đày, tối tăm kềm kẹp bên nhà, rồi bỏ lại đất cát nhà cửa tiền bạc, đưa cả gia đình lọt qua được xứ tự do, đã là như một phép lạ. Còn được cơ hội gầy lại cuộc đời để có được tuổi già nhàn hạ như ngày nay, khỏi làm mà tiền hưu tháng tháng tự dộng gửi tới tiêu xài, trả tiền túi chữa bệnh, đi chơi đây đó, khỏi phiền con cái... Có đủ tiền để đi bác sĩ, nha sĩ tư khám bệnh, trám răng, thoải mái ngồi duỗi chân trong phòng ấm, không đến nỗi phải tiện tặn, chịu lạnh chịu nóng, phơi đầu, bêu mặt, run tẩy đứng đợi như vầy trong gió lạnh ban mai, nắng chói ban ngày như những người đang yên lặng đứng quanh tôi. Trong đầu tự nhiên vang lên hai tiếng “thôi đi về, về thôi”...

Ngoái đầu nhìn lại hàng người chờ đợi lần cuối, gật đầu từ giã mấy người đứng cạnh. Nhìn những bóng đen xa gần ngoạy ngọ trong yên lặng, tự nhiên tôi cúi đầu rời hàng, mếu máo, thầm cảm ơn được ban nhiều ơn phước, bỏ về. Rời freeway một mạch về nhà  ở Riverside, mở cửa bước vào, lên giường kéo mền ngủ tiếp…

 

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
09/10/201903:25:43
Khách
<<Tôi may mắn có cô nha sĩ quen thân ở San Bernardino, tên Thanh, có chồng là bác sĩ nhi đồng,>>

Ba'c co' so^' phone, address cô nha sĩ Thanh kho^ng ba'c ?
04/10/201923:04:20
Khách
Tựa bài "Orange Show Chữa Răng Miễn Phí" khiến tôi tưởng bài viết khô khan. Nhưng người viết là Phạm Hoàng Chương, người tôi rất ngưỡng mộ, rất mê đọc văn của anh. Thế nên tôi click "Đọc thêm". Quả là "danh bất hư truyền". Bài viết quá sâu sắc, chứa những chi tiết đắt giá đầy xúc động, "... Mà già như vậỵ còn tới xếp hàng chữa free, chắc sống bằng trợ cấp xã hội, vợ chết, con ở xa, hay có khi homeless, không có vợ con nữa là khác. Nếu có con khá giả nuôi dưỡng, chắc đã có tiền trồng răng giả rồi, đâu phải nhờ ai chở tới đây ngồi chờ. Tôi chạnh long, nghĩ tới một ngày nào đó, mình cũng sẽ như vậy, nếu không có con bên cạnh đỡ đần, phải ở nursing home, nhờ người ngoài." Tôi bỗng muốn khóc khi đọc đến đoạn ấy! Hoặc chi tiết về Medicare Plan A, B, C, or D mà trước đây tôi không hiểu rõ lắm, nhờ tác giả đã giúp tôi hiểu chúng là gì. Cảm ơn tác giả nhiều lắm. Mong sao được đọc nhiều hơn nữa các bài viết mới.
02/10/201903:51:47
Khách
Cảm ơn Từ Huy nhiều. Tại tâm Huy nhân hậu nên thông cảm dễ dàng những ý tưởng xót xa, lời nói thương cảm cho " thế gian bao la sầu" tôi diễn tả. Chúc vui luôn.
02/10/201900:46:46
Khách
Một bài viết hay. Ngợi khen tác giả đã kể ra nhiều chi tiết mà có thể không ít người Việt ở Cali cần biết .
01/10/201923:25:15
Khách
“Nhìn những bóng đen xa gần ngoạy ngọ trong yên lặng, tự nhiên tôi cúi đầu rời hàng, mếu máo, thầm cảm ơn được ban nhiều ơn phước, bỏ về. Rời freeway một mạch về nhà ở Riverside, mở cửa bước vào, lên giường kéo mền ngủ tiếp…”

Dễ thương chi lạ!
Thưa chú, thường thì đọc xong bài viết nào của chú, cháu cũng có cảm giác thư thái an lạc. Đọc xong bài viết này thì trong đầu của cháu hiện lên bốn chữ: Hạnh Phúc Ngậm Ngùi 🌹🤓
Cháu mong được đọc bài viết của chú... mãi.
Kính mến.
01/10/201919:51:40
Khách
Bài viết này cho thấy thêm một khía cạnh của cuộc đời. Đúng là ở Mỹ có đủ thứ "thượng vàng hạ cám". Bài viết này chỉ nêu lên một vấn đề y tế. Người giàu có thì chi tiền rộng rãi, kẻ nghèo thì cũng có chỗ để nhờ vả. Ăn uống cũng vậy, người giàu có thì chi tiêu vài nghìn đô một tháng, người nghèo thì vài trăm đô cũng đủ. May mặc thì bộ quần áo cao giá hàng nghìn đô, trong khi đó ở cửa hàng bình dân thì chỉ vài chục đô một bộ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,188
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Nhạc sĩ Cung Tiến