Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng / Kỳ 2

06/05/201900:00:00(Xem: 10902)
Tác giả: Khôi An
Bài số  5681-20-31488-vb2050619

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen 30 tháng Tư, 2017.


***

Từ năm 2015, năm nào chúng tôi cũng đến sinh hoạt với Hội Sinh Viên Gốc Việt ở Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association - SVSA) trong ngày nhớ về 30 tháng 4, 1975. Dù bận rộn, dù đường xa, dù kẹt xe, chúng tôi luôn có mặt để các em biết rằng có những người lớn trong cộng đồng luôn quan tâm nâng đỡ, hướng dẫn các em.

Có năm chúng tôi giúp các em mời diễn giả và tôi luôn chú tâm tìm những người có uy tín, có kiến thức để giúp các em hiểu biết thêm.  Có năm chúng tôi chỉ tặng thức ăn và góp vài lời chia sẻ, khuyến khích. Buổi tưởng nhớ thường diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Sự quý mến, nối kết giữa hai thế hệ năm nào cũng đem lại cho tôi niềm an ủi trong ngày buồn cuối tháng Tư.

Năm 2018, lời mời của SVSA trên Facebook như sau:

Hãy đến với ngày Tưởng Nhớ Tháng Tư Đen của SVSA để nhớ đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30 tháng Tư, 1975. Bằng diễn thuyết và thảo luận, mong rằng chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam và biết cách bước tới với những chấn thương tâm lý xuyên thế hệ (intergenerational trauma) - để trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai.  

Cụm từ “chấn thương tâm lý xuyên thế hệ” nghe quá nghiêm trọng và nặng nề, gợi nhớ lại những thắc mắc thoáng qua đầu tôi trong tuần lễ nghỉ Xuân. Có lẽ gần đây các em bàn luận khá nhiều về sức khỏe tinh thần của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và các em đã học ở đâu đó ý kiến rằng thế hệ tị nạn có nhiều người bị chấn thương tâm lý nhưng họ không cố gắng chữa trị, và những thương tích đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ của các em.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó khi nghe tin rằng năm nay các sinh viên sẽ là diễn giả chính. Tôi hào hứng chờ dịp nghe chia sẻ của các em.

Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư, 2018, buổi họp bắt đầu lúc bảy giờ chiều, gần với giờ tan sở. Len lỏi trên freeway hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến nơi hơi trễ nên lỡ mất vài phần đầu. Rón rén đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, tôi nhìn quanh và thấy một số em trong nhóm Alernative Spring Break. Điều hơi lạ là nhiều em không chạm mắt với tôi, như thể chưa từng quen biết hoặc không nhận ra tôi. Ngay lúc đó, màn ảnh bật lên đề tài của phần kế tiếp: 30 Tháng Tư Từ Góc Nhìn của Một Sinh Viên Từ Bắc Việt Nam.

Diễn giả là một sinh viên cao ráo, trắng trẻo, gốc Hà Nội, và sang Mỹ từ thời trung học. Bằng tiếng Anh lưu loát và phát âm chuẩn, cậu ta mở đầu rằng những điều về chiến tranh Việt Nam cậu từng nghe thời đi học ở Hà Nội rất khác với những gì người Việt hải ngoại trình bày. Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam. Cậu nhắc đến số người đã chết trong chiến tranh và nhận định rằng Việt Nam chỉ là mặt trận nơi người Việt đổ máu để các thế lực quốc tế tranh chấp. Cậu cũng nhắc đến sự “thù hằn”, chia rẽ Bắc, Nam của người Việt hải ngoại.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi nghĩ giới trẻ cũng nên biết suy nghĩ của những người xuất thân từ cả hai bên chiến tuyến, và tinh thần dân chủ ở Mỹ cổ võ việc mọi người đều được nói lên ý kiến của mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi dịp mình được nói. Sau phần thuyết trình là vài phút đặt câu hỏi, có một vị khách lên tiếng phản bác một cách khá sôi nổi nhưng anh mới nói khoảng một, hai phút thì cô sinh viên điều khiển chương trình thông báo đã tới giờ bàn luận theo nhóm.

Hơi thất vọng vì không có dịp nói lên ý kiến trước mọi người, tôi đến bên cậu sinh viên gốc Hà Nội và bắt chuyện. Câu ta ăn nói khá lễ phép và tỏ vẻ chịu lắng nghe.

Tôi chia sẻ, “Tôi hoàn toàn đồng ý với cháu rằng Việt Nam bị biến thành chiến trường, và đau thương, mất mát của người dân cả hai miền đều rất lớn. Tuy nhiên, điều cháu chưa nhận thấy là: chỉ có miền Bắc tấn công miền Nam trong suốt cuộc chiến. Đa số người miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng Tàu và Liên Sô không chấp nhận chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Dương, chúng ép buộc Bắc Việt phải đánh và Hà Nội không bao giờ dám cãi lệnh. Đó là nguyên nhân sâu xa cho mọi đau khổ của tất cả mọi người trong cuộc chiến. Cháu hãy nghĩ xem, một nhà cầm quyền lừa dối dân, dùng khẩu hiệu ‘giải phóng’ và ‘cứu nước’ để vét hết thanh niên - kể cả những người mới mười lăm, mười sáu tuổi, để ném vào cuộc chiến theo lệnh của đàn anh thì có thể là chính quyền tốt cho đất nước hay không?”

Cậu sinh viên Hà Nội gật gù, thoáng một chút suy tư trong mắt nhưng ngay lúc đó ban tổ chức buổi lễ tuyên bố chấm dứt. Lúc đó mới có tám giờ rưỡi mà theo thông báo từ trước thì buổi lễ kết thúc lúc chín giờ.

Tôi giơ tay xin hai phút, nhưng một cậu sinh viên cao lớn  – sau này tôi mới biết tên là B. – lắc đầu, bảo đã hết giờ. Tôi chỉ tay lên đồng hồ, nhắc là còn nửa tiếng, nhưng B. và ban tổ chức một mực từ chối với lý do nửa tiếng sau cùng giành cho buổi họp hàng tháng của hội SVSA.

Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay. Có hai em sinh viên cũng chạy theo tôi, nói rằng họ không đồng ý với hành động của B., và ngỏ ý muốn nghe điều tôi định nói. Hai em sinh viên này, những vị khách Mỹ, và tôi đã nán lại ngoài cửa phòng họp để bàn luận, chia sẻ ý kiến về chiến tranh Việt Nam cũng như ưu tư về tình hình Việt Nam cho đến tận chín giờ.

Tôi suy tư suốt quãng đường về và cả ngày sau đó. Ban tổ chức của buổi lễ năm nay có vẻ rất khác so với các lần trước. Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.

Sau đó, tôi gởi một email cho trưởng nhóm SVSA hỏi về lý do của sự thay đổi về đường lối và thái độ của nhóm trong buổi lễ.

B. thay mặt cho trưởng nhóm trả lời thư. Sau nhiều lý luận và lý do, cậu ta kết thư,

“Mục đích của buổi tưởng niệm năm nay là ôn lại lịch sử chiến tranh phức tạp của chúng ta, để hiểu tâm tư và quan điểm của thế hệ hiện nay và bàn luận cách đi tới. Nhưng những điều đó sẽ không thực hiện được nếu những thành viên của hội cảm thấy bất an và bị cô lập trong chính buổi lễ của hội; ngay cả một vài thành viên quốc tế (international members) đã lo lắng một cách chính đáng khi đến buổi lễ vì họ biết đó là một ngày có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và quan trọng với nhiều người; họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh.

Lúc đó tôi mới có thể ghép các mảnh sự kiện lại với nhau. Có lẽ B. và vài người trong ban tổ chức đã bàn bạc trước buổi lễ và sắp đặt cách chặn không cho khách nói. Có lẽ các thành viên biết rằng ban tổ chức không thật tình muốn các bậc phụ huynh đến, và đó là lý do các em sinh viên từ Alternative Spring Break đã tránh mắt tôi. Nghĩ xa hơn, có vẻ gần đây các sinh viên đã tham dự các khóa học hay bàn luận về sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt, và có thể vì một toan tính nào đó mà một số tài liệu đã bị dùng để vẽ nên một hình ảnh kém chính xác về tình trạng sức khỏe tâm thần của cả cộng đồng người Việt tị nạn.

Tôi viết thư trả lời SVSA rằng một phút mặc niệm nạn nhân Mậu Thân và thái độ của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam hèn với giặc ác với dân không thể làm tổn thương thành viên của SVSA. Tôi nói rằng ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi.

