Hôm nay,  

Gặp Lại Ở Houston 2017

08/12/201700:00:00(Xem: 12575)
Tác giả: Đoàn Thị

Bài số 5284-19-31130-vb5120617

 
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.

 
***
 

Sau ba ngày du sơn du thủy Las Vegas, chàng chọn chuyến bay đêm đến Houston sáng thứ bảy 14 tháng 10 cho kịp buổi họp mặt Cựu Sinh Viên Phú Thọ niên khoá 1974, gồm có tất cả các ban ngành như Công Chánh, Cầu Đường, Thủy Lợi, Hóa Học, Cơ Khí, Điện Tử...

11 giờ đêm chúng tôi có mặt ở phi trường Mc Carran cho chuyến bay cất cánh lúc 1 giờ sáng, tưởng đêm khuya không ai ham vui đi chơi như mình không ngờ phi trường không hề vắng vẻ.

Sau khi trình giấy chuyến bay, bước qua hàng rào an ninh cô Mễ trẻ giữ lại lọ kem tẩy trang của tôi vì kích thước lớn hơn quy định.

Ba mươi phút sau hai đứa tôi an vị trước quầy chuyến bay 634 United Airlines, tôi ngáp đến sái quay hàm vì giờ ngủ đến rồi mà máy bay chưa cất cánh.

Vào cửa phi cơ, tiếp viên chào «good morning», tôi giật mình đã sáng bảnh ra mà mình chưa chợp mắt, ngày mai chắc chắn thiên hạ sẽ phát hoảng trông thấy hai đứa tôi tiều tụy như vừa đi lao động CS mới về.

Sáu giờ sáng phi cơ hạ cánh, chàng liên lạc với Lê Thanh Triều ban Công Chánh với chàng, hẹn gặp nhau tại exit Terminal C, «Đi cho biết đó biết đây, đi rồi không biết Exit C phi trường G. Bush mờ mờ nơi mô».

Đi bộ miệt mài gần hai mươi phút, chàng nghe phone anh Triều chỉ dẫn hướng đi ra chỗ anh đậu xe, đang mò mẫm, anh Bổn ở Canada (Thủy Lợi) xuất hiện như vị cứu tinh đi về phía chúng tôi, chàng tắt phone và chợt thấy anh Triều ngồi trong xe cách đó không xa.

Xe trực chỉ khách sạn Hilton Garden Inn khoảng 7 giờ 30, chưa đến giờ nhận phòng, chúng tôi mang vali  lên phòng anh Bổn ở trọ đến trưa, tôi có dịp trò chuyện với Hà bà xã anh.

Sau vài câu thăm hỏi, tôi than thở lọ kem tẩy trang bị tịch thu ngoài phi trường, chuyến này tôi sẽ biến thành «Thị Nở», định nhờ Hà dẫn đi mua lọ kem khác.

Chưa kịp mở lời Hà phán một câu nghe mát rượi tâm can :

-  Bà đừng lo, tui có hai ống kem sẽ tặng bà một ống.

Năm 2014 Hội Ngộ Phú Thọ 74 tại Toronto, Hà từng nói một câu như rứa khi tôi mở lời mượn máy quấn tóc vì Canada , Mỹ… dùng điện 110v, Pháp 220v, chẳng những cho mượn mà Hà tặng luôn máy quấn tóc.

Tính Hà vậy đó, ai từng quen biết Hà đều có nhận xét giống tôi, tuy ít nói nhưng Hà rất tình cảm, tiếp đón bạn bè của chồng thật chu đáo, đi đến nhà ai đều chui vào bếp phụ chủ nhà hết lòng.

Cho hành lý vào phòng anh Bổn, chúng tôi xuống sảnh khách sạn, tới giờ nghiện tôi làm một ly «cà phê nước giảo» cho tỉnh ngủ và anh Triều giới thiệu bà xã Nguyên Anh, cô em nhỏ hơn tôi sáu tuổi dân trường Tây, cựu học sinh Blaise Pascal Đà Nẵng, tôi học Saint Paul Sàigòn.

Sảnh khách sạn có sẳng nhóm Canada Trân bà xã  Lê Minh, anh Vũ Ngọc Toàn, anh Hoàng Hữu Lâm, anh Tô Công Hiệp biệt danh «Tô công tử» bên Cơ Khí.

Không khí nhộn nhịp hẳn lên khi các «nàng dâu của Phú Thọ » lần lượt xuất hiện, mấy chị đến từ VN và Mỹ tôi mù tịt, nhưng không sao trước lạ sau quen.

Các chị mới quen còn e ngại chứ các anh tay bắt mặt mừng mày tao túy lúy, giời ạ, các anh có người lên chức Nội Ngoại từ lâu nhưng không tài nào chững chạc được.

Ông nội ông ngoại gì thì mày cũng là thằng bạn cũ, mấy anh nhắc lại thời SV tha hồ « văn tục » mà tình bạn vẫn thanh tao trong sáng như thuở chưa đứa nào thành đại gia có tiền rủng rỉnh như bây giờ.

Quan quân gần đủ số các anh rủ nhau đi ăn sáng, mấy chiếc xe trực chỉ tiệm phở Điện trên đường Bel Air, tôi ngồi chung bàn với Hà, Trân, Nguyên Anh, chị Hương (vợ anh Nguyễn Thanh Lâm) và vài chị nữa tôi không nhớ tên.

Nghe nói quán này ngon, dù nghiện phở tôi hơi ngại vì tô phở ở Little Sàigòn tôi thưởng thức tuần trước có quá nhiều bột ngọt làm cổ họng rát bỏng, nhưng đã vào quán đành liều mạng, tôi gọi tô tái gân nhỏ cho chắc ăn.

Trở về khách sạn Hilton, hai đứa tôi nhận phòng thay quần áo, trở xuống sản nghe nói Pha bà xã anh Hoàng Hữu Lâm sụt gần một trăm Pounds, đang tập trong phòng Gym.

Tôi đi tìm Pha, bữa ni nàng trẻ hẳn, dáng thon hơn trước, nhìn người mà ngán ngẫm cho mình, tuần trước ở Cali tôi dự mấy bữa tiệc thịnh soạn suýt chui không lọt vào quần tây.

Lên Las Vegas tôi ăn gần hết rau lang và rau muống vườn nhà chị tôi mà vẫn không giảm cân vì mấy cái tiệc Ta tiệc Tây tại chỗ quá hấp dẫn.

Đang nói chuyện với Pha, mọi người rủ nhau đến nhà anh Nguyễn Thế Hùng chủ xị Réunion 2017 tại Houston, ăn bún riêu, tôi hẹn gặp nàng chiều này.

Đến nhà anh Thế Hùng gặp thêm một số anh chị như chị Thanh bà xã anh Phạm Phi Hùng (Công Chánh) tôi từng nghe tên nhưng chưa biết mặt.

Hà (Bổn), chị Hương, chị Thanh và tôi phụ Đào bà xã anh Thế Hùng chuẩn bị mấy chục tô bún riêu, tôi còn một bụng phở không ăn nổi dù nồi bún riêu thơm lừng.

Cuối cùng chị Hương rủ tôi ăn thử cho biết, tôi làm đại một tô nhỏ xíu mà lo chiều này chui không lọt vào chiếc áo dài, bộ đồ bảnh đi dạ tiệc của tôi.

Tôi kỵ áo đầm vì một lần mặc chiếc áo đầm khá ưng ý trong bữa tiệc cuốn năm do hãng tôi tổ chức, một bà khách tưởng tôi là « Chinese » nên hỏi đủ thứ về xứ Tàu.

Tự ái dân tộc nổi lên như sóng thần, tôi đính chính ngay:

- Xin lỗi bà tôi là người Việt Nam.

Bà cười vui vẻ phân trần:

- Cảm ơn bà xác định gốc tích của bà, rất tiếc tôi không thể phân biệt người Á Châu như Việt, Miên, Lào, Thái, Trung Hoa… hơi giống nhau, người Ấn Độ nước da đậm hơn và họ mặc Sari quốc phục rất dễ nhận diện.

Từ đó để không bị lẫn lộn với phụ nữ các nước láng giềng tôi chọn chiếc áo dài truyền thống, một công đôi việc như lời khuyên của ông bà ta, “xấu che, tốt khoe.”

Đã ngoài sáu mươi, phụ nữ chúng mình ít ai giữ được vóc dáng thướt tha thuở đôi mươi, chân đã ngắn người cứ phát triển chiều ngang vô tội vạ, mình nhìn mình còn chóng mặt, chàng không phát rét, không la làng mới lạ.

Chiếc áo dài một mảnh từ trên xuống tới chân sẽ không cắt đôi chiều cao vốn khiêm tốn của chúng ta, có thể che chắn ba vòng không cân đối khi tuổi gìa sồng sộc đến.

Từ nhà anh Thế Hùng trở về KS Hilton, anh Hoàng Hữu Lâm cầm lái, Nguyên Anh (bà xã anh Triều) ngồi ghế bên cạnh vì sợ say sóng, may thay cô em bình yên vô sự chỉ có anh Lâm say xe làm răng mà lái mãi vẫn lạc lối, phải U Turn đến lần thứ ba mới đi đúng đường.

Cả đám hú hồn sợ anh Lâm lái tới tối vẫn chưa đến nơi, anh Lê Minh hỏi làm răng mà anh Lâm ngồi bên cạnh người đẹp bị lạc lối, anh Lâm lơ lững phân trần, anh đồng cảm với Nguyên Anh, đồng cảm cái chi mạnh ai nấy hiểu.

Về đến khách sạn tôi chạy ù lên phòng tắm, gội đầu sấy tóc, ủi bộ áo dài… trong vòng 45 phút, đúng là chạy đua với thời gian dù cơn buồn ngủ kéo đến khiến tôi vật vờ như người say sóng.

Cũng tại cái tật ham vui quá độ, tối hôm qua trắng đêm trên máy bay, một ngày dài hơn 24 giờ là vậy, đã thế đến Houston ai rủ đâu đi đó ham vui đàn đúm với anh chị Toronto và dân địa phương bi chừ mới ra nông nổi.

Gần đến giờ dự tiệc Hội Ngộ Phú Thọ, mọi người từ các phòng đổ xuống sảnh khách sạn, ai cũng lên bộ vía nên thiên hạ rủ nhau chụp hình,

Hơn bốn giờ chiều anh Hoàng Mịch Đại chở chúng tôi đến dự Réunion, Thủy bà xã của anh đi dự Party riêng nên không đến dự tiệc với chúng tôi, tuy nhiên sau đó Thủy ghé qua nhà hàng để chụp hình với mọi người .

Cạnh cửa vào phòng tiệc bên phải là bàn phát bản tên, mũ áo mang logo ĐH Kỹ Thuật Phú Thọ do chị Đào bà xã anh Thế Hùng phụ trách.

