Hôm nay,  

Một 30 Tháng Tư Chỉ Có Trong Tưởng Tượng

30/04/201916:01:00(Xem: 9163)

Tác giả: Anne Khánh Vân

Bài số 5676-20-31483-vb3043019

 

Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Tiếp theo, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ.

Mười ba năm trước đây, Khánh Vân có bài “30 Tháng Tư, Một Ngày Để Yêu Quí Ba Hơn.” Ba mươi tháng Tư năm nay, bài viết cũ được bổ túc bằng những uẩn ức lần đầu tuôn chảy. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

 

vb3_Anne KV_Hai Lua
Sáng nay, một ngày cuối tháng Tư 2019,  tôi đưa Tía Hai Lúa đi thi quốc tịch.

 

***

 

Bart soạn lại những đồ đạc cũ của anh và tìm thấy cuốn nhật ký anh đã bắt đầu viết khi đi trại hè, mùa hè mẹ Bart đưa anh đến trại và đã bỏ đi, không bao giờ trở về.  Những đêm ở trại, giờ tâm linh bên ánh lửa, người thầy đã giảng và tập cho các em viết một câu, "Today, I choose to forgive... Hôm nay, tôi quyết định tha thứ…"  Dấu ba chấm vẫn chưa bao giờ được điền tiếp... Cuốn nhật ký phủ dầy một lớp bụi…

Quên không dễ; tha thứ càng khó hơn nhất là khi những người để lại những vết thương trong mình, những người hành hạ thân xác mình suốt từ tấm bé, không ai khác chính là những người thân của mình, những người đáng lẽ phải bảo vệ, che chở mình, tránh đi cho mình những đau thương. Mọi thứ bị khắc sâu trong tâm trí và ám ảnh mãi đến lớn, không làm sao bôi xóa.  Quá khứ cứ dày vò.  Khi thì như đã quên tất cả; lúc khác thì từng chi tiết lại hiện lên rõ rệt như chỉ mới hôm qua.  Chiến tranh nội tâm cứ diễn ra giữa nhớ và quên, giữa tha thứ và cố chấp, giữa chấp nhận và chống trả.

Nếu con người ta có thể xóa đi những gì không muốn giữ trong tâm trí dễ như mỗi khi ta muốn xóa đi một thứ gì đó không cần giữ nữa trong thẻ nhớ của máy điện toán hay máy điện thoại... thì mọi thứ trên đời này sẽ đơn giản biết là bao.  Có lẽ Thượng Đế tạo ra con người biết thương biết ghét, biết buồn biết vui, và có khả năng nhớ khác với muôn loài là để chúng ta thử thách chính chúng ta chăng?

*

Today I choose to forgive… Hôm nay, tôi chọn Tha Thứ…

Trên giường bệnh trước khi từ trần, bố Bart nói đã hãnh diện về con trai ra sao và ông muốn con trai hãy theo đuổi ước mơ. Ông giải thích ông đã không thực hiện được những ước mơ của mình nên đã không ủng hộ các ước mơ của Bart. Nhưng ông đã thấy Bart khác ông; Bart đã tỏ rõ có thể thực hiện những gì nuôi nấng và ông đã tin Bart sẽ có thể đi tiếp đoạn đường còn lại và đến đích.  Ông để lại bảo hiểm nhân thọ giúp con có tiền chi phí hàng tháng, trong lúc còn phải theo đuổi ước mơ và chưa có thu nhập.

Chỉ tưởng tượng thôi, không cần phải làm thử hay sống thử chỉ một năm, hai năm, hay năm năm, mười năm, mười lăm năm… Khi con người ta mất đi hết những gì quý giá nhất, quan trọng nhất và bị đá dồn xuống tận cùng của tất cả, họ có thể trở nên điên loạn đến mức nào?  

Nhớ lại rồi hiểu ra việc cả miền Nam Việt Nam bị đẩy tới chỗ phải sụp đổ ra sao, tôi đã hiểu không chỉ riêng gia đình hay bản thân mình. Cái con bé nhóc tì thời đó chỉ là một điển hình trong muôn ngàn con bé thằng bé nhóc tì khác có cùng hoàn cảnh.  Chúng tôi là những nạn nhân của một thời đại. Những ông bố của chúng tôi còn là những nạn nhân lớn hơn… Nhưng cũng đã gần nửa đời người trôi qua.  Nhớ mãi, oán trách mãi có lợi gì?

Tôi đã thử nhiều lần và nhận thấy giữa khóc và cười, cười dễ hơn.  Khóc đòi hỏi sự hợp tác của nhiều thứ quá.  Nào là tuyến lệ; rồi phải vận động các cơ cho đủ nhăn má, mắt, mặt, môi; rồi phải tạo nên âm thanh, tạo tiếng nức nở; xong rồi phải nung nấu cảm xúc… Tất cả các thứ đó phải diễn cùng lúc mới thành… khóc!  Khó quá!  Mất công quá!  Cười đến cái rẹt, nhanh hơn, dễ hơn, đỡ hao tốn năng lượng thời gian hơn… Thôi thì quyết định cười thường xuyên hơn thay vì khóc.

Cũng như thế, quên và tha thứ để yêu thương dễ hơn, đỡ hại não hại tim hơn thay vì phải nhớ, cố chấp, và ghét bỏ…

Nói thì dễ vậy, nhưng khi làm thì không chắc có sẽ dễ như vậy không!  Có lẽ tha thứ sẽ xảy ra và có dễ làm hay không còn tùy thuộc vào thái độ và những thay đổi của đối tượng.

*

Sáng Chủ Nhật, ngày lễ Phục Sinh, tôi đang ở xa nhà thì nhận tin nhắn của ông bố tôi (mà trong các bài viết trước tôi hay gọi là tía Hai Lúa).  Ông viết, "Chiều nay Mimi về mấy giờ, có ăn tối với ba được không? Ba đãi." 

Khánh Vân tôi là con gái rượu, tức là con gái thường (được nhờ) đi mua rượu (và trả tiền dùm luôn) cho tía má.  Cũng là chị Hai trong gia đình nên thường chi phí cho cả nhà mỗi lần đi kéo ghế.  Bởi vậy nên khi được ai lên tiếng đãi, tôi rất mau mắn nhận lời (hihi chỉ nói đùa chút cho vui thôi, chứ cho dù tía Hai Lúa đòi đãi, tôi vẫn trả tiền để là con gái rượu sang…).

Tôi về kịp trước giờ ăn tối và cùng tía Hai Lúa đi ăn vì má tôi vắng nhà. Khi ngồi ăn, ông kể "sáng nay nhà thờ đông quá trời, chỗ đứng trong nhà thờ cũng không còn, nhiều người phải đứng tận ngoài sân."  Tía Hai Lúa tôi theo đạo bên vợ chứ không phải đạo gốc.  Ông đã từng đùa phá kể chuyện hồi xưa còn trẻ học đạo khi bị ép và phải làm thì chỉ là "con thờ lạy Chúa ba ngôi, con lấy được vợ, con thôi nhà thờ."  Nghe tía kể chuyện sáng nay đi lễ, tôi đã nghĩ bụng, "À, đâu phải ba chỉ đi nhà thờ khi có má ở nhà vì phải chở má đi. Ông ấy ở nhà một mình vẫn tự đến nhà thờ dự lễ, ngày lễ trọng."  Để một người đã từng mất hết niềm tin trong tất cả có lại đức tin và chăm chỉ đi lễ, chăm chỉ cầu nguyện, chắc hẳn ông đã được cứu rỗi và tìm thấy sự mầu nhiệm khi có đức tin và cầu nguyện.

Cũng như thế, khi má tôi không có nhà, tía Hai Lúa tôi vẫn đều đặn đến văn phòng Boat People SOS mỗi thứ Sáu để làm thiện nguyện giúp phân phát bánh trái rau quả cho các gia đình khó khăn. Ông cũng đã có thể mượn lý do tòa-nhà ngoại giao (má Hai Lúa tôi) không có nhà và ông không phải làm những việc mà bà đăng ký làm chứ chưa hẵn ông đã thích.  Tôi đã từng nghĩ tía Hai Lúa tôi là người hơi bị không mấy siêng nhất nhì thế gian. Nhưng tía Hai Lúa hôm nay của tôi đã khác.  Ông thích tham gia những việc xã hội.  Ông quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh mình và muốn là người hữu dụng không chỉ giới hạn trong gia đình mà cả trong bạn bè, người quen.  Ông tự túc, tự giác, làm những gì tin mình cần làm, không cần phải có người hối thúc đưa tay lôi kéo ông đi.  

Khi tôi đem được má tía qua Mỹ, họ chưa 60 tuổi. Tía tôi tìm được việc làm ở tiệm Thrift Store bên kia đường, với mức lương tối thiểu của tiểu bang $7.25 một giờ.  Ông đã kiên trì làm ở đó 6, 7 năm.  Cứ ngày ngày thu nhận các đồ đạc vật dụng được cho, sắp xếp theo loại cho gọn gàng trong nhà kho, sửa lại nếu cần những gì hư nhẹ và còn dùng được… để sau đó đồ được định giá và đem ra bán.  Ông cũng thường giúp khách hàng mang đồ nặng ra xe hoặc giúp khách hàng lắp ráp những thứ hơi cần chút kỹ thuật. Tối đến, ông sẽ dọn dẹp lau chùi tiệm, tắt đèn và đóng cửa.  Một công việc mà theo nhiều định nghĩa trong tiếng Việt là làm "cu-li", chắc chắn nhiều người sẽ chê không muốn làm vì sĩ diện.  Nhưng tôi thấy ông tía Hai Lúa tía tôi lại có vẻ rất tự hào có được công việc làm đó. 

Riêng cá nhân tôi, tôi nhận thấy công việc làm này vô giá vì nó đã giúp tía tôi hòa nhập vào đời sống và tư duy mới ở Mỹ.  Tính tình ông đã thay đổi nhiều mà không hẵn ai cũng nhận ra và thấy được giá trị, ngay cả chính ông.  Trong thời gian làm việc ở đó, ông đã được khám phá bị ung thư và phải chữa trị.  Ông vẫn đi làm và học cầu nguyện.  Mỗi ngày trong công việc, khi sắp xếp gọn gàng lại những ngổn ngang bừa bộn xung quanh mình, cũng chính là dịp để ông suy gẫm và sắp xếp cho gọn gàng lại những gì còn ngổn ngang bừa bộn trong chính tâm hồn và thể xác mình.  

Ông cũng nhận thức rõ hơn và mạnh dạn quyết định khi phải vứt bỏ đi những gì đã quá hư, không còn thích hợp, không nên giữ.  Cuối cùng lại, khi làm một công việc mà ít người muốn nhận làm vì nó có vẻ quá thấp kém có lẽ cũng đã giúp cho tía rèn luyện tính khiêm nhường, thấy mình nhỏ bé.

Hôm nay tía Hai Lúa tôi đã được nhận vào làm cho hệ thống trường học của quận Fairfax.  Tôi giúp ông nộp đơn từ lúc mới qua Mỹ; sau đó nhờ bác Chí ở gần nhà, người thầy đã dạy má tía tôi tiếng Anh trong nhiều năm qua, đã hướng dẫn thêm nên đến văn phòng nhân sự nhắc chừng để họ biết mình vẫn kiên trì chờ đợi được chọn.

Sau gần 8 năm, với nhiều hướng dẫn và giúp đỡ, cuối cùng tía Hai Lúa tôi được nhận vào làm và gửi tới một trường học cách nhà khoảng 30 dặm. Ông làm ca nhì, từ 3 giờ chiều đến 11 giờ tối. Tôi đã hơi lo tía lái xe hơi yếu buổi tối, lại không rành nhiều đường sá; 11 giờ tối mới tan ca lái về nhà, không biết ông có vững vàng đủ để nhận việc và làm lâu dài không.

Khi xin nghỉ ở tiệm Thrift Store chỉ cách nhà nửa dặm, từ nhân viên đến cấp trên và cả những người khách hàng thân quen của tía Hai Lúa, ai cũng buồn và tiếc sẽ không còn dịp làm việc với tía tôi nữa. Nhưng họ đều mừng là tía tôi bước lên được một bước cao hơn. Lương ông lên $15 một giờ bắt đầu cho thời gian còn là nhân viên tạm.  Nhân viên tạm có nghĩa trường học nào có nhân viên chính thức bị đau bệnh hay nghỉ hè dài hạn và cần được bổ sung nhân viên thì nhân viên tạm sẽ được điều đến đó tạm trám vô chỗ trống.

Tía tôi cứ như thế được chuyển đi vòng vòng các trường học trong quận và mỗi nơi chỉ làm độ vài tháng. Các trường này vẫn tương đối xa nhà. Ông vẫn kiên trì và vẫn thường xuyên lui tới nhắc chừng với phòng nhân sự xin được điều về làm gần nhà khi điều kiện thích hợp.  Sau gần một năm, với những phê bình tốt của những quản lý ở từng trường cho làm thử việc, ông đã được về làm ở trường học cách nhà 3 dặm và được gửi đi học cách sử dụng các máy móc hoặc kỹ thuật cần thiết cho công việc để vào biên chế, chuẩn bị trở thành nhân viên chính thức.

Ông chỉ làm công việc dọn dẹp và bảo trì trường học sau khi học trò tan trường. Vẫn là người bật hệ thống an ninh báo động trừ trộm cắp, đóng cửa, tắt đèn... Một công việc cu-li như cách ông hay nói nhưng ông rất hãnh diện và hài lòng về nó.  Phải đi bộ rất nhiều mỗi ngày, ông như vừa được tập thể dục và vừa được phát lương.  Ông làm ra tiền, không phải nhờ cậy hay xin trợ cấp của ai. Cuối năm ông cũng có bản thuế và đóng thuế, để dành vô an sinh xã hội và hưu trí như mọi công dân Mỹ.

Khi có người thân quen than không có việc làm, tía tôi sẽ nói, "Trời ơi, dở nhứt là tui nè, mà tui vẫn còn được cho việc để làm. Mấy người sẽ có việc dễ chắc nếu không kén chọn và cứ vui vẻ đón nhận những gì được cho."

 

*

 

Năm 2001, ban nhạc rock Christian MercyMe đã phát hành đĩa nhạc “I Can Only Imagine” do chính Bart Millard viết và trình bầy. Bài hát nhanh chóng  mang lại tên tuổi cho Bart Millard và ban nhạc Christian MercyMe. Với giải thưởng Dove cho “nhạc sĩ của năm”,  hơn 2.5 đĩa hát đã bán hết và năm 2018 đạt mức đĩa hát Christian  bán chạy nhất mọi thời đại. Cũng trong năm 2018, câu chuyện thật về cha con Bart được dựng thành phim.

 

Trong buổi phỏng vấn của đài phát thanh cơ đốc uy tín dành cho những người tài ba có tác phẩm xuất sắc, khi Bart nói là chỉ chừng mười phút là anh viết xong  bài hát, người phỏng vấn biết tâm sự của Bart, cô bổ túc, "Không, anh không viết nó trong chỉ mười phút.  Anh đã đánh đổi cả cuộc đời của anh để có được một tác phẩm tuyệt vời như vậy!"  Bart ngừng lại một chút rồi nói, "My dad was a monster, the only word for it.  But I saw God transformed him from someone I hated to someone I wanted to become… Bố tôi đã như một con quái vật,  không có chữ nào khác để diễn tả.  Nhưng tôi đã được thấy Thượng Đế thay đổi con người của ông ta, từ người tôi vô cùng căm ghét trở thành người tôi muốn được trở thành."

Đúng như Bart nói, tôi cũng đã từng thấy Thượng Đế thay đổi con người của cha tôi.  

Mới đó, cuối tháng Tư năm nào, chàng Hai Lúa trẻ trung rời khỏi chuyến bay tự nguyện ở lại với gia đình và Sài Gòn tan nát. Sau đó, mọi niềm tin sụp đổ. Tuyệt vọng là lúc quỉ dữ có thể biến hình con người thành hung hãn. Những rồi đức tin sẽ trở lại. Cứ cố gắng hết sức phần mình, Thượng Đế sẽ biết và tiếp sức trong phần việc của ngài. Và ông tía Hai Lúa ngày hôm nay của tôi đã trở thành một con người khác, một người mà tôi đang thực sự hãnh diện.  

Sáng nay, một ngày cuối tháng Tư năm 2019, Tía Hai Lúa đóng bộ bảnh bao, đi thi quốc tịch. Lái xe đưa ông đi,  hai bố con truyện trò vui vẻ, có lúc còn dừng xe bên đường “ngoạn cảnh”, chụp hình đám cây cối mà ông khen đẹp, không nhắc gì về những bài học thi quốc tịch mà ông sắp trả  bài. Bao năm qua, tự ông biết lo lấy. Quan sát và theo dõi những thay đổi chậm rãi trong người cha đã cho tôi niềm tin vào ông. Kết quả: Tía Hai Lúa của tôi được chúc mừng trở thành công dân Mỹ, chỉ còn chờ ngày dự lễ tuyên thệ, lãnh bằng.

Tôi viết bài viết này để mừng “công dân Mỹ” Hai Lúa. Mừng ông bố đã vượt thoát bệnh ung thư và vượt được chính mình. Bài viết nhỏ này cũng mong được gửi tới các chú bác đơn vị 101 nói riêng, các ông bố ngày xưa ngày nay nói chung, các ông bố giữa Nam và Bắc, các ông bố của thời chiến và thời bình, các ông bố còn ở lại hay đã ra đi,… Các ông bố mà hôm nay các con đây đã hiểu nỗi thống khổ vô hình, những đau thương mất mát một thời. Mong cha con chúng ta hãy cùng nhau trút bỏ và cho qua đi những gì phải qua và cùng nhau bước tới.

 

*

Xin cảm ơn các chú bác đơn vị 101 đã khuyến khích để con có dịp viết ra những thầm kín bị cất giữ bấy lâu nay.  

Con cũng xin cảm ơn hai người thầy đã nhận ra những lẫn tránh trong ngòi bút của Anne Khánh Vân và đã từng nói với con ngay những ngày tháng đầu sau khi con lãnh giải Chung Kết.  "Hãy để cho mọi thứ tự tuôn chảy, hãy viết hết mình, đừng ép mình phải ngừng lại…": chú Nguyễn Xuân Nghĩa và chú Trần Dạ Từ.

Ba mươi tháng Tư năm nay, với tôi, đúng là một ngày chỉ có trong tưởng tượng.

Cám ơn ơn trên.

Cám ơn nước Mỹ.

Cám ơn các bậc cha chú của thế hệ chúng tôi.

Cám ơn Tía Hai Lúa của con.

Và chân thành cám ơn tất cả các cô chú bác anh chị em độc giả khắp nơi đã luôn hỗ trợ Khánh Vân suốt nhiều năm tháng qua.  Cầu chúc tất cả chúng ta ngày ngày được an vui thư thái.

 

Anne Khánh Vân

**************

30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại! Nhìn Lại Nữa!  

08/05/2010  https://vvnm.vietbao.com/a164939/30-4-nhin-lai-nhin-lai-nhin-lai-nua

 

30 Tháng 4: Một Ngày Để Quý Yêu Ba Hơn  

27/04/2006  https://vvnm.vietbao.com/a163636/30-thang-4-mot-ngay-de-quy-yeu-ba-hon

 

Ý kiến bạn đọc
03/05/201914:36:35
Khách
Dear Anne K. Vân,
Quả thật, "Quên không dễ; tha thứ càng khó hơn...".
Mong K.V. tìm được an bình trong tình yêu Chúa để có thể thứ tha, như câu "vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ..." trong bài hát "Kinh Hoà Bình" của Cha Kim Long.
Chúc K.V. luôn nhiều an bình.
H.N.T.
03/05/201906:45:25
Khách
Bài viết bình dị. Đọc thấy hay và gần gũi.
Chúc mừng tác giả đã cất được gánh nặng và nỗi buồn của những ngày xa xưa cũ. Đã làm hoà được với người cha thân yêu!
Cảm ơn bài viết thật dài của tác giả, lồng trong câu chuyện thật lôi cuốn của Bart.

“Hãy cố yêu người mà sống lâu rồi đời mình cũng qua...”(VTA)
Trân Trọng.
03/05/201900:45:14
Khách
Hoan hô Kim Lê. Phâraghrap thứ nhất nói lên tất cả . Mặc cho ai ải ài ai , cứ nghe tớ 30 tháng 4 là nhẩy dựng . Tác giả có cần thanh mình hay VIỆT BÁO ĐÃ LÀM GÌ SAI TRÁI VỚI BÀI NÀY , ( ý nói chỉnh sửa đó ) HAY VỚI CÁI TỰA NÀY THÌ LÀM ƠN NÓI RA . tôi o tin tác giả viết được bao bài hết xảy mà lại đặt tựa dề lạc quẻ và chẳng cần phải làm gì mà phải xin lỗi . Vớ vẩn, mấy người dị ứng !
03/05/201900:06:07
Khách
Toi rat dong y voi "Khach" la neu tac gia can dam thi dung len xin loi. Toi la nguoi cua mien nam, khong nho mon nhu bon cs, toi xe tha thu, nhung dung tuong the ma dinh qua mat. Toi khong tin la tac gia khong biet chuyen cs giet hai dan lanh, hay khong ranh ngon ngu VN vi kha nang tieng Viet cua tac gia rat la luu loat, la mot nguoi co bang cap dai hoc, va hon nua nay da 44 - 45 tuoi thi khong phai la mot tre 14 - 15 tuoi. Khong the chap nhan la khong biet nhung chuyen dau thuong cua dan toc Viet da phai ganh chiu voi vi nan cs. Xin moi nguoi dung qua rong luong vi chung ta co bon phan phai vach ra nhung nguoi co loi le "than cong", va dong thoi cung de nhung vong linh cua nhung nguoi da chet vi tay cs duoc mim cuoi noi chin xuoi vi da co nhung nguoi nhu chung ta dam dung len doi chat voi nhung nguoi vo tinh/co tinh "than cong" Toi thi nghi rang tac gia muon thu coi bai viet cua minh sau 44 nam coi nguoi Viet o hai ngoai da bot phan uat chua, just testing the water. Xua kia cs da tra tron vao mien nam cung vi chung ta qua tot bung va de dai. Tay sai cho cs co the la mot anh xich lo, mot co giup viec, hay hay mot nguoi sinh vien, hoc sinh, hay co the la mot nguoi da hoc xong dai hoc.... Chac moi nguoi quen la sau nam 75, bon chung bat dau lo dien la cong an 30/4.
02/05/201920:01:06
Khách
Nếu tác giả chịu nhận lỗi và sửa lại cái tựa đề thì chắc độc giả cũng chẳng quá chấp nhất sẽ sẵn sàng bỏ qua cho tác giả cái tai nạn này.
02/05/201918:56:13
Khách
Đọc 30/4: Nhìn lại! Nhìn lại! Nhìn lại nữa của KV viết năm 2010, tôi thấy tác giả không vô cảm với những đau thương của ngày 30/4 vì tác giả cũng là nạn nhân của cuộc đổi đời sau đó.
Tác giả có vẻ là người hiểu biết trong bài viết năm 2010. Với những điều viết trong bài Nhìn lại và với sự tin yêu của các vị trong 101, có vẻ tác giả có lập trường chính trị khá rõ ràng.
Như vậy, cái tựa gây phản cảm của bài này chắc là một tai nạn, là một lần đầu óc tối tăm nhất thời, làm điều dại dột mà người thiệt hại nhất chính là mình.
Nhưng, chúng ta có lẽ có nhiều người cũng từng làm những điều mà sau đó phải tự hối hận, tự nghĩ sao mình "ngu" quá.
Đây là một bài học rất lớn cho tác giả, tôi tin chắc là vậy.
Tôi nghĩ chúng ta nên thông cảm cho tai nạn này.
Tôi nghĩ chúng ta không nên lên án tác giả nữa, hãy đọc các bài khác của tác giả để hiểu thêm về cô.
Tôi cũng muốn nói rằng có lập trường vững chắc nhưng điềm tĩnh và dân chủ mới là cách tốt nhất để đoàn kết mọi thế hệ để cùng nhau đối phó với bọn cầm quyền CS
02/05/201917:11:24
Khách
Tôi đọc kỹ hai phần bài viết của tác giả Khánh Vân và có vài ý kiến:

- Đây là những suy nghĩ thật lòng của tác giả vì cô khẳng định: “có dịp viết ra những thầm kín bị cất giữ bấy lâu nay.” Vì vậy cô xác quyết quan điểm của mình: “Ba mươi tháng Tư năm nay, với tôi, đúng là một ngày chỉ có trong tưởng tượng.”
- Sống trong môi trường nước Mỹ với thể chế dân chủ, tôi học cách chấp nhận những ý kiến trái với quan điểm của mình nhưng điều này không có nghĩa là tôi đồng ý với những suy nghĩ của tác giả. Cô có quyền viết “hết mình, đừng ép mình phải ngừng lại…” nhưng đồng thời cô cũng cần biết những nhận ý nghĩ trái chiều của độc giả.
- Từ ý kiến trung thực của cô, tôi hiểu rằng cô sinh ra dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại là sản phẩm của xã hội chủ nghĩa. Một trong những bản chất của cộng sản là sự vô cảm. Cô không hề cảm nhận được nỗi đau thương bi hận mà người dân miền Nam nói riêng và hiện tại là cả nước nói chung (trừ những tên chóp bu lãnh đạo), phải gánh chịu dưới ách bạo tàn của cộng sản. Bản thân cô lớn lên được nhận bằng cấp đại học và đi làm ở xứ tự do nên tôi tin rằng cô đã sáng mắt sáng lòng và bằng mọi cách đã đưa người thân sang đây. Nếu cô thấy tính ưu Việt của xã hội chủ nghĩa thì giờ này cô và cả gia đình đã ở lại quê nhà để “hãy cùng nhau trút bỏ và cho qua đi những gì phải qua và cùng nhau bước tới.” Vì vậy “Các ông bố mà hôm nay các con đây đã hiểu nỗi thống khổ vô hình, những đau thương mất mát một thời” chỉ là lời văn viết cho đẹp bài viết.
- Nhân nhắc về bài viết, đây là lối văn tường thuật xen kẽ hồi tưởng. Lối hồi tưởng trong văn phong khó hơn nhiều so với kỹ thuật hồi tưởng trong phim ảnh. Trong khi đạo diễn phim chỉ cần phóng to và làm nhoè hình ảnh của một nhân vật đang hồi ức rồi đưa khán giả trở lại bối cảnh trong quá khứ, sau đó đưa màn ảnh trở lại nhân vật ban đầu, khán giả hiểu được ngay. Đó là vì họ dùng hình ảnh cụ thể. Còn hồi tưởng trong văn viết thì không chỉ lối tường thuật là đủ mà phải sử dụng phần lớn cách miêu tả từ bối cảnh, nhân vật và ngay đến cách chọn chữ. Những kỹ thuật viết kể trên sẽ đưa độc giả đến sự tưởng tượng cao độ nhưng chính xác, lúc đó mới gọi là đạt. Nhiều nhà văn lão luyện không chọn lối viết hồi tưởng vì họ thấy có nhiều rủi ro, huống hồ gì tay ngang thì càng phải tuyệt đối dè dặt hơn.
- Tôi không mong gì tác giả thay đổi được suy nghĩ vì đó là một phần của bản chất được hun đúc. Tôi chúc cô luôn hạnh phúc với điều cô chia sẻ với độc giả và hãy nhớ rằng nhiều độc giả trong số đó có tôi không bao giờ quên tại sao chúng tôi bỏ quê hương mà đi.
02/05/201912:29:45
Khách
Chọn đúng ngày tang thương của đất nước 30 tháng 4 để kêu gọi mọi người hai chữ tha thứ mà tác giả KV đã giả bộ ngây ngô gửi qua câu chuyện của gd mình , tôi cảm thấy tác giả hoặc có một dụng ý nào đó ( chẳng hạn viết bài theo ... đơn đặt hàng của " ai " ) , hoặc tác giả ...ngu thiệt !!!
Nhưng giả thiết trên dù đúng hay sai , chỉ đọc cái tựa của bài viết là chúng tôi, những người ty nạn đã từng suýt bỏ thây nơi biển cả mênh mông , đã từng khốn đốn lao đao từ cái ngày oan khiêng định mệnh đó, , cảm thấy bất nhẫn và vô ý thức ..
Một dấu ngoặc nho nhỏ trong phần tiểu sử của tác giả , chỉ trong vài tuần tác giả đã " chạy " ( bằng cách nào tôi thực sự không biết ) và đã đưa được cha mẹ sangi dự lễ phát giải của cô .. Một nhân viên của tôi , qua Mỹ hơn 16 năm , có quốc tịch Mỹ hẳn hòi , vậy mà cô bé nhiều lần vẫn than thở với tôi là làm giấy tờ cho cha mẹ sang Mỹ chỉ để du lịch và thăm viếng khi cô bé vừa có sinh con , vậy mà hồ sơ ba lần bị bác , mãi hơn một năm sau cha mẹ côi mới sang đây được .
Vậy mà cô KV tài tình bằng cách nào chỉ trong vài tuần đã đưa được cha mẹ sang Mỹ nhanh chóng đến vậy ?
Hay tác giả của " 30 tháng 4 chỉ có trong tưởng tượng " này có ..."ô dù " rất mạnh bên kia ???
02/05/201906:32:31
Khách
Tôi đọc kỹ bài để hiểu rõ ý của tác giả và thấy tác giả bị lên án oan.
Trong những phê bình, tôi chỉ đồng ý với anh LNĐ và Jane MT, nhất là câu anh LNĐ nói rằng "Tựa bài viết và nội dung của bài viết cách xa một đại dương."

Tôi cũng đồng ý anh LNĐ là tác giả tự ép mình, lựa một cái tựa có vẻ thu hút để
làm cho bài viết hợp thời, nhưng cách dùng chữ của tác giả còn non, cách diễn đạt ý tưởng lại không rõ ràng nên gây hiểu lầm.
Theo tôi, ý tác giả là: ngày 30 tháng 4 là ngày ghi dấu những mất mát vô cùng to lớn cho cả miền Nam mà những người chịu đựng khổ đau nhiều nhất là những ông bố. Vì thế, ngày 30 tháng 4 năm nay, tác giả muốn làm một điều đẹp đẽ để bù đắp lại cho tía mình, do đó tác giả chọn ngày này để tha thứ cho những đau khổ mà tía đã gây ra cho cô.
Câu "mong cha con chúng ta hãy cùng nhau trút bỏ và cho qua đi những gì phải qua và cùng nhau bước tới" là tác giả muốn nói hai cha con trút bỏ những ký ức xấu của cha con họ và cùng nhau bước tới những ngày thông cảm nhau.
Thật ra, chọn 1 ngày buồn để tha thứ cho nhau làm ngày đó bớt buồn là một ý tưởng đẹp, nhưng tác giả đã không diễn tả được điều đó cho rõ.
Về phần độc giả, có lẽ vì ký ức quá sâu và quá nặng nề, đau đớn về ngày 30/4 nên nhạy cảm hơn bình thường và hiểu lầm dễ xảy ra hơn bình thường.
Cái tựa có lẽ do tác giả muốn nói ý tiếng Anh: "a day that I could only imagine". Nghĩa là trước đó, tác giả không thể ngờ là mình có thể tha thứ cho tía mình, cho nên ngày tác giả tha thứ được thì tác giả thốt lên "it's a day that I could only imagine before". Thí dụ người học dở mà tự nhiên nhận tin thi đậu thì mừng quá nói "trời ơi, chắc chuyện này chỉ có trong tưởng tượng".
Cùng là nữ giới, tôi đọc và suy nghĩ từ từ, tôi tin chắc ý của tác giả là như vậy.
Nếu mà tác giả nói thêm 1 chút cho rõ ý muốn làm việc tót để bù đắp cho những khổ sở của tía bắt đầu vào ngày 30/4 và chọn tựa là: 30/4 Ngày Con Làm Được Việc Không Tưởng thì chắc không ai hiểu lầm.

Nhân việc này, tôi xin chia sẻ như sau:
Trước hết tôi không phải là bạn hay người thân với tác giả, nhưng tôi chỉ nói điều công bằng. Độc giả nên nhẹ nhàng và quý trọng công của người viết hơn.
Ở đây, lỗi của KV là viết không rõ ràng, đặt tựa tối nghĩa. Vậy thôi.
Người viết để chia sẻ, viết không có lợi nhuận gì, đâu có ai muốn tự nhiên bị đánh. Hầu hết lỗi lầm của người viết là "tai nạn" mà thôi. Đã là tai nạn thì mọi người nên thông cảm.
Đừng quá hung hăng, nóng nảy trong một ngày buo^`n mà đáng lẽ mọi người nên yêu thương nhau và tha thứ cho nhau hơn.
02/05/201904:24:09
Khách
Trong chuyện 30 tháng tư của riêng tác giả , với những kỷ niệm của riêng tác giả . Vô tình có một dấu mốc với chung đất nước nên tôi chắc tác giả chỉ muốn nói về sự kiện rất đặc biệt của cô ( ông bố o đi đi tản vì tác giả vừa chào đời ) . Rồi nhiều sự kiện của gia đình cô vào tháng 4 mới này . Tôi o thấy một chút gì dính lứa tới chính trị 30/4 . Chẳng qua ( theo tôi tự suy diễn ) cũng như một số độc giả tự suy suy và kết án tác giả ĐÃ NÓI LÀ NÊN THA THỨ AI ĐÓ GÂY RA NGÀY 30/4 . HAY LÀ NÓI TÁC GIẢ CHỌN THA THỨ CHO NGÀY QUỐC HẬN . Chẳng qua cái tựa gây phiền toái cho tác gỉa cũng như rất nhậy cảm cho người bên này bên kia . Xin đọc văn hiểu văn và xin đừng xằng xê qua chính trị mà oan ơi thị kính .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,113,605
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Nhạc sĩ Cung Tiến