Hôm nay,  

Coi Bói - Xin Xăm

03/05/201800:00:00(Xem: 14743)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5378-19-31219-vb5050318

 
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.

 
***
 

Khi chuẩn bị đi Mỹ, tôi rất lo lắng chuyện tiền bạc, công ăn việc làm, sức khoẻ, con cái nhưng dường như tôi không hề nghĩ tới những vấn đề về đời sống tinh thần mình sẽ gặp phải, cứ như thể ở Mỹ thì không có những ưu tư lo lắng như bên quê nhà! (Đúng là mụ nhà quê!) Rằng mình sẽ làm gì nếu gặp phải những vấn đề nan giải, cần dựa vào đâu để tìm sự bình an về tinh thần?

Đến khi qua Mỹ rồi, thì mới nhận ra một sự thật là, ở Mỹ cũng như bên Việt Nam thôi, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bình yên, con người không phải lúc nào cũng gặp toàn chuyện may mắn. Bệnh tật có thể phát ra, vào chính lúc mình ít ngờ đến nhất! Tai nạn xe cộ, bị kiện thưa, công việc có lúc trì trệ, bế tắc, sẽ phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ, loay hoay để tìm ra câu trả lời cho bài toán của đời mình: “Bỏ đi tìm công việc mới, hay tiếp tục công việc hiện tại?”

Sẽ có những lúc phải quyết định việc quan trọng, phải chọn lựa "Yes or No.” Và tôi, một người mẹ với 2 đứa con dại, không có người bạn đời để được an ủi, góp ý, bàn bạc thì khi phải đối diện với những câu hỏi đó, cảm thấy áp lực dường như nặng nề nhiều hơn những người đàn bà khác thì phải.

Nếu bạn là tôi, bạn sẽ làm gì?

Tôi hay đùa: bây giờ cái gì không biết thì người ta Google để coi thiên hạ làm răng mà bắt chước! Còn tôi, bắt chước Mạ tôi ngày xưa, hễ cần là đi xin Xăm hoặc đi coi bói.

Nhớ mỗi lần Tết đến, ngày đầu năm, việc đầu tiên Mạ tôi làm là đi chùa, thường là chùa Diệu Đế hoặc chùa Ông ở đường Bạch Đằng. Bà nói: “Hướng mô mà đi tới Chùa cũng là hướng tốt hết!”.

Ý bà là người ta thường nói đến việc xuất hành ngày đầu năm, thì nên chọn hướng nào (Đông Tây Nam Bắc…) cho hợp với tuổi của gia chủ, và hợp với năm đó, nhưng theo bà, cứ đi tới chùa lễ Phật là tốt nhất. Tiếp theo đó, bà sẽ xin một quẻ Xăm đầu năm.

Thế bạn đã bao giờ xin Xăm chưa?

Theo tôi biết thì cách xin Xăm và Xăm của ai thì tuỳ vào mỗi Chùa.

Tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu: Chùa thờ Ngài Thánh Trần, thì gọi là Xăm của Đức Thánh Trần, hay Xăm xin ở chùa thờ Phật Quan Âm thì gọi là Xăm Quan Âm...Và mỗi nơi cũng có chút ít khác biệt.

Việc đầu tiên là bạn thắp hương trong Chùa, rồi đến khu vực có bàn thờ dành riêng cho việc xin Xăm. Bạn thắp ba nén hương, và khấn lạy trước tượng của Ngài, thành khẩn cầu xin. Chỉ nên xin một điều thôi, đừng xin nhiều điều, rất khó đoán được câu trả lời.

Tiếp đó, có hai miếng gỗ hình trăng lưỡi liềm, để bạn xin quẻ. Mặt sấp mặt ngửa là coi như được, (Cả hai cùng sấp hay cùng ngửa là không coi được!) Tiếp đó, bạn dùng 2 tay cầm cái hộp ống đựng các que Xăm (Có 100 que thì phải?) và lắc cho đến khi nào văng ra một que. Mỗi que có ghi một con số, và mỗi con số sẽ tương ứng với một bài thơ, được in trong những tờ giấy nhỏ đặt trên một cái kệ sách gần đó.

Bài thơ 4 câu bằng chữ Hán, có dịch ra Việt Ngữ, kèm theo lời giải, lời bàn. Sau đó thì tuỳ theo suy đoán của bạn, mà vấn đề sẽ được giải quyết.

