Hôm nay,  

Người Em Kỷ Hợi

18/02/201900:00:00(Xem: 22349)
Tác giả: Song Lam

Bài số  5619-20-31425-vb2021819

 
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.

 
***

 
Riêng tặng G.N.
 

Tôi có người em út sinh năm  Kỷ Hợi, 1959. Gia đình cậu em tôi chỉ mới định cư ở Mỹ này chưa đầy năm năm. Sau nhiều khó khăn và cố gắng, tất cả cũng đã từng bước ổn định: vợ chồng đều có việc làm tốt, con trai 22 tuổi đã tốt nghiệp Đại học ngành Business, và trúng tuyển luôn vào Quân đội Hoa Kỳ ngành không lưu. Con gái kế cũng vừa vào Đại học năm thứ nhất.

Đón xuân Kỷ Hợi, mừng cậu em tuổi Kỷ Hợi vừa tròn 60, tôi ôn lại chuyện hai chị em với lòng cầu mong mùa Xuân này đem lại hạnh phúc chung.

 
*

Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể nào hiểu được làm sao mà ba má tôi có thể nuôi bầy con mười một đứa con trong khi ông bà chỉ là vợ chồng người nông dân nghèo ít học.

Ba mươi chín tuổi Má tôi có đứa con thứ mười một mà cả nhà gọi nó là “thằng mười hai” vì người miền Nam đứa con đầu lòng đã gọi là thứ hai rồi, thay vì là thứ nhất.

Có thể nói năm 1959 là năm thịnh trị, rực rỡ nhất của Đệ Nhất Cộng Hòa vì ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống được 5 năm, mọi cơ chế chính trị, kinh tế đã ổn định, đi vào nề nếp.

Ngày 26/10/1959 là ngày Quốc Khánh đầu tiên ở Sài Gòn có pháo bông. Lúc đó, tôi còn nhỏ, nhưng cũng còn nhớ được cái không khí rầm rộ của bà con chòm xóm nô nức ra ngoài cầu Quay để xem pháo bông. Gọi là “cầu quay” vì cầu này bắc qua sông từ quận Nhì qua quận Tư, có ba nhịp. Mỗi khi có tàu ghe lớn đi ngang, người ta quay một nhịp mở ra cho tàu chạy qua.

Má tôi gần ngày sinh, đám con còn nhỏ, ba tôi không cho đi, chỉ ở nhà nghe ngóng tiếng pháo bông từ xa vọng lại. Gia đình tôi lúc đó vẫn ở quận Tư, dân cư còn thưa thớt, nên chỉ có thể nhìn thấy pháo bông lóe sáng trên ngọn dừa được Ba trồng xung quanh nhà. Đêm quốc khánh ấy, bà con chen chúc lên cầu coi pháo bông, làm sập cầu Quay, số người chết đuối nước cũng không ít.

Má tôi sinh thằng em út chỉ mười ngày sau lễ Quốc Khánh năm đó. Thằng nhỏ khỏe mạnh, bụ bẫm, dễ thương. Nhưng, sau khi nó được bốn tháng, tức đầu năm 1960, má tôi bị bạo bệnh, phải nằm viện cả tháng.

Dì thứ Bảy là chị ruột của Má tôi giàu có, giỏi giang hơn Má tôi nhiều lắm nên lập tức bà đưa Má tôi vô bệnh viện Hùng Vương ở quận Năm Sài Gòn. Để Má tôi yên tâm chữa trị bệnh tình, bà dì nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh bốn tháng tuổi với điều kiện phải có đứa giúp đỡ bà ẵm bế em nhỏ và tôi là đứa được chọn, dù lúc đó tôi chỉ mới vừa đúng mười tuổi, đang theo học lớp Nhì (lớp Bốn hiện nay).

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện nổi tiếng thời đó, đặc biệt về khoa phụ sản sau bệnh viện Từ Dũ ở đường Cống Quỳnh. Bệnh viện Hùng Vương ngoài việc đỡ đẻ, còn chuyên trị bệnh phụ khoa gồm nhiều bác sĩ giỏi tu nghiệp ở các nước như Mỹ, Nhật, Úc…

Thời đó, y học Việt Nam chưa phát triển như bây giờ. Nhưng các bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân chu đáo và không đòi phong bì như hiện nay.

Má tôi bị bướu dạ con, tức là bị bướu trong cổ tử cung, máu ra xối xả. Má tôi được các bác sĩ cho biết phải qua cuộc giải phẫu, nhưng  gặp một vấn đề nan giải là cần được tiếp máu. Máu của Má tôi thuộc nhóm máu O là nhóm máu không có trong ngân hàng máu của bệnh viện lúc đó. Người mang máu O không thể tiếp nhận nhóm máu A hoặc AB, chỉ có thể tiếp nhận máu O mà thôi.

Bác sĩ bệnh viện Hùng Vương trình bày việc này cho gia đình tôi. Ba Má tôi nghèo, con đông, mua máu tiếp sức cho Má là một số tiền lớn. Vay mượn họ hàng thì cũng được nhưng không có máu O để mua. Làm sao đề cứu Má tôi? Má tôi còn trẻ quá, mới ba mươi chín tuổi thôi mà!

Bác sĩ gọi Ba tôi đề lấy 5cc máu thử nghiệm. Diệu kỳ thay, Ba tôi cũng máu O. Tạ ơn trời Phật. Bác sĩ nói với chị tôi:

- Mừng quá, nhưng tiếp máu cho Má cô không phải 5 hay 10cc máu đâu, phải vài trăm cc, Ba cô có chịu nổi không?

Chị Ba tôi lúc đó mười bảy tuổi, đâu biết gì, chỉ lí nhí nói:

- Dạ cháu không biết, tùy bác sĩ định liệu giúp gia đình cháu.

Và, Ba tôi được rút 250cc máu, tức là một phần tư lít máu tươi để giúp Má tôi hồi sức trong ca mổ. Ba tôi phải lưu lại bệnh viện gần nửa ngày đề truyền đạm.

Sau này, nghe Ba kể lại:

- Tao nằm trong bệnh viện khu phụ nữ chỉ có tao đàn ông, mắc cở thấy bà. Nhưng cũng ráng. Ngủ một giấc ở giường nệm êm quá!

Bây giờ nghĩ lại thấy thương Ba đứt ruột, vì nhà tôi nào có giường nệm đâu? Mọi người loi nhoi, lóc nhóc trên bộ ván gõ, hoặc giường của má con tôi trải chiếu.

Sau ca mổ, Má tôi phải ở lại bệnh viện hai tuần để bác sĩ theo dõi vết thương và bác sĩ đề nghị má tôi không được đi lại nhiều và bế ẵm con trong vòng một tháng. Như vậy, nhiều lúc hai chị em nhớ má lắm, nhưng vẫn ở nhà dì, ở Liên tỉnh lộ 5, đường đi Đa Phước, Cần Giuộc, Cần Đước, cách Sài Gòn khoảng mười lăm cây số.

Dù thời đó chỉ mới mười tuổi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Dì tôi đưa hai chị em về nhà bằng xe xích lô máy. Đến chợ Xóm Củi, dì vào chợ mua cho hai chị em mỗi đứa hai bộ đồ. Thằng nhỏ bốn tháng mà tròn quay. Dì mua hai bộ quần áo vải KT 3000 mỏng có hình máy bay nhỏ xíu dễ thương lắm. Dì nói:

- Dì mua trừ hao loại 6 tháng, mà sao bận vô cho thằng này chật cứng vậy nà?

Tôi cười, thằng con này bị dứt sữa mẹ bất chợt mà trời cũng thương, tròn quay. Lúc đó, sữa đặc con chim của hãng Nestle của Pháp rất ngon, mỗi lần pha sữa cho em, tôi cũng giấu dì liếm một chút sữa sống. Ngon quá!

Thằng nhỏ dễ thiệt. Khi nó đói không khóc la gì, chỉ “ú hự, ú hự” liếm quanh mép. Dì dặn tôi pha sữa bằng cái bình thủy hai lít nước sôi. Đối với tôi, lúc đó, tôi bưng thấy nặng lắm. Mười tuổi, con nhà nghèo đẹt ngắt chứ đâu giống con nít Mỹ mười tuổi ở đây? Vậy mà thay mẹ nuôi em hai tháng trời ở nhà dì để má dưỡng bệnh.

Nhà dì có một gian buôn tạp hóa, một gian để ở. Ban ngày có người ra vô, có trẻ nít tới lui còn đỡ chứ ban đêm buồn lắm, vì lúc đó chưa có điện, còn đốt đèn dầu. Buổi chiều, hai chị em ra trước sân nhìn xe đò qua lại, nhìn mấy con vịt bơi bên ao, nhìn mấy hàng dừa lao xao trước gió nhẹ. Hồi đó, dân tình còn thưa thớt lắm nên cảnh trời buồn hiu. Phần nhớ nhà, nhớ má, nhớ trường lớp, tôi phát khóc. Sau này, gặp lại má tôi, dì tôi mắng vui:


- Mầy coi, thằng nhỏ thì nín khe mà con chị cứ khóc hoài…

Thời hai chị em ở nhà dì cũng được chính cậu em tôi kể lại bằng bài thơ với tựa đề “Chuyện Hai Chị Em:”

 
“Nhà nghèo, Mẹ bệnh, em mới sinh.

Thôi thì chị phải phụ gia đình.

Bé gái lên mười ôm em nhỏ

Thay Mẹ, trông em, chỉ một mình”

 
“Mỗi chiều, hoàng hôn xuống, mỗi chiều.

Nhà dì, sao vẫn thấy buồn hiu.

Nhớ nhà, nhớ mẹ, rồi chị khóc.

Thương em nhỏ dại phải nuông chìu!”
 

Nhớ phần tôi thời ấy, vì nghỉ học gần ba tháng trời, bắt đầu vô học lớp Nhất (tức lớp Sáu), tôi đuối sức, mắc cỡ với bạn vì mình học dở hơn chúng nó, tôi cố gắng học ở nhà, anh Tư tôi lúc đó mới mười lăm tuổi, học lớp Đệ Tứ, chuẩn bị thi Trung Học. Anh này giỏi toán nên dạy tôi mỗi buổi tối để theo kịp bạn bè. Nhờ chịu khó, tôi đuổi kịp các bạn và thi đậu Tiểu Học.

Trước đó, tôi cũng gặp trắc trở vì sắp thi mà không có giấy khai sinh. Trời đất ơi, sao kỳ vậy cà? Hỏi má tôi, bà nói:

- Ba con nói hồi nhỏ con đau yếu thường xuyên, sợ con không sống được, làm khai sinh chi cho mất công.

Thế rồi anh Tư tôi mười sáu tuổi thôi phải lên tòa Sơ thẩm Sài Gòn (ở đường Gia Long hồi xưa) làm thủ tục xin “thế vì khai sinh” cho tôi, chứ ba tôi không biết việc này. Tôi nhớ anh và chịu ơn anh lắm vì không có khai sinh làm sao tôi tiếp tục con đường học vấn, tốt nghiệp đại học khi còn rất trẻ.

Về sau này, trong lúc sinh hoạt vui vẻ trong gia đình, ba tôi nói:

- Ba đâu ngờ con Bảy là đứa đau yếu, quặt quẹo nhất trong bầy con, lại là đứa con xuất sắc, thành đạt sớm nhất.

Trở lại với cậu em Kỷ Hợi, xa mẹ từ lúc bốn tháng, phải bú sữa bò ba tháng mới được về với mẹ. Thương con, nên má tôi cho bú sữa mẹ dài hơn mấy đứa con trước vì đã đoạn sản, không sinh nở được nữa.

Vì là con út, ba má cưng đã đành mà anh chị cũng thương nên đổ… đốn. Bắt đầu vô lớp Một, mua cho nó ba lần cuốn vần, hể học tới bài “Nhà lá” là nó khựng lại, học không được nữa, phải mua cuốn vần khác. Mấy anh chị nói:

- Thằng khỉ này không chịu ở “Nhà lá”, hể tới bài này là không chịu học nữa.

Khi lớn lên, trong các anh em trai, cậu em Kỷ Hợi này bự con và đẹp trai hơn các anh. Bây giờ đứng bên cạnh chị Bảy, nó cao hơn cái đầu. Đôi lúc tôi đổ thừa:

- Tại hồi đó chị giữ em gánh nước dữ quá nên đẹt căm, cao không nổi. Mai mốt chị già, cậu phải đẩy xe lăn đó nha.

Nhớ thời mới định cư 5 năm trước, cậu em tôi thường than “trâu chậm uống nước đục” qua Mỹ trễ tràng quá, thêm tuổi đã lớn, bắt đầu cuộc sống cũng khá gian nan. Biết được suy nghĩ đó của cậu, tôi vẫn thường an ủi:

- Hàng triệu người trên thế giới này đang mơ ước cuộc sống của cậu. Bây giờ con cái đã lớn, vừa đi làm vừa đi học, hai vợ chồng cùng làm trong một restaurant lớn của Mỹ ở New Jersey này cuộc sống cũng tạm đủ. “Biết đủ là đủ”. Nước Mỹ là thiên đường, nhưng ai ai cũng phải nỗ lực làm việc.

Cậu em cười buồn:

- Em hiểu được điều này. Nhưng chị thấy em gần sáu chục tuổi đời, bóng xế chiều tà, còn làm được gì ở cái xứ sở này?

Tôi tròn mắt nhìn cậu em:

- Cậu còn muốn làm vương, làm tướng gì nữa? Mọi người khỏe mạnh, con cái hiếu thuận chịu khó học hành, cậu còn mong gì hơn? Bộ cậu muốn hái sao trên Trời hả?

Tôi nói thêm:

- Đừng nghĩ về thân phận chính mình mà phải nghĩ cho các cháu. Tương lai của chúng nó chính là hạnh phúc của chị em mình. Cậu thấy đó, đã gần ba mươi năm ở Mỹ, anh chị đã cúi xuống nhọc nhằn để con cái thẳng lưng ngẩng đầu, có được American Dream! Cậu hãy quên đi dĩ vãng, cho dù đó là cái dĩ vãng vàng son đi nữa!

Sợ em mình buồn vì nghe  lời nói  thẳng, tôi dịu giọng :

- À! Sao cậu không nghĩ mình còn bốn mươi năm để sống? Nước Mỹ là một quốc gia cho mọi người đến đây cơ hội tốt nếu mình luôn phấn đấu.

Cậu em cười chống chế:

- Ở đây buồn quá, lại lạnh giá suốt mùa Đông. Mà mùa Đông lại quá dài bốn năm tháng không chừng..

Tôi biết cậu em  buồn vì áp lực công việc, lại không có bạn bè, vì ở miền này người Việt quá ít ỏi, lại ở rải rác ít có dịp gặp gỡ, thân thiện…

Năm nay, tôi thấy cậu đã vui hơn, không hề nói tới ý định về lại Việt Nam như mấy năm trước, nhất là năm đầu tiên mới đến Mỹ vào mùa Đông tuyết ngập đến đầu gối. Có thể, dần dà em tôi đã nhận ra đời sống ở Mỹ có tới hàng trăm lần tốt đẹp hơn ở Việt Nam, nhất là sự Tự Do, không bị chèn ép, kèn cựa, vùi dập dẫm đạp lên nhau mà sống như từ bốn chục năm qua em tôi đã ê – chề tủi cực với chế độ mới sau 1975.

Cậu em tôi sính thơ văn và có tài đàn giỏi hát hay. Bài hát “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” của nhạc sĩ Đức Huy là thông điệp lạc quan chị em tôi hay hát hò với nhau trong lễ lạc gia đình, cùng giúp nhau thoát khỏi sự trầm cảm nhiều năm, nhiều tháng.

Năm nay, năm Kỷ Hợi 2019, đúng sáu mươi năm ngày má tôi bệnh nặng, tưởng đâu phải “giã từ cuộc sống” năm bà mới ba mươi chín tuổi. Sau cơn “đại nạn” đó, má tôi phục hồi và sống với con cháu thêm năm mươi lăm năm nữa. Má tôi không bệnh hoạn gì trầm trọng, tuổi già bình yên và ra đi êm đềm năm 2013.

Nghe mọi người ở quê nhà nói lại, lúc má tôi mất, cậu em Kỷ Hợi này khóc khan cả tiếng. Nó là đứa có hiếu, săn sóc má tôi đến lúc lâm chung. Nó cũng là đứa có tâm, hiểu biết, chịu ơn những người đã cưu mang nó khi má tôi bệnh nặng. Khi dì chúng tôi mất, thằng Kỷ Hợi này xin chịu tang để đền đáp ơn nghĩa đã nuôi nấng chị em tôi trong mấy tháng khó khăn của gia đình.

Má tôi lúc sinh thời hay nói về chuyện “Canh cô mồ kỷ”, nghĩa là những người mang chữ “canh” chữ “kỷ” của tuổi mình thường chịu cảnh đơn côi không ai giúp đỡ. Tôi không mấy tin về chuyện này. Tôi tin về tình thương yêu của người với người. Và, cuộc đời tôi, tôi đã thể hiện điều đó và gặp gỡ điều tốt đẹp này đến với mình.

Xin gởi đến mọi người đồng hương, bạn bè xa gần lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Cầu xin ơn trên phù hộ chúng ta, đất nước Việt Nam chúng ta, cũng như mọi người trên thế giới được bình an, hạnh phúc.

Xuân Kỷ Hợi 2019.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
22/02/201917:25:50
Khách
Chị Bảy viết chuyện này mộc mạc dễ thương ghê nơi nghen, em chịu lắm đó. Thương mến chị.
20/02/201918:24:12
Khách
Sao ko chúc phù hộ cho đất nước hoa kỳ họ ko máu mủ ruột thịt mà biết thương yêu chúng ta cứu giúp chúng ta, trong khi Việt nam là máu mủ đi hại cả triệu người phải bỏ mình, hy sinh vì chử tự do?
20/02/201902:57:01
Khách
Chào anh Bình ,
Tôi cũng nhớ câu thành ngữ: Canh cô mậu quả ( tuổi có chữ Canh là cô đơn , tuôi có chữ Mậu là sớm đơn độc ) nay đọc bài viết hay thắm đượm tình cảm gia đình của chị đồng môn Gia Long - chị Song Lam , tôi biết thêm câu " Canh cô mồ kỷ " !
Cám ơn tác giả những bài VVNM mà tôi say sưa đọc hằng ngày
19/02/201902:52:30
Khách
Đọc truyện mà tưởng như đang nghe giọng kể đầm ấm của chị câu chuyện về tình thương đằm thắm trong gia đình. Cảm ơn chị đầu năm cho một câu chuyện đọc thật ấm lòng! Người em Kỷ Hợi có hiếu của chị cũng dễ thương quá. Chúc anh sống vui vẻ.
19/02/201901:10:24
Khách
Bài văn hay và cảm động, lời văn mộc mạc chân chất và dạt dào tình cảm gia đình. Xin cám ơn tác giã đã cho mọi người thưởng thức một đoạn đời sống động, ân tình.
18/02/201922:03:10
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào tác giả Song Lam
Xin hỏi quý bạn và tác giả hai thành ngữ này “Canh cô mậu quả.” hay “Canh cô mồ kỷ.” thành ngữ nào nào đúng?Hay là cả hai đều đúng nhưng do nói chệch đi mà thôi
Trân trọng
18/02/201908:16:53
Khách
Cảm thương tình chị dành cho người em út. Bài viết thiệt là dễ thương chị Bảy ơi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,527,096
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ: Bà tên thật Nguyễn Lệ Chi, một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên thành phố Milpitas, Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà dựa trên những tình tiết có thật, tuy nhiên tên nhân vật đã được chỉnh sửa đôi chút để giữ sự riêng tư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.