Hôm nay,  

Tình Thầy Trò

23/09/201900:00:00(Xem: 10904)

Bài số: 5793-20-31599-vb2092319

 

Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12,  “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 9 của tác giả kể về cuộc họp mặt năm 2019 của Trung học Nữ Thành Nội.

 

1 Nu TN 2019

Họp mặt Trung Học Nữ Thành Nội ở Little Saigon và đi dã ngoại tại lâm viên quốc gia Yosemite.  

 

re 48
Họp mặt Trung Học Nữ Thành Nội ở Little Saigon và đi dã ngoại tại lâm viên quốc gia Yosemite.  

***

Cuối tháng 8 tôi lại có dịp về Nam Cali dự họp mặt trường Trung học Nữ Thành Nội-Huế.

 Đây là chi nhánh của trường Đồng Khánh, khi số học sinh càng ngày càng đông không đủ lớp cung ứng cho học sinh, nên năm 1965 Bộ Giáo Dục đã có nghị định xây thêm ngôi trường trong thành được đặt tên là Nữ Thành Nội, ai ở trong thành và phía bắc sông Hương sẽ học trường mới này.

Cuộc họp mặt 2019 đã được dự trù gần 1 năm trước. Việc đầu tiên là thuê nhà cho chị em từ xa đến ở lại, thuê nơi tổ chức tiền họp mặt, tìm nhà hàng cho ngày họp mặt chính, sau đó là đi cắm trại 3 ngày ở Lâm Viên Quốc gia Yosemite.

Xe đò Hoàng về đến Santa Ana, bạn Tuyết Vân chở tôi về ngôi nhà thuê vacation home đã có sẵn các chị em.

Chiều hôm đó Dạ Điểm đem đến toàn món Huế như mắm rò, dưa chuối củ kiệu, thịt heo luộc, dưa môn, cá nục kho khô, vả trộn...thiệt không tả được ngon cỡ nào.

Cũng kể thêm trước đó một tuần người rể NTN thư cho group trường, báo rằng tay bị “đứt dây chằng“ chưa biết có đi được không.  Chị em nghe hốt hoảng vì đây là ông rể quý của trường, không biết anh thương vợ hay sợ vợ mà làm rể hết mình từ bao nhiêu năm qua, hễ có họp mặt là có đưa đón từ xe đò và cả phi trường, chưa kể nhà mở toang cánh cửa cho chị em vợ tới làm loạn, đã vậy còn nhiều lần âm thầm bỏ tiền bạc vô quỹ nhà trường để giúp Thầy Cô và bạn hữu bệnh hoạn bên quê nhà.

Ngày thứ bảy tại hội trường thánh Giuse đường Brookhurst khởi đầu tiền họp mặt. Không biết anh rể khéo miệng khéo mồm tới cỡ nào mà ông chủ hội trường không tính tiền, còn ngọt ngào một câu “Ai mà nỡ lấy tiền của những người đep xứ Huế“.

Chị Mễ Khuê từ Colorado, chị Công từ Florida, chị Đoàn thị Điểm từ Seattle, Bích Thuỷ từ Houston, Đông Trinh từ New York cùng nhiều chị em khác ở xa đã tập dợt hoạt cảnh Hai Bà Trưng thật oai hùng.

Hảo cung cấp các món ăn Huế đã nhiều mà còn rất ngon lành.

Chị em hàn huyên và tíu tít chung quanh cô Hiệu trưởng, cô giáo Trương Hoa từ Việt Nam, cô Đạm Tuyết từ San Jose xuống.

Lúc này vẫn có mặt ông anh rể đến tham dự, chị em thấy có mầm hy vọng, cánh tay đau đã thuyên giảm nên hát to lên “Hy vọng đã vươn lên trong lòng anh, trong lòng tôi, cho ngày mai ...” đầy sự hớn hở.

Chủ nhật chính thức họp mặt tại nhà hàng Moon Light trên đường Beach. Cảnh tưởng tưng bừng náo nhiệt, có Thầy Hạnh từ Texas qua, cô Mộng Hà, cô Thanh Tâm dạy trường Đồng Khánh, là người đã đề nghị xây thêm trường mới, giải quyết số học sinh càng ngày càng đông thời đó,

 Có điều đáng buồn là rể NTN vừa xuất hiện khoảng 10 phút, chớp được một tấm hình thì cánh tay nhức nhối không thể tham dự. Thật đáng tiếc “mình tính không bằng trời tính“, như vậy kế hoạch đi Yosemite ngày mai không lẽ đành bó tay?

Thật may mắn đã có 6 ông rể khác phụ trách cho trọn niềm vui.

44 năm như bóng câu lướt qua khung cửa. Những học sinh ngày ấy nay đã trở thành bà nội, bà ngoại như được trở về dưới mái trường với tà áo trắng, với hàng phượng đỏ ...tươi vui hò hát, múa ca, chụp hình lưu niệm cùng bạn bè và Thầy Cô.

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải dừng, chia tay bịn rịn, cho số phone, hứa hẹn những ngày tới, bao nhiêu vòng tay ôm xiết cô giáo, che giấu nỗi xúc động trên xứ người từ các bạn ở Việt Nam qua dự.

Sáng thứ hai (26/8) chúng tôi còn lại một số người gồm hai cô giáo, các môn sinh và phu quân với 5 xe tiến lên Lâm Viên QG Yosemite từ các hướng.

Thao Thao là người hướng dẫn đi thăm nhiều cảnh trong rừng, bạn cho biết mặc dầu Mỹ có nhiều cảnh đẹp, nhưng cô mê Lâm viên này, rất xứng được chọn vào hàng Top of Ten. Cô đã ghi danh cả đoàn gần một năm trước để có lều trại. Mỗi lều 4 người, tiền đóng khoảng hơn $250  một lều cho 3 ngày 2 đêm.

Tuy từ Santa Ana đến Yosemite độ 300 mile nhưng có nhiều đèo, đường hẹp nên lái xe phải mất hơn 6 tiếng.

Trong đoàn đã thảo luận trước về các món ăn đem theo để khỏi bị trùng nhau 3 ngày.

Đặc biệt anh Phước chị Thí ở thành phố Pomona (miền Nam Cali) năm ngoái đã thay nhau đón chị em NTN về nhà tổ chức họp mặt, sau đó theo sự sắp xếp của Chanh, cả đoàn đi tàu biển cruise du lịch qua Mecico. Năm nay chị lo nồi bún bò, một thau thịt nướng, đem theo 3 con gà đi bộ để nấu cháo; Kim Xuân ở Sacramento lo nồi cari, nồi xôi thịt hon, nồi chè; Dạ Điểm 2 khay xôi và hộp cá kho khô; Huỳnh Thơ gói bánh lọc; các chị em khác trái cây, chips, nước, mì tô, bánh ngọt... đặc biệt Chanh chở theo nhiều củi để đốt lửa trại.

Cô học trò Thao Thao còn gởi mail dăn dò các thứ cá nhân đem theo như sau:

“Vật dụng cá nhân mỗi người cần chuẩn bị:

Mỗi lều ở có 1 giường đôi và 2 giường đơn (giường tầng), có nệm nhưng drap thì phải trả tiền thuê $10 cho 3 cái drap trắng sạch mới lấy trong máy gặt sấy ra, không có gối, mền. Vậy nên mỗi người cần đem 1 túi ngủ để ngủ cho đủ ấm vì ban đêm rất lạnh.

- Đèn pin để đi restroom và đi dạo ban đêm. Restroom cách lều khoảng 20m nhưng vẫn cần đèn pin.

Trong restroom thì có đèn điện.

