Hôm nay,  

Mái Ấm Mùa Giáng Sinh

12/12/201800:00:00(Xem: 8668)
Tác giả: Pha Lê

Bài số 5570-20-31376-vb4121218

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà

 
***
 

Một lần ngồi chờ chuyến bay tại phi trường Chicago trong tuần lễ Giáng Sinh, thấy  khung cảnh rộn ràng tươi vui, tràn đầy mầu sắc rực rỡ, nhưng mọi người đều hối hả vội vàng.  Trong đám đông tất bật đó, có bao nhiêu người đang thật sự hân hoan trở về với mái ấm gia đình để đoàn tụ với những người thân yêu, tôi tự hỏi. Rồi có bao nhiêu người đang trăn trở, trốn chạy để không phải gặp lại những người từng một thời thương yêu. Và còn có bao nhiêu người nữa không có một nơi chốn nào để có thể dừng chân  trong những ngày mùa đông giá buốt này.

Sau đây là ba câu chuyện nhỏ về mái ấm.

 
1.


Trên tuyến đường xa lộ  xuyên bang vào một đêm đông rét mướt cuối tháng 12, một chiếc xe vận tải 18 bánh chở hàng hóa lao vùn vụt trong bóng đêm dày đặc. Con đường dài hun hút không có thêm một bóng xe khác.

Tiếng nhạc rập rình vang lên từ chiếc xe vận tải, âm thanh tươi vui của một bản nhạc Noel bằng tiếng Mễ Tây Cơ. Người tài xế, Fernando, một chàng trai xấp xỉ trên 25 tuổi, một tay vừa cầm bánh lái, tay kia gõ nhịp ồn ào theo điệu nhạc của bài hát. Tuyến đường này cậu đã lái thường xuyên suốt hai năm trời, cậu thuộc từng khúc quanh, từng đoạn đường gập ghềnh nên dù nhắm mắt, cậu vẫn có thể lái xe một cách dễ dàng.

Trong bóng đêm dầy đặc, bỗng từ xa cậu nhìn thấy thấp thoáng những ánh đèn mầu lấp lánh. Với kinh nghiệm lái xe nhiều năm, cậu biết đó là những bảng quảng cáo được dựng bên lề đường .Trong đêm khuya, một mình một bóng,  Fernando thường rất thích nhìn và đọc những lời viết trên những tấm bảng quảng cáo đó. Có khi nội dung thật hóm hỉnh, xúc tích, có lúc thật nhạt nhẽo, vô duyên, nhưng điều cậu thích nhất là đôi khi trên những tấm áp phích đó thường có kèm theo hình ảnh những cô người mẫu trông thật quyến rũ, khá ...sexy giúp cậu quên đi cơn buồn ngủ dai dẳng của những chuyến xe hàng dài hằng trăm dặm.

Fernando cho xe chạy chậm  lại một chút, cậu chờ đợi được nhìn thấy một bảng hiệu mầu sắc rực rỡ tươi vui cho mùa Giáng Sinh, nhưng cậu sững sờ đến độ choáng váng,  trên tấm bảng quảng cáo chỉ vỏn vẹn một dòng chữ: "Coming Home for Christmas.” Trở về nhà trong ngày Giáng Sinh.

 "Home", Mái gia đình, ba chữ giản dị đó hình như lâu lắm rồi cậu không còn được nghe hoặc nhắc nhở đến. Fernando cảm thấy một thoáng nhói buốt trong tim vì cậu đã từng có một mái ấm với một người mẹ chịu thương  chịu khó, và một cô em gái thật xinh đẹp, ngoan ngoãn. Fernando nhìn đăm đăm vào con đường đen tối hun hút trước mặt, lòng cậu chợt nặng trĩu buồn, và cậu thả hồn trở về quá khứ .

 Fernando đến đất nước này khi cậu mới được hơn 6 tuổi. Mãi mãi không bao giờ cậu có thể quên được cái đêm giá buốt kinh hoàng đó khi cha vừa cõng cậu trên lưng,  vừa dắt tay mẹ cũng đang bồng ẵm đứa em gái của cậu chưa đầy 2 tuổi. Suốt đêm họ vừa chạy vừa trốn trong những lùm cây, bụi rậm, cho tới gần sáng gia đình cậu và một số người cùng hoàn cảnh đã vượt qua được biên giới và đặt chân trên đất nước Mỹ.

Dù bị liệt kê vào thành phần nhập cư bất hợp pháp, nhưng tất cả mọi người đều được đối xử thật tử tế. Đưa tay nhận ly sữa nóng cùng những chiếc chăn ấm, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt cha mẹ cậu khi ông bà đọc được ánh mắt xót xa thương cảm của nhân viên làm việc tại đây. Riêng với Fernando, dù chỉ là một cậu bé 6 tuổi, nhưng cậu đã cảm nhận được những trái tim thật nhân ái, cùng những tấm lòng vị tha bao la đầy tình thương của mọi người trên xứ sở này. Sau 6 tháng trong trại tiếp cư, gia đình cậu được xuất trại và bắt đầu hội nhập vào cuộc sống mới tại đất nước này.

 Fernando và em gái  nhanh chóng thích ứng với môi trường mới.  Suốt  những năm tiểu học, và ngay cả trung học, Fernando chỉ là một học sinh bình thường , tuy nhiên với bản tính hiền hòa và nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, cậu luôn  được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Năm Fernando vừa được 10 tuổi, sau 4 năm chung sống, cha cậu trong một chuyến giao hàng xuyên tiểu bang, đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại trách nhiệm và bổn phận nuôi nấng dậy dỗ 2 đứa con thơ cho người vợ suốt đời chỉ biết cung cúc lo lắng cho chồng con. Từ đó mẹ cậu bắt đầu phải lăn xả vào cuộc sống, bà làm bất cứ công việc gì. Bà ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ và khi bà bước về nhà thì đã quá nửa đêm. Nhiều lần thức khuya học bài, Fernando đã nhìn thấy mẹ cậu vẫn ngồi miệt mài bên bàn máy may với những chồng quần áo bà may thuê cho một hãng may trong thành phố. Một ngày có lẽ bà chỉ ngủ vài tiếng.

Giống như bất cứ một người di dân nào trên đất nước này, Fernando cũng có những hoài bão, ước mơ. Cậu từng mong muốn trở thành luật sư để cậu có thể giúp đỡ, binh vực những người tỵ nạn trong lãnh vực pháp lý, có lúc cậu lại ấp ủ mộng ước trở thành giáo sư của một trường trung học nào đó, thậm chí có lúc cậu muốn bước vào thế giới âm nhạc vì một lần trong ngày Talent Show của trường, Fernando với đàn guitar trên tay, cậu đã làm cả hội trường sửng sốt khi cậu trình diễn bài hát La Bamba thật sống động, chuyên nghiệp không khác chi ca sĩ Richie Valens.

Nói chung, những mơ ước của một cậu trai mới lớn luôn là những điều tốt đẹp và hướng thiện. Nhưng dĩ nhiên cuộc đời đâu đẹp như một bài thơ. Nhìn người mẹ làm việc quần quật vất vả ngày đêm mà cuộc sống vẫn luôn túng thiếu, Fernando quyết định đi làm. Cậu làm thợ phụ cho một tiệm sửa xe trong thành phố, chính nơi đây là bước ngoặt đen tối cho cuộc đời của cậu.

Fernando bắt đầu giao du tiếp xúc với những người bạn mới: tiền nhiều, xe xịn, nhưng cuộc sống luôn ngoài vòng pháp luật. Cậu bắt đầu biết hút thuốc lá, uống rượu, đi sớm về trễ. Những thay đổi đó mẹ cậu không biết nhưng cô em gái đã cảnh cáo cậu nhiều lần.

Một buổi tối, sau trận cãi vã nẩy lửa, Fernando đã dang tay tát cô em gái, mẹ cậu nhẩy vào can gián, trong phút nóng giận, cậu đã xô bà ngã chúi vào góc nhà. Phóng vội ra cửa nhưng Fernando cũng kịp nhìn thấy mẹ cậu vẫn nằm sóng xoài  bất động. Hai ngày sau, Fernando quay trở về nhà, cô em gái cứng rắn cho cậu biết cậu không được quyền ở lại.

Thế là xong, Fernando bắt đầu một cuộc đời lang bạt kỳ hồ. Từ việc sử dụng ma túy, cậu chuyển sang buôn bán hàng quốc cấm này. Chơi dao có ngày đứt tay, trong một lần giao hàng, Fernando bị bắt và bị tuyên án 3 năm tù. Suốt trong thời gian trong tù, Fernando đã có những suy nghĩ chính chắn hơn. Khi mãn hạn tù, Fernando đã thực sự trưởng thành, bây giờ cậu có một cuộc sống chẳng bằng ai ,nhưng khá ổn định, cậu là tài xế lái xe hàng xuyên bang .

 Khi ánh đèn xe chiếu qua tấm bảng chỉ đường, lối rẽ exit  116, Fernando biết rằng exit 117 sắp tới là con đường trở về nhà. Cậu nhớ một lần cậu đã quay trở về , nhưng thay vì gõ cửa bước vào nhà, Fernando đã đứng  lặng lẽ bất động bên ngoài cửa sổ, cậu nhìn thấy người mẹ khả kính vẫn đang miệt mài ngồi may. Bà cũng  vẫn chỉ mặc chiếc váy bằng vải bông cũ, cùng vẫn cặp kính gẫy được cột bằng sợi dây thép, nhưng tóc bà bạc trắng nhiều hơn, dáng đi của bà chậm chạp khó nhọc hơn. Fernando thấy mẹ già đi rất nhiều. Cậu muốn bước vào  ôm lấy mẹ, nhưng dường như có một sức mạnh vô hình nào đó đã giữ chặt, chôn chân cậu tại chỗ. Mắt cậu nhòa lệ và Fernando đã đứng như thế không biết bao lâu cho đến lúc chú chó hàng xóm sủa vang khi thấy bóng cậu. Fernando vội phóng vụt vào trong bóng đêm .

 Rồi sau đêm đó, biết bao lần Fernando đã lái xe trên con đường này, đã vượt qua exit 117 nhưng chẳng khi nào cậu dừng lại.

Fernando  cảm thấy một chút cay cay trong đôi mắt. Cậu thở dài, rồi lại thở dài, bỗng cậu thoáng giật mình vì trong không gian chợt thoang thoảng mùi bánh ngô nướng, loại bánh mà mẹ cậu vẫn làm ngày xưa khi cậu còn bé, và hình như còn cả mùi soup ragu bò đang sôi sục trên bếp mà mẹ cậu vẫn nấu trong những ngày holidays. Đưa tay chùi những giọt lệ ấm đang chảy dài trên khuôn mặt, Fernando cũng vừa nhìn thấy lối rẽ exit 117 hiện ra trước mắt, cậu đạp thắng, bẻ quặt tay lái, chiếc xe vận tải từ từ  quẹo vào ngả rẽ 117.

Fernando đang trở về nhà.

 
2.

Tiếng nói, tiếng cười pha lẫn tiếng nhạc ồn ào vang lên từ bên ngoài hành lang khách sạn khiến ông Allen giật mình thức giấc. Sau vài giây định thần, ông cảm thấy thật bực dọc. Một khách sạn sang trọng bậc nhất mà lại có thể bị phiền nhiễu vì những tiếng động bên ngoài, nhưng rồi ông chợt nhớ ra đây là tuần lễ cuối cùng của tháng 12, khách sạn thường có những buổi party mừng  Lễ Giáng Sinh. Ông nhỏm người nhìn ra bên ngoài cửa sổ, trời vẫn tối đen. Liếc nhìn chiếc đồng hồ đã hơn 2 giờ sáng, ông khẽ thở dài.


Với một người trên 60 tuổi như ông, bị thức giấc bất ngờ lúc nửa đêm, thường rất khó tìm lại được giấc ngủ. Quả nhiên dùng như vậy, ông Allen trằn trọc, trăn trở trên chiếc giường rộng thênh thang. Với tay bật nút TV, tiếng nhạc Noel vang lên cùng những hình ảnh gia đình đoàn tụ xum họp khiến ông càng cảm thấy trống vắng, cô độc. Đây là Lễ Giáng Sinh thứ mấy, ông không nhớ, ông đã không ở nhà. Rồi ông lại thở dài, mà dù ông có ở nhà, thì căn nhà cũng vẫn im lìm,  vắng lặng. Chả bù ngày xưa, ông Allen nhắm mắt hồi tưởng lại những ngày xa xưa ấy .

Vợ chồng ông bà Allen quen nhau trong đại học Berkeley, nhưng họ chia tay sau khi ra trường vì mỗi người có một dự tính tương lai riêng. Ba năm sau, họ bất ngờ gặp lại trong một cuộc họp tại Chicago. Tình cũ không rủ cũng đến,  vài tháng sau đó họ kết hôn.

Suốt 10 năm đầu  cuộc sống của ông bà thật hạnh phúc, họ có với nhau 3 mặt con, hai trai và một gái. Do sự đòi hỏi công việc của một người kinh doanh địa ốc, ông Allen thường phải đi nhiều nơi, và đôi khi những chuyến đi dài hằng hai ba tuần. Cuộc sống vợ chồng ông bà bắt đầu rạn nứt từ đây, nhất là khi các con của ông bà tất cả đã vào đại học.

 Với những người thành đạt như ông bà Allen, chuyện ly dị là cả một vấn đề nhiêu khê rắc rối. Nhà cửa tài sản rồi con cái, cho nên ông bà quyết định họ chỉ ly thân, họ vẫn chung sống trong cùng mái nhà, nhưng bây giờ ông có cuộc sống riêng, và bà cũng vậy, họ đúng là hai đường thẳng luôn song song, nhưng không bao giờ gặp nhau !

Đôi khi ông bà vẫn có những bữa cơm tối với nhau, và đó là những giây phút hiếm hoi ông có thể nhìn kỹ bà hơn. Rất nhiều lần ông bất chợt bắt gặp ánh mắt bà nhìn ông, một thoáng dò xét, một chút chờ đợi, nhưng  nhiều nỗi xót xa. Thật ra ông còn yêu bà nhiều lắm, không những chỉ yêu, mà ông còn trân quý những kỷ niệm thuở đại học, những ngày tháng gia đình còn xum vầy, hạnh phúc, nhưng ông muốn bà phải là người mở lời trước, trên thương trường ông luôn là người thắng cuộc, thì trên tình trường ông cũng muốn như vậy ! Ông nhớ có lần ông đọc được một câu nói của một nhà tâm lý học  "Nhân loại tìm đủ mọi cách để bước lên mặt trăng, tiến tới mặt trời, nhưng vẫn không tìm ra cách nào để bước qua chiếc ...gối ôm của ngưới đang nằm sát cạnh mình! ". Có lẽ ông là một trong những người đó chăng?

Tiếng người xướng ngôn viên trên TV khiến ông Allen vụt bừng tỉnh. Ông mở choàng mắt, vẫn những hình ảnh tươi vui, rực rỡ cho ngày Giáng Sinh . Với tay định tắt TV, bỗng ông chợt sững người, trên màn ảnh hiện lên dòng chữ:  COMING HOME FOR CHRISTMAS.

 Trở về nhà. Tại sao không? Ông Allen thầm nghĩ, ông đã từng có một  MÁI ẤM GIA ĐÌNH, ông phải trở về để giữ lại hạnh phúc mà ông đang mất dần .Ý nghĩ đó khiến lòng ông ấm lại và ông cảm thấy thật phấn chấn. Nhẩy ra khỏi giường, ông Allen vội vã thu xếp valy, hối hả đổi chuyến bay. Ông phải làm thật nhanh và thật gọn vì ông sợ sự chần chờ, do dự sẽ khiến ông thay đổi ý định, bởi vì ông vừa quyết định “trở về nhà”.Ø

 
3.

Tại góc sân nơi của một giáo đường thành phố vào  buổi sáng, cha Hiền đang hướng dẫn các cậu trai tình nguyện viên treo tấm banner trước cửa nhà thờ. Dưới ánh nắng bình minh, trên nền trắng của tấm bảng, nổi bật  một dòng chữ mầu xanh: “Coming Home for Christmas.”

Cha Hiền và một số giáo dân chăm chú nhìn tấm bảng, bỗng cha Hiền cất tiếng nói,  giọng cha thật trầm ấm  :

- Trở về ở đây có nghĩa là “tha thứ”. Trở về trong sự thương yêu, xóa bỏ thù hận, giận hờn, ganh ghét. Trở về với trái tim tràn đầy tin yêu, trong vòng tay trìu mến,  yêu thương chờ đón của mọi người, thì đó mới đúng là ý nghĩa của chữ "coming  home".

 Dù hơi bất ngờ vì một bài giảng không-chờ-đợi của cha Hiền, nhưng mọi người thật xúc động. Một vài phút sau  ông Trần, một thừa tác viên của nhà thờ đã làm việc với cha Hiền gấn 10 năm, lên tiếng, giọng ông thoáng giễu cợt:

- Như cha vừa giảng thì sự trở về mới chí lý, chứ trở về để  ăn một bữa ăn, như bữa ăn của " dzợ " con nấu thì thà con ra Mc Donald ăn còn hơn!

Đứng cách chồng không bao xa, bà Trần dĩ nhiên nghe rõ những lời ông nói. Lấy nhau hơn 20 năm, bà hiểu rõ tình nết chồng hơn ai hết, nên bà cũng bật cười cùng với mọi người, tuy nhiên bà không quên tặng ông cái liếc mắt sắc như dao cau.

Trong khi đó, Hồng Hạnh, một cô gái phụ trách dạy giáo lý, dù trên môi cũng điểm một nụ cười góp, nhưng ánh mắt cô thật chơi vơi, buồn thảm.

Đêm hôm đó, Hồng Hạnh đã trằn trọc mất ngủ. Tha thứ? Cô có nên tha thứ cho Hưng, người chồng phản bội của cô không?

Lấy nhau gần 7 năm, sau những năm tháng nghèo khổ nơi quê nhà, trải qua một cuộc vượt biển đầy sóng gió, Hồng Hạnh và chồng rồi cuối cùng cũng đến được miền Đất Hứa, Hoa Kỳ. Cô đi làm ngay để Hưng trở lại đại học, những năm tháng đó cuộc sống của 2 vợ chồng nàng vô cùng chật vật, khó khăn. Rồi Hưng cũng ra trường, chàng tìm được công việc đúng với bằng kỹ sư của chàng. Khi bé Thái Tuấn, đứa con trai duy nhất của vợ chồng nàng được 5 tuổi, Hưng bắt đầu bận rộn hơn khi hãng chàng có những dự án với những công ty ngoại quốc, Một lần Hưng phải làm việc tại Singapore hơn 2 tuần, chàng bay về VN vài lần ,và dĩ nhiên với một người thành đạt như chàng, VN là một thiên đường với nhiều cạm bẫy! .

 Hồng Hạnh nhìn sững tờ giấy với những chuyến bay về VN của Hưng, chàng đã lừa dối nàng và gian díu với một cô gái trẻ ở VN. Hồng Hạnh không cảm thấy tức giận, nhưng nàng vô cùng đau đớn. Sau những cố  gắng  hàn gắn, níu kéo, cùng những trận cãi vã dai dẳng, Hồng Hạnh cảm nhận ra rằng  người buồn  khổ nhất trong cuộc chiến tranh này chính là cậu con trai bé bỏng của nàng. Với một thái độ cố làm ra vẻ bình thản ,dù trái tim  đang tan nát, Hồng Hạnh ký tên trên tờ đơn ly dị do chính tay Hưng soạn thảo.

 Rồi cuộc sống của Hồng Hạnh vẫn chẳng có gì thay đổi dù nàng là một single mom còn quá trẻ, nàng sống rất lặng lẽ, cuộc đời của nàng hôm nay chỉ dành cho đứa con trai bé bỏng. Nhìn nàng sống như một nữ tu, một người bạn thân đã đùa đùa nói : "Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ...". Đúng vậy, nhưng nàng vẫn chưa quên được những kỷ niệm của nàng và Hưng dù suốt 2 năm ly dị, sự liên lạc của 2 người chỉ là những tờ check phụ cấp nuôi con của Hưng.

Bất ngờ Hưng quay trở lại, chàng làm cho công ty cũ và mướn apt gần nhà nàng. Hưng sống một mình, chẳng cần một lời giải thích, Hồng Hạnh cũng dư hiểu Hưng đã gặp nhiều biến cố thê thảm sau khi chia tay với nàng. Cho đáng đời, Hồng Hạnh thường nghĩ như thế, và dĩ nhiên, sự trở lại của Hưng cũng chẳng bao giờ. "... Anh trở về dang dở đời em ...", nhưng cuộc sống an bình của nàng cũng bị giao động, xáo trộn .

 Tiếng chuông điện thoại réo vang, chẳng cần nhìn Hồng Hạnh cũng biết đó là Hưng.

Một điều an ủi cho  nàng là cậu con trai ngày một vui vẻ hơn. Hưng chăm sóc và lo lắng cho con thật chu đáo, có lẽ chàng muốn chuộc lại lỗi lầm ngày xưa. Nghe giọng nói và tiếng cười hồn nhiên của con trai khi nói chuyện với bố khiến lòng Hạnh chợt xốn xang. Bao giờ cũng vậy, trước khi gác phone, Hưng hay nhờ con trai hỏi nàng: "Mẹ có cần gì không? ", và câu trả lời của nàng, thường rất đắng chát và chua lè: "Không, Mẹ chẳng cần gì hết!"

 Nhưng có lẽ lần này sẽ khác, bước tới cạnh con, Hồng Hạnh dịu dàng nói:

- Con đưa phone cho mẹ, mẹ cần nói chuyện với bố!

 Một thoáng ngạc nhiên ánh lên trong đôi mắt con trai, đưa phone cho nàng nhưng cậu bé lo âu, khẩn khoản nói :

- Mẹ ơi, it's Christmas, please!

 Hiểu được sự lo lắng của con, Hồng Hạnh khẽ mỉm cười, nàng nhẹ nhàng nói trong phone :

- Tối mai hai mẹ con em đi lễ đêm, anh có muốn ghé qua và đi chung với em và con không?

 Bên đầu giây bên kia chỉ là sự im lặng, Hồng Hạnh nghe rõ tiếng thở của Hưng, gần mấy phút sau, tiếng Hưng vang lên, giọng chàng nhuốm đầy xúc động :

- Anh sẽ tới ngay chiều mai, cám ơn em, cám ơn em !

Hình như Hưng muốn nói nhiều hơn, nhưng Hồng Hạnh không muốn nghe thêm, nàng đưa phone lại cho con trai. Nàng không muốn Hưng biết chính nàng cũng đang rưng rưng xúc động bồi hồi. Lần đầu tiên trong suốt hai năm ly dị, Hồng Hạnh mới cảm thấy lòng nàng thật thanh thản, bình an. Đúng như câu nói có lần nàng nghe được  "Tha thứ không phải là món quà dành cho người mình oán hận, mà là món  quà dành cho chính bản thân mình. "

 
*
 

 Rồi như một sự ngẫu nhiên, nơi căn bếp nhỏ bé của Fernando, trong  căn phòng khách sang trọng của ông Allen, và bên lò sưởi ấm cúng của Hồng Hạnh, cùng một  tiếng hát  Elvis Presley cất lên.  giọng chàng thật nồng nàn ấm áp trong đêm đông buốt giá...

 
I'll be home for Christmas,

You can plan on me...
 

 Và khi tiếng chuông giáo đường rộn rã  ngân vang như để chào mừng sự Giáng Sinh của Đấng  Cứu Thế cho Nhân loại, cha Hiền đã kết thúc bài giảng bằng một lời cầu chúc đầy tin yêu:  “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
31/01/201900:01:45
Khách
câu chuyện thứ ba giống như phim family man do nicolas cage đóng
13/12/201804:00:06
Khách
Trong câu truyện đầu, người mẹ nào cũng luôn sẵn sàng tha thứ cho người con. Cho dù con có hư hỏng cách mấy, cánh tay người mẹ lúc nào cũng rộng mở đón con về.
Câu chuyện thứ hai tình vợ chồng bị phai nhạt vì công danh, vì tiền bạc nhưng nó có thể hâm nóng lại bất cứ lúc nào khi nhận biết dù có bạc tỷ, sống cô độc trong lâu đài rộng lớn cũng như người chết mà còn thở.
Trong câu chuyện cuối, tôi biết nhiều anh cà chớn, ham dzui bỏ vợ cuối cùng thấy sự thật nhưng tật cả đều không trở về với người vợ cũ. Tuy rằng họ không nói ra sự thật, nhưng ai cũng biết họ sợ nhìn thấy ánh mắt khinh thường của người vợ lẫn họ hàng thân thuộc. Rất khó hàn gắn lại như hai truyện đầu.
13/12/201802:55:21
Khách
Bài viết rất hay, cảm động và đầy ắp tình người. Cám ơn tác giả. Chúc gia đình cô hưởng một mùa Giáng Sinh êm đềm, hạnh phúc... bên người thân. Mong bài viết sau.
Một học trò cũ trường Pétrus Ký.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,123
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.