Hôm nay,  

Thành Phố Khói Sương

26/07/201900:00:00(Xem: 8674)
Tác giả: Trương Ngọc Anh
Bài số: 5747-20-31554-vb6072619

Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng   đường ngàn dặm lái xe  qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.

Dollywoodsign1
Khu Dolly Wood tại Smokies Mountain, thành phố do ca sĩ Dolly Parton thành lập.
NA_cay kho
Rễ cổ thụ thành tượng và người viết.


***

“Tháng bảy em đi chơi đâu
Mùa mưa tháng ấy hay sầu”

Sống ở nước Mỹ, hầu như gia đình nào cũng có thể đi du lịch đâu đó.

Nước Mỹ bao la rộng lớn, suốt 50 tiểu bang, mỗi nơi đều có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác nhau, những chỗ đặc sắc riêng mà chắc cả đời mình cũng chưa thưởng thức hết, nên du lịch trong nước Mỹ luôn là niềm hứng khởi của tôi. Năm nay chúng tôi chọn đi chơi hè vào trung tuần tháng bảy ở tiểu bang Tennessee.  

Bên Việt Nam mình hồi trước, thường là “Tháng sáu trời mưa…trời mưa không dứt”, nhưng ở Mỹ tháng bảy mới là tháng mưa nhiều, nhiều nhất vùng Texas kéo dài qua mấy tiểu bang lân cận. Chúng tôi chọn tuần lễ giữa tháng bảy để đi chơi vì đây là kỳ nghỉ hè của các cháu.

Chuẩn bị từ ba, bốn tháng trước, đặt phòng khách sạn sẵn sàng, năm nay chúng tôi sẽ tháp tùng gia đình của con gái lái xe qua thành phố khói núi chơi hè một tuần. Đây là địa điểm du lịch khá nổi tiếng, cho nên muốn đến đó cần giữ phòng khách sạn trước để có chỗ ở. Tên thành phố khói núi sương pha này là Smokies Mountain, thuộc tiểu bang Tennessee, cách nhà khoảng một ngàn dặm đường trường, qua 4 tiểu bang Lousianna, Missisippi, Georgia, và Tennessee.

Smokies Mountain được đặt tên là do thành phố núi này bao bọc nhiều núi non rừng rậm chung quanh, thường xuyên xuất hiện những làn khói trắng huyền ảo vờn bay lên từ rừng núi rất nên thơ, khởi thủy do cô ca sĩ chuyên ca nhạc đồng quê khả ái tên Dolly Parton thành lập, sau đó được mở rộng ra thêm rất rộng lớn, với nhiều phần hùn hạp của những người khác, tuy nhiên nhắc tới khu giải trí Smokies Mountain thì người ta chỉ nhớ tới tên ca sĩ Dolly Parton mà thôi. Có riêng một khu vực mang tên cô là Dollywood. Tôi cũng rất ái mộ giọng ca trong trẻo của cô ca sĩ Dolly.  

Từ tuần lễ trước khi khởi hành, hai đứa cháu ngoại rất nôn nóng hứng thú lắm, và tỏ vẻ hiểu biết ít nhiều về những cuộc vui chơi sắp tới cùng gia đình chắc từ ba má nói cho bà ngoại nhà quê được biết theo.

Ngày khởi hành, hai chiếc xe chạy nối đuôi nhau trong suốt lộ trình, xa lộ thẳng băng, hàng hàng xe cộ, chạy theo đúng luật lệ, vượt qua từng tiểu bang, thỉnh thoảng ngừng lại ở trạm xăng đổ thêm xăng cho đầy, ghé phòng vệ sinh, rồi lại tiếp tục lên đường. Khi đói bụng thì có quán bên đường rất nhiều, tha hồ lựa chọn những món ăn mau lẹ, nóng sốt rất hạp khẩu vị của lũ trẻ  sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ như đám con cháu tôi, nhưng nếu tôi có quyền, thì nhứt định phải kiếm bằng được tiệm phở. Thôi kệ, phận mình số ít!.

Xa lộ ở Mỹ thênh thang, theo con đường chính mà chạy và chạy đúng luật lệ chung sẽ không có vụ mấy xe cảnh sát hú còi chớp đèn xanh đỏ rượt theo mình. Dọc theo xa lộ trên đường liên bang thường có cắm nhiều bảng hướng dẫn của chính phủ, sơn màu xanh cây, xanh dương và màu nâu, chỉ những lối ra có cây xăng, có quán ăn, khách sạn, hay những địa điểm đặc biệt như bảo tàng viện, công viên thành phố.

Không kể tới dọc đường trường khoảng cách vài chục dặm đều có những trạm nghỉ của tiểu bang rất sạch sẽ, thường chia hai khu đậu xe riêng biệt dành cho xe tư nhân và xe chuyên chở hàng hóa, có chỗ đi bộ cho giãn gân cốt sau nhiều giờ lái xe, có bãi vệ sinh cho thú cưng, cây nhiều, bóng mát, bồn bông, phòng vệ sinh công cộng thoải mái và sạch sẽ. Trong trạm nghỉ cũng có đặt mấy máy bán nước ngọt, bánh, khoai tây chiên, bắp rang ăn vặt cho đở buồn ngủ. Nhiều tiểu bang còn có cả những hình ảnh, bản đồ, cũng như lịch sử của từng tiểu bang phát miễn phí cho du khách muốn tìm hiểu. Những tấm bảng báo hiệu trước khi tới những trạm nghỉ như vậy thường xuất hiện trước khoảng 1, 2 dặm để tài xế chuẩn bị quẹo vào nếu cần.

Chúng tôi chỉ ghé ngang thôi mà cảm thấy khoẻ khoắn ngay, thầm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vòm tròn Gazebo xinh xắn dễ thương giống như chỗ hẹn hò của đôi tình nhân ở mấy trạm nghỉ này.

Ngày đầu tiên, ngoài lúc ghé trạm xăng, hay ăn uống, chúng tôi lái xe liên tục ngàn dặm, mất gần 16 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Đây là khách sạn nằm ngay trên con đường phố chính, trên đường này có rất nhiều trung tâm vui chơi giải trí vừa cho trẻ con vừa cho người lớn tương tự như khu DisneyLand bên CA, tuy nhiên, mỗi khu đều xây dựng riêng biệt hình thù thú vật rất độc đáo. Vào ban đêm đèn sáng chớp đủ màu rực rỡ cả con đường. Con gái nói ở phố núi này vào mùa Giáng Sinh đẹp lắm và đông không thể tưởng.

Ngày hôm sau cả nhà lái xe xuống trung tâm thành phố, để cánh đàn ông vào viếng khu triển lãm xe hơi của những minh tinh tài tử Hollywood đã từng xử dụng trong các phim ảnh nổi tiếng. Mẹ con tôi và hai cháu thì dạo chơi phố, xem những tiệm quán bán quà lưu niệm của thành phố núi với những kiến trúc tiệm quán đặc biệt cổ xưa của miền núi Tennessee, nhiều chỗ có tạc tượng ca sĩ nổi tiếng Elvis Presley, trước khi ghi danh lên cầu dây cáp treo để lên vùng Anakeesta.

Từ dưới phố nhìn lên, thấy hai hàng dây cáp treo liên tục di chuyển, đưa du khách lên núi, thả du khách trở về thành phố bên dưới bằng những chiếc ghế ngồi lơ lửng, hay trong thùng đong đưa có cửa sổ mở cho gió luồn, chứa tối đa 4 du khách bên trong hay 3 du khách nếu ngồi ghế không mái che. Đoạn đường dây cáp treo lơ lửng rất nóng, nhưng càng lên cao càng mát và rất thú vị khi nhìn xuống dưới thấy xe cộ, người ta, từ từ nhỏ xíu.

Lên tới trên núi, có phân chia nhiều khu vực xinh đẹp, hay ho để dạo chơi như khu đồi vườn hoa Vista nhiều hoa lạ, đẹp rực rỡ. Có riêng khu vực dành cho con nít tìm những loại đá trong cát, hai cháu ngoại ngồi miết mò trong đống cát tìm những viên đá nhỏ nhiều màu sắc lẫn trong cát được một túi cùng danh sách tên từng viên đá màu.

Những cây cầu gỗ treo lửng lơ rất cao được đóng chắc vào những cây cổ thụ to lớn tạo thành dãy cầu treo hình zig-zac ngoạn mục. Nhìn cầu đong đưa rất khó đi như mấy cây cầu khỉ ở miền Tây Việt Nam, đỡ hơn cầu khỉ là mấy cây cầu này được bao bọc bằng lưới hai bên đi an tâm hơn. Sau khi lên tận nơi, chúng tôi đi men theo nhau từng người một, trên cầu dây “Anakeesta”, thỉnh thoảng trên thân cây có tấm bảng nhắc chừng mỗi đoạn cầu dây chỉ được đi tối đa 4 người mà thôi và cấm chạy.

Từ trên đây cũng có trạm dành riêng cho những người muốn chơi trò chơi mạnh bạo là ngồi ghế đu “tử thần” (đây là tên tôi đặt ra). Trò chơi này phải ghi danh giữ chỗ từ hôm trước, với số lượng người tham dự rất đông, và dĩ nhiên toàn là giới trẻ, thích mạo hiểm. Để chơi trò chơi này họ giăng một sợi dây cáp từ đỉnh ngọn núi nhỏ này băng qua đỉnh ngọn núi kế, người chơi sẽ  được ràng cột  dây an toàn trên ghế, rồi họ sẽ thả cho chiếc ghế bay với tốc độ rất nhanh từ đỉnh núi này băng qua đỉnh núi bên kia, ngó tốc độ ghế bay tôi thấy hết hồn luôn, nói chi tới chơi! Đám đàn ông không ai chơi trò này, vì không ghi danh được chứ không phải không muốn.

Một ngày đi chơi ở khu núi này mệt nhoài luôn, khi trở về khách sạn nghỉ ngơi, chúng tôi cả nhà cùng thay đồ tắm, cùng xuống hồ bơi trong khách sạn để tắm mát trước khi đi ăn tối.

Ngày hôm sau, chương trình tiếp tục chơi những trò chơi trong các khu vực giải trí trên con phố chánh, chạy xe đua lên xuống dốc rất cao, đu dây tử thần ghê rợn… lũ nhỏ vui thú và không biết sợ, còn mình thì nhìn thấy mấy trò chơi nhanh, cao vút tận trời, nhào lộn thôi cũng thót tim nói chi tới chơi. Thôi thì bà ngoại đứng ngoài lo chụp hình cho chúng nó coi sau khi chơi cho đã.

Qua hôm thứ ba, chúng tôi cùng tới giải trí với chương trình ca vũ nhạc trình diễn câu chuyện Hatfield & McCoy nổi tiếng trong lịch sử hai tiểu bang Virginia và Kentucky, quí độc giả có thể tìm hiểu trên Google thêm về câu chuyện này.

Nhắc lại câu chuyện Hatfield & McCoy nhớ tới những phim cao bồi miền Tây hoang dã, thuở đàn ông đàn bà đều lủng lẳng khẩu súng bên hông, lúc nào cũng sẵn sàng rút ra bắn pằng pằng.

Đây là một câu chuyện buồn, với nhiều người chết, dính dấp tranh chấp của hai dòng họ Hatfield và McCoy, khởi thủy từ thời Nam Bắc Mỹ nội chiến kéo dài cho tới năm 1890. Trong số con cháu thù nghịch lại xảy ra câu chuyện tình yêu kiểu Romeo và Juliet. Đoàn ca vũ nhạc kịch này trình diễn lại câu chuyện trên qua khía cạnh hài hước rất vui, tạo thành nhiều chuỗi cười rộn rã của khán giả. Đoàn kịch xây dựng một sân khấu thật hay đẹp, có đoạn biểu diễn nhào lộn từ lầu cao vào hồ nước rất sát hàng khán giả, nước bắn tung toé, những pha nhào lộn cao trên dây rất xuất sắc, sân khấu rất cao, tạo khung cảnh đồng quê thời xưa, trang phục vào thời nội chiến và nhạc đồng quê réo rắt với giàn nhạc sĩ đủ loại nhạc khí cổ điển. Ba mặt phía ghế khán giả đông nghẹt phất cờ la ó để bầu chọn bên thắng giữa hai dòng họ thù nghịch rộn rịp như chợ trời.

Chương trình có phần ăn tối bao bụng, nghĩa là nhân viên sẽ đem thức ăn tới bàn cho mình, và muốn ăn thêm thì họ sẽ mang tới thêm. Thức ăn là những món ăn của người Mỹ từ thời xưa cho tới nay, gồm món khoai tây nghiền nát, bắp cải và cà rốt trộn xà lách, thịt gà chiên từng miếng lớn, bắp luộc, và bánh ngọt. Dù là ăn bao bụng, cả nhà chúng tôi cũng không ăn hết khẩu phần họ đem ra, sau đó những miếng thịt gà giòn rụm thơm ngon còn dư lại họ đổ tất cả vô thùng thức ăn đổ bỏ khi dẹp bàn, ngó tiếc ghê! Nghĩ tới trên thế giới còn biết bao nhiêu người bị đói!.

Chung quanh bên ngoài khu giải trí này họ xây dựng nguyên một thành phố thu nhỏ với những xe ngựa kéo, nghĩa trang, bánh xe xoay nước, nhiều vật dụng dùng cho nghề nông cổ xưa, bãi tha ma, hòm chôn lổn ngổn; khu thả nuôi gia súc như gà vịt ngỗng, trừu, thỏ mà đám trẻ con bu quanh và du khách nhìn thấy lại khung cảnh ngày xưa, thời xảy ra câu chuyện Hatfield & McCoy để du khách chụp hình lưu niệm.

Về tới khách sạn, cũng mệt đứ đừ luôn.

Qua ngày thứ tư, chúng tôi tới khu giải trí với trò chơi tên gọi là “Alpine Coaster Pigeon Forge” nghe cô con gái nói có độc nhất vô nhị trên nước Mỹ. Đây là trò chơi ngồi xe chạy với tốc độ rất nhanh, hơi giống mấy trò chơi mạnh bạo ở trung tâm giải trí Magic Mountain bên tiểu bang CA. Du khách tham dự sẽ ngồi trên chiếc xe nhỏ 2 chỗ ngồi, có thể đi một mình, hay một người lớn ngồi kèm một đứa nhỏ.

Cũng như mọi trò chơi có tốc độ mạnh, hay cao khác, du khách được ràng dây an toàn rất kỷ, được hai người kiểm soát, trước khi chiếc xe chạy trên con đường rầy ngoằn ngoèo cong quẹo, nghiêng, lên cao dốc xuống thật sâu với tốc độ rất nhanh, tạo cảm giác mạnh lắm. Lũ trẻ thích thú la hét, chớ tôi chơi xong đứng không muốn vững trên mặt đất.

Đã vậy họ còn quyến dụ du khách với màn quảng cáo là trở lại trong ngày chơi lần thứ hai với nửa giá tiền. Ai mà không chơi thêm lần nữa, nhất là trở lại vào buổi tối, khi hai bên đường rầy bật đèn màu rực rỡ trong màn đêm rất thú vị, và tôi công nhận lần thứ hai ngồi trên chiếc xe này bớt sợ hơn vì trời tối đen mình không thấy rừng núi chung quanh, tốc độ mau của chiếc xe và độ cong độ quẹo hết hồn vào ban ngày đáng sợ thì ban đêm vui hơn, đẹp hơn, ít sợ hơn.

Lại xếp hàng rồng rắn lên mây chờ được ngồi lên xe hơn tiếng đồng hồ cho một trò chơi 7-8 phút phù du, người sao mà đông quá là đông, công nhận lũ nhỏ kiên nhẫn thật, khi tham dự những trò chơi dữ dội này, bà ngoại thì mệt đứ đừ lết theo tụi nhỏ, trò chơi nào cũng bị chúng lôi kéo theo…vui lắm… vui lắm. Chỗ nào cũng độc nhứt vô nhị theo lũ trẻ.

(Còn tiếp một kỳ)

Trương Ngọc Anh

Ý kiến bạn đọc
27/07/201913:28:45
Khách
Dạ, em cám ơn chị Hằng đã đọc bài . Đi chơi lúc nào cũng vui há chị. Còn nhiều trò chơi ớn lạnh hơn nữa đó chị. Mời chị đọc tiếp phần 2 Chúc chị và gia đình luôn an lành
26/07/201917:06:35
Khách
Đi một lần đi cái “Alpine Coaster Pigeon Forge” ban ngày rồi mà tối còn dám đi thêm lần nữa thì chị phục NA thật. Chị chỉ đi một cái ride trong Disney Land mấy chục năm trước đây mà sợ đến già.
Em kể chuyến đi chơi gia đình vui quá. Mong em luôn hạnh phúc bên con cháu.
Chị Hằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,201
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.