Hôm nay,  

Tết Mậu Thân Ở Cà Mau

05/06/201800:00:00(Xem: 9697)
Tác giả: Phạm Hồng Ân

Bài số 5405-19-31246-vb3060518

 
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.

 
***
 

Trước năm Mậu Thân, 1968, tôi đậu Tú Tài II, tôi được Cô đưa lên Sài Gòn ghi danh vào đại học. Chỉ vài tháng sau, Tết đến, nhớ Má nhớ quê, tôi tìm ra bến xe đò, mua vé về Cà Mau, ước ao đón Tết với gia đình.

Đường từ Sài Gòn về Bạc Liêu xe chạy ngon lành, chỉ trở ngại ở bắc Mỹ Thuận và bắc Cần Thơ. Hành khách phải chờ phà qua sông, phải đợi xe lên phà, có khi mất vài giờ, xe mới bắt đầu chạy tiếp. Qua khỏi bắc, xe chạy thông thống, chỉ khi đến Bạc Liêu, mới thật sự gay go. Đoạn đường từ Bạc Liêu về Cà Mau ngắn, vỏn vẹn khoảng 60 cây số, nhưng rất vất vả và nguy hiểm. Lúc nào, đoạn đường đó cũng lởm chởm đá cục và ổ gà. Đoạn Hộ Phòng, chỗ nhà thờ Cha Trương Bửu Diệp, sóng làm đất lở ra tới mé đường. Ban đêm, Việt Cộng lại lén ra đặt mìn. Vô phước cho chiếc xe nào chạy qua, cán lên, mìn liền nổ tung, chiếc xe sẽ khựng lại, hoặc lật úp, để lại những xác người đầy máu trên mặt đường.

Tết năm đó, may phước, tôi về Cà Mau an toàn. Nhà tôi ở xóm Huỳnh Long. Gọi là xóm Huỳnh Long, vì xóm này có rạp chiếu bóng tên đó. Nhà tôi nằm trên bờ Kinh 16, mặt ngó ra lộ, phần sau nhô ra kinh theo kiểu nhà sàn. Nhà nằm gần căn cứ quân sự của tiểu đoàn Địa Phương Quân. Căn cứ quân sự ở bên kia bờ kinh với các tòa nhà có vẻ kiên cố hơn.

Vì gần căn cứ quân sự, nên dãy nhà sàn dọc theo bờ kinh toàn là nhà vợ lính. Họ theo chồng về đây cắm dùi, biến nơi đây thành khu gia binh không chính thức. Chỉ có má tôi là dân thường, lọt vào đó để bán cà phê cho lính, lây lất sống qua ngày.

Khi tôi về đến nhà, Má tôi đã dọn mâm cúng giao thừa. Khói nhang nghi ngút cộng với hương thơm hoa quả bay ngào ngạt khắp nhà, khiến lòng tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ ấu đã qua.   Ngày xưa, ba tôi là một viên chức tin cẩn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ, ba tôi phải chạy trốn, lánh nạn khắp nơi, vì sợ bị tiêu diệt bởi các tướng lãnh của nền đệ nhị cộng hòa. Gia đình tôi bị suy sụp từ đó. Tuổi ấu thơ vàng son của tôi bị mất đi từ đó. Năm nay, Tết lại đến, ba tôi ở phương trời nào, không biết có còn nhớ đến cảnh gia đình ấm cúng ngày xưa? Bây giờ, gia đình chỉ còn lại thằng em út, nương tựa với má. Ngoài tôi thằng em kế và hai người anh lớn đều gia nhập quân đội. Người nào cũng theo đơn vị đi xa, ít có dịp về lại Cà Mau, thăm viếng má tôi.

Hồi học đệ Tứ, tôi có thằng bạn thân tên Lục. Nhà hắn ở gần Tân Lộc, cách nhà tôi khoảng vài cây số. Hắn thường đến má tôi xin học thi chung với tôi. Trước mặt người lớn, chúng tôi láp nháp vài câu lấy lệ, rồi khi má quay lưng, cả hai ngồi tư lự làm thơ, hoặc tâm sự với nhau về môt người con gái tên Thiệp.

