Hôm nay,  

Đêm Giao Thừa, Theo Má Đi Chùa Bà

15/02/201800:00:00(Xem: 8800)

 

Tác Giả: Dong Trinh

Bài số 5312-19-31158-vb5021518

 

Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà  tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm bài mới chờ giao thừa đón Tết.

 

***

 

Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!

Những năm tháng nơi quê nhà, giờ này bên ngoài đang tưng bừng rộn rã với trăm hoa khoe sắc ngoài bờ sông, những gian hàng Tết đèn đuốc sáng trưng nào chà là được đựng trong bao bố chỉ xanh, ruồi nhặng bu tùm lum. Những thùng thèo lèo lèo cứt chuột trắng ngà đậu phộng và đen thui mè đen nhưng béo ngậy để san sát nhau, cái món mà nhất định ngày hăm ba má tui luôn mua sẵn để tiển đưa ông Táo về trời, cái món mà ngày Tết không thể thiếu trên bàn để khách đến, uống chun trà nóng, nhâm nhi từng chút, từng chút cái cục mè đen có tên chẳng thẩm mỹ chút nào mà lại ngon đáo để. Rồi hột dưa đỏ chét, mỗi lần ăn xong, hai đầu ngón trỏ và ngón cái như nhuộm hồng, môi nha thoa chút son cho đời thêm tươi thắm.

Đêm nào tôi cũng cùng với má đi dọc đi dài hai bên phố chợ. Khi thì cặp dưa hấu loại nhứt để chưn bàn thờ, có tối thì mua bánh mứt dành đãi khách trong ‘ba ngày này’, tiếng nói thiệt là bình dân, thiệt là thân thương để chỉ những ngày Tết.

Tôi ở ngay phố chợ nên những ngày trước Tết là những ngày thật lý thú đối với tôi. Ban ngày mấy đám múa cù đi quanh phố, tiếng trống, tiếng chập chả xập xình, cù đen, cù đỏ, cù vàng múa may bởi mấy anh chàng trai tài nghệ, lúc đồng đồng cao ngất trên vai nhau. Ông Địa theo sau, tay cầm quạt lá, hai chân dang  ra, bước đi lắc lư theo nhịp trống làm chiếc bụng phệ cũng chạy qua chạy lại, coi thiệt là mắc cười. Cái thời tôi còn nhỏ xíu, nhất định là trong đám con nít theo sau hò hét là phải có tôi, cũng chạy lúp xúp với hai chưn không, đầu trần giữa trưa nắng chang chang. Mặt mày tôi đỏ ké, tóc ướt đẩm mồ hôi và... hậu quả là về nhà thế nào cũng bị má tôi bắt nằm cúi lên bộ ván gõ chân quỳ rộng thênh thang. Tôi ăn gian, nằm sát vô vách, má tôi cứ vói mà quất nhẹ vô mông, roi được roi không, tôi thì cứ đưa tay xoa, miệng ui da, ui da đau quá má ơi. Má tôi mềm lòng, thương đứa con gái bé bỏng ham vui như con trai, nói:

-Nè, nhớ nha, không được chạy theo mấy đám múa cù nữa nhen, còn một roi chưa chừa, má để đó, nếu mà cãi lời má quất thiệt mạnh cho coi. Vừa nói, má vừa nhịp nhịp cây chỗi lông gà lên ván, ăn đòn thế tôi.

Rồi thì những ngày nôn nao rộn ràng chờ đợi đã qua. Tối nay tôi đi ngủ sớm để chờ! Tôi chờ nghe tiếng pháo nổ rền vang tứ phía, tôi sẽ ngồi dậy thiệt lẹ, phụ với má tôi dọn bàn ra trước cửa nhà. Trên đó, một bình bông, hai chưn đèn bằng đồng sáng loáng   cắm hai cây đèn cầy đỏ   mà anh tôi đã ngồi hì hục chùi, đánh mấy hôm trước, một dĩa trái cây Cầu, sung, vừa (dừa ) đủ, xài (xoài), ba ly nước, lư nhang.