- Trong lều có 1 bóng đèn và 1 ổ cắm điện, cần đem theo dây điện và ổ cắm extension cord để nhiều người có thể charge điện thoại và cắm bếp nấu.

Vô Yosemite thì điện thoại không có sóng, không có wi-fi, chỉ dùng để chụp hình thôi.

 - Đem theo áo jacket vì sáng sớm và chiều tối lạnh.

 - Đi giày thể thao, giày hiking càng tốt.“

Vì hai Lúa tôi lần đầu tiên đi nên rất vui mừng yên tâm làm theo những lời hướng dẫn của bạn.

Buổi chiều xe chúng tôi đi ngang Wawona Road qua đoạn đường hầm xuyên núi, ngắm cảnh ở Tunnel View thật dịu mát, khoáng đạt. Tuyệt vời những dãy núi cao sừng sững, chúng tôi đã dừng lại bên đường lấy vài tấm hình, sau đó đến Bridaveil Falls, thác này đặc biệt vì có nước quanh năm không bị khô vào mùa hè như các thác khác ở Yosemite.

Trong lúc đợi các xe tập trung để cùng nhau về trại Housekeeping Camp, South Dr. , Yosemite Valley, chúng tôi tự do đi hiking vào thác, đường trail ngắn dễ đi.

Gió chiều nhè nhẹ, những tia nắng vàng xuyên qua kẽ lá rung rinh, dãy núi cao vời vợi, dòng suối chảy từ trên đỉnh nhẹ nhàng như một dải lụa mềm mại buông lơi.

Khi các xe đã tập hợp đầy đủ, chúng tôi vào trại làm giấy tờ thủ tục xong để về lều mình. Ngay sau đó cả đoàn được dùng tô bún bò nóng, cay.. ngon hết sẩy.

Vì mấy ngày sinh hoạt và đi đường xa mệt nhọc, nên ai cũng muốn nghỉ ngơi sớm, lấy sức cho chuyến du ngoạn ngày mai.

5 giờ sáng tiếng nói chuyện đã râm ran từ các lều chung quanh khi tôi còn đang mơ màng nửa ngủ nửa tỉnh: tiếng mời nhau cà phê, trà nóng... Phòng tôi 4 người phụ nữ đã thức dậy, ai cũng có cảm giác lâng lâng của buổi sáng còn ngái ngủ, khi các lều ẩn hiện mờ mờ dưới ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn lu.

Có tiếng gọi ăn sáng để chuẩn bị đi chơi. Tô cháo gạo đỏ với cá nục kho khô chị Thí đã thức sớm chuẩn bị trong khi mọi người còn ngủ, tình thương của chị thật bao la “mình vì mọi người“.

Chúng tôi tha hồ đi ngắm nhiều phong cảnh hữu tình, qua rừng qua núi với đôi giày thể thao, mũ, chai nước, snack trong balô mà bước. Có những rừng cây mấy ngàn tuổi, có cây gốc mở rộng khoét thành ô vuông để xe chạy qua nhìn rất ngoạn mục, biển nước mênh mông êm ả, rừng cây, thác suối rì rầm với đàn nai ngơ ngác...

 Nhớ câu bạn Thao Thao nói “sinh hoạt lý thú của tuổi xế chiều, khi mà các nhiệm vụ với đời đã gần hoàn thành xong, việc quan trọng bây giờ là hưởng các thi vị cuộc đời, việc làm kiếm tiền cũng sắp thành phù du rồi...”. Tư tưởng này cũng na ná câu người Mỹ trong hãng tôi thường hay nói:

“Life too short. Before too late“.

Leo dốc cao vô rừng thông hơn 1.4 miles, vô ra là 2.8 miles, lúc vào xuống dốc chưa dùng sức, nhưng khi trở ra lên dốc thì bắt đầu thở dốc, mồ hôi nhễ nhãi, mọi người vẫn tươi cười... Kẻ thong thả chống gậy vừa đi vừa hát nhạc thiền ca, người nhắc nhau hít sâu thở ra, mệt ngồi nghỉ đôi ba phút. Sau đó tập trung ăn trưa bên đường rất thú vị, đầy ngoạn mục

Nghĩ mến mấy ông rể NTN quá hiền lành vui vẻ, phục vụ chị em đầy nhiệt tình từ giữ chức vụ tài xế lái đường núi quanh co uốn lượn, núi cao vực sâu hàng trăm miles, xe chạy êm ả chẳng ai chóng mặt nôn ói, trái lại huyên thuyên các đề tài tiếu lâm với trận cười sảng khoái vui tươi, tiến quân vô rừng với tinh thần phấn khởi hăng say, mấy chị em luôn miệng nhắc khi nhớ đến người rể quý.

_ Giờ này chắc anh rể đang nằm khóc tấm tức vì không được đi, giấc mộng ấp ủ cả năm trời nhưng rồi cuối cùng chỉ một mình bà xã tham gia. Nếu giờ này có anh rể thì còn có nhiều trận cười no say, có thêm tay phụ chớp hình đắc lực nữa, thiệt uổng quá.

Mà đúng vậy, các rể đã ê càng chạy ngược chạy xuôi chụp hình bà xã và luôn cả chị em vợ, nhiều máy đưa nhờ chụp riêng, bao nhiêu cũng không đủ, phe phụ nữ tha hồ tạo dáng tạo kiểu, quên mất mình đang ở tuổi trên dưới lục tuần ...đó là hạnh phúc, hạnh phúc hồn nhiên tự phát quên hẳn không gian và thời gian, chỉ còn niềm vui bên nhau.

Lâm viên Yosemite nói theo thổ âm của người Miwok nghĩa là Killer, cao gần 4km so với mặt biển, rộng tới 1,700 square mile. Hằng năm có từ 4 tới 5 triệu du khách tới đây.

Ngày xưa, người Miwok sống về nghề săn bắt nai và cá salmon, ăn bột hạt của cây sồi.

Khi người da trắng ồ ạt đổ về đây đào vàng thì trận chiến với người da đỏ trở nên khốc liệt.

Họ bại trận và bị dồn về phía đồng bằng gần Fresno.

Ở Công viên này có loài cây Sequoia rất nổi tiếng, đặc biệt nhất là cây Wawona tree cao tới 69m, chu vi gốc là 27m. Năm 1881 được 2 anh em nhà Scribner đẽo bằng búa xuyên qua gốc cây để làm 1 con đường cho xe chạy qua. Tiền công là $75 tính ra tiền năm 2019 là khoảng $2,000. Năm 1969 có 1 trận bão tuyết rất lớn, tuyết đọng trên cành nặng quá đã làm cây đổ gục. Các nhà khoa học đếm vòng mộc của nó thì biết cây được 2,300 tuổi.

Trên đường trail, nhìn cô hiệu trưởng Tôn Nữ Tiểu Bích năm nay đã 83 thật thương quá, không chịu học trò dìu dắt, vẫn tiến bước mặt mày tươi cười đầy nét hạnh phúc bên đám học trò ngày xưa . Cô là bóng mát của mái trường xưa, là linh hồn cuộc đi chơi hôm nay. Nhìn rừng xanh tươi mát, cô hát khe khẽ bài “Suối Mơ“ của nhạc sĩ Văn Cao, “Suối mơ, bên rừng Thu vắng / Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng ...”

Ký ức chợt quay lại trước năm 75. Cô giáo sư trẻ Tôn Nữ Tiểu Bích của trường Đồng Khánh được điều động về làm Hiệu trưởng trường chi nhánh. Hình ảnh Cô từ ấy đến nay luôn sang trọng đài các.

Từ ngôi trường thuở ban sơ chỉ có đệ nhất cấp, khi lên đệ nhị cấp học trò phải chuyển qua trường Đồng Khánh, chỉ cần vài năm sau dưới sự vận động, tài xã giao của Cô, trường đã được xây cất thêm lớp 10, 11, 12.

Còn nhớ ngôi trường Nữ Thành Nội xưa nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, chạy thẳng vào Mang Cá là Quân Y Viện. Mỗi ngày tiếng máy bay, tiếng xe cứu thương hướng vào Mang Cá, Cô trò trăn trở theo chiến cuộc. Trường thường tổ chức những cuộc thăm viếng các chiến sĩ bị thương, hoặc sau các trận chiến thắng trở về, cũng được cô điều động ra Phu Vân Lâu choàng vòng hoa cho các anh chiến sĩ trong buổi lễ.

Cô luôn có lòng bác ái thường đan áo len cho các học sinh nghèo, vì tình nghĩa đó mà mấy chục năm sau, có người học trò tên Xuân Ba luôn trăn trở ân nghĩa, khi qua Mỹ đã quyết chí săn lùng tìm kiếm học trò cũ, đứng ra tổ chức những cuộc hội ngộ đem đến niềm vui cho người Thầy với tuổi xế chiều.

Học trò Trường Nữ Thành Nội ngày xưa nay lưu lạc tứ xứ, kẻ đạt danh vọng cao, người thành đại gia trên xứ người, con cái đỗ đạt bằng cấp cao nhưng không vì vậy quên những người bạn nghèo, các Cô Thầy bệnh hoạn về già túng quẫn nơi quê nhà. Sự liên lạc chặt chẽ, thân tình và chia sẻ, tất cả nhờ chị Xuân Ba đã bắt nối nhịp cầu.

Đêm cuối cùng đốt lửa trại, được ăn món cháo gà Thành Nội nóng hổi. Ngọn lửa bừng lên giữa lòng hoàng hôn buông xuống, nét mặt cô trò mơ màng về ngôi trường cũ, về khoảng thời gian tuổi học trò đẹp nhất nhưng cũng nghịch ngợm nhất.

Chúng tôi ngồi ôn chuyện trường cũ:

...Một sáng thứ hai đầu tuần lớp tôi đến phiên chào hát quốc ca, không biết sao sáng đó hát rất uể oải, bị cô Hiệu trưởng phạt bắt hát lại 10 lần. Lúc đó có Thầy Tạo mới được bổ nhiệm về dạy chúng tôi giờ đầu, cứ đứng chờ hoài trước cửa lớp, khi các em trở về lớp bị vị tân giáo sư chọc quê:

“Các em sáng nay tập hát để làm ca sĩ à?”

Trò Kim Hoàng không để ý lời Thầy nói mà chỉ để ý đến chiếc áo sơ mi màu hoa cà trên người ông, tự nhiên nó đọc thơ:

“Em yêu màu tím hoa cà.”

Thầy vừa bước vô cũng quay đầu lại:

“Thầy yêu màu trắng học trò trinh nguyên.”

Cả lớp phản ứng nhao nhao chọc thầy đỏ mặt luôn.

Hai năm trước Thầy có qua dự hội ngộ Nữ Thành Nội tại Little Saigon, học trò nhắc lại, thầy cười nheo mắt nói: “Tụi bây hồi xưa nghịch quá!”

Kỷ niệm đứt đoạn khi mọi người muốn hát, chúng tôi hợp ca những bài hùng mạnh, các cô giáo ngồi nhìn đám trò cũ trìu mến. Nụ cười và ánh mắt đầy tươi vui như cô Hiệu trưởng vẫn thường chia sẻ.

-Không ai hạnh phúc như cô vì cuối đời được có đám học trò luôn sát cánh, cùng chơi, cùng vui, cùng san sẻ yêu thương với các thầy cô cũ còn nơi quê nhà.

Một trường Nữ Thành Nội tuy đã mất tên, đã bị bụi thời gian vùi lấp, nhưng nó luôn hiện hữu trong trái tim nồng ấm của tình Thầy Trò được may mắn sống trên xứ người.

Lửa tàn dần, đêm đã khuya, các rể cẩn thận xách nước dập tắt lò,  chúng tôi vẫn còn bịn rịn cuộc vui, vẫn muốn níu kéo thời gian thêm nữa.

Ngày vui qua mau... hôm sau chia tay, tạm biệt, đầu óc tôi vẫn còn say, say cái tình chị em trường trung  học Nữ Thành Nội luôn đầy ắp, chân tình, tốt bụng, say bóng mát các Cô giáo cho ẩn náu thật êm ả nơi mảnh đất quê hương thứ hai này.

Cám ơn trời đất đã cho chúng tôi được hít thở không khí tự do, đời sống dân trí cao, có điều kiện thoả mãn những ước muốn, được nhìn ngắm cảnh núi non hùng vĩ bao la của một nước Mỹ hùng mạnh, khí thế đàn anh đầy lòng nhân đạo và yêu thương.

Ngày cuối có 4 bạn trên đường về ghé San jose, Thanh Xuân và Đông Trinh là đôi bạn sau 44 năm chưa hề gặp mặt, nên các chị em sinh sống miền Bắc Cali đã họp mặt tại nhà Thanh Xuân chào đón 2 cặp Hay và Đông Trinh. Tuy không học cùng lớp nhưng chị em NTN là vậy đó, hễ cứ học trường Nữ Thành Nội là xem như chị em một Mẹ Tiểu Bích sinh ra.

Rồi lại chụp hình, ăn uống những món Huế như bánh lọc trần, bánh Ít ram, bánh cuốn thịt nướng, thêm nồi bún cua đặc biệt do Thanh Xuân nấu ...để nhớ Huế, nhớ khung trời thơ mộng mà lũ chim non đã rời bỏ, tung cánh bay xa nơi đất khách ...

Tôi thiết nghĩ sau buổi họp mặt, sau lần vui chơi dã ngoại này, chị em chắc hẳn sẽ được tăng... tuổi thọ

9/2019

 

Minh Thuy

Ý kiến bạn đọc
19/11/201900:58:45
Khách
Có lẽ không có cuộc hội ngộ "cựu học sinh/thầy cô" trường nào đạt mức độ "kỷ lưỡng và chu đáo" bằng Trung Học Nữ Thành Nội! Phía thầy cô thì sự có mặt (và cùng đi du ngoạn) của Bà Hiệu Trưởng đã trên tám mươi tuổi đủ cho thấy tình cảm thầy trò của NTN quá tuyệt vời! Rồi những cựu học sinh từ quê nhà cũng vượt đại dương sang họp mặt... Việc tổ chức cũng không chê vào đâu được, nhất là cuộc du ngoạn tại Công Viên Quốc Gia Yosemite.
Không là phóng viên nhưng bài tường thuật của tác giả Minh Thuý vô cùng
sinh động, cho độc giả cảm giác "được xem màn hoạt cảnh" hấp dẫn của các nữ sinh Thành Nội một thời. Đan xen các hoạt cảnh ấy là những mẫu hồi ức, kỷ niệm khi cảm động bùi ngùi, khi dí dỏm trào lộng... Đây chinh là sự khéo léo, tài tình của tác giả!
06/10/201903:04:11
Khách
Thật là quý hoá nơi quê người còn tổ chức chu đáo và cẩn thận. Mừng mọi người khoẻ mạnh, vui vẻ ăn uống theo lối Huế. Tác giả có trái tim nhân hậu. Thật là hạnh phúc dường bao. Khâm phục.
23/09/201915:43:06
Khách
đôí với những ngươì Việt rơì nước sau 1975, chữ dã ngoại nghe rất lạ lùng. Mục viết bài này dành cho ngươì đọc từ khắp năm châu, chúng ta nên dùng chữ du ngoạn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,115,532
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Nhạc sĩ Cung Tiến