Hôm nay,  

Tấm Hình Xưa

24/05/201800:00:00(Xem: 12296)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5396-19-31237-vb5052418

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
 

***
 

Sân bay trung chuyển Hong Kong.

Thời tiết thay đổi đột ngột, trên loa vừa thông báo có bão, các chuyến bay sẽ phải hoãn ít nhất một ngày.

 Giữa đám đông ồn ào bát nháo, có 3 người khách khá lớn tuổi kiên nhẫn ngồi khá tách biệt ở góc phòng. Nhân viên của hãng bay đến trao cho họ chăn ấm và thẻ ăn để dùng trong thời gian máy bay trì hoãn.

Người đàn ông già đội mũ bê rê hỏi bâng quơ:

“Có đồ ăn Việt ở đây không nhỉ?”

Người phụ nữ ngước mắt ngạc nhiên nhìn ông cười tủm tỉm.

Người đàn ông trong chiếc áo khoác dài cũng quay đầu nhìn và mỉm cười.

Vậy là họ làm quen.

Chỉ câu nói đơn giản đó, mà cả ba người tự xích lại ngồi gần nhau. Cả ba đều là người Việt Nam, cùng là người Huế thì đúng hơn.

Ông già đội mũ bê-rê có vẻ lớn tuổi nhất, mở mũ chào, và tự giới thiệu:

-“Tôi là Ân, tôi từ Mỹ về Việt Nam. Thế ông và bà đi đâu?”

Người phụ nữ gật đầu chào:

“Tôi là Minh, cũng từ Mỹ về Việt nam chơi.”

Người đàn ông trong chiếc áo khoác dài, vừa nói vừa sắp xếp chỗ để ngã lưng:

“Tôi tên là Đức. Tôi ở Pháp, rất vui được làm quen với Ông và Bà.”

"Tình cờ gặp nhau, là cái duyên”.

Cũng ông Ân nói lầm bầm. Không biết ông nói với chính mình hay nói với hai người bạn mới quen, nhưng cả hai người kia cũng mỉm cười gật gật đầu ra chiều thú vị lắm.

Ông nói giọng Huế khá nặng, lâu lâu ông lại nói lầm bầm, không đủ lớn để làm phiền người chung quanh, nhưng vừa đủ để hai người bạn đồng hành nghe.

Ông kể về cuộc đời khổ cực của mình những năm chiến tranh, theo cha mẹ bỏ nhà cửa ở Quảng Trị vào Huế sinh sống.

Rồi chiến tranh cũng chấm dứt, nhưng cái khổ thì vẫn đeo đẳng. Không điện không nước, ông nhớ những ngày vừa cầm vở học vừa đứng xếp hàng dưới mưa để chờ mua tem phiếu thực phẩm là những bao sắn khô, khoai khô, bo bo, còn gạo chỉ là một “đùm” nho nhỏ như để làm hương hoa cho cái nồi vẫn được gọi là nồi “Cơm” dù sau thời chiến tranh không thấy cơm đâu cả!

Ông nhớ ngày cuối năm Mạ làm mâm cỗ để cúng ông bà, đợi cả ngày để được ăn miếng thịt, nhưng rồi tới khi được phép ngồi xuống ăn cùng gia đình trên chiếc chiếu trải trên thềm nhà nhỏ, vì nhà lớn bị tịch thu do cha của ông làm việc cho chế độ cũ, thì nước mắt trào ra...

Thấy con không ăn được,  bà mẹ hỏi:

“Vì sao vậy?”

Vì dĩa Ra-gu Mạ nấu, ngoài mấy món rau củ không có thịt! “Ngán lắm, không ăn được.”

Nhớ dĩa ra gu của mẹ ông còn nghe như có nước mắt vì nghẹn...

Thời đó, ông đi học chỉ vì không có việc chi khác để làm, và vì Mạ và các anh bắt đi học, chứ ông không tin rằng mình có thể vào đại học.

Học xong lớp 12, bị kêu đi lính. Ông trốn vô Nam. Khi đi học thì tụi nó chê “Nguỵ” không cho. Còn đi lính vô chỗ chết thì “ưu tiên một”, ông có ngu đâu!

Ông theo chân thằng bạn vào Nam, đi phụ xe chở gỗ bên Lào về Việt nam. Cứ tưởng cuộc sống cứ vậy mà khấm khá lên, ai dè, có bữa xe bị tai nạn, thằng bạn chết.

Mất việc, ông đi lang thang, chưa biết tính sao cho tương lai mù mịt của mình thì gặp lại một thằng bạn hồi còn học trung học ngoài Huế. Hỏi:

“Mi làm nghề chi?”

 “Ăn trộm, nhưng không ăn cướp, hê hê hê.” Thằng bạn cười vô tư.

Hôm sau, lợi dụng lúc ban ngày, người ta đi làm, thằng bạn bảo ông đi theo nó. Tới nơi nó đã nhắm sẵn trong xóm, hắn nói  bây giờ mi canh tau cạy cửả. Ông ngần ngừ, vì từ hồi nào tới giờ, tuy cực khổ, nhưng chưa bao giờ ông làm điều gì phạm pháp cả. Thằng bạn quả quyết:

“Có gì đâu mà mày sợ. Mày chỉ học việc thôi, chỉ cần đứng ở ngoài trông chừng lỡ có ai về thì chọi cục đá vào cho tau biết.”

Nể bạn, ông đành làm theo nó. Đứng ngoài cửa sổ, ông nhìn vào thấy ngôi nhà tuềnh toàng, ít đồ dùng, còn thằng bạn thì ra vẻ chuyên nghiệp, xem trên ngó dưới, hai mắt láo liên, từ góc giường cho tới trên rầm nhà. Môt hồi, nghe thằng bạn nói nhanh:

“Đủ rồi, biến thôi!”

Thằng bạn hí hửng với cái túi chiến lợi phẩm, gồm cái máy nghe nhạc và một cái hộp nhỏ bằng thiếc, to bằng 3 ngón tay, giống như hộp đựng thuốc lá, (hay đựng thẻ tín dụng bây giờ.) Hắn xoay qua xoay về ngắm nghía cái máy nghe nhạc, rồi lại cầm cái hộp lên:

“Tau chộp cái hộp vì ngoài ra chẳng có gì đáng giá cả. Với lại, cái hộp nhỏ chút, hy vọng có vài chiếc nhẫn vàng, chứ tiền thì để không vừa rồi, đúng không? Nhưng mà sao tao thấy nó nhẹ hều à!”

Ông cười:

“Thì cứ mở ra coi là biết liền, đoán già đoán non làm chi mất công.”

Thằng bạn ra vẻ ta đây rành chuyện “ăn trộm” lắm, nên khoát tay:

“Thì không tin, mi cứ mở ra mà coi. Vàng thì phải nặng, tau đoán là cái hộp "không!”

Mở hộp ra, đúng là cái hộp “không" thật! Không có tiền hay vàng, mà chỉ có vỏn vẹn tấm ảnh trắng đen nhỏ xíu, úa vàng vì hơi ẩm của nước và bụi thời gian.

Đó là tấm ảnh của một cô bé cỡ khoảng 14, 15 tuổi, tóc ngắn xoã ngang vai, phía trước tóc mái rẽ sang hai bên. Cô mặc áo trắng (giờ đã ngã ra màu ngà), tay dài, có cổ cao lên như cổ áo dài, hai hàng nút gài phía trước, và các hạt nút là những cái bông được kết bằng sợi dây vải. Có thể đoán huy hiệu của trường ở bên góc áo bên phải, và phía sau tấm ảnh có ghi tên, nó như thế này: “TNTN 1976-1977”

Trong khi ông ngắm nghía bức hình, thì thằng bạn tỏ vẻ tức giận, chưởi thề luôn miệng:

“ĐM. Có tấm hình mà cũng bày đặt bỏ trong hộp, biết vậy, đừng lấy mất công! Mi muốn làm chi với cái hộp thì tuỳ, còn tau tìm chỗ bán cái máy!”

Ông cám ơn thằng bạn, rồi chào tạm biệt nó. Ông không đồng ý với cách sống của thằng bạn cũ, ông tìm con đường khác vậy. Ông lại xin đi phụ xe tải, nhưng kỳ này chỉ là xe chạy quanh thành phố Sài Gòn thôi. Chủ xe là cặp vợ chồng rất tốt bụng, cho ông chỗ ăn ở, đối xử như người trong nhà. Một hôm, lúc ông đang đứng xi-nhan cho tài xế quay xe, thì không ngờ phía sau lưng cũng có một xe tải đang “de”, tông vào ông. Ông té xuống bất tỉnh, người ta đưa ông vào nhà thương, họ nói là ông thật may mắn, vì ông chỉ bị trầy xước nhẹ, chứ lỡ xui xẻo, khi té mà cái đầu va vào thành xe thì cũng khó để toàn thây.

  Ông nghĩ chắc là nhờ tấm ảnh đã đem cho ông may mắn chăng?

Mấy tháng sau, người chủ xe đó hỏi ông có muốn về dưới Cà Mau, phụ lái thuyền, vì họ có ý định dọn về dưới đó ở; mua thuyền đánh cá. Ông đồng ý ngay, ở đâu cũng giống nhau thôi mà, làm nghề trên sông biển cũng hay! Nhớ thời nhỏ ở Huế, được đi biển thích lắm.

  Và rồi, một đêm tối trời, trong khi ông đang đi lang thang trên bãi biển, thì một nhóm người từ đâu không biết ùa ra, vừa chạy lúp xúp vừa la:

“Chạy đi, chạy nhanh lên, theo hướng ngọn đèn ấy, tàu đang đợi ngoài kia.”

Ông có biết tàu bè gì đâu, nhưng bị mấy người kia la, rồi cuống quíu ông cũng chạy bừa theo họ. Rồi ông trèo lên chiếc xuồng nhỏ. Rồi xuồng to. Rồi thuyền lớn... Rồi ông tới trại tị nạn Hong Kong!

Đúng là nói không ai tin, nhưng đó là sự thật.

Tạm biệt quê hương, ông ra đi mà chẳng ai biết, ngay cả cha mẹ anh chị em, cũng chẳng tốn một đồng. Đúng là con người ta có cái số thật, và cái số của ông là số được “xuất ngoại!"

Ở trại tị nạn mấy tháng thì người ta cho ông qua Mỹ. Ông đoán là vì ông khai cha ông làm cho chính quyền miền Nam Việt Nam, chứ ông đâu có bà con gì ở Mỹ?

Ngày ông đặt chân tới Mỹ, hành lý vỏn vẹn chỉ có bộ đồ mặc trong người và… cái hộp thiếc có tấm ảnh của cô bé.

Ông đã không vứt nó như lời thằng bạn dặn, ngược lại đi đâu ông cũng mang theo bên người.

Ông cũng không biết vì sao ông muốn giữ bức hình, vì ghen tức với chủ nhân của nó chăng? Người ta có bạn, cớ sao ông chẳng có ai? Nếu vì ông nghèo, sống lây lất, cô đơn, không gia đình, thì ông mới chính là người cần có bạn hơn ai hết chứ?

Hễ khi nào thấy buồn, thì ông lại lấy tấm hình ra xem, ông nhìn và tưởng tượng ra đó là một cô bé, khuôn mặt xinh xinh, chắc là hay cười, thích làm điệu, và có phần nghịch ngợm nữa.

Bao năm qua, ông mang theo tấm hình của người con gái không quen, như một tấm bùa hộ mạng, như một niềm an ủi, như một ước mơ sâu thẳm…

“Như có một người bạn luôn bên mình," ông phân trần khi có ai hỏi.

Sau khi qua Mỹ, mặc dù cuộc sống thay đổi nhiều, ông đã có bạn, có công ăn việc làm, rồi ông bảo lãnh cho gia đình cha mẹ qua Mỹ, nhưng không vì thế mà ông quên tấm ảnh. Không biết từ bao giờ, ông có thói quen ngồi nhâm nhi ly rượu, nhìn tấm ảnh và thổ lộ tâm tư thầm kín, từ những bực bội với đồng nghiệp, lo lắng cho công ăn việc làm, và tới cả những lần đau khổ vì bị bồ bỏ!

Ông có trở về Việt Nam vài lần, và lần nào, ông cũng tự hứa sẽ tìm lại chủ nhân của bức ảnh để trả lại, vì biết đâu, người đó cũng rất buồn vì mất nó.

Lần đầu tiên ông về, tìm gặp thằng bạn “ăn trộm”, giờ đã là Giám đốc công ty xây dựng, nhà to cửa lớn, ông nhắc chuyện cái hộp thiếc và chiếc máy ảnh. Nó chẳng nhớ gì cả, còn la ông sao lẩm cẩm, chuyện cả 40 năm rồi, “Buông bỏ bớt ba chuyện vớ vẩn cho nó nhẹ người ông à."

Sau đó ông có về thêm 2 lần nữa, nhưng hỏi ai người ta cũng bảo: “Tìm kim đáy biển!”

Gần đây, bác sĩ bảo ông bị bệnh, ung thư phổi, sợ ông không còn sống thêm được bao lâu nữa, họ dặn: “Nếu còn điều gì chưa làm được thì hãy ráng làm đi, trước khi quá muộn!”

Ông muốn tìm cô gái- chủ nhân của tấm hình trong cái hộp thiếc, hoặc người đã được cô tặng nó để trả lại. Nhưng bằng cách nào? Ông không biết!

Rất có thể ông về Việt Nam lần này là lần cuối, “Ráng thử một lần nữa xem sao!”

Nghe người bạn bảo rằng, giờ đây nhờ Facebook nhiều người lạc nhau cả 50, 60 năm cũng tìm lại được, có thật không nhỉ?

Quay qua 2 người bạn mới quen, ông hỏi lại

“Ông bà có nghĩ vậy không? Tôi đoán ông bà cũng cỡ tuổi tôi thôi, mà bà là phụ nữ lớn lên ở thời đó, bà có tặng ai hình không?"

Bà Minh cười:

“Thời đó khổ lắm, xin được tiền để chụp hình làm thẻ học sinh là nhứt rồi, làm chi có hình dư mà cho ai? Ông đưa tui coi, cô nớ học trường mô?”

Ông Đức đưa tay đỡ cặp mắt kiếng, thủng thẳng đáp

“Tui thì về Việt Nam kỳ này có dự họp mặt bạn bè học Đại học cũ, tui sẽ ráng hỏi giúp ông. Còn chuyện Facebook thì nếu ông muốn, tui sẽ làm giúp cho ông một cái.”

Ông Ân chậm chạp lục tìm trong túi áo, lôi ra cái hộp thiếc và lấy tấm ảnh đưa cho ông Đức, rồi ông Đức lại chuyền tiếp qua cho bà Minh. Tấm ảnh mờ quá, khó thấy được nét mặt, cũng khó đọc được tên của trường ở cái bảng tên, nhưng tên người và năm tháng phía sau thì khá rõ nét. Bà Minh nhìn tấm hình mà thấy ngờ ngợ, nét chữ viết ngó quen quen. Tư lự một hồi, bà nói:

“Ông à, ông cho tui số phone, để khi về Huế rồi, tui sẽ liên lạc với ông.”

Hôm sau, trời đẹp trở lại, máy bay được phép cất cánh. Ba người chia tay nhau, sau khi đã trao đổi thông tin cá nhân để sau này còn liên lạc.

Mấy hôm sau, ông Đức đi họp mặt bạn học Đại học ở Huế, trong lúc chuyện trò đã nổi hứng kể lại câu chuyện của ông Ân, đi tìm người trong ảnh mặc dù chưa hề gặp mặt bao giờ! Ngờ đâu, có một người bạn reo lên:

“Ông nói thật không đó? Bởi vì mấy tháng trước, trong trang của một nhóm bạn ở Facebook, tôi có thấy một người đăng tin bị mất ảnh và muốn chuộc lại, tụi mình làm “mánh” ni kiếm ít chai uống đi.”

Hỏi qua hỏi lại một hồi, thì ông Đức có số phone của ông Nghĩa, người đã đăng tin tìm ảnh. Đúng là Huế nhỏ thiệt!

Vậy là ông Đức gọi điện thoại cho ông Ân, và ông Nghĩa. Không biết sau đó ông Ân và ông Nghĩa đã nói chuyện gì với nhau, nhưng một điều chắc chắn là có một buổi tiệc vào buổi tối tại khách sạn Thành Nội vào một cuối tuần do ông Nghĩa đứng ra tổ chức, với yêu cầu duy nhất là khách nam giới phải mặc Veston, phụ nữ phải mặc áo dài.

 

Chiều tối cuối tuần đó là một buổi họp bạn đặc biệt. Khoảng 20 người, toàn là bạn học cũ lớp 9 của ông Nghĩa, chỉ có hai khách mời là ông Ân và ông Đức.

Sau mấy lời chào mừng của ông Nghĩa mở đầu buổi tiệc, ông Ân,  người thường đội mũ Bê rê, được giới thiệu như một vị khách đặc biệt. Xuất hiện với bộ veston trang trọng và cái mũ bê rê, ông Ân tự sơ lược về mình, rồi qua làn nước mắt, ông nghẹn ngào nói, “Xin hoàn trả lại chủ nhân tấm ảnh tui đã mạo muội lấy cắp từ 40 năm trước.”

Thì ông Nghĩa, người bị kẻ trộm bẻ khóa vô nhà lấy mất cái hộp đựng tấm ảnh, cũng không kém phần xúc động, đã nói lời cám ơn, và tiếp:

“Còn có một điều bất ngờ nữa tui muốn dành cho ông, đó là cô bé trong bức hình cũng có mặt trong buổi tiệc tối nay!”

Ông già đội mũ Bê rê có phần sững sờ, khựng lại:

“Ông không đùa đó chứ?”

Sau đó, ông nghe người ta gọi to tên của ai đó và rồi một người phụ nữ tiến tới phía bàn của ông.

Đó chính là người phụ nữ đã bị trì hoãn chuyến bay cùng ông!

“A, thì ra là bà. Sao bà không nói cho tui biết lúc đó?” Ông cười bẽn lẽn.

“Tui chỉ nghi nghi, đoán qua dòng chữ ghi đằng sau, chứ bức hình cũ quá, mất hết nét, nhìn không ra, mà nói thật tình, ngay trước lúc đến dự tiệc tối nay, tui cũng vẫn không biết ai là người bị lấy mất ảnh ông à.”

Lúc này thì ông Nghĩa mới nhìn bà Minh, nói nhỏ:

“Tui tự lấy bức hình của bà trong cuốn học bạ lúc giúp Thầy chủ nhiệm ghi sổ cuối năm!”

Bí mật đã được tìm ra. Cả nhóm cười vang.

Ông Ân một lát sau mới tò mò hỏi bà Minh:

“Bà tên Minh, cớ sao phía sau bức hình lại ghi TNTN 1976-1977 là sao?”

Bà Minh bảo:

“Đó là ký hiệu học sinh trường Nữ Thành Nội chuyển qua Thống Nhất của năm học đó, chứ không phải tên tôi đâu, nếu tôi nhớ không lầm.”

Buổi tiệc buffet thật là vui. Những ông bà già ở độ tuổi nghỉ hưu, xấp xỉ 60 nhắc lại kỷ niệm thuở còn đi học lớp 9, chính xác là 40 năm từ ngày họ xa nhau, niên khoá 1976-1977. Họ vẫn còn rất năng động, họ ăn uống nói cười vang cả một góc phòng, nhưng riêng bà Minh thì dường như lúc nhớ lúc quên!

Ông Nghĩa là người đầu tiên để ý đến điều đó. Lâu lâu, ông lại quay qua hỏi bà:

“Có thật bà không nhớ chuyện bức ảnh không?” Thì bà nhìn vào mắt ông trả lời ngay:

“Không, tôi không nhớ thiệt mà. Tôi không hiểu ông lấy bức ảnh lúc nào, còn nhìn bức hình thì không cách chi đoán ra được vì nó bị hoen ố và bay nước thuốc rồi. Chỉ có mấy chữ và năm ghi đằng sau là thấy quen thôi.”

Sau buổi tối đó, ông Ân, ông Nghĩa, ông Đức và bà Minh còn gặp nhau thêm vài lần nữa để uống cà phê nghe nhạc, và cùng đi thăm thành phố Huế.

Ông Ân về Mỹ trước tiên, còn Ông Đức tiếp tục vào miền Nam thăm gia đình. Bà Minh về sau đó một tuần, dường như bà chỉ thích quanh quẩn ở Huế thôi, không đi chơi đâu xa. Nhóm bạn học lớp 9 hẹn nhau gặp lần cuối để chào tạm biệt bà Minh, trước khi bà vào lại Đà Nẵng để bay trở về Mỹ.

Ông Nghĩa hỏi dò mấy người bạn trong nhóm:

“Này, mấy ông có thấy Minh hơi khác khác, sửng sửng không? Có cái bà ấy nhớ, có cái bà ấy quên, có khi thấy đang vui thì tự nhiên ngồi ngây người ra như đang ở trên mây ấy! Bạn bè có nhiều người trước đây cũng rất thân thiết nhưng giờ bà ấy quên béng, mới lạ chơ! ”

“Bà có sao không, chứ tui thấy bà hơi lạ. Lâu nay ở bên đó có đi bác sĩ thường không?” Ông Nghĩa hỏi.

