Tác giả: Khôi An
Bài số 5311-19-31157-vb4021418
Tác giả Khôi An, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013, giải Việt Bút Trùng Quang 2015; Từ 2016, là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Viết Về Nước Mỹ. Yellowstone Grand Canyon, nhiều người đã viết về địa danh nổi tiếng này. Mời đọc Khôi An, sẽ thấy thêm một cách nhìn rất khác.
***
Một người bạn, không thích du lịch, đã nói với tôi: thời buổi kỹ thuật tối tân, muốn biết nơi nào thì cứ lên internet xem hình, xem phim, chẳng cần lặn lội xa xôi. Tôi từng nghĩ bạn đó có lý, cho đến khi tôi đứng ở Yellowstone Grand Canyon.
Đó là một buổi chiều cuối tháng Tám, 2017. Vách núi sáng rực như dát vàng. Ở xa xadòng suối Upper Fall lao xuống vực, tung bọt trắng xóa. Tôi xoay ống kínhdài, nghiêng người thu cảnh đó vào khung hình.
Nhưng khi xem lại tấm hình, tôi xóa nó đi. Không có cảm giác rờn rợn khi nhìn xuống vực thẳm hun hút, vách đá trông nhỏ bé. Thiếu tiếng gió, tiếng nước réo, dòng suối chỉ còn là một giải trắng tầm thường. Thì ra, ống kính dù rất tối tân cũng không ghi được cái hùng vĩcủa Yellowstone.
Từ cú nổ kinh hồn nhất trong lịch sử trái đất
Để hiểu tại sao có Yellowstone, chúng ta cần biết một chút về cấu trúc của trái đất.
Trái đất giống như một khối cầu có năm lớp. Tầngruột là một trái cầu bằnghỗn hợp sắt và thiếc. Tuy ởnhiệt độ hơnsáu ngànđộ C, trái cầu này không chảy vì sức ép cực kỳ cao ở chung quanh. Tầng kế ruộtlà cấu trúchỗn hợp kim loạilỏng nóng khoảng bốn ngàn độ C. Tầng ba là lớp đá ở khoảng ba ngàn độ C gọi là lower mantle. Tầng bốn là upper mantle gồm hai lớp:lớp dưới là đádạng lỏngởkhoảng hai ngàn đến ba ngàn độ C, càng lên trên thì nhiệt độ càng giảm và đá cứng lại. Tầng cuối, chỉ vào khoảng hai mươi hai độ C, chínhlà vỏ trái đất nơi chúng ta đang sống.
Hơn hai triệu năm trước đã có những trận động đất rất lớn xảy ra ở vùng Yellowstone. Sau đó, ngay phía dưới vỏ trái đất xuất hiện một điểm nóng kinh khủng. Điểm nóng này hút đá lỏng từ những tầng dưới, đội vỏ trái đất lên thành một khối u chứa đầy chất lỏng ở vài ngàn độ C. Khối u đó lớn dần cho tớikhi vỏ trái đất không còn chịu nổi. Gần sáu trăm năm mươi ngàn năm trước, với cú nổ kinh hồn nhất trong lịch sử trái đất, khối u vỡ tung. Hơn năm trăm mét khối đá lỏng bắn tóe ra, khối u sụp xuống thành một lòng chảo. Vùng lòng chảo này chính là khu Yellowstone.
Trong suốt năm trăm ngàn năm sau vụ nổ, lớp đá lỏng bắn ra trên mặt đất từ từ chảy ngược vào lòng chảo. Ở gần đáy chảo, đá vẫn nóng như một khối lửa.Nước mưa và tuyết tan thấm xuống, bịnung nóng bởi khối lửa nhưng không sôi được vì sức ép khủng khiếp ở chung quanh. Nước nóng đi ngược lên theo một mạng lưới chằng chịt tạo bởi những vết nứt triệu năm cho đến khi gặp chỗ có thể thoát ra. Sự tương tác nước – lửa kỳ diệu này chính là nguồn gốc cho những hiện tượng nước nóng (hydrothermal) độc đáo tại Yellowstone.
Yellowstone - Công Viên Quốc Gia Đầu Tiên
Mặc dù có dấu tích của thổ dân tại Yellowstone từ hơn mười ngàn năm trước, những tài liệu đáng kể về vùng đất này chỉ bắt đầu xuất hiệnvào cuối thập niên 1860.Năm 1869, ba nhà thám hiểm Folsom, Cook, và Peterson đã bỏ một thời gian dài để thăm dò Yellowstone và ghi chép lại nhiều chi tiết. Bài viết của họ được phổ biến rộng rãi lần đầu tiên trên tạp chí Western Monthly Magazinenăm 1870. Những lời tả sống độngvề một nơi với “những công trình vĩ đại của thiên nhiên, chưa hề bị con người khuấy động”đã làm cho nhiều người xôn xao.
Năm 1871một chuyếnnghiên cứuvới quy mô lớn được thực hiện với sự góp sức của nhiều nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, và cảquân đội Hoa Kỳ.Kết quả là một bản đồ đầy đủ chi tiết và nhiều hình chụp, tranh vẽ về những quang cảnh kỳ diệu tại Yellowstone.Sự phấn khích về nơi “suối phun ngược lên trời và núi làm bằng đá cẩm thạch” lan rộng tới tận Washington DC. Quốc Hội bắt đầu chú ý đến những bản phúc trình và hình ảnh từ những cuộc thăm dò kế tiếp. Năm 1872, Quốc Hội thảo Yellowstone National Park Protection Act. Ngày 1 tháng Ba, năm 1872, Tổng thống Ulysses Grant ký công văn đó thành luật. Trong bộ luật có ghi rõ: Yellowstone trở thành một công viênđể phục vụ chosự học hỏi và vui chơi của người dân, từ nay và mãi mãi về sau.
Và như thế, Yellowstone, công viên quốc gia đầu tiên, ra đời.
Đường đến Yellowstone
Công viên Yellowstone hiện nay rộng gần chín ngàn cây số vuông, hầu hết nằm ở góc Tây Bắc của tiểu bang Wyoming, trừ chút rìa lấn sáng hai tiểu bang Montana ở phía Bắc và Idaho ở phía Tây.
Nguồn: http://www.yellowstone.co/gettinghere.htm
Gần Yellowstone có năm phi trường tại các thành phố Bozeman, Cody, Jackson Hole, Idaho Falls, và West Yellowstone. Tuy nhiên đây là những phi trường cỡ nhỏ và có ít chuyến bay. Nếu muốn chọn được giờ bay thuận tiện hơn, du khách có thể bay tới những phi trường lớn tại các thành phố Billings (Montana), Boise (Idaho), hoặc Salt Lake City (Utah). Từ ba nơi này đến Yellowstone chỉ mất từ ba đến sáu tiếnglái xe.
Mỗi mùa Yellowstone có một nét đặc biệt riêng. Vào mùa Đông nhiệt độ có thể xuống âm năm mươi độ C. Lúc đó công viên vắng lặng,chỉ những du khách thích trượt tuyết và ưa mạo hiểm mới dám đến đây. Tuy nhiên, đối với họ, cảnh vật hoang dại, bí ẩn dưới tuyết,vànhững hiện tượng kỳ diệu như nước nóng phun lên giữa băng giá hoàn toàn xứng đáng cho công sức lặn lội giữa thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Thời gian tốt nhất để thăm Yellowstone là từ tháng Tư tới tháng Năm. Lúc đó, mùa Xuân đã trở lại, tuyết vừa tan cuồn cuộn chảy xuống thác, gấurờihangsau giấc ngủ Đông, hoa lá bừng nở, núi rừng xôn xao. Mùa Hè, từ tháng Sáu tới cuối tháng Tám là thời gian đông du khách nhất, hàng xe chờ vào cổng rất dài. Bù lại, khí hậu ấm áp, trời sáng lâu hơn nên người ta có nhiều thời gian đểthưởng thức công viên hơn.
Yellowstone có tất cả năm cửa vào: cửa Bắc, cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Nam, và cửa Tây. Cả năm cửa và mọi phương tiện trong công viên đều mở cửa từ cuối Xuân tới đầu Thu. Vào mùa Đông, một số đường trong công viên đóng cửa. Du khách có thể tham khảo giờ giấc tại trang chính thức của công viên https://www.nps.gov/yell .
Ở gần mỗi cửa vào có một trung tâm hướng dẫn với nhiều nhân viên cởi mở, tận tình. Ở đây, du khách có thể lấy bản đồ, hỏi thăm đường đi và những nơi đáng xem nhất. Từ đó, du khách có thể sắp xếp chương trình cho thích hợp với quỹ thời gian của mình.
Bên trong Yellowstone, cách thưởng thức thú vị nhất là tự lái xe đi khắp công viên và dừng lại ở mỗi nơilâu mau tùy thích.
Tổng quát vềYellowstone
Cho tới nay, ngọn núi lửa phía dưới Yellowstone vẫnđang âm ỉ hoạt động. Tuy nhiên, những biến chuyển trong núi được chính phủ Mỹ theo dõi rất kỹ bằng những phương tiện tối tân nhất. Mọi dữ kiện đều khẳng định rằng trong vòng mấy ngàn năm tới sẽ không có chấn động lớn nào xảy ra.
Công viên Yellowstone có hàng chục con sông lớn nhỏ, vô số thác và hồ, vực đá dài hàng trăm cây số, hàng chục ngàn hiện tượng nước nóng,và hơn năm trăm suối phun. Hai thung lũng Lamar và Hayden được giữ nguyên sự hoang vu nguyên thủy với núi rừng trùng điệp.
Yellowstone là nơi có nhiều tụ điểm nước nóng nhất thế giới. Nằm rải rác khắp công viên là những khu nước nóng(hydrothermal areas). Ở nơi đó, mặt đất chỉ là một lớp mỏng phía trên, dưới đất là những vết nứt từ những cơn động đất mấy triệu năm trướcđan nhau thành một hệ thốngchằng chịt. Nước mưa chảy xuống, tích tụtrong mạng lưới đó, trở thành cực kỳ nóng, rồi đi ngược lên, tạo thành những suối phun (geysers), hồ nóng (hot springs), hố bùn (mudpots), và lỗ phun hơi (fumaroles). Ở Yellowstone, đất, đá, cây cối, thú vật, nước, và lửa hòa quyện và tương tác với nhau trong một vòng kỳ diệu.
Đường xe chạy chia công viên thành hai khu chính: Upper Loop (Vòng Trên) và Lower Loop(Vòng Dưới).Rải rác trên hai vòng này có tám trung tâm hướng dẫn khách đến thăm (Visitor Centers), mỗi trung tâm đều có quầy hướng dẫn, phòng chiếu phim, viện bảo tàng, khách sạn, nhà hàng, và tiệm bán mọi thứ từ dụng cụ cắm trại, thức ăn, đồ lưu niệm cho tới thuốc xịt chống gấu.
Du khách với quỹ thời gian dài hay ngắn đều có thể thưởng thức Yellowstone. Nếu không có vài tuần để đi khắp các đường mòn (hiking trails) và xem hết mọi nơi, người ta vẫn có thể thưởng thức hầu hết những điểm đáng xem nhất trong vòng vài ngày.
Bản đồ công viên Yellowstone (Nguồn:https://www.nps.gov/yell)
Chuyến du lịch Yellowstone
Tin thời tiết cho biết cuối tháng Tám, 2017, Yellowstone có những ngày nắng ráo sau cả tuần mưa. Lúc đó là cuối Hè, hàng xe nối đuôi chờ vào cửa đã bớt dài và giá khách sạn cũng nhẹ hơn. Chúng tôi chụp lấy cơ hội, baytừ California qua Salt Lake City rồi lái xe đến WestYellowstone.
Khi vừa đến nơi, chúng tôi đi ra Trung Tâm Hướng Dẫn (Visitor Center) ngay trên con đường chính, Canyon Street,để xin bản đồ. Những người ở trung tâm nhiệt tình gợi ý đường đi và chỉ cách để xem được nhiều nơi nhất trong ba ngày chúng tôi lưu lại nơi đây.
Sáng sớm hôm sau, với hai ly cà phê nóng, chúng tôi náo nức lên đường.
Ngày thứ nhất – Artisits Paintpots, Norris Gayser Basin, Mammoth Hotspring Basin, Tower Fall, Lamar Valley.
Qua cửa Tây, xe chạy trên con đường len giữa hai hàng thông cao vút rồi dọc theo bờ sông Madison. Xe đi qua một cánh đồng mênh mông, xa xacó hàng chục cụm khói trắng bốc lên nghi ngút, tựa như cảnh đốt cỏtrên đồng. Đến gần hơn, tôi mới thấy đó không phải là khói mà là hơi nước phun lên từ những lỗ sâu hun hút. Những lỗ này gọi làfumaroles.Ở dưới mỗi fumaroles là một mạng lưới ngoằn ngoèo gồm những vết nứt ăn xuống tận lớp đá khô cực nóng ở độ sâu hàng ngàn cây số. Nước mưa và tuyết tan chảy xuống, đụng vào đá nóng, bốc hơidữ dội và phụt ngược lên trên, cao hơn mặt đấtcả chục mét.
Đến Madison chúng tôi quẹo trái, đi về phía Upper Loop. Điểm dừng đầu tiên là Artists Paintpots –Chậu Sơn Họa Sĩ. Ngay gần lối vào là một suối phun nhỏ, nước từ lòng đất vọt lên từng đợt như chào mừng du khách. Chúng tôi cùng đoàn du khách đi trên những cầu gỗ bắc vòng quanh một vùng đất trũng như một cái chậu khổng lồ. Ở tất cả các khu nước nóng, du khách phải đi trên cầu gỗ để tránh nguy cơ mặt đất mỏng nứt ra vì ở dưới là những tụ nước nóng sôi.
Giống như chậu sơn của họa sĩ đang vẽ, trong Artists Paintpotsđầy những vũng màu loang lổ. Mỗi vũng một màu, xanh lá mạ, cam tươi, vàng, xanh dương, nâu, xám. Thật ra, mỗimảng màu là hàng ngàn tỉvi sinh vật, mỗi loạisống được trongđộ nóngkhác nhau. Vì thế chỉ cần nhìn màu là những nhà nghiên cứu có thể biết nhiệt độ tại nơi đó. Người ta gọi những sinh vật này là nhiệt kế sống của khu nước nóng.
Artists Paintpots (Nguồn: Khôi An)
Sau Artists Paintpots, chúng tôi đi tiếp khoảng mười lăm dặm tới khu Norris Geyser Basin. Đây là khu nóng nhất, lâu đời nhất, và hoạt động sôi nổi nhất ở Yellowstone. Chỉ hơn ba trăm mét dưới lòng đất, nhiệt độ đã lên tới hai trăm năm mươi độ C. Ở đây có suối phun Steamboat với sức phun mạnh nhất thế giới, cột nước có thể lên tới một trăm hai mươi mét. Để đẩy lên một cột nước kinh khủng như thế, năng lượng phảitích lũy trong lòng đất khá lâu, vì thế Steamboat chỉ phun vài lần mỗi năm. Chúng tôi hòa vào đám đông, đứng chờ ở Steamboat một lúc rồi đành đi xem những suối phun nhỏ hơn quanh đó. Dù sao, tôi cũng không thất vọng vì biết trước rằng rất ít người được may mắn chiêm ngưỡng cột nước vĩ đại này.
Đoàndu khách đi trên cầu gỗ qua những cánh đồng mênh mông màu trắng xám. Màu trắng làm tôi nghĩ đến ruộng muối, nhưng đây là chất khoáng từ lòng đất theo nước trào lên rồi đọng lại. Rải rác trên nền trắng là những cây thông xanh, những cụm hơi nước từ fumaroles, những hồ nhỏ xanh ngắt mà tôi đặt tên là “mắt rồng”,và những mudpotssủi bọt giống hệt như một nồi cháo bột đang sôi trên bếp lửa. Mudpotlà một điển hình cho mối tương tác thú vị của đất, đá, và sinh vật ở Yellowstone. Bắt đầu là nước mưa đọng lại trong những hố nhỏtrên mặt đất. Vi sinh vật sống trong hố cung cấp năng lượng cho khí hydrogen sulfide bốc lên từ lòng đấttương tác với nước biến thành acid, acid làm đá tanthành bùn, và khí bốc lên từ lòng đất làm bùn sủi bọt. Đi trong Norris Basin, người ta không chỉ xem cảnh vật mà cònngửi được mùi tanh của các chất khí, nghe tiếng nước rào rào ở suối phun cùng với tiếng lục bục rất vui tai của những“nồi cháo bột” đang sôi.
Một góc của Norris Geyser Basin (nguồn: https://www.nps.gov/yell)
Rời Norris Geyser Basin, bụng tôi bắt đầu đói sau khi đi bộ gần ba dặm. Ghé vào trong Viện Bảo Tàng Norris, tôi mới biết ở Yellowstone, thức ăn chỉ được bán ở những Visitor Centers. Trung tâm gần nhất ở Mamoth Hot Springscách đó khoảng ba mươi cây số, nếu có đoạn đường đang sửa thì phải mất cả tiếng mới qua được.Chúng tôi chỉ còn cách vừa đi vừa mong không bị kẹt xe.May mắn, đường xá thuận lợi nên chỉ hơn nửa tiếng sau chúng tôi đến Mammoth Hot Springs.Đâylà trung tâm đón khách lớn và đẹp nhất trong Upper Loop, với một khách sạn lớn và tiệm ăn bán thức ăn rất ngon, đặc biệt nhất là kemđủ vị.
Mammoth Hot Springs là một nơi không thể bỏ qua ở Yellowstone. Ở đây nước nóng không đi lên từ lòng đất mà chảy từ trên cao xuống, dọc theonhững tầng núi.Những tầng núi này giống như những bức tường trắng ngà với vân nâu, xám, và cam xếp san sát cạnh nhau. Trông chúng giống như một tác phẩmđiêu khắcbằng cẩm thạch.
Thật ra, những ngọn núi này là tái sinh của đá vôi dướiđáy biển hàng triệu năm về trước, khi nơi này là biển. Sau những trận động đất khủng khiếp, biển cạn đi, đá vôi nát tan, vùi sâu trong lòng đất. Nước từ mặt đất chảy xuống, hòa với bột đá vôi. Lấy năng lượng từ khối đá lửadưới sâu,nước vàbột đá vôi trào ngược lên trên mặt đất. Mỗi dòng nước đi qua để lại một chút đá và sau mấy trăm ngàn năm,vùng biển xưa đã biến thành núi đá sừng sững ngày nay.
Núi đá ở Mammoth Hot Springs (Nguồn: Khôi An)
Rời Mammoth, chúng tôi đánh vòng theo Upper Loop, điđến Tower Fall. Một con đường ngắn nhưng rất dốc đưa du khách đến tận chân thác. Đứng ở đây nhìn ngược lên dòng nước trắng xóa từ hơn bốn mươi mét lao xuống ầm ầm,người ta dễ thấm thía sự bé nhỏ của con người trong thiên nhiên vô cùng.
Sau Tower Fall, chúng tôi rẽ về phía Đông để đi thăm Lamar Valley, một trong hai thung lũng được giữ trong tình trạng hoang sơ nguyên thủy để duy trì thú hoang. Đến đây lúc cuối ngày là tốt nhất bởi vì chó sói thường xuất hiện khi nắng đã dịu, lúc mặt trời sắp lặn. Chúng tôi lái xe ở giữa, hai bên là đồng cỏ ngút ngàn và rừng thông xanh rì. Khi thấy một chiếc xe đi chậm lại, mọi người đều giảm chân ga, dáo dác nhìn quanh vì biết là gần đócóthú rừng. Trên suốt con đường dài khoảng sáu mươi cây số qua Lamar Valley, tôi cố tìm kiếm nhưng chỉ thấy một con chó sói lông xám, mắt xếch, đi nhanh vun vútđể tránh người. Tuy nhiên, bò rừng thì vô sốvà rất dạn. Từ những con già lụ khụ đi gật gù, trầm ngâm như triết gia cho tới những con bê non tung tăng theo mẹ, tất cả đềukhông màng tới đám người đang đứng quanh nhìn ngắm và chụp hình lia lịa. Sau hơn hai tiếng ở Lamar Valley, chúng tôi quành lại,đi xuôi theoUpper Loop để ralại cửa Tây.
Vợ chồng bò rừng ở Lamar Valley (Nguồn: Khôi An)
Ngày thứ hai: Upper Geyser Basin và Old Faithful, West Thumb Gayser Basin, Biscuit Basin.
Nếu bạn chỉ có thể đến một nơi duy nhất trong Yellowstone thì Upper Geyser Basin ở Lower Loop chính là nơi bạn nên chọn. Đây là khu có mật độ suối phun cao nhất hoàn vũ. Trong vòng hơn hai cây số vuông có tất cả một trăm năm mươi suối phun, trong đó Old Faithful là một kỳ quan thế giới.
Old Faithful không phải là suối phun lớn nhất tại Yellowstone nhưng nó phun thường xuyên nhất. “Old Faithful” có nghĩa là “Lâu đời và Đáng tin”. Suối có tên này vì nó đã phun đều đặn trong hàng trăm ngàn năm qua. Dù ngày hay đêm, hạ hay đông, cứ khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ suối lại phun. Cột nước thường cao tới bốn mươi, năm mươi mét, nhưng thỉnh thoảng có một lần phun “lép” thì nước chỉ lên khoảng mười mét. Khi vừa đến Old Faithful, theo lời dặn từ trước, tôi chạy vào Visitors Center để xem giờ của lần phun sắp tới. Thấy chỉ còn ba mươi phút trước khi suối phun, tôi vội chạy ra bãi. Người ta đã tụ tập khá đông, kẻ đứng, người ngồi, xôn xao, háo hức…
Đột nhiên nước vọt lên cùng với tiếng ì ầm như tiếng gầm từ lòng đất. Cột nước vươn cao như một cây nấm trắng khổng lồ, tóe ra như một cuộn mây ở trên đỉnh, rồi tung bọt trắng xóakhi rơi xuống. Khoảnh khắc sau, nước lại gầm, một cột mới lại vọt lên. Liên tục như thế tới gần năm phút. Tổng cộng là hơn mười lăm ngàn lít nước bắn tung lên không trung, mãnh liệt, thần kỳ. Đám đông im lặng chiêm ngưỡng như bị thôi miên.
Old Faithful đang phun nước (Nguồn: Khôi An)
Sau đó, tôi đi dọc những cây cầu gỗ để khám phá phần còn lại của Upper Geyser Basin. Ngoài Old Faithful còn có hàng chục suối phun nhỏ. Từ Old Faithful tới Morning Glory Pool - hồ nước nóng nhiều màu sắc nhất ở Yellowstone, là đoạn đường hơn hai cây số. Ở đây, người ta có thể thuê xe đạp để đi, nhưng tôi thích đi bộ. Vừa đi vừa xem cảnh nên mất khá lâu, tuy vậy khi ngắm những vòng cam, xanh lá mạ, trắng, xám rực rỡ bao quanh “mắt rồng” trong vắt và xanh biếc, tôi kết luận rằng công sức thật không uổng phí.
Vì Old Faithful quá nổi tiếng nên tiện nghi quanh khu này cũng nhiều hơn ở những nơi khác. Ngoài tiệm ăn, tiệm bán đồ lưu niệm, viện bảo tàng, phòng chiếu phim, ở đây còn có Old Faithful Inn, một công trình kiến trúc nổi tiếng. Khách sạn này được bắt đầu từ năm 1903, có thiết kế không đối xứng để diễn tả thiên nhiên đầy bất trắc. Ngay giữa sảnh chính là một lò sưởi cao hơn hai mươi mét làm bằng đá từ núi lửa, xung quanh là cột, kèo, lan can bằng thân và cành thông. Sự hòa quyện của thiên nhiên và đời sống tại Yellowstone được lập lại bằng sự kết hợp khéo léo của kỹ thuật và nghệ thuật trong Old Faithful Inn. Nơi đây thật xứng đáng là một di tích lịch sử của nước Mỹ.
Ra khỏi Old Faithful, chúng tôi đến vùng West Thumb Gayser Basin. Điểm chính của vùng này là cái hồ rộng với nước trong xanh mát mắt. Cái tên West Thumb, “Ngón Tay Cái Phía Tây”, diễn tả vị trí của hồ giống như ngón tay cái nối với bàn tay là hồ Yellowstone. Vùng này “trẻ” hơn hồ chính, được tạo ra bởi một cú nổ cách đây một trăm bẩy mươi lăm ngàn năm. Cú nổ cũng tạo ra một lỗ trũng sâu, sau đó nước đầy lên thành hồ.
Đứng nhìn mặt hồ mênh mông, bình yên, thật khó ngờ rằng có những hiện tượng nước nóng đang sôi sục dưới đáy hồ. Suối phun dưới đáy mỗi ngày bơm hơn mười hai ngàn lít nước sôi vào hồ, sức nóng từ dưới đáy có thể làm tan băng trên mặt hồ vào mùa Đông.
Chúng tôi rời “Ngón Tay Cái” khoảng bốn giờ chiều và đi ngược trở lại. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Biscuit Basin mà buổi sáng chúng tôi đã bỏ qua trong lúc háo hức đến xem Old Faithful. Không ngờ, ở đây, tôi “gặp” được một hồ nhỏ nhưng, theo tôi, là đẹp nhất ở Yellowstone.
Hồ tên là “Sapphire Pool” - Hồ Bích Ngọc. Cái tên thật xứng đáng với vẻ đẹp của hồ. Hồ có màu xanh ngăn ngắt khó diễn tả, nước trong vắt nhìn thấy từng vân đá trắng xếp bậc thang ở thành hồ. Hồ cắt một đường xéo vào lòng đất nên người ta không thể nhìn thấu, chỉ biết đáy hồ thu hẹp lại và sâu hun hút. Hồ nhỏ nhưng du khách đứng quanh thật đông. Người thì rướn người qua rào, cố nhìn xuống đáy như để tìm hiểu cái bí mật của “viên ngọc bích” giữa trời. Đám trẻ hơn thì xuýt xoa “đẹp kỳ cục!” (ridiculously cool). Tôi cố chụp hình, dù biết rằng máy ảnh chỉ ghi lại được một phần màu xanh mê hoặc của Hồ Bích Ngọc.
Sapphire Pool - Hồ Bích Ngọc (Nguồn: Khôi An)
Hôm đó về tới thành phố trước 9 giờ tối, chúng tôi có dịp thưởng thức món sườn nướng trong một nhà hàng ở Canyon Street. Đây là con đường chính của khu West Yellowstone, dọc đường đầy hàng quán và tiệm bán đồ lưu niệm. Vừa ăn vừa ngắm cảnh nhộn nhịp chỉ có vào ban đêm khi du khách thăm công viên trở về cũng là một điều thú vị.
Ngày thứ ba: Grand Canyon, Yellowstone Lake, Hayden Valley
Sáng ngày thứ ba, từ cửa Tây, chúng tôi băng ngang Lower Loop tới Yellowstone Grand Canyon.
Nếu Old Faithful thu hút với sự kỳ diệu của nước tóe lên từ lòng đất, Grand Canyon quyến rũ bằng vẻ hùng vĩ, mênh mông. Điểm độc đáo của Grand Canyon là ba cảnh đẹp thiên nhiên gồm vách đá, sông, và suối gặp gỡ nhau tại nơi này. Vách đá sừng sững, có nơi cao gần bốn trăm mét, thẳng đứng, cắt lên nền trời. Giòng sông Yellowstone chảy tự do từ đỉnh núi ở tiểu bang Wyoming phía Nam công viên, dồn nước vào hai ngọn thác Upper Fall và Lower Fall. Hai thác này đổ nước đổ ào ạt xuống độ sâu hơn một trăm năm mươi mét rồi dịu trở lại thành giòng sông ở đáy vực.
Điều thú vị nhất là từ chỗ đậu xe, du khách chỉ cần đi xuống một con dốc mất khoảng hai mươi phút là tới được nguồn của Lower Fall. Cảm giác thật khó nói bằng lời khi đứng ở nguồn thác, nhìn dòng nước cuồn cuộn băng qua núi đá rồi laoxuống trong tiếng gầm ào ào, bọt tung trắng xóa.
Tôi đã ở lại Grand Canyon tới mấy tiếng đồng hồ để đi qua những con đường mòn tới từng điểm ngắm. Có điểm ở rất cao, nhìn xuống chân thấy chim bay ngang qua vực sâu hun hút. Có điểm ở tận dưới chân thác để người xem ngước nhìn thác bạc và nghe tiếng nước rơi vũ bão. Cả vùng vực dài bốn mươi cây số đã được tạo thành bởi nước và gió xói qua những bức thành đá vôi trong vòng mấy trăm ngàn năm qua. Đúng là “nước chảy, đá mòn”. Ngay trong khoảnh khắc tôi đang đứng đó, nước vẫn chảy, gió vẫn thổi, và đá vẫn đang mòn. Yellowstone đang thay đổi ngay trước mặt tôi, cho tôi thấy rõ ràng đời sống con người chỉ là một điểm rất nhỏ và rất tạm trong vũ trụ vô cùng.
Giòng sông Yellowstone ở đáy vực Yellowstone Grand Canyon (Nguồn: Khôi An)
Ra khỏi Grand Canyon, chúng tôi đi qua Hayden Valley, nơi thứ hai tại Yellowstone được giữ nguyên trong tình trạng hoang sơ cho thú vật. Thung lũng này rộng, chạy dọc theo bờ sông nên cảnh trí rất đẹp. Dưới sông vịt, ngỗng bơi từng đàn; trên bờ cò, vạc, và các loại chim thảnh thơi đứng rỉa lông cánh. Trên những đồng cỏ xanh ngắt, từng đàn bò rừng thong dong dạo chơi. Đây cũng là nơi trú ngụ của hươu và gấu, mặc dù gấu rất ít khi xuống gần đường. Dọc đường có nhiều chỗ đậu cho du khách xuống xe và phóng tầm nhìn tới phong cảnh tuyệt vời ở xung quanh.
Dù khung cảnh ở thung lũng Hayden rất đẹp, chúng tôi không dám nán lại lâu vì phải đến Bridge Bay cho kịp chuyến du lịch bằng tàu quanh hồYellowstone lúc năm giờ, chuyến cuối cùng trong ngày.
Với diện tích hơn ba trăm năm mươi cây số vuông, hồ Yellowstone là hồ lớn nhất ở độ cao trên hai ngàn mét tại Bắc Mỹ. Nước hồ xanh và trong vắt, nắng chiều vàng rực vỡ tan trên mặt nước thành muôn ngàn ngôi sao nhảy múa. Trên bề mặt, hồ Yellowstone rất êm đềm, nhưng dưới đáy hồ là vực sâu, suối phun, và rất nhiều hiện tượng mà các khoa học gia vẫn còn đang tìm tòi, khám phá.Điều khác biệt là nước hồ Yellowstone không nóng mà lại rất lạnh, chỉ khoảng bốn độ C. Lý do là vì chỉ một nửa hồ nằm trong vùng lòng chảo của núi lửa, nửa kia chịu ảnh hưởng của những hiện tượng băng giá từ nguồn sông Yellowstone. Sự gặp gỡ diệu kỳ của băng và lửa đã giữ nhiệt độ thấp trong hồ cho hàng chục loại cá sinh sôi.
Chuyến dạo chơi dài khoảng một tiếng và phải đặt vé từ trước. Trên tàu có hướng dẫn viên rất dí dỏm, ông ta kể những sự tích ly kỳ về cuộc thăm dò trên hồ đầu tiên năm 1871, về chiếc tàu chở khách đầu tiên đi ngang hồ. Ông ta cũng nhắc đến nỗ lực duy trì các loại cá trong hồ, trong đó đặc biệt nhất là cutthroat trout, một loại cá có hai vạch đỏ như hai vết máu ngay dưới miệng – đó là lý do cho cái tên cutthroat (cắt cổ).
Từ giữa hồ người ta có thể thấy Lake Hotel, tòa nhà màu vàng tươi nổi bật trên nền xanh của rừng núi. Đây là khách sạn lâu đời nhất trong công viên, được xây từ 1891. Cho tới bây giờ, kiến trúc kiểu thuộc địa với những cột trắng cao vút vẫn còn vẻ xa hoa, kiêu hãnh của thời chỉ những người rất giàu mới có tiền đi du lịch tại Yellowstone. Năm 2014, khách sạn đã được tu bổ lại những nét xưa vẫn được giữ gìn. Lúc tôi ghé vào, dàn nhạc đang chơi tại sảnh đường làm quang cảnh càng giống như những buổi tiệc quý tộc xa xưa. Dù cảnh trí không độc đáo như Old Faithful Inn, Lake Hotel cũng là một nơi đáng dừng chân.
Từ hồ Yellowstone chúng tôi đi ngược lại, ngang qua Hayden Valley để trở về cửa Tây. Chuyến về hấp dẫn vì thú vật ở Hayden Valley xuất hiện nhiều hơn vào buổi chiều. Xe vừa đi một quãng thì bị kẹt, lý do vì mọi người phải dừng lại chờ một đàn bò rừng mấy chục con đang kéo nhau qua đường. Thú vật ở Yellowstone được bảo vệ bằng luật pháp nên chưa có con vật nào bị du khách làm tổn hại.Lúc đó trời đã nhá nhem tối, đoàn xe bật đèn chói lòa nhưng những chú bò rừng không hề sợ. Chúng gật gù kéo nhau qua đường, tỉnh bơ trước mấy trăm “con mắt” đèn pha sáng rực. Sau khi đàn bò qua hết, xe bắt đầu đi. Chúng tôi vừa chuyển bánh thì có ba bốn con bò lớn đánh nhau, chạy băng qua đường. Chúng tôi vội đạp thắng, không ngờ đám bò chạy về phía xe. Đèn xe sáng lóa chiếu rõ những đầu bò với sừng to tướng, lông lá lùm xùm đang tiến thẳng đến mình. Tôi vừa ngạc nhiên, thích thú như đang tham dự một khúc phim hoang dã, vừa sờ sợ, không biết sắt thép và kính có bảo vệ được mình nếu bò húc vào xe hay không. Cũng may, bò rừng không có ý định gây sự với xe hơi, chúng chỉ rượt nhau chạy vào đồng cỏ rồi biến mất trong bóng tối.
Trên đường về, trăng tròn vành vạnh chiếu trên con đường thông thơ mộng. Yellowstone lùi xa dần ở sau lưng. Tôi bâng khuâng nghĩ đến Old Faithful vẫn chung thủy, đều đặn phun nước trong đêm, như đã từng từ hàng ngàn năm trước.
Yellowstone và nước Mỹ
Có rất nhiều thống kê về Yellowstone trên internet, chẳng hạn như Yellowstone quy tụ hơn nửa tổng số suối phun trên thế giới, Yellowstone là vùng hiện tượng nước nóng lớn nhất trên thế giới, có bốn triệu du khách đến Yellowstone mỗi năm v.v…
Những con số này gây ấn tượng mạnh nhưng vẫn không thấm thía gì so với những điều tai nghe, mắt thấy ở Yellowstone.
Ở Yellowstone, có những rừng thông bạt ngàn khởi nguồn khi những trái thông già vỡ tung dưới sức nóng của lửa cháy rừng, bắn ra hàng ngàn hạt li ti rồi những mầm sống đó được nuôi nấng bởi tuyết tan từ đỉnh núi. Đến đây, người ta thấm thía sức hủy hoại cùng khả năng tái sinh của nước và lửa. Người ta thấy những hiện tượng và nghe những âm thanh của vòng sinh diệt đó. Đó chính là âm thanh của nước và lửa cùng hát.
Bên cạnh sự hòa điệu của thiên nhiên, sự tham gia của con người tại Yellowstone cũng là một điều ưu việt. Hơn bảy trăm năm mươi cây số đường nhựa xuyên qua rừng núi và hai mươi bốn ngàn cây số cầu gỗ bắt ngang qua những khu nước nóng đều được tính toán kỹ càng. Giống như gia vị được nêm tuyệt khéo để nâng vị món ăn, phương tiện ở đây vừa đủ để đưa du khách đến gần thiên nhiên nhưng không khuấy động những kỳ diệu của tạo hóa.
Yellowstone là kỳ quan của thiên nhiên, và nó còn là một bằng chứng cho cái đẹp của nền văn minh nước Mỹ. Tài liệu lịch sử nói rất may mắn Yellowstone chỉ được khám phá vào thập niên 1870, khi chính quyền Mỹ đã đủ mạnh để gìn giữ nó. Yellowstone như một viên ngọc mà Thượng đế đã trao vào tay một người chuốt ngọc có tài và có tâm. Nếu không có sự bảo vệ và chăm sóc của chính phủ, rất có thể Yellowstone đã bị hủy hoại bởi con người. Nhờ chính quyền thực sự “vì dân”, Yellowstone đã trở thành nơi vui chơi và học hỏi cho mọi người, và sẽ được mãi giữ gìn cho những thế hệ sau có dịp gặp gỡ những điều kỳ diệu bắt nguồn từ những sự kiện xảy ra muôn ngàn năm trước.
Khôi An
Đi Yellowstone mà biết trước 1 chút về nơi này sẽ làm mình nhìn thấy được nhiều hơn. Đó là mục đích của bài viết này.
Cám ơn Minh Long đã nhớ KhA ngày trao giải và còn nhìn thấy sự trùng hợp trong chuyến đi. Vũ trụ có nhiều điều vui và kỳ diệu lắm
Một thí dụ cụ thể về vỏ trái đất của chúng ta mỏng ra sao cho mọi người dễ hình dung. Nếu trái đất thu nhỏ bằng quả trứng gà thì vỏ trái đất mỏng còn hơn vỏ của trái trứng nữa.
Một ngày đẹp trời nào đó vỏ của trái đất chịu không nổi sức ép trong lòng trái đất thì ôi thôi, ai tai chúng ta có trứng ốp la sơi mệt nghỉ trong ngày lể Valentine.
Bài viết cháu hay và có đầy đủ chi tiết rất thú vị. Lâu lắm chú muốn đi công viên Yellowstone nhưng chưa có cơ hội.
Chúc cháu và gia đình nhiều hạnh phúc.
Chú Sáu
Tri ân tác giả vô cùng về hồi ký , hình ảnh ghi lại chuyến đi có một o hai này . Lòng luôn muốn khám phá nên bút ký này lại khêu gợi mãnh liệt . Sẽ kêu gọi con cái cho mình đi tháp tùng một chuyến dối già .