Má tôi mặc áo dài, trịnh trọng thắp ba cây nhang, đưa ngang trán, miệng thì thầm khấn vái...má tôi xin gì đây? Tôi biết chắc, má tôi không xin sang giàu, tiền dư bạc để vì trên bàn đã có mâm ngủ quả, chỉ xin vừa đủ xài, không lâm vào cảnh túng hụt. Tôi biết, má tôi cầu xin cho quốc thái dân an, cho những chàng trai trẻ sớm được về bên gia đình. Má tôi cầu xin cho con cháu khỏe mạnh bình an, nên người hữu dụng.

Tiếng chuông nhà thờ ‘đing đong’ từng tiếng,  vọng trong đêm báo giờ phút thiêng liêng đã đến. Phút giao thừa trong đêm trừ tịch, bầu trời tối đen, lấm tấm vài ngôi sao nhỏ xíu. Từ phía tháp đồng hồ, tiếng loa trong phòng thông tin trỗi lên bản nhạc Ly rượu mừng do ban hợp ca Thăng Long với những giọng ca bất hủ, Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh... tiếng hát lời ca đã đánh tan đêm vắng, đã kêu mọi người ngồi dậy đón mừng năm mới. Rồi hiệu triệu của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà...

Nhang cũng vừa tàn, tôi lại phụ với má dọn tất cả vô trong nhà và hai má con đóng cửa lại, chậm rãi bước theo dòng người trên đường đến chùa Bà.

Trong sân chùa đầy người qua lại, tiếng rao hàng, tiếng gọi nhau, tiếng chào hỏi bằng tiếng Việt, tiếng Tàu khắp nơi. Tôi và má cố chen vô bên trong chánh điện. Khói hương tỏa như đám sương mù dày đặc, người người hân hoan trong những chiếc áo dài sặc sỡ, tay thì cầm khăn chậm lia lịa trên mắt. Họ khóc ư? Không đâu, ai cũng vui hết mà... họ bị khói nhang cay xè làm nước mắt chảy thôi.

Tiếng trống chùa thùng thình điếc  tai, tiếng xin xăm chanh chách, chanh chách. Trước bàn thờ Bà, người xì xụp lạy, kẻ nghiêm nghị kính cẩn khấn nguyện. Má tôi cố nhón gót để đỗi lấy ba cây nhang lớn đang cháy dở trong lư nhang trên bàn thờ Bà rồi cùng tôi, len lách ra ngoài.

Làn gió mát thổi nhẹ, tôi nghe nhẹ cả người. Bên ngoài người người vẫn qua lại, hàng quán vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua. Tôi cùng má bước đến cây mai kiến thủy được trồng trong cái bồn xi măng ngay trước cửa vô chánh điện. Cội mai già dễ chừng mấy chục năm, gốc to, chằng chịt rễ quấn quanh. Tàn rộng xanh rì, điểm những cánh hoa trắng nhỏ li ti, tinh khiết, quay mặt xuống nên người ta đặt  tên là mai kiến thuỷ. Tôi cũng bắt chước mọi người, chọn một nhánh nhỏ có đủ hoa trắng, lá xanh, bẻ cành lộc đầu năm, để gọi  là xin lộc may mắn của Bà. Cái may mắn Bà đã cho ra mỗi năm đến trơ cành trụi lá mà bà vẫn vui vẻ ban phát cho mọi người, và rồi năm sau lại tiếp tục đơm hoa, kết lá cho người vui xuân.

Về đến nhà, má tôi đứng trước bàn thờ tổ tiên. cầm ba cây nhang lớn khấn nguyện ông bà, xong cắm lên chiếc  lư đồng, nhẹ nhàng để cành lộc chung với nhánh mai vàng cao lớn trong cái lục bình có vẻ hình sơn thủy, rồi quỳ xuống, kính cẩn lạy ông bà, những cái lạy chân thành đầu năm của người con dâu hiếu thảo, suốt đời tận tuỵ với chồng với con.

Đã hơn một giờ khuya, hai mắt tôi cũng ríu lại theo âm thanh nhịp nhàng của cái đồng hồ trên vách. Tôi leo lên ván, nằm kế hai anh trai tôi, tiếng ngái khò khò, tiếng pháo đì đùng, lạch tạch bên ngoài, mùi hương thơm thoảng thoảng từ bàn thờ tổ tiên ...tôi đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ái với bao lì xì đỏ, với mai vàng, với những hộp mứt ngọt ngào hồng hồng, trắng trắng, xanh xanh!

Nhiều năm sau, miền Nam đổi chủ, đêm giao thừa, vẫn bàn thờ vẫn khói nhang nghi ngút nhưng tôi đã như lâu lắm rồi chỉ hát thầm bài ca Ly Rượu Mừng thay cho những tiếng hát đón Tết chát chúa như xé tận tâm can người nghe, tôi không còn được nghe những lời chúc tết ấm lòng của các vị nguyên thủ quốc gia khi tiếng chuông nhà thờ vang vọng.

Năm đó, má và các anh chị tôi đã sang Mỹ. Mẹ con tôi xin ở đậu nhà một người quen. Ngày ba mươi tết, nhà nhà cũng theo tục lệ, truyền thống. Tưng bừng với câu liễn đỏ loè loẹt, cành mai vàng báo hiệu xuân sang. Đúng mười hai giờ đêm, mẹ con tôi cùng gia đình người quen  ra trước sân, đón mừng năm mới. Người bạn tôi vừa cầm cây nhang chăm vô ngòi pháo, tiếng nổ lách tách cùng xác pháo vừa bắn ra tung toé theo ánh lửa bập bùng. Đột nhiên, con trai tôi, khi đó, mới vừa chín tuổi, bỏ chạy thật nhanh vô nhà. Tôi hết hồn, không biết chuyện gì xãy ra cho cháu, vội chạy theo.

Vô phòng, thấy cháu đang nằm úp mặt xuống gối, khóc nức nở. Tôi ngồi cạnh, nhỏ nhẹ hỏi chuyện gì. Khương nghẹn ngào, nhìn tôi:

-Mẹ ơi, con nhớ ngoại quá!

Mẹ ơi, con nhớ ngoại quá! Câu nói ngắn ngủi, chứa chan tình thương yêu, bà cháu. Nước mắt tôi cũng lăn dài trên má... giờ này, của những năm xưa, má con tôi cùng dọn bàn thờ ra cúng tạ ơn trời đất, rồi cùng đi chùa Bà hái lộc đón xuân. Đêm nay. đêm giao thừa nơi chôn nhau cắt rún của tôi, mẹ con tôi âm thầm ôm nhau khóc, trong một gia đình không phải ruột rà máu mủ để mà nhớ đến những người thân yêu đang bên kia bờ Thái Bình. Ngoài sân, pháo vẫn nổ, xe cộ vẫn dập dìu, người người vẫn nói cười hân hoan... có ai thấu chăng, trước thềm năm mới, một mẹ, một con thơ dại đang tủi thân khóc thầm trong đêm vắng?

Năm sau, chúng tôi may mắn được sang Mỹ đoàn tụ cùng má và các anh chị em. Không bút mực nào tả xiết niềm vui được gặp lại người thân, tưởng chừng như vô vọng.

Cái đêm giao thừa đầu tiên nơi xứ lạ quê người, tôi cũng nôn nao, chờ đợi như ngày xưa...đêm ở thành phố nhỏ này sao mà vắng lặng, không tiếng người xôn xao kẽo kịt gióng gánh chợ khuya, không tiếng máy xe lam ồn ào trước cửa...Tết của Việt Nam là mùa đông xứ Mỹ. Tôi đón nhận mùa đông đầu tiên với những ngày lạnh thấu xương, ra ngoài với năm sáu lớp áo mà vẫn còn run như cầy sấy. Tết trong âm thầm lặng lẽ, không pháo nổ đì đùng, không mai vàng rực rỡ. Trong nhà, trên bàn thờ, ba cây nhang và hai cây đèn cầy điện cháy sáng ngày  đêm mà sao nghe lạnh lẽo quá, chắc là tại không có mùi khói hương quen thuộc, mùi sáp chảy khen khét, nồng nồng. Cành mai giấy không sức sống, những hộp bánh mứt đẹp mà chẳng chút thơm ngon. Nhìn qua cửa sổ, tết gì mà cây trơ cành trụi lá, sân cỏ vàng úa khô cằn! Ôi, tết nơi xứ người, cái tết đoàn tụ với má và anh chị em đầu tiên sau cả năm trời xa cách, vui vì được gặp lại người thân nhưng cũng buồn não ruột vì nhớ quê nhà!

Năm sau, rồi lại năm sau, ngày ba mươi chúng tôi vẫn theo cổ tục, vẫn cúng rước ông bà về chung vui ba ngày cùng con cháu. Đêm giao thừa cũng bàn thờ trước cửa, gió đông giá buốt, canh nhang tàn vội vã bưng hết vô nhà vì đêm vắng lặng quá, chẳng bóng người qua lại.

Năm 2000, mùa đông lại về lạnh giá, trời đất âm u, đang chuyển sang thế kỷ 21, mọi người trên thế giới,giao động với những biến chuyển có thể xãy ra, lo lắng, trữ nước trữ gạo, trữ thức ăn theo lời đồn đãi đủ thứ. Má tôi lúc bấy giờ như ngọn đèn trước gió, nằm một chỗ, không nhận ra con cháu, không nói năng. Tới giờ ăn, tôi đút má từng muỗng cháo, lòng xót xa vô hạn. Má của tôi ngày nào lo toan từng việc lớn nhỏ trong nhà, má của tôi ngày nào dạy tôi từng đường kim mủi chỉ...bây giờ, má của tôi nằm một chỗ, đợi chờ con cháu viếng thăm, cô đơn, buồn bã!

Mười tám ngày trước tết, má tôi ra đi thật em ái, nhẹ nhàng trong một buổi sáng mùa đông. Nhìn nét mặt thanh thản của má, tôi nói thầm: -Xin má hãy ngủ yên nha má!

Năm đó, trong nhà chúng tôi, ngoài những tục lệ phải có trong ba ngày tết, trưa ba mươi, chúng tôi lại đón thêm một người từ cõi xa xôi nào đó về với chúng tôi -Má tôi - chúng tôi đã đón má tôi trong đau buồn, nhung nhớ! Trên bàn, thức ăn ê hề, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau. Một cái ghế để trống. Ngay trước cái ghế, một chén không, một đôi đũa nằm cạnh, một ly nước. Tôi khẽ nói trong nước mắt:

-Mời má ăn cơm!

Mười hai giờ khuya, bàn thờ đón giao thừa được dọn ra, chỉ mình tôi cô đơn quạnh quẽ. Tuyết đang rơi, trắng xoá sân, trắng cả bầu trời!

-Má ơi, con đã không còn má trên cõi đời này nữa rồi.

Và tôi tiếp tục gọi hai tiếng má ơi. Gọi thật nhỏ, thật nhỏ, rồi gọi không thành tiếng, chỉ để riêng mình nghe.

Năm 2018, ngày giỗ má cũng cận kề ngày Tết. Khi thắp nhang giỗ má, tôi đã  khấn xin được gặp lại má  trong mơ.

Tôi sẽ tiếp tục khấn xin điều này khi cúng giao thừa Tết Mậu Tuất. Trong giấc mơ,  đêm giao thừa năm nay má con mình lại cùng đi chùa Bà hái lộc nha má!

Con nhớ má, má ơi!

Fort Smith, Feb. 10 - 2018.

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
17/02/201823:16:53
Khách
Và tôi tiếp tục gọi hai tiếng má ơi. Gọi thật nhỏ, thật nhỏ, rồi gọi không thành tiếng, chỉ để riêng mình nghe.
Năm 2018, ngày giỗ má cũng cận kề ngày Tết. Khi thắp nhang giỗ má, tôi đã khấn xin được gặp lại má trong mơ.
Tôi sẽ tiếp tục khấn xin điều này khi cúng giao thừa Tết Mậu Tuất. Trong giấc mơ, đêm giao thừa năm nay má con mình lại cùng đi chùa Bà hái lộc nha má!
Con nhớ má, má ơi!
Gọi hai tiếng Má ơi, và nhu cầu sống với Má, về với Má, ''hình như''... suốt cả cuộc dời chúng ta lận ! tôi thấy như thế, xảy ra như thế, trong mấy ''nhà già''.
Đời, vỗn dĩ là như vậy mà, Má ơi tiếng gọi , theo con đến hởi thở cuối cùng! Má ơi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,256,400
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Nhạc sĩ Cung Tiến