Thiệp mặn mà, tóc dài xõa vai, thường mặc áo bà ba trắng, chạy xe đạp qua lại trước cửa nhà tôi. Tôi và Lục ngồi chết trân, ngó chòng chọc theo nàng. Tưởng đó chỉ là một hình bóng để thơ thẩn, nào ngờ Lục yêu Thiệp thật. Khi lên Đệ Tam, một hôm, Lục rủ tôi ra quán rượu. Sau vài chung đế, Lục nghiêm trang nói, mai tau đi lính, trả nợ núi sông.

Tôi chưng hửng ngó hắn từ đầu tới chân. Mẹ, mày chưa tới tuổi, đi lính sao được? Hắn nốc thêm một chung, rít thêm một hơi thuốc, lè nhè bên tai tôi “Tau sẽ tình nguyện đi Lôi Hổ, và tau đã thề, chỉ trở về Cà Mau khi trên ngực đầy huy chương.”

Tôi vụt cười khà khà, túm áo Lục, lôi vào bóng tối. Mày đã thất tình con Thiệp, phải không? Hắn chợt vùng vẫy, tung một cú đấm lên vai tôi. Đó chỉ là một trong những lý do tau đi lính. Nói xong, Lục hậm hực trỏ ngón tay vô mặt tôi. Tau đã tỏ tình với Thiệp, và đau đớn thay khi nghe nó nói... nó đã yêu mày. Nói xong, hắn ôm mặt khóc nức nở. Sáng hôm sau, Lục mất dạng.

Đêm giao thừa, Cà Mau trùm phủ trong bóng tối. Những ngọn đèn đường tỉnh lẻ mù mờ, dưới chút ánh sáng yếu ớt, chỉ đủ soi một khoảng nhỏ quanh trụ. Năm 1968, người ta còn xài đèn dầu. Điện chưa đủ để cung cấp khắp nơi, trong thành phố. Tôi đi lang thang kiếm bạn bè, sau khi ăn với má một buổi cơm chiều. Những bạn bè tôi cũng đang đi kiếm nhau. Tuổi đó, thời đó phải vậy. Chúng tôi thích vui tập thể hơn là ở nhà nghiêm chỉnh đón giao thừa với gia đình. Tôi gặp Thiệp trên phố. Nàng cười tươi như hoa với chiếc áo bà ba màu bông cà. Dìa hồi nào, sao hổng cho người ta hay? Tôi nói dăm ba câu chúc Tết rồi vội vã quay lưng. Thiệp luống cuống, nói vói theo “Có đi học xa, nhớ Tết dìa nghen. Tui ở nhà mình ên, chờ đó!”

Chúng tôi tập họp tại nhà thằng Bình, ước khoảng gần hai chục thằng. Căn nhà này rộng lớn, từ lâu là giang sơn của Bình, vì ba má nó bận trôi nổi bán buôn trên một chiếc ghe chài nơi xứ lạ. Đêm nay, chúng tôi tổ chức mừng Giao Thừa bằng bữa nhậu tưng bừng, với những xị đế và thức ăn được lấy cắp từ nhà của mỗi đứa. Cuộc vui bắt đầu, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn cầy chưa soi tỏ mặt người.

Tiệc đang ngon lành, bỗng ngưng bặt lại, bởi tiếng nổ chát chúa vang lên. Lúc đầu, lưa thưa từng loạt. Sau đó, từng tràng. Rồi kéo dài liên tục, khắp nơi, khắp chỗ. Bình lóng tai nghe ngóng. Pháo Giao Thừa tụi bây ơi! Tiếp tục đi, nhậu đi! Chẳng có gì đâu!

Bỗng một thằng bạn chạy hớt hơ hớt hải vào. Mẹ, súng bắn tùm lum. Ghê quá tụi bây ơi! Chúng tôi chưa kịp phản ứng, chợt phía sau nhà Bình, dưới con kinh 16, tiếng lội nước lõm bõm lõm bõm. Rồi từng bóng người xuất hiện, nhẹ nhàng tiến vào nhà Bình. Người nào người nấy lạ hoắc, trên vai mang đầy súng ống đạn dược và những cái túi lỉnh kỉnh. Tên đi đầu lên đạn lắc rắc, chỉa mũi súng về phía chúng tôi. Ai ở đâu, ngồi yên ở đó. Trong này, có người nào là lính không? Chúng tôi đồng loạt mếu máo. Học trò. Chúng tôi là học trò.

Thấy họng súng đen ngòm, tôi sợ muốn té đái ra quần. Tôi cố nhắm mắt trườn xuống gầm ván, chui xuống lỗ chó, bươi đất, trườn ra bên ngoài. Nhờ mấy hôm nay trời mưa, đất ướt, nên dễ dàng cho sự thoát thân. Tôi nhẹ nhàng đứng dậy, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về hướng căn cứ quân sự.

Vừa tới hàng rào kẽm gai, tôi lại nghe tiếng lên đạn lắc rắc, cùng với tiếng quát vang lên. Ai đó? Đứng lại. Tôi cố la lên. Tôi, thằng  n, con bà Sáu, đi chơi về. Tiếng kéo kẽm gai loạt soạt, tiếng người lính càm ràm. Đi đâu về khuya? Bộ không nghe súng nổ ầm ì sao? Tôi lẩy bẩy chỉ về hướng cầu đập “Việt Cộng dìa! Nhiều lắm! Mấy ổng sắp tiến về đây!”

Người lính đẩy vai tôi. Vô nhà lẹ lên. Dẫn bà Sáu xuống hầm, núp. Tôi loay quay định đốt đèn, định gọi má tôi thì nghe giọng nói quen thuộc phát lên. Má đây! Má ở dưới hầm. Súng bắn dữ quá! Con chui xuống đây, xuống đây. Tôi vừa phóng tới miệng hầm, thì nghe tiếng xè xè rít lên trong không gian, chẳng bao lâu, trước mặt tôi là một vùng lửa rực sáng, tung tóe nổ bùng, rung rinh cả đất trời. Tôi nghe như tiếng mưa rào rào khắp nơi, cộng với tiếng súng khắp chỗ, đua nhau vang rền bốn hướng. Má tôi đã lanh trí, nắm chân tôi, kéo vô sâu trong hầm, tránh trái pháo vừa rơi xuống căn nhà bên cạnh.

Trời hừng sáng tiếng súng mới im bặt. Tôi bò ra miệng hầm, ngó căn nhà kế bên đã đổ sụp. May quá, gia đình bên đó đã về quê ăn Tết. Nếu không, chẳng biết hậu quả sẽ ra sao? Đằng kia, phía chuồng heo, má tôi đang rấm rức khóc. Bên cạnh là xác con heo cứng đơ, nằm đẫm máu trên nền nhà.

Tôi chưa kịp vỗ về má, bỗng nghe tiếng kêu khẩn thiết từ phía sau cầu tắm. Một cái đầu ướt nhem trồi lên. Hai cánh tay người đó đu lên sàn nhà, lộ ra bộ ngực trần đầy sình đất. “Ân ơi! Cứu tau. Cho tau lên trốn đỡ một chút. Tụi nó đang kiếm bắt tau!” Tôi ngạc nhiên, ngó trân trân người lạ. “Trời! thằng Lục. Mày làm gì ở đây? Mày theo Việt Cộng hả? Mày...”

Thằng Lục đưa ngón tay lên miệng “Suỵt. Nói nhỏ một chút. Làm ơn, cứu tau với!” Tôi lắc đầu, tội nghiệp thằng bạn. “Không được, mày phải nhanh chân đi ngay. Lội ngang qua kinh, mới mong tìm cách trốn thoát. Ở đây, xung quanh toàn là nhà lính. Trái pháo cũng vừa rớt nơi đây. Một lát, lính sẽ kéo lại kiểm soát. Mày đi đi, lẹ lên!” Thằng Lục run rẩy, chậm chạp ngụp xuống dòng kinh, rồi biến mất.

Sáng mồng một, tiếng súng im bặt hoàn toàn. Thị xã Cà Mau trở lại bình thường. Chợ búa nhộn nhịp như cũ.

Phòng thông tin phóng loa, Việt Cộng tấn công thị xã ngay giờ giao thừa, nhưng gặp sức chống trả mãnh liệt của các chiến sĩ Cộng Hòa, chúng đã hoàn toàn thất bại. Xác chết của chúng được các chiến sĩ kéo về tập trung ở phòng thông tin tỉnh. Xin đồng bào đến xem cho biết. Tôi rời nhà, lần bước về phòng thông tin. Trên đường đi, thỉnh thoảng có nhà dân bị pháo địch rơi vào tan hoang, đổ nát. Tôi thấy những mảnh khăn tang đang phất phơ, tiếng khóc đang ấm ức vang lên. Tại trường học của tôi, các bức tường bị cày nát bởi hàng trăm vết đạn. Dãy cầu tiêu trường tiểu học tan nát vì Việt Cộng đánh lầm, tưởng đó là một cái đồn. Tới phòng thông tin, tôi phải luồn giữa đám đông, chen lên phía trước, để nhìn thấy xác Việt Cộng nằm chồng lên nhau như một cái núi. Xác nào cũng trần truồng, máu me đen kịt.

Người ta nói, Việt Cộng tấn công theo lối biển người. Chúng theo lệnh, đồng loạt cởi quần áo, trần truồng tiến lên xung phong dành cho được thắng lợi. Lúc đó, tôi còn là học trò, không biết điều đó có đúng hay sai?

Hôm nay, đã nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhớ đến Tết Mậu Thân, tôi vẫn còn rùng mình, ớn lạnh. Năm ngoái, trong buổi họp mặt đồng hương Cà Mau, tôi có gặp lại Thiệp. Thiệp bây giờ là bà nội, bà ngoại của đàn cháu đông như một gánh hát. Hậu duệ của Thiệp có cháu đã là kỹ sư, bác sĩ, giám đốc... Nhìn Thiệp ngồi nghiêm trang và bề thế trên chiếc xe lăn, tôi không tài nào làm sống dậy một cô gái xõa tóc dài ngày xưa, thường mặc áo bà ba trắng, chạy xe đạp qua lại trước cửa nhà tôi, biết rằng tôi và Lục ngồi chết trân, ngó chòng chọc theo nàng.

Nhớ tới quá khứ, tôi không thể không nhớ Lục. Tôi gợi chuyện với Thiệp, nói về Lục. Thiệp quả quyết Lục chết lâu rồi. Từ ngày đó đến nay, Lục mất tích luôn. Sau 1975 cũng vậy. Cho đến bây giờ, không ai thấy Lục trở lại trên quê hương Cà Mau. Tôi ngậm ngùi giây lát, rồi chợt nhớ đến cái núi xác ở phòng thông tin hôm Tết Mậu Thân. Biết đâu Lục nằm trong đó. Biết đâu Lục đã trở thành cát bụi, sau cái lúc hắn cầu cứu tôi.

Tôi thở dài. Ôi! Chiến tranh! Chiến tranh quá bạo tàn!

Tháng Năm, 2018

Phạm Hồng Ân

Ý kiến bạn đọc
06/06/201803:28:47
Khách
Một bài viết hay ! Cà Mau, vùng đất tận cùng của đất nước trong chiến cuộc Mậu Thân được thuật lại qua lời văn giản dị- nhưng chất chứa tình cảm- của tác giả.

"Tác giả là sĩ quan hải quân, sau 75, người tù chính trị. Người em kế và hai người anh lớn đều gia nhập quân đội..."xác Việt Cộng nằm chồng lên nhau như một cái núi...Tôi ngậm ngùi giây lát, rồi chợt nhớ đến cái núi xác ở phòng thông tin hôm Tết Mậu Thân. Biết đâu Lục nằm trong đó...Tôi thở dài. Ôi! Chiến tranh! Chiến tranh quá bạo tàn!"

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này ?!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,706,634
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.