Bài số: 5764-20-31571-vb5081519
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Năm nay, với bài viết về nghề phi công không người lái, (ngồi dưới đất điều khiển cái máy bay trên trời), ông nhận thêm giải vinh danh tác giả, thường được gọi đùa là giải á hậu. Tác giả hiện đang là một dân sự Mỹ làm việc tại Phi giúp chống khủng bố. Ngày họp mặt, ông không thể rời nhiệm sở, phải nhờ bà xã đi nhận giải thay. Bài mới được ghiû là viết khi “tham dự hàm thụ” từ Philippines.
Phu nhân tác giả nhận giải
***
Tháng Tám lại trở về trên tiểu bang California với cái nóng oi ả và những nôn nao ngày lễ phát giải dành cho các tác giả tham dự VVNM năm thứ 20, cũng là những ngày tất bật, bù đầu cho ban tòa soạn Việt Báo phải chuẩn bị, tổ chức sao cho buổi lễ thật vui vẻ, ấm cúng, và thành công. Riêng tôi, đây là sự mong đợi được tham dự, ấp ủ đã 3 năm, nhưng vẫn chưa một lần được như ý.
Tôi chán ông nhà thơ Xuân Diệu vì ông nói ông buồn, mà ông không hiểu vì sao ông buồn:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Trích thơ “Chiều”, Xuân Diệu).
Còn tôi, tôi biết rất rõ vì sao tôi buồn, buồn vì hành lý đã xong xuôi, công việc bàn giao đã chuẩn bị đâu vào đó, chỉ còn chờ người thay thế đến bắt tay cái rụp, là hôm sau tôi sẽ lên đường trở lại Mỹ để kịp cho ngày lãnh giải VVNM. Vào phút cuối, người thay thế tôi bị té gãy tay lúc đang bắc thang lấy suitcase xuống, chuẩn bị cho chuyến bay. Nghe nói phải băng bột, còn tay đâu cho tôi bắt.
Lúc nhỏ, tôi hay bị mắng là đồ vô duyên vì tôi chuyên cản mũi kỳ đà những chàng lính hào hoa lượn quanh nhà để tán tỉnh mấy bà chị tôi. Lớn lên, qua tới bên này rồi mà vẫn còn bị mắng là đồ vô duyên vì tôi cứ xáp vô chứ không chịu xáp …ra. Mà không sao, giờ người mắng là bà xã tôi rồi, nên vô duyên bây giờ đọc ngược là duyên-vô, một khi duyên-vô rồi muốn duyên-ra cũng không được: kết quả là cái án tù chung thân tình nguyện đến bây giờ.
Năm 2017, tôi có duyên với VVNM, được email báo trúng giải đặc biệt năm thứ 18 trong khi đang ở trong vùng khói lửa Afghanistan, xa lắc xa lơ không thể về được. Năm 2018, được giải danh dự năm thứ 19, tôi lại đang ở vùng khỉ ho cò gáy làm bạn với muỗi mòng và kỳ nhông, bên xứ Cameroon, Phi Châu. Năm nay 2019, lãnh giải chung kết năm thứ 20, tôi cũng vẫn không về được. Đúng là “đồ vô duyên”.
Nhớ lần đầu đóng góp bài VVNM với bài “Hôm nay tôi đi xe đạp” [https://vvnm.vietbao.com/a246520/hom-nay-toi-di-xe-dap.] Khi gởi bài đi, mong muốn đơn giản của tôi là bài được đăng để góp vui thôi, với lại thử coi mình có biết viết văn không, ai dè “giựt giải” đặc biệt với lời khuyến khích của ban biên tập như sau: “Thưa ông Tới, mong ông Tới “tới luôn, bác tài”. Và mong các bạn đọc cùng “tới” như ông”.
Câu nói này là lời động viên, một làn gió mới thổi tung tôi lên trên mây rồi rớt xuống đúng ngay vị trí …của người được giải đặc biệt. Từ đó tôi bắt đầu sự nghiệp “Em tập làm văn” cho đến bây giờ.
Thú thật từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ tôi có ý định dám làm thơ hay viết văn. Thơ của tôi làm “ngửi” không nổi, còn văn chương viết xong, đọc lại thấy rẻ như bèo.
Nếu không tin, mời bạn đọc thử xem thơ tôi làm có giống hay na ná như một ông “Bác” lớn lắm ở VN chuyên “mần” thơ bắt nhân dân tôn thờ và ngưỡng mộ như một danh nhân văn hóa không nhé:
“Đêm nay gió thổi lạnh lùng
Ba ơi ba để cái thùng ở đâu?”
Đọc xong, ai mà thấy tâm hồn thơ thẩn, hồn thơ lai láng, và lâng lâng như đang giữa mùa Xuân mà mơ về “Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Thơ Nguyễn Bính), thì tôi xin vái 3 lạy và tôn lên làm sư tổ nghề mần thơ.
Còn văn của tôi thì có thể so được với bài điếu văn đám ma.Thuở trung học, thày ra đề nhân dịp lễ tri ân chiến sỹ đã bỏ mình vì nước, em hãy viết về lá cờ tổ quốc, và tại sao em yêu lá cờ ấy? Đến ngày phát bài và chấm điểm, theo thông lệ, thày thường kêu tên học trò nào có bài viết hay nhất lên đọc cho cả lớp nghe. Hôm đó, thày kêu đích danh tên tôi làm suýt nữa tôi ngã ngửa ra ghế, các bạn trong lớp đều tròn mắt, há hốc mồm vì đây là chuyện lạ và động trời chưa bao giờ xảy ra.
Tôi hiên ngang bước lên bục giảng trước bao cặp mắt thán phục của bạn bè, nhất là các bạn gái nhìn tôi với cặp mắt tròn xoe mới dễ thương làm sao. Cầm tờ giấy, tôi dõng dạc đọc to phần đầu bài: -Hôm nay trường em kỷ niệm ngày chiến sỹ trận vong mà mưa cứ dầm dề rơi, cây lá ủ rũ không một chút gió, nhưng lá cờ sân trường em vẫn phần phật tung bay…” Đọc tới đây bỗng vài tiếng cười khúc khích nổi lên, rồi cả lớp cười rần rần, cười rũ rượi như chưa bao giờ được cười một bữa thỏa thuê như thế. Thày giáo vốn nghiêm trang cũng phải toét miệng tới mang tai. Tôi vẫn cứ đứng đực mặt ra như ngỗng …ỉa, tự hỏi tại sao họ cười? Bài tôi viết rất nghiêm trang và buồn ủ rũ kia mà?
Tôi trở về chỗ giữa những cặp mắt ái ngại mà không còn ái mộ của các bạn gái, trách thầm rằng người ta chưa thấy được văn tài của tôi. Thày từ tốn, chậm rãi giảng cho tôi hiểu: Khi em tả cảnh trời mưa, cây lá ủ rũ không một chút gió thì lá cờ của em bị ướt nhẹp, làm sao nó lại bay phần phật? Từ ấy “trong tôi bừng nắng Hạ”, cái ngu vỡ ra, và tôi đã thấy được “mặt trời chân lý chiếu qua tim”. Tôi đã tự hứa, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song nghề viết văn ấy, sẽ không bao giờ có tên tôi. (nhái lời “ông Bác”)
Vậy mà bỗng dưng tôi được giải đặc biệt giống như thiên lôi đánh hú họa, trúng tui, tui chịu. Nói vậy để quý vị nào lâu nay vẫn nghĩ “em chả” dám, hãy cứ mạnh dạn viết cho chương trình VVNM, vì viết nhiều rồi sẽ hay. Viết tới chừng nào mà không gió, cờ vẫn bay, cho tới khi có gió mà cờ vẫn rũ xuống là thành nhà “dăng” giống như tôi.
Tôi nhớ một lần, khi đang công tác bên Châu Âu, đang lang thang trên mạng và tình cờ đọc một thông báo của Việt Báo về ngày lễ trao giải. Tôi tò mò nhấp chuột vào mấy bài viết coi có hay không mà được giải. Thấy đa số tác giả đều là nhà giáo, cựu sỹ quan, hay các người ít nhiều có liên quan đến sách vở, viết Blogs, hay giới khoa bảng, còn tôi chuyên về kỹ thuật chắc không dám mơ viết với lách, vả lại cơn ác mộng viết văn ngày xưa trở về nhắc tôi “quên nó đi, ông bạn”.
Chuyến công tác khác, lang thang trên mạng, tôi lại lạc vào Việt Báo. Khi biết vợ chồng văn thi sỹ Nhã Ca và Trần Dạ Từ là người sáng lập, tôi tìm hiểu thêm về chủ trương của tờ báo. Nhớ ngày còn trong “hotel” Chí Hòa, qua sự rỉ tai tâm sự của các chú, bác (nhà văn) tù lớn tuổi, tôi rất kính phục sự bất khuất, kiên cường của hai ông bà. Tôi vẫn tự nhủ nếu có ngày ra khỏi đây, tôi sẽ tìm gặp họ.
Trên đất Mỹ, tôi đã đến tòa soạn 2 lần sau những chuyến công tác trở về, mà chưa có dịp gặp gỡ hai người tôi yêu mến.
Tôi khám phá ra một số tác giả viết với lối hành văn còn khá mộc mạc, đơn sơ, rất đời thường, nghĩ sao viết vậy mà vẫn được đăng. Tôi kiếm thấy tên chị Hằng là người nhận bài, tôi liền gởi thử một bài ký sự vui về thú đạp xe dã ngoại (mountain bikes), rồi quên đi vì viết về xe đạp thì có gì vui. Người ta đi xe hơi mà mình còn lay hoay với xe đạp.
Tôi luôn nghĩ viết văn là phải chau chuốt, văn vẻ, có kịch tính pha chút tiểu thuyết hóa, lãng mạn hay bi thương thì mới mong có người đọc. Ai dè ngày hôm sau, nhận email, chị Hằng nói đã chuyển đến ban biên tập. Rồi thấy bài được đăng với lời khen của ban biên tập như trên, lời khuyến khích của nhiều độc giả làm tôi lên tinh thần, mới hay mình viết cũng không tệ. Không biết sổ Thiên Tào, trang văn chương, lẽ nào lại có tên mình ở hàng cuối chăng?
Vừa viết, vừa đọc những bài viết của các tác giả của chương trình VVNM, ngoài sức tỏa lan của nó đến toàn thế giới, tôi còn nhận ra đây là một ý tưởng khác thường, một sự tiên phong, và một sáng kiến có một không hai, cũng là một khu vườn văn chương cho người Mỹ gốc Việt, mà cả người “Việt gốc Mỹ”, không phân biệt trong hay ngoài nước.
Có những tác giả đang ở Việt Nam cũng góp bài cho Việt Báo, càng làm cho ý nghĩa của chương trình thêm phong phú, lôi cuốn vì có những góc nhìn đa dạng khác nhau. Ngày hôm nay, tôi không ngạc nhiên khi thấy VVNM đã đi qua đoạn đường dài 20 năm và sẽ còn tiếp tục là món ăn tinh thần cho người Việt khắp nơi trên thế giới.
Tôi tò mò tìm kiếm, thấy các trang báo mạng khác cũng theo gương Việt Báo, tổ chức nhiều giải thưởng văn chương, nhưng chưa có chương trình nào thành công và có nhiều độc giả như Việt Báo; chưa một trang web nào lôi cuốn được người viết cũng như người đọc như chương trình Việt Báo online này. Sự thành công này là do tâm huyết của Việt Báo, ban biên tập và các giám khảo. Tôi biết họ rất bận bịu với cả đống bài vở gởi vô hằng ngày. Họ âm thầm đọc, lựa chọn, sửa chữa, rồi đăng lên. Chưa kể họ còn phải nhận biết bao email trách móc đủ điều.
VVNM cũng được lan truyền về trong nước bằng nhiều cách khác nhau dù nhà nước vẫn đang tìm cách chận lại bằng đủ mọi biện pháp vì sợ sức công phá mềm (soft power) của sự tự do thông tin nhắm vào chế độ bưng bít và độc tài đang bóp nghẹt sự tự do, quyền được biết của người trong nước. Nhiều người bạn yêu cầu tôi chuyển về vì họ khao khát hiểu thêm về cuộc sống của người Việt nước ngoài. Chưa kể là nhiều người biết cách vượt tường lửa để đọc VVNM.
Hơn nữa, VVNM là phương tiện hay nhất để mọi người Việt hải ngoại chia sẻ tâm tư, việc làm, nỗi ưu tư hay niềm vui trong cuộc sống thường ngày bằng cách gom nhặt, chọn lọc từng câu chữ, và thổi cái hồn Việt Nam và niềm tin vào trong đó. Tôi chứng kiến chương trình đã đi qua dâu bể cùa 20 năm, những chông gai, thăng trầm, chỉ là những nét chấm phá làm đẹp thêm ý nghĩa của nó.
Tôi tin nó sẽ còn đi xa nữa, xuyên suốt qua các thế hệ trẻ hơn, để rồi lại tiếp tục biến thể qua các lối viết khác nhau để thích hợp với xu hướng đi lên của thời đại, nhưng chung quy mục đích bảo tồn tiếng Việt vẫn sẽ là cốt lõi chương trình VVNM của thế hệ đi trước truyền lại cho con cháu.
Hôm nay, trời thật phụ lòng người ngay, tôi không về kịp để có mặt trong buổi lễ trao giải này. May nhờ “thông tấn (bà) xã” và phóng viên Năng Khiếu, một tác giả đoạt giải năm qua, tường trình tại chỗ, tôi có những hình ảnh để có thể hình dung ra quang cảnh của buổi lễ trao giải mà tôi đang theo dõi từ Philippines. Thấy được những khuôn mặt “thân” nhưng chưa “quen” của các tác giả, ông bà chủ nhiệm sáng lập Nhã Ca và Trần Dạ Từ, và tất cả thân hào nhân sỹ, tôi vẫn cảm nhận được bầu không khí ấm áp vui nhộn trong buổi tối trao giải này.
Tôi xin thành thực chúc mừng tác giả Vĩnh Chánh đoạt vương miện năm nay và thân mến chia vui với các tác giả được giải khác. Tôi còn nghe nói họ đã thành lập một hội ái hữu, quy tụ những cây viết tài tử từ các tiểu bang nước Mỹ, để hàn huyên, tâm sự, đóng góp ý kiến, và xuất bản sách.
Riêng tôi sẽ khó trở thành hội viên vì cứ rày đây mai đó. Dầu sao cũng xin đặt cục gạch trước, xí lấy 1 ghế, khi mỏi cánh tôi sẽ quay về xin làm hội viên. Nhớ đừng lấy cớ “ghế thì ít, mà đít thì nhiều” mà không cho membership, tội lắm!
Trên đây là tâm sự vụn của người vô duyên lúc nào cũng muốn có duyên với VVNM mà chưa được. Cầu mong tất cả độc giả cố gắng đóng góp nhiều bài viết cho chương trình, gieo hạt giống tiếng nước mình trên cánh đồng xứ Mỹ, viết thật nhiều cho trang sách dầy thêm, cho kệ sách cao hơn một chút.
Xin tri ân tất cả mọi người trong tòa soạn Việt Báo, ban biên tập VVNM, những người thầm lặng như chị Bảo Xuân, chị Hằng, chị Hòa Bình, chị Khôi An, anh Tân (không) Ngố và nhiều người nữa mà tôi thấy mặt nhưng chưa biết tên, đã góp phần duy trì một diễn đàn hiếm có để mọi người Việt còn nặng tình quê hương có cơ hội viết về nước Mỹ, quê hương tuyệt vời mà chúng ta đang sống.
Nguyễn Văn Tới
Viết dí dỏm và hay lắm!
Tới luôn! Luôn Tới! Mãi Tới
Đa tạ anh Tố, Bok Jean Đich, và PJ ghé qua, nhất định là phải tiến tới, không tiến lui được.
Wuyết định dzậy nha!
Thân mến.
Chúc em mạnh khỏe.
Hôm trao giải Tố có hỏi thăm phu nhân của chú,lại thấy áy náy vì có vài tấm hình chụp chung Tố cũng "vô duyên" đứng làm sao mà che luôn Cô cùng với cái bằng khen của chú.Mong năm sau chú sẽ về Sài Gòn Nhỏ họp mặt VVNM và Việt Bút , Tố xin gặp để tạ lỗi ạ.
Tố mến chúc chú thật nhiều niềm vui,sớm về lại Mỹ để "ăn mừng".