Hôm nay,  

Đã Có Những Mùa Xuân Như Thế

07/04/201800:00:00(Xem: 8705)
Tác giả: Phước An Thy

Bài số 5355-m5-31196-vb7040818
 

Tác giả là cư dân Garden Grove, California, dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông là một hồi ức sống động về khu xóm bên cầu Bạch Hổ tại Huế Tết Mậu Thân, kể về người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống, chỉ chừa đầu cổ trên mặt đất để hành hình

***

Tối Mồng Một Tết Mậu Thân, 1968, mọi thứ trong nhà vẫn êm đềm. Bánh tét tròn dài, bánh chưng vuông vức và đĩa trái cây đầy ắp vẫn còn nguyên trên bàn thờ tổ tiên. Cành mai lớn, hai cây quất và những chậu hoa vạn thọ đặt hai bên bàn thờ vẫn vàng rực rỡ. Một ngày của năm mới trôi qua với lòng người yên bình vì không có tiếng bom đạn chiến tranh.

Gần nửa đêm, khi ông nội anh vừa thắp nhang giữa những tràng pháo nổ đì đùng thì tiếng súng khô khốc, tiếng đạn pháo kích chát chúa cũng bùng lên khắp nơi trong thành phố. Nhà ông bà nội cách cầu Bạch Hổ có mấy căn nên nghe rất rõ tiếng súng bắn nhau của lính gác cầu với đặc công Việt cộng dưới gầm cầu.

Ban đầu tưởng là pháo nổ nên ông nội vẫn đứng yên trước bàn thờ, nhưng khi nghe tiếng chân người chạy rầm rập và tiếng súng cùng lựu đạn nổ dữ dội ngay bên ngoài nhà mình, ông vội vã khoá kín cửa lại.

Tiếng súng nổ càng lúc càng nhiều hơn. Ba anh nói với ông nội:

- Phải chạy thôi ba ơi.

Nét mặt tuy hoảng loạn, nhưng giọng ông nội vẫn bình tĩnh:

- Ở trong nhà an toàn hơn, chứ chạy ra đường thì càng chết sớm. Tránh xa cửa ra, tìm chỗ nấp mau lên.

Mọi người trong nhà đang hoảng hốt chưa biết tính sao, không biết phải nấp ở đâu thì bà nội anh bỗng ngã khuỵ xuống đất, hai tay ôm lấy bắp chân. Bà thét lên thất thanh:

- Ông ơi! Tôi bị trúng đạn rồi!

Máu từ chân bà chảy xuống, loang phủ lên những cánh hoa mai vàng rơi rụng trên nền nhà. Mọi người đang cuống cuồng xem vết thương của bà thì mẹ anh cũng thét lên một tiếng lớn. Nét mặt đau đớn, mẹ anh ngồi thụp xuống, hai bàn tay túm chặt lấy bàn chân của mình mà máu cứ tứa ra từ những kẻ ngón tay.

Ban đầu nhìn cảnh vật xung quanh, nghe tiếng súng đạn ầm ầm, anh chưa thấy sợ lắm, nhưng khi thấy bà và mẹ bị thương, máu chảy lênh láng khắp nền nhà thì anh sợ đến run cả tay chân.

Cả nhà luýnh quýnh dìu nhau trốn sau bàn thờ để tránh đạn lạc. Ông nội tìm băng vải, bó kín vết thương cho bà và mẹ anh. Có lẽ bà nội và mẹ anh là những người dân đầu tiên bị trúng đạn lạc của trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế.

Ông nội và ba anh kéo tủ, bàn ghế, rương đựng áo quần, xếp thành một cái hầm để tránh đạn. Căn hầm dã chiến đơn sơ, nhỏ hẹp, thấp lè tè, nên mọi người trong nhà chỉ có thể ngồi lom khom hoặc nằm cạnh nhau.

Ba anh thở dài, trầm ngâm nhìn ra bóng đêm bên ngoài. Thêm một tiếng nổ lớn trước nhà, gần bức tường tu viện phía bên kia đường, làm bà và mẹ lẩm nhẩm đọc kinh to hơn.

Chiếc rương đựng áo quần cạnh nơi anh nằm bỗng bốc khói mù mịt, mùi áo quần cháy khét lẹt. Ba anh mở rương ra, rồi lấy nước tưới vào, một mảnh đạn bằng hai ngón tay đã đốt cháy đen áo quần bên trong. Ba anh lẩm bẩm:

- Chỉ một tí nữa là mảnh đạn xuyên qua rồi.

Sáng sớm, ngoài đường một đoàn người mặc quần đùi, áo đen ướt sũng, tay cầm súng, lựu đạn đeo khắp người, đi lúp xúp qua trước cửa nhà.

Ba anh thì thầm:

- Việt cộng!

Dù chưa biết Việt cộng thế nào, nhưng anh cũng sợ run lên như mọi người trong nhà.

Hôm sau, ba dìu bà nội và mẹ tới nhà dòng xin thuốc và nhờ các Sơ cấp cứu. May là cả bà nội và mẹ anh chỉ bị thương nhẹ ở chân. Nhà dòng lúc đó vẫn còn đầy đủ thuốc men, sau này khi đã chiếm được thành phố, Việt cộng tịch thu tất cả để dành chữa trị cho bộ đội đang chiến đấu.

Nhiều người dân và bộ đội Cộng Sản bị thương được đưa vào nhà dòng nhờ các Sơ chăm sóc. Các Sơ lo cho tất cả mọi người, không phân biệt du kích, bộ đội hay thường dân. Vì không phải là bác sĩ nên các Sơ không có khả năng chữa trị một cách đầy đủ về chuyên môn, nhưng các Sơ giúp cấp cứu tạm thời, an ủi tinh thần cho những người bị thương.

Có một bộ đội trẻ bị máy bay trực thăng bắn rớt mất một bên má. Ban đêm, trong ánh đèn dầu tù mù, anh ta đau đớn la hét, đòi các Sơ phải túc trực bên anh ta. Một Sơ phải ngồi bên cạnh giường anh ta suốt đêm. Ban ngày Sơ bón từng thìa cháo vào miệng cho anh ta. Vết thương trên má của anh ta bị nhiễm trùng gây lở loét, lúc nhúc những con giòi trắng nhỏ xíu. Sơ không ngại lau chùi và gắp những con giòi nhỏ trong tai, mũi, miệng và ngay ở vết thương đang rỉ nước hôi thối trên khuôn mặt anh ta. Ánh mắt dịu dàng và thái độ cần mẫn chăm sóc của Sơ toát ra sự mến thương đối với anh ta. Bằng tất cả trái tim, Sơ tỏ ra đã biết hết nỗi đau đớn bởi vết thương, nỗi lo sợ vì bị đồng đội bỏ rơi của anh ta. Sơ đã chăm sóc anh ta như chăm sóc người em của mình.

Mấy ngày đầu thái độ anh ta tỏ ra thù hằn, tức tối, kêu ca oán than, nhưng sau giữa Sơ và anh ta đã có sự đồng cảm. Sơ giúp anh ta biết chấp nhận số phận và ra đi một cách bình thản, dù trong mắt anh ta vẫn ánh lên vẻ khao khát cuộc sống.

Sau khi Việt cộng chiếm thành phố, ba anh bị chính quyền “cách mạng” bắt đi vì tình nghi làm việc cho CIA. Ngày đầu chính quyền “cách mạng” cho mẹ anh đến thăm ba, thấy ba vẫn bình an nhưng mặt ông đầy sợ hãi, có lẽ ông đã bị tra khảo.

Hôm sau, khi mẹ đến thăm ba, mấy gã bộ đội chỉ ra sân. Ra đến sân, đến dưới tàn cây cóc lớn, mẹ thấy ba toàn thân bị chôn dưới đất chỉ chừa đầu lên. Đầu ba dính đầy máu đã khô, một phần trán đã biến mất và má bên phải có một lỗ đạn xuyên ra sau gáy.

Mẹ anh ngã vật ra đất bất tỉnh. Mấy người đàn bà sống gần đó xúm lại xức dầu, cạo gió cho mẹ anh. Một người trong bọn họ chạy đi báo tin cho gia đình ông bà nội. Anh và anh Thành, con bác Tiến hàng xóm, vội xách dép chạy đến. Anh thấy mẹ đang bò quanh dưới đất, hai bàn tay chà xát trên nền đất, đôi mắt lạc thần, tóc tai xổ tung ra, rối bời, nhưng không dám khóc hay kêu gào một tiếng.

Bác Tiến cùng anh Thành đào xác ba anh lên, tuy bị chôn đứng, nhưng khi đào lên thấy xác ba co rút, cong vòng như con tôm luộc.

Anh Thành kéo xe ba gác chở xác ba anh về chôn. Xác ba lấm đầy bùn đất, nằm nghiêng cong queo trên mặt ván trong thùng xe, lắc qua lắc lại theo nhịp bánh xe. Hai bàn chân của ba quéo lại trông rất kỳ dị, khuôn mặt co rúm còn lộ rõ nỗi kinh hoàng tột độ.

Mẹ anh hai tay run rẩy, bước thấp bước cao theo sau xe, vừa đi vừa khóc than khe khẽ:

- Anh ơi! Tội tình chi mà anh lại chết thê chết thảm, chết không một lời từ biệt rứa anh!

Một nỗi kinh hãi, ghê rợn tràn ngập trong lòng khi anh nhìn xác của cha mình. Anh không thể hiểu tại sao người cha thương yêu nằm đó mà mình lại không dám tới gần. Hình ảnh cuối cùng của cha ngồi xoay lưng ra cửa hầm dã chiến che chắn cho anh, và ý nghĩ từ nay sẽ không bao giờ còn thấy cha trên đời này nữa cũng không làm anh mạnh dạn hơn. Lòng anh rúng động, quay quắt giữa lòng thương cha và sự sợ hãi. Lần đầu tiên anh nhìn thấy cái chết của người thân yêu mà lại là một cái chết quá kinh hoàng, anh đã biết được cảm giác đau đớn tột cùng của sự mất mát.

Sau khi vội vàng chôn cất ba anh xong, ông nội qua nhà ông Bé hớt tóc ở đối diện, người hàng xóm thường đến xông đất, chúc Tết cho nhà ông bà nội ngay sau Giao thừa mỗi năm. Bây giờ ông Bé là chủ tịch xã của chính quyền “cách mạng”.

Ông nội biết chính ông Bé là người ngầm ra lệnh du kích và bộ đội đến bắt ba anh, nhưng ông nội nói:

- Cám ơn anh đã can thiệp nên chính quyền mới cho đem xác con tôi về chôn.

Ông thợ hớt tóc lắc đầu:

- Vợ chồng tôi mang ơn anh không ít. Hàng xóm với nhau, anh thường cho gia đình gạo mắm luôn nên tôi cũng muốn được trả ơn lại thôi.

Ông nội anh chắp hai tay trước ngực:

- Tôi không ngờ gia đình anh chị là người của cách mạng, nếu gia đình tôi có gì không phải xin anh chị bỏ qua cho.

Ông Bé phất tay:

- Anh là ân nhân của gia đình tôi mà. - Ông Bé hạ giọng, nói tiếp: - Anh nên cho con cháu anh trốn đi, vì học sinh mười lăm, mười sáu tuổi cũng sẽ bị bắt hết.

- Cám ơn anh nhiều.

Nói lời cám ơn xong, ông nội anh vội vàng chào ra về. Ông không đi thẳng về nhà, mà qua nhà bác Tiến, sát vách với nhà ông bà nội. Dù không biết lý do gì mà ông Bé cho ông biết tin Việt cộng sẽ bắt cả thanh thiếu niên, nhưng ông nội cũng vội báo cho bác Tiến:

- Mau kêu thằng Thành trốn ngay. Ông Bé hớt tóc nói, học sinh nó cũng bắt.

Bác Tiến lấy một sợi dây thừng, thắt nút làm thành thang dây, thòng xuống sàn nhà, phía dưới sàn nhà bằng ván là dòng sông Hương. Mỗi lần có du kích, bộ đội đến xét nhà, anh Thành liền níu dây tuột xuống dưới sàn, ngâm mình trong nước trốn để khỏi bị bắt.

Năm đó trời đột ngột có gió bấc, gió từ thượng nguồn sông Hương thổi về. Mưa phùn ẩm ướt và giá lạnh cũng bất thường đổ xuống sớm hơn mọi năm. Mưa lất phất quyện cùng mây xám che phủ bầu trời, khiến cảnh vật trở nên như hư ảo. Những tia lửa của các nòng súng lớn nhỏ toé lên từ những hàng cây, chiếu trên những bóng tre xanh xa mờ dọc hai bờ sông Hương, trên hai đầu cầu Trường Tiền đã gãy một nhịp, và trên những mái nhà của xóm làng.

Khi trận chiến vừa xảy ra, dân chúng tuôn ra đường, phần đông là đàn bà, trẻ em và người già, gồng gánh, bồng bế, chạy giặc. Mọi người chạy tới chạy lui từ mọi hướng, cố thoát khỏi thành phố, nhưng chung quanh đều có Việt cộng. Họ lắng tai nghe tiếng súng, nhìn những đám lửa bùng lên khắp nơi, biết rằng không còn đường nào để chạy, nên trốn vào các trường học, tu viện, và nhà thờ. Những người quá khiếp sợ, không dám chạy thì tìm nơi trú ẩn trong nhà.

Mấy ngày đầu của cuộc chiến, anh cùng mấy đứa bạn trong xóm cũng sợ, nhưng sau bớt sợ hơn nên rủ nhau trèo lên trên bờ tường của tu viện để xem cảnh hai phe đánh nhau. Nấp mình sau những thân cây chuối to cao vượt quá bờ tường tu viện, dưới những tàu lá chuối, anh và đám bạn thì thào bàn tán, làm như nói to tụi Việt cộng nghe, nó sẽ bắn về phía mình vậy.

Tiếng súng đạn và ánh lửa loé lên dồn dập ở nhiều nơi, lớn nhất là tiếng pháo kích ở phía Bắc sông Hương. Những đám lửa cháy, những cuộn khói đen bốc lên khắp nơi trong thành phố. Nhìn về hướng Thành Nội, cờ Việt cộng đã treo trên kỳ đài Ngọ Môn. Tiếng súng giao tranh rộ lên từng hồi ở điện Thái Hoà và ở những tường thành cao dày vuông vức bao bọc chung quanh. Hai bên bờ sông Hương, hoả lực bắn qua lại, ánh lửa sáng lòe lướt dài trên mặt sông vắng lặng.

Dân chúng trong thành phố được lệnh của chính quyền “cách mạng”, không được tụ tập đông người, không được nghe radio, không được phao tin đồn đãi, nhưng mọi người vẫn xì xầm kể cho nhau nghe chuyện người này bị bắt, kẻ kia bị giết.

Một số sinh viên đi theo những người nằm vùng ở địa phương, toả ra truy lùng những người làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Họ cầm cả một danh sách, đi từng nhà tìm bắt những người có tên trong đó. Mọi người ngơ ngác, hoảng loạn. Chỉ mới vài ngày trước gia đình đang đoàn viên, vài ngày sau mọi sự đã đổi khác, tan tác như đang sống trong một cơn ác mộng.

Chính quyền “cách mạng” chiếm các nhà dòng, tiểu chủng viện, dựng lên một toà án nhân dân để xử tội và hành quyết các nạn nhân.

Sương mù âm u bao trùm cố đô như tấm khăn tang. Khắp nơi là cảnh chiến tranh, tang tóc, cảnh người ta khóc than, rên xiết bên cạnh xác người thân. Không khí lạnh lẽo lan khắp vùng làm cho những nỗi sợ, niềm đau như cuộn chặt lấy nhau, không thoát ra được mà bay lên tới trời cao.

Mấy tuần sau, tiếng súng thưa dần. Gia đình ông Bé hớt tóc đột ngột biến mất.

Việt cộng bị đẩy ra khỏi thành phố, lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lại thấy tung bay phất phới trên kỳ đài Phú Văn Lâu. Một đoàn xe nhà binh và xe tăng của quân lực Việt Nam Cộng Hoà dừng lại, đậu dọc theo hướng Tây Nam của thành phố, đậu qua tới cầu Bạch Hổ, dài theo đường làng Kim Long.

Những người lính Việt Nam Cộng Hoà tụ tập hút thuốc, bàn tán, kể cho nhau nghe chuyện các trận đánh trong Thành Nội, chuyện đánh nhau với đặc công Việt cộng, ngăn không cho chúng phá huỷ cầu Bạch Hổ. Những người dân trốn trong nhà ùa ra ôm chầm những người lính, họ mừng rỡ vì thoát chết. Những người chạy loạn trở về, ôm lấy người thân, khóc cười hỏi thăm nhau ai còn ai mất.

Trận chiến vừa xong, nên thực phẩm trở nên khan hiếm. Mặc dù gạo bị Việt cộng tịch thu, thức ăn còn lại không bao nhiêu, nhưng vì cả nhà ông nội anh không chạy loạn nên cũng còn đủ để tránh đói. Ông nội làm thịt một con heo èo uột còn sót lại, nấu một nồi cháo lòng thật lớn. Ông bày thịt, cháo ra trước sân để đãi những người lính chiến thắng. Nhiều người lính ăn xong, cám ơn ông bà nội, rồi bỏ lại ít tiền trên bàn.

Một thời gian sau, chính phủ khám phá ra nhiều hố chôn tập thể, chôn đầy xác những binh lính, công chức, thường dân, và cả học sinh. Tất cả xác chết đều bị trói tay chôn sống, bị bắn hay bị đánh vào đầu một cách man rợ khiến mọi người kinh hoàng, sửng sốt. Ngoài những người mà thân nhân tìm được xác, còn có nhiều người cha, người anh ở ngay trong xóm anh bị bắt đi mất tích, không bao giờ thấy trở về nữa.

Thay vì vui xuân như mọi năm, năm nay anh và bọn trẻ trong xóm được phát cho những dải vải trắng, quấn lên đầu để tang cho người thân đã chết hay mất tích. Xóm làng hiền hoà chợt trắng xoá màu tang, tiếng khóc thê lương rền rĩ khắp đầu làng cuối xóm, oan khiên đến ngút trời. Huế đã mất đi vẻ yên bình, chỉ còn lại khói lửa điêu tàn, đổ nát tan hoang.

Sau ngày 30/4/1975, thân thể yếu đuối của mẹ anh không chịu đựng nổi những thiếu thốn, bệnh tật, nên một đêm mẹ đã ngủ mãi, không bao giờ thức dậy nữa. Trước khi mất, mẹ dặn dò: “Con hãy tự lo cho mình và đừng để cái ác nhuộm tối tâm hồn con”.

Mỗi năm Tết đến, anh lại lặng lẽ nhớ đến cha mẹ mình. Sau năm 1975, mỗi khi chính quyền ra lệnh mọi nhà phải tổ chức rầm rộ mừng kỷ niệm những mùa “Xuân chiến thắng”, thì nỗi đau sâu kín lại tăng lên, làm nhức nhối những vết thương lòng mà thời gian đang cố hàn gắn.

Bây giờ, khi đón Xuân trên đất khách, anh cầu mong cho những người nghèo khó trong nước được no đủ, được yêu thương và hạnh phúc xum vầy.

Tuy nỗi buồn cũng đã vơi đi, nhưng lòng anh vẫn ngậm ngùi khi nhớ những mùa Xuân bạc màu của tuổi ấu thơ. Kể từ Tết Mậu Thân, ngày Tết trong nhà anh đã trở thành ngày giỗ, nên việc đón Xuân đã trở thành nỗi buồn thấm thía kéo dài mãi trong anh.

Đã có nhiều mùa Xuân đi qua như thế!
 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
09/01/202023:49:44
Khách
Bai viet qua... hay! Doc moi thay rang Thien duong la day!
Con xin chan thanh cam ta Thuong De!
03/07/201803:56:56
Khách
Cám ơn bài viết, cái chết của ba anh đã nói lên được sự độc ác dã man của con người cộng sản. Sự sợ hãi kinh hoàng và đau đớn đã làm thân thể của bác co cứng như con tôm bị trấn nước sôi. Nước Việt tôi đã để tang sau mùa xuân 1975.
"Đã có những mùa xuân như thế"
12/04/201809:01:42
Khách
Báo nên phản ánh một số người đi diện bão lãnh anh em . Họ qua Mỹ với một ảo tưởng ở KHÔNG HỐT ĐÔLA MỸ. Họ gọi điện về nước NỔ về cuộc sống bên Mỹ . Báo nên phản ánh cho mọi người biết
08/04/201802:15:05
Khách
Con người sao có thể tàn ác như thế! Tội nghiệp cho những nạn nhân và gia đình của họ đã gánh chịu những hậu quả của chiến tranh và tội ác! Mừng là tác giả đã qua được bến bờ tự do để kể lại cái chết kinh hoàng của ba mình. Cám ơn nhiều.
07/04/201822:51:05
Khách
Đọc bài nầy tôi tuôn hai hàng nước mắt. Những tưởng nỗi khổ đau của gia đình chúng tôi năm Mậu Thân rất lớn, khi ba tôi bị cộng sản thảm sát, nhưng cái chết của Cha anh có thể hình dung ra được sự độc ác của cộng sản lên tới mức độ man rợ của loài thú! Làm sao chúng ta có thể quên được mùa xuân của năm Mậu Thân đó.
07/04/201820:31:45
Khách
Bom đạn giết người còn hiểu được, nhưng chỉ có quỷ mới giết người theo kiểu này.
"ba toàn thân bị chôn dưới đất chỉ chừa đầu lên. Đầu ba dính đầy máu đã khô, một phần trán đã biến mất và má bên phải có một lỗ đạn xuyên ra sau gáy."

Trời ơi! vậy mà sao còn có người có thể biện hộ cho VC.
Ngay cả những người đã từng vượt biên, bây giờ sống ấm no yên bình, mà có thể nói những câu như "cuộc tàn sát ở Huế chỉ là do cá nhân trả thù...".
Thật ra, những "cá nhân" quỷ đội lốt người đó được lệnh của lãnh đạo CS VN, được khuyến khích bởi lãnh đạo CS VN, và CHÍNH LÀ ĐÁM LÃNH ĐẠO CS VN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,655,021
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Bài viết mới của ông là những hồi ức về Huế.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô danh cho tháng Tư 2018
Captovan hay Capvanto là bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết sau đây là câu chuyện thật về người lính trong tấm hình được đề cập trong bài “người yêu trâu điên”.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết sau đây của Ngọc Anh là những lá thư gửi người lính Thủy Quân Lục Chiến, thuộc một đơn vị có biệt anh Trâu Điên. Bài viết từng xuất hiện một lần trên tập san KBC Hải Ngoại mấy năm trước, nay được đăng lại với phần bổ túc trong kỳ tới bằng một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Bài mới, viết cho Tháng Tư Đen năm nay kể lại cuộc chuyện trò giữa tác giả Orchid Thanh Lê và hai nhà hoạt động cộng đồng tích cực tại hải ngoại: Nhà văn Chu Tất Tiến và Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng một hồi ức Mậu Thân. Ông sinh năm 1942 tại Huế. Qua Mỹ diện HO 21 định cư tại Thành Phố Tucson Arizona, hiện nghỉ hưu. Mong ông sẽ tiếp tục viết.