Bắt chước Mạ tôi, đầu năm mới hay những khi có chuyện nan giải, không biết hỏi ai, cảm thấy bế tắc, thì tôi lại tới Chùa xin Xăm. Cách người ta xin Xăm như đã nói ở trên, chứ còn tôi, không có kiên nhẫn để lắc hộp Xăm mô! Hoặc là tôi lắc mạnh quá, nó rớt ra cả nạm, hoặc tôi lắc chậm quá, lắc cả tiếng đồng hồ cũng chẳng có que nào rơi ra! Tôi đã thử 3 lần rồi! Có coi được đâu!

Nhưng chẳng lẽ tôi chịu thua sao? Tôi có cách riêng của tôi, tôi chỉ nhắm mắt và bốc đại một cây Xăm, vừa nhanh vừa khoẻ, người tới sau mình không phải đợi lâu! Ai cũng có lợi cả!

Hồi còn ở bên Việt Nam tôi thường đi xin Xăm ở chùa Phước Thành, đường chi thì tôi quên mất tên, mà chỉ nhớ qua cầu Đông Ba. Từ trong Thành nội đi ra hướng cửa Đông Ba, vượt qua dãy bán Nem Chả Tré hấp dẫn đường Đào Duy Từ, thì bạn sẽ thấy cây cầu ở phía tay phải, nó lót bằng ván, có rất nhiều lỗ hổng thiệt đáng sợ, (mà chẳng có ai sợ rớt xuống cầu cả, người ta anh hùng thiệt!)

Sau khi qua khỏi cầu thì sẽ thấy chùa Phước Thành.

Thời đó có cái sướng là xin Xăm xong, Ông Thầy ở trong Chùa sẽ giảng cho mình hiểu lời bài Xăm, rồi tuỳ khả năng tài chính của mình,(hay mức độ đoán trúng của thầy) mà mình cúng dường cho Chùa.

Ngày Tết Nguyên Đán ở Austin nơi tôi đang sống, không phải là ngày lễ của cộng đồng, nên mọi người vẫn đi làm bình thường, nhưng tôi lấy ngày nghỉ, rồi tôi cũng diện áo dài đẹp vô, đi lên chùa Linh sơn trên đường Duval, hay chùa Tàu trên đường Lamar, để thắp hương lạy Phật đầu năm, xin lộc và xin Xăm.

Ngoài ra, có lần tôi phân vân không biết nên dọn về thành phố khác ở, hay lần tôi muốn mở tiệm làm ăn riêng… thì cũng lên chùa xin Xăm để mình thêm can đảm mà quyết định, (giờ mà có ai hỏi tôi là điều đó đúng hay sai thì tôi cũng chịu thua!!!)

Ngoài việc tin vào Xăm, thỉnh thoảng tôi cũng đi coi bói, nhưng tôi không mê lắm, vì tôi vốn dĩ “cứng đầu” Thầy coi không có được!

Bạn đã bao giờ đi coi bói chưa? Bạn có tin vào những điều người ta nói cho bạn biết về cả tương lai và quá khứ của mình không?

Khoảng 17 năm trước, lúc đó tôi 38 tuổi, một buổi chiều rảnh rỗi, tôi ra nhà người bạn gái ở ngoài cầu An Hoà chơi.

Ở Huế thời đó, người ta ăn mặc giản dị lắm, không cầu kỳ như bây giờ. Hầu như đi đâu người ta cũng mặc “bộ đồ bộ”, nó không phải là Pyjama như bộ đồ ngủ mà đơn giản nó là một bộ, “set”, áo và quần cùng màu, để mặc ở nhà suốt ngày, đi chợ, đi quanh quẩn trong xóm, hay chở con đi quanh phố phường cũng không sao!

Hôm đó, tôi không đi làm, nên mặc bộ độ “pô- bờ- lin" màu xanh trời, do chính tay tôi tự may, áo kiểu bà ba, cổ viền trái tim, tay dài và có 2 túi lớn, có xẻ hai bên hông. Quần dài đơn giản và mang đôi dép nhựa "Tiền phong" màu trắng, thời đó khá phổ biến.


Hai đứa tôi nói chuyện tầm phào một lát thì bạn nói:“Đi coi bói Nguyệt hè, trên xóm ngoại có bà ni mới nổi lên coi bói hay lắm, ai cũng khen, người tới coi đông ghê, nghe mô muốn coi phải đợi cả ngày.”

“Tính tau mi biết rồi, có tin chi mấy chuyện bói toán mô, mà mi rủ?” Tôi nói.

"Kệ, chừ rảnh không làm chi, đi coi cho vui.” Bạn tôi năn nỉ.

Vì bạn tôi mới đi có công chuyện về, nên ăn mặc chỉnh tề, quần “Tây’ và áo “kiểu”, còn tôi thì trong bộ bà ba, nên tôi hỏi: “Nhưng mà tau mặc ri, mi mặc rứa, ngó có kỳ không?”

"Có chi mà kỳ, trên xóm thôi.”

Nể bạn, tôi chở hắn đi.

Qua khỏi đường rầy xe lửa, rẽ vào cái ngõ hẻm bên tay trái, đi vòng vèo thêm hai ba con hẻm nhỏ nữa thì tới. Căn nhà chia làm 2 phần chính và cái sân ở giữa. Ngôi nhà nhỏ bên tay trái là nơi “Thầy” sẽ coi bói, cửa đóng hờ, người ra vào rón rén và vẻ mặt trông rất thành khẩn.

Một người đàn bà đi ra, hỏi bạn tôi để ghi tên ai muốn gặp Thầy. Ít phút sau, bà trở ra, nói :“Thầy mắc qua bên Cam- bốt chữa bệnh rồi, chưa biết khi mô về.” Rồi bà quày trở vào trong.

Tôi nói với nhỏ bạn: “Từ Cam- bốt mà về đây, đi xe chắc cũng 2 ngày, ai mà đợi cho nổi, thôi mình về đi.”

Bạn tôi la: “Nói bậy bạ, Thầy đằng vân cỡi gió, chơ có phải người trần mắt thịt như tụi mình mô mà đi xe. Đợi thêm chút nữa coi răng.”

Lê la đi quanh quẩn nhìn mấy cái Am thờ ở ngoài sân, tôi tò mò nhìn vào khe cửa sổ của căn nhà bên trái, vì căn nhà chính thì ngó đơn sơ, nghèo nàn, trống trải lắm.

Có hai người phụ nữ đang ngồi ở góc nhà, vẻ mặt buồn bã, áo não vô cùng.

Rồi người đàn bà ghi tên tụi tôi lúc nãy lại bước ra, thì thào gì đó vào tai họ, và thấy vẻ mặt họ tươi lên. Lát sau nữa thì có một người đàn ông đi ra bàn bạc với họ việc mua sắm lễ vật để cúng, mới nghe sơ sơ cũng đã bạc triệu, (Tôi đúng là tò mò thiệt! Việc của ai mà cũng săm soi!)

Và một lần nữa người đàn bà đó lại mở cửa, tiến đến chỗ hai đứa tôi: “Thầy về rồi, hai chị vô đi.”

A ha! Bạn tôi nói đúng thiệt, thầy đi máy bay hoả tiễn!!!

Sau khi thắp hương ở mấy cái bàn thờ, chúng tôi đến ngồi trước mặt một người phụ nữ đang ngồi xếp bằng dưới đất, chứ không có cái bàn nào cả. Căn phòng tối mờ, không có đèn, chỉ có ánh sáng từ các ngọn đèn trái ớt trên các bàn thờ, nhưng tôi cũng có thể nhìn thấy mặt của bà ấy. Tóc vấn khăn nhiều màu, bà mặc áo dài cũng nhiều màu, nhiều lớp, và đánh phấn sáp trắng lốp rất dày.

Bà nhìn vào mặt tôi chăm chú, rồi hỏi: “Chị sinh năm mô?”

”1962” Tôi đáp gọn lỏn.

“Con Cọp đây. Tướng số chị sang lắm, nhà chị trước mặt có cây lá 2 màu, gần ngã ba đường. Từ năm 40 tuổi trở đi, người ta có chi thì chị có nấy. Đừng lo nghĩ buồn phiền chi cho cực xác. Hậu vận chị sướng lắm, thanh nhàn, an lạc.”

Bà nói một mạch không dứt, rồi khoát tay ra dấu:”Xong rồi.”

Đến phiên bạn tôi thì Bà lại nói nhiều, nói lâu, tôi nhớ đại ý là số bạn tôi vất vả, cực khổ hơn tôi nhiều..

Những gì bà Thầy bói đã nói về mình cứ làm tôi phân vân. Chở bạn về lại nhà, tôi còn đùa: “Bà thầy bói nói rứa có trúng không mi? Chơ tau chừ chồng không có, công việc thì cực quá, đàn bà con gái mà cứ phải lang thang chạy tắc xi ngoài đường, trời mưa bão mịt mùng cũng phải đi làm, con còn dại, giao cho bác giữ trẻ mà cứ lo ngay ngáy. Lương tiền thì đủ sống qua ngày, chơ lấy mô ra mà giàu với an nhàn mi hè? Giả thử như nói mình ưa đi Mỹ chừ có được không nà? Mà bà nói là người ta có chi thì tau có nấy mi hí?”

Ấy vậy mà, bạn có tin không, mấy tháng sau, giấy tờ bảo lãnh cho gia đình tôi sau mười mấy năm thì được tới phiên gọi đi bổ sung, và chỉ một năm sau, đúng là tôi đi Mỹ thiệt! Nói như lời ông anh (Người làm giấy tờ bảo lãnh) cho chúng tôi, lúc đó đang về Việt nam chơi, “Niềm vui không ngờ mà tới,” khi anh mở cái phong bì to tổ bố.

Và một năm sau khi tới Mỹ, tôi kết hôn lại.

Hai vợ chồng tôi lo làm, tiết kiệm từng đồng, nên nhờ trời không có nợ nần, nhà cửa ổn định. Cuộc sống không có gì để phàn nàn, ngoại trừ việc chúng tôi không có con trai! Ha ha ha. Chồng tôi cười: “Thì mình có con rể, hay cháu trai cũng được mà!”

Bà thầy bói nói đúng quá đi chứ!

Cám ơn bà Thầy!

Như đã nói ở trên, tôi không mê coi bói nên hiếm khi đi coi. Đến năm 2010 thì xém chút nữa tôi lại được đi coi bói!

Chuyện là từ sau khi Mạ tôi mất (tháng 4 năm 2009,) ba tôi dọn về Cali ở. Thỉnh thoảng điện thoại hỏi thăm, ông hỏi: “Con ở Austin, nghe có thầy bói mô hay, coi cho ba một quẻ, coi Mạ có siêu thoát chưa?”

Tôi cười: “Rồi, Mạ siêu thoát rồi, coi bói chi cho mất công, tốn tiền vô ích!”

Ba tôi la: “Răng con biết?”

Tôi đáp: “Cái chi mà con không biết! (Ha ha ha), người tốt như Mạ khi chết sẽ siêu thoát, chắc chắn luôn!”

Đùa vậy thôi, nhưng khi nghe chị bạn làm cùng chỗ, bảo có ông thầy coi bói ở Houston, coi trúng như thần, thì tôi mới gọi chị ấy để hỏi cho kỹ. Tôi dặn chị, khi lấy hẹn cho tôi, thì lấy tên Mỹ của tôi, và chuyện muốn hỏi là về người Mẹ đã mất.

Hôm sau, chị gọi lại trả lời: “Đã lấy được hẹn, và Thầy có dặn là, Thầy nhập vai người nào thì sẽ nói ngôn ngữ của người đó. Thầy sẽ nói chuyện với em bằng tiếng Mỹ đó nghe.”

Nghe xong, tôi phát hoảng! Mạ tôi tuy ở Mỹ 18 năm, nhưng không biết tiếng Anh. Bà chỉ biết lõm bõm vài ba câu thông thường như “How are you. Thank you," rồi thôi. Nếu ông Thầy ni nói tiếng Anh, thì chắc chắn người mà ổng nhập vai, không phải là Mạ của tôi rồi!

Vì lý do đó, mà tôi không đi coi bói giùm cho ba tôi nữa!

Thật tình tôi tin vào việc xin quẻ Xăm hơn là coi bói, có thể vì những sự trùng lặp ngẫu nhiên trong đời. Mỗi lần tôi xin, và quyết định nghe theo lời giải của bài Xăm thì kết quả như ý, khiến tôi càng tin hơn.

Thế nhưng có một điều tôi cứ thắc mắc mãi, là Phật không dạy người ta tin vào những điều mê tín dị đoan, như coi bói, đốt vàng mã, vậy thì sao lại có chỗ để xin Xăm ở trên Chùa nhỉ?

Thế bạn có biết không?

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
03/05/201813:52:10
Khách
Phật không dạy người ta tin vào những điều mê tín dị đoan, như coi bói, đốt vàng mã, nhưng ở trên Chùa có chỗ để xin Xăm để Quyền ru Phat tu ve Chùa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,709,474
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tê Hát I Cờ Rét là bút hiệu của Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Tên do Cụ bà Trùng Quang gọi chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Sau đây là bài viết thứ tư của chàng, sau 5 năm biến mất. Viết tiếp!
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹthứ hai của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.