Hôm nay,  

30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại! Nhìn Lại Nữa!

08/05/201000:00:00(Xem: 312459)

30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại! Nhìn Lại Nữa!

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 2883-28183-vb6050611

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống tại Virginia và làm việc cho AECOM, một trong 500 đại công ty hàng đầu thế giới theo Fortune xếp hạng. Bài sau đây được tác giả ghi “Viết cho tất cả những người cha từng ở tù, những người mẹ từng thay chồng nuôi con tại  miền Nam sau 30 tháng Tư.” Bài này được viết riêng cho Nội San Ái Hữu Đơn Vị 101, một đơn vị ngành an ninh VNCH trước 1975, đồng thời góp thêm cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.

***

Thưa các chú bác 101,
Con được đến với Nội San Ái Hữu Đơn Vị 101 là nhờ bác Lê Trị. 
Năm trước, tháng Tám 2009, Việt Báo Online phổ biến bài "Chuyện Nước Mỹ, Chuyện Việt Nam" của Anne Khánh Vân, kể chuyện tổng thống Obama mời hai thường dân vào Nhà Trắng để... cụng bia.  Bác Trị ra công copy bài này gửi các đồng đội cũ mời đọc.  Thương làm sao lời giới thiệu của bác, "Anne Khánh Vân là cháu của Lê Trị..."
Mới đây, con nhận thêm email, "Chú là Bảo Trâm, bạn của chú Lê Trị, hiện phụ trách biên tập Nội San Hội Ái Hữu Đơn Vị 101.  Được biết Anne Khánh Vân đã hứa trước nên chú gởi thư này xin Anne viết riêng một bài cho Nội San Hội Ái Hữu Đơn Vị 101, dự trù ra mắt trong dịp 30 tháng Tư."
Đúng là khi được bác Lê Trị biểu viết bài cho nội san 101, con đã mau mắn "dạ dạ", dù chưa biết mình sẽ viết lách ra sao.  Bây giờ, nhờ email chú Bảo Trâm nhắc tới ngày 30 tháng Tư, con bỗng "ngộ" ra nhiều điều bất ngờ. 
Con cám ơn chú Bảo Trâm nhắc bài. 
Con biết ơn các chú bác 101 đã ưu ái, tin cậy, cho con cơ hội để... cà kê dê ngỗng. 
Xin bắt đầu ngay bằng chuyện cha mẹ chú bác mình. "Hồi đó,... Hồi xưa..."

*
Khi Saigon còn là thủ đô của miền Nam, có chàng học trò nghèo -con côi mẹ goá- được một gia đình bố mẹ nuôi người Mỹ từ Hoa Kỳ giúp ăn học và sẵn sàng bảo trợ du học.  Chính chàng quyết định hoãn việc xin du học, ở lại để... lấy vợ, rồi sinh con.  Đứa con đầu lòng ấy là... con, Anne Khánh Vân, chỉ mới 6 tháng tuổi khi Saigon hấp hối. 
Tháng Tư năm 1975, ba con đang làm việc với người Mỹ trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.  Ứng trực ngay tại nơi lên lịch những chuyến bay di tản, ông có sẵn chỗ trên máy bay cho cả gia đình, lại có sẵn bố mẹ nuôi người Mỹ bảo trợ, nhưng không thể liên lạc với vợ con.  Phút cuối, chính ông quyết định... rời khỏi máy bay, vất vả để ra khỏi phi trường, về nhà.  Mọi chuyện lỡ làng.  Chiều 30 tháng Tư, ông cùng mẹ và vợ đốt hết giấy tờ hình ảnh liên hệ đến người Mỹ.  Và sau đó, đi tù. Rồi trăm cay nghìn đắng... 
"Má à, sao Ba không đi Mỹ như các chú các bác""
"Còn vì sao nữa.  Hỏi ba mày đi."
"Con muốn có ba đi Mỹ để gửi quà về nhà hay muốn có ba ở bên con""
Con đã hỏi má, hỏi ba, rồi ba hỏi lại con, sau khi đã kể lại chuyện cũ. 
Thì ra vì không nỡ bỏ rơi con, ba con đã quyết định ở lại.  Nhờ điều này, suốt thời thơ ấu, dù cơ cực thua kém chúng bạn, con vẫn có thể hất mặt lên, hãnh diện nhớ ngày 30 Tháng Tư.  Ngày ấy, với ba, không phải ai khác mà chính con là... V.I.P.  - nhân vật quan trọng nhất.  Từ đó, đây là ngày để yêu quí ba hơn.  Con nhớ mình đã hiểu như vậy khi mới chín, mười tuổi. 
Cũng từ tuổi này, con nghe nhắc tên bác Lê Trị.  Chỉ nghe nhắc tên thôi.  Chưa thể gặp mặt.  Vì lúc ấy bác Trị cũng như nhiều bậc cha chú khác của chúng con vẫn đang còn trong tù. 
Bác Trị gái và má con vừa là bạn thân, cũng vừa là bạn hàng... chợ trời.  Không biết má con, bác Trị gái, hay trăm ngàn các bà vợ, bà mẹ miền Nam khác trước kia từng sống với những công việc ngành nghề tốt đẹp, sung túc ra sao, nhưng những năm cuối 70 và đầu 80, con thấy nhà nhà đều có cảnh "chà đồ nhôm, chôm đồ nhà" mang ra hè đường bán.  Sau màn "tư bản mại sản" -có nghĩa là bán hết những gì có thể bán trong nhà- các bà vẫn phải tiếp tục mua bán cái gì đó mỗi ngày, để có khoai có gạo nuôi con, rồi nuôi chồng trong tù. 
Vậy là tại chợ trời Tân Bình, má con có cái sạp bán quần áo.  Bác Trị gái thì vòng vòng khắp chợ lựa đồ cũ để mua đi bán lại.  Mua được cái quần cái áo nào khá khá thì bác đem cho má con lựa trước.  Chiều đi bán về, má con sẽ giặt giũ mớ quần áo cũ mua được trong ngày.  Hôm sau, khi mớ quần áo cũ này được phơi khô, con có bổn phận tháo tung chúng ra thành những manh vải nhỏ, ủi cho thẳng thớm.  Tối đến, khi đã cơm nước và lo cho các em xong, má con sẽ vừa đọc chính tả cho con viết, hoặc dạy con làm toán và vừa cắt đồ.  Những mảnh "vải" do con "chế biến" từ đồ cũ hôm qua sẽ được má cắt thành những bộ đồ trẻ con, những chiếc áo sơ mi, áo bà ba...  Sáng sớm, má con ra chợ bán.  Phần con, trong khi đạp xe mi-ni lọc cọc đến trường, con sẽ ghé ngang nhà các cô thợ may, đưa họ mớ đồ má con cắt tối qua.  Trưa tan học, con ghé nhà các cô lấy những gì các cô may xong.  Về nhà kết nút áo, luồn thun, hoặc luông lai áo.  Khi  xong việc, con sẽ mang mớ đồ "cũ hôm qua nhưng mới hôm nay" này ra chợ "tiếp tế" cho má con có thêm "đồ mới" bày bán.  Cứ như thế, từng ngày trôi qua...  Chợ Tân Bình là nơi kiếm sống của gia đình con, cũng như trăm ngàn gia đình khác.  Và chính nơi đây, con đã được biết bác Trị gái. 
Những khi con ra chợ phụ má, má con thường sai con chạy qua chỗ bác Trị gái ngồi để đưa tiền và có khi là xin khất sang ngày mai.  Bác Trị gái sẽ cười và gật đầu, "Ừa, không sao đâu."  Hai bà mẹ thương nhau như chị em; họ cùng "nín thở" nương nhau qua sông...  Con còn nhớ rõ chỗ bác Trị gái ngồi là gần bên cô Phúc bán cà-phê có cái bàn thấp thấp.  Chỉ là một tấm ni-lon trải trên thềm xi-măng.  Trước kia má con cũng toàn trải ni-lon bày bán hàng dưới đất ngay trên đường vào chợ. Trước đó nữa, khi con mới hai ba tuổi, theo má bán chợ trời ở chợ Long Khánh, thì đường vào chợ cũng đâu có chỗ.  Phải trải tấm ni-lông bên cạnh những đống rác ở sau chợ... Nắng mưa, ruồi nhặng, lầy lội gì cũng phải  bám lấy nó.  Mãi sau này, nhờ "hụi sống hụi chết," má con chắt chiu đủ tiền sang được cái sạp lộ thiên phía sau lồng chợ.  Biết cảnh ngồi dưới đất mưa nắng ra sao, nên khi thấy bác Trị gái phải ngồi như thế, con ái ngại hỏi má, "Ủa má, sao bác không ngồi sạp bán hàng như má""  Má con giải thích "Bác đi mua đồ cũ vòng vòng trong chợ suốt ngày, rồi lại đi vòng vòng bán lại với chút tiền lời... Nếu chiều tới mà còn nhiều thứ cần bán thì bác mới trải tấm nhựa ngồi ráng chút thôi."
Có ngày không thấy bác Trị gái ra chợ, con hỏi thăm.  Má con nói bác phải đi thăm nuôi bác trai.  Đã nhiều lần thấy má và các cô dì của con người nào cũng từng "đi thăm nuôi", con không ngạc nhiên vì điều này.  Nhưng vẫn chưa hiểu vì sao mà mấy ông chú bác này nhà có không ở, cứ "rủ nhau" vô tù.  Cũng chẳng thể hình dung nơi họ ở tù như thế nào. 
Cho tới khi chính con cũng đi vô... nhà tù.
Vào mùa hè khi con gần mười tuổi, con được má cho theo cậu dì đi vượt biển.  Hên xui may rủi thế nào không hiểu, chuyến tàu bị bắt, cả đám "thuyền nhân hụt" bị tống vô nhà tù.  Vậy là con cũng đi tù (như ai!).  À, đây là nhà tù, là trại cải tạo.  Ồ, kia có thể chính là bác Lê Trị.  Con chưa biết mặt bác, không biết bác ở nhà tù nào, nhưng con đã nghĩ vậy khi thấy những người tù cải tạo ốm yếu, tơi tả, đi từng đoàn dài, hoặc làm đủ mọi thứ việc khổ sai dưới mưa nắng và những họng súng canh gác của cai tù được gọi là cán bộ quản chế, quản giáo.  Ba con, chú bác con từng là những người tù như vậy.
Thật ra hồi nhỏ, con cũng chẳng hiểu tại sao đi vượt biên mà không thoát thì sẽ đi vô tù.  Có trộm cướp gì đâu.  Có đánh phá ai đâu.  Chỉ "đi chỗ khác chơi" thôi, có gì đâu mà tù.

*
Mấy năm sau đó, Việt Nam có chính sách "đổi mới" - cầu cứu tư bản, nói chuyện lại với Mỹ. Nhiều chú bác từ nhà tù trở về và con đã có dịp chào bác Lê Trị.  Lúc này, các bà vợ bà mẹ "gốc ngụy" có chồng về "phụ việc" thấy cũng đỡ hơn.  Má con đã mở được một tiệm may và dạy nghề may.  Má con vốn là nhà giáo.  Nhờ thừa hưởng từ bà nội là thầy dạy may giỏi, nên má con dạy may vá cũng giỏi.  Bác Trị gái cho mấy chị qua phụ may với má con để học thêm.  Gia đình bác đang chờ làm thủ tục đi Mỹ, nghề may biết đâu sẽ có ích cho các chị. 
Chơi thân với mấy chị con bác Trị, mỗi lần qua lại, con thấy trong nhà bác có rất nhiều tủ kệ mới rất đẹp do bác Trị trai tự tay đóng.  Vài năm sau, khi gia đình bác Trị có vé máy bay đi Mỹ, hai bác đã "chia gia tài" cho những bạn nghèo còn ở lại, trong đó có gia đình con.  Con còn nhớ sáng hôm ấy, chị Duyên, thứ nữ của hai bác, đưa chiếc xe ba bánh chở một bàn may qua nhà con.  Khiêng bàn may vào nhà, chị Duyên nói, "Ba má con gửi tặng cô."  Hình dáng bàn may này trông hơi "khác thường" vì là "sản phẩm... chế biến" của bác Trị.  Nó được đóng bằng thứ gỗ rất dầy và chắc.  Gắn đầu máy vào và ngồi may, trông rất oai.
Vì bác Trị ở tù đến 13 năm nên gia đình bác được đi Mỹ theo diện HO.  Ba con không ở tù lâu, nhưng có lẽ vì được con ở tù thêm cho phần ba, nên trời thương, cũng cho con được đi... Mỹ.  Con đường đến Mỹ tuy vòng vo, ngoằn ngoèo, nhưng cuối cùng con cũng đã đến nơi. 
Tạm yên việc học, việc làm, chiều tháng Tư, một mình ngồi bên dòng sông Potomac đúng mùa hoa anh đào nở, con bỗng lờ mờ thấy lại đống lửa hỏa thiêu lý lịch chiều 30 tháng Tư năm nào, khi vì con mà Ba bỏ chỗ trên chuyến bay di tản.  Con nhớ ba, nhớ má, nhớ bà Nội, nhớ các em, nhớ cả hình ảnh ông bà bố nuôi người Mỹ của ba con.  Trong album gia đình, hiện vẫn còn tấm hình ông bà - được lượm lại từ đống lửa hoả thiêu.  Tên tuổi địa chỉ không còn nữa.  Không biết ông bà ở nơi nào, cõi nào.  Nhưng từ tấm ảnh cũ một phần bị nám cháy, con vẫn hình dung được là ông bà bố nuôi của ba con đang cười, khi biết là cái con bé làm lỡ chuyến bay của ba nó năm xưa, nay đã thay ba đến được với nước Mỹ. 
Chính từ những ký ức lu bù ấy, con đã viết "30 Tháng Tư, Ngày Để Yêu Quí Ba Hơn", rồi viết thêm "Duyên Nợ Với Nước Mỹ".  Cả hai bài được gửi dự Viết Về Nước Mỹ, một giải thưởng đặc biệt do hệ thống Việt Báo tổ chức liên tục từ mười năm nay; các giải thưởng hàng năm là 35,000 mỹ kim.  Khi gửi bài đi, thiệt tình con cũng chưa biết Trần Dạ Từ, Nhã Ca là ai.
Kết quả: Giải chung kết Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2007 được loan báo là...  Anne Khánh Vân.  Đây là giải lớn nhất trong năm.  Người trúng giải một mình "ẵm" gọn...10,000 mỹ kim.  Mèn ơi.  Đúng chuyện khó tin mà có thực.  Chưa hết.  Còn thêm một chuyện khó tin được chính vị trưởng ban tuyển chọn là nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa loan báo ngay trong lễ phát giải hôm Chủ Nhật 26 tháng Tám, 2007.  Chú Nguyễn Xuân Nghĩa là một chuyên gia kinh tế, trước 1975 từng là Thứ trưởng Bộ Tài Chánh VNCH, đồng thời là một giáo sư tài chánh của đại học Saigon.  Xin cho con được trích nguyên văn lời chú khi công bố giải thưởng:
"Duyên nợ với nước Mỹ" là câu chuyện về một gia đình từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời ông bà nội của tác giả, mà trải qua nhiều cơ hội trong suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ. Chuyện ly kỳ và cảm động nhất là bài viết của tác giả đã góp phần biến giấc mơ ấy thành sự thật.  Khi được thông báo bài viết vào danh sách chung kết, tác giả lập tức vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp.  Kết quả là trong câu chuyện có câu chuyện khác và trong giải thưởng có giải thưởng khác là sự đoàn tụ của một gia đình trên đất Mỹ, cùng dự họp mặt với Việt Báo hôm nay."
Đúng như chú Nghĩa kể, nhờ giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, rồi nhờ sự trợ giúp đặc biệt của văn phòng Thượng Nghị Sĩ Jim Webb tại Virginia, văn phòng Dân biểu Loretta Sanchez tại California, ba má con đã kịp thời đến được nước Mỹ để dự buổi lễ phát giải thưởng hôm ấy. 
[Mọi bài viết liên quan tới giải thưởng có in trong sách Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo ấn hành.  Còn lưu trên Việt Báo Online, có thể đọc lại: http://www.vietbao.com/"ppid=74&pid=51&auid=2842&nid=100143&page=2.]
Con nhớ rõ lời vị chánh chủ khảo dành cho chuyện khó tin của con, "Trong câu chuyện có câu chuyện khác và trong giải thưởng có giải thưởng khác..."  Vậy mà riêng với con, vẫn còn thêm một câu chuyện khác nữa chưa kể.  Chuyện nhờ bác Lê Trị mà có, nhưng cho tới nay, hai bác cháu vẫn chưa có cơ hội ngồi lại với nhau, để con có thể kể với bác phần lạ lùng cuối chuyện.
Hai bác Trị và các chị, những tấm gương của một thời khó khăn, là người thân của cả gia đình con.  Từ ngày sang Mỹ theo diện H.O., hai bác định cư ngay tại vùng Little Saigon.  Ba má con lần đầu tới đây, sau khi mừng tái ngộ, hai bác và các chị đều có mặt tại nhà hàng Seafood World trong buổi lễ phát giải. 
Nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca là những người sáng lập Việt Báo và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.  Trong dạ tiệc phát giải tại nhà hàng, chú Từ cô Nhã chia nhau đi từng bàn thăm hỏi mọi người.  Khi chú Từ đến bàn của gia đình con, bác Trị đứng lên.  Chú Từ tức thì nắm tay bác, rồi lập tức "kể tội" bác Trị với mọi người:
"Đây là ông bạn tù đã góp phần hành hạ tôi không biết bao nhiêu đêm trong tù."
Ủa, sao có thể vậy"
Con đã nghe bác Trị kể từng ở tù chung với chú Từ, không ngạc nhiên khi hai người nhận ra nhau, nhưng nghe vậy cũng hơi... hoảng.  Còn nhớ ngay sát bàn con lúc ấy có chú Tân Ngố và cô Iris Đinh.  Cả bàn chuyện trò đang rôm rả bỗng thấy lắng hẳn lại.  Hai người cựu tù cùng ngồi vào bàn.  Cụng ly.  Không có vẻ gì là sắp... đấu súng.  Chú Từ hỏi "ông gặp Lão Tam chưa""  Bác Trị nói "tôi thăm thầy Tế rồi."  Nhiều tên người hoặc biệt danh được nhắc tới: cụ Khánh, cụ Sinh, ông Hinh, rồi Lão Đại, Lão Nhị... 
"Cái ông Lê Trị này là một cây kỳ tài trong các xưởng mộc của trại tù," chú Từ kể.  "Không phải chuyện đóng bàn, đóng tủ bình thường đâu.  Ông ta đóng đàn. Ghi-ta.  Violin. Đàn bầu. Đàn cò... Đủ loại cho các bạn tù.  Từng có lần bị lãnh búa vì tội 'chôm' gỗ quí của nhà tù xẻ ra đóng đàn và 'làm chuyện riêng trong giờ công... tù' mà cũng không tởn.  Hồi còn ở trại tù Z30D Hàm Tân, chúng tôi nằm cạnh nhau. Ông Trị trổ tài làm cho ông Tế một cây violin. Kết quả là đêm nào trước khi ngủ ông Tế cũng vác cây đàn tự chế lên.  Cứ hết 'ông nghe Schubert nhé', rồi lại 'ông nghe Chopin nhé.'  Trong các loại đàn không gì ghê rợn bằng tiếng đàn violin lạc giọng.  Dây đàn thì quấn bằng dây điện.  Cần kéo đàn thì căng bằng sợi ny lông...  Làm sao mà tiếng đàn chính xác. Ông Tế thì nghễnh ngãng, cứ tưởng tiếng đàn của ông ấy hay lắm.  Ông Trị thì khoái chí thưởng thức cái violon ông ấy tự chế biến.  Vậy là chỉ mình tôi nằm cạnh lãnh đủ.  Đã tù khổ sai còn bị cái đàn ấy hành hạ không biết bao nhiêu đêm."
Nghe chú Từ than, mọi người trong bàn đều cười.
Thì ra chỉ là chuyện "mắng vốn" vui vẻ để gợi lại kỷ niệm thân thiết giữa ba người bạn tù "sành điệu" về âm nhạc.  Bác Trị từng đóng cả trăm câu đàn, chú Từ từng viết nhiều ca khúc.  Riêng người được bác Trị kêu thầy Tế, chú Từ kêu Lão Tam, là Giáo sư Nguyễn Sĩ Tế, rất giỏi nhạc cổ điển.  (Nhạc sĩ Sỹ Đan thường xuất hiện trong video ca nhạc ASIA là trưởng nam của bác Sỹ Tế).  Những người được nhắc trong câu chuyện đều là các nhà văn, nhà báo con từng đọc bài trên báo xuân Việt Báo.  Cụ Sinh là nhà văn Mặc Thu Lưu Đức Sinh.  Cụ Khánh là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Ông Hinh là nhà văn Thảo Trường Trần Duy Hinh.  "Cụ Khánh" hay "Ông Hinh" còn từng là giám khảo giải thưởng viết văn của Việt Báo mà con đang lãnh giải.
Còn nhớ hôm ấy, khi mọi người cười vui, thì con tuy cười mà... lờ quờ, vì tên cái nhà tù được nhắc trong câu chuyện: trại tù Z30D ở Hàm Tân.  Đó là nơi chính con đã từng... ở tù vì tội vượt biên năm 10 tuổi. 
Có phải đúng cái nhà tù ấy"  Có thể lầm lẫn không"  Không.  Con nhớ rõ lắm.  Con đường đất đỏ dẫn vào trại tù.  Cổng trại tù K1, K2...  Con biết cả cái nhà lô nơi đội tù thợ mộc cưa cưa đục đục.  Bác Trị từng ở đó.  Chú Trần Dạ Từ từng ở đó.  Chú Bảo Trâm từng ở đó.  Các chú bác khác cùng đơn vị 101 với bác Lê Trị cũng từng ở đó.  Má con từng tới đó thăm nuôi con.  Bác Trị gái, cô Nhã Ca hẳn cũng đã tới đó.  Và rồi, hơn 20 năm sau, cái con bé lon ton trong trại tù năm xưa, hôm nay ngồi đây...  Làm sao có thể tưởng tượng nổi. 
Có nên kể ngay với các chú bác sự tình cờ lạ lùng này không"  Con tự hỏi.  Không.  Không nên kể ngay.  Phải coi lại.  Phải hiểu thêm đã.  Con tự nhủ và tiếp tục... lờ quờ.  Cho tới bây giờ.

*
Thưa các chú bác 101,
Thư chú Bảo Trâm nhắc con ngày 30 tháng Tư.  Đúng là nhờ viết về những ký ức từ ngày này, con đã có duyên may lãnh giải Viết Về Nước Mỹ 2007; rồi trong buổi phát giải, thêm duyên được thấy sự tái ngộ giữa những người từng "chung một nhà tù".  Nhờ đó mà con thình lình hiểu ra là mình... chẳng hiểu gì cả. 
Là con bé từng lon ton vào tù vài ba tháng, con có thể tự cho mình biết "nhất nhật tại tù..." là gì hoặc mô tả cái nhà tù Hàm Tân ra sao.  Thật ra, đó chỉ mới là cái hiểu biết con nít.  Chuyện 30 tháng Tư, chuyện nhà tù không chỉ như con tưởng.  Suốt ba năm qua, con đã cố tìm hiểu thêm, học thêm, suy ngẫm thêm về nó và nhiều lần... "tá hoả tam tinh."
Đọc Nội San Ái Hữu Đơn Vị 101, con biết thêm có 10 vị chỉ huy các ngành an ninh - trong số này có vị chỉ huy trưởng của 101, Đại tá Lê Đình Luân- đã tù luôn một lèo... 17 năm. 
Đọc nhà văn Thảo Trường, con biết thêm nhóm "lão tù" này gồm bao nhiêu vị, họ tù ở đâu, tù ra sao: "Trại còn mười hai tù binh, mười sáu công an, hơn bốn trăm con bò.  Công an giữ tù.  Tù giữ bò.  Cứ thế mà thống trị nhau."  Đó là mấy dòng mở đầu truyện "Con Bò" trong sách "Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết." 
Nhà văn Thảo Trường chính là vị lão tù thứ 11, cạnh 10 vị chỉ huy mà nội san 101 đã kể.  Đọc ông, con không chỉ hiểu các chú bác đã ở tù ra sao, mà hình như còn hiểu mấy chục năm nay bà con cả nước đang phải sống ra sao:
"Trong tù, công an vẫn gọi tù là anh xưng tôi, dù người tù ấy bẩy tám chục tuổi còn công an mới mười chín, hai mươi!  Kể ra về vai vế thì phải là ông cháu.  Phúc đức dày thì phải là cụ cháu.  Nhưng thời này phúc đức rất mỏng!  Anh tôi suốt thành... quen miệng và quen tai.  Con cháu cũng không thấy mình là sách mé hỗn láo vô phép mất dạy.  Cha ông cũng không thấy phiền muộn vì bị xúc phạm.  Chẳng qua là cái chính sách đàn áp nó xiềng xích đầu óc người ta lại thành quen rồi.  Bọn khủng bố còn tập cho tù nhân chịu đựng cái sức ép lún xuống một độ sâu hơn nữa, chúng lên lớp rằng chính sách cải tạo là một chính sách giáo dục, trại giam là trường học, tù nhân là học trò, còn chúng tự nhận là... thầy!  Chúng nói hoài nói mãi suốt mấy chục năm, nói từ Bắc vô Nam, nói từ Nam ra Bắc, ai nói khác đi chúng bắt bẻ, buộc tội ngay.  Miết rồi quen, vợ con họ hàng ở nhà có ai hỏi cũng quen miệng trả lời 'nhà tôi đi... học, bố cháu đi học, chú ấy, bác ấy đi học...'"
Và cứ thế kéo dài tới năm thứ 17.  Nơi "thập nhị lão tù" này thành "cowboys" vung roi coi bò vẫn là... nhà tù Z30 Hàm Tân.  Đừng tưởng bò ở đây hiền hơn bò Texas.  Thắm, tên con bò dữ nhất trong đàn từng húc chết một nữ tù xinh đẹp tên Thủy khi cô tới lấy phân bò.  Nhưng rồi con Thắm cũng có ngày về già, và... "công an ôm súng AK đi theo đội hình hàng ngang tiến tới, in như trong bài tập tấn công.  Có anh còn đi theo thế lom khom như đang xung trận thật sự.  Anh trưởng toán công an giải thích  Ban Giám Thị cho...  làm thịt.   Bác (tù) già thở phào:  Tưởng cán bộ đi tấn công quân đế quốc bành trướng gì chứ... 


Sau đó là trận chiến máu me bi hài.  Nhà văn lão tù viết, "...không hiểu sao hình ảnh con Thắm tội nghiệp, hình ảnh cô Thuỷ xinh đẹp, hình ảnh các bác tù binh già lầm lì khốc liệt, khu Rừng Lá âm u, và tính chất súc vật của một nền văn minh cộng sản, nó cứ ám ảnh lẽo đẽo theo tôi hoài."
Nhà tù Hàm Tân, ngoài đàn bò, còn có một con voi nổi tiếng, từng lên báo, lên đài.  Các chú bác đơn vị 101 từng qua năm tù thứ 13 ở đây hình như đều biết.  Sách "Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết" có truyện "Ông Bồ" kể về nó.  Đàn voi Rừng Lá có con voi mẹ bị bắn chết gần trại tù (nghe nói tư dinh Thành Uỷ sau đó có trưng cặp ngà voi quí lắm).  Voi con mất mẹ đói quá nằm vạ tại nhà lô, trại trưởng sai tù đẩy nó vào trại, bắt nhà bếp bớt phần khoai gạo của tù nấu cháo cho voi ăn.  Mỗi bữa, cả chảo cháo bự, voi con làm loáng cái là hết.  Hai nhà văn "ngụy" nằm trong tù tán gẫu: "...Thụy Điển họ từng viện trợ cho cả một nhà máy giấy Bãi Bằng lớn nhất Đông Nam Á, sao không mang 'cu tí' này 'cống' vua Thụy Điển gây cảm tình 'hữu nghị quốc tế bền vững,' tù khỏi bị bớt phần ăn và khỏi phải 'đẩy đít ông Bồ' về rừng." 
Chuyện tán gẫu của hai ông - tác giả "Bụi Tầm Xuân" và tác giả "Người Đi Qua Đời Tôi"-  được "Ban Tự Quản" lắng nghe.  Sau đó báo chí và truyền hình nhà nước có ảnh con voi con của trại tù được đưa lên máy bay cùng với thú y sĩ và chuyên viên sở thú đi theo chăm sóc.  "Bản tin nói thủ tướng chính phủ nước ta gửi quốc vương Thụy Điển con voi quí làm quà tặng để kỷ niệm tình hữu nghị thắm thiết..."
Truyện "Ông Bồ" được ghi là "Tặng NC&TDT". Con biết người được đề tặng là ai. 
Sách "Hồi Ký Nhã Ca" có kể chuyện đi thăm nuôi gặp nhà văn Thảo Trường và gọi ông là "Tướng Cướp Núi Mây Tào."  Ngọn núi này nằm gần nhà tù Hàm Tân. Bên cạnh con suối chẩy qua trại tù có cái nhà thăm nuôi. Con biết nơi này. Sau đây là đoạn chuyện trò giữa chú Từ, cô Nhã trong nhà thăm nuôi vào lúc chộn rộn nhất:
“Giờ thăm gặp sắp hết.  Ở bàn đầu, thân nhân thăm nuôi đã lục tục kéo lên bàn cán bộ làm thủ tục gửi tiền.
"Lần thăm nuôi trước, lúc vào, nghe tin cán bộ trại giữ em lại làm việc""
Chuyện từ mấy tháng trước. Giờ thăm nuôi bị rút ngắn.  Vào một phòng nhỏ.  Cán bộ trưởng trại đích thân gặp.  Có trà nóng mời uống. 
"Chẳng có gì đâu.  Đài BBC loan tin anh và anh Tế đang bị hành hạ trong trại tù.  Họ bảo anh phải ở đội lao động nặng chỉ vì anh chưa tự giác, em phải động viên anh để anh an tâm (học tập) cải tạo.  Trưởng trại hỏi em có muốn anh sẽ là người trở về sau cùng không""
"Em trả lời sao""
"Em nói anh không phải là người về sau cùng.  Người về sau cùng sẽ chính là cán bộ.  Vì còn một người tù, cán bộ còn phải ở lại để coi tù."

Đúng quá. Cho tới giờ này, cái nhà tù ấy vẫn còn và đương nhiên vẫn còn anh cán bộ coi tù.  Khi đọc xong đoạn đối thoại này, con nhớ mình đã phá ra cười.  Nhưng cười xong thì ngẩn ngơ.  Sách "Hồi ký Nhã Ca về nhà tù nhỏ, nhà tù lớn” viết từ năm 1990.  Bây giờ đã thêm 20 năm. Mới đây, nhiều nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị bắt cũng được đưa tới đó. 
Vẫn còn. Vẫn vậy, nhà tù lớn, nhà tù nhỏ. Vì đâu nên nỗi"

Sách "Quê Hương Bạn Hữu Tù Đầy" do Trung Tâm Độc Lập, Stuttgard, Cộng Hoà Liên Bang Đức, ấn hành nhân "Ngày Văn Nghệ Sĩ Việt Nam 1990" có bài của nhà báo Hồ Văn Đồng, kể chuyện "Ở tù với Trần Dạ Từ và bạn hữu":
"Hồi hai anh em cùng nằm một chiếu ở trại khổ sai Gia Trung, đến phiên tôi dạy anh Từ học thêm tiếng Pháp.  Lại có thêm một chuyện buồn cười.  Không khá gì hơn ông thầy Nguyễn Mạnh Côn (bắt học tiếng Tây bằng bản tuyên ngôn vô sản thế giới đoàn kết lại), anh Từ lại phải tộng cho bằng hết toàn văn Lê Nin bằng tiếng Tây, nhờ hình Lê Nin, mà sách gửi được vô trại tù.”
Tụng Lê Nin kỹ quá, có lần anh Từ nói, 'Có dịp, anh em mình phải chú giải lại Lê Nin bằng sự việc ông ạ. Tức cười thật, thì ra trí tuệ phương tây bị chữ nghĩa bắt nạt, chả hiểu gì cả. 
Đầu năm 1978, thân nhân anh Mai Văn Lễ (Khoa trưởng luật khoa Huế, nguyên phó chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia, rất thân quí anh Từ) lên thăm cho hay chị Nhã và lũ nhỏ bị đuổi khỏi nhà, trục xuất khỏi thành phố.  Suốt cả năm không có tin nhà, chả biết vợ con sống chết ra sao, anh Từ không hề hé răng nói một câu lo lắng, vẫn bình tĩnh tụng Lê Nin toàn tập."
[Có thể đọc toàn bài tại <http://damau.org/archives/11836> .]
Cũng trong sách này, con tìm ra cái chú giải về "chính sách lương thực" của Lénine, "Phải cầy đi cầy lại, cầy tới cầy lui, sao cho trên luống cầy của chúng ta không còn một hạt giống tư sản nào có thể mọc lại được." 
Đúng là thời còn học tại nhà trường xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam con từng biết chính sách này, từng thấy nó được xưng tụng là "Vũ khí chuyên chế vô địch của giai cấp, Chủ nghĩa bách chiến bách thắng của thế kỷ."  Chỉ không hiểu sự liên hệ giữa nó và cái đói, không chỉ đói trong tù mà đói từ Bắc chí Nam.  Cho tới khi đọc chú giải Lê Nin bằng... thơ:

Cái đói thành vũ khí chuyên chế vô địch
Nó được tính toán, được kết hợp lô-gích
Sự co thắt dạ dầy.  Nước miếng.  Tiếng kẻng
Được tung, được hứng
Được quảng cáo xôm tụ:
Kiểm kê.  Quản lý.  Làm chủ
Và nó vơ.  Nó vét.  Nó ban phát ơn huệ
Biến chén cơm, miếng bánh thành ma tuý
Biến tiếng kẻng cho ăn thành lệnh của ma quỉ
Để khuất nhục đồng loại.
(Trần Dạ Từ, Hòn Đá Làm Ra Lửa)

Hậu quả, với thế giới, là cái "vũ khí chuyên chế vô địch" ấy đã tàn sát cả trăm triệu người.  Tại Việt Nam, cái đuôi của nó là "Cải cách ruộng đất" tại miền Bắc, là chiến tranh Nam Bắc tương tàn.  Rồi 30 tháng Tư, cải tạo tư sản công thương nghiệp, chính sách kinh tế mới, 240,000 quân cán chính miền Nam đi vào nhà tù, hàng triệu người ra biển, chết dưới đáy biển... cho tới bây giờ.
Trí tuệ phương tây đã qua cơn "bị chữ nghĩa bắt nạt".  Tại vùng Washington DC, nơi con đang sống, đã có Đài Tưởng Niệm Những Nạn Nhân Cộng Sản.  Nhiều dân tộc, Đông Âu, các nước cựu thuộc địa Sô Viết ở vùng biển Baltic cũng như chính nước Nga của ông Lê Nin, tất cả đã tỉnh cơn ác mộng.  Còn Việt Nam thì sao"
Ở vườn hoa Hà Nội, có tượng ông Lê Nin.  Ông ta đã đứng đó từ sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, khi cộng sản đặt cả miền Bắc dưới cái ách chuyên chế của họ, phát động cải cách ruộng đất, giết hàng trăm ngàn người.

"Ông Lê Nin ở nước Nga. 
Mà sao ông đứng vuờn hoa nước ....mình""
Từ lâu rồi, con nghe dân Hà Nội có câu đồng dao ấy.  "Đúng là một câu hỏi ngây ngô, trong trăm ngàn cái ngây ngô khác của đất nước," một ông anh của con bình luận.  Nhưng ngây ngô mà hỏi vậy quá đúng.  Nói cho ngay, cái ông Lê Nin đứng ở công viên Hà Nội cũng chỉ là cái tượng xi măng thôi.  Khổ nhục của dân mình, nước mình, trăm tội đổ hết lên đầu ổng cũng... tội!  Vậy thì nó là ai"  Nó là cái gì, mà vì nó ông ta đứng ở đó, vì nó mà cả một vùng đất lịch sử địa linh nhân kiệt của đất nước phải đói khổ, nhục nhã.  Dân ngây ngô còn biết đặt câu hỏi.  Vậy thì các vị học giả, trí giả của Bắc kỳ đâu rồi"
Hên quá.  Con tìm hiểu thêm và tìm thấy.  Đâu phải các nhà văn nhà báo chỉ là những tên tuổi mà bọn con đã phải tụng trong sách dạy thơ văn cách mạng.  Cũng đâu phải đợi đến bây giờ. Ngay từ năm 1955 tại Hà Nội, đã có người chỉ đích danh tên nó.  Người đó là cụ Phan Khôi, một học giả, một nhà thơ.  Báo xuân Việt Báo có trích thơ cụ.  Con đọc là nhớ luôn 2 bài thơ sau đây. Bài "Nắng Chiều" chỉ có 4 câu:

Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dù gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng.

Bài thứ hai lui tới hoài hoài cũng chỉ gồm mấy từ ngang như... cua.  Đọc mà bái phục, ngậm ngùi:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Chính là với tinh thần ấy, ngay từ năm 1955 -chắc cũng cùng lúc ông Lê Nin xi măng đến đứng vườn hoa - cụ Phan Khôi đã chỉ ra cái tên của "nó".
Nó là "Ông Bình Vôi." 
Bài viết cùng tên của Phan Khôi được mở đầu bằng câu: "Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi."  Mỗi khi quệt vôi têm trầu, vôi dư  được gạt vào miệng bình.  Dần dà, bình vôi bị vôi lấp kín miệng, hết xài, phải bỏ ngoài gốc đa.  Dân quê ra đó đốt nhang cúng vái, gọi nó là "Ông Bình Vôi". 
Và cụ Phan kết luận: "Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y  như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại."

Cả thơ Lê Đạt và bài viết  Phan Khôi đều được đăng trong "Nhân Văn Giai Phẩm" do chính cụ Phan làm chủ nhiệm.  Kết quả là tất cả "bọn Nhân Văn Giải Phẩm" gồm nhiều văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội thời ấy được "Bác và Đảng" cho đi "học tập cải tạo" và đầy đoạ đến chết.  Trong số này có tác giả bài quốc ca miền Bắc là nhạc sĩ Văn Cao, bị cấm viết, bỏ đói.  Riêng cụ Phan khi chết rồi, con trai (một Đại Tá từng làm chủ nhiệm báo Cứu Quốc thời "khởi nghĩa" 1945) không dám đi đưa đám.  Di hài cụ, sau khi vùi xuống đất còn bị cầy xới lên cho mất hết dấu tích. 
["Hồ Sơ Lịch Sử Nhân Văn Giai Phẩm" do nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê biên soạn hiện có trên trang web của đài RFI - http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100311-nhan-van-giai-pham.  Mọi người có thể đọc đầy đủ.] 
Riêng con, từng có thời là "Thiếu nhi quàng khăn đỏ",  con nhớ mãi cái hình ảnh các thiếu nhi cháu ngoan Bác Hồ khiêng kiệu diễn hành, trên kiệu là tấm hình tổ chảng của "Bác".  Trong khi thiếu nhi ở những nước văn minh thì ngồi học với computer, laptop, chỉ có "Ông Bình Vôi" mới lo cho tương lai nước ta kiểu này.
Chính cái "Ông Bình Vôi" này còn đặc biệt liên hệ chuyện Tháng Tư, cho tới tận bây giờ.

*

Thưa các chú bác 101,
Là con cháu những người miền Nam từng đi tù, lớn khôn trong chế độ xã hội chủ nghĩa, con biết đủ thứ chuyện "cười ra máu mắt" hậu ba mươi tháng Tư. 
Đến được nước Mỹ, con đã hơn một lần bồi hồi khi học lịch sử Hoa Kỳ.
Như Việt Nam, đất Mỹ cũng từng là thuộc địa của Anh, của Pháp và từng có chiến tranh dành độc lập.  Dân Mỹ cũng từng có nội chiến Nam Bắc.  Nội chiến cũng kết thúc đúng vào một Tháng Tư lịch sử.
Ngày 8 tháng Tư năm 1885, khi Tướng Robert Lee, tổng tư lệnh Nam quân loan báo quyết định đầu hàng, tại nơi hẹn, Tướng Grant tư lệnh miền Bắc chiến thắng và bộ tham mưu của ông đón vị tướng bại trận bằng nghi thức danh dự, chào kính.  Quân đội miền Bắc thắng trận cũng lập tức được lệnh “tuyệt đối không reo mừng” trên chiến bại của quân đội miền Nam.  Ba ngày sau, 12 tháng Tư 1885, lễ giao nạp vũ khí được tổ chức tại cánh rừng Appomattox, phía Nam bang Virginia. 
Khi  28,000 sĩ quan và binh sĩ miền Nam bại trận được chỉ huy bởi tướng John Gordon bước theo nhịp quân hành, tiến vào khu hành lễ, tướng miền Bắc Chamberlain chỉ huy buổi lễ hô lệnh, "Bồng súng chào!" cho quân đội thắng trận.  Một tiếng kèn lệnh. Toàn quân miền Bắc bồng súng nghiêm chào.  Họ chào những "anh hùng bại trận".  Họ bày tỏ sự tôn trọng của người Hoa Kỳ đối với người Hoa Kỳ. Không thêm một tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hô chiến thắng.  Sau khi giao nạp 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ, tất cả sĩ quan binh lính miền Nam được giữ lại lừa, ngựa và cả võ khí cá nhân. Họ còn được phía thắng trận cung cấp 25,000 phần ăn để lên đường trở về quê quán sống đời tự do.
Lá cờ của miền Nam bại trận được tôn trọng.  Cho tới bây giờ vẫn còn được treo nhiều nơi tại các bang miền Nam. Tên tuổi các danh tướng miền Nam vẫn được trân trọng trong sách sử.  Tư dinh vị tướng bại trận Robert Lee tại Virginia sau này còn trở thành một bảo tàng với nguyên vẹn cờ hiệu, huy chương sách vở mở cửa cho du khách. Nước Mỹ sau Tháng Tư 1885, không ai bị tập trung cải tạo, không gia đình nào bị cướp đoạt nhà cửa, đuổi đi kinh tế mới, cũng không có ai phải vượt biển, tị nạn.  Và rồi...
Tháng Tư Mỹ 1885 trước tháng Tư Việt Nam 1975, đúng 110 năm.
Ôi, cùng một tháng Tư.  Người ta thì như thế, mà mình...  Lần đầu học về tháng Tư lịch sử của nước Mỹ, con nhớ đủ thứ chuyện rồi bồi hồi tưởng tượng. Nếu ngày 30 tháng Tư năm ấy, từng sự việc được xử lý bằng chính sách như thế này... thế này... thì kết quả mọi sự đã trở thành thế kia, thế nọ... Cứ thế mà bần thần, tiếc rẻ, mơ mộng.
Bây giờ, ôn lại chuyện tháng Tư nước Mỹ, hiểu thêm chút chút, con thấy đúng là lúc ấy mình chẳng hiểu gì cả. Nếu những lãnh tụ Việt Minh phần nào xử sự được như vậy, thì năm 1954 ông ngoại con -người từng được tuyên dương là anh hùng nhờ tiếp tế thuốc tây cho kháng chiến chống Pháp- đâu đến nỗi phải bỏ nhà cửa, quê quán để trở thành... "bắc kỳ di cư".  Cũng vậy, các chú bác đâu phải cầm súng tự vệ khi miền Nam bị dìm trong lửa đạn, để rồi bị phản bội, tù tội. Đừng mơ mộng hão nữa.  Thấy ra được điều giản dị này, con thấy thương ông ngoại mình hơn, đồng thời thân thiết hơn với ông cha, chú bác của mình, những thế hệ đã tận lực chiến đấu.
35 năm sau tháng Tư 1885, Hoa Kỳ năm 1920 với 106 triệu dân đã có đài phát thanh, thừa giàu mạnh, vượt mặt cả Âu châu.
35 năm sau tháng Tư 1975, Việt Nam 2010 mất đất, mất biển, thua kém mọi lân bang, thua luôn cả Cam Bốt.
Khác biệt dễ thấy nhất giữa hai tháng Tư là trong khi tại Mỹ, đạo lý tự chủ thể hiện qua việc "người Hoa Kỳ tôn trọng người Hoa Kỳ", thì tại Việt Nam, đạo lý vay mượn từ chủ nghĩa ngoại lai được thể hiện qua cách người Việt không biết trọng người Việt, thù hận lăng nhục được cổ võ.  "Thương mình thương một thương ông thương mười."  Ông đây không phải ông Việt Nam mà là ông Nga, ông Tàu.  Nguyên do chỉ là vì "Ông bình vôi" còn đó.  Ông ta không chỉ ở Hà Nội, mà còn ở khắp nước.  Cả nước thờ cúng và cứ thế "càng sống càng tồi, càng sống càng bé lại."
Thực tế tháng Tư Việt Nam 2010, có thể thấy trêïn các trang báo điện tử nhà nước CSVN, ngay cạnh lời chủ tịch nước kêu gọi hoà hợp hoà giải, đoàn kết để xây dựng đất nước (chắc nhắm món kiều hối 8, 9 tỉ đô mỗi năm), vẫn tiếp tục phô trương hình ảnh 50,000 người "mít tinh" mừng 30 tháng Tư ở Saigon, có bộ đội súng ống diễu hành, xe tăng diễn lại cảnh phá xập cánh cổng Dinh Độc Lập, đủ thứ văn hay chữ tốt khoe thành tích anh hùng, kể "tội ác mỹ ngụy."
Đặc biệt kỷ niệm "35 năm thống nhất", còn có cả một "hội nghị khoa học" nghiên cứu lại lịch sử 30 tháng Tư được tổ chức rình rang. Lịch sử có sẵn đó những bài học đáng học.  Tại sao năm ấy chỉ riêng miền Nam đã khá hơn Hàn Quốc, Thái Lan, mà bây giờ cả nước thua kém"  Có thể Nam Bắc cùng "ra biển lớn" ngay từ những năm 1970’  thay vì phải chờ 30 năm sau" Có thể quan hệ đôi bên cùng có lợi với Mỹ ngay trong hai ngày thay vì 20 năm sau"  Có cách nào hay hơn để bảo vệ máy móc cơ khí tối tân thay vì gỡ chở ra bắc bỏ ngoài mưa nắng để bị xẻ thịt"  Có cách nào bảo vệ vườn cây trái, đồng lúa miền Nam thay vì để dân phải tự động chặt bỏ..."  Nghiên cứu khoa học về 30 tháng Tư có thể nào không biết đến tháng Tư 1885 của Mỹ"  Có thể nào không biết suốt 35 năm qua, người Mỹ cũng không ngừng nhìn lại, tranh luận, phê phán sửa chữa những sai lầm của chính họ trong chiến tranh Việt Nam"  Có thể nào không coi lại về người cựu tù Hỏa Lò John McCain"  Có thể nào không đọc bài "Our Saigon Friends Still Need Help" của James Webb, (NYT 1991)"  Cả hai và nhiều vị khác, vì muốn cứu giúp mang gia đình những tù nhân "cải tạo" -từng cùng họ chiến đấu  một thời- sang Hoa Kỳ, mà đã giúp nhà nước ta "xuất khẩu H.O.". Rồi cứ thế thâu lời trên lưng những người mà chính công sản đã hành hạ.
Ông Webb nay đã là chủ tịch uỷ ban Đông Á Thái Bình Dương của Thượng Viện Mỹ, đang giúp tạo quân bình lực lượng tại biển Đông, tạo cơ hội vận động "đa phương hoá" biển Đông, giảm bớt thế Trung Quốc độc bá. “Nhà nước ta” hình như  cũng bắt đầu "yêu thích" TNS James Webb. 
Đúng là nhiều kinh nghiệm từ 30 tháng Tư cần được nhìn lại.  Nhưng cái hội nghị khoa học 30 tháng Tư ấy nghiên cứu đề tài gì"  Chỉ là nghiên cứu cách chế tác sự kiện lịch sử, làm bật lên tên tuổi vài ba anh hùng khác để thay thế cái ông Thượng Tá "tiếp thu" sự đầu hàng tại Dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư"!  Lý do, vì ông ta đã bỏ Đảng, bỏ quân đội anh hùng để tị nạn chính trị bên Pháp.
Cùng trong tháng Tư này, Vietnam Net, nhật báo điện tử chính thức của nhà nước CSVN -do một cấp thứ trưởng làm tổng biên tập- tin và hình ảnh lớn nhất trang Quốc Tế mỗi ngày của báo này đại loại là "Một sinh viên (Mỹ) ăn cắp 200 cái quần lót của nữ sinh", "Tỷ phú (Tàu) kén vợ", "MC truyền hình (Quảng Đông) tự khoả thân vì yêu nước", "10 siêu mẫu quốc tế bốc lửa" hoặc "Vị thành niên vũ khoả thân  mỗi đêm kiếm 350 đô la"...
Đó là cách nhà nước "mở cửa" học hỏi thế giới để "đổi mới".
Có đáng ngạc nhiên không, khi nước Việt Nam sau 35 năm hoà bình được quốc tế xếp hạng thứ ba về thành tích... buôn người, cung cấp các bé gái cho thị trường mãi dâm Cam Bốt, cung cấp cô dâu, "osin" cho Trung  Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Li Băng...

*

Thưa các chú bác 101,
Khi giới thiệu con với các chú bác, bác Lê Trị đã nói, "Kính mời quý niên trưởng và chiến hữu đơn vị 101 dành chút thì giờ xem qua bài viết để hỗ trợ cho hậu duệ con cháu chúng ta có tinh thần hướng về quê hương Việt Nam."
Trong bài "Chuyện nước Mỹ, Chuyện Việt Nam" mà bác Trị giới thiệu, con có đề cập tới cảnh các em thiếu nhi Hà Nội được (người lớn) tổ chức rước ảnh tưởng niệm ca sĩ nhạc Pop Micheal Jackson.  Đám rước thiếu nhi ấy đi qua cái vườn hoa có tượng ông Lê Nin đứng.  Ông ta vẫn tiếp tục đứng đó.  Nhiều ông Nga, ông Tàu khác cũng vẫn tiếp tục đứng trong sách giáo khoa ở Việt Nam.  Khi viết bài này, con nhớ thêm điều ấy.
Biết ơn sự hỗ trợ của các chú bác 101 dành cho, con hãnh diện được là con cháu các chú bác, những người đã tận lực chiến đấu và trả giá cho tự do và hiểu biết, hãnh diện được nghe, được đọc về ông cha, chú bác. 
Ba năm trước đây, tại đêm nhận giải Viết Về Nước Mỹ, khi thình lình thấy mình từng "chung một nhà tù" với bác Lê Trị, với chú Trần Dạ Từ và biết bao chú bác khác, con đã... lờ quờ rồi im như thóc vì thực tình chẳng biết gì để nói.  Làm sao kể được "thành tích" ấy. Bây giờ, biết thêm chút chút, “khoe” được với các chú bác chuyện cũng ù như ai rồi, con còn muốn chia sẻ thêm với các em của con những gì con thấy được.  Em gái con còn ở Việt Nam, đã có hai cháu.  Em trai con đang ở Úc, vợ chồng em cũng sắp có cháu.
Con biết lớp bạn trẻ ngày nay thường không hiểu cái giá mà cha chú từng phải trả để mình được an lành, tự do, no đủ.  Có một số bạn trẻ từng ra vẻ... duyên dáng khi kể về chính cha chú mình, nói các ổng "theo đạo Hồi".  Hồi đây không phải là Hồi Giáo.  Chỉ là từ câu "Hồi xưa, hồi đó, hồi tụi tao..." mà các bạn thường phải nghe khi các vị cha chú bắt đầu câu chuyện.
 
Thưa các chú bác,
Thưa ba má,
Thưa ông ngoại của con,
Mọi chuyện con kể trong bài viết này đã bắt đầu bằng mấy tiếng "Hồi đó... Hồi xưa..."
Chuyện Việt Nam 30 Tháng Tư 1975 cũng có thể được coi là loại chuyện "Hồi đó, xưa rồi." Nhưng đạo nào thì đạo, hồi nào thì hồi, xưa mấy thì xưa, chừng nào chưa thật hiểu cái ngày 30 tháng Tư ấy, chưa học được bài học từ nó, thì ngay chính nước Việt Nam cũng khó mà khá hơn.  Và người Việt hôm nay, ngày mai, ở bất cứ đâu, nếu không hiểu về nó thì cũng thật khó có thể là... chính mình. 
Con đã nhận từ ông bà, chú bác biết bao chuyện về nỗi đau "hồi đó", niềm tin "hồi đó", ý chí "hồi đó".  Với cả lòng biết ơn và hãnh diện, con thật muốn chia sẻ và nhắc nhở các em của con, cả với lớp con cháu của chị em chúng con sau này, rằng: Muốn tương lai khá hơn, muốn bước tới vững hơn, thì phải cố nhìn lại, nhìn lại, nhìn lại nữa!  
Tựa đề bài này, vì vậy, mô phỏng câu khai kinh Bát Nhã: "Bước tới. Bước tới. Bước tới nữa." ./.
Anne Khánh Vân
30 Tháng Tư 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,092
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.