  Bà Minh cười như trẻ con:

“Khoẻ như voi, không khoẻ mà về tới được đây à? Hỏi vô duyên!”

  Hai tháng sau thì ông Nghĩa nhận được tin ông Ân qua đời ở Mỹ.

  Cách đây một tuần, ông nhận được email từ cô con gái của bà Minh:

“Cậu Nghĩa à, mẹ con bị bệnh Alzeihmer, bệnh mất trí nhớ, bác sĩ phát hiện bữa tháng Hai, hôm đi chơi Việt Nam về. Mới có mấy tháng thôi, nhưng giờ không còn nhớ ai cả. Tụi con cố gắng chăm sóc ở nhà, nhưng đến lúc này thì phải đưa vào viện dưỡng lão, vì để ở nhà nguy hiểm quá. Có lần bà tự trèo qua cổng, rồi đi lạc, bà sợ nên trốn dưới cống, tụi con phải gọi cảnh sát, cứu thương, cứu hoả, và cả những người thiện nguyện cùng với chó nghiệp vụ mới tìm ra đó.”

  Bùi ngùi nghe tin bạn bệnh, ông chợt hiểu ra lý do vì sao bạn mình không nhớ gì về bức hình ngày xưa…

 Một buổi tối, khó ngủ, ông ngồi xuống bàn computer, chậm rãi ông gõ…

 

*

"Chuyện 40 năm chừ mới kể.

Hồi đó, tui với Nàng học chung lớp, ở chung xóm. Đi học tui rủ Nàng đi cùng. Nàng huyên thuyên đủ chuyện trên đường tới trường, còn tui nín thinh, im nghe, chỉ cười cười.

Năm 1978, nhà tui đi kinh tế mới.

Ngày tui đi, mấy đứa bạn cùng xóm đạp xe ra bến xe An Cựu đưa tiễn, trong đó có Nàng. Khi chia tay, Nàng tặng tui cái khăn nhỏ có gói cái chi trong đó nữa. Xe chạy xa, tui ngoái đầu nhìn lại, thấy đám bạn trai khua khua tay, hò hét, có đứa đứng lên trên cái yên sau xe đạp giơ cao hai tay lắc lắc. Còn Nàng trông thật bé bỏng, đưa bàn tay nhỏ xíu, vẫy vẫy, rồi dụi dụi vô mắt... “Chắc là do bụi với khói xe cay mắt," Tui nghĩ rứa.

Xe đi được một lúc, tui mở khăn ra coi, thấy tấm hình của Nàng, loại hình để làm thẻ học sinh, đen trắng, chung quanh nàng viền bằng chỉ thêu rất đẹp, chừa lại hình trái tim là khuôn mặt Nàng, xinh xắn. Tui lâng lâng, lâng lâng…

Vô vùng kinh tế mới, ngày ngày tui đạp xe 9km đến trường. Luôn mang theo tấm hình của Nàng trong cặp, vì sợ để ở nhà, nhà tranh vách lá, mưa dột, bơ lỡ hư thì răng?

Có bữa lục lọi trong cặp, tấm hình Nàng rớt ra, mấy đứa con gái cùng lớp lượm lên, hỏi ai đây. Tui nói là người yêu tui ở ngoài Huế. Tụi nó tròn xoe mắt, thán phục.

Hàng tuần, chiều thứ Bảy, tui theo ba tui đạp xe vô rẫy cách nhà hơn 20 km. Tối ở lại rẫy, ngày mai còn làm tiếp. Đêm rừng âm u, mưa rả rích, buồn, cô đơn. Nhớ Huế. Nhớ mấy đứa bạn cùng xóm. Nhớ Nàng. Tui mở hình Nàng ra coi, thấy vui vui…

Năm 1980, tui thi đậu Đại học Sư phạm, về Sài Gòn học, phải ở ký túc xá. Tui bỏ hình Nàng cùng với thư của Nàng gởi cho tui 2 năm qua, rất nhiều thư, vào một cái hộp giấy, cất kỹ trên gác, chỗ gần mái tranh còn mới, không thể bị dột.

Nhà cách Sài gòn hơn 100km. Mỗi năm tui chỉ về nhà có một lần vào dịp Tết, do không có tiền mua vé về thường được, còn hè thì phải ở lại dạy kèm kiếm thêm tiền.

Một lần về nhà, tui phát hiện có một đường đi của bọn mối lên chỗ tui để cái hộp. Hoảng hồn, tui leo lên coi, thấy mối xông đầy cái hộp. Lật đật mở ra, ui chao, toàn bộ thư của nàng bị mối xông gần hết. Kỳ lạ thay, tấm hình Nàng vẫn còn nguyên vẹn. Tươi xinh.

Lạ hè, hay là bọn mối thấy Nàng đẹp quá, để dành ngắm. Hay là răng? Tui không biết…

Lần ni, cẩn thận hơn, tui kiếm được cái hộp bằng thiếc đựng thuốc hút, mặc dù tui không hút thuốc,  bỏ tấm hình vô đó rồi đem cất vô ngăn trên cùng của cái tủ sắt.

Năm 1984, ra trường, tui được phân về dạy tại một trường cấp 3 một huyện miền núi. Trường cách nhà khá xa, tui phải ở ké nhà ông anh gần trường, trên căn gác gỗ.

Một bữa, tui đi dạy, ông anh đi làm, trộm vô viếng nhà. Tui không có chi, chỉ có cái rương đựng sách vở, bên trong có cái hộp và cái máy cassette nghe nhạc nhỏ nhỏ do một thằng bạn du học bên Đông Đức gởi về cho. Trộm lấy cái máy nhạc và cái hộp thiếc có tấm hình của Nàng. Quái, cái máy nhạc thì trộm lấy đã đành, chơ đáng giá chi cái hộp đựng thiếc mà hắn lấy của tui? Không lẽ thằng ăn trộm cũng thấy Nàng đẹp? Lạ chưa tề!

Thời gian trôi qua, cũng hơn 30 năm sau, (2008) tui mới bắt lại được liên lạc với Nàng. Rồi nhân dịp kỷ niệm 30 năm xa trường (2010) bọn tui có gặp lại nhau.

Nàng chừ lấy chồng xa, gia đình hạnh phúc.

Tui có vợ, 2 con, một trai, một gái đã trưởng thành, đề huề cả. Gặp nhau, chuyện trò vui vẻ, tình bạn bè thân ái vẫn như xưa.

Tháng Giêng năm nay (2018) cả nhóm bạn học lớp 9 nhứt định làm 40 năm hội ngộ ở Huế, mời Nàng về dự. Trong lúc đang chuẩn bị cho hội ngộ, tui nhận được một cú điện thoại thật bất ngờ từ Đức, bạn học cùng trường đại học. Hắn bảo rằng, có người muốn gặp tui để trao lại tui tấm ảnh, bởi vì hồi lâu nghe tui có đăng trên Facebook nhờ tìm …"Tấm hình cũ bị mất trộm." Không biết thực hư ra sao, nhưng quá tò mò, tui quyết định lấy số điện thoại của người đó để hỏi cho ra ngọn ngành.

Tui và ông Ân đã có một buổi nói chuyện thiệt là dài và thú vị, không giấy bút mô diễn tả được niềm sung sướng của tui khi biết ông Ân là người đã nâng niu, giữ gìn bức ảnh của Nàng suốt bao năm qua! (Chơ lỡ xui xẻo vô tay thằng súc sinh tiểu tử mô hắn đem vất vô sọt rác bảy đời vương rồi thì răng?)

Tui tha thiết mời ông Ân, và cả Đức cùng tham dự buổi hội ngộ với nhóm bạn lớp 9 để gặp Nàng -Người đẹp trong tấm hình- luôn một thể. Trong buổi gặp lại, tui đã bí mật sắp xếp để Nàng xuất hiện sau vì muốn tạo sự bất ngờ. Họ đã bị bất ngờ thật! Khi tui gọi Nàng ra gặp họ, thì chính tui cũng bị bất ngờ theo, bởi vì cả ba đã gặp nhau trên đường về Việt nam! Ôi, thế giới ni thiệt là nhỏ bé!

Nàng vẫn điệu đàng, xinh xắn như xưa; chỉ có điều Nàng không nhớ gì về bức hình cả, khiến tui hơi buồn!

Lúc đó tui không hiểu làm sao Nàng lại không nhớ đã tặng tui bức hình? Tui có gợi ý hỏi Nàng có nhớ tụi mình thường gởi thư cho nhau không thì Nàng cũng chẳng nhớ luôn mới buồn chơ! Nhưng chừ biết lý do Nàng bị bệnh, thì tui không còn buồn nữa, mà trái lại. Bởi vì mô chừ tui sợ nhứt là Nàng hỏi, “Bức hình mô rồi?” Tui lo lắm, ơn may Phật trời nghe được lời cầu nguyện của tui, đã cho tui tìm lại được bức hình, trước lúc Nàng có cơ hội để “tra vấn” tui. Coi như cất đi một gánh nặng đè trong lòng tui bao năm qua!!!

Cám ơn ông Ân, thằng bạn Đức và cả những người bạn Facebook đã tạo cơ duyên cho tui có lại bức hình. Không ngờ Facebook hoạt động hiệu quả đến vậy! Cách đây mấy tháng, lúc tui viết bài đăng lên Facebook, “Chỉ mong Ngài ăn trộm mô còn giữ tấm hình, cho tui chuộc lại, tốn mấy tiền cũng được, tui xin đội ơn,” tui đâu có ngờ có ngày nó trở thành sự thật?

Giờ đây ông Ân đã qua đời, bạn Minh yêu dấu thì không còn nhớ ai cả, chỉ mình tui ngồi đây, nhìn lại tấm hình, nghĩ chuyện đời…

Cái Nàng cho tui, thì tui lại không giữ được! Còn ông Ân; một người không quen biết, không liên hệ dây mơ rễ má chi trơn, lại có nó suốt cuộc đời!

Ai có thể lý giải dùm tui sự kỳ diệu của cuộc sống ni?"

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
19/07/201815:58:37
Khách
As the name suggests, vmate App is youtube videos downloader approach. nonetheless, it possesses a considerable measure of best parts which make it different than other consumers. the necessary paperwork has much capability to induce concerns through surprisingly. all the vmate application program is truly a solitary product it's incredible of your own details. you should have a great time through Bollywood, the movies along with instructions, movies but also songs.

and vmate when it comes to google android, You will get the <a href=http://www.vmate.in/>vmate</a> a good number of songs additionally dvds. of course, you can expect to along with no outlay downloads during varied web-based movie clip going attractions. Authoritatively, <a href=http://www.vmate.in/>vmate</a> vmate Downloader not necessarily made available on google play the game place. no matter the reason, happy clientele may possibly well have android os telephones together with rendition 2.2 or even more will currently find getting this done. also, then you save the most recent music and also game enthusiasts recordings choosing the vmate registration. along with, You can play in real time video against your mobile mobile phone handsets. your vmate downloader provides you with lots of factors. along these kind of wires, You will are more familiar with the sizes about this striking iphone app plus thusly utilize them to save the utilization of your online numbers set you back. a remarkable point together with vmate to gain android os gear is that with this task, you can the infinite connection.

this guidance utilization of lets you Watch and in addition take notice of all most up-to-date large definition dvds, Songs effectively you by the same token acquire them to your appliance. the most effective portion of the required forms will be copy almost limitless photo and allows finished 200 actual tv stations completely free. vmate is generally, throughout reality, a multi function application. within 50,000+ easily transportable business bring and met this apps and now have exceptional effort in that vmate.

excellent bunch with 1000+ vibrant recordings, motion picture, and furthermore tracks. Cricket ceiling fans would expect to now have the ability to watch each of our cricket with an advanced quality and reliability from this method. regarding through chance for which you missed your own personal generally beloved shows following that not any compelling root cause to acquire inquisitive about what you had documented in life, build your vmate system and watch day-by-day cleansers as soon as and due to at all.

has

1. It helps to attach individual training videos.

2. Comes with an alternative choice to enable/disable transfer on the mobile phone handset network.

3. used internet browser

4. provided searches and simply times past

5. states a number of trending music hints

6. exquisite admittance to lesezeichen, origin

7. Completely shown file/folder editor for uncomplicated film supervisory

8. outer cell phone copying.
27/05/201803:11:50
Khách
Nếu học lớp 9 vào niên khóa năm 1976 - 1977 thì năm sinh khoảng từ 1960 - 1961,đây chính là độ tuổi của những nạn nhân buổi giao thời giữa lúc thay đổi của của hai chế độ. Cám ơn tác giả nhắc lại kỷ niệm của những khoảnh khắc trong cuộc sống không thể nào quên được .
25/05/201822:48:43
Khách
Cám ơn anh Nam Lê.
24/05/201821:13:06
Khách
Hay lắm! Từ nội dung đến câu văn và cách kể chuyện. Rất mong đuợc đọc thêm các bài khác của tác giả. Xin cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,327
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.