Hôm nay,  

Giới Nghiêm, Còi Hụ Rồi!

29/06/201800:00:00(Xem: 12691)
Tác giả: Đông Trinh

Bài số 5424-19-31263-vb6062918

Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.

 
****
 

Mới đó mà đã năm mươi năm trôi qua! Trong khoảng thời gian dài đăng đẵng đó, bao nhiêu là biến đổi trong đời. Thỉnh thoảng, những chuyện xưa thoáng qua trong đầu rồi thì cũng quên đi thật nhanh vì bao nhiêu công việc bận rộn trong đời sống hằng ngày. Duy chỉ hai chuyện mà luôn ăn sâu trong tâm tôi, đó là Tết Mậu Thân 1968 và ngày Quốc Hận 30 tháng 04 năm 1975.

Năm 1968, những ngày cận Tết, nhà nào cũng chuẩn bị rầm rộ, thịt thà, bánh mứt, cành mai vàng, vài chậu cúc đại đóa, vạn thọ để tô điểm cho ba ngày này thêm tươi thắm. Rồi lại còn có phong pháo đỏ đốt trong đêm giao thừa để đón mừng năm mới, tống khứ đi những xui xẻo trong năm qua. Bởi vì Tết Mậu Thân năm đó có thỏa hiệp ngưng bắn của hai bên mà! Vui nhứt là ai cũng nô nức, chờ đợi chồng, con trai từ chiến trường xa, được về ăn Tết sau những tháng ngày dài gian khổ để bảo vệ đất nước cho dân lành có được cuộc sống yên vui.

Tối ba mươi, ngoài đường vắng lặng, chợ chiều cuối năm cũng đã tan rồi. Mấy dì, mấy chị lo bán đổ, bán tháo cho hết những gì còn sót lại, lật đật thu xếp về cho kịp kho nồi thịt, ướm thử cho thằng Cu, con Tí bộ đồ mới coi có vừa không để sáng mai mặc đi dạo xóm làng.

Tôi bước qua nhà của Xuân, bạn tôi, ở cách nhà tôi bốn căn. Xuân đi học ở Saigon, mỗi năm chỉ về quê ăn Tết và nghỉ hè. Trưa nay, ba má Xuân về Long An thăm ngoại Xuân và sẽ ở đó đến mùng ba vì ngoại Xuân đã già yếu, bà muốn Tết này được bên cạnh các con. Thế là Xuân phải ở nhà một mình thủ trại.

Vừa vô tới cửa, tôi đã nghe tiếng nói, tiếng cười lao xao của Xuân và anh Can, anh của Xuân. Thấy tôi, Xuân rủ lại bàn ăn cháo gà do Xuân vừa nấu để đãi anh.

Anh Can là Thiếu Uý thuộc Thiết Đoàn 1 kỵ Binh, căn cứ đang trú đóng tại Gò Đậu, nằm trên Quốc lộ 13, cách nhà chúng tôi khoảng ba kí lô mét.Tưởng năm nay ăn Tết một mình, dè đâu có anh trai về, Xuân vui lắm, suốt buổi ăn cứ tíu ta tíu tít, kể hết chuyện này đến chuyện kia.

Cháo ngon, lại được nghe ông anh hàng xóm kể các trận chiến oai hùng của lính mũ đen cùng những chiếc xe thiết giáp, khi băng rừng, lúc vượt suối, tôi và Xuân mải mê theo dõi, tới hồi nghe đồng hồ gõ mười một tiếng, tôi lật đật đứng lên về để còn sửa soạn đi chùa với má.

Anh Can cho biết sẽ ở nhà ăn Tết cho đến chiều mai. Anh kêu tôi sáng mùng một qua anh lì xì. Gì chứ được lì xì là khoái lắm, tôi gật đầu rồi chạy thiệt lẹ về nhà vì bên ngoài vắng hoe, trời 30 không trăng, tối om, nghe cũng hơi run cẳng.

Đêm đó, pháo nổ thật nhiều, thật vui tai từ khắp nơi, khắp phía. Giờ giao thừa đã đến, sau phần lễ chào cờ và chúc Tết đầu năm cuả Tổng Thống, những bản nhạc Xuân được trỗi lên từ phòng thông tin ở dưới chợ, người người áo quần đủ màu, cùng nhau hướng về Ngã Sáu để đi lễ đầu năm trong Chùa Bà. Tôi với má cũng vội vàng nhập vào đoàn người đó, lòng háo hức chờ đón Chúa Xuân về. Năm nay, nhờ lệnh ngưng bắn, trong lòng ai cũng hân hoan với cái Tết an lành, đoàn tụ bên nhau.

Sáng mồng Một, tôi thay bộ đồ mới, ăn vội chén cơm nóng với thịt kho dưa giá, nhâm nhi vài miếng mứt khoai lang, rồi tôi xin Má qua nhà Xuân chơi. Má tôi còn đưa tôi hũ củ cải và đòn bánh tét cho anh em Xuân ăn Tết vì năm nay không có ba má Xuân ở nhà. Qua tới nơi, hai anh em Xuân cũng vừa ăn xong, đang ngồi phòng khách uống trà. Anh Can bước vô trong đâu chừng năm phút rồi trở ra, tay cầm hai phong bì đỏ, anh đưa cho Xuân và tôi rồi còn chúc tụi em học giỏi, lúc nào cũng vui, cũng trẻ...Tôi cũng chúc anh năm mới sớm có bồ cho Xuân mau có chị dâu, mau có cháu bồng. Hôm đó, anh nói chuyện nhiều lắm, so với bản tánh hằng ngày là nghiêm nghị, ít nói, ít cười. Tôi nghĩ có lẽ cuộc đời binh nghiệp trong mấy năm nay, đơn vị anh ở miết ngoài Trung, xa lơ, xa lắc, dạn dày sương gió. Anh ít được dịp về thăm gia đình, hàng ngày căng thẳng với những trận chiến, những sinh tử trong tích tắc, nay được thuyên chuyển về gần nhà, ngồi bên em gái, anh cảm nhận như đã có niềm tin yêu với người thân nên vui lắm.

Trưa đó, chúng tôi tét bánh ra, chiên giòn ăn với củ cải, lại còn nồi canh bắp cải gói thịt, được cột hình chữ thập bằng cọng hành xanh thật đẹp mắt. Đang ăn, Xuân bỗng hỏi:

- Tết này anh về chơi được bao lâu?

- Chiều anh phải trở lại cho anh em khác về nhà.

Đang vui, Xuân bỗng xụ mặt xuống khi nghe anh Can nói vậy. Hôm qua nay, Xuân rất mừng vì có anh về, cô nàng nấu nướng đủ món đãi anh...mới có hai ngày, giờ anh lại phải trở về đơn vị, thiệt là buồn.

- Rồi anh có tính chừng nào về nữa hôn? Ba, má cũng nhớ anh lắm đó!

Xuân rươm rướm nước mắt hỏi.

- Chắc chiều mùng ba anh về gặp ba má. Đừng buồn, còn nhiều anh em khác chưa được về ăn Tết, mình vui thì cũng không thể quên đồng đội chứ em.

Xuân dạ nhỏ một tiếng rồi thôi không nói gì nữa. Bữa ăn bây giờ bỗng trở nên nặng nề vì lát nữa anh Can lại đi. Cách nhà có ba cây số, nào phải xa xôi gì đâu, chỉ vì Xuân là em gái út, được mấy anh chị cưng chìu nên nhõng nhẽo chút mà.

- Nè, vui lên đi, mùng ba anh về sẽ dẫn hai đứa đi ăn mì, ăn chè, ăn kem...đủ thứ hết, chịu hôn?

Xuân bật cười:

- Bộ anh muốn em với Đông trở thành hai con heo mập ú ù hả?

Và rồi tiếng cười nói vui vẻ trở lại với ba anh em chúng tôi, thức ăn trên bàn cũng đã cạn sạch. Trên TV, chương trình nhạc Tết thật hay với màn kịch vui của mấy danh hài Phi Thoàn Tùng Lâm, Khả Năng... Chúng tôi vừa ăn mứt, vừa coi và không nhịn được cười với tài diễn xuất thật tự nhiên của các kịch sĩ đang được nhiều người mến mộ.

Rồi thì cũng tới giờ anh Can phải đi. Xuân lấy hộp múc thịt kho, dưa giá, và bánh mứt cho anh đem theo, mặt mày bí xị như con mèo ướt. Xuân nói:

- Anh nhớ mùng ba về nha, ba má trông anh dữ lắm đó!

- Ừ anh nhớ! Gần đây mà, chạy Honda mười phút chứ có xa xôi gì!

 
***
 

Chia tay nhau rồi, tôi cũng vội lo về nhà để cùng má đi về Lò Chén thăm bà con bên nội. Nơi đó, những cô, chú, bác, thím của tôi lam lũ với hầm đất sét đỏ au, với củi nung, cùng những tô, chén dĩa. Nơi đó, người dân sống đời hiền hoà, không bon chen, tranh chấp. Chùa Ông Bổn hiển linh, che chở dân lành dù trải qua nhiều năm chiến tranh loạn lạc.

Buổi chiều về nhà, má tôi thu xếp mọi thứ và dự tính sáng mùng ba sẽ cùng nhau về Gia Bình, Trãng Bàng thăm ngoại tôi.

Sáng mồng hai, tôi bước ra sau nhà. Mặt trời còn lấp ló trên nóc những ngôi biệt thự nằm trên đường Triệu Ẩu. Những tàu lá chuối trong sân còn đẫm ướt sương khuya. Mấy chiếc xe ngựa chở đầy bạn hàng từ trong Giếng Máy, Xóm Mương, Bưng Cải. Hai bên hông xe, máng đầy giống, gánh, thúng mủng chất nào chuối, nào rau, bông hoa vàng, trắng, đỏ chen nhau, lắc lư theo nhịp chạy của con ngựa già. Những cái móng bọc sắt dưới chân cứ đều đặn lọc cọc, lọc cọc trên con đường tráng nhựa loang lổ ổ gà, bụi than bám đầy mặt đường thành một màu đen dơ bẩn.

Tiếng người nói chuyện inh ỏi, tiếng dép kéo lê trên đường vì đôi vai nặng trĩu gánh hàng. Buổi sáng, hơi mát vẫn còn vương vấn đâu đây, sau một đêm dài. Phố xá, chợ búa đã vang động, báo hiệu cho một sinh hoạt thường ngày của tỉnh lỵ, cho dù hơi hướm ngày Tết vẫn còn phảng phất đâu đây với xác pháo, với mùi khét lẹt trong không gian.

Mặt trời đã lên cao, bên ngoài nóng như thiêu vậy mà phố xá vẫn đông người qua lại. Mấy cô gái trong quê rủ nhau dạo chợ ba ngày Tết. Áo bà ba xanh đọt chuối, áo hường tươi thắm, áo vàng chói chang, quần sa teng đen được ủi láng te, đầu tóc mới được uốn quăn, xức dầu dừa bóng lưỡng, tưởng chừng như ruồi đậu lên cũng bị trợt té nhào. Mấy cô chưa quen với đôi guốc cao nên bước đi chậm chạp, khập khểnh, miệng thì cứ chúm chím cười. Má hồng xinh xinh trên làn da bánh mật, môi son đỏ thắm, thiệt là dễ thương, cái dễ thương của các cô gái quê chơn chất, thiệt thà, ngày ngày lam lũ cùng ruộng rẫy, chỉ có những dịp lễ Tết mới có cơ hội chưng diện cùng bạn bè.

Rồi thì cũng qua đi ngày thứ nhì đầu năm, tối đó tôi tới nhà Xuân chơi một chút rồi về ngủ sớm để sáng còn đi ngoại. Bước ra tới ngạch cửa, Xuân nói vói theo:

- Mai anh Can về, bồ qua chơi nhen.

Tôi ừ thiệt lớn rồi chạy lẹ về nhà. Đột nhiên tôi nghĩ tới trái mìn do VC đặt hai năm trước làm sập nhà làng mà tôi đã chứng kiến tận mắt. Năm đó, tôi mới mười lăm, tuổi học trò ngây thơ của tôi đã bắt đầu bị những cái chết hãi hùng do mấy vụ phá hoại tàn ác của VC, liên tiếp xảy ra. Hình ảnh những xác người đầu, mình, chân tay văng khắp nơi trước nhà tôi, do sức công phá mãnh liệt của còn ám ảnh tôi. Đêm đó, chỉ cần tôi đem báo lên giao trễ chừng năm phút thôi, thì tôi cũng nằm lẫn chung với những cái xác không toàn vẹn đó.

Sau đó không lâu, VC còn cho nổ quán ăn cách nhà tôi năm căn, làm chết chú Sáu chủ nhà và rất nhiều sĩ quan khác. Những hình ảnh đó từ từ thâm nhập vào tôi và tôi cũng bắt đầu nhận ra cái tàn nhẫn của chiến tranh do chủ nghĩa vô thần đem tới.

Đã hơn mười giờ đêm rồi còn gì. Hai bên phố cửa đóng im lìm, bầu trời tối đen như mực, ngoài đường vắng lặng, tự nhiên tôi rùng mình, không biết vì gió lạnh từ bờ sông thổi lên hay vì cái không gian tĩnh mịch quá, làm tôi cứ liên tưởng đến những vụ nổ, những cái xác không toàn thây.

 
***
 

Tôi đang thơ thẩn trong rừng tre sau nhà ngoại, tiếng chim hót, tiếng kẽo kẹt của những thân tre cọ vào nhau khi gặp gió, từng đám lá vàng bay phất phơ...Đột nhiên, nhiều tiếng nổ vang, càng lúc càng nhiều. Tôi giựt mình, tỉnh giấc. Thì tôi vừa chiêm bao.

Anh tôi cằn nhằn:

- Trời ơi, giờ này còn tối thui mà ai đốt pháo um sùm, hỏng ngủ nghê gì được hết, thiệt là tức mình!

Pháo bên ngoài vẫn nổ, bốc, bốc...đùng! Tiếng pháo có mòi nhiều hơn, lại xen lẫn những viên pháo đại nên lâu lâu nghe đùng một tiếng thiệt lớn. Đột nhiên, có tiếng gõ cửa gấp rút, tiếng kêu hốt hoảng bên ngoài:

- Chú ơi chú, mở cửa đi chú...

Ba tôi ngồi dậy thiệt lẹ, mở đèn sáng choang, bước ra phòng khách, ngó qua kẻ hở của cánh cửa lá sách để coi ai. Rồi ba lật đật mở cửa. Cả đám ùa vô nhà, lớn, nhỏ cả chục người, thở hào hển, mặt mày xanh lè, xanh lét. Đồng hồ thủng thỉnh gõ năm tiếng...mới năm giờ sáng mà sao mấy anh chị con bác tôi ở Lò Chén đi đâu mà sớm dữ vậy kìa? Với lại, hôm qua má tôi có nói bữa nay cả nhà đi về ngoại mà.

Chị Kiên, con bác tôi vừa vô tới nhà, vội thì thầm nói với ba má tôi:

- Mấy ‘ổng’ dìa dưới đông quá chú ơi. Đồn lính bị tấn công, họ lùng bắt thanh niên, nổ súng chết người quá trời, tụi con rán trốn được chạy tuốt lên đây đó.

Tiếng xì xào chưa kịp dứt, lại có tiếng gõ cửa, bên ngoài, tiếng đì đùng vẫn nổ liên hồi...tôi đã hiểu ra, đó là tiếng súng!

- Cậu Sáu ơi, mở cửa, con là thằng Tám Tân Khánh nè cậu!

Lại thêm một gia đình từ trong quê chạy ra lánh nạn!

Trời đã sáng tỏ, tiếng súng vẫn không ngừng. Chuyến đi về ngoại đành phải tạm ngưng vì Cộng Sản đã thực sự tấn công toàn miền Nam, miền Trung. Họ đã trắng trợn vì phạm lệnh ngưng bắn mà do họ đã đưa lời đề nghị trước.

Lát sau, anh chị Hai cùng mấy đứa nhỏ, rồi gia đình anh chị Tư cũng lần lượt tới. Mấy đứa nhỏ ngơ ngác, người lớn lo âu!

Nhà tôi hôm đó chứa đến gần ba mươi người. Đi qua đi lại muốn đụng đầu nhau. Ba tôi cứ lo lắng, không biết gia đình anh tôi đang ở Sai gòn có bình yên không.

Trong nhà, hơi người ngộp ngạt, khói thuốc lá mịt mù, ngoài đường tiếng súng vẫn nổ liên hồi, tiếng người chạy lao xao, tôi đứng áp vào cánh cửa nhìn ra, những chiếc cyclo, xe ngựa chở người bị thương, máu me đầy người, chạy về hướng nhà thương, tiếng khóc la thảm thiết.


Chợt có tiếng đập cửa dồn dập, tiếng kêu khóc thảm thiết của Xuân:

- Đông ơi Đông! Chú Thím Năm ơi, anh Can con chết rồi!

Tôi hoảng hốt, mở cửa thiệt lẹ, mặt mày Xuân đầy nước mắt, ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào:

- Anh Can chết rồi Đông ơi, người ta vừa tới cho Xuân hay, họ đang đưa xác ảnh về, làm sao đây Đông?

Tôi bàng hoàng vô cùng, miệng tôi cứng đơ, không nói nên lời, chỉ lặng yên ngó ba má,  vỗ nhẹ lên lưng Xuân rồi xin với ba tôi cho qua nhà Xuân để phụ lo khi người ta mang xác anh về.

Độ hai giờ sau, chiếc xe GMC ngừng trước cửa, bốn người lính khiêng chiếc quan tài vô đặt ngay giữa nhà, Xuân ngã nhào ra, ôm lấy chiếc hòm gỗ, rồi ngất đi.

....Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Anh trả lời, anh trả lời mai mốt anh về

...

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa... (Kỷ vật cho em của Linh Phương)

Mới hôm kia, Xuân hỏi anh bao giờ trở về, anh nói mùng ba Tết. Và anh đã giữ lời, ngày mùng ba Tết anh đã trở về. Nhưng anh về không với nụ cười rạng rỡ mà anh trở về trong chiếc hòm gỗ cùng Bảo Quốc Huân Chương, Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu được vị sĩ quan đi cùng trân trọng cài lên và hai bông mai đen mới vừa được vinh thăng Trung Úy. Những đồng đội đã phủ lên anh lá quốc kỳ và họ nghiêm chỉnh đứng trước quan tài chào vĩnh biệt anh.

VC đã tấn công khắp nơi, giao thông bế tắc, đường dây điện thoại bị đứt, không còn cách nào để liên lạc người nhà. Thật xót xa quá, gia đình anh còn đông đủ cha mẹ, anh chị em. Vậy mà phút cuối, chỉ có cô em gái mới vừa mười bảy tuổi đứng ra lo hậu sự.

Hàng xóm nghe tin cũng kéo đến chật nhà, mỗi người một tay phụ lo giúp cho Xuân, bây giờ đang ngồi rũ rượi như cái xác không hồn. Đang lúc mọi người đang bối rối trước hoàn cảnh của Xuân thì chị Châu, con Bác Hai của Xuân đến. Vừa vô tới nhà, chị bỗng la lớn lên:

Trời đất ơi, chuyện gì vậy? Ai chết? Ai chết vậy?

- Ủa? Không phải chị hay tin anh Can vừa tử trận chị đến thăm sao?

Chị Châu nhào tới chỗ bàn thờ, thấy hình của anh Can, chị khóc rống lên:

- Trời ơi là trời! Thằng Can, thằng Can chết hả? Mới trưa mùng một em tới chúc Tết Ba Má với tụi chị mà! Sao vậy em? Chị tính ra để cho chú thím Ba và mấy em hay là hồi sáng này, tự nhiên nghe tiếng súng nổ tùm lum, ba chị đang ngồi uống trà tự nhiên la lên “Bà ơi, chết tui rồi!” Cả nhà lật đật chạy lên thì thấy ba chị té nằm xuống đất, máu me linh láng, chị liền kêu xe ngựa chở ba đi nhà thương nhưng mà hỏng kịp, ba chị đã tắt thở ngay sau đó rồi...Trời ơi là trời, sao mà khổ vậy, bác cháu cùng mất một ngày, cùng bị VC giết hết vậy nè trời!

Chị cứ kêu trời và càng lúc càng khóc nhiều hơn, khiến những người xung quanh ai cũng không cầm được nước mắt. Thật là “họa vô đơn chí”. Bác Hai là bác ruột của Xuân, ông đã già rồi, rất hiền lành. Gia đình bác ở căn phố đầu tiên ngó qua sơn mài Trần Hà. Như vậy là Bình Dương của chúng tôi không còn an toàn nữa rồi. VC đã coi thường lệnh ngưng bắn, đã tấn công đều khắp, ngồi trong nhà mà cũng bị đạn lạc chết thật tức tưởi!

Hai chị em Xuân ôm nhau khóc than vật vã bên cạnh chiếc quan tài, kẻ khóc cha, khóc em, người khóc bác, khóc anh. Ôi còn gì thê lương bằng! Một cái Tết định mệnh của dân Việt Nam, đã cướp biết bao nhiêu sinh mạng vô tội, già không bỏ, nhỏ cũng không tha.

Chị Châu thất thểu ra về như cái xác không hồn. Chị không thể ở lại để phụ giúp Xuân được vì xác ba chị vẫn còn ở nhà chưa được tẩm liệm, chị còn phải về để lo hậu sự cho ba.

 
***
 

Súng bên ngoài vẫn nổ, những chiếc xe ngựa vẫn lọc cọc chở những nạn nhân thương tích đầy người về hướng nhà thương. Điện đã cúp hoàn toàn, chiều tối, hàng xóm đều ra về, chỉ còn Xuân bên chiếc quan tài và ngọn đèn dầu hột vịt nhỏ xíu, leo lét, chập chờn in bóng Xuân trên vách. Tôi bất nhẫn trước hoàn cảnh Xuân nên xin ba má ở lại. Đêm đó, hai đứa ngồi sát bên nhau, không dám ngủ, Xuân thì thầm nhắc lại những kỷ niệm xưa với mấy anh chị em hồi nhỏ, rồi lại lo lắng cho ba má không biết có an toàn không. Thỉnh thoảng, chúng tôi châm thêm cây nhang trên bàn thờ cho anh Can. Mùi khói hương ngạt ngào trong phòng khách không đem lại cho chúng tôi cảm giác ấm áp trong ba ngày Tết, mà chỉ thấy mùi chết chóc, lạnh lẽo bao trùm.

Sáng sớm hôm sau, tôi chạy vội qua nhà lấy bộ áo dài trắng đi học, đưa Xuân mặc để tang anh Can, vì Xuân chỉ đem về những bộ áo bông hoa để diện Tết!

Đám tang thật vắng vẻ với vài ba người hàng xóm, theo sau chiếc xe đen chở anh Can. Xuân, thiểu não, thất thần, bước đi xiêu vẹo như người say! Đã khóc trọn ngày hôm qua, hôm nay Xuân không còn nước mắt nữa, hai mắt sưng húp, khan cả tiếng.

Sau khi chôn cất anh Can xong, tôi và Xuân trở về dọn dẹp lại nhà cửa. Độ một giờ sau, ba má Xuân về tới, tay xách giỏ nặng trĩu với quà bánh từ dưới quê.Vừa vô tới phòng khách, tuổi già hai mắt kèm nhem, ông bà không nhìn rõ bên trong, cứ kêu lớn:

- Xuân ơi, ba má dìa rồi nè con. Ở đây hổm rày yên hôn? Dưới ngoại bây cũng đánh tùm lum, ba má rán kêu xe ôm dìa cho sớm vì nóng ruột con ở nhà một mình.

Vừa nghe tiếng ba, Xuân bỗng chạy ra, ôm chầm lấy ông bà, khóc nức nở. Bà Ba xoa đầu con gái:

- Nín đi, gì mà khóc dữ vậy? Ở nhà yên hả con? Anh Can con có dìa được không?

Xuân kéo bà tới trước bàn thờ anh. Bà quá đổi ngạc nhiên, trước ngày đi Long An, ở nhà đâu có bàn thờ này! Chuyện gì vậy kìa? Bà định thần nhìn cho kỹ...Trời ơi! Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, tấm hình của Can được đặt sát trên vách, miệng anh cười thật vui...

Không nói được tiếng nào, bà té ngay dưới chân ông, bất tỉnh. Xuân lại chạy kêu hàng xóm qua phụ lo thoa dầu, giựt tóc cho bà. Ông thì điếng cả hồn vía, buông hai cái giỏ xuống đất, bánh trái văng tung tóe đầy nhà. Mới đi vài ngày, tưởng Tết này về sum họp với các con, dè đâu lại là chia ly vĩnh viễn cùng đứa con trai yêu dấu.

Hôm sau, cách nhà tôi một căn, anh Hoàng cũng là anh của bạn tôi tử trận ở Bà Lụa khi tuổi đời còn quá trẻ. Vừa chôn cất anh Hoàng xong thì từ mặt trận Dầu Tiếng lại đưa quan tài của người con rể trong gia đình về. Anh mất đi, để lại vợ dại và bốn con thơ...

Tết Mậu Thân hưu chiến! Tết Mậu Thân đoàn tụ! Niềm mong ước của mọi người đã bị lường gạt thành cái Tết tang thương nhất trong toàn miền Nam, miền Trung!

 
***
 

Vài ngày sau tiếng súng coi như đã tạm ngưng, sinh hoạt đã trở lại bình thường.

Nhưng… ba tuần lễ sau Tết, anh Tư, con rễ của cậu tôi đi xe đạp từ Gia Bình, Trạng Bàng qua. Chúng tôi đoán có chuyện chẳng lành rồi vì anh là một nông dân, suốt ngày ngoài ruộng, đâu có rảnh mà đi chơi. Trên mặt anh, hôi mồ kê nhễ nhại, anh vừa thở vừa nói với má tôi:

- Cô Năm ơi, bà nghỉ (mất )rồi!

Má tôi chưng hửng, hỏi dồn:

- Hồi nào? Tại sao?

- Dạ hồi lối nửa đêm cỡ một giờ, con đợi sáng một chút mới dám đi qua cho cô hay, vì đi liền sợ tối quá, mấy ổng bắn sẻ.

Vậy là chúng tôi đã không còn dịp để gặp bà lần cuối rồi. Chúng tôi dự tính về thăm bà hôm mùng ba, rốt cuộc, những tiếng súng oan nghiệt đã ngăn cản má và chúng tôi để rồi giờ đây ngàn thu vĩnh biệt! Những chiếc khăn tang trên đầu con cháu được vội vã cột lên. Bà đã ra đi thật rồi. Ngoại ơi, tụi con thương nhớ ngoại lắm ngoại ơi!

Thời gian đó, toàn thành phố bị mất điện hoàn toàn, nhà nào cũng làm hầm trú ẩn vì thấy an ninh đã bị đe doạ. Tối đúng chín giờ, một hồi còi hụ thật lớn để báo hiệu đã tới giờ giới nghiêm, mọi người phải vô nhà hết.

Lúc đó, tôi có đứa cháu, con trai chị Tư tôi, nó chỉ thích ở nhà ngoại chứ không chịu về nhà ba mẹ. Mối tối, cháu thích ra ngoài hàng ba chơi vói mấy đứa con nít lối xóm và cứ hễ vừa đúng chín giờ, là tôi lập tức kêu:

- Thái, giới nghiêm còi hụ, vô nhà lẹ con!

Tiếng kêu vừa dứt thì hồi còi cũng bắt đầu hú lên inh ỏi. Thằng cháu sợ hãi chạy vô nhà thiệt lẹ. Trong đầu óc ngây thơ của thằng con nít vừa mới lên ba, không biết gì là chiến tranh, nhưng chiến tranh lại vô tình ăn sâu vô tâm não, cứ nghe tiếng còi lúc tối trời là biết không có an toàn để ở ngoài nữa.

Một lần, tôi ẩm cháu về thăm ông bà nội ở dãy phố bên kia đường, đang ngồi chơi vui vẻ, nhìn ra thấy bên ngoài tối đen như mực, thằng nhỏ quýnh quáng đứng lên ôm cổ tôi vừa khóc, vừa nói:

- Tối rồi, giới nghiêm, còi hụ đi dề!

Thật bất ngờ trước câu nói của thằng nhỏ, cả nhà nội cháu thắc mắc hỏi sao cháu nói vậy, tôi liền giải thích cho bà và các cô hiểu. Tôi không dè, câu nói mà mỗi tối trước giờ giới nghiêm tôi gọi để nhắc cháu lại ăn sâu vô đầu cháu hồi nào không hay.

Tôi bồng thằng bé ra ngoài. Hình ảnh anh Can hiên ngang trong bộ treillis màu lá cây rừng, chiếc mủ đen vắt trên cầu vai áo, Hoàng ở cạnh nhà tôi, rồi anh rễ của Hoàng bên đàn con dại.... Những chàng trai trẻ hàng xóm của tôi đã cùng lúc hy sinh trong Tết Mậu Thân. Trước mắt tôi lại hiện lên cái nền của nhà làng bị nồ sập, bao thây người vung vãi khắp nơi. Trên trời hướng bên kia sông, những trái hỏa châu đỏ, vàng, như những bóng đèn nhấp nháy, lặng lờ trong không trung, vài tiếng bốc, bốc, bốc vang lên… Thằng cháu càng quýnh quáng, ôm chặt lấy tôi...

Những chiếc xe cảnh sát vẫn âm thầm đi tuần quanh các khu phố vắng hoe, không một bóng người.

Năm cháu tôi lên bốn, đi học Mẫu giáo ở trường Chim Non. Một hôm đang trong giờ học, thằng nhỏ tự nhiên khóc lên và la lớn:

- Giới nghiêm, còi hụ! Đi dề!!!!

Cô giáo ngạc nhiên, không hiểu vì sao nó cứ lập đi lập lại câu nói đó...

Phải, đâu ai hiểu được tại sao, chỉ có nó mới hiểu, cái hiểu của một đứa nhỏ vừa lên ba đã sớm bị nếm mùi chiến tranh!

 
***
 

Năm 1978, tôi dạy học ở trường Phú Cường 3. Trong lớp có một em trai cỡ chừng mười hai tuổi mà chỉ mới học lớp một, em rất hiền, hầu như khờ khạo, chậm hiểu, lúc nào cũng im lặng, không bao giờ chọc phá bạn. Tuy vậy nhưng lại em có gương mặt rất đẹp trai, đôi mắt to, sáng tinh anh, đôi mắt như biết cười thật là dễ thương.

Tôi hỏi thăm gia đình em sao cho em đi học trễ quá vì ở tuổi em lẽ ra phải học lớp sáu. Má em buồn bã nói:

- Năm Mậu Thân, lúc đó cháu mới lên hai. Sáng mùng ba Tết, chị vừa cho cháu ăn xong,

để cháu ngồi trên bộ ván ngoài trước, vừa quay lưng vô trong tính lấy nước cho cháu uống thì nghe thằng nhỏ khóc ré lên, cùng lúc tiếng súng bên ngoài nổ liên tu bất tận, chị lật đật chạy ra thì thấy cháu đang nằm trên ván, máu me tùm lum. Chị hoảng hồn, bất kể súng đạn ẳm nó chạy lợi nhà thương. Đem vô phòng cấp cứu, nơi đây đang có rất nhiều người bị thương kêu khóc quá chừng. Sau khi y tá đưa cháu vô trong, một hồi lâu bác sĩ ra gặp chị và nói nó bị một viên đạn trúng đầu nhưng khi chụp quang tuyến thì thấy viên đạn nằm ngay trong hốc xương sọ, mổ rất nguy hiểm với lại cháu còn nhỏ quá. Trời đất ơi, em biết hôn, ông bác sĩ vừa nói xong thì chị cũng té lăn cái đùng xỉu luôn vì sợ quá. Sau khi tỉnh dậy, chị chạy tới giường thằng con, đầu nó quấn băng trắng hết, đang nằm mê man. Được một tuần thì bác sĩ cho về, bác sĩ nói chờ sau này nó lớn coi sao chứ giờ không làm gì được hết, tuy nhiên cháu còn giữ được mạng là phước đức lắm rồi. Tội nghiệp quá, mới chừng đó tuổi mà phải chịu đau đớn lại nặng mang trong đầu viên đạn, không biết rồi sẽ có chuyện gì đưa tới cho cháu sau này không…

Tết đến, đáng lẽ người người vui vẻ, hân hoan đón mừng. Vậy mà VC tàn nhẫn, tráo trở, đề nghị ngưng bắn để lừa đảo tìm cơ hội tấn công. Những người già cũng không toàn mạng, những đứa trẻ lên hai, lên ba, đầu óc ngây thơ trong trắng thì đứa bị ám ảnh tới hoảng loạn, đứa lãnh cái án với viên đạn trong đầu. Đau thương do VC gây ra, kể biết bao giờ cho hết!

Đông Trinh

Fort Smith, May 02-2018

Ý kiến bạn đọc
03/07/201815:01:25
Khách
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
......................
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Ngoài sân đêm trước một cành mai.
Già rồi, sao lại thích ''xổ nho''!, Chắc là ngôn ngữ của người xưa (tiền nhân) còn rơi rớt lại trong lòng chăng?
Bài nầy của Dong Trinh làm tôi liên tưởng lại, Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết; Ngày xưa, ngày qua còn lại một chút là đây ! Không khí thiêng liêng của ngày Tết, chiến tranh và sự bội ước của phe bên kia ! Còn lại ở lòng ta ở mỗi người, một chút gì đây? Cám ơn tác giả đã ghi lại ''dùm''.
01/07/201806:57:20
Khách
Năm nay Đông viết nhiều bài hay lắm! Bài này là một tiếng nói đơn sơ, chân chất, nhưng mạnh mẽ kể lại một biến cố kinh hoàng của người dân miền Nam do tội ác Cộng Sản. Cầu mong cho chúng mau giải thể để trả lại cho người dân tự do yên bình. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mong được đọc thêm, và chúc bạn nhiều sức khỏe. VVNM năm nay về nhé!
30/06/201804:58:38
Khách
Bây giờ còn ghê hơn nữa: cướp đất của dân lành, tham nhũng hàng ngàn tỉ, đày đọa và bóc lột dân đủ mọi cách: BOT mọc lên nhan nhãn chận đường dân để lấy tiền mãi lộ, kết cấu lâm tặc phá rừng, để lũ lụt cướp đi bao nhiêu mạng sống, hay bán đất dưới danh nghĩa cho thuê đặc khu 99 năm. Ôi, tội ác này cao ngất từng mây!
29/06/201821:30:12
Khách
Xin cảm ơn KH A đã cho ý kiến thật quý giá nhé.
29/06/201819:13:05
Khách
Bằng giọng văn chân chất của người dân quê miền Nam, người viết đã tả lại cái đau khổ, oán hận của người dân khi VC lừa đảo, gây tang tóc nhằm ngày lễ thiêng liêng nhất của cả dân tộc Việt.
Ngoài những chuyện mất mát, ở phần đầu người viết còn có những đoạn tả lại khung cảnh Tết ở thôn quê miền Nam 50 năm trước. Đây là những nét quý giá, những đoạn văn dễ thương, đầy hình ảnh, xứng đáng được trích dạy cho lớp trẻ hải ngoại biết một chút về ngày xưa ở quê mẹ VN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,263,617
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Giải thưởng trị giá $1000. Các bài dự giải sẽ được chọn đăng trên mục Viết Về Nước Mỹ và in trong sách Viết Về Nước Mỹ, 2018.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến