Hôm nay,  

Chuyện Má Kể

29/08/201900:00:00(Xem: 9148)

Chuyện Má Kể

Tác giả: Trương Ngọc Anh

Bài số: 5775-20-31582-vb5082919

 

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết  2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 

***

 

Chúng tôi có 8 chị em, 7 trai một gái, í không phải, là 7 gái và 1 ông con trai duy nhứt mà mấy chị em tôi đặt là “Cục dzàng” của Ba Má. Ba tôi bị cộng sản thảm sát năm Mậu Thân khói lửa ở Sài Gòn. Năm đó, nhỏ Thúy vừa mới ba tuổi, chưa biết nó là út, còn đeo vú má, nếu không, tôi nghĩ với thời gian 2-3 năm có thêm 1 đứa thì đà “sản xuất” đó chị em tôi còn có ít nhứt chục mười hai. Tội nghiệp nhỏ Út bất đắc dĩ, nó nói: “Em không nhớ mặt Ba, nên em phải coi hình Ba hoài, em thương Ba lắm.”

Nhỏ này giống Ba nhứt.

Năm Ba chết, nhỏ út Thúy mới bi bô nói chuyện, nó thường ganh tị với đứa cháu trai nhỏ, tên Paul là con của chị Hai, mới 1 tuổi thường được Ba ẵm mỗi khi đi làm về, hay đặt ngồi phía trước Ba trên chiếc xe mô-tô phóng vòng quanh cư xá Phú Lâm A, rồi chạy tuốt ra xa cảng Phú Lâm, khu đài ra-da của lính Mỹ gần đó mấy vòng cho mát.

Ba tôi người gốc Triều Châu, Ông Bà Nội và bà con bên Nội đã sinh sống ở Việt Nam mấy đời. Tuy theo Tây phương trong kiến thức học vấn, nhưng vẫn nệ cổ ở chuyện phải có con trai nối dõi tông đường. Tiếc thay, “Cục dzàng” của Ba Má không có con trai, chỉ có 2 cô công chúa xinh đẹp, coi như dòng họ Trương đứt đoạn rồi Ba ơi. Ba ở trên Trời cũng đừng buồn, vì đám cháu chắt và chắt nữa của Ba Má có nhiều con trai lắm, phá dàn trời mây như tiểu Tôn Ngộ Không, tuy không mang họ Trương, nhưng cũng có dòng máu của Ba chảy trong huyết quản.

Má tôi, rất được dòng họ bên chồng  tôn trọng và kính nể, vì má đã thờ chồng một lòng chung thủy suốt đời, nuôi 8 đứa con, gánh trên đôi vai gầy guộc biết bao nhiêu là khổ cực trần ai, khi cây cột chánh trong nhà bị gãy ngã.

Đôi khi ngồi buồn buồn, nhớ Má, nhớ Ba, nhớ mấy chị em đang sống ở xa, tôi mở album coi lại hình xưa, nhận ra vào năm 1975, khi Má cùng bầy con 8 đứa, đều được sum hợp ở Mỹ, trong hình Má lúc đó vẫn còn quá trẻ. Ngó lại tuổi xuân của Má mà đau lòng. Năm 75 và sau đó, Má còn sung sức, khoẻ mạnh, nên má làm việc không biết mệt trong một hãng may mền vải, may màn cửa sổ của một công ty ở thành phố Reno, tiểu bang Nevada, và sau này ở thành phố Los Angeles, tiểu bang California.

Trong hãng may ở Reno có ông thợ sửa máy may người Mỹ, to lớn, còn phong độ lắm. Ngày trước 75 ông đã từng là phi công trong Không Quân Hoa Kỳ, đánh giặc ở Việt Nam. Chúng tôi 4 đứa cũng làm việc trong hãng may này, vì cần tiền trang trải những chi phí nhà ở, cơm ăn khi chính phủ Mỹ không có một trợ cấp nào cho người tị nạn cộng sản lúc đó ngoài việc giới thiệu việc làm cho người trưởng thành, giúp đỡ thủ tục cho đám em nhỏ trở lại trường học, cho nên, phận tôi, đang là cô sinh viên trường Luật tràn trề mơ ước, trở thành cô thợ may và may rất giỏi như Má. Thuở đó, tiền lương giờ rất thấp, tôi nhớ đâu chỉ hơn 1 đô la mỗi giờ làm việc. Nhưng có thêm giờ làm ngày cuối tuần, giờ phụ trội, nếu chịu khó, và may giỏi (trả tiền thêm theo số lượng mình may nhiều hơn số căn bản) nên cũng kiếm được kha khá, tuy cảm thấy rất buồn vì không có cơ hội đi học lại.

Trở lại chuyện ông thợ sửa máy. Mấy chị em để ý, ổng hay xách thùng đồ nghề, rề rà gần chỗ má làm việc. Mới đầu tưởng máy may của Má bị hư, sau mới biết ổng rề rề theo Má vì lý do khác. Tụi tôi cũng có ý đốc xúi Má, vì lúc đó Má còn trẻ, lại đẹp nữa. Nhưng Má tôi thì chỉ có “Ba tụi bây” là người đàn ông duy nhứt trong đời Má.

Hình xưa coi lại, má mặc áo choàng dài, tóc uốn cong cong, đứng tươi cười trên bãi tuyết trắng trước sân nhà, như má đang nhìn Ba. Má đẹp như vậy thảo nào ông phi công Mỹ oai hùng ngày xưa si mê quanh quẩn suốt ngày gần chỗ má may đồ.

Má tôi tuổi con trâu, năm nay tính theo tuổi ta cũng đã 95. Má già và yếu lắm, đi đứng rất chậm chạp từng bước một, ra ngoài đi chơi phải ngồi xe lăn. Má nhẹ hều, chiếc xe lăn cũng nhẹ hửng nên đẩy má là chuyện dễ òm. Chị Hai thường dành việc này, là vì hai chân của chế cũng yếu, khi đẩy xe chế tựa luôn vào, nhứt cử lưỡng tiện nên tụi tôi để chế làm.

Ngày xưa, đọc sách báo thường thấy chữ “Ốm như xác ve”, bây giờ tôi mới hiểu ốm như vậy ra sao! Má nhẹ hều vì ốm lắm, chỉ còn da bọc xương nhăn nheo già cỗi như lớp vỏ ngoài của mấy cây cổ thụ. Tối tối, thoa dầu và bóp chân cho Má khi má than đau nhức, tôi bóp chạm tới phần xương bên trong. Như vậy thì có bớt được đau nhức gì, đành chịu thôi, dán thuốc dán cho Má, thấy như cầm hơi. Má ốm vì má ăn ít lắm, ngày vài muỗng cơm, chút xíu thức ăn rồi thì má đẩy ra, nói “Má no rồi”. Bắt má ráng ăn thêm thì má nói “Bao tử má nhỏ lắm”. Tội nghiệp chị Hai, đem thuốc uống để ăn ngon cho má, nhỏ bảy thì cứ mỗi 4 hay 6 tuần lên nhà vô nước biển cho Má suốt đêm, nhờ đó mà Má khoẻ hơn một chút, ăn ngon thêm một chút. Nhưng thân thể Má vẫn như cái xác ve mà tôi thường nhìn thấy đeo bám vào mấy chiếc lá mùa hè.

Những ngày ở bên Má, tôi thấy má ngủ rất nhiều, ngoài lúc coi phim trên tivi và ăn cũng như uống thuốc. Má già ốm và yếu như vậy, mà tánh tình vẫn cứ quật cường như khi còn trẻ, tự tắm một mình, ăn xong tự lần mò rửa chén, dĩa, ly tách má dùng, không để con cái làm. Chuyện này không thể nói Má được, và tôi nghĩ chỉ cần theo dõi Má, dẹp hết những chướng ngại trên con đường đi của Má để Má đừng vấp té, vặn nước ấm pha sẵn cho Má, Má tắm xong thì liền lập tức nhào vô, tắt nước cho má, vì má không nhớ bên nào là nóng bên nào lạnh. Khi tắm Má nhứt định là phải đóng cửa lại. Có lần tôi chọc Má: “Có con thấy má thôi, má mắc cỡ gì, Má tắm phải để cửa mở, có gì…”, thì má lắc đầu: “Má quen rồi, phải đóng cửa khi tắm”.

Thiệt tình, Má tưởng má còn là cô tiểu thơ.

Tôi nghiệm ra một điều, thói quen của người già rất khó bỏ, và càng lớn tuổi, người già càng ôm chầm chầm quá khứ. Má thường hay hỏi: “Thằng Long có cơm ăn không?”

Trời đất ơi! vợ của thằng “Cục dzàng” đó mới nấu nồi cơm, xào dĩa đậu đũa tỏi thơm lừng, ram tôm thịt lên màu đỏ au bắt mắt, kèm theo dĩa rau dền luộc màu xanh tươi ngon lành nữa kìa.

Tụi nó đang ăn dưới lầu.

Má nhớ chuyện gì đâu!

Ngay cả lúc Ba đột ngột qua đời, chị em chúng tôi cũng được ăn uống ngon lành, chưa bao giờ bị đói cả, nhờ Má đã gánh vác hết những khổ cực trần ai để nuôi bầy con, rất giỏi kiếm tiền dù chỉ là túm quần áo may sẵn bán ngoài chợ, lúc nào chúng tôi cũng có cơm ăn no, chưa từng mặc áo quần rách hay vá, thằng “Cục dzàng” còn được má gởi vô trường nội trú Đắc Lộ, tiền trường rất mắc, để cho nó không theo bạn bè mà hư đốn tuổi trẻ.  Hay Má nhớ thuở trào Tây, lúc má còn con gái chạy giặc nhiều lần, hết giặc Tây tới Việt Minh ruồng bố, có bữa đói bữa no???

Hôm nghe Má hỏi thằng “Cục Dzàng” của Má có cơm ăn không, tôi ngồi bên má, hỏi Má những chuyện xưa để gợi trí nhớ cho má. Tôi hỏi Má về loại vải may quần sa ten màu đen, bóng loáng, mịn màng như lụa, mềm mại rất đẹp, mặc với áo bà ba, là hàng Mỹ A xuất phát từ làng quê má ở. Má nói, thời Má, mấy cô gái quê lục tỉnh có được chiếc quần Mỹ A là thích lắm, nó rất bền, đẹp, càng giặt càng chắc tốt, màu đen càng bóng ngời ngời. Mỹ A là loại vải của người Chà Và làm ra chớ không phải của người Việt, đặc biệt chỉ có ở Tân Châu Hồng Ngự (Châu Đốc). Họ dệt, nhuộm đen và bán cho người Việt mình chớ họ không có mặc, má nói, hình như họ nhuộm bằng trái “mặc nưa”?

Rồi má kể tiếp, chuyện ghe thương hồ.

Má sanh ra ở làng Mỹ Đức, cách chợ tỉnh Châu Đốc khoảng 8 cây số, xuống khoảng 11 cây số là Cả Dầu. Gia đình Má có 7 anh em, anh trai đầu, 6 em gái. Ba Má cưới nhau xong thì ra riêng. Trước đó ông ngoại làm nghề nông, còn gia đình bên bà ngoại mua bán, gốc Tiều (Triều Châu). Sau khi sống chung, Bà ngoại không thích làm ruộng dù bên ông ngoại là chủ điền, nên ông ngoại mua chiếc ghe chài lớn để gia đình sống và làm ăn, vì vậy anh trai của má sanh trên bờ, các con gái đều sanh dưới ghe ngoại trừ em gái út sanh trên bờ lúc ông ngoại cất nhà. Trên ghe chài này mui ghe lót ván, và làm thành một từng rộng ở trên lót mái lá, như vậy là ghe có hai từng. Ở phía dưới ghe chia hai, phần trước chứa đồ hàng xén đủ thứ để bán, từ cà ròn, gạo, nước mắm, đường, muối, than đước, bánh kẹo, cho tới cây kim, sợi chỉ. Phía trong là chỗ gia đình ở. Từng trên dành cho hai người làm công ngủ, công việc của họ là chèo, chống ghe. Đàn ông ở từng trên, đàn bà ở từng dưới. Hai bên ghe có 2 cái bè, chứa những vật nặng để bán như lu, khạp, hũ, nồi, cà ràng (một loại bếp có đáy chứa tro và than đỏ)… tất cả đều bằng đất sét nung. 

Gia đình má buôn bán theo con nước, nước lớn chèo đi, nước ròng đậu lại để ngủ. Cứ tiện đâu thì đậu đó, không có bến nhứt định. Phía sau ghe có cầu vệ sinh, ông ngoại còn làm thêm cái chuồng nhỏ nuôi heo, vài con gà để ăn khi cần.

Gia đình ông bà ngoại với 6 người con sống trên ghe chài như vậy tới 14 năm, đời sống thanh bình yên ổn. Ông ngoại nói bán thứ gì cũng có lời, phần nhiều bán chịu, tới mùa người ta mới trả tiền. Người dân quê thiệt thà, không gian xảo, tin cậy nhau, nghề buôn bán không cực khổ như nghề làm ruộng. Ông ngoại bà ngoại thương yêu nhau, cuộc sống trên ghe chài nhàn nhã, cá tôm đầy sông. Siêng thì đặt giỏ phủ ít lá cây bẻ hai bên bờ rồi cột dây, buổi sáng để dưới nước, chiều kéo lên cả giỏ đầy cá tôm. Nếu bận rộn mua bán thì kêu ghe lườn chài của người Chà Và lại mua cá.

 

(Còn tiếp một kỳ)

Trương Ngọc Anh

Ý kiến bạn đọc
30/08/201919:06:17
Khách
Hân Trần mến
"Đọc xong nhớ mẹ!" , hạnh phúc lắm khi có MẸ để nhớ . Cám ơn đã chia sẻ nỗi nhớ . Xin chúc lành
30/08/201919:00:18
Khách
Dong Trinh thân mến
Cám ơn DT đã đọc bài. Ai cũng có 1 người Mẹ để thương để nhớ . Chúc DT mọi sự bình an nha
30/08/201918:56:24
Khách
Trang Nguyen
Cám ơn bạn đã đọc và gởi lời khuyến khích. Xin chúc vạn sự lành
30/08/201915:28:59
Khách
Thể lệ tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ khởi đầu, năm 2000, có ghi rõ: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết có thể gửi nhiều bài tham dự, hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ."

Đây là cái link: https://vvnm.vietbao.com/a239020/hop-mat-viet-ve-nuoc-my-16-thang-8-2015-20-tac-gia-se-nhan-giai-nam-thu-xvi
30/08/201905:23:41
Khách
Đọc xong nhớ mẹ!
29/08/201918:53:05
Khách
Tím ơi, càng đọc, càng thương bác gái, càng nhớ má Đ!
,
29/08/201915:33:32
Khách
Bai hay qua’, ra^’t cam dong. Ca’m on ban chia xe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,183
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước đó, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley.