Hôm nay,  

Khung Trời Đỏ

06/06/201800:00:00(Xem: 12751)
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Bài số 5406-19-31247-vb4060618

 
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.


***

1.

Anh reo lên:

“Golden hour!”

Ôi, phút giây diệu kỳ mà anh ao ước, mà anh đã chuẩn bị để bắt lấy nó, trên vùng núi non này, là đây! Anh sửng sốt. Từ tảng đá cao này, anh có thể đảo mắt theo một vòng tròn nhìn trọn vẹn quang cảnh. Một màu vàng như đột ngột đổ xuống từ trời, nhuộm hết mọi thứ: mỏm núi cao xa tít, dãy núi thấp bao quanh đường đèo, đám rừng thông chập chùng ẩn hiện. Anh ngây ngất… Đã bao nhiêu lần săn được những cảnh đẹp dưới ánh nắng chiều, chưa có lần nào được như bây giờ. Có phải là do vị trí đứng đặc biệt này? Có phải là do cả một ngày dang nắng mệt nhọc và bây giờ được đền công? Hay là do địa hình hùng vĩ mà thơ mộng nơi đây, với núi rừng soi bóng trên mặt hồ xanh thẫm? Anh say sưa nhìn ngắm như thể uống hết cảnh tuyệt đẹp vào đôi mắt. Rồi chợt bừng tỉnh, anh nhìn vào ống kính của chiếc máy ảnh đã đặt sẵn sàng trên giá, bấm máy. Anh vẫn quen theo cách của mình, chụp rất nhiều hình từ một cảnh, theo nhiều góc độ chỉ nhích khác nhau một chút xíu. Anh cũng say sưa bấm máy như muốn nhốt hết không gian và thời gian vào khung kính. Anh sẽ rất hài lòng khi về nhà được tha hồ chọn ra những tấm vừa ý.

Anh ngắm các tấm ảnh mình vừa chụp. Ở tấm cuối cùng, anh lại sững sờ. Tương phản với màu của hồ và núi rừng đang tối dần, anh đã thấy một bầu trời đỏ rực.

Khung trời đỏ!

… Có tiếng người xôn xao như từ dưới chân các tảng đá cao vọng lên. Tiếng nói rõ dần, rõ dần…

“Mau lên! Mau lên!”

Anh nhìn xuống, nheo mắt.

“Cắm cờ lên! Mình tới đỉnh đồi rồi!”

Ai vậy? Anh nhận ra giọng nói của người mới chuyển đến. “Anh lính mới”, người lính trẻ tuổi nhất tiểu đội, người mà lúc nào cũng nhắc tới má, chắc là chưa có người yêu. “Anh lính mới” bị chọc ghẹo nhiều nhất và cũng được cưng nhiều nhất.

Rồi có tiếng của nhiều người. Là đồng đội của mình! Anh nhận ra tiếng của từng người. Ồ, không những thế, anh có một trí nhớ lạ lùng, anh nhớ cả nhóm máu, nhớ cả số quân của từng người lính dưới quyền mình. Điều đó khiến mọi người cảm động và biết ơn anh. Nhưng anh không tự cao. Anh dùng cái trí nhớ lạ lùng đó để làm được nhiều việc có ích và kịp thời cho anh em. Nơi nào đã đi qua, anh nhớ từng chi tiết. Bạn bè lâu ngày gặp lại, anh không quên chút gì về họ. Chuyện Đông chuyện Tây, anh đọc hoặc nghe qua một lần là nhớ luôn…

Trên nền trời đỏ rực, anh thấy lá cờ vàng bay phấp phới. Chính tay “anh lính mới” cắm ngọn cờ. Thành cổ đã chiếm lại được. Mọi người reo hò trong nước mắt. Đã hiện lại nơi đây, một mùa hè đỏ!

Và anh hơi sững khi thấy người đến trước mặt mình là cô em bạn cùng nhóm, không phải “anh lính mới”. Cô khoe anh bức hình cô chụp được trong máy. Cô tấm tắc khen màu đỏ của bầu trời. Bỗng nhiên anh hoảng hốt. Anh nhớ như in gương mặt của “anh lính mới”, trong trận chiến tiếp theo, nhạt nhòa trong nước mắt của anh. Anh đọc nhóm máu của người lính, nhưng không kịp làm gì để cứu em, vì em ra đi nhanh quá. Em ra đi mang theo nét cười hồn nhiên và đôi mắt trong sáng chưa vướng chuyện tình yêu, chỉ thoáng ưu tư mỗi lần nhắc đến má.

Vâng, thời trai trẻ của anh, có những người lớn làm trẻ con, bởi chưa kịp yêu, bởi chiến tranh đi vào cuộc đời của họ sớm hơn người yêu. Như anh, già dặn nhất đơn vị, thế mà vẫn cứ làm “anh lính mồ côi”. Mồ côi là vì chưa có người yêu, thế thôi. Ai có hỏi vì sao, anh chỉ mỉm cười.

“Anh sao vậy? Anh có thấy tấm ảnh này đẹp không?” Cô bạn hỏi.

Anh giật mình.

“Ồ, đẹp! Đẹp lắm! Đẹp ở màu trời đỏ.”

“Vậy ư? Em lại thấy màu xanh của hồ đẹp hơn.”

“Phải, phải. Màu xanh trông thật yên bình.”

Các bạn khác cũng đến gần bên anh, bàn với nhau về các loại ống kính. Anh cũng gật gù trả lời họ. Nhưng tâm trí của anh giờ đây lại trôi về một nẻo khác, nơi có màu xanh của con sông, dòng suối, mặt hồ… những nơi anh đã từng đi qua…

 
2.

“Tuần tới nhóm mình đi săn lá vàng nhé!” Anh trưởng nhóm đề nghị.

Mọi người tán thành. Chẳng là mùa thu đã về. Một chị nói vui:

“Lại đi?”

Người khác:

“Đi chứ! Thiên nhiên đẹp quá mà!”

“Ừ thì lại đi.”

Anh lẩm bẩm: “Lại đi!” và nghĩ đến Má. Má hiện ra trước mặt, nói:

“Lại đi!”

Câu nói của Má không có dấu chấm hỏi, mà là dấu chấm than. Bao nhiêu lần đều là như thế. Anh về với gia đình được vài ngày, rồi lại đi. Má lại gói ghém, bới xách, làm những món ăn anh thích. “Lại đi!” Câu nói chỉ vỏn vẹn hai từ nhưng ẩn chứa nỗi niềm chịu đựng. Cũng không than trách. Cũng không hối thúc. Má vui với những lúc con về, và mong ngóng khi con đi. Nhà đông con, nhưng mỗi đứa được Má thương một kiểu. Và Má vẫn thường bênh vực những đứa nhỏ hơn, cứ như sợ họ bị anh chị ăn hiếp. Ấy thế mà những lời nói của Má từ hồi anh còn nhỏ đã ăn sâu vào trong tâm. Mỗi lần anh làm em út giận hờn, Má thường la anh: “Đừng chọc em!” Anh cũng giễu các đàn em trong đơn vị mỗi khi có dịp vui chơi, rằng “Đừng chọc em!” Mọi người thường phá lên cười. “Huynh đệ chi binh” là thế!

Anh tự hỏi: “Sao mình cứ liên tưởng từ thực tại qua quá khứ thế nhỉ?” Đã biết bao lần anh muốn mình chỉ sống với những gì đang có, vui với những gì trước mặt. Nhưng sao thời gian cứ chảy thành dòng. Anh đang đi trên nhánh sông êm đềm, bỗng đến một ngả rẽ, dòng nước lũ từ đâu đổ ào tới. Như là các đoạn thời gian gặp nhau, đan xen, lẫn lộn vào nhau. Có lúc anh choáng váng, tưởng mình không thể đẩy lùi được quá khứ. Có lúc anh đang hân hoan với một tấm hình sáng sủa vừa chụp được, thì một điểm đen xuất hiện trên hình và lan dần, lan dần… Anh thảng thốt. Hay là mình đang mắc một chứng bệnh gì đó? Anh đâu dám kể cho ai nghe.

Đa số các bạn trong nhóm này là những người trẻ hơn anh. Họ thuộc về một thế hệ bình yên, không biết hoặc biết rất ít về chiến tranh. Anh và họ hợp nhau trên phương diện nghệ thuật, còn tâm tư, tình cảm lại có một khoảng cách không nhỏ. Anh vào nhóm chụp hình để tìm lại thú vui ngày còn đi học, nhân đó cũng được dịp học hỏi, chia sẻ với nhau về cách chụp những tấm ảnh đẹp, thế thôi. Ngày xưa anh nhịn ăn quà để mua được một chiếc máy ảnh cũ là cả một kỳ công. Còn chưa kể phải tốn tiền mua phim, tráng phim, rửa ảnh. Bây giờ có nhiều loại máy ảnh đắt vô cùng, nhưng người ta vẫn có thể sắm được mà không cần bỏ ống heo và chờ đợi mỏi mòn. Bây giờ không tốn tiền mua phim mà vẫn có thể bấm một lần cả mấy chục tấm. Tấm nào không ưng ý thì sau đó được “delete”, bỏ đi không thương tiếc.

Trên mặt trận, anh không có thì giờ chụp ảnh. Anh phải cùng đồng đội chiến đấu. Đôi mắt là cái ống kính tuyệt vời nhất. Anh đã “chụp” được rất nhiều ảnh. Những hình ảnh không cần phải “săn”, mà hiện ra bất chợt, lưu lại trong đáy mắt, sâu vào trong trí nhớ khôn nguôi. Không phải cảnh núi, đồi, sông, suối, mà là khói, bụi, lửa, mồ hôi, nước mắt và máu.

Anh thấy nhớ quá, những đồng đội, những người đã nằm lại trên chiến trường…

 
3

“Đêm hôm qua, em nghe anh nói trong giấc ngủ.”

“Sao? Anh mớ à?”

Chị bật cười:

“Phải, anh mớ, anh gọi tên cô nào ấy!”

“Chết anh rồi! Thế… thế em có ghen không?”

Chị lườm:

“Ghen làm chi? Có cô nào thì cũng đã là quá khứ.”

“Sao em nghĩ là quá khứ?”

“Em dám chắc như vậy, bởi anh lúc nào cũng nói đến chuyện xưa.”

Anh thở dài. Anh không đính chính. Chị nói đúng. Chị là người hiểu tính anh hơn ai hết. Nhưng anh thấy mình có lỗi với chị. Anh đã để cho quá khứ đan xen với hiện tại, không phải trong giấc mơ, mà ngoài đời thực.

Như sáng nay, trong lúc cả nhóm say mê chụp ảnh trong rừng aspen, anh đã bỏ mọi người để chạy theo một bóng áo tím. Tà áo ẩn hiện, có lúc nổi bật trên nền vàng của lá, có lúc biến mất cuối nẻo đường xanh. Anh miệt mài chạy. Có lúc anh tưởng như đã đến gần, rất gần… Nhưng anh vẫn không nắm được bàn tay của nàng. Và đó là cô gái của xóm nhỏ năm xưa. Anh yêu cô nhưng không thể nói. Vì anh đi mãi không dừng. Và cũng vì khi trở về xóm nhỏ, anh không còn nhìn thấy nàng nữa. Nàng như chiếc lá bị cuốn theo cơn gió. Nàng chìm trong dòng người xuôi nam. Khu xóm nhỏ đã thành bình địa… Và như thế, gió, gió từ mọi hướng xoáy quanh anh. Anh chới với, hoảng hốt, rồi nhận ra một giọng nói quen:

“Anh làm sao vậy? Cần em giúp gì không?”

Thì ra anh đã trở lại điểm khởi đầu. Máy ảnh của anh còn ở yên trên giá. Anh thở dài, và bấm máy như một phản xạ. Nhưng, ôi, một cơn gió khác lại ào đến, và lá, lá rơi nhiều lắm… Những chiếc lá như dòng người. Đâu đó, trong một tấm ảnh anh chụp được, bóng áo tím đã hiện ra.

 
4

“Nhiều người khổ vì quên, còn tôi khổ vì nhớ, thưa bác sĩ.”

“Đúng vậy.”

“Tôi có giống như một người vô tâm, đang ăn món ăn này mà tưởng nhớ tới món khác không, thưa bác sĩ?”

“Gần giống như vậy.”

“Tôi có bị chứng rối loạn nhận thức không ạ?”

“Không.”

“Tôi sợ mình bị bệnh tâm thần phân liệt ạ.”

“Lại càng không.”

“Nhưng tôi thường bị màu đỏ ám ảnh.”

“Là bình thường. Tôi cũng vậy.”

Anh giật mình, trố mắt nhìn vị bác sĩ, chợt nhớ đến chuyện chị kể khi chị bị chứng đau lưng lan xuống chân, đi đến thầy thuốc Đông Y, vị thầy thuốc nói ông và các trợ tá của ông cũng đang bị chứng đau lưng lan xuống chân, ai cũng phải uống thuốc và mang băng nẹp. Anh buồn cười.

Vị bác sĩ nói với giọng trầm xuống:

“Tôi không nói đùa. Tôi cũng bị màu đỏ ám ảnh một thời gian. Tôi biết rõ anh, vì tôi là bác sĩ của anh. Chúng ta là những người trải qua và sống sót sau cuộc chiến. Có những điều ray rứt trong lòng mình. Có những ám ảnh không nguôi. Ám ảnh vì chiến trận. Ám ảnh vì những cảnh khổ. Chưa hết, vì sống sót, chúng ta còn phải đối diện với sự quên lãng, thậm chí với sự bôi nhọ và sự phản bội. Nhưng tôi đã cố gắng chống chọi, và đã tạm thành công. Tôi biết mình sống vì cái gì. Tôi may mắn là còn được phục vụ trong ngành của mình. Mọi người đều có thể làm được. Tôi không dám khuyên anh điều gì, vì tôi tin rằng anh sẽ tự mình làm được.”

Anh bắt tay tạm biệt bác sĩ Jeffs, người bước vào và rời khỏi cuộc chiến Việt Nam khi còn rất trẻ.

 
5

Anh không bị bệnh gì. Anh tạm yên tâm với điều đó, và tìm cách tự thích nghi với hoàn cảnh. Anh không lo khổ vì quên, nhưng cũng sẽ không để mình khổ vì nhớ. Anh xem đó là món quà Trời ban, dù nó làm anh ray rứt, u buồn hay mòn mỏi.

Mùa xuân, anh trở lại vùng hồ, Donner Lake, một mình. Anh cũng đợi trời chiều, lúc mặt trời sắp lặn. “Golden hour!” Và như thế, anh chụp những tấm hình có mùa xuân, mặt hồ và bầu trời đỏ. Anh đứng lặng yên trên một tảng đá cao. Nơi đây, anh có được góc nhìn trọn vẹn nhất. Trước kia anh và các bạn tưởng quanh hồ chỉ là cảnh hoang sơ, nhưng ở vị trí này, anh thấy được cả một xóm nhỏ bên dưới, ven bờ hồ. Chỉ có vài ngôi nhà xinh xắn, khiến anh thốt lên những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan mà anh thuộc lòng từ nhỏ. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia.” Anh ngậm ngùi. Sao anh đứng đây mà vẫn luôn thấy mình còn nợ một cái gì nơi mảnh đất quê nhà?!!

Hôm qua, anh chụp hình cho thằng cháu nội. Đôi mắt trong sáng của nó khiến anh thấy hy vọng và bình an. Anh nhớ đến bác sĩ Jeffs, và anh mỉm cười…

 “Những người sống và thoát qua cuộc chiến tranh, như chúng tôi, tưởng như có cuộc sống đan xen giữa hiện tại với quá khứ. Đó không phải là “phân liệt”, mà gắn kết với nhau thành một. Tôi sẽ tự mình tạo cho quá khứ có một lằn mức để dừng lại, nhưng vẫn để cho các dòng thời gian gặp nhau khi cần. Tôi sẽ không phản bội chính mình. Và, kỳ diệu làm sao, không cần đến một bộ kính lọc nào cả, tôi chỉ còn thấy một tấm hình đen trắng, trong đó, một chàng trai trẻ mặc đồ lính, cười thật bình an. Là bạn tôi. Là em. Là tôi.”

 
 Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,210,705
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến