Hôm nay,  

Đi Paris, Nhà Trọ Gần Bảo Tàng Louvre

03/08/201800:00:00(Xem: 11977)
Tác giả: Lại Thị Mơ

Bài số 5455-20-31263-vb6080218

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.

 
***
 

Mùa Hè tới rồi, mùa cho học trò nghỉ ngơi suốt một năm dài học hành vất vả. Khi hỏi ý kiến trẻ nhỏ chỉ thích đi chỗ nào có biển, còn người lớn thì muốn tới nơi nào mình chưa biết như thăm viếng đền đài dinh thự, chứ không quan tâm chuyện vẫy vùng tắm biển. Bởi vì tới mấy khu resort chỉ suốt ngày ăn và bơi.

Dù chỉ là thế hệ sinh sau ngày nước nhà độc lập, nhưng từ khi lớn lên, lúc nào tôi cũng nghe mọi người suýt xoa ca tụng nước Pháp quá chừng.

Ở trong nhà, khi trang điểm mẹ cũng khoe, phấn Coty, son Arden… mọi thứ mẹ dùng đều của Pháp. Rồi tới kính mát hiệu Ruyban bố dùng. Trong nhà đã vậy, ngoài đường thì mấy công trình kiến trúc đẹp cũng do Pháp xây, nhà thờ Đức Bà ở Saigon là một hình ảnh điển hình.

Bánh Tây thì khỏi nói, ngon số một. Tây đi từ lâu lắm, nhưng người ta vẫn cứ ca tụng Tây, chả thế mà người ta còn gọi là “Mẫu Quốc”, quên béng đi mình vốn là thuộc địa 100 năm.

Trong đời sống hàng ngày, hễ cái gì có chữ Tây dính vào, coi như phẩm chất hoàn hảo, sang trọng: dân trường Tây, tốt nghiệp bên Tây… Lớn lên một chút, bắt đầu thơ thẩn cũng thích những bản nhạc Pháp qua tiếng hát ngọt ngào của cô ca sĩ Sylvie Vartan, ngay cả mái tóc của cô cũng biết bao người bắt chước. Tài Tử Alain Delon cặp mắt đa tình, nụ cười quyến rũ làm cho các cô nô nức đi xem phim. Cô tài tử thượng thặng BB thì khỏi nói, nội cặp môi của cô đã khiêu khích lắm rồi, nói chi đến đôi gò bồng đảo như núi lửa. Hết phim Tây, nhạc Pháp, học trò mới lớn cũng bắt đầu thơ thẩn chép thơ tình, chuyền tay nhau, những Nguyễn Bính, Xuân Diệu, rồi tới Nguyên Sa, Cung trầm Tưởng, Hoàng anh Tuấn: Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine ... Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc nói chi cũng muộn màng.

Đọc thơ để ru hồn mơ mộng, lớn lên từ một xứ thuộc địa những 100 năm từ thời ông nội, tới đời bố, qua tới đời con, Tây đi mất tiêu, chả còn ông Tây bà Đầm nào, nhưng tai cứ nghe ra rả suốt ngày Tây Tây Tây. Rồi hình ảnh mấy ông Tây bà Đầm cũng có mặt trong thi ca sách vở, hễ nói đến nước ngoài là người ta nghĩ tới xứ Tây. Xứ của những chàng trai galant, nịnh Đầm, nhảy Đầm, chả phải từ Tây sao. Ngay cả cây đàn guitar cũng gọi là Tây ban cầm, cái gì hay ho cũng phát xuất từ Tây.

Thường thường cái gì nghe ca tụng nhiều quá cũng gợi trí tò mò, tưởng tượng. Ngày xưa còn ở quê nhà, dễ gì có cơ hội qua Tây, chứ bây giờ thì quá dễ dàng. Vì vậy chúng tôi, bốn người qua Mỹ từ lâu lắm,  nhưng chưa bao giờ đi Tây, nên cũng muốn đi một chuyến cho thỏa lòng mong ước. Trăm nghe không bằng mắt thấy.

Cô bạn tôi đã mua vé khứ hồi qua Pháp từ nửa năm nay, vé quá rẻ so với vé nội địa, chỉ có 400 đô (từ NJ) mà lại bay thẳng. Đã thế bay ra nước ngoài, hành lý được mang theo thoải mái khỏi trả tiền, trong khi bay trong nước, vừa trả vé mắc lại còn phải trả tiền cho hành lý, chưa kể còn không cho ăn, dù chuyến bay dài 5, 6 tiếng.

Cô bạn tôi cứ chèo kéo rủ rê qua Pháp chơi, tôi ngần ngừ vì nghe nói bên Pháp mọi thứ mắc lắm, nhất là giá khách sạn, vì vậy tôi nói: không dám. Tới hôm New year, cô bạn lại nhắc tới chuyến đi và nói bây giờ vé đã lên gấp 3, vậy càng không đi. Ai dè ông chồng tôi nghe được, chàng ta tỏ vẻ muốn đi nên rụt rè nói: hay mình đi thử một chuyến, nhất là lại được đi chung với vợ chồng người bạn mà mình quí mến. Nhìn thấy ánh mắt tha thiết của ông già, tôi thấy nao nao trong lòng: tội nghiệp, mà bản thân mình cũng muốn đi.

 Vì vậy tôi nói cô bạn gửi cho xem vé máy bay, sau đó tôi cũng mày mò kiếm được vé xấp xỉ giá của cô bạn mua từ lâu. Chả lẽ tôi lại “vạch áo cho người xem lưng” nói xấu người nhà, tôi mua vé của hãng Lufthansa, khách hàng đúng là thượng đế. Máy bay khổng lồ, chỗ ngồi thoải mái, ăn uống phủ phê, bay 5 tiếng (vì phải ghé Dussedoft 1 tiếng) mời ăn 5 lần, tha hồ uống wine, tiếp viên ân cần lịch sự.

Mua vé sau, nhưng mọi thứ đều thuận tiện cho cả đôi bên, đi và đến cùng phi trường, giờ đi và giờ về cách nhau không lâu. Thế là tôi ung dung mua vé máy bay, trong lòng hí hửng vì được giá hời, mà quên tiền khách sạn và tiền tiêu mới là vấn đề.

Sau khi mua vé máy bay, quảng cáo khách sạn cứ bay vô phone  mình như bươm bướm. Sao chúng nó tài thế. Cô bạn tôi nhắc chừng: đừng ở quá xa trung tâm thành phố đi lại khó khăn, đừng ở khách sạn rẻ tiền không có cầu thang máy… một trăm cái “đừng”. Nào là bị mất đồ, phải xài nhà tắm chung… Bất cứ điều gì cô bạn kêu rêu, tôi đều gạt đi: quần áo bình thường mất cũng chẳng sao, ở nhà còn cả mấy tủ quần áo, xài chung phòng tắm cũng chả sao, đi cả ngày, vả lại chỉ có một tuần, bất quá “tắm khô” cũng không chết. Ngày xưa đi lao động xã hội chủ nghĩa, đào kênh Lê Minh Xuân toàn tắm bùn thì sao? Phú quý sinh lễ nghĩa, tôi không quan trọng bất kỳ cái gì, chỉ là tạm thời thôi mà. Người ta gọi là “nín thở qua sông”. Bởi vậy khi thấy có một khách sạn ở gần Bảo tàng Viện Louvre với giá mềm ơi là mềm tôi đặt chỗ ngay: 50 euro/ ngày, không ăn sáng, xài chung nhà tắm, nhưng có wifi. Vậy là tốt rồi, có điều sau khi lấy tiền từ credit card của tôi xong, họ gửi chi tiết xác nhận. Thấy tên Việt Nam, họ tự động chuyển thư gởi bằng tiếng Việt:

 
Chi tiết đặt phòng

Khách tên: chị MM( không thay đổi).

Giường chiếc.

Không có bữa sáng.

Dùng chung phòng tắm.

Có WiFi.

Ghi Chú: không thay đổi bất kỳ điều khoản nào.

Mọi liên lạc có thể dùng email hay gọi điện thoại.

 
Tôi tá hỏa tam tinh. Tiền thì họ lấy rồi không trả lại, chỉ cho tên một người, mà lại là giường chiếc. Làm sao nằm? Chả lẽ nằm “chồng lên nhau” suốt 7 ngày. Thật là kinh hoàng, tôi cấp tốc gửi email xin cho giường full (lớn hơn giường đơn một chút, chứ chẳng dám xin giường queen).

Cái công ty kiếm phòng cho tôi do người Việt (mới) điều hành, tôi không biết họ ở đâu, nhưng tôi biết chắc là người Việt  mới) sau75, vì họ dùng toàn chữ sau này trong nước: hiển thị, cài đặt, thẻ tín dụng, chức năng…

Email gửi đi, nhận trả lời: chúng tôi xin gởi yêu cầu của bạn cho nhà nghỉ giải quyết. Chúng tôi chỉ tìm kiếm khách hàng cho khách sạn. Thôi rồi, kiểu này y chang lối lôi khách ngoài đường vào tiệm ăn bên VN.

Túng thế tôi phải đi mua thẻ điện thoại để gọi qua Pháp, tôi gọi bất kể ngày đêm vì tôi chả biết cách nhau mấy tiếng. Gọi hoài gọi hủy không ai bốc máy, cô bạn tôi còn nói thêm vào: em đã nói rồi, mấy khách sạn nhỏ không ai trả lời phone đâu. Tôi lầm bầm: sao kỳ vậy, nhỏ to gì cũng là chuyện làm ăn phải tôn trọng khách hàng chứ. Gọi cả trăm lần, may sao có một lần có người bốc máy, mừng quá tôi nói: Can I speak English? Vừa nói xong, đầu dây bên kia cúp cái rụp. Coi như huề tiền. Túng thế tôi gọi cô bạn hồi xưa du học bên Pháp, sau lấy chồng mới qua Mỹ. Tôi gửi chi tiết đặt phòng và nhờ cô gọi khách sạn dùm, vì tôi không biết tiếng Tây. Cô bạn bảo rằng, họ không thay đổi gì đâu, qua đó rồi tính.

Không làm sao liên lạc được với khách sạn, mà sau đó quảng cáo cứ bay vô nườm nượp, toàn giá trên trời dưới đất (tui không có hù đâu), có vé máy bay, nhưng ở đâu? Đã thế họ còn nhắn: nếu hủy đặt phòng sẽ mất gần hết tiền ký gửi. Làm sao tôi tin được, rõ ràng bỏ tên 2 người, y như lúc mua vé máy bay. Tôi chưa đến nỗi lú lẫn, chẳng lẽ tôi gửi cho họ vé máy bay để khiếu nại. Bởi vì sau khi lấy tiền, không được thay đổi bất kỳ chi tiết đã ghi. Thật tình chưa bao giờ tôi gặp chuyện này, ngoại trừ tên khách sạn và số điện thoại, không hề có thêm chi tiết gì để mà hỏi han tin tức, mà credit card của mình thì họ nắm hết rồi. Tôi tự trách mình xớn xác, còn cô bạn tôi thì tìm hiểu rất kỹ, trước khi trả tiền cô phải xem ý kiến khách hàng (comments), không đọc các comments 4,5 sao, mà đọc loại 1 sao, xem họ than phiền chuyện gì rồi suy ra. Có điều cô nhất quyết chọn khách sạn Mỹ (do nhiều người mách), đây là một sự lựa chọn khôn ngoan và an toàn (nhưng mà giá khá cao, dân bình dân khó vào).

Không còn cách nào thay đổi, tôi  đọc đi đọc lại phần chi tiết đặt phòng, cuối cùng tia hy vọng loé lên, khi tôi thấy có thêm phần ghi chú: nếu thêm giường cho trẻ em phải trả phụ thu. Tôi cho rằng đây chính là “cái mánh” gợi ý nên tôi không gọi nữa, đành chịu thôi (không chịu cũng không được).

Cô bạn tôi vẫn chưa chịu đặt phòng, vì cô bảo chỗ nào cũng không trả lại tiền, thôi chờ, có gì cô chỉ mất vé máy bay. Tới phiên tôi hù lại, tôi bảo rằng từ hồi nào giờ, vé máy bay đâu có trả lại, đặt khách sạn cũng vậy thôi, càng sát ngày càng đắt. Mua cho yên tâm có chỗ ở.

Thật sự ra cô bạn tôi cũng bắt đầu lo, vì giá khách sạn ở Paris rất mắc (cỡ 300 Euro/ ngày), nếu ở gần trung tâm. Còn tới quận 13 khu người Việt thì rẻ hơn, nhưng xa các nơi thăm viếng. Cô nhất định chọn phòng có nhà tắm riêng, mà phải là khách sạn của Mỹ, không phải của Pháp. Tôi nói: lại thế nữa? Tôi nghĩ hay là khách sạn mình đặt của VN làm chủ. Đành chịu thôi, lỡ phóng lao thì phải theo lao.

Cô bạn tôi cũng kiên trì “canh me”, khi giá thụt từ 300 xuống 200 Euro/ ngày, vào lúc 2 giờ sáng, cô mua ngay và bảo hôm sau giá vọt lên trở lại. Có điều khi trả phòng, cô còn phải trả thêm thuế cho County (không hề biết điều này), thuế bên Pháp mắc kinh khủng, chỗ nào cũng tính thuế. Sống bên Mỹ quen miễn thuế nhiều thứ như thực phẩm, nước uống (NJ). Qua xứ người thấy bà con bị trả thuế nhiều quá, cũng thấy hơi ngán.

Còn một chuyện ngán nữa là, tiền Mỹ qua Âu Châu bị lép vế, nhất là khi ông Tổng Thống mới hạ hối xuất. Đổi qua Euro, cầm số tiền ít ỏi mà qua đó mua cái gì cũng mắc, mà du khách vẫn nườm nượp ghé thăm. Đủ biết Paris có sức quyến rũ như thế nào.

Khi du lịch phải chắc ăn có nơi trú ngụ, vì khi đến nơi chúng tôi mới biết nếu không giữ chỗ trước( dĩ nhiên không trả lại), giá cho một phòng thường là 700 Euro cho tới phòng đặc biệt 1000 Euro/ ngày.

Ở Mỹ phía Đông Bắc, phòng ngủ tương đối rộng, qua CA nơi nhà cửa mắc mỏ phòng ngủ nhỏ xíu( 10×11) tôi đã càm ràmn( khi đi xem  nhà), qua Paris lại thấy nhỏ hơn, giống khách sạn thường ở VN.

Khách sạn tôi đặt phòng ở gần Bảo tàng Viện Louvre, trong một hẻm nhỏ không có tên trên bản đồ, làm cho chúng tôi cũng kiếm hơi lâu. Khi tôi đến  anh quản lý rất dễ thương đang ngồi chờ sẵn với quyển vở trong tay, văn phòng nhỏ, tuềnh toàng, không có computer gì cả, mọi thứ viết tay vào cuốn vở. Tôi cẩn thận mang theo credit card statement có ghi số tiền họ đã lấy, nhưng người quản lý đã ghi sẵn số tiền đã nhận. Sau đó anh nói sẽ đổi cho tôi giường đôi và phòng có nhà tắm riêng, nhưng tôi phải trả thêm 140 Euro cho 7 ngày, dĩ nhiên tôi chịu ngay. Hú vía, bây giờ họ đòi bao nhiêu cũng phải chịu. Xong xuôi anh đưa cho tôi biên nhận viết tay, và không cần xem passport, không thắc mắc có mấy người. Anh lịch sự xách hành lý ( không có thang máy) lên phòng cho chúng tôi. Phòng tắm y chang phòng tắm của khách sạn loại thường bên VN, nhỏ xíu với màn che bằng nylon. Khăn tắm thì cũ và cứng còng. Giường size Queen, nệm cũng êm, có điều không có dọn phòng nguyên một tuần, không có nước uống. Thôi được, coi như mình mới di tản từ VN qua, có chỗ ngả lưng là tốt rồi.

Sau này tôi biết, đây là những nhà riêng họ biến thành nhà nghỉ cho thuê, nên chỉ có một cái bảng nhỏ xíu ghi tên, dĩ nhiên không sao (0*), và đúng là “ không sao”. Thực ra tôi coi như mình may mắn, kiếm được chỗ ở ngay trung tâm Louvre (rất mắc, rất tiện đi lại), mà giá thì quá rẻ (100 đô/ngày trong khi khách sạn 300/?).

Khi về Mỹ, rất nhiều người xin tôi số điện thoại của nhà nghỉ này. Người ta bảo “ giẻ rách cũng đỡ lấm tay”, có còn hơn không( better than nothing). Khách sạn thì nhiều lắm, nhưng chỉ có tên và địa chỉ kèm theo xếp hạng( do họ tự phong). Dạo quanh thành phố, trong các hẻm nhỏ chúng tôi thấy có rất nhiều, thường thì họ chỉ dám ghi 3*, chưa thấy bảng hiệu nào ghi số nhỏ hơn.

0* là không sao. Dân mình vốn quen “khắc phục khó khăn”, ngày xưa ở kinh tế mới khách sạn “ngàn sao”, cũng có sao( đâu)?

Về Mỹ, mọi người hỏi: ở đâu? Vênh mặt trả lời: Louvre. Nào ai biết ngay nơi phồn hoa đô hội của Kinh Đô Ánh Sáng vẫn có những căn nhà nhỏ xíu( y như ở Saigon). Louvre ( 1arr) coi như Quận Nhất của SG.

Khi trả phòng lúc 4 giờ sáng phải ì ạch xách hành lý xuống bằng thang chân, khỏi cần chờ check- out, cứ việc để chìa khóa trong phòng, còn vụ trả thêm thuế: miễn.

Hi hi về Mỹ, nào ai biết  có những niềm riêng trọn đời giấu kín), không ai biết chỉ một mình tui biết, tha hồ “nổ” cho đỡ tủi, mang tiếng du lịch Paris.

Bây giờ bắt đầu khi thăm các thắng cảnh, trước nhất là đi tới những nơi mà các thi sĩ, nhạc sĩ nhắc đến, để xem có thơ mộng như trong thơ và nhạc không.

 
Mùa Thu Paris
Bên vườn Lục Xâm,
Hẹn em phố nhỏ…

 
Công viên Luxembourg rất gần khách sạn là địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm,với những đóa hoa Tulip đủ màu sắc, trồng rất mỹ thuật, có hồ cho trẻ em thuê những thuyền buồm bằng nhựa thả trên mặt hồ, công viên này được nhắc trong truyện Vô gia đình của nhà văn Hecta Malot, tác phẩm được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn Học Pháp, bản dịch của Hà mai Anh. Một tiểu thuyết nổi tiếng khắp thế giới nói về một cậu bé khiến cho mọi người vô cùng ngưỡng mộ. Suốt những năm tiểu học cho tới khi lớn lên vẫn nhớ hoài câu chuyện, thì mình đến được địa danh này cũng mãn nguyện lắm rồi.

Qua ngày hôm sau chúng tôi thăm nhà thờ Sacre Coeur ở khu Montmatre. Ra về chẳng nhớ gì, chỉ nhớ phải leo 300 bậc thang( lè lưỡi) nhưng thật vui. Người lớn lẫn trẻ con đều than như bọng, phải chi biết trước chúng tôi đã mang theo cây bút sơn để ghi tên mình lên vách cầu thang, vậy mà cô bạn tôi bằng cây bút Bic cũng ráng ghi cho được tên mình vô vách đá, coi như một chứng tích của sự “ chinh phục”. Khu Montmatre quanh nhà thờ thật nhộn nhịp, đủ thứ hàng quán ăn uống và mua sắm bình dân như ở VN, có một cái gì rất gần gũi thân mật.

 

Dạo chơi quanh Paris chúng ta không thấy xa lạ như những nước khác, dù sao cũng có một chút gì “ hơi hướng” của xứ mà mình (tự) gọi là “ Mẫu Quốc”. Những cái tên đã đi vào ký ức: paté chaud, buch de Noel, phô mai con bò cười ...quả thật Pháp không hổ danh cho nhiều thứ, từ ăn chơi thưởng ngoạn cho tới văn học nghệ thuật, lâu đài kiến trúc. Ngắm nhìn bất kỳ tòa nhà building nào chúng ta cũng phải tấm tắc khen. Hèn chi ngày xưa thời Mỹ qua, mẹ tôi cứ chê mọi thứ của Mỹ xài thì rất bền, nhưng thô kệch, còn đồ của Tây thì vừa đẹp vừa sang trọng, thanh cảnh. Chúng tôi hùa vào: mẹ ơi, Mỹ là dân “thực dụng” nhất thế giới. Họ còn lo tính chuyện khác to tát hơn, mẹ không thấy người ta đổ bộ lên mặt trăng đó sao? Chả thế mà chỉ mới hơn 300 năm, họ đã thành cường quốc hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi xúm vào: mẹ có một đứa con suốt ngày thơ với thẩn, cầm kỳ thi họa cái gì cũng giỏi. Nhảy Đầm giỏi nè, quần áo tóc tai đúng mode (dân Tây ăn mặc lịch sự, quần áo giày dép gì cũng đẹp), nhưng hơi “hẻo” tiền. Còn một đứa thì tối ngày lo làm ăn, mua cho mẹ đủ thứ nhà to, xe đẹp, đưa mẹ đi chơi khắp nơi. Vậy mẹ thấy đứa nào hữu dụng hơn đứa nào?

Mẹ tôi có vẻ đuối lý, nhưng vốn lớn lên trong suốt thời gian nước nhà là thuộc địa, nên trong thâm tâm bà vẫn thích mọi thứ có xuất xứ từ Pháp. Chúng tôi cũng vậy thôi, những cái tên đã ăn sâu vào đầu với sự ngưỡng mo ä(có chút thèm khát): Louis Vuiton, Channel…

Thế là chúng tôi ghé thăm Đại bản doanh của LV, rồi khu shopping La Fayette (lớn nhất thế giới). Mặc dù sống ở NY đã từng thấy những nơi shopping đồ sộ, nhưng bạn không thể nào thấy La Fayette của Pháp sang trọng như thế nào. Tôi nói đùa với cô bạn: mấy em Gucci, MK, Coach của Mỹ tha hồ mà “ khép nép” khiêm nhường trước mấy chị LV, Channel nhé.

Còn phố “ đèn đỏ” Moulin Rouge thì tự nhiên hơn bên Mỹ, Sex shop san sát nhau. Mà cũng kỳ, phố khác thì tên bảng hiệu bằng tiếng Tây, riêng phố này xài tiếng Mỹ,bạn tha hồ mà đứng ngoài ngắm nghía các bức tượng, đủ kiểu diễn tả 36 thế, quí vị cứ mua về mà chưng. Còn show ở Moulin Rouge thì cỡ gần 200 đô, nhưng có giờ nhất định, chả biết họ diễn gì, nhưng thấy người rồng rắn xếp hàng nên chúng tôi bỏ cuộc( thật ra cũng tiếc tiền). Tới Paris người ta xem Moulin show, cũng như tới NY xem Broadway show để thấy nghệ thuật giải trí của mỗi nước.

Ở khách sạn gần Bảo tàng Viện Louvre coi như gần các nơi thăm viếng.Chúng tôi đi dạo bên ngoài khuôn viên Đại Học Sorborn, nơi đào tạo các danh nhân nổi tiếng, cũng giống như Harvard của Mỹ. Đại học Sorborn rất rộng, nhưng vẫn có nhiều đường xe chạy bên ngoài, khác với Đại học của Mỹ đa số được xây dựng thành những khu riêng biệt, không chen với đường công cộng. Dù sao cũng thấy được nơi đào tạo danh nhân của Pháp như một hình thức bày tỏ lòng ngưỡng mộ, dù không vào được bên trong. Chúng tôi nhìn các cô cậu sinh viên dạo bước bên ngoài với cặp mắt kính nể, vì nghe nói rất khó vô được đây (hình như còn khó hơn Harvard).

Trong khu vực thủ đô ở Paris có hệ thống metro  vô cùng tiện lợi cho việc đi lại, nên người thành phố không cần phải có xe riêng. Có điều mình là du khách nên chuyện đi tìm trạm xe khá mệt, không biết nên đi chỗ nào trước, chỗ nào sau (dù có nghiên cứu trên bản đồ ở nhà). Mỗi lần đi mất 1.49 Euro (khoảng 2 đô Mỹ), nhưng đi bộ nhiều lắm, mà người ta bảo Paris là thành phố của những bậc thang mà (city of stairs). Đi bộ nhiều quá, thức ăn thì mắc kinh khủng, một chai nước suối cỡ 5 USD, một ly Coke là 10 Đô (ở tiệm ăn xoàng xoàng). Giá này chung cho bất kỳ ai, cả cư dân lẫn du khách. Hèn chi dân Paris ốm nhom, còn thức ăn ở Mỹ rẻ quá, nên số người nặng cân hơi nhiều.

Sông Seine và nhà thờ Notre Dame cũng là hai địa danh được nhắc đến nhiều. Mai anh về giữa bến sông Seine (thơ Nguyên Sa).

Thiệt tình tôi thấy sông Seine chả có gì là thơ mộng (kênh Nhiêu Lộc còn đẹp hơn!) có điều mình cũng được thấy tận mắt con sông được nhiều người nói đến.

Đến thăm nhà thờ Notre Dame chúng ta phải khâm phục các Kiến trúc Sư người Pháp, một tòa nhà uy nghi cổ kính với từng nét chạm trổ rất mỹ thuật. Tới đây mà không ghé gác chuông nơi “thằng gù” trú ngụ là một thiếu sót. Một câu chuyện hoàn toàn hư cấu của nhà văn Victo Hugo, dựng nên nhân vật thằng gù đã đi vào huyền thoại.

Thăm nhà thờ Notre Dame, hình như ai cũng chụp hình cái chuông trong câu chuyện của Victo Hugo, cũng như ghé Bảo tàng Viện Louvre là lo đi kiếm cô Mona Lisa trước nhất, còn mấy chỗ khác tính sau. Mấy cô bạn khi đi du lịch Paris cũng post lên FB: I got her.

Bảo tàng Viện Louvre thì lúc nào cũng đông, tour du lịch nhiều quá mỗi đoàn cả trăm người (nhiều nhất là người Tàu), nên chúng tôi cũng xem sơ sơ, chụp được hình với cô Mona Lisa coi như đủ rồi. Ngày xưa học sinh vật tên  Leonard de Vinci thì ai mà không biết, chỉ không biết ông là tác giả của bức tranh nổi tiếng. Có người thắc mắc sao cô này không có lông mày, và nghi ngờ cô này đang mang bầu,vì lấy hai tay che bụng (thói quen của mấy bà bầu). Có lẽ với con mắt “người trần mắt thịt” đứng trước bức tranh nổi tiếng mấy thế kỷ, chúng tôi giống như “đàn gẩy tai trâu” xem sơ rồi biến, chào cô, còn nhiều thứ để xem hơn là coi cô “mỉm chi cọp”. Dù có xem thêm mấy thứ khác thì cũng như “mù sờ voi”vậy thôi, có nhớ gì đâu. Chỉ biết: tui có tới đó rồi. Nhớ hồi ở VN, mấy đứa bạn cũng bày đặt đi nghe trình diễn nhạc Opera ở trường Quốc Gia âm nhạc (Nguyễn Du), nghe xong vài bản, đứa nọ nhìn đứa kia thì thào: đi ăn đậu đỏ bánh lọt coi bộ còn hấp dẫn hơn. Bởi vậy, vô Bảo tàng Viện nổi tiếng cũng như không, ai nghe mình đến Museum Louvre thế nào cũng hỏi: gặp cô Mona Lisa chưa? Yes, thế là xong. Đâu có ai hỏi gì thêm đâu.

Qua ngày hôm sau chúng tôi vô trạm metro để đi xe lửa tới cung điện Versailles, xem Vua Chúa ở như thế nào, thì được biết xe lửa hôm nay đình công. Người ta nói ở Pháp tuần nào cũng có đình công, đình công để đòi quyền lợi. Chẳng biết khi nào mới hết đình công, nên chúng tôi phải dùng Uber khá tốn tiền (vì Versailles ở ngoại ô cách Paris một tiếng lái xe).

Vườn Ngự Uyển rất lớn, trồng toàn một màu xanh, không có xen hoa. Trong vườn có rất nhiều tượng của hoàng tử, công chúa. Tôi không nhớ Sử Pháp, nên không biết bà Hoàng Hậu Marie Antoinette bị tội gì mà có nguyên một cái ngục để giam bà, sau đó lại bị chặt đầu. Cung điện của vua chúa nơi nào cũng vậy, nguy nga tráng lệ, chả có ông vua nào ở lều cỏ cả.

Qua ngày hôm sau chúng tôi đi tới quảng trường Champs Elysées, nơi mọi thứ lễ lộc quốc gia đều diễn ra trên con đường này. Có rất nhiều gian hàng nổi tiếng ở đây như nhà hàng Ladurée với bánh macaron ngon tuyệt vời “ngậm mà nghe”. Một cái bánh nhỏ xíu như đồng 25xu, đặt vào lưỡi là nó tan, ngon quá nên chỉ có “ ngậm” mà “nghe” vị giác đê mê. Ngon không thể diễn tả người Nam gọi là “ngậm mà nghe”, còn Bắc Kỳ xưa thì nói “sướng rên mé đìu hiu”.

Dư tiền thì ghé vô tòa nhà Louis Vuiton lớn nhất thế giới, mỗi passport được mua 2 cái ví ( thêm cặp kính mát và cái ví nhỏ đựng giấy tờ). Vì là nơi sản xuất nên rẻ (hơn  Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác). Tại phi trường sẽ được trả lại 12% duty free( tiền thuế), nghe hấp dẫn quá phải không quí vị. Tuy nhiên coi chừng quan thuế của Mỹ, quí vị chỉ được miễn thuế dưới 800 đô, trên đó là phải đóng thuế. Ví LV hạng bét cũng gần 2 ngàn đô Mỹ, được trả lại 12% và do giá chênh lệch, mỗi cái ví cũng rẻ xấp sỉ hơn 1ngàn đô Mỹ. Nghe ham quá phải không? Cứ mua đi rồi biết, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Mua ví LV & Channel ở Pháp hay Ý, coi như đánh bài đấy, nhất chín nhì bù.

Mua sản phẩm của Mỹ tha hồ đổi hay trả lại thoải mái, không giới hạn thời gian, có khi 3 hay 4 năm cũng không sao, nếu vẫn giữ biên nhận.

Mua đồ Louis Vuiton, Channel không được trả lại, chỉ được quyền đổi lại trong vòng một tháng, với điều kiện phải lấy bằng giá hoặc cao hơn. Lúc này quí vị mới thấy thế nào là “ngậm mà nghe”, ngậm miệng mà nghe tức trong bụng, tại mình ham rẻ mà, chưa kể về Mỹ lại bị đóng thuế cho Mỹ.

Đa số dân du lịch ít có người khai thật, nếu giấu thì khi quan thuế bắt được sẽ phải bỏ thôi, vì dân chuyên nghiệp họ sẽ biết cái ví đó trị giá bao nhiêu. Họ sẽ đánh thuế theo trị giá tăng gấp 10 lần giá thực, người ta bảo “chơi dao có ngày đứt tay”. Bỏ thì thương (tiếc) vương thì tội (mình) vì lỗ quá.

Đi chơi thì lo đi chơi, vương vấn chi mấy chuyện shopping. Có điều quí vị không biết đâu, cô bạn tôi là chuyên viên shopping, LV& Chanel cũng không phải tay vừa. Những mặt hàng trưng bày ở đó, toàn là hàng “độc”, không có ở một nơi nào khác, mà giá lại rẻ. Bởi vậy mới làm cho dân sành điệu ngẩn ngơ, dù gì họ cũng tốn thời gian và tiền bạc mới tới được nơi này.

Quí vị ơi, Phật đã bảo “tham là khổ”, mua rồi mới biết: làm sao mang về? Phải ra phi trường rất sớm để scan lấy lại thuế. Tôi thật là choáng váng khi đứng trước mỗi máy scan là một cô cầm trong tay một xấp biên nhận mua hàng. Chừng nào tới lượt mình, vì phải làm xong mới vào làm thủ tục lên máy bay. Tôi tự nhủ lòng “experience must be bought” cạch cho đến già, tự dưng mua phiền toái cho mình. Thế thì mình phải nhắc nhở mọi người tránh vết xe đổ chứ.

Dạo chơi ở quảng trường Champs -Elysée chúng ta sẽ thấy Khải hoàn Môn Arc de Triomphe cao sừng sững cuối đường. Rất nhiều cặp tình nhân tới đây chụp hình đám cưới dù đó là con đường rất đông đúc xe cộ, người ta làm một cái island để đứng chụp hình lấy nền là Khải hoàn Môn. Đám cưới là khúc ca khải hoàn của tình yêu, chú rể nên đến ngục Bastille chụp hình thì đúng hơn, từ đây coi như chú rể hết tự do. Ngục Bastille nhắc cho chú cuộc cách mạng Pháp, biết bao giờ chú mới “ phá” được cái ngục êm ái này, Mỹ bảo rằng đám cưới là “tie the knot” nghe nhẹ nhàng hơn VN ví “gái có chồng như gông đeo cổ”. Còn trai lấy vợ coi như mang cái còng số 8 vào tay (cái nhẫn cưới đó).

Dân VN tới Paris thế nào cũng ráng kiếm khu người Việt mình ở, ngày xưa Bà Ngô đình Nhu ở đây, quận 13. Khi đi háo hức bao nhiêu, thì khi tới nơi hụt hẫng bấy nhiêu. Khu thương mại của Cộng đồng người Việt ở Cali, Houston, Sydney, New York, Toronto ồn ào nhộn nhịp bao nhiêu thì khu buôn bán của người Việt ở quận 13 Paris, nơi mệnh danh là Kinh Đô Ánh Sáng (city of the light) mà buồn tẻ quá chừng. Hàng quán nhỏ xíu, lèo tèo, phố xá lưa thưa không sầm uất như bên Mỹ, cũng phải thôi vì cộng đồng người Việt ở Pháp sống rải rác nhiều nơi. Thăm đồng hương để nghe nhiều người tâm sự, cuộc sống ở Pháp thong thả: mỗi tuần chỉ làm việc 35 tiếng, ngày lễ nhiều hơn bên Mỹ, vacation cũng nhiều. Nhìn qua Mỹ thấy làm việc nhiều quá, nhiều người bên Pháp dù có thân nhân bảo lãnh qua Mỹ, họ cũng không muốn qua.

Người Việt ở Mỹ qua Pháp thấy vật giá đắt đỏ, nhà cửa chật chội, mọi thứ chi tiêu phải dè sẻn cũng không ham. Dân Việt ở Pháp thấy bên Mỹ cày như trâu nên cũng ngán ngẩm. Thôi thì “ ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, hồi ở VN cố làm sao thoát ra được nước ngoài. Sau mấy chục năm hoàn hồn, bây giờ bắt đầu so sánh. Có điều là thế hệ sinh ra khi nước nhà độc lập, có mấy người tìm hiểu về những tác phẩm văn chương nổi tiếng của những Văn Hào người Pháp.  Những Balzac, Victo Hugo, Hecto Melot, Jean Jack Rousseau, Leona de Vinci... Văn minh Pháp, văn chương Pháp, các công trình kiến trúc nổi tiếng. Chính Tượng Nữ Thần của Mỹ cũng là quà tặng của Pháp. Pháp vẫn là nơi có nền văn minh rất sớm, văn chương từ phim ảnh, sách báo đều thuộc hạng thượng thừa, còn kiến trúc nhà cửa đền đài dinh thự thì khỏi nói.

Quanh thành phố tượng vô số kể, tôi tẩn mẩn rờ tay: hay là họ đổ khuôn. Bạn tôi gạt đi: toàn điêu khắc không đó. Tôi ngu ngơ: ngày xưa người ta rảnh ghê, rị mọ tối ngày vẽ tranh, nặn tượng. Vô nhà thờ mới thấy họ sùng đạo như thế nào. Pháp quả là nơi xứng đáng là cái nôi của văn học nghệ thuật ngày xưa.

Buổi tối dùng Dinner Cruise trên con tầu Bateaux Mouches đi sát chân tháp Effeil, mỗi đầu giờ tháp tỏa ánh sáng vô cùng lung linh ngoạn mục, đúng là Kinh Đô Ánh Sáng.

Ngày cuối cùng chúng tôi ghé thăm ga Lyon cho phù hợp với bài thơ Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc: Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng.

Ga Lyon thời mới, đèn đuốc sáng trưng có đâu mà đèn vàng. Chắc hồi xe lửa còn chạy bằng than, bây giờ toàn xe đời mới, chạy vô cho lẹ, ở đó mà cầm tay nhau muốn khóc. Xe lửa mà hú còi là thành “cầm chân” chờ chuyến sau. Nhìn quanh nhà ga có  gì thơ mộng đâu, mấy ông văn nghệ sĩ đầu óc lãng mạn quá, nhìn đâu cũng thấy thơ.

Tôi tới Paris vào mùa Xuân, còn thơ văn thì ca tụng mùa Thu. Tôi chẳng biết mùa nào thơ mộng, chỉ biết mọi người cảnh cáo coi chừng mùa mưa. May quá suốt tuần không có mưa, mấy cô ở khách sạn nói chúng tôi may mắn. Còn cái vụ “ đạp mìn” phân chó không còn nữa. Cảnh Sát sẽ phạt 35 Euro nếu vi phạm (chuyện này làm mất thẩm mỹ quá). Riêng nhà vệ sinh công cộng cũng bắt đầu có ở một số đường phố, rất sạch sẽ. Mỗi sáng có xe đi xịt nước hai bên lề đường đi bộ, và có các trụ nhét bao nylon để dọn vệ sinh khi dẫn chó đi dạo.

Bên Pháp cái gì cũng mắc, một cái bao nylon bỏ thức ăn đi chợ cũng phải trả tiền. Còn bên Mỹ, miệng thì nói “nothing free” nhưng lại free đủ thứ, chẳng hạn không phải trả tiền khi vào toilet. Còn qua Âu Châu, bạn phải có đồng xu trong túi làm cho dân Mỹ hơi “bị phiền”.

Chúng tôi từ giã Paris trong niềm luyến tiếc, còn biết bao dinh thự đền đài chưa xem. Xin hẹn dịp khác, Paris trang nghiêm cổ kính với những kiên trúc kiên cố trơ gan cùng tuế nguyệt. Paris với biết bao chứng tích lịch sử. Paris với nền văn minh lâu đời, cái nôi của nền văn học thế giới toàn tác giả lừng danh.

Paris quả là một nơi vô cùng quyến rũ, với những thương hiệu nổi tiếng vẫn chưa lu mờ, mà chắc khó có thương hiệu nào đánh bại.

Paris quả là một nơi đứng đầu về nhiều phương diện: văn học nghệ thuật, đền đài dinh thự, từ món ăn tinh thần đến món ăn truyền thống cứ phải đến Paris mới thưởng thức được hương vị của nó.

Mà sao bên Pháp có nhiều ngỗng thế, paté gan ngỗng chứ không có gan heo (kiếm cũng không có). Bên Mỹ cũng có ngỗng thiếu gì, sao họ không làm. Tui đang nghi ngờ, coi chừng giống bên VN, chỗ nào cũng bán vú dê, chứ nói thiệt vú heo, đâu ai muốn ăn. Tại vì mình vốn có gốc VN nên mới hay nghi ngờ, chứ dân mắt xanh tóc vàng cứ hồn nhiên thưởng thức món độc đáo của Paris (gan ngỗng).

Chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi Paris là Kinh Đô Ánh Sáng.

Hẹn gặp Paris một ngày không xa.

PS: Tel: +33(0)1 4233 33 42

Quí vị nào muốn ở ngay Louvre, mà muốn tiết kiệm, thì gọi ngay số này. Nhớ mang theo mì gói.

Lại Thị Mơ

Ý kiến bạn đọc
06/08/201815:50:44
Khách
To^i là ngu'o'i\ VN, so^'ng dinh cu' o' ga^\n Paris, To^i chay taxi cho Uber . To^i hay du'a do'n du kha'ch, tu'\ phi tru'o'ng\ quo^'c te^' Roissy Charles - De- Gaulle ve^\ Paris, cities kha'c . Ai co' nhu ca^\u kie^'m hotel gia' re~, 30 - 50 euros / day , xin phone cho to^i 00 33 01 4671 8632 ,
or smartphone 00 33 07 7847 4477
or email [email protected] . Thanks
05/08/201816:55:13
Khách
Ngoài bảo tàng viện Louvre ra, Paris có rất nhiều địa danh để tới thăm do đó chúng ta không nên mướn nhà gần những địa danh nổi tiếng vì tiệm ăn chung quanh vừa dở lại vừa mắc. Nhà mướn gần những địa danh này cũng rất mắc và chật hẹp. Phòng vệ sinh lại rất dơ và không tiện nghi vì phải xài chung. Không những thế, mướn nhà gần một địa danh này lại xa những địa danh khác thì cũng phải mướn xe hay tìm đường đi métro thôi.
Tôi cũng mới qua Pháp ở gần một tuần tháng trước. Tôi mướn nhà gần ngoài ngoại ô một chút nhưng cạnh ga Métro và cạnh sông Seine để tiện đi thăm những địa danh và ăn uống đồ rất tươi, rẻ và rất ngon từ những người địa phương. Gia đình chúng tôi năm người nên cần ba phòng ngủ. Nhà có phòng ăn riêng, phòng vệ sinh riêng và cả phòng giặt quần áo riêng nữa. Nhà bếp thì đầy đủ soong nồi, muỗng đĩa. Có cả máy làm bánh và máy pha cà phê Tây Latte. Dĩ nhiên TV và Wifi khỏi phải hỏi rồi. Giá cả rất bình dân: $550 euro (tính luôn thuế và clean phòng) cho 5 người trong 5 ngày.
Đi chơi mệt về viếng những quán ăn, cửa hàng thực phẩm của dân địa phương chung quanh tươi, ngon và rất rẻ. Người dân ngoại ô bình dân và thân thiện hơn dân thành phố rất nhiều. Tiệm bánh của họ làm rất ngon vì họ dậy sớm, nhồi bột, nướng bánh và mở cửa tiệm khi trời còn tối.
Năm xưa qua Hawaii tôi cũng vào viếng làng của dân địa phương. Mua ba con gà tươi được nhổ lông làm rất sạch sẽ lại được tặng không nguyên buồng dừa 8 trái. Vợ tôi từ chối vì không có dao chặt dừa và khiêng ra xe rất nặng. Bà chủ cười to và quay qua cậu con trai xổ một tràng dài. Cậu vào nhà trong vác con dao to ra thẻo mỗi trái một miếng sọ dừa đi rồi khiêng hết ra xe cho chúng tôi. Mỗi lần muốn uống nước dừa tươi, chúng tôi chỉ cần lấy con dao nhỏ khoét tí cơm dừa từ cái chỗ sọ dừa bị thẻo đi.
Đi xa nên tìm cách vào thăm hay sống gần dân địa phương. Vừa rẻ lại vừa biết nhiều hơn về phong tục và tập quán của họ.
P.S. Paris có quán phở 13 ăn rất tuyệt. Nhưng phải coi chừng vì có hai tiệm Phở 13 gần nhau. Tiệm trên đường Choisy mới đúng. Tiệm trên đường D’Ivry ăn chán lắm bạn ơi.
04/08/201812:42:38
Khách
HAHA .So CFunny story !!!
04/08/201800:35:15
Khách
Phương cứ tìm,Hotel Lille de Louvre là ra, M quên địa chỉ rồi. Đi bộ chút xíu là tới Museum Louvre.
03/08/201821:49:24
Khách
Bàii viết hay và có nhiều chi tiết lý thú. Cám ơn tác giả đã viết về chuyến du lịch Ba Lê.
03/08/201816:39:13
Khách
Ban khong biet gia nhieu nen noi khong co co so. Toi da tung di choi My nhieu nhung xu M'y khong lam cho toi mo mong (rêver), ô Cali thi chi gap mexicain! Nguoi Vn ô M'y thi NHIỀU dollars trong tui nhung bun xin (avare) Chang dam xai tien. Vay stay at home, cho do ton tien. Chào ban.
03/08/201816:32:27
Khách
Mo oi, Cho minh cai dia chi Mo o ben Phap,gan bao tang louve .Cam on Mo,khong
biet Mo co phai la dan o Dalat khong?
03/08/201811:47:08
Khách
Chị Mơ ơi , thích nhất chị đó nghe . Tên chị là một trong số tác giả viết khiến tôi chờ đợi , thắc mắc khi lâu lâu o có bài viết . Thích chị vì chắc văn sao người vậy . Chân thật như măng cụt . Chắc ăn như bắp . Đi đường xa về mà o nổ dăng miểng ! Love chị
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,269,754
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và sau 12 năm, vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018, với bài “Thằng Tý Con là... Con Thằng Tý”.
Tác giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; 12 năm 4 tháng đúng tính đến ngày 30 tháng Tư 75, tự lái tầu vượt biển năm 1982, hiện định cư tại Úc. Sau đây là một bài viết mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến