Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Thần Cosina / Casino

18/12/201800:00:00(Xem: 12194)
Tác giả: Trần Ngọc Ánh

Bài số 5575-20-31381-vb3121818

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

 
***
 

Nhà tôi thuộc vùng núi sa mạc khô khan nên có dịp xuống Huntington Beach là thế nào chúng tôi cũng ra thăm biển, không hiểu sao muôn đời biển vẫn luôn quyến rũ tôi.

Hồi nhỏ được ra Vũng tàu tắm biển là một ký ức tuyệt vời, bây giờ có thêm câu thơ của DTL “bên kia biển là quê hương ta đó” nên càng thấy biển thật gần gũi làm sao.

Chúng tôi cố gắng đi đến nơi thật sớm để ngắm mặt trời mọc, chân trần trên cát, hít thở không khí trong lành, chỉ cần tấm nilon, hai ổ bánh mì và một ly Starbucks là chúng tôi có đủ hương vị của một ngày bình an, chưa kể thỉnh thoảng “câu” được một thùng cá nặng còn tươi roi rói của mấy ông “ngư phủ” đồng hương, là ngày đó chúng tôi có món canh ngót ngon lành y chang bên bển.

Bạn bè thường nói chúng tôi biết tận hưởng cuộc sống vì nghỉ hưu nên quởn quá,  thật ra có gì lớn lao vĩ đại để phải vươn tới thật gian nan đâu. Một ngày cuối tuần giả bộ quên những độ nhậu, quên đường lên Casino kéo máy, quên hẹn hò bù khú cà phê, quên phím Computer lọc cọc, quên dán mắt vào cell phone chít chát là chúng ta có ngay vài tiếng đồng hồ thanh thản nghe tiếng sóng vỗ bờ. Nếu nhà ở những nơi không có biển thì vào rừng, hay đến mấy cái Park cỏ xanh ngút mắt mà nghe tiếng chim kêu, ngắm đàn vịt trời bơi thong thả, nhìn mặt nước hồ gờn gợn dịu êm cũng đủ thấy lòng thanh thản rồi.

Tôi khuyến khích mọi người nên “tĩnh tâm” theo lối này, còn muốn lòng “chợt từ bi bất ngờ” thì đổi chừng vài đồng tiền coin, rải dài dài trên cát, để ai đó đi sau rà rà máy nghe tiếng bíp bíp, xúc lên một miếng 25 cent, có đáng gì đâu mà lòng họ thấy vui vui là bạn cũng vui lây rồi. Thiền thì tôi chưa học qua, nhưng tôi nghĩ chắc cũng không ngoài việc làm cho tâm bạn bình an giữa bộn bề cuộc sống bon chen này, có thể hiểu đơn giản như vậy nhưng biết đâu tôi vẫn chưa thấu đáo hết cái triết lý sâu xa của môn học này.

Buổi sáng có lẽ an nhiên nhưng khi chúng tôi đi vào tiệm KFC, chợt thấy một người đàn ông thấp bé gầy gò lục trong thùng rác moi ra mấy miếng gà chiên chỉ còn chút thịt xương gặm nham nhở, công việc chăm chú của anh ta đã gợi cho tôi sự tò mò khi nhận ra đó là người Việt.

“Sao đến nông nổi này?”

“Hồi trước con cũng có vợ con nhà cửa đàng hoàng, nhưng tại con cờ bạc gây nợ nần quá nên gia đình từ bỏ, buồn rồi hổng biết làm gì theo bạn bè hút chích, làm chuyện bậy bạ nên bị bắt, ra tù đi xin việc chỗ nào cũng không nhận, bây giờ con khổ quá chú ơi!”

Trước mặt tôi là người đàn ông mà có lẽ mấy chục năm trước đã theo cha mẹ nằm dài trên chiếc ghe vượt biên mỏng manh, suýt chết vì đói khát lạnh cóng, hay được bão lãnh theo diện đoàn tụ mà người thân của họ đã đổi mạng trong lao tù để lấy Tự Do cho họ sang đây nhởn nhơ hưởng thụ. Anh ta là Việt kiều đấy, đã từng lái xe hơi đẹp, ở nhà sang, có tiền bạc rủng rỉnh. Bây giờ thân tàn ma dại, phải moi thùng rác mà kiếm thức ăn thảm hại thế đấy.

Tôi chua xót khi nghĩ đến những người Việt đã sống phí đời mình trên mảnh đất màu mỡ mà họ khó khăn lắm mới định cư được, Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia tiến bộ nào trên thế giới này chịu dung chứa họ. Những hạt giống èo uột trôi dạt từ khắp nơi (trong đó có Việt Nam) đến đây đều có cơ hội để ươm mầm trổ hoa, sanh trái ngọt cho đời, dĩ nhiên cơ hội luôn được chia đều, bình đẳng, nhưng cố gắng nỗ lực của chính mình mới quyết định sự thành công hay thất bại.

Tiếc thay anh ta đã tự hủy hoại tất cả những giá trị tốt đẹp của cả đời người chỉ vì sa vào nghiện ngập cờ bạc, ma túy. Một tệ nạn mà xã hội nào cũng phải vướng mắc ít nhiều, gây hệ lụy cho gia đình người thân.

Tôi có vài người quen trước kia là chủ một tàu đánh cá cũng khá phát đạt, hay một tiệm Nail đang ăn nên làm ra, bẳng đi thời gian không gặp, hỏi ra mới biết sự nghiệp tan hoang cũng vì đi theo “thần Cosina” (Casino) vợ chồng lục đục, con cái rã bầy… Nghe mà uổng hết sức, đã qua được tới đây rồi lại hư.

Tôi có bà bạn thân, cô con gái lấy nhằm tay cờ bạc, ăn chơi cá độ, con nhỏ làm được bao nhiêu thì nó cứ gở tay đem nướng vào tiệc nhậu và trái banh lăn. Tụi nó có với nhau đứa con gái xinh xắn nhưng bệnh hoài, dùng dằng mãi rồi chịu hết xiết, bọn trẻ chia tay. Bà bạn xót ruột vì thương con vất vả nên đem cháu ngoại về chăm sóc, cho mẹ nó rảnh rang đi làm.

Vì là hàng xóm nên thỉnh thoảng tôi cũng sang chơi, con bé rất dễ thương và thông minh, mới 3 tuổi nhưng nó biết hết chuyện nhà không vui của nó “Ba Nam đi nhậu hoài, hai người cãi lộn, Mẹ đuổi ba ra khỏi nhà, con nhớ ba lắm” Nghe con bé thỏ thẻ mà chạnh lòng.

Một hôm trong lúc tôi đang đợi xe bus thì có gã thanh niên ốm nhom đen thui chạy tới gọi hớt hải,

“Bác ơi bác, con là Nam nè, bác còn nhớ con không?”

Tôi hơi khựng lại vì bất ngờ nhận ra ba của bé Na, trông nó xơ xác như vừa qua cơn bệnh nặng. Đâu rồi chú rể đẹp trai năm nào mà chúng tôi đã đi dự đám cưới. Nó xin phép mời tôi vào quán cà phê gần đó để “tâm sự”. Vốn tánh dể dãi mà không việc gì gấp nên tôi bỏ thời gian để lắng nghe nó nói.

“Con biết con có lỗi với mẹ con nó, nhưng bây giờ con không còn cơ hội để làm lại từ đầu, bác sĩ bảo con đủ thứ bệnh, chỉ chữa được cái nào hay cái nấy thôi..Nghe cũng buồn lắm, tại con hồi trước sống không tử tế, ỷ sức thanh niên nên nhậu nhẹt thâu đêm, lại có ý muốn làm giàu tắt nên chơi cá độ hết hiệp này tới hiệp kia, ai dè thua hoài làm khổ gia đình, vợ bỏ thì cũng đành, nhưng con thương bé Na quá bác ơi, cả năm nay Má nó không cho con gặp đứa nhỏ, con gọi phone hoài Má nó ghét khóa máy luôn, con không muốn con gái con nghĩ xấu về hình ảnh của ba nó, mặc dù con hư thiệt bác ơi.”


Tôi nhìn Nam thương hại, mới chừng 30 mà hom hem như ông cụ, gương mặt xạm đen, áo quần xốc xếch.

“Sao con không FaceTime với bé Na, bác thấy nó có Ipad chơi game ma.ø”

“Muốn lắm bác ơi, nhưng Má nó block con rồi, con phải đổi số phone để tìm cách liên lạc nhưng chưa biết sao. Bữa nay gặp bác con mừng quá, biết bác chơi thân với ngoại của bé Na, con tính nhờ bác nói giúp cho con gặp đứa nhỏ.”

Tự dưng bị đẩy vô tình cảnh này, tôi nghĩ mình khó lòng từ chối trước ánh mắt van nài của Nam, nhưng ở bên Mỹ có cái nguyên tắc bất thành văn là cha mẹ không nên chen vô chuyện riêng của con cái, chuyện gì rối rắm cũng đứng ở ngoài khuyên thôi, huống chi tôi chỉ là hàng xóm của tụi nó, lại muốn làm chuyện bao đồng.

Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi nói với nó:

“Bác không hứa gì hết, nhưng con cho bác số phone, để bác về nói với Ngoại bé Na coi sao nhe.”

“Dạ con cám ơn bác, con mừng lắm nếu nghe được giọng nói của nó, được nhìn thấy mặt nó dù trên Face time, con muốn lắm bác ơi!”

Xe bus chạy rồi mà tôi còn thấy nó đứng tần ngần trông theo. Tôi cầm miếng khăn giấy ghi vội số phôn của Nam mà không biết mình nên làm gì giúp nó, muộn quá rồi con trai à. Bác rất tiếc cho tuổi trẻ của con, cũng như bác tiếc cho anh chàng Việt kiều moi thùng rác mà bác gặp bên đường, chỉ giúp anh ta một hộp thịt gà ăn đỡ bữa chứ làm sao có thể cho nguyên một nông trại để anh ta làm lại từ đầu.

Cờ bạc chỉ là môn chơi giải trí cho những ai nhàn rỗi, vui vui như đi câu cá hay coi đá banh, nhưng nếu xem nó như liều thuốc giải sầu thì coi chừng nghiện nặng rồi khó gở lắm, giống như ma túy cứ dẫn mình vào cơn mê loạn mà không có lối thoát.

Không biết chỗ khác thì sao chứ vùng Orange County này, vài nơi có xe chở miễån phí lên mấy cái Casino cho mọi người chơi mỗi ngày, lại cho thêm 5-10$ để họ kéo máy, đa phần là người lớn tuổi không lái xe được, họ chơi vui như đi picnic, thắng thua cũng nằm trong số tiền già ít ỏi nên họ không thấy thần Cosina đáng ngại lắm. Nhưng cũng có những kẻ máu đỏ đen và quyết tâm sát phạt tới bến thì con số này khá đông, họ giỡn với nhau là lên casino đóng tiền điện hay đánh mãi mới có thẻ VIP (tôi gọi đùa là thẻ bán nhà) để được ăn free buffet.

Ối trời, để có được thẻ này chắc cũng tốn bộn tiền cống nộp cho Thần và ngành công nghệ không khói như vầy mới có cơ hội ngày càng phát triển mạnh.

Người ta hay mâu thuẫån khi khuyên người khác những giáo điều như là chân lý, mà mình thì cứ mần ngược lại, cũng có thể đó là luật bắt buộc nhà sản xuất phải làm như vậy hay sao? Thí dụ như trong mỗi bao thuốc lá đều ghi “hút thuốc có hại cho sức khỏe”, hay quán nhậu treo khẩu hiệu “uống rượu không nên lái xe dễ gây tai nạn.”

Nghe mắc cười, biết hại vậy mà ai cũng nhào vô để chết chùm và bây giờ tôi lại thấy mấy tờ rơi trong Casino có bảng tiếng Việt và tiếng Anh “Hướng dẫn về trách nhiệm đánh bài / Responsible Gambling Guidelines” đại khái là mấy lời khuyên dành cho con cháu thần Cosina như “đừng mượn tiền để đánh bài, đừng dùng việc bài bạc như một cách để đương đầu với nổi đau về tình cảm và thể xác.v v...”

 Câu kết mới hay nè “Nếu việc đánh bài của bạn không còn là một thú tiêu khiển nữa thì hãy tự hỏi tại sao mình vẫn còn chơi? If your gambling is no longer an enjoyable activity, ask yourself: Why am I still playing? Tôi nghĩ chắc không ai quởn như tôi  để tò mò đọc mấy tờ này khi bước vào Casino, bởi vậy nên bãi đậu xe ở đây lúc nào cũng chật kín và dòng người lúc nào cũng nườm nượp. Sẽ có người hỏi “mà chị có đi Casino không sao biết rành vậy? Dĩ nhiên là có, nhưng theo mấy người bạn có thẻ “bán nhà” lên ăn buffet và coi ca nhạc thôi, còn thỉnh thoảng kéo máy 1 cent thì thua hoài, hà hà”

Người Việt mình khó khăn lắm qua được Mỹ, chịu làm lụng cực khổ, gian nan đủ điều cả mấy chục năm tích lũy mới mua được nhà, nuôi con ăn học thành tài, cơ ngơi ổn định, vậy là thành công lắm rồi, còn hơn nhiều kẻ trạc tuổi mình vẫn còn ở nhà thuê, đi làm mướn chỉ đủ sống qua ngày. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì thấy chẳng ai bằng mình, so sánh như vậy để mình cố giữ lại nề nếp ổn định cho cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn, để đừng sa chân vào những đam mê “đổ tường” mà ông bà ta bao đời đã răn đe con cháu Cờ bạc là bác thằng bần.

Nếu ở Việt nam đa số thanh niên trai tráng theo Thần lưu linh với chiến thắng tự hào là đã tiêu thụ mấy tỉ lít bia hàng năm thì hy vọng số người Việt ở Mỹ theo thần Cosina không nhiều, mặc dù chuyện bài bạc và thẻ Vip bán nhà xảy ra trong cộng đồng là có thật

Thỉnh thoảng thấy mấy người homeless đứng đường đưa cái bảng  “Help me, need job, need food” mà xót, có hàng mớ lý do để họ phải ra đường, trong đó có cả cờ bạc, rượu và nghiện hút, nhiều người nhất quyết không cho tiền, “có nhà nước lo rồi, tại họ muốn xin tiền chơi ma túy thôi, đừng nên tạo điều kiện cho họ hư thêm”

Thật tình tôi không nghĩ như vậy, mình là người “ngoại quốc” mà có cơm ăn, có xe chạy, có nhà ở, còn họ là dân bản xứ phải ra đứng đường xin tiền thì thấy chạnh lòng quá, vài đồng bạc lẻ không làm mình nghèo hơn nên chúng tôi gặp là dừng xe lại cho, cứ nghĩ đang đứng ngoài nắng ai đi ngang cho chai nước thì quá đã khát, mùa đông lạnh lẽo mà có người dúi vào tay mình cái mền sạch sẽ thơm tho thì ấm áp biết bao nhiêu. Tôi mong mình không sai trong hành động này, dĩ nhiên sự chia sẻ không thấm vào đâu nhưng làm cho người khác vui là mình cũng tâm an lạc rồi.

Cái câu “con muốn lắm bác” và ánh mắt như van nài của chàng trai trẻ đã ám ảnh tôi hoài, làm sao để giữ cái muốn của mình lại không cho nó vuột đi mới là điều quan trọng,  mà hình như thế giới này ít ai quan tâm đến điều bình thường giản dị trong cuộc sống hàng ngày, như màu xanh của lá, tiếng chim hót, bầu trời trong veo hay gần gủi như tiếng trẻ con cười trong ngôi nhà ấm áp, mùi hương tóc của người thương…

Buồn thay khi mình muốn thì mình đã mất nó lâu rồi.

Trần Ngọc Ánh

Ý kiến bạn đọc
27/02/202108:24:05
Khách
https://genericviagragog.com generic viagra without doctor prescription
27/12/201813:06:19
Khách
Chào bạn Michael, ha ha ,cám ơn bạn đã cho tôi một bài học về mặt trời mọc ở hướng Đông,tôi không cố ý tả cảnh " mặt trời nhô lên từ biển " vì biết mặt trời mọc ở sau lưng mình khi mình nhìn ra biển, nhưng chỉ cố ý ngắm cảnh trong lành của biển buổi sáng sớm thôi
Cám ơn anh, đọc giả tuyệt vời nhất khi chú ý đến chi tiết nhỏ trong toàn bộ một bài văn, anh đã giúp tôi cẩn trọng hơn để tránh những sai sót nếu có sau này.
27/12/201800:15:20
Khách
Mặt trời không mọc trên biển California, tiếc thay!
19/12/201816:12:50
Khách
Bài viết thật hay, lời văn lưu loat, chứa đầy tình người nhưng đọc mà thấy nao lòng! Cám ơn tác giả đã có bài viết giá trị nhắc nhở người mình không nên để sa đà vào những niềm vui “bán nhà” như các nhân vật trong truyện. 😩😩
Chúc tác giả vui khỏe để tiếp tục viết
P.Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,062,016
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016, thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, về trận cháy rừng dữ dội nhất ở Nam Cali, có tên là “Thomas Fire Ventura”.
Báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất đã phát hành. Sau đây là một chuyện tình dài của Phan, trích từ báo xuân. Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Bài đăng hai kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.