*

Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Tôi muốn đến vì tôi luôn quý mến SVSA, vì các bậc phụ huynh không quay lưng với con cháu dù trước đây họ có làm điều không đúng. Tôi muốn đến để tìm cơ hội đóng góp chút kiến thức về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đúc kết trong suốt mấy chục năm qua bằng khối óc và trái tim của chính tôi, và bằng sự chỉ bảo cùng kinh nghiệm sống của các bác, các chú, các cô mà tôi quen biết. Và tôi muốn đến để luyện cho chính tôi lòng kiên trì nhưng rộng lượng khi làm việc với lớp trẻ.

Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì. Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố. Thật đáng tiếc vì ngày hôm đó tôi có giờ dạy ở Alameda College nên tôi không thể bỏ lớp.

Thế là năm nay tôi tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College. Tôi cho học viên nghe Quốc Ca VNCH, cho họ biết rằng ngày 30 tháng 4 ngày là ngày buồn của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở khắp thế giới, trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam, và giải thích tại sao tôi ở đây. Tôi chiếu hình năm vị tướng VNCH tuẫn tiết và nói rằng dù bốn mươi bốn năm đã qua, chúng tôi vẫn tưởng nhớ những anh hùng đã chết theo tự do ngày miền Nam bị chiếm.

Tuy không đến được với SVSA nhưng tôi vẫn nghĩ mãi về các em trong nhóm đó. Những sinh hoạt với SVSA đã giúp tôi học hỏi thêm về thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại. Họ rất thông minh, nhanh nhẹn - đúng chúng ta mong ước, nhưng có vẻ họ đang bị rối trong tiến trình “trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi. Có vẻ họ đang phân vân ngay trong việc đánh giá những điều mà cha mẹ họ tin tưởng, những người mà cha mẹ họ kính phục, và ngay cả sự chính đáng của hai mươi năm hy sinh xương máu của cha ông họ.

Tuổi trẻ Việt ở hải ngoại chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, lớp học, bạn bè hơn những câu chuyện được lập đi lập lại trong gia đình. Điều nguy hiểm là rất nhiều tài liệu ngoài xã hội thuộc loại tác phẩm của Ken Burns. Những người không có phương tiện gì đáng kể như tôi làm được gì trước các đội ngũ chuyên viên có mấy chục triệu đô la để chọn lọc một nửa sự thật và nhào nặn ra một tác phẩm có sức dẫn người xem tin vào “sự dối trá lợi hại” do họ dàn dựng?

Tuy vậy, chúng ta có hai thứ mạnh nhất: đó là sự thật và tấm lòng.

Sự thật hiển hiện ở những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang gây ra trên đất nước Việt Nam. Từ việc cho Tàu thuê đất dài hạn mà người dân không hề biết tiền thuê đi về đâu, từ sự độc tài, xa xỉ hơn vua chúa của những người cầm quyền, từ những tin tức về trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị xâm hại nhan nhản mỗi ngày trên báo chí, từ việc người Việt Nam ăn uống, thở hít chất độc nên bị ung thư nằm la liệt khắp các nhà thương, từ các công trình do nước ngoài chung vốn với nhóm chóp bu đang giết dần môi trường sống ở Việt Nam… Chỉ cần theo dõi tin tức Việt Nam một thời gian ngắn là ai cũng có thể thấy những sự thật này.

Tấm lòng là tình cảm sắt son của chúng ta với Việt Nam. Khi nào tình cảm đó còn đủ lớn chúng ta sẽ còn quan tâm, học hỏi, và chọn những việc làm hợp lý, hợp thời để giúp Việt Nam và để hướng dẫn, nâng đỡ lớp trẻ gốc Việt.

Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì.

Tôi hiểu những điều đó viết ra thì dễ nhưng làm thì hết sức khó. Nhưng, hiểu như vậy cũng là được một bước rồi.

Tôi đã từng nói rằng tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và Hoa Kỳ đã dưỡng dục tôi. Sau gần năm mươi năm dưới chế độ tham tàn, Mẹ Việt Nam đã quá hao mòn, gầy guộc. Gần đây, tôi nhận thức thêm rằng tình cảm của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu tôi giúp nuôi dưỡng cảm xúc đó trong thế hệ tiếp nối. Được như vậy, nhiều thế hệ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với những người con chân chính đang sống trong lòng Mẹ Việt Nam để đem ấm no, hạnh phúc, và tin yêu trở lại bên Mẹ.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
08/05/201908:15:58
Khách
Trước hết, Khôi An xin cám ơn bạn đọc đã ghé xem bài viết, và cám ơn những người đã góp ý một cách chân thành và tích cực.
Tre và Măng, Kỳ 2 là câu chuyện Khôi An đã suy nghĩ cả năm dài, không biết có nên viết hay không. Câu chuyện ở SVSA chỉ là một chuyện trong bao nhiêu trường hợp đang xảy ra trong đời sống của giới trẻ gốc Việt khắp nơi.
Cuối cùng Khôi An nghĩ rằng chia sẻ nỗi băn khoăn của mình để các bậc phụ huynh lưu ý về những điều đang xảy ra trong đời sống của lớp trẻ thì sẽ tốt hơn là quên chuyện này đi. Do đó bài này đã ra đời với mục đích là gợi sự quan tâm của phụ huynh (raising awareness).
Hiện nay, càng lúc càng nhiều con cháu của những người xuất thân từ hai bên phía của cuộc chiến VN gặp gỡ nhau ở trong trường học, sở làm, v.v… Có những người thấy mến nhau và thấy giữa họ không có nhiều khác biệt. Lý do chính là vì họ gần như không bàn về những điều có liên quan tới Vietnam War và hiện tình ở VN. Hơn nữa, một số du học sinh đã được bảo bọc từ nhỏ, thật sự không biết nhiều về chính trị và không muốn bàn về chuyện đó. Tuy nhiên, cũng có những du học sinh muốn nói lên quan điểm mà họ học từ nhà cầm quyền CS, như cậu diễn giả ở SVSA. Do thấm nhuần tinh thần dân chủ từ nhỏ, lớp trẻ con cháu của người Việt tị nạn thường sẵn sàng nghe những du học sinh này nói.

Như vậy, các bậc phụ huynh cần làm gì?
Khôi An biết rằng chúng ta không thể có câu trả lời nhanh chóng trước thực tế mới mẻ và gây nhiều cảm xúc này. Do đó, Khôi An chỉ dám đưa ra vài gợi ý ở phần cuối bài về những gì chúng ta có thể làm.
Lớp trẻ rất muốn sự độc lập trong tư tưởng cho nên chúng ta phải dùng lý lẽ vững chắc và chính xác làm cho họ phục và tin, chứ không thể giận dữ, lên án (chúng ta càng làm vậy, lớp trẻ càng hành động ngược lại).
Khi có thể, chúng ta cần tiếp tục nói chuyện với lớp trẻ một cách bình tĩnh, chính xác và dùng các phương tiện khác như sách báo, mạng xã hội, v.v...
Chúng ta chống nhà cầm quyền CS vì họ đang làm mất nước và giết môi trường sống ở VN. Chúng ta cần giúp lớp trẻ (kể cả du học sinh) nhìn ra sự thật này. Chúng ta nên nhấn mạnh tới vận mệnh đang bị đe dọa của VN trong tương lai – điều không thể chối cãi được - hơn là những điều trong quá khứ, vì lớp trẻ luôn muốn nhìn về phía trước.

Lý do mà Khôi An không đến dự buổi tưởng niệm tháng Tư đen năm 2019 là vì bận dạy học ở Alameda. Nếu không, Khôi An sẽ đến dù trong lòng khá ngại ngùng vì xác suất người ngoài không được chào đón là khá cao (dựa trên sự việc SVSA không thông báo rộng rãi về buổi họp).
Khôi An cũng không nghĩ là có Vẹm giựt dây buổi họp năm 2018. Có lẽ cậu diễn giả gốc Hà nội được lên nói và được che chở là vì cảm tình riêng giữa cậu ta và một số người trong ban tổ chức tháng Tư đen của SVSA năm 2018. Hành động của B. có lẽ là kết quả của cảm tình riêng (cảm tình tốt với diễn giả và cảm tình không tốt với một vài người lớn trước đây) cộng với bản tính của B.
Tuy nhiên, một lần nữa, Khôi An mong chúng ta nghĩ rằng chuyện ở SVSA chỉ là một trường hợp cụ thể của những gì xảy ra ở nhiều nơi trong các cộng đồng người Việt. Chúng ta muốn giúp lớp trẻ vì thương họ, không muốn họ khỏi bị CS lừa bịp, không muốn họ học kinh nghiệm bằng con đường khó khăn (learning hard lessons) hơn là vì cảm xúc của chúng ta.
08/05/201903:53:00
Khách
Theo tôi thì vấn đề của SVSA là ở đoạn văn này:
Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam.
Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay.
Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.
Qua Mỹ hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ thấy những khẩu hiệu của CS trong các buổi họp lớn bé mà tôi từng tham dự. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ có vẹm nhúng tay vào.
Bạn Donna Nguyễn cũng nên đọc lại hai câu của tác giả để thấy lý do gì mà tác giả rất muốn đi mà không đi được:
Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì.
Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố.
Lý do gì mà SVSA không công bố? Tổ chức một buổi hội thảo, ban tổ chức nào cũng muốn càng đông người tham dự thì càng thành công. SVSA làm ngược lại là vì không muốn các thế hệ 1 và 1.5 tới để dễ tuyên truyền lừa bịp các sinh viên thế hệ 2 thôi.
Ngày 30/4 năm nay là ngày thứ ba, tại sao lại tỗ chức ngày thứ hai mà không là ngày cuối tuần để nhiều người có giờ tham dự? Các cộng đồng VN đều chuyển qua ngày cuối tuần hầu đông người tham dự nhưng tại sao SVSA lại cứ muốn càng ít người càng tốt?
08/05/201902:05:03
Khách
Mỹ không mời mà đến : Thật sự, Việt Nam Cộng Hòa đã không yêu cầu Mỹ mang quân chiến đấu sang Việt nam :

Thời tướng Nguyễn Khánh với thủ tướng Phan Huy Quát : Trong quyển ” Gọng Kìm Lịch Sử”, tàc giả Bùi Diễm- bộ trưởng ở phủ thủ tướng của thủ tướng Phan Huy Quát- đã thuật lại rằng:
“Sáng sớm ngày 8-3-1965, tôi được thủ tướng Quát gọi đến tư gia. Vừa đến nơi, tôi đã thấy sứ thần Manfull tại đó. Bác sĩ Quát đã cho tôi biết là thuỷ quân lục chiến Hoa kỳ đang đổ bộ ở Đà Nẵng, và yêu cầu tôi cùng với ông Manfull soạn thảo thông cáo chung loan báo việc này. Ông căn dặn ” Cố làm sao càng ngắn càng hay, trình bày sự kiện như đã xảy ra“. Tôi kéo bác sĩ Quát sang phòng khác và hỏi ông “Có gì đặc biệt về phương diện quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một cách vội vàng như vậy?”. Bác sĩ Quát cố giữ bình tĩnh … nhưng hơi gắt gỏng “Lúc này họ đang đổ bộ lên Đà Nẵng, anh hãy làm xong bản thông cáo chung rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.”
Thủ tướng Quát ra lệnh cho ông Bùi Diểm vội vã xác nhận việc quân đội Mỹ đổ bộ xuống Đà Nẵng là “có sự đồng ý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà”.

Thời tổng thống Ngô Đình Diệm : Đại úy Lê Châu Lộc- sĩ quan tùy viện cho tổng thống Ngô Đình Diệm - cho biết rằng về việc Mỹ muốn đưa quân vào tham chiến tại Việt Nam, tổng thống Diệm đã nói với Đô đốc Felt với đại ý như sau:

“Trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản quốc tế chúng tôi cần sự giúp đỡ. Ngó quanh khắp thế giới không ai có thể giúp chúng tôi, ngoài người Mỹ. Nhưng cuộc chiến này tế nhị lắm! không chỉ thuần tuý giao tranh bằng súng đạn, mà có cả chiến tranh tâm lý, có công tác tuyên truyền. Chúng tôi vừa mới đuổi được người Pháp đi sau bao nhiêu năm chúng tôi chịu sự đô hộ của họ. Nếu bây giờ người Mỹ lại tới đây, hiện diện trên đất nước tôi bằng những đạo quân tác chiến, người dân nông thôn vốn chất phát, họ sẽ nghĩ rằng người Mỹ đến đây cũng chẳng khác chi người Pháp trước kia. Như thế tôi biết làm sao giải thích cho đồng bào tôi hiểu. Vì dân tôi rất nặng lòng với nền độc lập, không muốn chủ quyền bị xâm phạm… Tôi mong rằng người Mỹ hiểu cho tôi. Vì nếu tôi chấp nhận cho quân đội tác chiến Mỹ ở đây, tôi nói làm sao với dân tôi bây giờ?[7]“

Trong cuốn Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới - hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt kể lại : Tổng thống Ngô Đình Diệm đề nghị với phó tổng thống Lyndon Jobnson là chỉ cần tăng viện trợ kinh tế và quân sự để miền Nam Việt Nam hùng mạnh hơn. Hơn nữa, người lính Việt Nam được trang bị đơn giản và ít tổn phí, tiền chi phí cho một quân nhân Mỹ có thể dùng cho 5 quân nhân Việt Nam hay nhiều hơn, vả lại ngoài sự tổn phí, diệu vợi trong sự chuyển quân sang Việt Nam, sinh mạng của người lính Hoa Kỳ sẽ làm cho dư luận và dân chúng Mỹ lo lắng, phiền muộn thêm”.
08/05/201902:04:58
Khách
Thật thú vị khi thấy tuổi trẻ VN phát triển năng lực lảnh đạo [leadership development]...

"họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh."

Diễn giả của chàng B đến với những hình ảnh, khẩu hiệu đẫm máu khơi lại những hành động căm thù, cảnh tàn sát, đau thuơng rồi lại lu loa rằng họ sợ bị cô lập trong hoàn cảnh đầy thù ghét. Chàng B quả có unique leadership skill and Vision để sợ các dhs bị đụng chạm [ngoài da].

Tiếc là B không tiên liệu được có hàng triệu người bị đâm thấu xương, vết thuơng vở toạc thêm một lần nữa vì những khiêu khích có tính toán trong ngày đó. Hành động của chằng B là để bảo vệ danh dự của hội. Thế nhưng một hội cao rao bảo đảm công bình cho mọi người trong khi chèn ép những phía khác thì có danh dự thật không hay danh hão.

Một hội mà không theo tôn chỉ dân chủ thì chỉ là dân chủ bịp.

Không hiểu các hội viên khác nghĩ gì về tính dân chủ của hội, hay họ không biết cái giá của dân chủ phải đổi bằng an nguy của chính bản thân, gia đình và cả mạng sống.

B nên email Điếu Cày, Vũ Thư Hiên, Việt Khang, và mới đây là Mẹ Nấm. Bảo đảm B sẽ hiểu hơn về cái giá của công bằng, dân chủ đặc biệt về csVN hơn.

Tỉnh lại bới B ơi! Trước B có quá nhiều anh, chị, chú, cô lầm lạc rồi. Huỳnh t Mẫm nè, Tướng Trân Độ nè, Ngô b Thành nữa. Nghe đâu có cả triết gia đã từng tranh luận với J P Sartre tận trời Tây kia.

Stanford của Mỹ bọn Tây coi là vô học, ăn nhằm gì.

Ngay như ở Mỹ, thì Stanford còn dưới MIT mấy bật mà tôi có biết một trự ở MIT có vài bằng sáng chế, làm Founder kiêm luôn CTO, bắt được mấy cái venture capital rồi đốt luôn vài trăm triệu của người ta... DZEP Tiệm luôn.

Tại sao vậy? Tại vì chàng ta tưởng trong thiên hạ có 4 bồ chữ, mình anh ta chiếm hết 3 phần còn lại 1 chia cho thiên hạ.Anh ta nghĩ ra cái process và chơi trò thiếu dân chủ, bắt mọi kỹ sư,Dirỉector, VP phải theo...Kết quả không có một device đễ thử nói chi ban... CTO cững bị đuổi luôn.

Tỉnh lại bới B ơi!
08/05/201901:14:05
Khách
Nhát dao thứ nhất đâm chí mạng Việt Nam Cộng Hòa ( tiếp theo) :

Chẳng phải mãi đến tháng Giêng năm 1975, cộng sản mới bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn, mà chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 1973 sau khi Hiệp Đinh Paris có hiệu lực , cộng sản đã mở các cuộc tấn công lên tới cấp trung đoàn và bốn cuộc tấn công tới cấp sư đoàn vào Cửa Việt, Sa Huỳnh, Hồng Ngự, Trung Nghĩa (Kontum). Rồi tỷ như vào tháng 8 năm 1974, cộng sản huy động sư đoàn 304, sư đoàn 324B ,trung đoàn 31 thuộc Sư Ðoàn 2,2 tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng-Ðà,1 trung đoàn pháo binh và 1 trung đoàn chiến xa tấn công vào Thường Đức ( Quảng Nam). Trong gần ba tháng kịch chiến , sư đoàn nhảy dù của ta đã gần như xóa sổ ba trung đoàn 24, 29, 66 của chúng- 2000 bộ đội chết và 5,000 bị thương. Bên ta gần 500 chết và 2,000 bị thương.

Vậy mà Hoa kỳ có hành động cứu ứng gì đâu - như Nixon đã bí mật hứa hẹn khi bắt ép tổng thống Thiệu phải ký Hiệp Định Paris !

-Trong cuộc phỏng vấn cựu tổng thống Thiệu của hai ký giả Von Johannes K. Engel , Heinz P. Lohfeldt , TT Thiệu : "Vì sao tiến sĩ Kissinger, người đại diện cho một quốc gia lớn và tự cho mình là nhà thương thuyết giỏi giang nhất, lại có thể tin rằng quân Bắc Việt đóng tại miền Nam sẽ không xâm lấn. Sao ông ấy có thể tin như vậy cơ chứ? Sao ông ấy lại có thể tin những gì Bắc Việt nói. Ông ấy có thể tin lời cộng sản, nhưng chúng tôi thì không. Vì thế mà tôi đã cương quyết đòi Bắc Việt phải rút quân. Nếu họ thực sự muốn hòa bình thì họ ở lại miền Nam làm gì? ".

-Ông Hoàng Đức Nhã - Bí thư của TT Thiệu. Tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồị: Sau khi được tổng thống Nixon cam kết bằng thư riêng rằng Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp mạnh, nếu Cộng sản vi phạm hiệp định, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ký hiệp định Ba Lê ngày 27 tháng 1 năm 1973. Nhưng chúng ta lại phải đối phó với lời “hứa cuội” của ông Nixon và ông Kissinger đã không hề lấy những biện pháp mạnh như đem B-52 dội bom quân đội Cộng Sản như hai ông đã hứa mà còn cả không đệ trình Hiệp Định Paris để cho Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Sau này Hoa Kỳ sẽ viện cớ rằng vì Quốc hội Hoa Kỳ không biểu quyết chấp thuận Hiệp Định ".
08/05/201900:24:56
Khách
300000 quân Bắc Việt với đầy đủ súng ống hiện đại tiếp tục ở lại miền Nam :

Chẳng cần đợi đến Quốc Hội Mỹ- mà đa số là đảng Dân chủ- biểu quyết cắt bỏ hoàn toàn viện trợ cho Việt nam Cộng Hòa, người ta cũng có thể tiên đoán được rằng miền Nam sẽ chẳng còn cầm cự được bao lâu nữa . Đơn giản là vì không những 300000 ngàn quân Bắc Việt đã được Nixon cho tiếp tục ở lại trong Nam, mà bọn chúng nay còn được tăng cường thêm quân số và súng đạn do đường mòn Hồ chí Minh không còn bị phi cơ Mỹ đánh phá . Trong khi đó, người lính miền Nam không những nay viện trợ bị cắt giảm mà còn không được trang bị vũ khí hiện đại đúng mức so với đối phương, ngoài ra còn phải trải rộng ra khắp lãnh thổ sau khi các lực lượng đồng minh đã rút khỏi.

Sử gia Douglas Pike: Quân đội Cộng sản được trang bị những thứ vũ khí hiện đại nhất mà thế giới cộng sản có thể sản xuất”. Trong cuốn Vietnam At War, The History 1946-1975 , tướng Davidson đã công nhận quân cộng sẩn được cung cấp nhiều xe tăng, đại bác tối tân, họ luôn mạnh hơn Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ đã nâng cấp quân đội miền Nam cho bằng Bắc Việt nhưng quá trễ và quá ít “too little, too late”.

Trong cuốn “Di Sản Tồi Tệ Của Nixon “, học giả Ken Hughes viết:" Tệ hơn nữa, Nixon để quân Bắc Việt chiếm và kiểm soát phần lớn miền Nam, và rút toàn bộ bộ binh sĩ Mỹ còn lại. tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận định rằng “Sớm hay muộn, chính phủ sẽ sụp”. Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tường thuật lại cho tổng thống Nixon nghe hôm 6/10/1972, và nói : “Tôi cũng nghĩ ông Thiệu nói đúng, rằng các điều kiện của chúng ta rồi sẽ tiêu diệt (destroy) ông ta.”

Trong cuốn “ Witness to Power, the Nixon years “ , John Ehrlichman – phụ tá Nội Vụ của Nixon- thuật lại rằng sau khi ký Hiệp Định Paris tháng 1-1973, trả lời câu hỏi của John Ehrlichman, Kissinger đã ước tính chỉ trong vòng 18 tháng Miền Nam Việt Nam sẽ bị Miền Bắc thôn tính.
07/05/201919:56:51
Khách
Ý chính của tác giả là những đoạn này:
"có vẻ (SVSA) đang bị rối trong tiến trình trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi"

"ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi"

"Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì"

Những ý này rất đúng, đầy ý xây dựng, và đầy tình thương.
Ngoài ra, tôi còn có ý thêm là: góp những thông tin chính xác bằng tiếng Anh để cho lớp trẻ so sánh với tài liệu tuyên truyền một chiều kiểu của KB.
07/05/201918:20:55
Khách
Cám ơn Donna Nguyen. Ý tui muốn nói là tụi trẻ bên Mỹ này có sức học ghê gớm lắm. Người lớn muốn dậy dỗ chúng không nổi đâu. Xin đừng là những kẻ truyền đạo nhàm chán. Tụi trẻ dư sức đi tìm sự thật.
07/05/201915:37:28
Khách
Lê Như Đức, Khôi An không đến dự 30/4 với SVSA năm nay vì cô bận buổi dạy học trong ngày thứ Hai 29th/4, là ngày nhóm SVSA chọn làm lễ tưởng niệm 30/4 mà không thông báo trong trang của họ. Ý là họ chỉ chọn khách mời theo ý riêng, chứ không phổ biến ra cộng đồng. Trong khi đó, tác giả vẫn theo dõi thông tin để có thể góp sức nếu cần. Đó cũng là một mối lo khiến cô băn khoăn hơn về lớp trẻ, đặc biệt là SVSA, cô luôn mở lòng với họ, xin bạn hãy đọc lại nhé. Chúc bạn ngày mới an bình, vui khỏe
07/05/201915:19:43
Khách
hi vọng, bạn là Việt Cộng hả, hay là cộng sản nằm vùng, hay chính là một trong những du học sinh bị nhồi sọ. Nếu không phải thì thật là buồn giùm cho bạn và gia đình đấy nhé. Bạn không xứng đáng lấy bí danh là hi vọng. Đất nước Việt Nam không phải là của riêng bọn trẻ nghe chưa? Đất nước Việt Nam là của chung con dân Việt. Những ai yêu nước yêu dân tộc, đều thấy rỏ Việt Cộng đang tàn phá và bán nước cho Tàu cộng. Bọn trẻ đang làm gì cho quê hương thì làm hả? Bạn nói chuyện giống trẻ con thế mà lại hay phát biểu vu vơ. Chúng tôi là thế hệ một rưỡi, sinh sống ở Mỹ nhiều hơn ở Việt Nam, nhờ cha ông đi trước dẫn dắt, mới không quên cội nguồn, quê hương dân tộc. Và chúng tôi nối gót cha ông, dẫn dắt lớp trẻ, CHỨ PHÁ PHÁCH Ở ĐÂU, mà bạn xuyên tạc tỉnh bơ không ngượng miệng vậy? Làm ơn giùm bạn nhé, không biết thì dựa cột mà nghe, đừng phát biểu linh tinh giống các tên "cán ngố" để tự mình "vạch áo cho người xem lưng" nhé. Xin bạn đổi bí danh vì tôi tuyệt vọng với bạn rồi đó.Đã có rất nhiều comment để bạn tham khảo rồi mà bạn vẫn chưa hiểu thêm, được chút gì sáng hơn ở trong tâm và trong đầu bạn sao, hy vọng của họ chắc cũng tắt lịm trong bạn rồi hả? Lời cuối cho bạn, chúc bạn ngày mới an lành và bớt bị nhồi sọ đi, xin đứng im để người khác giúp lớp trẻ đi đúng hướng cho quê hương dân tộc bạn nhé.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,526,418
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Đã tự bao giờ, nước Mỹ là biểu tượng của tự do, dân chủ, phồn vinh mà biết bao người trên hành tinh này ước mơ được đặt chân đến?
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.