Đối diện bàn phát mũ áo Phú Thọ là bàn khai vị tự chọn như dưa hấu, dứa, táo…, đậu phụng, hạt dẻ, hạt điều, bánh bít quy mặn, phô mai « Con bò cười » (La vache qui rit) Pháp xuất khẩu ra hải ngoại nên không bùi béo như  con bò chính hiệu, rượu đỏ, rượu vàng, nước ngọt…

Đặc biệt năm nay có sự tham gia khóa đàng anh niên khóa 72 các anh Nguyễn Văn Bé và Trang Thanh Phương Công Chánh, khóa đàng em, anh Trần Minh Kỳ Cầu Đường niên khoá 75.

Lần nay có khoảng ba trăm người gồm phu nhân và phu quân cựu SV Phú Thọ khoá 74 đến từ VN, Úc, Canada, hai đứa tôi từ Paris và các bạn Nam Bắc Cali, Oregon, Luoisiana, Arizona…

Phòng tiệc nhốn nháo cảnh các bạn tìm nhau sau vài thập niên chưa gặp mặt, tay bắt mặt mừng chúng mình chụp « một bô » làm kỷ niệm, cứ thế mà chàng lúc ẩn lúc hiện trong đám đông.

Chúng tôi được xếp ngồi bàn số 9 cùng với Hà và anh Bổn, Ngọc Dung (Công Chánh) và ông xã với vài cặp khác tôi không biết tên vì họ không trong lớp Công Chánh 74 của chàng (ACC).

Trong lúc chờ đợi cơm tối tôi lấy hạt điều, hạt dẻ, vài miếng phô mai, rượu nhâm nhi với Hà, chúng tôi nhăng cuội tán chuyện, Hà bật mí, lần này Hà dự tiệc vì bị con gái « gài độ », con bé bảo sẽ cùng đi với ba mẹ, giờ cuối rút êm vì nó biết tính Hà không thích chốn đông người.

Bên cạnh tôi, Ngọc Dung « hoa lạc giữa rừng gươm » Phú Thọ 74 và cũng là một cây viết quen thuộc của Phú Thọ, chúng tôi bắt chuyện với nhau thật tự nhiên vì cùng là dân « cầm bút » như nhau, và đặc biệt hơn là chiều nay duy chỉ có ND và tôi mặc áo dài.

Nàng là ca sĩ của Phú Thọ và cũng là ca sĩ duy nhất mặc áo dài trong dạ tiệc, cảm ơn bạn đã tôn vinh chiếc áo truyền thống của phụ nữ VN.

Buổi tiệc bắt đầu với bài « đích cua » ngắn gọn của anh Nguyễn Thế Hùng, « Tha hương ngộ cố tri » phải có duyên mới gặp gỡ nhau ngày hôm nay cũng là lần đầu tiên Hoa Kỳ đăng cai buổi hội ngộ này.

Suốt bữa tiệc thiên hạ tiếp tục chụp hình, xen kẽ vài trò chơi có thưởng của BTC và một số ca sĩ Phú Thọ phục vụ bạn bè, tiệc chưa tàn chúng tôi rút lui vì sáng mai sẽ đi San Antonio với vợ chồng anh Đại.

Tạm biệt phái đoàn Toronto, anh chị Bổn, Lê Minh, Hoàng Hữu Lâm và anh Vũ Ngọc Toàn mà tôi có dịp quen biết nhân Réunion 2014, hẹn gặp lại anh chị năm sau nếu hai đứa tôi sang Montréal thăm thằng út.

Cảm ơn anh Nguyễn Thế Hùng và BTC đã bỏ công sức chuẩn bị cho Réunion 2017 tại Houston để các bạn cựu sinh viên Phú Thọ 74 có dịp gặp gỡ hàn huyên.

 

*

Sáng thứ hai 16 tháng 10, bốn đứa tôi thức sớm, sáu giờ sáng xe chúng tôi rời San Antonio trực chỉ phi trường G. Bush để anh Đại trả xe cho hãng Thrifty và đón xe Uber đi Galveston.

Gần đến Galveston anh Thế Hùng gọi phone báo đã lên tàu và nhận phòng với một số anh chị đến trước chúng tôi.

Hơn 14 giờ chúng tôi trình giấy vào cổng, vì chưa đăng nhập trên trang mạng của Carnival Valor nên chúng tôi phải làm thêm thủ tục khai lý lịch ngay tại quầy đặc biệt trước khi lên tàu.

Sau đây, lai rai chuyện “Năm Ngày Lênh Đênh trên Carnival Valor”

 

Ngày Thứ Nhất

 

Sau khi nhận phòng ở tầng 8, chúng tôi tìm gặp anh Đại và Thủy rồi lên boong tàu chờ đến giờ tàu nhổ neo trực chỉ xứ Mễ giã từ thành phố Galveston.

Ngày đầu lên tàu ai cũng xuống phòng ăn tự chọn ở tầng 9 đi một vòng khám điền thổ, thực đơn có trái cây, thức ăn mặn ngọt đủ loại lạ mắt lạ miệng, cà phê nước giảo, sữa chocolat, nước trà, nước ngọt đủ loại, thứ nào ăn vào cũng phát tướng bé bự.

Chuyến này tôi vỡ kế hoạch, chắc chắn sẽ mang bầu…tâm sự của người tăng cân ngoài dự định, lỡ ăn chơi phải chơi tới bến, đành liều thân già ham vui.

Chiều cả nhóm Phú Thọ và thân hữu dùng cơm tối ở phòng Washington, hai đứa tôi đến sau 18 giờ nên ngồi bàn lẻ bốn người với anh Nguyễn Văn Kông bên Cơ Khí và bà xã của anh, chị Nancy.

Hai ông bắt chuyện với nhau, chúng tôi có duyên gặp gỡ nên chuyện trò thật tự nhiên, cung cách điềm đạm của chị Nancy bộc lộ cái tâm an nhiên không lao xao sự đời một khi chị chọn ăn chay trường và làm từ thiện ở VN.

Sau bữa cơm tối hai đứa tôi đi vòng quanh tàu, xem ca nhạc Country, đi vài vòng hai đứa tôi về phòng ngủ sớm sau hai ngày ăn chơi ở Houston và San Antonio đến quên ngủ.

 

Ngày Thứ Hai

 

Như đã hẹn trước với anh Đại Thủy, bữa sáng đầu tiên chúng tôi làm quen với bữa ăn sáng có đủ món từ ngọt đến mặn, nhìn hoa cả mắt mà chả có món nào hấp dẫn, tôi làm dĩa trái cây với ly cà phê nước giảo.

Rời phòng ăn sáng chúng tôi đi vài vòng trên boong tàu và theo anh Thế Hùng với nhóm Công Chánh xếp hàng mua vé ngày mai lấy thuyền máy đi chơi đảo khi tàu cặp bến Cosumel xứ Mễ, nhóm Cơ Khí, Điện, Hóa Học… đi bus dạo chơi thành phố với vợ chồng anh Đặng Minh (Hoá Học).

Trưa hôm đó cả nhóm dùng cơm tại phòng Washington tầng trệt, hai đứa tôi ngồi vào bàn tròn với một số anh chị khác. Anh hầu bàn vừa ghi thực đơn xong cho mọi người và đi vào bếp thì có một cặp đến muộn chưa kịp gọi thức ăn.

Anh hầu bàn sơ ý giao nhầm phần ăn của người đã đặt cơm cho cặp mới tới vào giờ chót, tội nghiệp cậu nhỏ bị khách khiếu nại cậu chạy xoắn đít và xin lỗi rối rít, dù cậu có lỗi chỉ một nửa.

Tôi thương cậu nhỏ vì cậu ở vị trí thấp nhất trong bàn ăn này nên cậu phải nhận luôn phần lỗi của khách để giữ việc làm của mình, tôi hơi thẹn vì dân mình chưa học được tiếng xin lỗi của xứ văn minh.

Như đã thông báo trước, chiều hôm nay mọi người phải mặc trang phục dạ tiệc, Formal dress, (Tenue de soirée) để chụp hình với Captain, thuyền trưởng.

Giờ cơm đến rồi, tôi diện áo dài vì đồ vía của tôi vỏn vẹn chỉ áo dài với áo dài, biết làm răng, nhưng ít nhất tôi cũng dám mặc bộ quốc phục có thể nói là độc nhất trên chuyến du thuyền này, chắc chắn đồ của tôi sẽ không đụng hàng với các bà các cô.

Vừa bước ra khỏi phòng hai nữ du khách Mỹ đi ngang tôi khen :

- Bà có bộ đồ lạ và đẹp mắt.

Tôi bèn đáp lời hai vị:

- Cảm ơn, đây là bộ quốc phục VN đó.

Hai cô cười vẫy tay chào, tôi cũng vẫy tay trả lễ cảm thấy vui trong lòng không vì lời khen kia mà hy vọng chiếc áo dài của tôi phần nào xóa bớt ác cảm trong lòng một số người Mỹ phản chiến, căm ghét chiến tranh VN không ưa dân tỵ nạn chúng ta.

Hôm nay anh Hải Đà (Công Chánh đến từ VN) mời hai đứa tôi ngồi chung bàn với anh và chị Mai bà xã anh, ai chứ anh thì tôi từng gặp trong chuyến du lịch Huế, Đà Nẵng sau Réunion năm 2009 ở Sàigòn.

Phải công nhận anh chị là một cặp của nhau, anh vui vẻ hoạt bát bao nhiêu chị dễ bắt chuyện thân thiện bấy nhiêu, lần đầu gặp chị năm 2014 bên Toronto chị chia sẻ chuyện gia đình con cái với chúng tôi như quen nhau từ thuở nào.

Chuyện chụp hình lưu niệm với thuyền trưởng, một thông lệ không thể thiếu trên bất cứ chuyến Cruise nào trên thế giới, nhưng tin chụp hình với Captain của Carnival Valor bữa ni là tin vịt cồ.

Thuyền trưởng tàng hình nơi mô mà du khách phải chụp hình ngoài mấy cái Studio giã chiến vừa dựng lên ở hành lang lầu 4 có đủ loại phong cảnh.

Hai đứa tôi chụp một số hình với Quang, phó nhòm người VN nhỏ hơn con trai tôi đến mườì tuổi.

Nhóc Quang tạo dáng cho hai đứa tôi thật lãng mạng, tình tứ và bồi thêm một câu :

- Cô là người duy nhất mặc áo dài trên chuyến Cruise này, nên cô chú phải chụp nhiều kiểu.

Tôi cười trừ, thương thằng nhỏ bôn ba xứ người kiếm sống, phải qua một văn phòng môi giới ở VN, may mà chỉ trả vài ngàn đô la chi phí, hy vọng Quang sẽ được gia hạn làm việc tiếp khi chấm dứt hợp đồng này.

Chụp hình xong hai đứa tôi đi “khám điền thổ” rồi lạc vào khu ca nhạc bỏ túi của hai nhạc sĩ vừa đàn vừa hát cho các anh chị khoa Cơ Khí, Điện, Hóa Học nhảy nhót làm sinh động một góc Casino.

Trước khi rút lui, nhóm Phú Thọ mượn đàn synthese để anh Thiết (Cơ khí) đánh cho một anh hát bài « 60 năm cuộc đời », đám Phú Thọ kéo nhau ra sàn nhảy Twist và tiếp tục với một bài do bà xã của anh hát.

Du khách Mỹ đi ngang trố mắt nhìn đám Mít hát nhạc Ta nhảy điệu Tây rất nhuyển, nhìn họ nhảy tôi không ngờ đám sồn sồn sắp già trên dưới sáu mươi ca hát nhảy nhót không thua tụi trẻ.

 

Ngày Thứ Ba

 

Sáng nay tàu cặp bến Cozumel xứ Mễ, chúng tôi thức sớm ăn sáng rồi trở về phòng xách túi hành lý gọn nhẹ đi vòng vòng boong tàu chờ đến giờ tập trung như thông báo tại tầng zéro để vào đất liền.

Đến giờ G lại có thông báo mới, mọi người đứng ở tầng 3 chờ lệnh xuống tầng zéro vì việc chuẩn bị vào đất liền chưa hoàn tất.

Cảnh loạn lạc bắt đầu khi vợ chồng anh Đại lạc nhau tại nhà ăn, Thủy gặp chúng tôi ở tầng 3 bảo về phòng tìm anh Đại, mươi phút sau anh Đại nói vừa từ phòng lên đây mà không thấy Thủy, anh với hai đứa tôi đứng tại chỗ hy vọng chút nữa Thủy sẽ tìm thấy chúng tôi.

Không riêng vợ chồng anh Đại mà có khối người cũng lạc đàng mà không có cách chi liên lạc được với nhau vì không dùng được điện thoại trên tàu.

Cảnh nhốn nháo này làm tôi nhớ đến những ngày cuối tháng 4 năm 75, đường phố Sàigòn mạnh ai nấy chạy, đi đâu về đâu là câu hỏi lớn mà dân VNCH đang mò mẫm tìm kiếm trong tuyệt vọng khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng VC.

Tôi chạnh lòng nghĩ đến chín mươi triệu dân VN trong nước hiện nay cũng mang tâm trạng những ngày hấp hối của Sàigon bốn mươi hai năm trước, liệu VN có còn là VN hay sẽ trở thành chư hầu của Tàu cộng, câu trả lời do chính người trong nước quyết định cho tương lai con cháu họ.

Cuối cùng mọi người cũng ra khỏi tàu trong trật tự, anh Thế Hùng hẹn mọi người ngoài bến cảng.

Bên ngoài trời nắng chói chang, nóng hừng hực nhưng không vì thế mà thiên hạ bỏ qua mấy chục bô hình lấy du thuyền Carnival Valor làm nền.

Hai đứa tôi cũng không ngoại lệ, không chụp hình thì tiếc mà chụp dưới ánh mặt trời chói mắt thiệt là tội nghiệp cho cặp mắt nhăn nhíu và nụ cười nửa vời.

Nhóm Công Chánh xếp hàng trình diện ông Mễ phụ trách chuyến du ngoạn, mỗi người được đeo vào cổ tay chiếc vòng nhận diện màu xám đến Đảo Đam Mê (Island Passion).

Đến giờ lên thuyền máy anh Hải Đà vẫn chưa xuất hiện, ai đó bảo anh còn ở trên Carnival mua vé cho anh chị nào đó đổi ý vào phút chót muốn tháp tùng nhóm này đi đảo.

Thuyền gần rời bến, anh Hải Đà chạy suýt mất dép lên boong, thở hổn hển phân bua :

- Tui ở lại lo vé cho hắn đến phút cuối hắn lạc vợ không chịu lên bờ, tui đành bỏ hắn chạy thục mạng đến đây, ông Mễ không cho tui lên vì tui chưa trình giấy, cũng chưa có vòng nhận diện, hắn bắt tui ở lại đi chuyến sau. Tui lắc đầu bảo tui phải lên đây vì vợ tôi ở trên tàu rồi, tôi sẽ không để thuyền rời bến nếu tôi không đi chuyến này, thấy vẻ dứt khoát của tôi hắn đành đeo vòng này vào cổ tay tôi.

Anh làm thiên hạ cười một trận thoải thích.

Tàu cặp cầu cảng, thiên hạ thở phào nhẹ nhõm sau cảnh hoảng loạn trên tàu và chuyến hải hành ngắn mà thuyền chúng tôi đi trước đến sau vì một trong hai động cơ bị hỏng.

Tôi sung sướng tháo giầy đi chân đất từ cầu gỗ vào bãi cát mịn. Anh Đại, Thủy và hai đứa tôi chọn một bàn dưới bóng mát rồi vào nhà ăn lợp lá chọn thức ăn, so với tàu Carnival đồ ăn ở đây nghèo nàn và không ngon, chỉ có đu đủ là thứ tôi thích nhất nhưng số lượng không đủ cho mọi người thưởng thức.

Tôi lấy đại một dĩa dứa, dưa hấu, đu đủ, một chút thịt gà và vài bánh tráng bột ngô ăn chơi chứ không ăn thật vì thức ăn ở đây không hấp dẫn, nước uống toàn là nước trái cây pha sirô.

Bữa cơm trưa qua mau, chàng theo anh Thế Hùng đi chụp hình, tôi ở lại «giữ chùa».

Chị Nga vợ anh Khải Công Chánh (đến từ VN) ngồi bên cạnh bắt chuyện dễ dàng trơn tru dù chị với tôi mới quen mấy ngày nay, trước lạ sau quen là đây.

Chị có hai con gái, cô lớn sắp bể bầu, chị nôn một anh nôn mười, cháu ngoại là cháu mình không lẫn vào đâu được mà lại là cháu trai bảo sao anh không sốt ruột.

Tôi có hai con trai, thằng lớn tặng chúng tôi một cháu trai và cháu gái từ năm năm nay, tôi kể kinh nghiệm giữ cháu rồi mê cháu như kẻ tương tư làm chị cười ngất xen lẫn những cơn ho không dứt.

Chị và tôi nói chuyện với nhau suốt buổi vẫn chưa dứt, chúng tôi giống nhau ở tính dễ hòa đồng dù môi trường sống của chị và tôi hoàn toàn khác biệt.

Chàng đi chơi với bạn đã đời cuối cùng mang cho tôi một ly bia trước khi rời đảo dù chàng biết tôi là dân bợm, chàng của tôi thế đấy gặp bạn là quên béng vợ nhà, tôi không quen lao xao tìm chồng giữa chốn đông người nên chàng tha hồ rong chơi.

Ô hay mà sao phải giữ chồng cứng ngắt như rứa, chồng mình làm răng bỗng dưng biến thành chồng người khác mà lo, nhưng không phải ai cũng khéo léo, tinh tế, tỉnh táo khi ruột gan nháo nhào lo lắng vu vơ.

Đây kết quả rong chơi của chàng là đứng cạnh anh Thế Hùng nè, mà nếu chàng có đứng bên ai hoặc chụp hình với ai cũng bình thường thôi, lâu ngày gặp gỡ, một bô hình làm kỷ niệm sao lại bỏ qua.

Chưa hết đâu chàng còn chụp hình các anh chị tắm biển nữa, ba vòng số 8 hay chữ O tròn vo nhìn cũng đặng lắm, nói chung ai cũng tốt tướng khoẻ mạnh là number one rồi.

Giờ lên đường đã điểm, mọi người khăn gói xếp hàng chờ lên thuyền máy trở về điểm xuất phát, nếu lúc đến mọi người háo hức muốn khám phá hòn đảo bao nhiêu thì lúc về thiên hạ như đám tàn quân, mệt mỏi vì nắng nóng, thức ăn không « ăn tiền », đảo nhỏ nghèo nàn chả có gì để khám phá.

Đi cho biết đó biết đây, đi rồi mới biết Carnival ngon lành hơn chốn ni, về đến tàu hai đứa tôi lên phòng tắm gội và nghỉ mệt sau một buổi sáng bị hành hạ.

Lạ chưa mình tự đóng tiền để bị hành hạ như ri, trong trường hợp này có thể nói là chúng mình có thú đau thương tập thể đấy.

Sau buổi cơm chiều ở nhà hàng Washington, ban văn nghệ nhóm Cơ Khí, Điện… mời mọi người vào một phòng danh riêng thưởng thức tiết mục hát hò do ca sĩ cây nhà lá vườn giúp vui.

Ai hát cứ hát, mấy anh khui rượu tiếp tục cuộc vui, rượu ở bàn cơm còn có « mồi » để nhắm, ở đây uống rượu như uống nước, ai sao mình vậy, tôi làm hai cóc nhỏ, tối ngủ ngon như như con nít.

Ngày Thứ Tư

 

Hôm nay tàu ghé vào đảo Progreso - Yucatan, anh Đặng Minh đề nghị cùng anh Thế Hùng thuê xe đưa mọi người đi thăm đền đài Mayar rêu phong, sau đó sẽ đến Resort San Benito ăn trưa tắm biển.

Trong lúc chờ anh Minh và anh Thế Hùng đi tìm xe và ngã giá, mọi người dạo hàng quán chung quanh, vài chị mua nón rộng vành. Thủy dẫn chị Nga đi mua thuốc trụ sinh, thuốc ho, anh Đại cầm máy quay phim làm một vòng phóng sự như mọi khi.

Nhờ anh Đại chúng ta sẽ có một số phim tư liệu cho chuyến du hành này, hầu hết mọi sinh hoạt của nhóm được anh ghi hình mọi nơi mọi lúc khi anh có hứng.

 Anh Minh và anh Thế Hùng trở lại dẫn mọi người ra bến xe và chia ra ba nhóm lên xe vanne mỗi xe chở trên mười người.

Hai đứa tôi đi cùng xe với anh Đà, chị Mai, anh chị ngồi ghế « phụ xế » cạnh bác tài người Mễ không rành tiếng Anh, anh Đà chụp hình từng cột mốc xe đi qua, thông báo đoạn đường còn lại cho mọi người biết còn bao lâu mới đến nơi.

Thỉnh thoảng anh Đà sổ tiếng Anh, bác tài trả lời tiếng Mễ, hành khách ngồi phía sau tự hiểu, cứ thế mà « chuyện dài không đoạn kết » của anh và gã Mễ làm tôi cười thỏa thích.

