Hôm nay,  

Hương Xuân Gợi Nhớ

11/02/201800:00:00(Xem: 10684)

 

Tác giả: Orchid Thanh Lê

Bài số 5309-19-31155-vb8021218

 

Báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất đang phát hành. Đã cúng ông táo xong, mời đọc bài viết của Orchid Thanh Lê, trích từ báo xuân. Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài gòn. Hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ,  Monterey, Calif. 

 

***

 

Chuyện cũ rích những tưởng đã lên men theo thời gian. Đôi điều bâng quơ về bụi cây ngọn cỏ. Mấy chuyện đất trời nghe đi nghe lại. Bà hàng xóm kể hoài vậy mà ông nghe không chán. Mọi thứ đã không chênh vênh, lạc điệu trong hồn ông nếu bà đã không ngập ngừng ướm lời:

- Năm nay tôi về Việt Nam ăn Tết, ông ạ!

Ông nghe chút gì ngỡ ngàng. Hụt hẫng.

- Bà “về” hay bà “đi” Việt Nam ăn Tết? Nói lại tôi nghe xem.

Cảm thấy giọng nói ông nhuốm vẻ căn vặn, bà hàng xóm đấu dịu:

- Ừ thì “đi”! Gớm ông sao mà...

Bà bỏ lửng câu nói. Giây lâu, bà tiếp:

- Tôi chỉ muốn một lần ăn Tết dối già ở Việt Nam, thế thôi!

Ông ngó lung ra khung cửa sổ, lặng yên. Tết ở ngay trước mắt đây mà, sao ai đó cứ nghĩ xa xôi mà không biết trân quý những gì gần gũi nhất. Chẳng thà như ông, không vợ không con là một lẽ, đằng này nơi đây bà có hai đứa con lập gia đình ra riêng mà lại chọn ăn Tết ở Việt Nam với gia đình đứa cháu gọi bằng cô. Thế mới lạ!

Nhớ hồi lâu bà kể thoáng ông nghe, có con mà như không có. Gia đình các con năm nào cũng đi du lịch mùa Giáng Sinh nên không còn thì giờ ăn Tết Nguyên Đán với mẹ và cũng chẳng có ý định đón mẹ về nhà chúng dịp này trong khi chúng bận đi làm đi học; chi bằng khi đôi chân bà còn khỏe thì làm một chuyến ăn Tết ở Việt Nam sau bao năm xa cách, may ra còn ý nghĩa.

Thì ra Tết thầm lặng tố cáo thói vô tâm hời hợt mà ngày thường người đối đãi với người. Nếu không ở trong tâm thế đón Tết thì con người ta sẽ không nhận ra là Tết đang về nữa. Nhưng còn bà không muốn ở đây vui Tết với ông sao? Mối giao hảo hàng xóm giữa người lớn tuổi đậm đà theo thời gian. Giúp đỡ nhau chuyện lặt vặt. Thắc thỏm chiều hôm. Nói lời quan tâm nhau. Cái tình già là vậy.

Lần này câu ông hỏi đã không được bà hàng xóm trả lời, bởi bà e ông chạnh lòng. Các con thỉnh thoảng đến thăm mẹ, thấy ông có phần chăm chút mẹ chúng nên nói xa nói gần: “Không lẽ bao nhiêu năm qua bố mất sớm, mẹ giữ được tiếng thơm mà giờ lại không đủ bản lĩnh để sống

một mình?” Bọn trẻ chưa nhận ra rằng ở tuổi xế

chiều, con người ta cần có một người bạn chia sẻ những vui buồn, cùng chăm sóc nhau và dắt nhau qua phần đời còn lại vốn đã không còn nhiều ở phía trước. Đó cũng là lúc tuổi già phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe cùng với sự cô đơn khi con cái đã trưởng thành, bước ra khỏi nhà cha mẹ để hội nhập xã hội. Bọn trẻ bây giờ yêu nhau cuồng nhiệt nhưng chắc gì chúng sẽ song hành với nhau đến tận cùng trời đất? Cái tình cái nghĩa người già đối với nhau không sôi nổi nóng vội như bọn trẻ nhưng vẫn cần thiết và quan trọng. Nhưng nếu chẳng may người mẹ ốm đau lâu ngày, thì liệu những đứa con đang ngụy biện cho thói ích kỷ và vô tâm đó sẽ là người chăm sóc mẹ chúng chăng? Gạt bỏ mọi tư lự, bà xem đó là cái nợ đồng lần, trước sau rồi các con bà cũng phải trải qua. 

Cảm giác như Tết ở xứ người đang phai nhạt trong suy nghĩ của bà hàng xóm, ông hỏi dỗi:

- Bà đã chuẩn bị tinh thần đối phó với “hải quan sân bay” bằng cách ép tờ mười, hai mươi Mỹ kim vào sổ thông hành để qua truông chưa?

- Ông nói quá. Tôi mang tiền bạc nhiều nhặn gì cho cam nên chúng nó muốn lấy cũng chẳng được.

- Vậy bà đã bỏ vào va-ly thuốc tiêu chảy để giải quyết nạn thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm?

- Vẫn phải dự phòng các thứ, ông ạ!

- Ấy là chưa nói đến bị ăn cắp, giật đồ mà bà lại hay lóng nga lóng ngóng...

Dù ông có nói ra cách mấy đi nữa thì bà hàng xóm vẫn chọn ăn Tết ở Việt Nam. Dĩ nhiên đối với mỗi người Việt tha hương, ai cũng có lý do rất riêng để ăn Tết ngay tại xứ người hay bằng mọi cách phải trở lại quê nhà đón giao thừa. Cứ nơi nào cho họ cảm giác ấm áp, tình gia đình, thì Tết ở nơi đó có ý nghĩa. Còn riêng với ông, ngày nào bình an, ngày đó là Tết.

Trước ngày đi, bà hàng xóm khệ nệ đem qua ông chậu lan kiếm Trần Mộng nhờ chăm sóc. Đưa tay đón chậu lan, ông lẩm bẩm nhắc lại cái tên độc đáo của chậu lan kiếm.

- Thường thì lan được đặt tên theo hình dáng của hoa, lá, hương thơm, mầu sắc, hay điển tích, ông ạ!

- Ắt hẳn lan kiếm Trần Mộng bắt nguồn từ một huyền thoại ly kỳ nào đó?

- Đích thực là vậy. Vua Trần Anh Tông, người chủ xướng “Ngũ Bách Lan Viên” (vườn 500 loại lan) của ngự uyển, một đêm nằm mộng thấy ngài đang chiêm ngưỡng một loài địa lan kiếm: hoa màu hồng tía, đẹp và thơm dịu. Tỉnh giấc, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ diệu thay, trong ngày hôm đó, có người mang tiến vua một chậu địa lan kiếm như ngài đã từng gặp trong giấc mộng. Chính cái ảo ảo thực thực đan xen trong sự kết hợp hài hoà giữa cái đẹp tự nhiên của lan với “cái thần” thấm sâu vào hồn làm cho loài lan kiếm đó được mang tên giấc mộng của vua Trần.

Lắng nghe câu chuyện bà kể, ông mơ màng ngắm chậu địa lan kiếm Trần Mộng, như tên đặt huyền thoại, mang đậm hơi thở của sự cao quý, vương giả cùng với cốt cách bồng lai tiên cảnh: hương thanh khi gần khi xa, man mác huyền hoặc, tạo cho người thưởng ngoạn cảm giác bay bổng theo mây trời non nước. Lòng ông ngây ngất với mùi hương thiên nhiên ban tặng, mùi hương đã từng rón rén len trong giấc ngủ hoàng cung.

Tiếng bà vang lên khiến ông quay về thực tại:

- Ơ hay! Ông thưởng thức hương lan thế sao? Ai lại kê sát mũi vào hoa mà hít thật sâu, thật mạnh thế kia!

Ra là vậy. Chiêm ngưỡng lan cần có tâm hồn thư thái, ngồi lâu để thấm thía: sắc nhã, hương dịu, dáng thanh. Ông còn được nhắc rằng người Á Đông không bao giờ cắt cành địa lan kiếm để cắm lọ. Tháng Chín phân lan. Tháng Chạp ngắm lan hàm tiếu. Tháng Giêng thưởng ngoạn lan mãn khai.

Nhớ lời bà dặn phải tránh các luồng gió mạnh, ông chọn đặt chậu lan ở góc khuất nơi chỉ nhận ánh nắng khiêm tốn. Bà còn nhắc ông rằng lan là loài cây “bán âm, bán dương” không thể chịu hạn hoặc chịu úng nên phải chịu khó tưới lan dưới dạng sương để có độ ẩm thiên nhiên.

Mới đó mà bà đi đã mươi ngày, để lại những ngày giáp Tết co ro trong hơi thở lạnh lẽo của đất trời. Gặp đợt rét, không gian chìm trong làn hơi nước đục mờ như khói giăng rồi biến thành những hạt mưa li ti ôm choàng vạn vật. Năm nay rét đậm. Ông ủ làn hơi rét giữa hai lòng bàn tay, đôi chân chậm bước đến phố xá nơi người người nói cười. Trời lạnh luôn mang đến cảm giác nhớ nhung đâu đó trong tâm hồn người xa xứ. Thực ra đó cũng là cảm giác của ký ức. Hoài niệm về bà cứ lai vãng chực hờ khuấy động điều ông gắng không nghĩ đến.

Vào những ngày này, chợ chồm hỗm được nhóm tạm dọc theo hành lang một trung tâm buôn bán của người Việt xa xứ. Đồng hương chở đến vài thứ trồng từ vườn nhà hoặc bánh, mứt tự làm đem bán góp vui. Có cô bán hàng đon đả mời ông mua lấy may một chậu sành nhỏ chèn chặt bó cây Thần Tài. Ông lắc đầu từ chối. Cô đành xin ông vỗ nhẹ vào vai cô gọi là lấy khước kháo nhằm xua đi cái không may của đầu ngày mở hàng. Ai lại làm thế với cô bắc kỳ không nhỏ, nhất là ở xứ Mỹ này khi cái chạm tay vô tình vào người phụ nữ xa lạ có thể gây khốn khổ cho cuộc đời người đàn ông. Ông đành chọn một chậu cây giả khóm:

- Để tôi mua mở hàng chậu cây này vậy.

- Vâng, ông quả tinh mắt nên đã chọn đúng. Loại địa lan vòi này sẽ nở những dải hoa trắng bé xinh, thưa ông!

Trả tiền cho cô bán hàng, ông ậm ừ:

- Đây chỉ là cây lược vàng mà dân gian thường sử dụng làm thuốc.

Lấy cớ mua cây lược vàng chẳng qua chạnh nhớ đến bà. Mới hôm nào bà tráng bánh cuốn mời ông ghé sang ăn, ông vội vàng dặn bà đừng mua tôm vì tủ lạnh bên ông đã có sẵn; còn mớ hẹ tươi xanh trong cái chậu con đặt trước bệ cửa sổ phòng ông cũng sẵn sàng cho bà cuốn bánh tráng. Bà nghe rồi cười tủm tỉm, nói từ trước đến giờ bà chỉ “tráng bánh cuốn” mời ông ăn vậy mà ông lại nói nhịu thành “cuốn bánh tráng” để rồi nhớ in trong đầu! Vả lại, răng của ông liệu còn khỏe để nhai cả cuốn bánh tráng chăng? Ông nghe rồi ngẩn người, đành cười chữa thẹn mà nói lảng sang chuyện khác:

- “Bộ nhá” mà có vấn đề thì mệt lắm, bà ạ. Mới hôm nọ, một chiếc răng hàm của tôi lung lay và đau nhức. Người bạn già cho tôi dăm lá cây lược vàng ngâm rượu, ngậm mỗi ngày. Tôi làm theo, thấy răng đã chắc lại, nghĩ tưởng thế là yên ổn, nhưng ai ngờ được là nó lại dở chứng. Sau khi khám răng cho tôi thì cô nha sĩ nói: “Các răng khác mà bác bảo nhổ đi thì cháu quyết giữ lại, riêng cái này mà bác bảo giữ lại thì cháu quyết nhổ. Nó không còn tác dụng gì nữa rồi!” Tôi cười: “Kể cả tôi bây giờ cũng đâu còn tác dụng. Thôi nhổ tôi luôn ra khỏi thế giới này cho rảnh!” Thế rồi cô nha sĩ tiêm thuốc tê, cho kìm vào, và “ngoéo một cái” rồi đưa ngay cho tôi xem chiếc răng mới nhổ. Giờ thì một chiếc răng khác cũng lại đang trong tình trạng như vậy. Có lẽ cũng phải cho “đi” thôi. Càng sống càng thấy thấm. 

Tuổi thất tuần, răng rụng vài ba chiếc. Sợi bạc rơi đầy hai vai. Mắt chuyển mờ, tai trở điếc. Biết còn gì ở ngày mai?

Nay đứng bâng khuâng giữa chợ Tết xứ người, ông như thấy mình như đang nợ một buổi chợ Tết để đỡ trên tay mẹ bó lá dong, con gà béo, mấy cân gạo nếp, cáng thay bố một buổi dọn bàn thờ, quét vôi nhà cửa đón năm mới. Ông đâm mâu thuẫn tự hỏi sao con người ta thời đại này mỗi ngày thường sống với cảm xúc của ngày hôm qua. Mới hôm nào đây ông còn cằn nhằn bà vương vấn Tết xưa chẳng qua cũng là hoài cổ về nét văn hóa của một thời mà thôi. Ấy thế mà chính ông có ngày nào quên được đâu?

Lãng đãng ngoài trời dẫn đến chơi vơi trong lòng. Nhớ gần. Nhớ xa. Hẳn giờ này bên đó đang sáng ngày đầu năm. Hẳn bà thức sớm pha trà bày bánh mứt đốt nhang thơm mời tổ tiên thưởng thức. Hẳn bà đang ngồi trước đám cháu chúc Tết ríu rít và mừng tuổi cho chúng với những phong bao.

Lững thững quay trở về dãy nhà người lớn tuổi khi ánh nắng muộn của buổi chiều cuối năm còn bịn rịn bên chậu lan kiếm Trần Mộng, ông đứng lặng bên chậu địa lan tán tròn có những đóa hoa vươn lả lướt vượt khỏi đám lá dài màu lục biếc. Nghe nỗi nhớ nhung rươn rướn trong từng búp lan, ông mường tượng đến dáng dấp bà lom khom chăm sóc tỉ mỉ từng nụ xuân hồng. Không gian trống vắng chỉ còn lại nỗi niềm ủ ê trong tâm tưởng của một người đã từng trải qua những quãng đường đời không bằng phẳng. Giá thời trẻ ông đã nghĩ riêng cho bản thân một mái ấm, giá ông không phải lận đận vì thời cuộc, và giá ông khởi sự cuộc sống mới nơi xứ người ở độ tuổi không quá trễ tràng thì giờ đây niềm cô quạnh đã không lấn chiếm hồn già. 

Bỗng man mác một thứ hương rất mộc mạc trong gió thoang thoảng. Ông bàng hoàng, ngơ ngác nhìn quanh. Đích thực là hương mùi già, dân gian thường gọi là ngò rí. Phải là loại đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía để khi đun lên với nước thì hương mới giữ lâu. Mùi già thân thảo càng khô càng thơm. Mùi già ngày xưa chỉ bán trong những buổi chợ cuối năm và đầu năm mới. Bây giờ thì có ai bán thứ lá ấy trong chợ Tết quê người nữa đâu.  

Người xa quê lâu ngày như ông sững sờ như gặp lại một điều gì thân thuộc. Hương mùi già thì thầm nhắc nhớ ký ức Tết trỗi dậy: ngày cuối cùng của năm cũ, người chị cả thường nấu một nồi nước thật lớn, bỏ mấy bó mùi già đã rửa sạch vào để làm nước tắm cho cả nhà. Tục tắm tất niên bằng hương lá mùi già hàm ý tẩy trần những nhỏ nhen tầm thường trong năm cũ, bước vào năm mới với tâm hồn nhẹ bay sáng láng. Mọi cái vận hạn đen đủi của năm cũ dường như được gột bỏ mà chỉ còn giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái. Khắp nhà còn phảng phất mùi hương dìu dịu trong những ngày đầu năm.

Chiều nay ai đã nấu nồi mùi già để lòng ông bồn chồn chi lạ. Bà về đấy ư? Có lẽ nào bà đã quá bước đến rẻo đất nhỏ bên hông nhà để nhổ đám mùi già mà ông vẫn nhớ tưới? Không thể nào là vậy.

Dưng không có tiếng gõ cửa. Rồi tiếng bà gọi ông. Rồi bà vẫn nói chuyện như mọi lần. Rằng ông ơi tôi đã về đây, nghe tiếng mở khóa cửa bên ông là tôi vội sang ngay. Rằng chắc ông nghĩ rằng tôi đang hưởng Tết bên đó. Rằng vợ chồng đứa cháu với hai đứa con chúng chẳng để tôi sên mứt, gói bánh, mua dưa hấu đón Tết. Chúng bảo nếu như khách đến chúc Tết thì đã có sẵn bánh bích-qui và kẹo sô-cô-la ngoại quốc để mời đãi. Mà sẽ chẳng có khách nào ghé thăm tôi được vì chúng muốn tôi theo chúng đi du lịch nước ngoài để tránh những ngày Tết nóng như thiêu và ồn ào xe cộ người đông. Tôi về cốt để ăn Tết chứ nào phải. Ngỡ ngàng quá. Thôi thì chẳng thà tôi tốn thêm tiền, đổi vé máy bay về lại đây càng sớm càng tốt để mà không tủi.

Bà nói không ngừng nghỉ. Ông yên lặng lắng nghe như mọi lần mà lòng dấy niềm rộn ràng. Vậy là hoài niệm Tết của bà về những chảo mứt rim đường, những chiếc bánh chưng hay quả dưa hấu da căng bóng lưỡng để bày biện xem như đã cúng dường quá khứ. Ông hỏi khẽ bà:

- Thế tôi bưng chậu lan kiếm Trần Mộng gửi lại bà trước giờ giao thừa nhé?

- Vậy thì hay quá! Phần tôi cũng sẽ đem nồi mùi già tất niên sang cho ông ngay.

Ngày cuối cùng của năm cũ đang được đếm ngược. Đêm nay có hai mái đầu bạc cùng thưởng thức hương xuân giao nhau một khắc để thừa cả năm.

Orchid Thanh Lê

 

Ý kiến bạn đọc
12/02/201821:37:41
Khách
Ôi! Một bài viết thật là hay và đúng như tựa đề - gợi nhớ biết bao hương vị/hương sắc đặc biệt của mùa xuân. Có lẽ là vì tên tiếng Việt của tác giả cũng có chữ "Hương" nên chị đã có những cảm nhận vô cùng tinh tế về một "phạm trù" hao tốn biết bao tâm tư và tim óc của người thưởng xuân thế này chăng?

Rất thích thú khi gói gọn trong một bài viết mà chị lại có thể giới thiệu đến người đọc bao nhiêu là huyền thoại về các loại lan hiếm quý, các loại thảo dược, và những tập tục đáng yêu của cái Tết cổ truyền ta. Thích thú với câu nói nhịu "tráng bánh cuốn" thành ra "cuốn bánh tráng" của ông lão. Thích thú với sự cảm thông sâu xa dành cho sự cô đơn và khao khát có được những mối tình già bầu bạn vào phần cuối con đường đời.

Tuy nhiên, người đọc cũng không khỏi xót xa nghèn nghẹn khi thấy những giá trị tốt đẹp của cái Tết cổ truyền giờ đã bị phôi pha theo cuộc sống vội vã, hiện đại hoá, trào lưu hoá nơi quê Việt.

Mến chúc chị cùng quý quyến một năm mới dồi dào sức khoẻ và sự may lành và vô cùng cảm ơn chị đã cho độc giả được gặp lại một thoáng hương xưa quý của nền văn hoá Việt. Thật đúng là "thưởng thức hương xuân GIAO nhau một khắc để THỪA cả năm". Đa tạ!
11/02/201823:31:12
Khách
I always love to read your story. I like the happy endings of this story. You inspire me to write, though I don't write more than 1 page, but I tried, and keep trying. Thank you.
11/02/201819:50:20
Khách
Chào cháu Orchid,
Bài viết này hay lắm. Khá lâu (hơn một năm) không thấy bài viết mới của cháu nữa. Hy vọng cháu sẽ tiếp tục viết thêm.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.
Chú Sáu
11/02/201816:23:13
Khách
Bài viết nhắc tết nhẹ nhàng và ý nhị như phong cách người viết.
11/02/201812:15:54
Khách
Cảm ơn Orchid với một bài viết cuối năm thấm thía như dư vị hớp trà đầu ngày, có sự nhẫn đắng lan toả ra vị ngọt của nhân sinh...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,655,503
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Giải thưởng trị giá $1000. Các bài dự giải sẽ được chọn đăng trên mục Viết Về Nước Mỹ và in trong sách Viết Về Nước Mỹ, 2018.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.