Đây rồi đền Maya bé téo tẹo được tái tạo bằng đá ong trét xi măng đúng như chị Bích Huyền tuyên đoán, đã đến thì « người ơi người ở đừng về » chụp vài tấm hình làm « kỹ nghệ » một buổi giang nắng bên đống gạch đổ nát.

Trên đường đến Resort, bác tài dừng lại dọc đường để thiên hạ chụp hình mấy con sếu đỏ trên vùng nước lợ từ biển đổ vào vùng dân cư.

Quầy thức ăn của Resort đơn sơ hơn Island Passion, tôi lấy một dĩa trái cây dứa và dưa hấu, một dĩa cơm càri với cá xào ớt cay và ly Pina Colada có nước cốt dừa, dứa và rượu Rhum pha đá bào.

Bên bàn anh Đặng Minh không khí sinh động hẳn khi ban nhạc Mễ ghé vào giúp vui, nhóm bên nớ có máu văn nghệ gặp đồng nghiệp không réo gọi hò hát mới lạ.

Tôi theo chàng đi ra bải biển, tìm góc dừa hẻo lánh trốn nắng, gío biển mát rượi, tôi lim dim đánh một giấc trưa ngon lành.

Tôi chợt tỉnh giấc vì tiếng cười đùa của nhóm Cơ Khí, Điện đi xuống bải biển.

Chàng đi đâu đó về, hỏi tôi muốn uống gì ra quầy nước bên cạnh lấy cho tôi, tôi bảo một ly Pina có màu sữa đục, vài phút sau chàng mang cho tôi một ly trong veo, tôi lắc đầu ý nói không đúng.

Chàng chắc mẫm:

- Pina Colada đó, gã Mễ đổ thêm rượu vào nên mới trắng trong như thế.

Tôi nửa tin, nửa ngờ, uống thử, đúng là Margarita nồng nặc rượu uống nửa ly tôi suýt xỉn vì trong đó có Tequila, Marnier pha với nước chanh đường, chàng không rành nên phán bừa, tôi mà xỉn nói tiếng Mễ chắc chết thiên hạ.

Để chuộc lỗi chàng quay lại mang một ly bia, tôi bực bội nói nhỏ:

- Cưng ơi, Pina chứ không phải bia cưng ạ.

Chàng hoảng vía đi tìm ly Pina thứ thiệt cho tôi, vì khi được gọi là “Cưng” (Honey, Chéri) chàng biết ngay tôi sắp nổi cơn tam bành. Ở nhà , khi hai thằng con nghe mẹ nói “ông tía cưng của chúng mày” là chúng biết chiến sự sắp bùng nổ, hai đứa rút êm vào phòng.

Trước khi rời Resort tôi làm thêm hai ly Pina và không quên dúi cho gã pha rượu vài đô, với mình không bao nhiêu nhưng với họ thì khác.

Bữa cơm trưa hôm nay tôi ăn cơm với trái cây và uống nước giải khát pha rượu từ nhẹ tới mạnh gần một chục ly, ở đây rượu chè ngon hơn đảo Đam Mê nhiều.

Bữa cơm tối hôm đó tôi ngồi cạnh chị Nga, cơn ho dai dẳng vẫn chưa buông tha chị dù chị đã ăn không biết bao nhiêu lát gừng, chanh…, tôi đùa bảo chị uống rượu để hạ cơn ho.

Chị cười bật mí, trước khi lấy chồng chị từng là đại lý rượu nên không lạ gì các loại rượu, dĩ nhiên chị là dân sành điệu nên mấy ly rượu đỏ nhầm nhò gì với cơn viêm xoang kia.

Rời phòng ăn hai đứa tôi đi dạo chung quanh khu trưng bày hình chụp trên tàu, tìm đỏ con mắt mới thấy vài tấm của mình, bô hình hai đứa nhìn nhau theo chỉ dẫn của phó nhòm lãng mạng đâu không thấy mà sến chi đâu.

Tôi chọn tấm hình tương đối dễ nhìn, trả tiền hình xong, hai đứa lên boong tàu ngắm cảnh biển đêm, biển đen như mực nhìn phát sợ, trời vẫn còn oi nên gío biển thổi thật mát.

Ngày Thứ Năm, ngày cuối

 

Gần một tuần bạ món nào cũng ăn, ngày cuối trên du thuyền, sáng sớm tôi làm một ly mì cay, cho thêm hai trái ớt của vợ chồng anh Đặng Minh tặng bữa trước, vắt thêm hai múi chanh, giời ạ mì ly của tôi ngon tuyệt cú mèo.

MC Lan bà xã anh Thiết đi ngang chúng tôi thông báo chương trình văn nghệ bỏ túi chiều nay sau bữa cơm chiều trước khi mọi người chia tay.

Cô em tự nhận, lanh chanh, te rẹt, thật dễ mến, yêu cầu chúng tôi ghi tên bài hát để cô sắp xếp, Thủy run ngại hát một mình nên rủ tôi cùng hát bài « Quỳnh Hương », tôi lắc đầu từ chối sợ làm hỏng việc của người khác.

Hai đứa tôi lên boong tàu nằm hóng mát, anh Đà đi ngang “thuyết pháp” chuyện ngồi thiền của anh nghe cũng hay, nhưng hai đứa tôi chưa về hưu nên chưa nghĩ đến chuyện đó lúc này.

Cơm trưa hôm nay tôi thanh toán ly mì cuối cùng, ngày mai về nhà rồi, đúng như lời anh Lê Minh nói, đi Cruise quá ba ngày là thèm cơm phở, chi bằng mang theo một chục gói mì cho bỏ thèm, tôi chỉ có hai ly mì đợi đến ngày cuối ăn hết là vừa.

Cơm tối lần cuối tại phòng Washington, như thông lệ anh Tô Công Hiệp tiếp tục vào vai “trưởng phòng ăn” (Chef de salle) như trong khách sạn lớn giới thiệu với thực khách các món ngon, lạ miệng.

Theo lời anh, Thủy và tôi chọn món khai vị thịt thỏ chi đó tôi không nhớ tên gọi, kết quả ngoài sức tưởng tượng, thịt thỏ băm nhuyễn nhừ bằng đầu ngón tay cái đặt vào lỏm chiếc bánh sốp (như vỏ bánh pâté chaud) to gấp đôi cái nút chai rượu.

Thực đơn Tây là vậy đó, tên thức ăn thật hoa mỹ (như ở Sàigòn có món « tôm leo ly », năm sáu con tôm móc chung quanh thành ly), Tây có món ốc sên trên thảm hoa (Escargots sur lit de fleurs) là mấy con ốc sên nhồi thịt đặt trên vài lá sà lách và mấy cánh hoa cúc, hồng…

Cơm tối ở phòng Washington cũng chỉ chục món đổi qua đổi lại, chỉ khi mắt thấy miệng nhai mới biết món đó ngon hoặc dở, phần tráng miệng tôi kỵ bánh Tây, ngọt mặn tùm lum, trái cây y chang ở quầy tự chọn lầu 9, tôi lấy kem Vanille cho chắc cú không sợ hố.

Dù sao cũng phải cảm ơn anh Tô Công Tử đã « hy sanh » đi vòng vòng mấy bàn giải thích từng món ăn cho cả nhóm, cảm ơn mấy chai Cabernet – Sauvignon của anh Khải bắt cơm thật và khi tôi ăn phải món dở tệ hoặc mặn chát nhờ mấy ly rượu chữa lửa hữu hiệu lắm.

Như đã dự kiến tối cuối cùng nhóm nhạc bên Cơ Khí, Điện… sẽ có chương trình văn nghệ bỏ túi trong một phòng dành riêng cho chúng ta nhưng chỉ trong hai giờ thôi, vì sau đó phòng sẽ dành cho nhóm khác đến sinh hoạt.

Ca sĩ gà nhà thay nhau lên sân khấu, tôi tặng vài vị chiếc móc khóa có hình tháp Eiffel làm kỷ niệm.

Thủy hát bài “Quỳnh Hương” với anh Hải Đà.

Tôi cầm cánh hoa lài bà xã anh Đặng Minh tặng Thủy đưa cho anh Đại để anh lên tặng Thủy, chàng của tôi cầm máy quay của anh Đại ghi lại giây phút « hấp hôn » của hai người.

Bài cuối cùng « Ngày xưa Hoàng Thị » chị Hồng Vân bà xã anh Đặng Minh mời tất cả các chị lên sân khấu cùng hát, tôi hát không hay sợ làm hỏng ban hợp ca nhưng ngại chị Hồng Vân nài nỉ nên làm liều lên đại.

Trả phòng sinh hoạt cho du thuyền, cả nhóm kéo qua một phòng khác chơi tiếp, anh Đặng Minh thông báo một số điều cần biết ngày mai trước khi rời tàu như thanh toán mọi chi phí trong chuyến đi, vì khi ra đến cổng họ sẽ kiểm lại và ai chưa thanh toán hết bằng tiền mặt sẽ bị giữ lại để làm thủ tục cần thiết.

Năm ngày lênh đênh trên biển sẽ kết thúc, sáng mai tàu cặp bến Galveston, mọi người nhà ai nấy về.

Nói sao nhỉ, theo lời chị Nancy bà xã anh Kông, tôi có duyên gặp gỡ các chị Mai của anh Hải Đà, chị Trang của vũ sư Phước, chị Nga bà xã anh Võ Văn Khải, chị Hồng Vân bà xã anh Đặng Minh, cô em MC Lan của anh Thiết …, nên dù chỉ quen nhau lần đầu mà vẫn thấy mến nhau không cần qua sự đánh giá từ vóc dáng cho đến trang phục bên ngoài.

Ngạn ngữ Ta có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tôi đi Cruise năm ngày làm thân với một dàn các chị lịch lãm, cảm ơn các chị đã nối kết tình thân giữa những cô dâu của Đại Học Phú Thọ 74.

Thân chào tất cả anh chị tham dự Réunion 2017 tại Houston và nhóm đi Cruise Carnival Valor. Một lần gặp gỡ là một lần thân quen và quyến luyến, xin chúc tất cả trở về bình an và hẹn gặp lần sau nếu chúng ta có duyên với nhau.

Nov. 2017

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
04/01/201817:01:54
Khách
Cám ơn tác giả, một bài viết hay và hấp dẩn , cho những độc giả muốn đi cruise có thêm chút kinh nghiệm !
09/12/201716:06:04
Khách
Đúng đó chị Hằng, gặp bạn cũ vui quá nên chàng quên béng em luôn, may mà còn mấy bà dâu Phú Thọ cho em tâm tình.
Chúc anh chị luôn mạnh khoẻ và vui vẻ với gia đình con cháu.
08/12/201720:40:26
Khách
Không gì vui bằng gặp lại bạn cũ, phải không Đoàn Thị?
Chúc người đẹp và chàng luôn luôn hạnh phúc và dồi dào sức khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,409,345
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến